Bài giáo lý về lễ Giáng sinh của Đức Giáo hoàng Phanxicô trong buổi tiếp kiến chung tại hội trường Phaolô VI, sáng thứ Tư ngày 22/12/2021. Trong bài giáo lý này, ĐGH nhấn mạnh đến thái độ khiêm nhường của con người trước Chúa: “Chỉ có sự khiêm nhường mới là con đường dẫn đến Thiên Chúa... Chỉ có sự khiêm nhường mới mở ra cho chúng ta kinh nghiệm về chân lý, về niềm vui đích thực, về tri thức có giá trị. Không có khiêm nhường chúng ta “bị cắt lìa”; chúng ta bị cắt lìa khỏi sự hiểu biết về Thiên Chúa và nhận thức về chính mình".
Anh chị em thân mến
Hôm nay, trước lễ Giáng sinh vài ngày, tôi muốn cùng anh chị em nhớ lại biến cố mà lịch sử không thể bỏ qua: Chúa Giêsu ra đời.
Vì tuân theo sắc lệnh của hoàng đế Cesar Augustô, truyền phải đăng ký hộ tịch tại quê quán của mình, Thánh Giuse và Mẹ Maria đi từ Nazarét xuống Bêlem. Vừa đến nơi, hai đấng lập tức tìm chỗ trọ, vì Đức Maria sắp đến ngày sinh. Nhưng chẳng may họ không tìm được chỗ nào, và vì thế Đức Maria buộc phải sinh con trong chuồng bò (x. Lc 2,1-7).
Anh chị em nghĩ xem: Đấng Tạo thành vũ trụ.... Ngài không có được một nơi để sinh ra! Có lẽ đó là một dự báo cho điều thánh sử Gioan đã nói: “Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận” (Ga 1, 11); và về điều mà chính Chúa Giêsu sẽ nói: "Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu" (Lc 9, 58).
Một thiên thần đã loan báo Chúa Giêsu ra đời, và thiên thần cũng loan báo điều đó cho các mục đồng thấp hèn. Và một ngôi sao chỉ đường các các đạo sĩ đến Bêlem (Mt 2,1.9-10). Thiên thần là sứ giả của Thiên Chúa. Ngôi sao nhắc nhớ rằng Thiên Chúa đã tạo ra ánh sáng (St 1,3) và Hài nhi sẽ là “ánh sáng cho thế gian”, như chính Chúa Giêsu đã tự xác nhận (x. Ga 8, 12.46), Ngài là “Ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người” (Ga 1,9), là “Ánh sáng chiếu soi trong bóng tối, và bóng tối đã không diệt được ánh sáng” (c. 5).
Các mục đồng hiện thân của những dân nghèo Israel, những người khiêm nhường trong lòng, sống với ý thức về sự thiếu thốn của mình và vì lý do này mà họ tin cậy vào Thiên Chúa hơn vào người khác. Họ là những người đầu tiên nhìn thấy Con Thiên Chúa làm người, và cuộc gặp gỡ này đã thay đổi họ cách sâu xa. Tin mừng chép lại rằng họ ra về “vừa đi vừa tôn vinh ca tụng Thiên Chúa, vì mọi điều họ đã được mắt thấy tai nghe, đúng như đã được nói với họ” ( Lc 2,20).
Xung quanh Chúa Giêsu vừa mới sinh còn có các đạo sĩ (x. Mt 2,1-12). Các Tin mừng không nói cho chúng ta biết họ là vua, cũng không nói đến bao nhiêu người hay tên tuổi của họ. Chúng ta chỉ biết chắc chắn rằng họ đến từ một đất nước xa xôi ở phương Đông (có lẽ là từ Babylon, Arập hay nước Ba Tư thời bấy giờ), họ lên đường tìm kiếm Vua dân Do Thái, mà trong lòng họ đồng nhất vị vua đó với Thiên Chúa, bởi vì họ nói rằng họ muốn thờ lạy Người. Các đạo sĩ đại diện cho các dân ngoại, đặc biệt cho tất cả những ai đã tìm kiếm Chúa và lên đường tìm kiếm người qua hàng thế kỷ. Họ cũng đại diện cho những người giàu có, quyền lực, nhưng chỉ cho những người không làm nô lệ cho của cải, không làm nô lệ cho những “chiếm hữu” là những thứ mà họ nghĩ rằng họ đang sở hữu.
