SUY NIỆM TUẦN IV MÙA CHAY
THỨ HAI
Is 65,17-21; Ga 4,43-54
Lời Chúa
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Gioan.
43 Khi ấy, sau hai ngày lưu lại Samari, Đức Giêsu đi Galilê. 44 Chính Người đã quả quyết : ngôn sứ không được tôn trọng tại quê hương mình. 45 Khi Người đến Galilê, dân chúng trong miền đón tiếp Người, vì đã được chứng kiến tất cả những gì Người làm tại Giêrusalem trong dịp lễ, bởi lẽ chính họ cũng đã đi dự lễ.46 Vậy Đức Giêsu trở lại Cana miền Galilê, là nơi Người đã làm cho nước hoá thành rượu. Bấy giờ có một sĩ quan cận vệ của nhà vua có đứa con trai đang bị bệnh tại Caphácnaum. 47 Khi nghe tin Đức Giêsu từ Giuđê đến Galilê, ông tới gặp và xin Người xuống chữa con ông vì nó sắp chết. 48 Đức Giêsu nói với ông : “Các ông mà không thấy dấu lạ điềm thiêng thì các ông sẽ chẳng tin đâu !” 49 Viên sĩ quan nói : “Thưa Ngài, xin Ngài xuống cho, kẻo cháu nó chết mất !” 50 Đức Giêsu bảo : “Ông cứ về đi, con ông sống.” Ông tin vào lời Đức Giêsu nói với mình, và ra về. 51 Ông còn đang đi xuống, thì gia nhân đã đón gặp và nói là con ông sống rồi. 52 Ông hỏi họ con ông đã bắt đầu khá hơn vào giờ nào. Họ đáp : “Hôm qua, vào lúc một giờ trưa thì cậu hết sốt.” 53 Người cha nhận ra là vào đúng giờ đó, Đức Giêsu đã nói với mình : “Con ông sống”, nên ông và cả nhà đều tin. 54 Đó là dấu lạ thứ hai Đức Giêsu đã làm, khi Người từ miền Giuđê đến miền Galilê.
Bối cảnh của bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy những người Do Thái ở Galilê là những người hết sức khao khát những chuyện kỳ lạ, có tính cách giật gân. Họ giống những con người thụ động, chỉ biết chờ đợi tất cả ở nơi Thiên Chúa. Bởi vì họ nghĩ Thiên Chúa là vị chủ tế, có thể thay trắng đổi đen, có thể làm được tất cả những gì mà con người phải bó tay bất lực. Người có thể tiêu diệt đau khổ, cứu chữa bệnh tật, dẹp tan sự chết. Do đó khi Chúa Giêsu trở về Cana thuộc xứ Galilê, nơi Người đã làm phép lạ hóa nước thành rượu trong một tiệc cưới, có một công chức nhà vua đến với Người, xin Người xuống cứu chữa con ông, vì nó sắp chết. Chúa Giêsu đã cảnh giác ông rằng: nếu các ngươi đã không thấy dấu thiêng điềm lạ, ắt các ngươi sẽ không tin. Qua lời tuyên bố này, lại một lần nữa Chúa Giêsu cho chúng ta thấy, Người không thích những gì là kỳ diệu đối với người đời. Điều Người mong ước và chờ đợi, đó là tìm gặp được những con người biết hoàn toàn đặt niềm tin tưởng vào Người, qua một đức tin tuyệt đối, một đức tin không cần có những lý lẽ để biện minh, không cần có những dấu chỉ hay những phép lạ để chứng minh.
