(Bảy “con đường hiệp hành” trong áp dụng mục vụ)
Dẫn nhập:
Ngày 10.10.2021, tại Giáo đô Rôma, Giáo Hội hoàn vũ đã long trọng khai mạc Thượng Hội Đồng Giám Mục thường kỳ lần thứ XVI mà chủ đề được chọn làm tâm điểm để nghị trình trong suốt tiến trình Thượng Hội Đồng (tháng 10/2021 – tháng 10/2023) đó là: HƯỚNG TỚI MỘT GIÁO HỘI HIỆP HÀNH: HIỆP THÔNG, THAM GIA VÀ SỨ VỤ[1].
Trước hết, khái niệm “hiệp hành” (synodality, synodalité) không phải là mới trong kho tàng tư tưởng và ngôn ngữ của Hội Thánh. Riêng tại Việt Nam, để dịch nghĩa từ “Synodality” (Anh ngữ), “Synodalité” (Pháp ngữ) sang tiếng Việt thì có một số người với một số từ được chọn dịch như:
- Dịch giả Lê Công Đức: dùng từ “Liên Hợp”[4].
- Một dịch giả ẩn danh: dùng từ “Hội Đồng”[5].
Riêng từ “Hiệp Hành” được HĐGMVN sử dụng lần đầu tiên trong bản dịch Việt ngữ tông huấn Christus Vivit (Chúa Kitô đang sống) với bản dịch của Đức Giám Mục Luy Nguyễn Anh Tuấn và nhóm hiệu đính HĐGMVN: Một mục vụ mang tính hiệp hành (synodalité): Mục vụ giới trẻ phải mang tính “hiệp hành” (synodale), nghĩa là có khả năng liên kết trong “một hành trình chung”, điều đó bao hàm “sự quý trọng các đặc sủng mà Chúa Thánh Thần ban cho mỗi thành viên trong Giáo Hội theo ơn gọi và vai trò của mình, đồng thời sẽ thúc đẩy mọi thành viên tham gia gánh vác trách nhiệm. […] (CKTĐS 206). Và hôm nay, từ “Hiệp Hành” được sử dụng cách chính thức và thường xuyên trong các văn bản liên quan đến Thượng Hội Đồng Giám Mục lần thứ XVI: “Hướng đến một Giáo Hội hiệp hành”.
Thế nhưng, bài viết nầy không nhằm dừng lại ở “khái niệm” hay “từ ngữ”; bởi vì cái thói “sính chữ nghĩa, bắt bẻ ngôn từ, chẻ sợi tóc ra làm tư…” có thể khiến chúng ta, Giáo Hội chúng ta… “chết lâm sàng trên cái mớ mỹ từ” đó mà không có được một hành động cụ thể hay một kết quả mục vụ thực tiển nào ! Và đây chính là điều được Thượng Hội Đồng lưu ý ngay từ đầu: “Hãy nhớ rằng mục đích của Thượng Hội Đồng, và do đó của cuộc thỉnh ý này, không nhằm tạo ra các tài liệu, mà là “để gieo mầm ước mơ, rút ra các lời tiên tri và thị kiến, cho phép hy vọng nảy nở, khơi dậy niềm tin, băng bó các vết thương, cùng nhau đan kết các mối tương quan, đánh thức bình minh hy vọng, học hỏi lẫn nhau và mang lại một khả năng sáng tạo giúp khai mở trí tuệ, sưởi ấm trái tim, tiếp thêm sức mạnh cho đôi tay” (TLCB 32).
Và sau đây là một số đề nghị như những “con đường hiệp hành”, những giải pháp mục vụ mang chiều kích “hiệp hành” để áp dụng cụ thể vào nhịp sống dân Chúa hôm nay:
1. Hiệp hành kiểu “Giang Nam thất quái”[6] trong “Anh hùng xạ điêu” của Kim Dung: Hiệp hành trong mục vụ giáo dục – đào tạo.
Ai đã từng đọc truyện kiếm hiệp của tác giả Kim Dung, đặc biệt, cuốn trường thiên tiểu thuyết “Anh hùng xạ điêu”, đều không quên nhóm hành hiệp giang hồ xuất hiện ngay chương đầu của câu chuyện: Giang Nam thất quái hay Giang Nam thất hiệp. Đó là nhóm bảy vị hiệp lữ giang hồ ở Giang Nam gồm: Đại hiệp Phi thiên biển đức Kha Trấn Ác bị mù, nhị hiệp Diệu thủ thư sinh Chu Thông, tam hiệp Mã vương thần Hàn Bảo Câu, tứ hiệp Nam sơn tiểu tử Nam Hi Nhân, ngũ hiệp Tiểu di đà Trương A Sinh, lục hiệp Náo thị hiệp ẩn Toàn Kim Phát, thất (nữ) hiệp Việt nữ kiếm Hàn Tiểu Oanh.
Bảy nhân vật nầy đã chơi thân với nhau từ thời niên thiếu; và khi trưởng thành đã kết nghĩa thâm giao bạn hữu, sống chết có nhau cùng hành hiệp trượng nghĩa. Do một cuộc “ân oán giang hồ”, nhóm Giang Nam thất quái cùng với đạo sĩ Khưu Xứ Cơ thuộc phái Toàn Chân, giao kết với nhau: mỗi bên sẽ tìm cho được hai bà mẹ đang mang thai thất lạc: Lý Bình vợ của Quách Thiếu Thiên và Bao Tích Nhược vợ của Dương Thiết Tâm, cả hai mất tích sau vụ cả hai nhà bị kiếp nạn, hai phu quân, một chết một bị thương nặng và cũng mất tích. Giang Nam thất quái tìm Lý Bình để bảo bọc dạy dỗ cho Quách Tỉnh (con của Quách Thiếu Thiên) và Khưu Xứ Cơ tìm Bao Tích Nhược và dạy dỗ cho Dương Khang (con của Dương Thiết Tâm).
Cuối cùng, Giang Nam thất hiệp đã tìm được mẹ con Quách Tỉnh tận miền Mông Cổ xa xôi và đã dày công suốt 18 năm trường để đào tạo cho Quách Tỉnh, không những võ công mà còn dạy chữ “Lễ”, tức cách ứng xử “làm người”, người quân tử, người trượng nghĩa. Chính nhờ “Bảy Vị Sư phụ” đạo đức, tận tâm, hết tình hết nghĩa nầy, Quách Tỉnh sau 18 năm, đã trở nên một thanh niên trưởng thành với đầy đủ nhân cách, phẩm hạnh cùng với bản lãnh võ công cao cường…
Trong khi đó, đạo sĩ Khưu Xứ Cơ, cũng tìm gặp được mẹ con Dương Khang, nhưng trớ trêu lại ở nơi cung đình xa hoa phú quý của người Kim, đang là nước địch thù của dân Tống. Và vì chỉ có thể dạy võ công mà không có cơ hội để “dạy làm người” dạy “Lễ”, nên sau nầy Dương Khang đã trở nên một con người bại hoại và đã bị chết thảm do chính những hành vi thương luân bại lý của mình.
