Nền văn chương Công giáo, về Phanxicô Xaviê tại Việt Nam

NỀN VĂN CHƯƠNG CÔNG GIÁO
VỀ PHANXICÔ XAVIÊ TẠI VIỆT NAM (1)

GEORG SCHURHAMMER

ĐỖ VĂN ANH và TRƯƠNG BỬU LÂM

Phiên dịch từ bản dịch Pháp văn.

(In trong Tập san Việt Nam Khảo Cổ số 2, Sài Gòn, 1960)



Đây là bản dịch một bài khảo cứu của cha Georg SCHURHAMMER, nhan đề Annamitisch Xavierius Literatur đăng trong quyển Missionswissenschaftliche Studien, in tại Aacher (Aix-la-Chapelle), 1951, từ trang 300 đến trang 314. Chúng tôi hết lòng cảm tạ các Mẹ Dòng Bênêđictô tại Ban Mê Thuột đã tận tâm giúp chúng tôi phiên dịch nguyên văn bằng tiếng Đức và các cha Dòng Tên Saigon đã bổ túc bản dịch ra tiếng Pháp. Chúng tôi cũng gián tiếp tỏ niềm biết ơn đối với tác giả bài khảo cứu, cha G. Schurhammer, mà chúng tôi không tìm được địa chỉ để xin phép trước khi phiên dịch. Nhưng chúng tôi dám tin rằng tác giả sẽ không thấy trở ngại nào và kính xin tác giả nhận nơi đây lòng biết ơn của chúng tôi. Sau cùng chúng tôi cảm tạ Tòa Đại Sứ Tây Đức đã biếu Viện Khảo cổ quyển sách nêu trên.

Vào thế kỷ XVII, sự trục xuất các giáo sĩ khỏi Nhật Bản và việc giải tán tất cả giáo đoàn đã buộc các giáo sĩ Dòng Tên của tỉnh hạt Nhật Bản tìm một trường hoạt động mới: Đàng trong (Annam hiện nay), Đàng ngoài Chiêm Thành (miền Nam Annam hiện nay) Cam bốt (Cam bốt và Nam kỳ hiện nay). Lào quốc, Quảng Đông, Hải Nam, Macassar, Malacca, Timor và Solor. Nhưng công việc giảng đạo không khi nào lại gặp được một mảnh đất phì nhiêu bằng những xứ nói tiếng Việt (Việt Nam kể từ 1946). Xứ ấy bị chia thành hai vương quốc đánh phá lẫn nhau từ thế kỷ thứ XV và chỉ thống nhất lãnh thổ vào năm 1802: Bắc kỳ và Nam kỳ. Mặc dầu các cuộc bắt đạo và lưu đày các giáo sĩ, giáo hội Đàng trong, thành lập vào năm 1675, tính ra có được 70.000 giáo dân, vào năm 1675 (2), giáo hội Đàng ngoài thành lập năm 1627, gồm có hơn 150.000 giáo dân(3) vào năm 1647 và hơn 300.000 giáo dân vào năm 1661. Trong số giáo dân đó có các quan to, các nhà thông thái, các tướng và cả người của hai họ nhà Chúa nữa (4).

Cũng vì lý do đó mà từ lâu các giáo sĩ đã nghĩ đến sự cấu tạo một nền văn chương công giáo bản xứ; bằng Hoa ngữ là chữ thông dụng ở các xứ ấy (chữ Nôm) cũng như bằng La ngữ là thứ chữ mà các giáo sĩ áp dụng cho ngôn ngữ Việt Nam bằng cách thêm giọng và thêm dấu (Quốc ngữ). A-lịch-sơn Đắc Lộ, một trong những giáo sĩ sáng lập giáo hội Đàng ngoài, đã có soạn một quyển sách giảng đạo với một quyển tự vị(5) và cũng vì người Việt Nam có thói quen vừa học vừa hát (6) nên các thi phẩm xuất hiện rất mau chóng. Ca và kịch thường có cơ hội để được sáng tác, đặc biệt vào những ngày lễ Giáng Sinh. Các ngày đó với những cuộc lễ long trọng và máng cỏ luôn thu hút giáo dân và cả người ngoại đạo rất đông đảo đến nhà thờ. Trong xứ Nam, các giáo sĩ đã làm máng cỏ năm 1626 ở Cacham (7) và năm 1647, ở Faifo (8). Ở xứ Bắc, trong dịp lễ Giáng Sinh năm 1634, tại Rum (9), cuộc trình diễn đời sống của hai thánh Alexis và Eustache đã làm khán giả rơi lệ (10). Ở Langcon (tỉnh ở miền Nam) (11), rất nhiều người đã theo đạo vì các bài hát về phép mầu nhiệm của ngày Giáng Sinh (12). Năm 1642, lễ Giáng Sinh đã được cử hành ở Kẻ Mlé (13) (tỉnh ở miền Tây) có máng cỏ, ca và kịch như vừa trình bày trên đây (14). Năm 1648, cũng nhân ngày lễ này, 4.000 giáo dân đã tụ họp lại Kẻ Bò (15) (Thanh Hóa) để xem diễn lại sự cải giáo của Josaphat. Trong buổi lễ, có những cuộc đối thoại và âm nhạc bản xứ.(16)

Giáo sĩ Manuel Ferreira, thuộc Dòng Tên, đã viết về buổi lễ Giáng Sinh tại Khi-lan (17) năm 1674 như sau:

“Từ khắp nơi trong tỉnh, giáo dân tấp nập đến xem máng cỏ, đến đỗi cả nhà không chứa đủ tất cả mọi người. Đêm như ngày, tôi ngồi nghe bổn đạo xưng tội nhưng chỉ có một phần mười giáo dân có đủ thời giờ để xưng tội thôi. Những người ở lại được thì xưng tội sau buổi lễ. Để cho buổi lễ được vui vẻ hơn, tôi ra cho các giáo dân một câu đố với một giải thưởng cho người nào tìm được câu giải thích. Đây là lần thứ nhất trong tỉnh này, nên chẳng có ai tìm ra lời giải được cả. Câu đố đó là một tấm ảnh trình bày một nhân vật mặc một chiếc áo hai màu: đen và trắng, một tay cầm mặt trời, một tay cầm mặt trăng, như người ấy đang điều khiển ngày và đêm. Vì là con của thời gian và cũng vì tốc hành của hắn, nên người ấy có một cặp cánh. Bao quanh người ấy có 12 con thú chỉ định tên của 12 giờ trong một ngày, theo phong tục của người Bắc (giờ dần: con cọp, giờ thìn: con rồng...). Dưới tấm hình có viết chữ thổ bằng chữ bản xứ. Chữ ấy bao gồm ý nghĩa của cuộc đố. Trong câu đố có mấy câu thơ tôi đã sáng tác, ám chỉ những ngày khác nhau trong tuần: 6 ngày, trong thời gian đó Đức Chúa Trời tạo thiên lập địa và ngày thứ 7, là ngày Chúa nghỉ ngơi; hai ngày đã được kéo dài trên thế giới này, lần thứ nhứt do lời cầu khẩn của Josuê và lần thứ nhì bởi lời cầu khẩn của thánh Phanxicô Xaviê; ngày kinh khủng nhứt trên thế giới là ngày phán xét và ngày cuối cùng là đêm Giáng Sinh. Kế đó vài câu thơ về những ngày quan trọng nhất đối với giáo hội và những ngày khác đã được thánh hóa bởi sự cứu thế của Chúa và bởi phép mầu của đức tin. Tôi giảng dạy những điều ấy cho các giáo dân và khuyên họ nên lấy những điều ấy làm niềm hoan hỉ và giáo lý. Và đến đây tan buổi lễ Giáng Sinh”(18).

Ta được biết là năm 1622, bà Chị của Chúa Đàng trong (19) – bà này là vợ của một ông quan mà giáo dân rất thù hằn – xin chịu phép rửa tội. Một nữ ca sĩ Đàng ngoài thường hát cho bà nghe những bản hát đạo cùng tiểu sử các thánh nên đã làm bà công chúa theo về đạo (20). Người ta còn kể rằng vào năm 1700 các giáo dân Đàng trong thường hát những bài hát đạo trong nhà thờ (21) và năm 1713, giáo sĩ Isidor Luci, để xin gửi cho giáo sĩ vài tiểu sử của các thánh mới như Phanxicô de Salles, Phêrô Nolasque... hầu làm cho bản danh sách các thánh của Đàng ngoài thêm phong phú (22). Ta lại được biết bởi giáo sĩ Juan Arnedo chịu tử đạo năm 1700, thầy giảng Anton Ki là một văn sĩ tài ba đã viết bằng thơ Tiếng Việt cuộc đời các thánh: tiểu sử thánh Antôniô, bà thánh Elidabết xứ Bồ Đào Nha, thánh Gioan Guarino, Tobie, bà thánh Catarina thành Bôlônha, và thánh Xêbastianô (23).

Chúng tôi xin giới hạn bài khảo cứu này với ba tác giả của phái bộ truyền giáo cổ Dòng Tên ở những xứ nói tiếng Việt. Các tác phẩm văn chương của những người này ít được biết hoặc không được biết tới, cho đến ngày nay.

