Giáo lý về Thánh Giuse: Bài 10. Thánh Giuse và sự hiệp thông của các thánh



Anh chị em thân mến


Trong những tuần gần đây, chúng ta đã đào sâu hình ảnh của Thánh Giuse, bằng cách để cho mình được hướng dẫn bởi một số thông tin quan trọng mà các Tin mừng đã đưa ra, và một số khía cạnh về nhân cách của thánh nhân đã được Giáo hội đề cao qua nhiều thế kỷ qua lời cầu nguyện và lòng mộ mến. Bắt đầu từ “cảm nhận chung” này mà lịch sử của Giáo hội đã đi cùng với hình ảnh của Thánh Giuse. Hôm nay tôi muốn tập trung vào một đề tài quan trọng của đức tin có thể làm phong phú cho đời sống kitô hữu của chúng ta và cũng có thể thiết lập mối tương quan của chúng ta với các thánh và với những người thân yêu đã qua đời của chúng ta: tôi nói về sự hiệp thông với các thánh. Nhiều lần chúng ta tuyên xưng trong Kinh Tin kính “tôi tin các thánh thông công”. Nhưng nếu được hỏi sự thông hiệp với các thánh là gì, tôi nhớ khi còn nhỏ, tôi đã trả lời tức khắc: “là những vị thánh lên rước lễ”. Đó là điều mà chúng ta không hiểu chúng ta nói gì. Sự hiệp thông của các thánh là gì? Không phải là những vị thánh lên rước lễ, không phải thế: là một điều khác.


Ngay cả đạo Kitô giáo đôi khi cũng có thể rơi vào hình thức sùng kính mà dường như nó phản ánh một tâm thức ngoại giáo hơn là Kitô giáo. Sự khác biệt căn bản ở nơi lời cầu nguyện của chúng ta và lòng sùng kính của chúng ta đối với những người tín trung, trong trường hợp này, không dựa trên sự tin tưởng vào một con người, hay vào một hình ảnh, một sự vật, cũng như khi chúng ta biết rằng chúng là những thứ thiêng liêng. Ngôn sứ Giêrêmia nhắc nhở chúng ta : “khốn cho ai tin cậy ở người đời, […] phúc cho người tin tưởng vào Thiên Chúa” (17,5-7). Ngay cả khi chúng ta hoàn toàn phó thác cho sự chuyển cầu của một vị thánh, hay hơn thế nữa, cho sự chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Maria, thì sự tin cậy của chúng ta chỉ có giá trị trong mối tương quan với Chúa Kitô. Như thể con đường hướng đến vị thánh này hay Đức Mẹ không kết thúc ở đó: không. Nó hướng đến các thánh, nhưng trong tương quan với Chúa Kitô. Chúa Kitô là mối dây liên kết chúng ta với Ngài và giữa chúng ta đều có cái tên cụ thể: mối liên quan này kết hiệp tất cả chúng ta, giữa chúng ta với nhau và với Chúa Kitô gọi là “sự hiệp thông của các thánh”. Không phải là những vị thánh làm nhiều phép lạ. Không! hay vị thánh này rất kỳ diệu….”: không. Các thánh không làm phép lạ đâu, nhưng chỉ nhờ ân sủng của Thiên Chúa hoạt động qua họ. Các phép lạ đều do Thiên Chúa thực hiện, ân sủng của Thiên Chúa hoạt động qua một con người thánh thiện, công chính. Điều này phải được làm rõ. Có người nói rằng: “Tôi không tin vào Chúa, nhưng tôi tin vào vị thánh này”. Đừng, đó là sai lầm. Thánh là người chuyển cầu, người cầu nguyện cho chúng ta và chúng ta cầu nguyện cho họ, họ cầu nguyện cho chúng ta và Thiên Chúa ban cho chúng ta ân sủng: Thiên Chúa hành động qua một vị thánh.