Ngẫm chuyện: với 7 vị sư phụ, đồng tâm hiệp lực, để suốt 18 năm dạy chỉ 1 người cả văn lẫn võ, cả “ngón nghề để phòng thân” và “nghệ thuật để làm người”: đó không là một bài học đắt giá cho “mục vụ giáo dục-đào tạo” của chúng ta hôm nay sao ! Liệu các ban Giám Đốc các chủng viện, các ban Đào tạo của các Dòng tu có trở thành một khối “huynh đệ cốt tử”, đồng tâm hiệp lực, đồng chí tận cùng như “Giang Nam thất hiệp” để kiên trì dài lâu đào tạo ra những con người tốt đẹp, trượng nghĩa, như Quách Tĩnh ! Trong chương trình “mục vụ hiệp hành” của Hội Thánh hôm nay, thiết tưởng phải tập chú ngày đến chiều kích hiệp hành trong công tác giáo dục. Chúng ta không thể có những mục tử, những linh mục, tu sĩ có phẩm chất “hiệp hành” nếu họ được đào tạo bởi những nhóm người chia rẽ, cá nhân, thiếu hiệp nhất… Đó là chưa kể, khi họ phải chứng kiến chính những nhà đào tạo gây gương mù gương xấu về sự hiệp nhất và đức bác ái yêu thương của Tin Mừng ! Dĩ nhiên, khi nói đến “mục vụ giáo dục – đào tạo”, không chỉ dừng lại ở môi trường chủng viện hay Dòng tu, mà liên quan đến mọi công cuộc giáo dục và đào tạo nhân sự của toàn thể Dân Chúa, của Giáo phận, giáo xứ…
Đây phải chăng cũng chính là nội dung ý nghĩa của “câu hỏi thứ 10” trong “Thập Vấn” mà tài liệu Vademecum đã gợi ý: “Cộng đồng Giáo Hội chúng ta đào tạo những con người ngày càng có khả năng “cùng nhau cất bước hành trình”, lắng nghe nhau, dấn thân vào sứ vụ và tham gia đối thoại như thế nào? Chúng ta đào tạo thế nào để thúc đẩy sự phân định và thực thi quyền bính theo phương cách hiệp hành?” (VADEMECUM 5.3/10).
2. Hiệp hành kiểu “Bóng đá tổng lực” hay “Cơn lốc màu da cam” của Hà Lan[7]: Hiệp hành trong Mục vụ chỉ huy và điều phối nhân sự:
Một trong những ấn tượng sâu sắc nhất trong lịch sử các kỳ “thế vận bóng đá” (world cup), đó là hình ảnh “Cơn lốc màu da cam” và cuộc trình diễn ngoạn mục và đầy thuyết phục của chiến thuật “bóng đá tổng lực” được đội bóng của huấn luyện viên Rinus Michels, đội Hà Lan, thể hiện trên sân vận động Munchen Tây Đức trong trận chung kết mùa World cup 1974.
Gần như cho tới trước năm 1974, chiến thuật của hầu hết các đội bóng trên thế giới đều áp dụng, đó là “phân chia đội hình với các trách nhiệm cụ thể”: tiền đạo, tiền vệ, hậu vệ, thủ môn… ai lo phận nấy. Công việc ghi bàn để đem về chiến thắng quyết định hầu hết là dành cho các tiền đạo giỏi; và vì thế, những vận động viên nầy thường “tả xung hữu đột” gần như đơn độc trước hàng phòng ngự của đối phương…
Nhưng trong trận chung kết World cup 1974 thì khán giả thế giới đã mãn nhãn đến sững sờ, khi trên “thảm cỏ xanh của sân vận động thế vận Munchen (Olympiastation, Munchen)” bị tràn ngập, bao phủ bởi một “khối vàng cam” khi lên, khi xuống, khi tản ra, khi xúm lại, như một “cơn lốc” hoà quyện; đến độ, không ai có thể đoán được cầu thủ nào là tiền đạo, tiền vệ, trung quân, hậu vệ ! Bởi vì, trừ thủ môn, cả 10 cầu thủ trên sân đều liên tục hoán chuyển cho nhau ở bất cứ vị trí nào, nhiệm vụ nào. Và đó chính là “bóng đá tổng lực” (Total Football), nghĩa là một chiến thuật đá bóng dựa trên lý thuyết căn bản: mọi cầu thủ đều tham gia như nhau, hết mình ở bất cứ vị trí nào, công cũng như thủ, được liên tục hoán chuyển, để làm nên một “sức mạnh tổng hợp”, toàn đội, chứ không chú trọng hoặc ỷ lại vào một ít “siêu sao”[8].
Đó không là một cách diễn tả rõ ràng và cụ thể cho ý nghĩa “Hiệp Hành” đó sao ! Trong Giáo Hội chúng ta hôm nay, việc phối trí trách nhiệm, phân chia công tác… rất nhiều khi vẫn còn dựa trên “chiến thuật cũ”: mánh mung, đơn lẽ; kẻ làm chết xác, người nghỉ tà tà; đôi khi, linh mục không tín nhiệm đủ giáo dân, chuyện gì cũng “bao cân”, hoặc quanh quẩn chỉ tin cẩn một số người thân tín, đến độ làm giáo dân nãn lòng, hết muốn cọng tác… ; và thế là, cả cộng đoàn đi xuống, mệt mỏi, bệ rạc, phân rẽ…
Nhưng cuối cùng, điều quan trọng mà chúng ta không được quên về “Cơn lốc mà da cam”, đó là vai trò của huấn luyện viên Rinus Michels[9]. Vâng, người huấn luyện, người điều phối, người thổi hơi, người quy tụ, gợi hứng… để tất cả các vận động viên đều “hiệp hành” thi đấu và dành chiến thắng cuối cùng, người đó thật là quan trọng.