Và trước đòi hỏi của Chúa Giêsu là phải có một đức tin tuyệt đối vào Người, người công chức đã thưa với Chúa Giêsu: “Thưa Ngài, xin Ngài xuống cho, trước khi con tôi chết”. Và Chúa Giêsu bảo ông: “Ông hãy đi và con ông sống”. Và sau đó thánh Gioan nhấn mạnh: “Người ấy đã tin vào lời Đức Giêsu nói với mình và đi về”. Nghĩa là người công chức đó chỉ tin vào lời nói của Chúa Giêsu mà thôi. Ông ta tin mà không cần kiểm chứng lời nói của Chúa Giêsu có thực đúng hay không và con ông có được sống hay không? Để chứng tỏ đức tin này, ông đã quay trở về nhà. Thái độ này của người công chức chứng tỏ ông ta có một đức tin mạnh mẽ vào Chúa Giêsu. Ông ta tin mà không cần một bằng chứng nào.
Trong cuộc sống, đứng trước những lời hứa của Thiên Chúa, chúng ta cũng giống như viên quan chức hôm nay, đó là tin hay không tin vào những lời hứa đó. Nhìn vào lại cuộc sống thiêng của mình, chúng ta thấy: vào giai đoạn đầu, chúng ta thường cảm nghiệm được những sự thích thú ngay bên trong tâm hồn chúng ta. Những yếu tố lành này giống nhưu bàn đạp giúp chúng ta tiến mạnh trong đời sống thiêng liêng. Do đo, chúng ta cảm thấy thích cầu nguyện, và muốn cầu nguyện lâu giờ. Chúng ta cảm thấy những lời cầu nguyện thật là tốt đẹp và bổ ích. Và đôi khi, tiếp theo sau những giờ phút cầu nguyện sốt sắng này, chúng ta gặp được những điều may mắn và tốt đẹp. Chúng ta giải thích đó là những phép lạ, những dấu chỉ Chúa gởi đến.
Thế rồi, cuộc sống thiêng liêng của giữa chúng ta với Thiên Chúa không mãi có được những thỏa mãn may mắn cụ thể như vậy. Nhiều khi nóp giống như một đêm tối. Đây là thời gian cần thiết để thanh tẩy đức tin của chúng ta. Hầu nó trở thành nên trong sáng hơn, trưởng thành hơn. Đây là lúc chúng ta cũng vẫn phải trung thành bước theo Chúa, dù có thể nói, lúc này chúng ta đang nhảy một bước vào cõi hư vô, nhảy vào vùng đất mà chúng ta không biết gì cả. Đó là sự liều lĩnh của đức tin. Chính vì chúng ta thường trải qua những giờ phút tăm tối như vậy, nên người tín hữu chúng ta thường dễ bị cám dỗ muốn xin Chúa làm những điềm thiêng dấu lạ, để Ngài soi sáng cho con đường đức tin của chúng ta. Đây là một điều tốt. Thế nhưng, chúng ta hãy nhớ lại lời mời gọi của Chúa Giêsu, Đấng muốn thanh tẩy đức tin của chúng ta, Đấng kêu gọi chúng ta hãy từ bỏ mọi sự mà đi theo Ngài, Đấng muốn chúng ta bước theo Ngài một cách tuyệt đối, một cách vô điều kiện.
Do đó, chúng ta cầu xin Chúa củng cố đức tin còn non yếu của chúng ta, xin Ngài hướng dẫn chúng ta trên mọi nẻo đường trong cuộc sống, mà không đòi hỏi một dấu chỉ hay một điều kiện nào để trung thành với Ngài. Và đồng thời, chúng ta cũng xin Chúa củng cố đức tin của những người anh em chúng ta, để tất cả chúng ta cùng giúp nhau tiến về quê trời một cách hân hoan, với lòng tin tưởng vào sự sống lại vinh quang sau này.
THỨ BA
Ed 47, 19.12; Ga 5,1-16
Lời Chúa
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Gioan.
