Trong bài Giáo lý về Thánh Giuse sáng thứ Tư ngày 19/01/2022, Đức Thánh cha Phanxicô cho thấy Thánh Giuse đã ảnh hưởng rất nhiều trên cuộc đời của Chúa Giêsu. Như Thiên Chúa đã làm với Israel, Thánh Giuse cũng đã làm với Chúa Giêsu: “ngài dạy bước đi, cầm lấy tay; đối xử như một người cha nâng đứa trẻ lên tận má mình, cúi xuống và cho ăn” (x. Hs 11,3-4) (Patris corde, 2). Qua Thánh Giuse, cho chúng ta thấy được hình ảnh của Thiên Chúa là Cha, là Đấng yêu thương. Ngài không sợ tội lỗi của chúng ta, những sai lầm của chúng ta. Thiên Chúa chỉ sợ chúng ta khép cánh cửa tâm hồn, mãi mãi xa lìa Ngài.
Anh chị em thân mến!
Hôm nay tôi muốn đào sâu hình ảnh của Thánh Giuse như một người cha hiền dịu.
Trong Tông thư Patris corde (ngày 8 tháng 12 năm 2020), tôi đã có cơ hội suy tư về khía cạnh hiền dịu này, một khía cạnh thuộc nhân cách của Thánh Giuse. Thực ra, dù các Tin mừng không cho chúng ta biết bất kỳ chi tiết nào về cách mà thánh nhân thực thi tình phụ tử của mình, tuy vậy, chúng ta có thể tin chắc rằng việc Thánh Giuse là người “công chính” cũng đã được diễn tả qua nền giáo dục mà ngài đã dành cho Chúa Giêsu. Tin mừng kể: Thánh Giuse đã chứng kiến Chúa Giêsu lớn lên từng ngày “về khôn ngoan, vóc dạng và ân sủng, trước mặt Thiên Chúa và trước mặt người ta” (Lc 2,52). Như Thiên Chúa đã làm với Israel, Thánh Giuse cũng đã làm với Chúa Giêsu: “ngài dạy bước đi, cầm lấy tay; đối xử như một người cha nâng đứa trẻ lên tận má mình, cúi xuống và cho ăn” (x. Hs 11,3-4) (Patris corde, 2). Định nghĩa này trong Kinh thánh thật hay, nó khiến ta thấy được mối tương quan giữa Thiên Chúa với dân tộc Israel. Và chúng ta nghĩ rằng mối tương quan đó cũng chính là mối tương quan giữa Thánh Giuse với Chúa Giêsu.
Các sách Tin mừng xác nhận rằng Chúa Giêsu luôn dùng từ “cha” để nói về Thiên Chúa và về tình yêu của Ngài. Rất nhiều dụ ngôn có nhân vật chính như hình ảnh của một người cha. Trong số những hình ảnh nổi tiếng đó chắc chắn có hình ảnh người Cha nhân hậu, được thánh sử Luca kể lại (x. Lc 15, 11-32). Trong chính dụ ngôn này không chỉ nhấn mạnh kinh nghiệm về tội lỗi và về người cha, mà còn nhấn mạnh đến cách thức mà qua đó sự tha thứ đến với người sai lỗi. Bản văn kể: “Anh ta còn ở đằng xa, thì người cha đã trông thấy. Ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ anh ta và hôn lấy hôn để” (c. 20). Người con mong đợi một sự trừng phạt, công bằng mà nói có thể trao cho anh vị trí của một người tôi tớ, nhưng rồi anh thấy mình được bao bọc trong vòng tay của cha. Sự hiền dịu là một cái gì đó rất tuyệt vời so với logic của thế giới. Đó là một cách thực thi công lý đầy bất ngờ. Cho nên chúng ta đừng bao giờ quên rằng Thiên Chúa không khiếp sợ những lỗi tội của chúng ta, Ngài là Đấng rộng lượng hơn tội lỗi của chúng ta: Ngài là người Cha, là Đấng yêu thương, là sự dịu dàng. Ngài không sợ tội lỗi của chúng ta, lỗi lầm của chúng ta, những sa ngã của chúng ta, nhưng Ngài sợ con tim khép kín của chúng ta – đúng thế, điều này khiến Ngài đau khổ - Ngài sợ chúng ta thiếu niềm tin vào tình yêu của Ngài. Có một sự dịu dàng lớn lao trong kinh nghiệm về tình yêu của Thiên Chúa. Và thật tuyệt vời khi nghĩ rằng người đầu tiên truyền lại thực tế này cho Chúa Giêsu chính là Thánh Giuse. Thực vậy, những gì của Thiên Chúa luôn đến với chúng ta qua trung gian là kinh nghiệm nhân loại.