Chúng ta đang là những ai và áp dụng “chiến thuật” nào trên các “vận động trường mục vụ” của Hội Thánh ? Và đây cũng chính là “câu hỏi thứ 8” trong “Thập Vấn” mà tài liệu VADEMECUM gợi ý: “Làm thế nào để cộng đoàn Giáo hội chúng ta nhận ra các mục tiêu phải theo đuổi, con đường để đạt tới và những bước đi phải thực hiện? Cách hành sử uy quyền hay cai quản trong Giáo hội địa phương của chúng ta thế nào? Việc thực hiện cách làm việc theo nhóm và tinh thần đồng trách nhiệm thì thế nào? Việc đánh giá được chỉ đạo thế nào và ai chỉ đạo? Các thừa tác vụ và trách nhiệm của giáo dân được khích lệ/xúc tiến ra sao? Chúng ta đã có những kinh nghiệm hiệp hành sinh hoa kết quả/hiệu quả ở cấp địa phương hay chưa? Các đội ngũ hiệp hành hoạt động ra sao ở cấp Giáo hội địa phương (các hội đồng mục vụ giáo xứ, hội đồng linh mục, v.v…)? Chúng ta có thể đẩy mạnh sự tiếp cận mang tính hiệp hành nhiều hơn trong sự tham gia và lãnh đạo của chúng ta thế nào?” (VADEMECUM 5.3/8).
3. Hiệp hành kiểu “Tiếng trống Drum Tao” của người Nhật, hay Ban nhạc SIERVAS của các nữ tu Dòng Servants tại Peru[10]: Hiệp hành trong mục vụ văn hóa – nghệ thuật:
Tại các sân khấu và tụ điểm âm nhạc, người trẻ luôn chiếm đa số về lượng khán giả cũng như thành phần nghệ sĩ biểu diễn. Nhiều ban nhạc, ca sĩ trẻ rất thành công và thành danh. Trong số đó, có một “đội trống” mang tên “Drum Tao” của Nhật Bản đã khiến cả thế giới ngã nón thán phục mỗi khi chiêm ngưỡng họ trình diễn.
Ngoài tính nghệ thuật biểu diễn trống độc đáo, đầy sáng tạo, nghệ thuật, linh động, mang “dáng đứng” mạnh mẽ, oai hùng, xuất thần… theo phong cách “Samurai” của xứ sở “Mặt trời”, điều đáng nói chính là “môi trường sống và huấn luyện” của ban trống nầy.
Thật vậy, ban trống này, từ khi được thành lập năm 1993, đã chọn một ngôi làng gần vườn quốc gia Aso-Kuju trên đảo Kyushu và đặt tên cho nơi đây là “Grandioso” (Một từ ngữ âm nhạc có nghĩa hùng tráng), để toàn bộ hàng trăm thành viên cùng sống chung, tập luyện, sáng tác, dựng bài… theo một kỷ luật khe khắt, chẳng khác nào một “tu viện”[11].
Sống chung, đam mê chung, tập luyện chung và với một kỷ luật chung… phải chăng nhờ cái tính “chung” đặc biệt đó mà đội trống Drum Tao đã tồn tại gần 2 thập kỷ và vẫn còn là một đội trống có sức hấp dẫn nhất trên thế giới hôm nay.
Nhân tiện nói đến đội trống “Drum Tao” của Nhật Bản, chúng ta đừng quên một Ban nhạc đặc biệt đã gây ấn tượng lớn trong cuộc Đại Hội Quốc Tế Giới Trẻ lần thứ 34 tại Panama: Đó là ban nhạc Rock and Roll mang tên SIERVAS (Tiếng Tây ban Nha có nghĩa là các tôi tớ) của các nữ tu Dòng Servants of the Plan of God, được thành lập năm 2014 tại Lima, bao gồm 11 nữ tu tại Peru và các nữ tu khác đến từ 5 quốc gia: Nhật Bản, Ecuador, Trung Quốc, Costa Rica và Chí Lợi. Ban nhạc “nữ tu quốc tế” nầy đã đi trình diễn tại 11 quốc gia và luôn trung thành với tôn chỉ: dùng âm nhạc để rao giảng Tin mừng[12].
Trong lãnh vực văn hóa nghệ thuật, có lẽ mảng “âm nhạc” luôn là môi trường hấp dẫn và quy tụ nhiều người. Giới nghệ sĩ Công Giáo đang dấn thân trong môi trường nầy cũng không hề nhỏ. Tuy nhiên, tại Việt Nam chúng ta, hầu hết những đối tượng nầy đều hoạt động riêng lẽ, cá nhân, tự phát tự diệt…; và nhất là thiếu một năng lực “làm chứng”, có khi lại là “phản chứng”. Cần phải có kế hoạch “hiệp hành” để quy tụ, hướng dẫn, đầu tư… hầu tạo điều kiện để họ được nâng đỡ, hiểu biết sứ mệnh và có được môi trường thuận lợi để trở thành những khí cụ hữu hiệu trong công cuộc loan báo Tin Mừng.
Đó là chưa kể các loại hình văn hóa khác: văn học, văn chương, kịch nghệ, điện ảnh, hội họa, kiến trúc, điêu khắc…, trong đó có những bộ môn mà đã có thời Hội Thánh từng là kẻ “cầm chịch”, đi đầu; nhưng hôm nay, gần như Giáo Hội đang chào thua, tụt hậu… Việc thực thi sứ mệnh loan báo Tin Mừng chỉ có thể thành công khi chúng ta vận dụng thành công các loại hình văn hóa nghệ thuật đi vào đời sống đức tin. Trong “nghệ thuật đồng hành của Giáo Hội” không một “bộ môn nào”, một “đối tượng nào”, một ‘lãnh vực nào” bị bỏ lại bên lề. Đó là điều được Thượng Hội Đồng nêu lên nơi “câu hỏi thứ nhất” trong “Thập Vấn” của VADEMECUM: “Trong Giáo Hội địa phương của chúng ta, ai là những người “cùng nhau cất bước hành trình”? Ai là những người đường như xa hơn? Là những người đồng hành, chúng ta được kêu gọi để thăng tiến như thế nào? Các nhóm và cá nhân nào vẫn còn ở bên lề?” (VADEMECUM 5.3/1).
4. Hiệp hành kiểu “lắng nghe tiếng khóc” hay “em ngã chị nâng” của Thế vận hội khuyết tật Seattle 2018: Hiệp hành khi biết lắng nghe và dìu nhau tiến bước[13].