I. Cha Girolamo Majorca, S.J.

Sanh tại thành Napoli (Ý đại lợi), ông vào Dòng Tên năm 1605, sang Ấn Độ vào năm 1619, ông làm việc ở đấy hai năm trong triều của Âdil Khan. Từ đó ông qua Macao năm 1623 và từ Macao đến xứ Nam, ngang qua Macassar. Trong thời gian lưu trú 5 năm tại đây, ông học tiếng bản xứ. Bị trục xuất năm 1629, ông bị cầm tù hai năm tại nước Chàm. Kế đó được người Bồ Đào Nha giải thoát, ông ra xứ Bắc năm 1631 và lưu lại đấy đến khi qua đời vào năm 1656 (24). Trong bản tiểu sử của ông trong Dòng Tên, sử gia khen ngợi công lao to tát của ông đối với giáo đoàn vì ông đã hết lòng giảng đạo, trình độ đạo đức của ông rất cao và cũng vì ông đã sáng tác hoặc phiên dịch rất nhiều sách vở: cả thảy có 48 quyển (25). Năm 1643, người ra có nói ông đã soạn nhiều sách vở bằng ngôn ngữ, văn tự của giáo dân ông cai quản: tiểu sử thánh Inhatiô, các bà thánh Đôrôtê, Bạcbara, Luxia, Agnès, Agata, Xebastianô, các thánh Faustin và Jovite, Job và nhiều thánh khác. Ông cũng có lẽ đã viết nhiều bài suy gẫm về lòng bác ái của Chúa Cứu Thế, của Đức Bà, về Địa ngục, về phép giải tội và về sự giao phó trong tay Đức Chúa Trời (26). Trong năm 1635, ông cũng có soạn nhiều bài khảo luận về hôn nhân, nhiều bài suy gẫm về vinh quang của các thánh với nhiều ví dụ, một tác phẩm về nạn cho vay với lãi nặng, một bài suy gẫm về Thánh lễ với sự chuẩn bị rước Thánh Thể, một bài về lòng trung kiên trong khi đạo bị truy nã, một tiểu sử của Đức Mẹ gồm có 20 chương, tiểu sử của thánh Jérôme, của thánh ẩn sĩ Antôniô và một bức thư rất dài về sự cần phải bãi bỏ nhiều điều hà lạm (27). Trong bức thư hàng năm cho năm 1637 (viết vào tháng tư năm 1638), Majorca ôn lại những công trình văn chương của ông.

“Tuân lệnh bề trên, tôi đã soạn và viết ra nhiều tác phẩm với mục tiêu cứu rỗi linh hồn. Tôi đã viết tiểu sử thánh Phanxicô Xaviê và cũng có viết về phép lạ mà thánh Phanxicô đã ban ở Napoli, cho thánh tử đạo Marcello (28). Tôi đã viết tiểu sử của Á thánh Phanxicô Borgea (29) của các bà thánh Engrace, Olaya(30) và 7 vị thánh khác. Tôi đã soạn một tập thảo luận rất dày về những tội lỗi gây ra bởi cái lưỡi và những phương cứu chữa. Một tập khác dày hơn nữa nhan đề “An ủi kẻ đau khổ”; một tập khác về sự trong sạch với nhiều tiểu sử của các bà thánh đồng trinh như Agnès, Cecile, Agathe. Tập này tôi vừa sửa chữa lại. Tiếp theo đó là 7 bài suy gẫm về Thánh giá, về sự phán xét, và một cuốn sách nhỏ về việc tử đạo... Giáo dân bắt đầu thờ phượng thánh Phanxicô Xaviê vì phép lạ cho thánh tử đạo Marcello được truyền lan nhiều” (31).

Năm 1642, ra đời một tập khái luận về các thiên thần hộ mệnh (32).

Một tập ký sự nói ông đã sáng tác cả thảy là 48 tác phẩm (33). Một quyển khác viết:

“Ông đã viết rất nhiều sách vở bằng ngôn ngữ và văn tự của xứ Bắc. Ông đã phiên dịch hoặc sáng tác hơn 45 quyển: đó là một kho tàng mà giáo hội ngày nay gìn giữ và kính trọng. Ông có soạn 12 quyển sách khác bằng văn xuôi hay thơ, ví dụ để ngợi khen Thánh Thể, Đức Bà Maria, các thiên thần, thánh tổ Inhatiô, thánh Phanxicô Xaviê và các ông cùng các bà thánh khác. Công việc này làm ông rất bận. Luôn cả trên tàu khi đi viếng thăm giáo dân, ông không khi nào ngưng làm việc (34)”.

II. João Ketlâm (35), cũng gọi là João Vuang (36).

Sanh năm 1588 tại làng Thanh Minh (quận Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, thuộc Trung phần). Cha mẹ ông là người ngoại đạo. Mẹ ông quê quán ở Kêtlâm (37). Cha ông là một quan lớn (38), bậc thứ nhì trong tỉnh (39). Khi ông lên 15 tuổi, cha ông cho người dạy ông về triết lý thánh hiền Trung hoa. Vốn thông minh nên không bao lâu, ông đã vượt khỏi các bạn đồng môn, và khi được 25 tuổi, ông đã thâu thái một nền học thức có thể cho phép ông đạt những chức vụ cao trọng. Lúc bấy giờ, ông cũng đã nổi tiếng là văn sĩ và thi sĩ. Lối năm 1622, năm ông được 34 tuổi, ông được đọc một quyển sách giáo lý và nhiều sách khác bằng chữ nho về đạo Thiên Chúa, do các giáo sĩ Dòng Tên ở Trung Hoa biên soạn. Nhờ những quyển sách ấy, ông đã nhận chân đạo Thiên Chúa (40). Ông nhờ cha Manuel Fernandez, thuộc Dòng Tên giáo hóa và được rửa tội cùng vợ ông, lấy tên thánh là João. Để tỏ lòng cảm tạ, ông cho cha này trú ngụ tại nhà ông trong 6 tháng lúc đạo đang bị bắt bớ và từ lúc ấy, ông đi theo cha để làm thầy giảng trong những cuộc đi giảng đạo của cha ấy; nhiều người đã trở về đạo vì uy tín, học thức, những lời giảng của ông và nhất là vì những tác phẩm mà ông đã soạn trong những lúc nhàn rỗi, về tiểu sử của các thánh, bằng lời thư rất chải chuốt, như chuyện ông thánh Constantini le Grand, Barlaam và Josaphat. Những tác phẩm ấy rất được nhiều người hâm mộ. Không thể tả xiết được tiếng tăm mà những tác phẩm tinh thần của ông đã gây cho đạo Thiên Chúa trong giới quan lại trong xứ (41). Chính Chúa Thượng (Nguyễn Phước Lan, 1635-48) khi nghe ông hát cũng phải khen (42).

Nhưng đến năm 1629, tất cả các giáo sĩ đều bị trục xuất và João lui về Ketlâm ẩn núp trong một vài năm. Sau đó với tư cách người đi thâu thuế, ông tới tỉnh Quảng Ngãi nơi có mỏ vàng. Nhiệt tâm vì đạo của ông đã nguội dần và, lấy cớ tuổi già, ông bắt đầu uống rượu quá độ (43), khiến các giáo dân phật lòng, đến nỗi phải phái 9 người đại diện đến Ketlâm yêu cầu ông giảng đạo như khi xưa. Một đêm trước khi phái đoàn ấy đến ông nằm mộng thấy Đức Mẹ quở trách ông từ lâu rồi không xưng tội. Lúc đó là năm 1648. Và phái đoàn giáo dân đã thành công. Ông theo các sứ giả về Faifo (Hội An). Nhiều giáo sĩ đã trở về đó được rồi và ông nhận lại chức vụ cũ là thầy giảng và người viết sách (vợ ông đã chết giữa khoảng thời gian này) (44). Năm chót của đời ông, ông đã sống tại triều đình ở Cacham. Các giáo dân đã kêu gọi ông vào đó để dạy dỗ con em của họ và luôn thể giảng đạo cho những người muốn theo trở về đạo. Ở đây cũng như ở Faifo, ông đã làm cho mọi người phải hâm mộ vì đời sống thánh thiện của ông. Ông đã bỏ tuyệt rượu chè và suy gẫm hằng giờ về sự thương khó của Chúa Cứu Thế mà không khi nào ông nói tới không phải rỏ lệ. Trái lại những người khác, khi biết được bốn, năm câu của Khổng Tử thì khinh khi các linh mục, ông thì tự xem mình như một đứa trẻ trước các giáo sĩ; ông theo sự hướng dẫn của các giáo sĩ trong mọi việc và không bao giờ cho xuất bản một quyển sách nào mà không trình để bề trên của Hội xem trước và cho phép. Không chút sợ hãi, ông biểu bạch đức tin của ông và, năm ông 75 tuổi; Chúa cho bắt ông và sau đó ông chết vinh quang dưới lưỡi gươm của đao phủ ngày 11 tháng 5 năm 1663 (45).

Ông viết tất cả 15 tác phẩm bằng tiếng Việt. Ngoài ra, theo lời yêu cầu của các giáo sĩ, ông có soạn truyện bà thánh Maria Mađalêna, và theo lời yêu cầu của rất nhiều người, truyện các thánh Inhatiô đờ Loyola, Phanxicô Xaviê, Dominico và Catarina, tất cả bằng lời thơ hết sức chải chuốt cùng với lòng thành kính lớn lao đến nỗi làm cho các truyện ấy được ưa thích bởi tất cả mọi người trong xứ. Tác phẩm chót của ông là một quyển sách về tuần trai lấy sự ăn chay của Chúa Cứu Thế trong sa mạc làm chủ điểm (46).