1 Nhân một dịp lễ của người Dothái, Đức Giêsu lên Giêrusalem. 2 Tại Giêrusalem, gần Cửa Chiên, có một hồ nước, tiếng Hípri gọi là Bếtdatha. Hồ này có năm hành lang. 3a Nhiều người đau ốm, đui mù, què quặt, bất toại nằm la liệt. 5 Ở đó, có một người đau ốm đã ba mươi tám năm. 6 Đức Giêsu thấy anh ta nằm đấy và biết anh sống trong tình trạng đó đã lâu, thì nói : “Anh có muốn khỏi bệnh không ?” 7 Bệnh nhân đáp : “Thưa Ngài, khi nước khuấy lên, không có người đem tôi xuống hồ. Lúc tôi tới đó, thì đã có người khác xuống trước mất rồi !” 8 Đức Giêsu bảo : “Anh hãy trỗi dậy, vác chõng mà đi !” 9 Người ấy liền được khỏi bệnh, vác chõng và đi được.Hôm đó lại là ngày sabát. 10 Người Dothái mới nói với kẻ được khỏi bệnh : “Hôm nay là ngày sabát, anh không được phép vác chõng !” 11 Nhưng anh đáp : “Chính người chữa tôi khỏi bệnh đã nói với tôi : ‘Anh hãy vác chõng mà đi !’” 12 Họ hỏi anh : “Ai là người đã bảo anh: ‘Vác chõng mà đi’ ?” 13 Nhưng người đã được khỏi bệnh không biết là ai. Quả thế, Đức Giêsu đã lánh đi, vì có đám đông ở đấy. 14 Sau đó, Đức Giêsu gặp người ấy trong Đền Thờ và nói : “Này, anh đã được khỏi bệnh. Đừng phạm tội nữa, kẻo lại phải khốn hơn trước !” 15 Anh ta đi nói với người Dothái : Đức Giêsu là người đã chữa anh khỏi bệnh. 16 Do đó, người Dothái chống đối Đức Giêsu, vì Người hay chữa bệnh ngày sabát.
Chúng ta đang ở trong những ngày sắp kết thúc Mùa Chay, nên trong những ngày này, Hội Thánh muốn cho chúng ta nghe những bài Tin Mừng được trích từ Tin Mừng theo thánh Gioan. Bởi vì đây là giai đoạn Hội Thánh muố chuẩn bị các dự tòng sẽ được lãnh nhận bí tích Rửa Tội trong đêm vọng Phục Sinh. Đồng thời, đây cũng là thời gian Hội Thánh muốn chuẩn bị tất cả chúng ta là những người đã lãnh nhận bí tích Rửa Tội, sẽ lập lại vào đêm Phục Sinh những lời cam kết khi chúng ta lãnh nhận bí tích ấy. Do đó, hôm nay Hội Thánh cho chúng ta nghe bài Tin Mừng nói về nước. Nước ở đây là biểu tượng của sự sống, là hình ảnh của nước Rửa Tội đã giải thoát chúng ta khỏi vòng kiềm hãm của sự chết và đưa chúng ta vào sự sống làm con cái Thiên Chúa.
Sự kiện này xảy ra là vào dịp lễ Ngũ Tuần, Chúa Giêsu hành hương lên Giêrusalem. Hồi đó ở gần cửa chiên, có một hồ nước, và có nhiều người tàn tật tập trung ở gần hồ để được chữa bệnh. Bởi vì họ tin là khí nước trong hồ được đổi mới vì một nguyên nhân nào đó, thì nước này bỗng chốc có khả năng chữa lành mọi thứ bệnh tật. Trong số những người tàn tật này, có một người bị bệnh bất toại đã 38 năm. Vì không được ai giúp đỡ, anh không bao giờ xuống được hồ, mỗi khi có nước khuấy động. Và Chúa Giêsu thấu hiểu được sự đau khổ to lớn của anh, nên Ngài đã quyết định cứu vớt anh. Tuy nhiên, Chúa Giêsu cũng tôn trọng sự tự do của anh là muốn được chữa hay không. Bởi đó, Ngài hỏi anh có muốn được chữa lành không? Trước câu hỏi của Chúa Giêsu, anh đã bày tỏ ước muốn được chữa lành. Chúa Giêsu không cần phải mang anh xuống hồ nước, nhưng chỉ cần nói vài tiếng đơn sơ, tức khắc anh được lành bệnh. Anh có thể đứng dậy vác chõng mà đi.