Vậy thì “sự hiệp thông của các thánh nghĩa là gì? Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo khẳng định: “Sự hiệp thông giữa các thánh chính là Giáo hội” (số 946). Hãy nhìn xem đó là một định nghĩa hay! “Sự hiệp thông giữa các thánh chính là Giáo hội”. Ý nghĩa của nó là gì? Phải chăng Giáo hội được dành cho những người hoàn hảo? Không. Nó có nghĩa là cộng đoàn những người tội lỗi được cứu chuộc. Giáo hội là cộng đoàn những người tội lỗi được cứu chuộc. Thật tuyệt vời với định nghĩa này. Không ai có thể bị loại trừ khỏi Giáo hội, tất cả mọi người chúng ta là những kẻ tội lỗi được cứu chuộc. Sự thánh thiện của chúng ta là hoa trái của tình yêu Thiên Chúa được tỏ bày nơi Chúa Kitô, Đấng thánh hoá chúng ta bằng cách yêu thương chúng ta trong sự cơ cùng của chúng ta và cứu chuộc chúng ta nhờ Giáo hội. Thánh Phaolô nói, nhờ Người mà chúng ta được tạo nên một thân thể, trong đó Chúa Giêsu là đầu và chúng ta là chi thể (1Cr 12, 12). Hình ảnh về thân mình của Chúa Kitô khiến chúng ta hiểu ngay ý nghĩa của việc chúng ta được liên kết với nhau trong sự hiệp thông là gì. Thánh Phaolô viết: “Nếu một bộ phận nào đau, thì mọi bộ phận cùng đau. Nếu một bộ phận nào được vẻ vang, thì mọi bộ phận cũng vui chung. Vậy anh em, anh em là thân thể Đức Kitô, và mỗi người là một bộ phận” (1Cr 12,26-27). Thánh Phaolô nói điều này: Tất cả chúng ta là một thân thể, tất cả đều hiệp nhất nhờ đức tin, nhờ phép rửa, tất cả đều trong sự hiệp thông: được kết hiệp với Chúa Giêsu Kitô. Đây là sự hiệp thông giữa các thánh.


Anh chị em thân mến, niềm vui và đau khổ chạm đến cuộc sống tôi ảnh hưởng đến tất cả mọi người, vì vậy niềm vui và đau khổ chạm đến cuộc sống của anh chị em bên cạnh tôi thế nào thì cũng ảnh hưởng đến tôi như vậy. Tôi không thể sống thờ ơ với người khác bởi vì tất cả chúng ta đều là một thành phần trong một thân thể, trong sự hiệp thông. Theo nghĩa này, ngay cả tội lỗi của riêng một người cũng luôn ảnh hưởng đến tất cả mọi người, và mỗi thành viên trong Giáo hội được nối kết với tôi cách sâu xa. Chúng ta được nối kết lẫn nhau cách sâu xa và sự nối kết này bền chặt đến mức không bị phá vỡ ngay cả cái chết. Vì vậy, sự hiệp thông các thánh không chỉ liên quan đến anh chị em ở xung quanh tôi trong khoảnh khắc lịch sử này mà còn liên quan đến những người đã kết thúc hành trình trần thế của họ và họ đã bước qua ngưỡng cửa của sự chết, họ cũng đang hiệp thông với chúng ta.


Anh chị em thân mến, anh chị em hãy nhớ rằng: trong Chúa Kitô, không ai có thể tách chúng ta ra khỏi những người chúng ta yêu thương bởi vì đây là mối dây liên kết hiện sinh, một mối liên kết bền chặt tồn tại trong chính bản tính của chúng ta; chỉ thay đổi cách sống giữa mọi người với nhau thôi, nhưng không ai và không có gì có thể phá vỡ mối dây liên kết này. “Thưa Cha, chúng ta hãy nghĩ đến những người đã chối bỏ đức tin, những người bội giáo, những người bắt bớ Giáo hội, những người từ chối phép rửa của họ: họ cũng là người một nhà sao? Vâng, kể cả những người này, cả những người hay chửi rủa, tất cả mọi người. Chúng ta là anh chị em với nhau: đây là sự hiệp thông các thánh. Sự hiệp thông của các thánh liên kết với cộng đoàn các tín hữu ở trần gian và trên thiên quốc.


Theo nghĩa này, tôi có thể xây dựng mối tương quan bạn hữu với anh chị em xung quanh tôi, tôi có thể thiết lập mối tương quan đó với anh chị em tôi ở trên trời. Các thánh là những người bạn mà chúng ta thường xây dựng tình thân với họ. Điều mà chúng ta gọi lòng sùng mến đối với một vị thánh – tôi rất sùng mến vì thánh này vì thánh kia – điều mà chúng ta gọi là lòng sùng mến thực ra là một cách thể hiện tình yêu khởi đi từ chính mối dây liên kết này, một mối dây hiệp nhất chúng ta. Ngay cả trong cuộc sống của tất cả mọi người hôm nay, có thể người ta nói rằng: “Con người này có lòng hiếu kính cha mẹ già của mình”: không, đó là cách của tình yêu, một sự diễn tả về tình yêu. Và tất cả chúng ta biết rằng chúng ta luôn có thể hướng đến một người bạn, nhất là khi chúng ta gặp khó khăn, khi chúng ta cần sự giúp đỡ. Và chúng ta có những người bạn ở trên trời. Tất cả chúng ta đều cần bạn bè; tất cả chúng ta đều cần những mối quan hệ có ý nghĩa để giúp chúng ta đương đầu với cuộc sống. Chúa Giêsu cũng có những người bạn của mình và Ngài hướng về họ trong những thời điểm quyết định nhất của kiếp sống nhân sinh.