III. – Philiphô Rôsariô cũng gọi là Philipê Bỉnh

Ông là văn sĩ cuối cùng của giáo đoàn Dòng Tên ở những xứ nói tiếng Việt. Trong khi các tác phẩm của hai người tiền bối của ông đều bị mất, theo lời của Sommervogel, của Cordier cũng như của Streit, không ông nào tìm ra một tác phẩm nào, thì về Philipê Bỉnh, chúng tôi lại tìm được những tác phẩm mà đến bây giờ chưa được ai biết tới. (47)

Những tác phẩm ấy được lưu trữ tại thư viện tòa thánh Vaticanô. Những sách viết tay thì kiểm tra dưới số Borgiani Tonchinensi 1-21 và 24 và Borgiani Latini, tập 668. Những quyển sách này đều có khổ 80 (20.5cm x 15cm) đóng bìa giống nhau, cùng một thứ giấy xanh xanh, tất cả đều do Bỉnh viết tay bằng tiếng Bồ vụng về, tiếng Latinh hay bằng tiếng mẹ đẻ của ông là tiếng Việt. Ở đầu mỗi tác phẩm, trừ một, đều có câu ghi chú này: “Este livro he o? Padre Felippe do Rosario, enviado da Christandade de Tunkim (48) Sách này là của thầy cả Bỉnh”.

1. Tiểu sử: các tác phẩm và nhật ký của ông là những nguồn sử liệu chính liên quan đến đời sống của ông. Để tìm hiểu cuộc đời đó ta cần phải lui ngược thời gian để chứng kiến sự tiến triển của giáo hội sau cuộc tử đạo của Ketlâm năm 1663. Năm 1659, Đức Giáo Hoàng biến xứ Bắc và Nam thành hai địa phận đặt trực thuộc Thánh bộ Truyền Giáo mà không đếm xỉa đến chủ quyền của vua xứ Portugal trên, những địa phận ấy (49), hai địa phận này được đặt dưới quyền của hai đức giám mục cùng các giáo sĩ thuộc Hội Thừa sai ngoại quốc vừa mới thành lập. Năm 1664, giáo sĩ thứ nhất người Pháp thuộc Hội Thừa Sai đặt chân lên xứ Nam và năm 1666 đến xứ Bắc. Hậu quả của việc này là cuộc cạnh tranh kéo dài gần một trăm năm giữa Bồ Đào Nha và Thánh bộ Truyền Giáo, giữa các giáo sĩ Dòng Tên Bồ (cùng các giáo sĩ Dòng Tên thuộc nhiều nước khác) và các Thừa Sai người Pháp (giúp đỡ bởi các tu sĩ Yphanho Dòng Đa Minh từ năm 1676 và sau đó bởi các tu sĩ thuộc Dòng Augustin và Phanxicô). Nhờ sự can thiệp của nước Bồ, người ta đi đến một thỏa hiệp. Chia xứ Bắc ra làm hai phần năm 1678: các tu sĩ Dòng Đa Minh lãnh miền đông và miền tây thuộc các Thừa sai Ba Lê. Còn các giáo sĩ Dòng Tên Bồ Đào Nha, mặc dầu thuộc quyền cai trị của các giám mục, vẫn có thể lưu lại trong nước và cho đến cuối thế kỷ XVIII, giào đoàn của họ có lẽ hơn tất cả các giáo đoàn khác ở xứ Bắc về diện tích, về số giáo dân (130.000 người) và về lòng tận tâm của những giáo dân đó (50).

Nhưng từ lúc các Thừa sai Pháp và Yphanho đến, giáo hội chia ra thành hai phe đối lập. Và khi các giám mục đại diện tông tòa thay đổi những bài kinh cầu đã cho các giáo sĩ Dòng Tên đưa vào các xứ, thì sự phân tách trở thành hoàn toàn, đến nỗi từ đó các giáo dân của hai phe không còn muốn giao thiệp với nhau nữa, như chúng ta được biết bởi một bức thơ do cha Luci, Dòng Tên, gửi cho cha Cả Dòng vào năm 1714 (51).

Sự giết hại giáo sĩ Dòng Tên bởi Pombal (1757-1760) (52) và sự bãi bỏ Dòng ấy bởi Đức Giáo Hoàng Clément XIV công bố năm 1775 ở Viễn Đông là những đòn rất nặng đối với giáo đoàn Dòng Tên. Nhưng giáo dân cấp dưỡng các cha (53) và các “nguyên giáo sĩ Dòng Tên” không những vẫn ở lại chứa mà lại còn được nâng đỡ bởi những lực lượng mới, vì năm 1773, cha cả Dòng Tên là Ricci gởi thêm cho họ các giáo sĩ người Ý (6 người cho xứ Bắc và 2 cho xứ Nam) (54). Thánh bộ Truyền Giáo sau lệnh giải tán cũng cho phép một cách minh bạch các giáo sĩ Dòng Tên được giữ và điều khiển giáo đoàn của họ và đã gửi gắm họ cho các giám mục đại diện tông tòa, như ta đọc được trong một bức thư mà Thánh bộ gửi cho cha O. Villiani, Bề trên của giáo đoàn Dòng Tên ngày 16 tháng giêng 1777 (55).

Nhưng bắt đầu từ ngày Dòng bị bãi bỏ việc luân phiên các giáo sĩ không còn nữa. Năm 1775, giáo đoàn gồm có 10 giáo sĩ Dòng Tên người Âu; 6 người Ý, 2 người Bồ và 2 người Đức (56). Tử thần làm hàng ngũ họ càng thưa thớt. Năm 1782, chỉ còn có 8 giáo sĩ và một vài người trong số đó lại nghĩ đến việc trở về Âu, vì họ không muốn chứng kiến lúc các con chiên họ bị xô xuống vực thẳm. Các giám mục đại diện tông tòa, sau lệnh bãi bỏ Dòng Tên, đã bắt buộc họ nạp bản kê khai tất cả các tài sản của họ và các giám mục cũng tỏ vẻ hối hả tịch thu các tài sản ấy cùng với giáo đoàn của họ ở nhiều nơi, các giám mục còn cất quyền phân phát các phép thánh của các giáo sĩ Dòng Tên và phái đến để cai quản các giáo dân những “thầy cả người Bắc Việt dốt nát và kém văn minh” (57) (Toàn địa phận của miền Tây xứ Bắc thuộc chủng viện Paris, chỉ còn có 4 hay 5 giáo sĩ người Âu thôi) (58). Nhưng các giáo dân thuộc giào đoàn Dòng Tên không chịu phục tùng những thầy cả đó vì thế nên phần đông chọn việc bỏ nhà thờ hay các phép thánh hơn là tự đặt dưới quyền điều khiển của các thầy cả đó (59). Năm 1786, xứ Bắc chỉ còn có ba nguyên giáo sĩ Dòng Tên người Âu, còn trong xứ Nam thì vị nguyên giáo sĩ Dòng Tên cuối cùng đã từ trần năm 1783 (60).

Tình hình đang ở trong giai đoạn này, các giáo dân của giáo đoàn Dòng Tên mới quyết định gửi một phái đoàn đến nhà vua xứ Bồ để xin vua gửi cho họ một giám mục cùng các giáo sĩ Bồ thuộc Dòng Tên nếu được. Philiphê Bỉnh được cử lãnh nhiệm vụ này (61).

Bỉnh sanh năm 1759 tại Hải Dương, tỉnh lỵ của tỉnh cùng tên, ở phía đông Hà Nội, cha mẹ là người xứ Bắc. Ông vào chủng viện năm 1775 và được phong chức thầy cả sau khi học mãn khóa. Cùng với thầy giảng Liên, ông đáp tàu vào tháng chạp để đi Goa, và vì có chiến tranh với Pháp nên không thể đi ngang qua Macao được. Ở đây, Bỉnh viếng mộ thánh Phanxicô Xaviê là vị thánh ông hâm mộ nhất, nhưng ông lại không tìm được tàu để đi thẳng tới nước Bồ Đào Nha nên ông để thầy Liên ở lại Goa rồi ông trở về xứ Bắc. Cùng với ba thầy giảng Tôma Vincente, José de Rosario và Phanxicô de Rosario, ông qua Macao và từ đó xuống tàu đi thẳng sang nước Bồ. Sau rất nhiều hiểm nguy đã tránh được khỏi nhờ ông cầu xin sự che chở của thánh Phanxicô, Bỉnh và ba người đồng hành đến Lisbôa ngày 20 tháng 6 năm 1796 (62).

Lúc đó Pombal, kẻ thù số một của Dòng Tên, sau khi bị ruồng bỏ, đã chết năm 1782. D. João, con của nữ hoàng khùng Maria, đang trị vì thay mẹ với tư cách là thái tử nhiếp chính. Các sứ giả đệ đơn lên thái tử. Nhưng tình hình chính trị xứ Bồ không được thuận lợi lắm. Về phía Tây Ban Nha và Pháp, chiến tranh đang đe dọa. Vì đó mà thái tử nhiếp chính phải có nhiều mối lo khác. Rốt cuộc, sau 6 năm chờ đợi, Bỉnh thấy những cố gắng mình thành tựu: ngày 15 tháng 10 năm 1801, nhiếp vương phong tu sĩ Frei Manuel de S. Gualdino thuộc Dòng Đa Minh lên chức giám mục xứ Bắc. Nhưng niềm thất vọng lại theo liền: Đức Giáo Hoàng từ chối không chịu nhìn nhận sự phong chức ấy, viện lẽ rằng xứ Bắc đã có đức giám mục đại diện tông tòa rồi. Vì vậy mà sau khi được phong chức, tu sĩ lại được gửi đến Macao chớ không phải đến Đông Dương và ông đến nơi ngày 3 tháng 9 năm 1803. Lập tức, ông đứng về phía các đức giám mục đại diện tông tòa và cho đến khi ông rời bỏ nơi ấy để sang Goa, cuối năm 1805, ông cố gắng hết sức để thuyết phục giáo dân của giáo đoàn Dòng Tên xứ Bắc và xứ Nam nên phục tùng các đức giám mục đại diện tông tòa. Trong bốn bức thư, ông nêu rõ ràng là bốn sứ giả mà họ gửi sang Lisbôn đã lường gạt thái tử nhiếp chính khi họ thúc đẩy thái tử phong ông lên địa vị giám mục xứ Bắc. Giáo dân không nên tự cho mình là “môn đồ của Dòng Tên” vì giáo đoàn này đã bị bãi bỏ từ 30 năm rồi. Họ nên bỏ các sách của những giáo sĩ Dòng Tên cũng như những nhà thờ và những tài sản của những giáo sĩ ấy mà thâu nhận những sách vở mới của các giám mục đại diện tông tòa.