Cách đây một thời gian – không biết tôi đã kể chuyện này chưa – một nhóm các bạn trẻ biểu diễn nghệ thuật sân khấu, một nhóm nhạc pop trẻ bị đánh động bởi dụ ngôn về người cha nhân hậu này và đã quyết định diễn vỡ nhạc kịch về chủ đề này, với câu chuyện này. Họ đã trình bày rất tốt. Toàn bộ vỡ diễn, ở đoạn cuối, một người bạn nghe người con rời bỏ nhà cha mình tâm sự rằng, anh muốn trở về nhà nhưng lo sợ cha sẽ đuổi anh ra ngoài và trừng phạt anh. Người bạn nói với anh ta, qua vỡ opera nhạc pop: “Hãy gửi một sứ giả và nói rằng bạn muốn về nhà, và nếu cha đón nhận bạn thì cha hãy treo chiếc khăn tay trên cửa sổ, chiếc khăn mà bạn sẽ được nhìn thấy khi vừa di chuyển đoạn đường cuối”. Vậy là điều đó được thực hiện. Và vỡ opera, với những bài ca, điệu vũ tiếp tục cho đến giây phút người con rẽ vào con đường cuối cùng và đã nhìn thấy ngôi nhà. Khi anh ngước mắt lên nhìn thấy ngôi nhà đầy những chiếc khăn màu trắng. Không phải một chiếc mà là 3-4 chiếc trên mỗi cánh cửa. Lòng thương xót của Thiên Chúa là như thế. Ngài không sợ quá khứ, không sợ những điều tồi tệ của chúng ta: Ngài chỉ sợ chúng ta khép lòng mình. Tất cả chúng ta đều có thể tính sổ; nhưng tính sổ đối với Chúa là một điều rất tuyệt vời, bởi vì chúng ta lại bắt đầu nói chuyện và Ngài ôm ấp chúng ta. Đó là sự hiền dịu.
Giờ đây chúng ta có thể tự hỏi rằng nếu bản thân chúng ta đã từng trải nghiệm được sự hiền dịu này, vậy liệu đến lượt mình chúng ta có trở thành những chứng nhân hay không. Thực vậy, sự hiền dịu trước hết không phải là vấn đề tình cảm hay cảm xúc: đó là kinh nghiệm qua việc cảm nhận mình được yêu thương và đón nhận một cách thực sự trong sự nghèo khó và khốn khổ của mình, và vì vậy được tình yêu của Thiên Chúa biến đổi.
Thiên Chúa không chỉ tin cậy dựa trên những tài năng của chúng ta, nhưng còn dựa trên những yếu đuối được cứu chuộc của chúng ta. Chẳng hạn điều này đã khiến thánh Phaolô nói rằng cũng có một kế hoạch thực hiện qua sự yếu đuối của con người. Thực vậy, thánh Phaolô đã viết cho cộng đoàn Côrintô: “Và để tôi khỏi tự cao tự đại vì những mặc khải phi thường tôi đã nhận được, thân xác tôi như đã bị một cái dằm đâm vào, một thủ hạ của Satan được sai đến vả mặt tôi, để tôi khỏi tự cao tự đại. Đã ba lần tôi xin Chúa cho thoát khỏi nỗi khổ này. Nhưng Người quả quyết với tôi: "Ơn của Thầy đã đủ cho anh, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối” (2Cor 12, 7-9). Thiên Chúa không lấy đi mọi yếu đuối của chúng ta, nhưng giúp chúng ta bước đi cùng với những yếu đuối, bằng cách nắm tay chúng ta. Ngài nắm lấy những yếu đuối của chúng ta và ở bên cạnh chúng ta. Đây là sự hiền dịu.