Trong lịch sử của Giáo hội có vô số những người đồng hành với cộng đoàn tín hữu : trước hết là tình cảm cao vời và mối tương quan mạnh mẽ nhất mà Giáo hội luôn cảm nhận được đối với Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa và là Mẹ chúng ta. Nhưng đó cũng là vinh dự và tình cảm đặc biệt mà Giáo hội đã dành cho thánh Giuse. Sau cùng Thiên Chúa uỷ thác cho thánh nhân những gì quí giá nhất mà Ngài có: Chúa Giêsu, Con của Ngài và Đức Trinh nữ Maria. Nhờ sự thông hiệp của các thánh nam nữ mà chúng ta luôn cảm thấy các ngài gần gũi chúng ta, là những vị thánh bảo trợ của chúng ta, chẳng hạn nhờ danh thánh mà chúng ta mang, nhờ Giáo hội mà chúng ta thuộc về, nhờ nơi chúng ta đang sống, cũng như nhờ lòng sùng mến một người. Và niềm tin cậy này phải luôn thúc đẩy chúng ta yêu mến các thánh trong những khoảnh khắc quyết định của cuộc sống chúng ta. Nó chẳng phải là cái gì đó thần diệu, không phải là mê tín, nhưng là lòng sùng mến các thánh; đơn giản là nói chuyện với anh chị em đang ở trước mặt Thiên Chúa, đã trải qua một cuộc đời công chính, cuộc sống thánh thiện, gương mẫu và giờ đây họ đang ở trước mặt Chúa.


Chính vì lý do này, tôi muốn kết thúc bài giáo lý bằng một lời nguyện với Thánh Giuse mà tôi đặc biệt gắn bó và tôi đã đọc mỗi ngày trong hơn 40 năm. Đó là lời cầu nguyện mà tôi tìm thấy trong một tập sách cầu nguyện của các nữ tu dòng Chúa Giêsu và Mẹ Maria, từ những năm 1700, cuối thế kỷ 18. Lời kinh rất hay, hơn cả một lời kinh, nó còn là một thử thách cho người bạn này, người cha này, cho vị thánh quan thầy của chúng ta là Thánh Giuse. 


Sẽ rất tốt cho anh chị em nếu học được lời kinh này và anh chị em có thể lặp lại. Tôi đọc trước:


“Lạy Thánh phụ Giuse vinh hiển,

nhờ quyền năng ngài biết biến những điều không thể thành có thể,

Xin đến giúp con trong cảnh gian nan khốn khó này.

Xin nhận lấy những tình cảnh rất trầm trọng và khó khăn mà con phó dâng, dưới sự che chở của cha, để chúng có được một kết quả tốt đẹp.

Lạy cha dấu yêu, mọi tin tưởng của con đặt ở nơi cha.

Xin đừng để thiên hạ nói rằng con đã cầu khẩn cha cách uổng công, vì ở bên Chúa Giêsu và Mẹ Maria cha có thể làm được mọi việc,

Xin hãy tỏ cho con biết lòng nhân hậu của cha cũng thật cao cả như quyền năng của cha”.

Amen


Và lời kinh kết thúc bằng một thử thách, đây là thử thách Thánh Giuse: ‘Vì ở bên Chúa Giêsu và Mẹ Maria, cha có thể làm được mọi việc, xin hãy tỏ cho con biết lòng nhân hậu của cha cũng thật cao cả như quyền năng của cha’.


Tôi phó dâng cho Thánh Giuse mỗi ngày qua lời kinh này đã hơn 40 năm : đây là một kinh cổ xưa.


Nào hãy tiến lên, hãy can đảm, trong sự hiệp thông với tất cả các thánh mà chúng ta có ở trên trời và dưới đất: Thiên Chúa sẽ không bỏ rơi chúng ta.


G. Võ Tá Hoàng
Mới hơn Cũ hơn