Những kẻ đã gieo vào lòng giáo dân mầm hy vọng là Dòng Tên sẽ trở lại, đã gạt họ. Cả Đức Giáo Hoàng cũng như quốc vương không ai sẽ cử cho họ một đức giám mục Bồ Đào Nha nào nữa. Vậy họ nên bỏ sự ly giáo và phục tùng các đức giám mục đại diện tông tòa. Ông viết thư về Bồ Đào Nha cho biết các nguyên giáo sĩ Dòng Tên là Tulano Carneiro và Nuncio Horta không chịu tuân lệnh và lôi kéo theo họ một số đông giáo dân ước muốn có ít nữa là một giám mục Bồ Đào Nha cho các “giáo khu Bồ Đào Nha” (63).

Đức cha Jean Labartette, đức giám mục đại diện tông tòa xứ Nam cảm tạ đức giám mục Macao, năm 1804, vì đức giám mục này đã cố hết sức vận động để phá tan sự “ly giáo” đã kéo dài từ 30 năm. Đức giám mục đại diện tông tòa xứ Bắc là tu sĩ Ignacio Delgado, thuộc Dòng Đa Minh, cũng có lời cảm tạ như vậy nhưng lại có thêm rằng những “kẻ ly giáo” đã cầu cứu tận thái tử nhiếp chính và ông sợ sẽ có những cuộc vận động mới nữa, nhất là với sự giúp đỡ của thầy cả “khốn nạn Philiphê Bỉnh” mà theo những bức thư của hắn, chưa thấy tỏ vẻ hối hận chút nào cả.(64)

Trong bức thư cuối cùng của ông gửi cho giáo dân xứ Bắc, tu sĩ FR. Manuel có thêm rằng năm nay (1805) quốc vương đã trục xuất khỏi Bồ Đào Nha ba người Việt xứ Bắc ở đấy từ 10 năm (65). Đấy là ông ám chỉ đến Bỉnh và các người đồng hành. Chúng ta không được biết lời tuyên bố này đúng đến độ nào. Năm 1801, Pháp và Tây Ban Nha đã tuyên chiến với Bồ Đào Nha và năm 1807, Junot, đại tướng của Napôlêông, đã đem bạo quân sang xâm chiếm xứ Bồ, bắt buộc hoàng gia và thái tử nhiếp chính phải chạy trốn sang Ba Tây. Kể từ ngày ấy, Bồ Đào Nha trở thành một chiến trường, nơi ấy Pháp, Anh và Bồ tranh quyền lẫn nhau, chỉ vào năm 1811 quân đội của Napôlêông mới rút khỏi xứ và cũng vào năm ấy, chúng ta lại gặp lại lần thứ nhất Bỉnh tại Lisbôn (66).

Trong khoảng thời gian ấy, vị giáo sĩ Dòng Tên chót hết là giáo sĩ Carneiro đã từ trần tại xứ Bắc năm 1809 (67), và mỗi năm số các giáo sĩ Tây phương ở Viễn Đông giảm bớt lần hồi. Năm 1812 xứ Bắc chỉ còn có sáu người với số giáo dân là 200.000; năm 1813 ở xứ Nam chỉ còn có bốn người với số giáo dân là 60.000 người. Năm 1817, số các giáo sĩ Tây phương ở xứ Bắc sụt xuống còn ba người (68) và đến các địa phận Bồ Đào Nha vị trí về phía đông mũi Hảo Vọng, tình trạng các giáo đoàn cũng đã sụt xuống mức thấp kém nhất (69). Nhưng một ngôi sao mới đầy hy vọng mọc lên ở phía Tây: mỗi năm, Bỉnh theo dõi thời cuộc từ khi vừa mới đến Âu Châu và ghi mọi chi tiết vào nhật ký của ông. Ông biết rằng Dòng Tên vẫn còn tồn tại ở nước Nga xa xăm dưới sự cai quản của cha Bề Trên Brzozowsky. Và năm 1418, ông còn được ghi thêm một tin đáng mừng hơn nữa, Đức Giáo Hoàng vừa về tới La Mã vào cuối tháng 5, sau thời gian giam cầm, liền đến nhà thờ Dòng Tên ngày 6 tháng 6 để ban phép lành cho nhà thờ. Đến ngày 7 tháng 8, Đức Giáo Hoàng làm lễ tại bàn thờ thánh Inhatiô và đọc lời tuyên ngôn tái lập Dòng Tên mà không chút e sợ những kẻ thù hay những sứ giả của các triều đình thù nghịch với Dòng Tên.

“Tôi không sợ những sứ giả, mà cũng không sợ đến vua nước Tây Ban Nha đang ở tại Rôma. Cũng như thánh Phêrô, tôi lại sợ đàn bà. Trừ ra, tôi không sợ vua, thế gian, cũng không sợ hoàng đế Roma, bởi vì tinh thần của Chúa không khiếp sợ ai cả” (70) rất đỗi vui mừng, Bỉnh viết những câu trên, rồi thêm rằng: “Cũng trong năm ấy, ngày 14 tháng 11, 40 người xin vào Dòng, trong đó có 20 thầy cả và phần đông lại là giáo sư đại học... và D. Manuel Carlos, vua xứ Sardaigne, cũng vào Dòng tu như thánh Phanxicô đờ Borgia; đó không phải là điềm lành sao?... vào năm 1814, các giáo sĩ Dòng Tên đi giảng đạo ở xứ các người da đen và vua xứ Tunisie lập cho họ một tu viện, đó không phải là điềm lành sao?” (71).

Bởi thế nên có niềm hy vọng rằng các giáo sĩ Dòng Tên sẽ trở lại xứ Bắc. Vì đó mà tu sĩ Vincenzo d’Osimo, Dòng Phanxicô, sau khi được tin tái lập Dòng Tên viết thư về Cha Cả Dòng năm 1817 để xin gửi giáo sĩ Dòng ấy. Ông quả quyết là giáo dân đang đợi chờ “các giáo sĩ Dòng Tên như chờ chính Chúa Cứu Thế vậy”(72). Nhưng Dòng Tên vừa hồi sinh nên vẫn còn ít người và kẻ thù của Dòng Tên lại đã bắt đầu hành động. Năm 1818, các giáo sĩ Dòng Tên bị trục xuất khỏi Hòa Lan. Năm 1820, khỏi nước Nga và Tây Ban Nha, năm 1821 khỏi Mễ Tây Cơ và chỉ đến năm 1829, Dòng mới được trở về xứ Bồ Đào Nha. Tan nát cõi lòng, Cha Bề Trên cả đành từ chối đơn này tiếp theo đơn khác. Bỉnh cũng không tìm thêm được người thợ nào cho đất nước mình cả. Năm 1819, vua João VI gửi một bức thư cho tất cả các Dòng nói sẽ cấp dưỡng cho ai muốn sang Ấn Độ. Năm 1820, lại gửi một bức thư khác cũng cho các Dòng ấy để khuyến khích gửi người sang Ba Tây, nhưng cũng chẳng ai trả lời. Năm 1820, buồn rầu, Bỉnh ghi những dòng cuối cùng như sau:

“Hầu tước Pombal có tuyên bố nếu không có giáo sĩ Dòng Tên, ông sẽ gửi các Dòng khác nhưng đến nay chưa gửi ai cả... Chỉ có các tu sĩ Oratoire-Rifoles (73) mới đi đến Macao và Bắc Kinh vì ở những nơi ấy, họ có nhà cửa và tiền bạc mà các giáo sĩ Dòng Tên đã để lại cho họ. Nhưng đã hơn 30 năm rồi mà chỉ có ba người sang Trung Hoa thôi. Làm sao bây giờ? Đối với giáo dân còn chưa đủ huống hố đối với những người ngoại đạo”.

Quyển sách chấm dứt như vậy và trên bìa, ông ghi thêm những chữ này: “Oitocantos os veneraveis Jesuitas Marlyres” (74) (Tám trăm tu sĩ Dòng Tên tử vì đạo).

Nhưng Bỉnh khôngbỏ mọi hy vọng, ông đã tận dụng những năm đợi chờ để sáng tạo một nền văn chương công giáo Việt Nam, có thể giúp ích cho các giáo sĩ sau này và cho các đồng bào của ông. Bởi thế nên năm 1818, ông viết một quyển sách rất dày về tiểu sử thánh Phanxicô Xaviê, năm 1819, tiểu sử của thánh Inhatiô đờ Loyola, năm 1820, tiểu sử của Phanxicô Borgia, năm 1822-23, một bộ lịch sử Việt Nam gồm có hai quyển và cũng trong thời gian này, ông khởi đầu tập ký ức. Năm 1830, lại có một tác phẩm vĩ đại về bà thánh Anna. Đó là tác phẩm cuối cùng của ông. Ông tiếp tục tập ký ức cho đến năm 1831, và thêm vào đó một danh sách những tác phẩm của ông và một bản sao hai cái biên lai chứng nhận rằng “cha Felippe de Rosario, được gửi từ giáo hội Vương quốc Bắc, ngụ ở nhà thờ Conceição và thánh Antoniô ở Lisbôa, vào đầu năm 1830, 250 thánh lễ cho các linh hồn nơi luyện ngục (75). Về năm 1832, ông chỉ ghi tựa thôi và trong quyển sách lịch sử các Đức Giáo Hoàng, ở đoạn nói về cái chết của Piô VIII, với một bàn tay run rẩy ông có ghi thêm tên của người kế vị là Grégorio XVI (1831) (76). Người bạn Việt Nam đồng hành đã soạn bản chỉ dẫn cho tác phẩm của ông về bà thánh Anna. Và ở đoạn chót, năm 1833, ông thêm vào một tờ trình về cái chết của cha Bỉnh. Philippê Bỉnh chết năm 1832.