Trong lịch sử thi đấu của các đại hội Olympic thế giới cũng như khu vực, đặc biệt, thế vận hội dành cho những người khuyết tật (Paralympic Games)[14], có một kỳ “thế vận hội đặc biệt” được tổ chức tại Seattle, tiểu bang Washington, Hoa Kỳ năm 2018, đã để lại trong lòng khán giả thế giới một ấn tượng sâu sắc, cảm động và đầy tính nhân văn. Và đây là câu chuyện cảm động đó:
“Tại Thế Vận Hội đặc biệt Seattle (dành cho những người tàn tật) có 9 vận động viên đều bị tổn thương về thể chất hoặc tinh thần, cùng tập trung trước vạch xuất phát để tham dự cuộc thi chạy đua 100m. Khi cờ hiệu phất lên, tất cả đều lao đi với quyết tâm chiến thắng. Trừ một cậu bé. Cậu cứ bị vấp té liên tục ngay sát vạch xuất phát. Đầu gối của cậu đập mạnh xuống đường, da của cậu bị trầy xước, rớm máu. Và cậu bật khóc. Khi tám người kia nghe tiếng khóc, giảm tốc độ và ngoái lại nhìn. Rồi, họ quay trở lại. Tất cả, không trừ một ai! Một cô gái bị hội chứng Down dịu dàng cúi xuống hôn cậu bé: “Như thế này, em sẽ thấy tốt hơn”. Cả 7 người còn lại cùng ngồi xuống quanh cậu bé, ánh mắt lộ rõ sự lo lắng. Một lúc, cô gái cất tiếng hỏi tiếp: “Em đã thấy đỡ hơn chưa?”. Cậu bé đưa tay lau nước mắt, mỉm cười gật đầu. Cả chín người cùng đứng dậy, họ khoác tay nhau cùng sánh bước về vạch đích.”[15].
Vâng, biết “lắng nghe” và không để ai bị bỏ lại đằng sau, tất cả cùng dìu nhau để cùng về đích, đó lại không phải là thể hiện sự “hiệp hành” đúng nghĩa sao ! Có lẽ đây là điều mà Thượng Hội Đồng đang ưu tiên lưu ý qua những diễn ngữ: “Chúng ta là dấu chỉ cho một Hội Thánh lắng nghe và lữ hành”, “Vượt khỏi tai họa giáo sĩ trị”, “Chữa trị virus tự mãn”, (VADEMECUM 2.3), “Cám dỗ chỉ lắng nghe những thành phần hoạt động trong Giáo Hội” (VADEMECUM 2.4/9)….
Chắc chắn, khi đề cập đến những “tiêu cực” đó, Giáo Hội đã cảm nhận từ những kinh nghiệm đau thương của chính mình, của những cộng đoàn Kitô hữu trong Hội Thánh. Thật vậy, chúng ta không chối cải, ở giữa lòng Giáo Hội vẫn còn nhiều cộng đoàn, Hội Dòng… mà ở đó thói “cha chú, cửa quyền, độc tài, thiên vị, kiêu căng…” nơi những người lãnh đạo (cha xứ, Bề trên Dòng, Tu sĩ phụ trách cộng đoàn…) vẫn đang hiện hữu và trở thành những cái “ách” nặng nề đè nặng trên đôi vai của nhiều anh chị em tín hữu, các tu sĩ…
Chính vì thế, “Lắng nghe” chính là một trong những “từ khóa” của Thượng Hội Đồng; và có thể nói được, nội dung ý nghĩa đó được tập họp nơi “câu hỏi thứ hai” trong “THẬP VẤN” của VADEMECUM: “Thiên Chúa ngỏ lời với chúng ta qua những tiếng nói mà đôi khi chúng ta không nhận ra như thế nào? Giáo dân, đặc biệt là phụ nữ và giới trẻ, được lắng nghe ra sao? Điều gì làm chúng ta dễ lắng nghe hoặc ngăn cản chúng ta lắng nghe? Chúng ta lắng nghe những người ở vùng ngoại biên như thế nào? Những đóng góp của các nam nữ tu sĩ được đón nhận thế nào? Khả năng lắng nghe của chúng ta có những hạn chế nào, đặc biệt là lắng nghe những người có quan điểm khác với chúng ta? Nơi chốn nào dành cho tiếng nói của những người thiểu số, đặc biệt những người trải qua cảnh đói nghèo, ở bên lề hay bị xã hội loại trừ?” (VADEMECUM 5.3/2).
5. Hiệp hành kiểu “Mùa Xuân Á Rập” hay “Phong trào Dù vàng”: Hiệp hành trong mục vụ truyền thông[16]:
Có một “sân chơi” có thể làm nên lịch sử của một dân tộc, khai sinh một hệ thống chính trị mới, và phần nào tương đồng như một cuộc cách mạng. Danh từ chuyên môn mà các nhà “chấp pháp” và bình luận xã hội thời nay đặt tên cho loại “sân chơi” này đó là “bất tuân dân sự” (civil disobedience)[17] phi bạo động, mà thể hiện cụ thể đó là biểu tình, xuống đường, tập họp mít-ting…
Vâng, cuộc “bất tuân dân sự” khởi đầu ngày 17.12.2010 với cuộc tự thiêu của chàng thanh niên da màu Tunisia Mohamed Bouazizi, kéo theo hàng triệu bạn trẻ xuống đường thông qua các mạng xã hội Facebook, Twitter… đã làm nên cuộc “cách mạng hoa lài” (Revolution of Jasmine)[18], lần lượt cuốn phăng các chế độ độc tài chỉ trong vòng 1 năm (2011): Tunisia vào ngày 14 tháng 1, Ai Cập vào ngày 11 tháng 2 và Libya vào ngày 20 tháng 10. Và đó chỉ là ba biến động chính trị lớn nhất của thế giới Ả Rập, chưa kể những cuộc “bất tuân dân sự” rầm rộ khác cũng tại các nước Ả Rập như Yemen, Jordan, Algérie, Mauritanie, Ả Rập Xê út, Oman, Sudan, Syria, Iraq, Maroc…, đến đổi thế giới đã dùng chung một cụm từ để chỉ sự kiện đáng lưu ý nầy vào thời điểm đó: “Mùa Xuân Ả Rập” (Arab Spring)[19].
Từ “Mùa Xuân Á Rập” đầy biến động, những người trẻ Á Châu tiếp nối các bạn trẻ Ả Rập đã làm dậy lên một cuộc “bất tuân dân sự” khác để đòi quyền tự chủ ở “trung tâm tài chánh” của thế giới là thành phố Hồng Kông, một cựu thuộc địa của người Anh, vừa được trao lại cho Trung Quốc lục địa với hiệp ước “Nhất Quốc lưỡng chế” (Một quốc gia hai chế độ) vào ngày 1.7.1997.
Cũng thông qua mạng xã hội, những người trẻ Hồng Kông đã làm cả thế giới ngạc nhiên khi thể hiện cuộc “bất tuân dân sự” với số tham gia đông chưa từng thấy nhưng diễn ra trong hoà bình, trật tự, sạch sẽ, văn minh…mà hầu như chưa tìm thấy nơi đâu trên thế giới.