Qua sự kiện chữa lành cho người bất toại, trước tiên chúng ta thấy Chúa Giêsu có thể đọc được ý muốn trong lòng con người mà không cần phải có ai nói với Ngài. Ngài thấu hiểu sự đơn độc của bệnh nhân. Ngài muốn thông cảm với nỗi đau buồn của anh. Dù vậy, Ngài không muốn áp đặt sự lành bệnh trên anh mà không có sự đồng ý của anh. Do đó, Ngài mới hỏi anh có muốn được lành chăng? Chúng ta có thể tự hỏi: tại sao Chúa Giêsu lại hỏi một câu kỳ lạ như vậy. Bởi vì ai trong chúng ta cũng biết chắc chắn câu trả lời của bệnh nhân là muốn. Đó là vì chúng ta biết: Tin Mừng của thánh Gioan là một tác phẩm thiên tài. Gioan không để ý đến phép lạ với tính cách là phép lạ thuần túy. Đối với Gioan, điều quan trọng là biểu tượng và ý nghĩa của các phép lạ đó. Cũng vậy, biểu tượng và ý nghĩa của phép lạ chữa người bất toại này, đó là bí tích Rửa Tội có thể cứu vớt con người khỏi sự chết và đưa vào cõi sống.
Do đó, câu hỏi Chúa Giêsu đặt ra cho anh bất toại này cũng là câu hỏi mà ngày nay Chúa Giêsu đặt ra: ngươi có muốn được Rửa Tội không? Đây là câu đầu trong nghi thức Rửa Tội, mà người dự tòng phải tự trả lời trước khi được Rửa Tội. Thiên Chúa là Chúa tể của vũ trụ, chúng ta là thụ tạo của Người. Nhưng Người không muốn áp đặt sự giải phóng và tình yêu của Người trên chúng ta. Người tôn trọng sự tự do của chúng ta. Nên Người hỏi chúng ta có muốn được sống hay không? Có muốn được chữa lành hay không? Có muốn chấp nhận ân huệ của Người hay không?
Tiếp đến, đối với người bất toại, được lành bệnh nghĩa là khởi đầu một cuộc sống mới. Cuộc sống 38 năm trước đối với anh ta là một cuộc sống của tù ngục, của đau khổ, của cô đơn. Giờ đây, anh mới bắt đầu một cuộc sống mới, một cuộc sống tự do và hạnh phúc. Cũng vậy, qua bí tích Rửa Tội, chúng ta đón nhận một sự sống mới, đón nhận sự giải phóng của Chúa. Thiên Chúa tốt lành, Chúa không muốn mỗi người chúng ta phải nằm bẹp dưới đất, bất lực. Nhưng Chúa muốn chúng ta là những người có nhân phẩm, biết đứng thẳng lên và có thể biết tiến bước về Quê Trời. Chính tội là nguyên nhân làm cho chúng ta tất toại về đàng thiêng liêng. Nó khiến chúng ta không còn làm được một hành động nào được coi là có giá trị trước mặt Chúa. Nó khiến chúng ta mất đi tư cách là người con của Chúa, khiến chúng ta cô đơn, không được hòa nhập vào cộng đoàn Dân Chúa.
Vì vậy, chúng ta xin Chúa hãy đến với chúng ta. Xin Ngài giơ tay nâng đỡ chúng con chỗi dậy khỏi vũng bùn tội lỗi, của những đam mê, của thế gian xác thịt. Đồng thời xin Chúa cũng ban cho chúng ta một ý chí, một nghị lực đủ mạnh để chúng ta còn biết tiến bước trên con đường trọn lành, biết dùng ơn của Chúa mà thực thi các nhân đức, đặc biệt là sống trọn giới răn: “mến Chúa yêu người”. Có như thế, chúng ta mới thực sự là những người con của Chúa, những con người đã thật sự được giải thoát khỏi thế gian của tối tăm và sự chết.