Thông điệp của các Tin mừng rất rõ ràng: Chúa Giêsu ra đời là một sự kiện phổ quát có liên quan đến toàn thể nhân loại.
Anh chị em thân mến
Chỉ có sự khiêm nhường mới là con đường dẫn đến Thiên Chúa, và đồng thời, một khi nó dẫn chúng ta đến Thiên Chúa thì nó cũng đưa chúng ta đến với điều cốt yếu của cuộc sống, đến với ý nghĩa chân thật nhất của nó, đến với lý do khả tín nhất qua đó cho thấy tại sao cuộc sống này thực sự đáng sống .
Chỉ có sự khiêm nhường mới mở ra cho chúng ta kinh nghiệm về chân lý, về niềm vui đích thực, về tri thức có giá trị. Không có khiêm nhường chúng ta “bị cắt lìa”; chúng ta bị cắt lìa khỏi sự hiểu biết về Thiên Chúa và nhận thức về chính mình. Cần phải sống khiêm tốn để chúng ta hiểu được bản thân mình, hiểu biết về Thiên Chúa nhiều hơn. Các đạo sĩ cũng có thể là những người vĩ đại theo logic của thế gian, nhưng họ đã trở nên nhỏ bé, khiêm nhường và chính vì thế họ đã tìm được Chúa Giêsu và đã nhận ra Ngài. Họ chấp nhận hạ mình để tìm kiếm, bắt đầu lên đường, hỏi thăm, chấp nhận rủi ro, sai lầm….
Mỗi người, trong sâu thẳm của tâm hồn, được mời gọi để tìm kiếm Chúa: tất cả chúng ta đều có sự khắc khoải đó và công việc của chúng ta không phải là để dập tắt sự khắc khoải đó, nhưng để cho nó được lớn lên bởi vì đây chính là sự khắc khoải kiếm tìm Thiên Chúa; và nhờ chính ơn sủng của Chúa, ta có thể tìm được Ngài. Chúng ta hãy đọc lời nguyện của thánh Anselmô (1033-1109): “Lạy Chúa, xin dạy con biết tìm kiếm Chúa. Xin tỏ cho con thấy khi con tìm Chúa. Con không thể tìm được Chúa nếu Chúa không dạy cho con biết cách; con cũng không gặp được Chúa nếu Chúa không tỏ cho con thấy. Xin cho con biết tìm Chúa bằng cách khao khát Chúa và khao khát Chúa để kiếm tìm Chúa! Xin cho con được gặp Chúa bằng cách tìm kiếm Chúa và yêu mến Chúa khi gặp được Chúa” ( Proslogion, 1).
Anh chị em thân mến,
Tôi muốn mời tất cả mọi người đến hang đá Bêlem để thờ lạy Con Thiên Chúa làm người. Mỗi người chúng ta hãy đến gần máng cỏ ở nhà mình, trong nhà thờ hay nơi khác, cố gắng thực hiện một hành vi thờ phượng, lòng thầm nhủ: “Con tin rằng Ngài là Thiên Chúa, hài nhi này là Thiên Chúa. Xin ban cho con ơn khiêm nhường để con có thể hiểu được”.