Vâng, “phong trào Dù vàng” (Yellow umbrella movement) của người trẻ Hồng Kông năm 20[20] hay cuộc xuống đường của gần 2 triệu người “mặc áo thun đen” trong ngày 16.06.2019 để phản đối “Luật Dẫn Độ”[21], thực ra, không được điều hành, chỉ đạo trực tiếp và cụ thể bởi một lãnh tụ nào, đảng phái nào… mà gần như, các bạn trẻ đã cùng sẻ chia, liên lạc, phối kết hành động và tự nguyện phục vụ thông qua phương tiện kỷ thuật truyền thông, mạng xã hội, một “phương tiện” mà các chế độ độc tài hoảng sợ, nếu không nói là căm thù. (Xem thêm hai bài viết: 1) “Mạng xã hội: nhận diện và định hướng quản lý”[22] của PGS,TS NGUYỄN THẾ KỶ - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam; 2) “Truyền thông xã hội đối với ổn định chính trị, xã hội ở Việt Nam”[23] của VÕ VĂN THƯỞNG, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương.
Sở dĩ nhắc đến “sân chơi” đặc biệt của giới trẻ: “Bất tuân dân sự” và ảnh hưởng của “quyền lực thứ 5” (Kỷ thuật truyền thông - Mạng xã hội) là muốn nhắm đến chiều kích hiệp hành thông qua phương tiện truyền thông hiện đại. Vâng, nếu không có smartphone, iphone, ipad, internet, facebook, twitter, youtube, Google… thì làm sao các bạn trẻ làm nỗi cuộc “cách mạng hoa lài” ở Ả Rập hay phong trào “Dù vàng”, “áo đen” trong trật tự, sạch sẽ… ở Hồng Kông ? Ngày nay, quả thật, nói tới chiến lược hiệp hành trong sinh hoạt mục vụ, đặc biệt, mục vụ giới trẻ, mà không “đá đến” “thế giới kỷ thuật số, mạng xã hội”… thì e rằng, chúng ta đã quá tụt hậu nếu không nói là “lạc dòng”, chẳng giống ai ! Dĩ nhiên cần phải “gạn đục khơi trong” và định hướng sử dụng; nhưng không phải vì thế mà coi “mạng xã hội là kẻ thù nguy hiểm” để cấm ngăn (như cái nhìn của Ban Tuyên Giáo Cọng sản)[24], hoặc chỉ nhìn khía cạnh tiêu cực để bài bác (giới trẻ lên mạng chỉ là để câu “like”, câu “view”, sống ảo…)[25] thì cũng không là giải pháp tối ưu.
Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong tông huấn Christus Vivit đã dành nguyên 5 số (86-90) với chuyên mục “Thế giới kỷ thuật số” để nhắc lại các điểm nhấn của chuyên đề nầy trong “Văn kiện kết thúc Thượng Hội đồng Giám mục XV”[26]. Và đây cũng là điều có liên quan đến “câu hỏi thứ 3” trong “THẬP VẤN” mà tài liệu VADEMECUM đã khơi gợi trong tiến trình Hiệp hành của Thượng Hội Đồng: “Trong Giáo Hội địa phương và trong xã hội chúng ta, điều gì tạo điều kiện hay điều gì cản trở việc nói ra cách can đảm, thẳng thắn và có trách nhiệm? Khi nào và cách nào để chúng ta nói lên được những gì quan trọng đối với chúng ta? Mối tương quan với hệ thống truyền thông địa phương (không chỉ với truyền thông Công Giáo) thì thế nào? Ai nói thay cho cộng đồng Kitô hữu và họ được chọn thế nào?” (VADEMECUM 5.3/3).
6. Hiệp hành kiểu “Dân Làng Hồ” của các thừa sai truyền giáo cho anh em dân tộc Tây nguyên: Hiệp hành trong mục vụ truyền giáo:
Trong lịch sử truyền giáo tại Việt Nam, có một khúc quanh quan trọng không thể bỏ qua hay xem thường đó là “công cuộc mở đạo lên Tây Nguyên thời Đức Cha Stêphanô Cuénot Thể (1802-1861). Sách “Giáo phận Qui Nhơn qua dòng thời gian” đã tóm tắt công cuộc truyền giáo đầy gian nan khốn khó của các thừa sai bằng những dòng sau: “Các thừa sai sống giữa các anh em dân tộc, giảng dạy và chia sẻ cuộc sống thiếu thốn khổ cực của họ”[27]. Tuy nhiên, để hiểu hết sự khó khăn, tăm tối, thử thách, khổ đau, nguy hiểm…cùng những phương cách loan báo Tin Mừng đầy hiệu quả, mà các vị thừa sai tiên khởi đã kinh qua thì chúng ta phải đọc quyển nhật ký truyền giáo “Dân Làng Hồ” của thừa sai Dourisboure. Ở đây, chỉ xin đơn cử một trích đoạn ngắn: “Giữa muôn ngàn thử thách ấy, chúng tôi vẫn sung sướng khi nghĩ rằng chúng tôi có mặt ở nơi đây là do Thánh ý của Chúa nhân lành. Điều đó nâng đỡ lòng can đảm nơi chúng tôi và chúng tôi tìm thấy niềm an ủi khi so sánh hoàn cảnh của mình với hoàn cảnh của Chúa Giêsu trong chuồng bò hôi hám. Mỗi người chúng tôi thường nằm xoài người trên chiếc chiếu manh trải ở bốn góc xung quanh bếp lửa giữa lều. Những ai lên cơn sốt thì cố mà chống chọi với nó, những ai vừa nguôi cơn sốt thì cầu nguyện, cười đùa, hát thánh vịnh, trò chuyện, hoặc hút thuốc. Ban ngày, ai được cơn sốt cho tạm nghỉ thì vào rừng kiếm măng, hái rau, bứt lá cây, rễ cỏ, bất cứ thứ gì miễn là ăn được, đem về nấu trong nồi đất để ăn với cơm, vốn là thực phẩm duy nhất của chúng tôi. Có một hôm trúng mánh lớn: một thanh niên người Kinh trong đoàn bắt được một con cá to bằng con cá trích ở suối, đây quả là một sự kiện. Cha Combes, với tư cách là Bề trên, chia con cá thành bốn phần bằng nhau và mỗi người trịnh trọng đặt khúc cá trên tô cơm của mình. Trái lại, cũng có đôi lần chúng tôi phải ăn chay hoàn toàn vì mọi người đều đau một lượt, không có ai còn sức để thổi cơm…”[28].