THỨ TƯ
Is 49,8-16; Ga 5,17-30
Lời Chúa
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Gioan.
17 Khi ấy, sau khi chữa lành một người bệnh trong ngày sabát, Đức Giêsu tuyên bố với người Dothái rằng : “Cho đến nay, Cha tôi vẫn làm việc, thì tôi cũng làm việc.” 18 Bởi vậy, người Dothái lại càng tìm cách giết Đức Giêsu, vì không những Người phá luật sabát, lại còn nói Thiên Chúa là Cha của mình, và như thế là tự coi mình ngang hàng với Thiên Chúa.19 Đức Giêsu lên tiếng nói với họ rằng : “Thật, tôi bảo thật các ông : người Con không thể tự mình làm bất cứ điều gì, ngoại trừ điều Người thấy Chúa Cha làm ; vì điều gì Chúa Cha làm, thì người Con cũng làm như vậy. 20 Quả thật, Chúa Cha yêu người Con và cho người Con thấy mọi điều mình làm, lại sẽ còn cho người Con thấy những việc lớn lao hơn nữa, khiến chính các ông cũng phải kinh ngạc. 21 Chúa Cha làm cho kẻ chết trỗi dậy và ban sự sống cho họ thế nào, thì người Con cũng ban sự sống cho ai tuỳ ý. 22 Quả thật, Chúa Cha không xét xử một ai, nhưng đã ban cho người Con mọi quyền xét xử, 23 để ai nấy đều tôn kính người Con như tôn kính Chúa Cha. Kẻ nào không tôn kính người Con, thì cũng không tôn kính Chúa Cha, Đấng đã sai người Con. 24 Thật, tôi bảo thật các ông : ai nghe lời tôi và tin vào Đấng đã sai tôi, thì có sự sống đời đời và khỏi bị xét xử, nhưng đã từ cõi chết bước vào cõi sống.25 “Thật, tôi bảo thật các ông : giờ đã đến và chính là lúc này đây giờ các kẻ chết nghe tiếng Con Thiên Chúa ; ai nghe thì sẽ được sống. 26 Quả thật, Chúa Cha có sự sống nơi mình thế nào, thì cũng ban cho người Con được có sự sống nơi mình như vậy, 27 lại ban cho người Con được quyền xét xử, vì người Con là Con Người. 28 Các ông chớ ngạc nhiên về điều này, vì giờ đã đến, giờ mọi kẻ ở trong mồ sẽ nghe tiếng người Con 29 và sẽ ra khỏi đó : ai đã làm điều lành, thì sẽ sống lại để được sống ; ai đã làm điều dữ, thì sẽ sống lại để bị kết án.30 “Tôi không thể tự ý mình làm gì. Tôi xét xử theo như tôi được nghe, và phán quyết của tôi thật công minh, vì tôi không tìm cách làm theo ý riêng tôi, nhưng theo ý Đấng đã sai tôi.”
Như chúng ta đã biết, Tin Mừng của thánh Gioan là một tác phẩm có tính cách thần bí, vì ý nghĩa của nó thật sâu xa. Do đó, chúng ta ý thức là thánh Gioan không chỉ tường thuật lại các phép lạ Chúa Giêsu đã làm, nhưng thánh nhân còn gán cho các phép lạ một ý nghĩa vô hình và siêu việt. Câu chuyện của bài Tin Mừng hôm nay tiếp nối câu chuyện hôm qua, nói về việc Chúa Giêsu đã chữa cho người bị liệt đã 38 năm. Và sau đó, bệnh nhân đứng dậy, vác chõng và rời bỏ nơi đó. Điều này làm phát sinh một cuộc tranh luận. Vì người Do Thái đã trách Chúa Giêsu là không những đã làm cho bệnh nhân này vi phạm ngày hưu lễ, khi ra lệnh cho anh ta vác chõng mà đi – mà ngay chính Chúa Giêsu cũng đã vi phạm ngày hưu lễ, khi Ngài dám chữa bệnh trong ngay này.
