Đức Thánh cha công bố Năm Thánh 2025: dấu chỉ tái sinh sau những đau khổ do đại dịch




Đức Giáo hoàng Phanxicô viết thư cho Đức TGM Fisichella, Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Tân Phúc Âm Hóa, để giao cho bộ này việc tổ chức Năm Thánh: “Trong hai năm qua chúng ta đã phải chịu đựng những nghi ngờ và sợ hãi do đại dịch, khoa học bước đầu đã kịp thời tìm ra thuốc chữa. Chúng ta hoàn toàn tin tưởng rằng đại dịch có thể được khắc phục và thế giới sẽ tìm lại nhịp điệu của nó trong mối tương quan giữa con người và cuộc sống xã hội”.

Một dấu hiệu của "sự đổi mới và tái sinh mà tất cả chúng ta đều cảm thấy cấp bách", sau hơn hai năm của đại dịch, của nghi ngờ, bất trắc, sợ chết, các giáo xứ, trường học và văn phòng phải đóng cửa. Đức Giáo hoàng Phanxicô nhìn thấy và mời gọi chúng ta cùng nhìn với đôi mắt hy vọng vào Năm Thánh mà Giáo hội hoàn vũ sẽ cử hành vào năm 2025. Thật vậy, “những người lữ hành của niềm hy vọng” là khẩu hiệu được chọn cho Năm Thánh này muốn cho chúng ta thấy “bầu khí của niềm hy vọng và tin tưởng” sau sự tàn phá của đại dịch, như Đức Phanxicô đã nhấn mạnh trong thư gửi cho Đức TGM Rino Fisichella, Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng cổ võ việc Tân Phúc Âm Hóa, và đã ủy thác cho bộ này chịu trách nhiệm tổ chức sự kiện trên.

Một biến cố và một ơn sủng

Trong tài liệu được ký tại Đền thờ thánh Gioan ở Laterano ngày 11 tháng 2, để tưởng nhớ Đức Mẹ Lộ Đức, Đức Phanxicô nhắc lại nguồn gốc của thời điểm “có tầm quan trọng lớn lao về mặt tinh thần, Giáo hội và xã hội” này – bắt đầu từ Năm Thánh đầu tiên được công bố vào năm 1300 của Đức Giáo hoàng Boniface VIII cho đến Năm Thánh Lòng Thương Xót năm 2016 – mà qua nhiều thế kỷ được coi là “ơn sủng” dành cho mọi tín hữu, với những cuộc hành hương, ơn xá, những chứng từ sống động về đức tin.

Đại Năm Thánh 2000 đã đưa Giáo hội bước vào thiên niên kỷ thứ ba trong lịch sử của mình. Thánh Gioan Phaolô II đã mong đợi và mong muốn điều đó từ lâu, với hy vọng rằng tất cả các Kitô hữu, vượt qua những chia rẽ lịch sử, có thể cùng nhau kỷ niệm hai nghìn năm ngày sinh của Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu Chuộc nhân loại.

Hai năm trong đau đớn

Giờ đây, cột mốc 25 năm đầu tiên của thế kỷ 21 đã gần kề, Đức Phanxicô viết: “Chúng ta được kêu gọi thực hiện một sự chuẩn bị giúp người tín hữu sống Năm Thánh với tất cả ý nghĩa mục vụ dồi dào”. Đức Thánh cha nhấn mạnh: “Trong hai năm qua, không có quốc gia nào không bị xáo trộn vì dịch bệnh bất ngờ, không chỉ đã chạm vào thảm kịch của cái chết trong cô độc, không chắc chắn và tính nhất thời của sự sống, mà đã làm thay đổi cách sống của chúng ta”.

Cùng với mọi anh chị em của mình, người Kitô hữu chúng ta đã trải qua những đau khổ và những giới hạn ấy. Các nhà thờ đóng cửa, các trường học, nhà máy, văn phòng, cửa hàng và những địa điểm vui chơi giải trí cũng bị như vậy. Tất cả chúng ta đều thấy một số quyền tự do bị hạn chế và đại dịch, ngoài cảm giác khổ đau, còn khơi lên trong tâm hồn chúng ta những nghi ngờ, sợ hãi và hoang mang.

Cảm ơn khoa học

Lòng biết ơn của Đức Giáo Hoàng dành cho các nhà khoa học, những người bước đầu đã "rất nhanh chóng tìm ra phương thuốc chữa trị cho phép chúng ta dần dần trở lại cuộc sống bình thường".