Chúng ta biết, nội hàm của khái niệm “Hiệp Hành” như Giáo Hội cắt nghĩa, bao gồm ba tác động: Hiệp thông, Tham gia và Sứ vụ. Cách đây gần 200 năm, khi các thừa sai đi mở đạo cho những người anh em dân tộc, chắc chắn các ngài chưa có được trong tay “tài liệu chuẩn bị” hay cẩm nang “Vademecum” để được hướng dẫn những “nguyên tắc hiệp hành” như chúng ta hôm nay. Nhưng trong cách ứng xử mục vụ và nỗ lực truyền giáo, quả thật, các ngài đã thực thi nguyên tắc nầy cách trọn hảo: đồng hành với dân, sống với dân, đồng cam cọng khổ với dân, để dân chung chia trách nhiệm, cọng tác… Đó không là cách thực thi “câu hỏi thứ 5” trong “THẬP VẤN” của VADEMECUM đó sao: “Vì tất cả chúng ta đều là các môn đệ truyền giáo, mọi người đã được rửa tội được mời gọi tham gia vào sứ vụ này của Hội thánh thế nào? Điều gì cản trở những người đã được rửa tội không tích cực tham gia sứ vụ này? Những lãnh vực nào của sứ vụ mà chúng ta đang bỏ mặc? Cộng đoàn hỗ trợ ra sao cho những thành viên của mình tham gia phục vụ xã hội theo những cách thức khác nhau (công tác xã hội và hoạt động chính trị, nghiên cứu khoa học, giáo dục, cổ võ công bằng xã hội, bảo vệ quyền con người, chăm sóc môi trường, v.v…)? Hội thánh đã giúp những thành viên này thế nào để họ phục vụ xã hội theo cách thức truyền giáo? Sự phân định những chọn lựa truyền giáo được thực hiện thế nào và bởi ai?” (VADEMECUM 5.3/5).
7. Hiệp hành kiểu “dâng Thánh lễ ở chùa” như linh mục Pio Ngô Phúc Hậu hay “chung tay làm thiện nguyện mùa Covid” như nữ tu Hồng Quế: Hiệp hành trong mục vụ Đại kết:
Có thể liên quan đến “hiệp hành” qua hai câu chuyện sau:
- Chuyện thứ 1: Trong “Nhật Ký Truyền giáo” của linh mục Pio Ngô Phúc Hậu có câu chuyện nầy: “Núi Sam, … 1969
Mình cùng với lớp đệ tứ lên cắm trại ở Núi Sam. Núi Sam vừa hùng vĩ vừa huyền bí. Thầy trò leo trèo thỏa thích. Chụp hình lia lịa, và viếng Chùa. Ni sư thì hiền như cây cỏ, học trò mình thì nghịch như ma. Chùa chiền đang yên tĩnh bỗng rộn lên như hội chợ. Các ni sư không giận hờn, không xua đuổi. Dường như các ngài thương mến học trò của mình hơn cả chính mình. Các ngài mỉm cười độ lượng trước những trò chơi quỷ quái của chúng. Chùa chiền là thế : thiên nhiên yên tĩnh; tâm hồn yên tĩnh. Đăng sơn chán thì hạ sơn. Hạ sơn để dâng thánh lễ. Dâng thánh lễ ở đâu ? Mình vô chính điện.
– Thưa Đại đức, trong chùa có chỗ nào thuận tiện, Đại đức cho tôi mượn chừng nửa giờ để tôi dâng thánh lễ được không ?
– Ở đây thì không tiện. Ở ngoài cổng có một phòng khách rộng lắm, linh mục có thể ở đó và dâng lễ tự nhiên. Chùa cho mượn bàn để làm bàn thờ. Đèn của chùa, hoa của chùa, chuông của chùa, chỉ có mình là của Chúa.
Lần đầu tiên trong đời, mình dâng thánh lễ trong khuôn viên nhà chùa. Chúa ngự ở đây và chắc chắn Chúa yêu thương nơi này. Từ phòng khách mình giang tay cầu nguyện, mắt nhìn lên cao nhưng vẫn lo ra nhìn về chính điện. Ở đó tượng Phật to lớn ngồi thiền giữa rừng hương nhang, yên tĩnh, thân thương”[29].
- Chuyện thứ 2: Trong cái thời đại dịch mà gần như ai cũng hoang mang, lo sợ; thậm chí có nhiều người hoảng loạn, thất vọng và nguyền rủa…, thì đâu đó vẫn sáng lên những hình ảnh đẹp của sự chia sẻ yêu thương, của tinh thần liên đới phục vụ đầy quả cảm, hy sinh, vị tha, quảng đại; cả trên bình diện thế giới giữa nhiều quốc gia, lẫn trong những mối tương quan bà con xa gần trong nước, thành phố, hay nơi chòm xóm láng giềng….
Trong những ngày “nước sôi lửa bỏng” của cách ly dịch bệnh tại Sài Gòn, hình ảnh của nữ tu Công Giáo Maria Hồng Quế, bên cạnh những Phật tử như cô Đào, Đại đức Thích Lệ Ngôn hay mục sư Tin Lành Phạm Đình Nhẫn cùng sát cánh bên nhau mang lương thực sẻ chia đến những căn hộ đói khổ, nghèo nàn, đã rực sáng lên như những “viền bạc” của tình liên đới giữa đám mây đen tối của cách ly. Quả thật, như câu ngạn ngữ của người Tây phương: “Every dark cloud has a silver lining” (Mỗi đám mây đen đều có một viền bạc). Chính trong cái nhìn tích cực và đầy hy vọng đó mà có nhiều người đã cho rằng: Con virus Covid đã mang con người lại gần nhau hơn, liên đới hơn, quý trọng mạng sống hơn, khiêm tốn hơn trước những giới hạn và bất lực của phận người…
Qua “hai câu chuyện”, đúng hơn, hai sự kiện vừa nêu, chúng ta có thể nói, dấu chỉ của “hiệp hành” vẫn sáng lên, vẫn sống động giữa lòng Hội Thánh qua bao nhiêu cách ứng xử mục vụ của các linh mục, nữ tu và bao nhiêu tín hữu âm thầm khác, đặc biệt trong lãnh vực “Đại Kết”. Dẫu biết rằng, đó đây vẫn còn có những Kitô hữu, những linh mục… mang tâm trạng hẹp hòi đố kỵ đối với những người anh em khác tôn giáo cùng với tín ngưỡng của họ. Chính thái độ đó đã gây ra nhiều bức xúc, tự ái cho nhiều người lương, người Phật tử; đồng thời, tạo nên những bức tường ngăn cách, đố kỵ. Thực thi hiệp hành chính là cùng nhau nỗ lực thực hiện sứ mệnh “Đại Kết”, một chiều kích không thể thiếu trong đời sống đức tin của Dân Chúa. Đây cũng chính là “câu hỏi thứ 7” trong “THẬP VẤN” mà Vademecum đã nêu bật: “Cộng đoàn Giáo hội chúng ta có những mối tương quan nào với các thành viên của các truyền thống và tông phái Kitô giáo khác? Chúng ta chia sẻ điều gì và cùng đi với nhau như thế nào? Chúng ta rút ra được những hoa trái nào từ việc cùng nhau bước đi? Đâu là những khó khăn? Làm thế nào để chúng ta có thể cùng nhau đi bước tiếp theo tiến về phía trước?” (VADEMECUM 5.3/7).