2. Tác phẩm của Philipê Bỉnh.

Sau đây chúng tôi nêu ra một cách vắn tắt danh sách tác phẩm của cha Bỉnh theo thứ tự thời gian. Những tác phẩm tiếng Việt đều được viết bằng chữ quốc ngữ, nếu chúng tôi không nói chi khác. Trung thành với đề tài, chúng tôi sẽ dẫn chứng, một cách vắn tắt, mỗi lần đến những ghi chú của tác giả liên quan đến thánh bổn mạng chính của ông là thánh Phanxicô Xaviê. Hầu hết mỗi tác phẩm đều có một bản chỉ dẫn bằng tiếng Việt (77).

1/ Borg. Tonch. 7: Ký sự, thư từ, thi thơ (1793-1826). Bằng tiếng Việt (18+) 575 (+5) trang trống; (1-4)157-180, 298-360, 398-424, 468-570, 574 tờ. Trên mỗi trang, đều có ghi tựa: Nhật trình kim thư khất chính chúa giáo. Mục lục: 1. Ký sự 1793-1862, tr. 1-156; 2. Lịch sử phái đoàn cha Bỉnh với tài liệu về việc ấy vào năm 1795-1800, tr. 181-239; 3. Thư từ 1799-1826, tr. 239-297, 361-397; 4. Thi thơ 1793-1802, tr. 425-467. Nói về Xaviê, tr. 77 và 129-130.

2/ Borg. Tonch. 8: Rhodes, Tự điển (Bản sao, Lisbôa, 1797) (8 tờ +) 820 cột (+96 tờ và chỉ dẫn). Nhan đề: Dictionarium Annamiticum Lusitanum ope Sacrae Congreg. de Prop. Fide in Lucem editum ab Al. de Rhodes e Soc. Iesu, Roma, nhà in của Thánh bộ Truyền Giáo, 1651.

3/ Borg. Tonch. 12: Rhodes, Sách giáo lý và bài vắn tắt (Lisbôa, 1797).

Bằng tiếng Latinh, Bồ và Việt. (18+) 315 trang. Thứ tự số trang đáng lẽ như sau: 313-315, 293-308, (1-18), 1-312. Mục lục: 1. Bản dịch ra Việt ngữ quyển Catechismus của Al. de Rhodes, Roma, 1651, có ghi năm: Lisbôa, 1797, tr. 1-212(78); 2. Những bài vắn tắt bằng tiếng Việt về bà thánh Elidabết xứ Bồ, bài bằng tiếng Bồ về Giáng Sinh Chúa Cứu Thế, với danh sách của các Cha Bề Trên Cả, các người sáng lập đầu tiên, và những ông thánh của Dòng Tên, tr. 213-233; 3. Bằng tiếng Bồ, bài trích của M. Bernardes, Luz e Calor (Ánh sáng và sức nóng), Lisbôa, 1696, tr. 234-269; 4. Vida de S. Joze (tiểu sử thánh Giuse) của P.J.B. de Castro, Lisbôa, 1761; nhiều bài bằng tiếng Bồ, tr. 270-315 – Về Xaviê: Soneto de S.F. Xavier (sau trang 309), rửa tội 1.200.000 người (tr. 225).

4/ Borg. Tonch. 21: Lịch sử các Đức Giáo Hoàng (Lisbôa, 1798-1831).

Bằng tiếng Bồ (30 tờ +) 423 tr. Nhan đề: Historia Chronologica dos Pontifices, (Lịch sử các Đức Giáo Hoàng theo thứ tự thời gian). Mục lục: 1. Lời chỉ dẫn phi lộ trước những trang có đánh số, danh sách các Đức Giáo Hoàng; Đại cương về các tổng giáo nghị hội, bản chỉ dẫn, Phương pháp để viết dễ dàng một quyển sử các Đức Giáo Hoàng, tờ 6v – tr. 30; 2. Lịch sử các Đức Giáo Hoàng cho đến năm 1822, với phần phụ lục từ năm 1823 đến 1831, tr. 1-423. Phầnphụ lục, trong đó có nói đến sự tái lập Dòng Tên, là do Bỉnh viết còn phần còn lại thì hình như Bỉnh đã sao chép lại từ một quyển sách khác.

5/ Borg. Tonch. 11: Linh tinh về lễ thức và tu hành (1802).

Bằng tiếng La tinh, Bồ và Việt (20 +) 76 + (12+) 177 trang. Mục lục: 1. Lễ thức: Stabat Mater (Đức Mẹ đứng dưới Thánh Giá) với lời bình luận, tuần thánh cho đến lễ Chúa Thăng Thiên, tr. 1-76; rồi đến sự tu hành của người Việt; 2. Lề luật của Dòng Marianistes, Thánh lễ, tr. 1-84; 3. Cửu nhật cho thánh Giuse, tr. 85-155; 4. Truyện th’(anh) Anam tử vì đạo, dịch năm 1802 từ quyển Relacão bằng tiếng Bồ về cuộc tử đạo của cha Kratz, viết năm 1737 và in tại Lisbôa năm 1738, tr. 156-177 – Sau số 1 có một bảng kê vắn tắt những biến cố quan trọng trong thế giới, bắt đầu từ “Chúa Giáng Sinh năm 1802, thánh Xaviê giảng đạo năm 261, Bỉnh sang xứ Bồ năm 10.

6/ Borg. Tonch. 18: Linh tinh về tu hành (giữa năm 1802-1810?).

Bản viết tay bằng tiếng Việt và Trung Hoa (19+) 520 (+18) trang. Mục lục: 1. Kinh đọc sáng và chiều, tr. 1-94; 2. Cửu nhật cho bà thánh Anna, tr. 95-222; 3. Cửu nhật cho ông Giuse, tr. 223-326; 4. Cửu nhật cho lễ Giáng Sinh tờ 327; 5. Lòng thờ kính và cửu nhật cho bảy bà Maria đau khổ, tờ 327; 6. Ân xá trong những cuộc thăm viếng các nhà thờ tại Roma, tr. 467; 7. Những phận sự, tờ 477; 8. Kinh cầu Latinh về tên Chúa Giêsu và kinh đọc trong cửu nhật cho thánh Anna và Giuse.

7/ Borg. Tonch. 19: Kinh trong thánh lễ (giữa năm 1802 và 1810?).

Bằng tiếng Bồ với giải thích bằng tiếng Việt (4+) 45 (+57) tờ. Nhan đề: Oraliones ou Oracães da Missa. Mục lục: từ đầu, một bài nghị luận rất hay trong đó tác giả nói cha Majorica đã thêm vào kinh cầu tên của thánh Inhatiô cùng tên thánh Xaviê và, sau đó, nêu lên tất cả những lý do tại sao thánh Xaviê được gọi đúng lý là Thánh Bảo Trợ Viễn Đông, tr. 1-4a.

8/ Borg. Tonch. 17: Phận sự đối với Thánh lễ (giữa năm 1802-1810?).

Viết tay bằng tiếng Việt và Trung Hoa, (22+) 150 tr. Nhan đề: Về điều răn thứ ba, phải đi xem thánh lễ.

9/ Borg. Tonch. 13: Ml. Fernandes, Dòng Tên, Alma Instruida 1 ( vào lối năm 1811).

Bằng tiếng Bồ (37+) 574 (+32) trang. Nhan đề: Alma Instruida na Doutrina e vida christiana, của P.M Ml. Fernandes, Dòng Tên, Lisbôa, 1688 (sic), tr. 1-574. Mấy trang đầu có một bản chỉ dẫn tiếng Việt gồm có 37 trang, những trang sau có một bài phụ lục về Chúa Thánh Thần bằng tiếng Việt, tr. 574-574b, và bằng tiếng Bồ: Arvore da vida, Jesus crucificado, 5 tr.

10/ Borg. Tonch. 14: Như trên, quyển II (Lisbôn, 1811).

Bằng tiếng Bồ. Như trên, quyển II, Lisbôn, 1690, trang 1-547. Trước có một bản chỉ dẫn bằng tiếng Việt.

11/ Borg. Tonch. 15: Như trên, quyển III (Lisbôa, 1812).

Bằng tiếng Bồ 501 + (24) tr. Như6 trên, quyển III, Lisbôn, 1699, tr. 1-501, ở trang 478, tác giả chép đoạn văn về cái chuông nhỏ trong giáo lý của thánh Xaviê (Chuông đó, nay được gìn giữ tại S. Roch, trong buồng ngủ của cha Bề Trên, đặt trong một cái túi bằng vải, được xem như một bảo vật). Rồi có một bài bằng tiếng Việt về những người Bồ sang Ấn Độ năm 1644 và sau trang 501, một đoạn trích trong sách Escola de Belem, 24 trang.

12/ Borg. Tonch. 10: Tài liệu để viết sử truyền giáo (1813?).