Chúng ta hoàn toàn xác tín rằng đại dịch có thể được khắc phục và thế giới sẽ lấy lại nhịp điệu của nó trong các mối tương quan cá nhân và đời sống xã hội.

Ngài nói tiếp: mục tiêu này sẽ “dễ dàng đạt được tốt hơn nếu chúng ta hành động với tinh thần liên đới, sao cho những người nghèo nhất không bị bỏ mặc, và mọi người đều có thể được chia sẻ toàn bộ những khám phá của khoa học và thuốc men cần thiết”.

Hy vọng và tin tưởng

Lời mời gọi đó là “hãy giữ cho ngọn lửa hy vọng luôn cháy sáng” và “hãy làm mọi thứ để giúp mọi người lấy lại sức mạnh và sự chắc chắn hướng về tương lai với tinh thần cởi mở, tâm hồn tin tưởng và có tầm nhìn rộng hơn”.

Năm Thánh tới đây có thể tạo thuận lợi rất nhiều cho việc xây dựng lại bầu khí hy vọng và tin tưởng, như dấu chỉ của cuộc tái sinh và đổi mới mà tất cả chúng ta đều cho là cấp bách.

Tuy nhiên, mọi thứ đều có thể xảy ra "nếu chúng ta có khả năng phục hồi lại ý nghĩa của tình huynh đệ phổ quát, nếu chúng ta không nhắm mắt trước thảm kịch nghèo đói đang lan tràn, ngăn cản hàng triệu người trẻ và trẻ em sống xứng đáng nhân phẩm của con người”. Khi nhắc đến một ý tưởng đặc biệt dành cho nhiều người tị nạn buộc phải rời bỏ xứ sở của mình, ĐGH nói: “ước gì tiếng nói của những người nghèo phải được lắng nghe trong thời gian chuẩn bị cho Năm Thánh này”.

Đừng bỏ bê trái đất

Mặt khác, ĐGH nói: dọc dài lộ trình này xin đừng bỏ bê trái đất. Nghĩa là, đừng quên rằng “để chiêm ngưỡng vẽ đẹp của việc tạo dựng và chăm sóc căn nhà chung của chúng ta”, như nhiều bạn trẻ và trẻ em đã làm, khi nhận ra rằng “việc chăm sóc thụ tạo là diễn tả bản chất của đức tin vào Thiên Chúa và của sự phục tùng đối với ý muốn của Chúa”.

Sau đó, ĐGH trao cho Bộ đặc trách về Tân Phúc Âm Hóa tìm ra “những hình thức thích hợp” để Năm Thánh “có thể được chuẩn bị và được cử hành với đức tin mãnh liệt, đức cậy sống động và đức ái nhiệt thành” và làm cho thời điểm này có thể trở nên “một giai đoạn ý nghĩa cho việc chăm sóc mục vụ của Giáo hội địa phương, cả Giáo hội Latinh và Đông phương”, mà trong những năm này, được kêu gọi để tăng cường cam kết của mình đối với tính hiệp hành.

Điều quan trọng là thúc đẩy việc tái khám phá những đòi hỏi của lời kêu gọi phổ quát đối với sự tham gia có trách nhiệm bằng cách đề cao các đặc sủng và thừa tác vụ mà Chúa Thánh Thần không ngừng ban phát cho việc xây dựng Giáo hội duy nhất.

2024, một "bản giao hưởng của lời cầu nguyện"

Trong khi chờ đợi Tông sắc, được ban hành đúng hạn, Đức Thánh cha cho biết, ngài vui mừng khi nghĩ rằng năm 2024, trước khi diễn ra năm thánh, có thể là một “bản giao hưởng cầu nguyện” tuyệt vời, để qua đó “dâng lời tạ ơn Thiên Chúa vì mọi ơn lành mà tình yêu thương của Ngài dành cho chúng ta và để ca ngợi công trình tạo dựng của Ngài, đòi hỏi tất cả mọi người biết tôn trọng, hành động cách cụ thể và trách nhiệm để bảo vệ nó”. Lời cầu nguyện cũng được hiểu “trong sự liên đới và chia sẻ tấm bánh mỗi ngày”; cầu nguyện để biến Kinh Lạy Cha mà Chúa Giêsu dạy cho chúng ta thành một “chương trình sống”.
G. Võ Tá Hoàng
Mới hơn Cũ hơn