Kết luận:
“Hiệp Hành” là câu chuyện dài và rộng để toàn Dân Chúa kể cho nhau nghe và cùng nhau thể hiện trong những ngày này cũng như trong tương lai. Có người cho rằng, với ý nghĩa và mục tiêu trọng đại đã được gợi hứng từ Công Đồng Vatican II, hy vọng “tiến trình Hiệp Hành” của Thượng Hội Đồng Giám Mục lần thứ XVI nầy sẽ như là một “Vatican III” để một lần nữa canh tân và củng cố Giáo Hội. Đây không là “câu chuyện thời sự” vụt đến rồi vụt đi như một “biến cố mục vụ” bình thường hay bất thường, mà là một “tiến trình thiêng liêng” dành cho toàn Dân Chúa để sống và thể hiện niềm tin, để canh tân và hoán cải, để xây dựng và lên đường…, như cách kiến giải của Vademecum: “Trước hết và trên hết, tiến trình hiệp hành là một tiến trình thiêng liêng. Đây không phải là chuyện cứ máy móc thu thập dữ liệu hay tổ chức hàng loạt những cuộc hội họp và thảo luận. Mục đích của việc lắng nghe mang tính chất hiệp hành là biện phân, vì thế đòi hỏi chúng ta phải học biết và sử dụng nghệ thuật biện phân cá nhân và cộng đoàn. Chúng ta lắng nghe lẫn nhau, lắng nghe truyền thống đức tin của chúng ta và lắng nghe những dấu chỉ thời đại để nhận biết những gì Chúa đang nói với chúng ta. Đức Giáo Hoàng Phanxicô mô tả hai mục đích tương thuộc của tiến trình lắng nghe là: “Lắng nghe Thiên Chúa, để cùng với Ngài chúng ta có thể nghe thấy tiếng kêu của dân Ngài; lắng nghe dân Ngài cho đến khi chúng ta hòa hợp với ý muốn mà Thiên Chúa kêu gọi chúng ta đón nhận ý muốn đó” (VADEMECUM 2.2).
Ước mong “Thất đạo Hiệp hành” sẽ là một que củi nhỏ để “bếp lửa hiệp hành” cháy lên.
-----------------------------
[1] Tiếng Anh: For a Synodal Church: Communion, Participation, and Mission; tiếng Pháp: Pour une Église synodale: Communion, Participation et Mission
[2] UỶ BAN THẦN HỌC QUỐC TẾ (INTERNATIONAL THEOLOGICAL COMMISSION), Vũ Văn An dịch, Tính Đồng Nghị trong Đời sống và Sứ mệnh của Giáo Hội (Synodality in the Life and Mission of the Church), website http://ghhv.quetroi.net/60VUVANAN/TinhDongNghiTrongDoiSongVaSuMenhCuaGiaoHoi.pdf, đăng tháng 11.2019.
[3] TÀI LIỆU LÀM VIỆC (INSTRUMENTUM LABORIS) của THĐGM XV, Vũ Văn An dịch, website http://www.giaoly.org/vn/tai-lie%cc%a3u-lam-vie%cc%a3c-thuo%cc%a3ng-ho%cc%a3i-dong-ve-gioi-tre%cc%89/, đăng ngày 02.01.2019, Số 140: “Hành trình đồng bộ, vốn là một “con đường chúng ta cùng đi với nhau”, bao gồm một lời mời khẩn cấp để tái khám phá sự phong phú trong căn tính “dân Chúa”, vốn là thuật ngữ để định nghĩa Giáo Hội như dấu chỉ có tính tiên tri về sự hiệp thông trong một thế giới thường bị chia rẽ và bất hòa xé nát”.
[4] ĐGH PHANXICÔ, Đức Kitô Hằng Sống (Christus Vivit), Tông huấn hậu Thượng Hội Đồng, Bản dịch của lm. Lê Công Đức, pss, nxb Đồng Nai 2019, tr. 136.
[5] BRUNO LEPEU, Un Moment Mep, Để tỏ lòng tri ân, ôn lại kỷ niệm, hướng về tương lai. Sài Gòn, 25-26.6.2019, Tính Hội Đồng trong truyền giáo: một phong cách truyền giáo tại Châu Á, tr. 92.
[6] WIKIPEDIA, Giang Nam thất quái, website Giang Nam thất quái – Wikipedia tiếng Việt.
[7] X. GIUSE TRƯƠNG ĐÌNH HIÊN, Mẹ tôi là thế đấy, nxb An Tôn & Đuốc Sáng 2019, tr. 403-405.
[8] Xem thêm một số bài viết về “Bóng đá tổng lực” (hoặc “tổng hợp”) của các tác giả với các đường link sau:
- TRẦN LONG, Top 5 lối chơi đã trở thành di sản của bóng đá thế giới wesite https://babil.info/top-5-loi-choi-da-tro-thanh-di-san-cua-bong-da-the-gioi/
- KINH THI, World Cup 1974: "Cơn lốc màu da cam" làm say đắm lòng người, website http://bongdaplus.vn/tin-bai/65/81840/world-cup-1974-con-loc-mau-da-cam-lam-say-dam-long-nguoi.bdplus
- MINH TÀI, Bóng đá tổng lực: Lịch sử ra đời và cách vận hành, website https://spiderum.com/bai-dang/GOC-CHIEN-THUAT-BONG-DA-TONG-LUC-LICH-SU-RA-DOI-VA-CACH-VAN-HANH-fc8
[9] WIKIPEDIA, “Marinus ("Rinus") Jacobus Hendricus Michels (9 tháng 2 năm 1928 – 3 tháng 3 năm 2005) là một cầu thủ và huấn luyện viên người Hà Lan. Ông cống hiến cả sự nghiệp của mình ở câu lạc bộ Ajax Amsterdam, và sau đó là huấn luyện viên của câu lạc bộ này. Ông cũng là thành viên của Hà Lan. Ông cũng từng có thời gian làm huấn luyện viên cho đội tuyển quốc gia. Ông nổi tiếng với thành tích huấn luyện của mình, cùng Ajax Amsterdam và giành cúp vô địch Tây Ban Nha với FC Barcelona. Ông cùng đội tuyển Hà Lan đạt Á quân World Cup 1974 và vô địch Euro 1988. Ông được coi là người phát minh ra lối chơi bóng đá tổng lực vào thập niên 1970 chính điều đó đã khiến FIFA bầu ông là huấn luyện viên xuất sắc nhất thế kỉ 20 vào năm 1999 và tờ France Football năm 2019 bầu chọn là Huấn luyện viên xuất sắc nhất lịch sử”, website https://vi.wikipedia.org/wiki/Rinus_Michels
[10] GIUSE TRƯƠNG ĐÌNH HIỀN, Mẹ tôi là thế đấy, sđd, tr. 407-408.