Bằng tiếng Bồ, Latinh, Việt (18+) XIV (+9+) 321 trang. Mục lục: 1. Đoạn trích về Rhodes và Majorica từ quyển Bibliotheca Scriplorum, của Soltwellus, Roma, 1676, rồi một bản sao của 2. Relação da Prizão e Morte dos quattro Ven. Padres... J.G. Kratz (Ký sự về việc bắt bớ và sự tử đạo của bốn Thầy Cả... J.B. Kratz), Lisbôa, 1738, tr. 1-122, một đoạn về các giáo sĩ ở xứ Bắc trích của 3. Ant. Franco, S.J. Imaagem da virtute em o Noviciado de Lisbôa, Coimbra, 1717, tr. 123-351 và 4. Franc de Mattos, S.J. Vida de Sancto Ignacio de Loyola, Lisbôn, 1718, tr. 252-270 và sau cùng 5. Livro Mappa do Mundo, tr. 271-319, một quyển sách về địa lý và lịch sử, soạn năm 1813; trong tác phẩm này, Bỉnh vẽ lại một cách vắn tắt sự nghiệp của thánh Xaviê và lịch sử truyền giáo tại Đàng trong và Đàng ngoài. Đoạn chót, trang 291-319, có tựa là Noticias dos Marlyrios, nhưng bằng tiếng Việt.

13/ Borg. Tonch. 9: Linh tinh về Việt Nam (Lisbôa 1814-1816)

Bằng tiếng Việt (6+) 217 (+2+) 114+94 (+4) trang. Mục lục: Sách gương truyện, Lisbôa, 1815: nhiều gương mẫu để làm sáng tỏ 10 điều răn, tr. 1-126; 2. Sách này là truyện tú mạt, tr. 126-217; nhiều bài về thánh lễ, ăn năn tội, bản dịch quyển Differença entre o temperal e eterno của J.E. Nuremberg S.J., Coimbra, 1741, soạn tại Lisbôa, 1816 (tr. 1-113); 3. Truyện sách gẫm sự chết, Lisbôa, 1816 (tr. 1-113). 4. Sách truyện các đời Đức Thánh Phapha, bắt đầu từ năm 1814 cho đến đời Lêô XII, tr. 1-94.

14/ Borg. Tonch. 16: Gương truyện (Portugal, 1815).

Bằng tiếng Việt, 507 trang và bản chỉ dẫn. Nhan đề: Sách gương truyện. Bàn về đời sống của ba thượng đẳng thiên thần, 12 thánh tông đồ, kinh về Đức Mẹ, thiên ân, sự thương khó Chúa Cứu Thế... Có nói về thánh Xaviê ở trang 72.

15/ Borg. Tonch. 20: Mendes Pinto (Lisbôn 1817).

Bằng tiếng Việt 195 (+7) trang. Nhan đề: Truyện nhật trình ông Fernão Mendès Pinto. Trong lời tựa, Bỉnh cho biết ông chỉ trích một vài đoạn trong những tác phẩm mà ông Mendès Pinto đã cho xuất bản, rồi thuật lại sự thành lập, phát triển và duy trì của Dòng Tên tại nước Nga, sự tái lập của Dòng Tên và sự vãn hồi của Dòng Tên tại Tây Ban Nha năm 1815. Tác giả có ghi thêm danh sách của các cha Bề Trên Dòng từ thánh Inhatiô cho đến Brzozowsky, cùng với một bài về tình trạng của giáo hội xứ Bắc, tr. 1-42. Trong đoạn chót, tác giả tuyên dương công trạng của thánh Xaviê tại Nhật Bản mà Pinto là người đã mục kích. Về những chi tiết khác ông căn cứ trên tiểu sử của thánh Xaviê mà ông ước ao rằng sẽ hoàn thành được với sự giúp đỡ của thánh bổn mạng của ông. Phải có một sự lựa chọn, vì nếu ta muốn kê khai tất cả các đức tánh củ ông thánh ấy thì không thể nào đi tới cùng được, dẫu cho ta muốn giảng dạy hàng ngày trong năm tròn. Rồi ông nói vắn tắt về Xaviê với tư cách là thánh tiên tri, tử vì đạo, tu sĩ, tông đồ, giảng đạo và làm phép lạ: thánh Xaviê đã làm sống lại 62 người chết và mặt trời cũng đã vâng lời ông như đã vâng lời Josuê. Xaviê vẫn sống sau cái chết của ông, và cũng như Chúa đã giữ xác chết của Môi-sen, Chúa đã giữ trọn xác của Xaviê, để toàn thế giới được biết xác ấy ở đâu và đến cầu nguyện trước xác ấy, trước thân mình của ông bên Á Đông và trước cánh tay của ông tại Rôma, tr. 185-188.

16/ Borg. Tonch. 6: Tiểu sử của thánh Phanxicô Xaviê (Lisbôa, 1818).

Bằng tiếng Việt (22+) 599 trang. Nhan đề: Tự truyện ông thánh Phanchicô Xavter. Đây là một tiểu sử đầy đủ và chắc chắn nhất của thánh ấy bằng tiếng Việt. Một bản mục lục tất cả các chương và một mục lục phân tích khởi đầu quyển sách, và trong lời tiểu dẫn, soạn giả một cách khiêm tốn có viết rằng: “Tôi không thể nào sưu tầm được tất cả những tài liệu, và cũng không thể nhìn ánh sáng mặt trời của giờ ngọ, cũng như trong bóng tối... Xaviê từ trần tại Trung Hoa lúc nửa đêm ngày 2 tháng chạp năm 1552. Xác của ông được giữ ở Á Đông trong một thánh đượng thành Gôa, một cách tay ở La Mã, trung tâm điểm của thế giới. Mặc dầu sự chia sẻ đó, xác của ông ở trong một tình trạng rất khả quan. Phép lạ đó là một bằng chứng sau cái chết của ông cũng như những phép lạ của ông làm đã là những bằng chứng trong khi ông còn sống. Không đủ lời để diễn tả tất cả những sự huyề diệu! “Tôi là Thầ Cả Bỉnh”. Chúng tôi thấy cần phải nêu ra một cách vắn tắt những tựa của 62 chương trong quyển sách:

1. Gia đình.

2. Lúc ra đời và giáo dục.

3. Paris.

4. Hành trình đến Venezia.

5. và Rôma.

6. Yết kiến Phaolo III (Đức Giáo Hoàng).

7. Lễ chịu chức thầy cả.

8. Những công trình đầu tiên.

9. Giảng dạy tại Bôlônha và Rôma.

10. Hành trình sang Bồ Đào Nha.

11. Công nghiệp tại xứ Bồ.

12. Hành trình sang Ấn Độ.

13. Mozambique và Gôa.

14. Học viện Phaolồ.

15. Miền duyên hải với những người đánh cá.

16. Đạo Bà-la-môn.

17. Làm sống lại hai người chết.

18. Đuổi người Badagas.

19. 600 người tử vì đạo ở Manaar.

20. Thánh Tômê.

21. Rời khỏi Meliapur.

22. Đến Malacca, Ninive thứ nhì.

23. Ambiono.

24. Ternate và Moro.

25. Giáo dân Moro bị bốn quốc vương bắt bớ.

26. Phép lạ về bịnh ung thư (?)

27. Phép lạ Achin.

28. Sứ mệnh của thánh tông đồ.

29. Phép lạ trong lúc rước Thánh Thể và phép rửa tội.

30. Nhìn lại tất cả các cuộc hành trình của Xaviê.

31. Tin tức từ Nhật Bản.

32. Chuẩn bị cuộc hành trình sang Nhật Bản.

33. Cuộc hành trình sang Nhật Bản.

34. Phong tục Nhật Bản.

35. Bài giảng ở Cangoxima.

36. Các tu sĩ Phật giáo chống lại tại Satsuma.

37. Hành trình tới Firando.

38. Tại Amanguchi, kinh đô của Nangato.

39. Đến Miaco.

40. Trở về Firando.

41. Trở lại Amanguchi.

42. Một phép lạ nơi đó.

43. Đi Bungo.

44. Yết kiến nhà vua.

45. Gây gỗ với các sư.

46. Fucarandono.

47. Từ biệt nhà vua.

48. Sanchão.

49. Đoán trước sự chống cự của ma quỉ.

50. Tại Sanchão, ông nói cho Velho biết trước là sẽ có một đời sống dài lâu.

51. Chết và đám tang.

52. Đưa xác về Malacca và Goa.

53. Phép lạ sau khi chết: Melchior Nunes Barreto, João de Britto, Travancore, Mastrilli, cửu nhật tạ ơn, Potami; Urbain VIII, Grêgôriô XIII, Maluco, Mani...

54. Chuyện một đứa trẻ biết ơn và một đức trẻ bạc nghĩa. (Miaco và Bungo).

55. Chuyện tu sĩ Gaspar Barzaeus, người anh cả (Ormuz).

56. Hành trình của P. Matthaeus Ricci và của những người kế tiếp tại Trung Hoa.

57. Lịch sử những giáo sĩ tại Đàng trong (Buzomi...)

58. Chuyện những người David, Đê linh và Nghè (tử vì đạo).

59. Lịch sử những người tử vì đạo tại Đàng trong.

60. Lịch sử các giáo sĩ Đàng ngoài.

61. Lịch sử các vị tử đạo tại Đàng ngoài trong cuộc bắt đạo thứ nhất.

62. Lịch sử bốn vị tử đạo trong cuộc bắt đạo thứ nhì (1725-1737)

Quyển sách chấm dứt với sự bãi bỏ Dòng Tên tại sứ Bồ Đào Nha năm 1759 và với sự tái lập Dòng ấy tại Roma năm 1814 với những phụ lục cho đến năm 1820.

17/ Borg. Tonch. 5: Tiểu sử thánh Inhatiô de Loyola (Lisbôa, 1819).

Bằng tiếng Việt (11+) 723 trang. Nhan đề: Truyện ông thánh Ignacio de Loyola. Cũng có chép nhiều chi tiết xảy ra sau khi thánh qua đời và lịch sử Dòng của thánh ấy sáng lập cho đến năm 1820 với nhiều phần phụ lục bằng những mảnh giấy dán thêm vào cho đến năm 1826.