Kinh nghiệm về sự hiền dịu cốt ở chỗ nhìn thấy được quyền năng của Thiên Chúa thể hiện chính xác qua điều khiến chúng ta trở nên mong manh nhất; tuy nhiên, với điều kiện là chúng ta hoán cải tránh xa cái nhìn của Kẻ Ác, là kẻ “khiến chúng ta nhìn thấy và lên án sự yếu đuối của mình”, trong khi Chúa Thánh Thần “đem nó ra ánh sáng bằng sự hiền dịu”. (Patris corde, 2). “Sự hiền dịu là cách tốt nhất để chạm vào sự yếu đuối bên trong chúng ta. […] Anh chị em hãy nhìn cách mà các y tá chạm vào những vết thương của các bệnh nhân: với sự nhẹ nhàng không làm cho họ đau đớn thêm. Và cũng vậy, Thiên Chúa chạm vào những vết thương bằng sự hiền dịu của Ngài. Đó là lý do tại sao việc gặp gỡ lòng thương xót của Thiên Chúa, đặc biệt là trong bí tích Hòa giải, trong lời cầu nguyện riêng tư với Chúa, khiến chúng ta cảm nghiệm được sự thật và sự dịu dàng của Ngài là điều rất quan trọng. Nghịch lý thay, Kẻ Ác cũng có thể nói sự thật với chúng ta: nó là kẻ lừa dối, nhưng cố dàn xếp để nói cho chúng ta sự thật ngõ hầu đưa chúng ta đến sự dối trá; nhưng nó làm vậy là để kết án chúng ta. Trái lại, Chúa nói cho chúng ta sự thật và đưa tay cứu độ chúng ta. Tuy nhiên, chúng ta biết rằng Sự thật đến từ Thiên Chúa không để lên án chúng ta, nhưng đón nhận, ôm ấp, nâng đỡ và tha thứ cho chúng ta” (Patris corde, 2). Thiên Chúa luôn tha thứ: Chúng ta là những người mệt mỏi cầu xin ơn tha thứ nhưng Ngài luôn tha thứ, ngay cả những điều tồi tệ nhất.
Thật tuyệt vời cho chúng ta khi so chiếu mình với tình phụ tử của Thánh Giuse, là tấm gương phản chiếu tình phụ tử của Thiên Chúa, và chúng ta tự hỏi xem liệu chúng ta có để cho Chúa yêu thương bằng sự hiền dịu của Ngài, có để cho Ngài biến đổi mỗi người chúng ta thành những con người có khả năng yêu thương theo cách này hay không. Nếu không có “cuộc cách mạng về sự hiền dịu” này, - cần một cuộc cách mạng về sự hiền dịu! - chúng ta có nguy cơ bị giam cầm trong một công lý không cho phép chúng ta dễ dàng trỗi dậy và nó gây nhầm lẫn giữa sự cứu chuộc với trừng phạt. Vì thế, cách đặc biệt, hôm nay tôi muốn tưởng nhớ đến các anh chị em của chúng ta đang ở trong tù. Họ đúng là những người đã làm sai nên phải trả giá cho lỗi lầm của mình, nhưng thực sự những người đã làm sai cũng có thể chuộc lại lỗi lầm của mình. Chúng ta không thể là những người lên án mà không có những cánh cửa hy vọng. Bất kỳ sự lên án nào cũng luôn có cánh cửa hy vọng. Chúng ta hãy nghĩ đến những anh chị em của mình đang bị cầm tù, và hãy nghĩ đến sự dịu dàng của Thiên Chúa dành cho họ và cầu nguyện cho họ, để họ có thể tìm thấy nơi cánh cửa hy vọng đó một lối thoát để hướng tới một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Chúng ta kết thúc bài giáo lý hôm nay bằng lời nguyện này:
Lạy Thánh Giuse, người cha hiền dịu,
xin dạy chúng con biết chấp nhận rằng chúng con được yêu thương ngay trong chính sự yếu đuối nhất của chúng con.
Xin đừng để chúng con đặt ra trở ngại nào giữa sự nghèo khổ của chúng con và tình yêu vĩ đại của Thiên Chúa.
Xin khơi dậy trong lòng chúng con khát khao đến với Bí tích Hòa giải
để chúng con được tha thứ và cũng có khả năng yêu thương dịu dàng
những anh chị em nghèo khổ của chúng con.
Xin gần gũi những người lầm lạc và đang phải trả giá cho điều đó;
Xin giúp họ tìm thấy công lý cùng với sự dịu dàng để họ có thể bắt đầu lại.
Và xin dạy cho họ biết rằng cách đầu tiên để bắt đầu lại là chân thành xin ơn tha thứ, để cảm nghiệm sự hiền dịu của Chúa Cha. Amen.
G. Võ Tá Hoàng