lev radin | Shutterstock |
Trong ngày này chúng ta có thể trở nên giống Chúa hơn. Đức Hồng y Comastri giải thích lý do tại sao.
Điều răn thứ ba dạy rằng: “giữ ngày Chúa nhật”, và người tín hữu chúng ta phải thực hành mỗi tuần bằng cách dành ngày Chúa nhật cho Thiên Chúa.
Nhưng tại sao chính xác phải là ngày Chúa nhật, mà không phải ngày nào khác, được coi là “ngày của Chúa?” Và tại sao chúng ta phải sống trong sự “đợi chờ ngày Chúa nhật”?
Đức Hồng Y Angelo Comastri, trả lời cho chúng ta câu hỏi này trong cuốn sách “23 Hồng y bình luận về Giáo lý Hội thánh Công giáo”, do Marco Italiano (ed. Tau Editrice) biên tập, sẵn sàng ra mắt vào 29 tháng 11 năm 2021.
Biểu tượng của sự hoàn hảo
Hồng y Comastri nói: “Chúng ta tự hỏi ngay rằng ngày lễ là gì? đâu là ý nghĩa và mục đích của nó? Chúng ta hãy trở về nguồn, từ sách Sáng thế”.
Sách viết như sau: “Ngày thứ bảy, Thiên Chúa đã hoàn thành công việc Người làm. Khi làm xong mọi công việc của Người, ngày thứ bảy, Thiên Chúa nghỉ ngơi. Thiên Chúa ban phúc lành cho ngày thứ bảy và thánh hoá ngày đó, vì ngày đó Người đã nghỉ, ngưng làm mọi công việc sáng tạo của Người” (St 2, 2-4).
Thông điệp gì ẩn sau những lời này? Theo Hồng y Comastri, “cần phải nhớ rằng các tác giả được linh hứng thường dùng biểu tượng về con số. Do đó, số 6 là biểu tượng của sự bất toàn, trong khi số 7 là biểu tượng của sự hoàn hảo”.
Ngày thứ sáu và việc tạo dựng
Khi lập luận như vậy, chúng ta cần quay lại trình thuật tạo dựng. “Con người (cả nam và nữ) được tạo ra sau cùng, và vì vậy - theo Đức Hồng y – đó là đỉnh cao của việc sáng tạo. Cho nên, nơi con người Thiên Chúa ghi dấu ấn riêng biệt, được giống như Thiên Chúa (vì vậy, con người là thụ tạo duy nhất của thế giới vật chất có khả năng suy tư và yêu thương theo nghĩa đầy đủ: và ở điểm này, con người đặc biệt giống như Thiên Chúa)”.
“Nhưng cần phải lưu ý, con người được tạo ra vào ngày thứ Sáu. Tức là, sự giống như Thiên Chúa của con người rất mong manh. Và do đó, con người phải liên tục trở về tựa nương vào Chúa để được thực sự là chính mình. Nghĩa là, con người phải sống ngày thứ Bảy, ngày trở về với Chúa và phục hồi để giống như Thiên Chúa”.
Ngày phục sinh
Thật vậy, Đức Hồng Y Comastri cảnh báo, "dấu hiệu giống như Chúa có thể bị hỏng và trở thành một bức tranh biếm họa!"
"Đối với người Kitô hữu chúng ta, thứ Bảy là ngày Chúa Nhật, tức là ngày Chúa Giêsu Phục Sinh, bởi vì, trong Chúa Giêsu Phục Sinh, Thiên Chúa đã hoàn tất việc phục hồi, cứu độ nhân loại: thật vậy, Chúa Giêsu Phục Sinh là khởi đầu của nhân loại mới được giải thoát khỏi tội lỗi và sự chết”.
"Chúng ta đang bước đi, đang tiến về phía Chúa Kitô Phục Sinh, hướng tới trời mới và đất mới, nơi sách Khải huyền đã đề cập".
Đây là lý do tại sao "chúng ta đang sống trong sự mong đợi về ngày này ("Chúng con loan truyền Chúa chịu chết và tuyên xưng Chúa sống lại cho tới khi Chúa đến”). Nhưng trong sự chờ đợi, người tín hữu chúng ta phải liên tục phục hồi đức tin, nuôi dưỡng đức cậy và đức mến”. Bằng cách nào? “Bằng cách kín múc dầu thánh trong ngày thứ Bảy, trong ngày của Chúa, ngày Chúa Nhật! Bằng cách tham dự Hy tế Thánh Thể qua việc lắng nghe Lời Chúa và kín múc lương thực thiêng liêng của Hy tế Thánh Thể”.
G. Võ Tá Hoàng
Aleteia