18/ Borg. Tonch. 4: Tiểu sử thánh Phanxicô Borgia (Lisbôa, 1820).

Bằng tiếng Việt (7+) 601 (+36) trang. Nhan đề: Truyện ông thánh Phanxicô de Borja.

19/ Borg. Lat. 668: Về Dòng Tên (1820)

Bằng tiếng Bồ (79 tờ). Mục lục: 1. Estatutos e Governoda Campanhia de Jesus confirmado por constituicão do Smo N. Sr. Gregorio Papa XIX. (Điều lệ và cách quản trị của Dòng Tên, được nhìn nhận bởi Đức Giáo Hoàng Grêgôriô XIV). 2. Hai số báo Gazeta da Lisbôa, số 215 ngày 12 tháng 9 năm 1814 với nguyên văn của nghị định tái lập Dòng Tên và số 133 ngày 8 tháng 6 năm 1815 nói về sự thành lập lại Dòng Tên tại nước Tây Ban Nha. 3. Một mảnh giấy có viết những chữ: “Kinh của V.P. Petri Canisii để nguyện cho chính thân mình và cho người khác”. 4. Taboada curiosa, Bỉnh thoạt tiên kể lại những năm đầu của các tà thuyết, rồi nói đến sự thành lập Dòng Tên, sau cùng kể lại công nghiệp của thánh Xaviê. Thánh đã trải qua 33.000 dặm, rửa tội cho 1.200.000 linh hồn, là người thứ nhất đã mang Phúc Âm đến cho 7 nước, đã làm 33.000 phép lạ (79). Bỉnh cũng có nói là năm 1717, Dòng Tên có 736 học viện và 25.325 hội viên và chỉ từ Lisbôa cho đến năm 1683 có tới 1129 giáo sĩ Dòng Tên đi giảng đạo ở miền Đông Ấn Độ, Bỉnh kể lại sự thành lập giáo hội tại Nhật Bản do Xaviê, sự thành lập giáo hội tại Trung Hoa do Ruggieri và Rucci (nơi đó năm 1681, đã có hơn một triệu người trở lại đạo), đoạn Bỉnh viết về Việt sử: Việt Nam thoát khỏi nền đô hộ Trung Hoa năm 800, sự chia sẻ làm hai vương quốc trong thế kỷ XV, những người Âu thứ nhất tới Việt Nam năm 1516, sự thành lập giáo đoàn Dòng Tên năm 1615 và tình trạng của giáo đoàn ấy đến năm 1773. Trong những giáo sĩ Dòng Tên mà Pombal đã bỏ tù và gửi đến ở xứ Bồ Đào Nha, có một “con chiên của xứ Đàng Ngoài” cũng bị bắt vì không chịu từ bỏ chiếc áo nhà tu và người ấy từ trần tại Rôma (80). Bỉnh cũng có kể lại việc tám giáo sĩ Dòng Tên được gửi sang Đàng Trong và Đàng Ngoài vào năm 1772 và tại sao những người giáo sĩ cuối cùng đã từ trần. Rồi Bỉnh thuật lại với rất nhiều chi tiết sự tái lập Dòng Tên năm 1814 và những cố gắng vô hiệu quả của vua xứ Portugal để gửi các giáo sĩ đi ngoại quốc.

20/ Borg. Tonch. 1: Lịch sử Việt Nam (Bồ Đào Nha, 1822).

Bằng tiếng Việt (18+) 739 tr. Nhan đề: Truyện nước Annam. Một bài phụ lục kể lịch sử cho đến năm 1824. Viết quyển sách này dâng cho Giêsu, Maria, Giuse, Doakim, Anna, Inhtiô và Phanxicô Xaviê.

21/ Borg. Tonch. 2: Lịch sử Việt Nam II (Bồ Đào Nha, 1822).

Bằng tiếng Việt (18+) 691 (+12) trang. Phần thứ nhì này chép đến năm 1822.

22/ Borg. Tonch. 3: Nhật ký (Lisbôa, 1822-1832).

Bằng tiếng Việt (20+) 626 tr. Nhan đề: Sách sổ sang chép các việc. Bỉnh kể lại với nhiều chi tiết đời sống của ông và cuộc hành trình từ Macao sang Lisbôa (1-63). Sau đó, những sự xảy ra trong Hội Thánh và các giáo đoàn trong những năm 1824-1831. Về năm 1832, ông chỉ đề tựa: 1832. Ông có thêm vào đó bảng chỉ dẫn và ở những trang 598, 599 và 601 danh sách những tác phẩm ông sáng tác, trong số đó có rất nhiều tác phẩm bằng tiếng Việt mà chúng tôi chưa tìm thấy được, chẳng hạn như quyển tiểu sử của thánh Phanxicô đờ Hiêrônymô, Antôniô Vieira. Giuse Anchieta, Stanislao Antoniô (81). Trang 624-625 chép lại hai biên lai năm 1830 về sự xin thánh lễ của ông. Những trang 323-324, 529-533, 600, 602-617, 623, 626-627 hoàn toàn trắng.

23/ Borg. Tonch. 24: Tiểu sử thánh Anna và Doakim (Lisbôa, 1830).

Bằng tiếng Việt XXVIII +599 trang. Nhan đề: Truyện bà thánh Anna ông thánh Joaquim. Trước hết, Bỉnh kể lại cuộc hành trình của ông tới xứ Bồ Đào Nha năm 1794-1795. Sau đó, là tiểu sử của bà thánh Anna dưới hình thức một kinh cầu cửu nhật. Mảnh giấy ghi nhận quyển sách đó là của ông không còn tìm thấy. Bảng chỉ dẫn có một lối viết khác, là lối viết của người bạn đồng hành của ông, cũng là người xứ Đàng Ngoài. Người ấy, sau rốt, thêm vào đó bài tường thuật lúc từ trần của Bỉnh. Viết tại Lisbôa năm 1833 (597-599).

IV. Thời Cận Đại.

Với cái chết của Bỉnh là cũng mất đi luôn người đại diện cuối cùng của giáo đoàn cũ Dòng Tên tại Viễn Đông. Nhưng những người nối nghiệp không quên vị thánh bảo trợ truyền giáo là thánh Phanxicô Xaviê. Chúng tôi có tìm gặp hai tác phẩm viết tay bằng tiếng Việt do hai giáo sĩ thuộc Hội Thừa Sai ngoại quốc Paris:

Tác phẩm thứ nhất là của François Honoré Favreau. Giáo sĩ này sanh tại Sêmêrê (tỉnh Loire- Inférieure) vào năm 1846. Ở xứ Bắc từ năm 1869 đến năm 1877. Từ trần năm 1891. Tác phẩm của ông có nhan đề là: Ông thánh Phanxicô Xaviê. Sách gẫm đủ 9 ngày về những việc nhơn đức ông thánh Phanxicô Xavêrô, Tân định (không đề năm), khổ 16, 54 trang. Chúng tôi không được thấy tác phẩm này. (82)

Tác phẩm thứ nhì là của Jean Joseph Cosserat, tên Việt là Tân, sanh tại Haillainville (tỉnh Vosges) năm 1840, đến xứ Bắc từ năm 1864 và từ trần tại Hà Nội năm 1897. Tác phẩm này viết bằng chữ Hán có nhan đề là: Sách truyện ông thánh Phanxicô Xaviê in tại Ninh Phú Đường. Phía sau trang tựa có biên: Giuse Côchinh Tân soạn thuật, Thiên Chúa Giáng Sinh nhất thiên cửu bách bát niên, Giám mục Phêrô Maria Đông truyền in, khổ 20x13cm, (2+) 24 + 4 trang. Quyển sách này còn có một bản tàng trữ tại thư viện của Thánh bộ Truyền Giáo và có mang ký hiệu: C 10h (1130) (83).

-----------------------------
Chú thích

(1) Tất cả các bản chép tay những quyển sách ghi trong bài này (với ghi chú Borgiani Tonchinesi và Latini) đều được giữ tại Văn khố Dòng Tên ở Rôma (ghi chú Japsin.). Về phần phiên dịch những đoạn văn bằng tiếngViệt, chúng tôi hết lòng cảm ơn cha Lucas Trần Văn Huy.

(2) A. JANN O. CAP., Die katholishen Missionen in Indien, China und Japan, Paderborn, 1915, tr. 208 (Công cuộc truyền đạo Thiên Chúa tại Ấn Độ, Trung Hoa và Nhật Bản).

(3) Japsin. 64, 255.

(4) Japsin. 64, 398: Hơn 350.000 người chịu phép rửa tội từ khi thành lập.

(5) Xem R. STREIT, Bibliotheca Missionen, qu. V, số 1640.

(6) Bài ký sự đề năm 1663 trích trong A. LAUNAY, Histoire de la Mission de Conchinchine, III, Paris, 1925, tr. 510.

(7) Japsin. 71, 98, 352v.

(8) Ibid., 88, 203. D. Bartoli nghĩ vở kịch đó do Majorica soạn.

(9) Japsin. 88; 450v.

(10) Cacham: là làng Thanh Chiêm. Xem PHẠM ĐÌNH KHIÊM, Đi tìm địa điểm di tích thành cổ Quảng Nam và Phú Yên đầu thế kỷ XVII, trong Việt Nam khảo cổ tập san, số 1 trang 72-77.

(11) Rum: có lẽ là cửa Rùm trong tỉnh Nghệ An, cửa sông Cả.

(12) Langcon: có lẽ là Lăng Cô, dưới chân đèo Hải Vân về phía Huế.