[11] NGỌC HÀ, Trí thức trẻ, website http://cafebiz.vn/co-gi-o-ngoi-lang-nhat-ban-noi-ti-le-choi-con-kho-nhan-hon-ca-dh-harvard-ren-luyen-khac-kho-nhu-samurai-tat-ca-de-giu-hon-cho-tieng-trong-thieng-lieng-nay-20190322082636054.chn
[12] VŨ NHUẬN, website
http://vietcatholicsydney.net/vietcatho/newsdetail/Tin-Giao-Hoi11/Ban-nhac-Rock-and-Roll-cua-cac-nu-tu-se-trinh-dien-cho-DTC-tai-WYD-Panama-1564/
[13] X. GIUSE TRƯƠNG ĐÌNH HIỀN, Mẹ tôi là thế đấy, sđd, tr. 405-407.
[14] WIKIPEDIA, Thế vận hội dành cho người khuyết tật, website
https://vi.wikipedia.org/wiki/Th%E1%BA%BF_v%E1%BA%ADn_h%E1%BB%99i_d%C3%A0nh_cho_ng%C6%B0%E1%BB%9Di_khuy%E1%BA%BFt_t%E1%BA%ADt
[15] THU PHẠM, Hãy cùng nhau chiến thắng, website https://aba.edu.vn/hay-cung-nhau-chien-thang.html
[16] X. GIUSE TRƯƠNG ĐÌNH HIỀN, Mẹ tôi là thế đấy, sđd, tr.408-412.
[17] WIKIPEDIA, Bất tuân dân sự, website
https://vi.wikipedia.org/wiki/B%E1%BA%A5t_tu%C3%A2n_d%C3%A2n_s%E1%BB%B1_(Henry_David_Thoreau)
[18] LÝ THÁI HÙNG, Lòng dân và cuộc cách mạng hoa lại ở Tunisia, website https://viettan.org/long-dan-va-cuoc-cach-mang-hoa-lai-tai-tunisia/
[19] WIKIPEDIA, Mùa xuân Á rập, website
https://vi.wikipedia.org/wiki/M%C3%B9a_xu%C3%A2n_%E1%BA%A2_R%E1%BA%ADp
[20] WIKIPEDIA, Biểu tình tại Hồng Kông 2014, website
[21] THIÊN AN, “Nhìn lại những cuộc biểu tình 'chao đảo' Hong Kong hai thập kỷ qua” website
[22] PGS,TS NGUYỄN THẾ KỶ, Mạng xã hội: nhận diện và định hướng quản lý: “…Với bản chất “không biên giới”, bên cạnh lợi thế gần như vô biên, thì những mặt trái, mặt tiêu cực của Internet cũng đặt ra yêu cầu và thách thức không nhỏ cho công tác quản lý. Một số quốc gia đã dựng lên các “biên giới ảo” trên nền Internet để kiểm soát “lãnh thổ của mình”. Chính sách quản lý internet của Trung Quốc - nơi có trên 460 triệu người sử dụng, có thể là một sự tham khảo cần thiết. Nước này phát triển Internet, mạng xã hội, báo chí điện tử nội địa nhằm nâng cao đời sống tinh thần lành mạnh của người dân, chiếm lĩnh thị trường trong nước, tiến mạnh ra và cạnh tranh với bên ngoài. Họ chủ trương lập những “tường lửa”, thậm chí ngăn chặn toàn bộ các mạng xã hội bên ngoài nếu xét thấy nguy hại cho công chúng trong nước. Đài RFA (ngày 2/2/2011) viết: “Dù cấm cửa thế nào chăng nữa thì Trung Quốc sẽ không bao giờ đủ khả năng bịt miệng Facebook và Twitter cũng như các trang mạng xã hội khác. Trí thức Trung Quốc một lúc nào đó sẽ tập hợp lại với nhau qua đường kết nối đầy sức mạnh này”, website https://baoquocte.vn/mang-xa-hoi-nhan-dien-va-dinh-huong-quan-ly-74029.html
[23] VÕ VĂN THƯỞNG, Truyền thông xã hội đối với ổn định chính trị, xã hội ở Việt Nam: “Nhìn lại các cuộc “cách mạng màu” hay các cuộc biểu tình bạo động mang hơi hướng của “cách mạng màu” được hiện đại hóa trong mấy thập niên gần đây, chúng ta dễ dàng nhận thấy rằng, chính truyền thông xã hội đã châm ngòi, thổi bùng bằng kích động, tổ chức và thông tin, khiến ban đầu là các phong trào đường phố, đi đến bạo động và hệ quả là sự suy yếu nhanh chóng của các chế độ như ở Đông Âu, Trung Đông, Bắc Phi, Mỹ Latinh (1). Truyền thông xã hội, tin giả đã trở thành từ khóa làm nhiều người liên tưởng tới những cuộc xuống đường bạo động khiến cả châu Âu và thế giới đứng ngồi không yên suốt thời gian qua. Ngay tại Mỹ, sau những cuộc biểu tình chiếm phố Wall (năm 2011), giới chính trị gia đã chỉ trích đích danh Facebook, Twitter là “công cụ của bạo loạn”. Báo chí phương Tây cũng đúc rút phương thức dùng truyền thông xã hội tạo nên những “đám đông” kích động, đó là: châm ngòi xuống đường; triệt để lợi dụng các sự cố, tai nạn, những cái chết để tạo cớ bạo loạn; sử dụng điện thoại di động, mạng xã hội để kích động và liên kết trong, ngoài.” (…), website
[24] X. Ghi chú 19,20 bên trên.
[25] Huấn từ của Chủ chăn giáo phận trong cuộc gặp mặt Giới trẻ Phát Diệm lần thứ IV, 10/7/2019. Nguồn:
[26] ĐGH PHANXICÔ, Christus Vivit, sđd, 86-90, tr. 52-56.
[27] BAN BIÊN SOẠN LỊCH SỬ GIÁO PHẬN, Giáo phận Qui Nhơn qua dòng thời gian, nxb An Tôn & Đuốc Sáng 2017, tr. 208-210.
[28] P. DOURISBOURE, nguyên tác “Les sauvages Bahnars”, Paris 1929, Dân Làng Hồ, bản dịch Tòa Giám Mục Kontum, nxb Đà Nẵng 2008, tr. 52-53.
[29] LM. PIO NGÔ PHÚC HÂU, Nhật ký truyền giáo, Website https://gpcantho.com/nhat-ky-truyen-giao-lm-pio-ngo-phuc-hau/#_Toc214885920
Tác giả bài viết: Lm. Giuse Trương Đình Hiền (6.12.2021)