Hầu như không có bất kỳ chứng cứ nào, nhưng các hành động tàn ác tương tự mà Hêrôđê đã mắc phải thì ai cũng biết.
Vụ thảm sát các Thánh Anh Hài, giống như sự kiện Ngôi sao của các Đạo sĩ trong Tin mừng về thời thơ ấu của thánh Matthêu. Các đạo sĩ đã hỏi vua dân Do Thái (Mt 2, 1), và Hêrôđê, là người tự cho mình như vậy, đã bày ra một mưu kế để khám phá xem ai có thể là người soán ngôi của mình, ông yêu cầu các đạo sĩ cho ông biết tin lúc quay về.
Khi biết được các đạo sĩ trở về bằng một con đường khác, ông “đùng đùng nổi giận, sai người đi giết tất cả các trẻ nam ở Bêlem và toàn vùng lân cận, từ hai tuổi trở xuống, tính theo ngày tháng mà các đạo sĩ đã cho ông biết chính xác” (Mt 2, 16).
Đoạn nói về các Thánh Anh Hài gợi lên các tình tiết khác trong Cựu ước: Theo sách Xuất hành, ngay cả Pharaon cũng ra lệnh giết hết tất cả trẻ sơ sinh của người Do Thái, nhưng Môsê, người sau này sẽ giải phóng dân tộc (Xh 1, 8-2,10), đã được cứu thoát. Thánh Matthêu cũng nói rằng, việc tử đạo của những đứa trẻ đó đã ứng nghiệm lời của tiên tri Giêrêmia (Gr 31, 15): dân Israel bị lưu đày, nhưng Thiên Chúa đã đưa họ ra khỏi lưu đày, và trong cuộc xuất hành mới, Ngài sẽ dẫn họ đến miền đất hứa khi họ cam kết giữ giao ước mới của Ngài (Gr 31, 31).
Ý nghĩa của đoạn này xem ra rõ ràng: những kẻ quyền thế có thể dùng mọi thử thách, nhưng họ không thể chống lại chương trình cứu rỗi loài người của Thiên Chúa.
Liệu vụ thảm sát các Thánh Anh Hài là một sự thật lịch sử?
Chúng ta xem lại tính lịch sử về cuộc tử đạo của các hài nhi vô tội, một tình tiết mà chúng ta có manh mối duy nhất từ thánh Matthêu.
Theo logic của nghiên cứu lịch sử hiện đại, nói rằng “Testis unus, testis nullus”, nghĩa là một lời chứng đơn lẻ thì không có giá trị. Người ta dễ dàng nghĩ rằng, vụ thảm sát các trẻ em ở Bêlem, một ngôi làng có dân cư ít ỏi, số lượng không đáng kể, và vì thế nó không được ghi lại trong sử biên niên. Điều chắc chắn đó là sự hung bạo được phơi bày qua sự kiện này phù hợp với sự tàn ác mà Flavius Joseph đã kể về vua Hêrôđê: ông làm cho anh rể của mình là Aristobul chết ngạt, những điều này khi đó khiến ông trở nên nổi tiếng (Do Thái cổ đại 15 và 54-56), ông cũng đã sát hại nhạc phụ Ircano II (15 & 247-251), một người anh rể khác là Costobarus (15 & 247-251), và vợ của mình là Marianna (15, & 222-239). Những năm cuối đời, ông cũng giết hai thái tử, Alexander và Aristobulus (16 và 130-135), và trước khi chết năm ngày một người con trai khác là Antipater cũng bị giết chết (17 và 145). Cuối cùng ông hạ lệnh rằng ngay sau khi ông chết, một số người có vai vế trong triều phải bị xử tử, để dân Do Thái, dù muốn hay không, có lý do khóc cho cái chết của ông (17 và 173-175).
Thư mục
- A. Puig, Jesús. Una biografía, Destiny, Barcelona 2005
- S. Muñoz Iglesias, Los evangelios de la infancia. IV, BAC, Madrid 1990
- J. Danielou, Los evangelios de la infancia, Herder, Barcelona 1969.
Đóng góp này dựa trên một bài báo của Vicente Balaguer trong loạt bài “50 câu hỏi về Chúa Giêsu”, được xuất bản trên trang web chính thức của Opus Dei ở Tây Ban Nha.
G. Võ Tá Hoàng