Khi đến gần máng cỏ và cầu nguyện, tôi muốn đặt những người nghèo ở hàng đầu tiên, – như Đức Phaolô VI đã khích lệ - “Chúng ta phải yêu thương, bởi vì cách nào đó, họ là bí tích của Chúa Kitô; trong họ - nơi những người đói khát, ly hương, trần truồng, đau yếu và tù đày - Chúa đã muốn hóa thân cách mầu nhiệm. Chúng ta phải giúp đỡ họ, cùng đau khổ với họ, và ngay cả đi theo họ, bởi vì nghèo khó là con đường chắc chắn nhất để sở hữu trọn vẹn Nước Chúa” (Bài giảng , ngày 1/5/1969). Vì thế, chúng ta phải xin sự khiêm nhường như một ân sủng: “Lạy Chúa, xin đừng để con kiêu ngạo, tự cao tự đại, đừng để con nghĩ mình là trung tâm của vũ trụ. Xin cho con biết khiêm nhường. Xin ban cho con ơn biết khiêm nhường. Và nhờ khiêm nhường con có thể gặp thấy Chúa”. Đó là con đường duy nhất, không có sự khiêm nhường chúng ta sẽ không bao giờ tìm thấy Chúa: chúng ta sẽ thấy chính mình. Bởi vì người không khiêm nhường thì không có những triển vọng phía trước, họ chỉ có tấm gương để tự soi mình. Chúng ta xin Chúa phá vỡ tấm gương đó và xin Chúa ban cho chúng ta khả năng nhìn xa hơn, tới chân trời, nơi Chúa đang ở. Nhưng Chúa phải làm điều này: để ban cho chúng ta ơn sủng và niềm vui của sự khiêm nhường để thực hiện con đường này.
Và sau nữa, thưa anh chị em, như ngôi sao làm cho các đạo sĩ, tôi muốn cùng đến Bêlem với tất cả những người không có niềm khắc khoải tôn giáo, không biết đặt vấn đề về Thiên Chúa, hoặc thậm chí chống lại tôn giáo, tất cả những người được gọi là vô thần cách không chính đáng. Tôi muốn lặp lại cho họ sứ điệp của Công đồng Vatican II: “Giáo Hội tin rằng nhìn nhận Thiên Chúa không có gì nghịch lại với phẩm giá con người, vì phẩm giá ấy đặt nền tảng và nên hoàn hảo trong chính Thiên Chúa […] Giáo Hội đã biết rõ sứ điệp của mình phù hợp với những khát vọng thầm kín nhất của lòng người” ( Gaudium et spes , 21).
Chúng ta về nhà với lời chúc của các thiên thần : “Bình an dưới thế cho người Chúa yêu thương”. Và chúng ta luôn nhớ rằng : “Không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng Chúa đã yêu thương chúng ta […] Ngài đã yêu thương chúng ta trước (1Ga 4, 10-19), đã tìm kiếm chúng ta. Anh chị em đừng quên điều này.
Đây là lý do cho niềm vui của chúng ta: chúng ta được yêu thương và được Thiên Chúa kiếm tìm, Ngài tìm chúng ta để gặp chúng ta, để yêu thương chúng ta nhiều hơn. Đây là lý do của niềm vui: khi biết rằng chúng ta được yêu thương mà không do công trạng của mình, chúng ta được Thiên Chúa yêu thương trước, một tình yêu cụ thể đến nỗi đã mặc lấy xác phàm và đã đến cư ngụ giữa chúng ta, trong một Hài nhi mà chúng ta thấy trong máng cỏ. Tình yêu này có một tên gọi và một khuôn mặt: Chúa Giêsu là cái tên và là khuôn mặt của tình yêu đang là nền tảng cho niềm vui của chúng ta.
Anh chị em thân mến,
Tôi chúc cho anh chị em một mùa Giáng sinh an lành, hạnh phúc và thánh thiện. Tôi muốn điều đó – vâng, sẽ có những lời chúc an lành, những cuộc đoàn tụ gia đình, đây luôn là điều tuyệt vời, - nhưng cũng phải ý thức rằng Thiên Chúa đến “vì tôi”. Mỗi người nên nói câu này: Thiên Chúa đến vì tôi. Ý thức rằng việc tìm gặp Thiên Chúa, đón nhận Chúa cần phải khiêm nhường: tìm kiếm ân sủng với lòng khiêm nhường nhằm phá vỡ tấm gương của phù phiếm, kiêu căng, khi soi mình. Hãy nhìn Chúa Giêsu, về chân trời, nhìn về Thiên Chúa, Đấng đã đến với chúng ta, chạm vào con tim với niềm khắc khoải rằng Ngài sẽ mang đến niềm hy vọng cho chúng ta.
Kính chúc mùa Giáng sinh vui vẻ và thánh thiện.
G. Võ Tá Hoàng