(13) Kẻ Mlé: chúng tôi chưa nhận được tên địa điểm này.

(14) Japsin., 85, 205.

(15) Ibid., 65,46.

(16) Kẻ Bò: chắc là Kẻ Bố, làng Bố Vệ, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa.

(17) Khi Lan: chúng tôi chưa nhận được tên địa điểm này.

(18) Japsin. 85, 33lv.

(19) Ibid., 71, 462.

(20) Japsin. 70, 273.

(21) Chị của Đàng Trong: Chúng tôi không tìm biết được một cách chắc chắn nhân vật này là ai.

(22) Japsin. 82, 557-558.

(23) Japsin. 70, 278v.

(24) Theo một bản chép tay về Danh sách tác phẩm và tiểu sử của các người đã chết tại Giáo Hội Nhật Bản trong Japsin. 64, 366-368v, và Japsin. 89, 297-305v.

(25) Japsin. 64, 366v.

(26) Japsin. 88, 202v.

(27) Japsin. 85a, 26.

(28) Nhan đề của sách ấy là: MIRACULI – A. S. FRANCISCO XAVERIO Indiarum Apostolo – In collegio Neap. Soc. Jesu patrati die III – Janurij Anno Dom. M.DC. XXXIV NARRATIO – Ex Archiepiscopalis Curiae Tabulis-deprompta – NEAPOLI – Apud Lazarum Scorigium, 1634. Bản chép tay hình như đã được sửa chữa bởi cha P. Marcello Mastrilli, thuộc Dòng Tên.

(29) Borgia.

(30) Eulalia.

(31) Japsin. 88, 336v. 337.

(32) Ibid, 85, 200.

(33) Ibid., 64, 336v.

(34) Ibid., 89, 299v.

Xem HOÀNG XUÂN HÃN, Girolamo Majorica, ses oeuvres en langue vìetnamiense conservès à la Bibliothèque Nationale de Paris, trong Archivum Historium Societatis Iesu, tập XXII (1953) tr. 203-214.

(35) Về Ketlâm, xem M. FERREIRA Noticias Summarias das perseguições da Missam de Cochinchina, Lisboa, 1700, tr. 187-218; hai bài tường thuật năm 1663 trong sách của A. LAUNAY, op. cit.,III, tr. 510-520; cũng xem Tiểu truyện các người chết trong Japsin. 73, 171.

(36) A. LAUNAY, op.cit.,tr. 510.

(37) Japsin 73, 171.

(38) A. LAUNAY, op. cit., tr. 520.

(39) Japsin 73, 171.

(40) Ketlâm: chúng tôi chưa nhận được tên địa điểm này.

(41) M. FERREIRA, op. cit., 191.

(42) A. LAUNAY, op, cit., 520.

(43) Japsin. 73, 171 và M. FERREIRA, op. cit., 191-192.

(44) M. FERREIRA, op. cit., 192.

(45) M. FERREIRA, op. cit., 192-193, 187-188, 213-215; Japsin. 73, 170-175 và A. LAUNAY, op. cit., 510-520.

(46) Japsin. 73, 171.

(47) Một bài của F.L. PULLÉ về Alexandre de Rhodes theo văn kiện Borg. Tonch. 10 trong Studi italiani di filoligia indo-iranica 4, (1904), tr. 127-136 là bài duy nhất mà chúng tôi được biết.

(48) Quyển sách này là của thầy cả Philipphê do Rosario, gửi từ Giáo hội của xứ Bắc.

(49) Năm 1493, Đức Giáo Hoàng đã chia những đất mới có thể tìm được cho nước Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Nhưng vì sợ phân chia ấy không được rõ ràng nên năm 1494, với hòa ước Tordesillas tất cả những lãnh thổ ngoài Âu Châu về phía Tây của kinh tuyến vị trí 370 dặm phía Tây đảo Açore là thuộc về Tây Ban Nha, phía đông của đường ấy thì thuộc về Bồ Đào Nha.

(50) Biên bản của nguyên giáo sĩ Dòng Tên Onofrio Villiani (vào năm 1782). Giáo sĩ này đã làm Bề Trên của giáo đoàn xứ Bắc năm 1775 và năm 1784 vào Dòng Capucins với tên là Lorenzo da Faenza (Japsin. 87, I, 8.)

(51) Japsin. 82, 567.

(52) Pombal: một chính trị gia xứ Bồ Đào Nha, là người đầu tiên bắt bớ các giáo sĩ Dòng Tên vì ông theo những phong trào triết lý chống đạo.

(53) Villiani, 17-v.

(54) Borg. lat., 668.

(55) Villiani, 12-v.

(56) Ibid., 7-v.

(57) Villiani, 8, 10v-13v.

(58) Ibid., 10.

(59) Ibid., 12v.

(60) Xem J.A. OTTO, Grundung des neuen Jesuit-mission durch General Pater Johann Philipp Roothaan, Freiburg i. B., 1930, tr. 60 (Sự thành lập giáo đoàn Dòng Tên mới do cha bề trên cả J.P.R.)

(61) Năm 1727, các thầy giảng cùng giáo dân xứ Bắc đã có gửi cho vua xứ Bồ một bức thư, trong đó họ xin vua Bồ gửi cho họ một Đức Giám Mục và các giáo sĩ Dòng Tên. Với điều kiện đó họ có thể làm giáo dân cho xứ Bồ và, luôn thể, chấm dứt một sự cạnh tranh không biết chừng nào mới hết. Japsin, 68, 126v.

(62) Borg. Tonch. 3, 1-63.

(63) F. DE ALMEIDA, Historia da Igreja em Portugal, tập IV, 4 (1921), tr. 420-421 (Lịch sử giáo hội xứ Bồ); R. STREIT, Bibliotheca Missionum, XI, số 43, 48, 52-54 và C.C. DE NAZARETH, Mitras Lusitanas no Oriente II, Lisboa, 1913, tr. 334 và 346.

(64) R. STREIT, op. cit., XI, số 43 (nơi nào tác giả biên chữ Chinh là phải đọc Bỉnh), 48.

(65) C.C. DE NAZARETH, op. cit., II, 346.

(66) Borg. Tonch. 14.

(67) R. STREIT, op. cit., XI, số 81.

(68) Ibid., số 102, 106 và 114.

(69) C.C. NAZARETH, op. cit., II, tr. 335-336.

(70) Borg. Lat. 668.

(71) Tất cả đoạn này viết bằng tiếng Bồ Đào Nha.

(72) J.A. OTTO, op. cit., tr. 24.

(73) Người ta gọi các tu sĩ Dòng Oratoire bằng tên Rilhafoles – chứ không phải Rifoles – vì tu viện của Dòng vị trí tại địa điểm Rilhafoles, bây giờ là một dưỡng trí viện, về phía đông bắc thành Lisbôa. Xem P. LEAL, Portugal Antigo e Moderno, IV, tr. 266. Về sự cạnh tranh giữa Dòng Oratoire, giúp đỡ bởi Pombal và Dòng Tên, xem F. RODRIGUES, Historia da Companhia de Jesus na Assistencia de Portugal IV, 1, Porto, 1950, tr. 327-336, 358-362.

(74) Borg. Lat. 668.

(75) Borg. Tonch. 3, 634.

(76) Borg. Tonch. 21, 423.

(77) Trong cách trình bày những quyển sách, chúng tôi sẽ đặt trong dấu ngoặc những trang không có ghi số.

(78) Một bản sao của bản dịch này do tay của người bạn đồng hành là Thômê Vincentê Quinh Nhân Ki giữ trong Borg, Tonch. 22, chép tại Lisbôa, năm 1801. Quyển sách này cũng có phiếu ghi thường lệ với lời chú là quyển sách thuộc quyền sở hữu của Philiphê Bỉnh. Vì đó mà ta có thể tin rằng người bạn đồng hành đã từ trần trước Bỉnh

(79) Bỉnh nêu ra đây những con số không đúng lắm, nhưng là những con số phổ thông trong thời đại đó. Con số 33.000 phép lạ có lẽ được lầm lẫn với con số 33.00 dặm.

(80) Người ta thường nói người đó là giáo sĩ P. Machado thuộc Dòng Tên, mà thường được mệnh danh là “người xứ Đàng Ngoài”. Sanh năm 1709, vào Dòng năm 1728, trở thành phó bề trên giáo đoàn Nhật Bản năm 1753 (Japsin,. 25, 291). Năm 1760, ông bị bắt tại Macao cùng với nhiều giáo sĩ khác thuộc Dòng Tên và bị giải về Lisbôa – Nơi đây ông bị giam, cùng với những người khác, tại hầm ngục thánh Julien. Rồi ông được tha nhưng trục xuất khỏi nước Bồ Đào Nha. Ông tới Civitavecchio ngày 7 tháng 9 năm 1797 (Lus. 42, 92) và từ trần ngày 12 tháng chạp năm ấy tại Castel Gandolfo (Ibid., 192)

(81) Truyện ông th’. P. de Jeronimo, Truyện thầy cả Antonio Vieira, Truyện thầy cả José Anchieta, Truyện thầy Irmão Phêrô Basto, Sách kinh Novena ong th’. Ignacio, Sách kinh Novena ong th’. P. Xavier, Sách kinh Novena ong th’. P.B (orja), Sách kinh Novena ong th’. Luis C (onzaga), Sách kinh Novena ong th’. Estanislao, Sách kinh Novena ong th’. Anton.

(82) Chúng tôi kê khai tác phẩm này theo R. STREIT, op. cit., XI, số 1442,1.

(83) Theo ý ông Streit, là người đã kê khai tác phẩm này (XI, số 1684 và 975,5), quyển sách này do nhà in giáo đoàn Kẻ Sở xuất bản.

Mới hơn Cũ hơn