Đứng trước những lời buộc tội của người Do Thái, Chúa Giêsu đã biện minh cho hành động của mình, bằng cách tỏ lộ cho người Do Thái biết ý nghĩa đích thực mà Thiên Chúa gán cho ngày hưu lễ. Quả thực, qua Thánh Kinh, thời gian tiếp sau khi Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ và con người, là một ngày hưu lễ liên tục đối với Thiên Chúa. Trong khoảng thời gian này, Thiên Chúa nghỉ ngơi, không còn tạo dựng nữa, nhưng Người vẫn tiếp tục không ngừng công việc cứu độ nhân loại tội lỗi. Do đó, công việc cứu độ là công việc của ngày hưu lễ. Và từ khi chấm dứt công việc tạo dựng vũ trụ cho đến nay, Thiên Chúa vẫn đích thân tiếp tục thực thi công việc cứu độ đó, mặc dù Người chưa có người cộng tác hữu hình ở trần gian này. Do đó kể từ nay, do sự ủy quyền của Chúa Cha, Chúa Con là người có nhiệm vụ tiếp tục công trình cứu độ đó. Cũng do đó, trong Tin Mừng hôm nay, chúng ta thấy Chúa Giêsu sẵn sàng can thiệp ngay cả vào ngày hưu lễ, để chứng tỏ rằng công việc cứu độ của Ngài cũng chính là việc làm của Thiên Chúa trong ngày hưu lễ, vì lợi ích của những người tội lỗi. Vì thes, trong lãnh vực này, Ngài chính là cộng tác viên và là người thay thế cho Thiên Chúa Cha ở thế gian này. Đồng thời, qua việc cứu vớt con người ngay trong ngày hưu lễ, cg còn muốn chứng tỏ rằng Ngài là con Thiên Chúa. Bởi thế, Ngài không ngần ngại quả quyết: “Cha Ta làm việc, thì Ta cũng làm việc như thế”.
Trước lời tuyên bố đó của Chúa Giêsu, các người Do Thái hiểu Chúa Giêsu tự xưng Ngài là Con Thiên Chúa. Và họ cho đây là một tội phạm thượng, một tội còn nặng hơn là tội vi phạm ngày hưu lễ. Thế nhưng, để tránh cho người ta hiểu sai về con người Ngài, Chúa Giêsu đã giải thích cho họ hiểu Ngài không phải là kẻ đối thù với Thiên Chúa, nhưng là cộng tác viên của Thiên Chúa. Ngài hằng cộng tác với Thiên Chúa qua một sự hiệp thông sâu xa và liên lỉ, trong công việc cứu độ thế gian. Do đó mà Thiên Chúa Cha đã muốn cho con người tôn vinh Chúa Con, là Đấng cũng ngang hàng với Người, bằng cách ban cho Chúa Con quyền được tái sinh những kẻ đã chết. Trong khi đó, quyền được cho kẻ chết sống lại là một trong những dấu chỉ loan báo Nước Trời đã đến, thời kỳ thiên sai đã điểm.
Vậy giờ đây, chúng ta hãy nhìn lại con người của mình, để chúng ta nhìn thấy những giới hạn của mình, những gì ràng buộc và xiềng trói mình, để chúng ta nhận ra thân phận đớn hèn và khốn khổ của mình. Để rồi nhờ đó, chúng ta sẽ hân hoan lắng nghe lời loan báo về việc Chúa giải phóng chúng ta. Thiên Chúa nói: “Vào thời thuận tiện, Ta sẽ đáp trả ngươi; vào ngày cứu độ, ta sẽ đến cứu giúp ngươi”. Người tín hữu chúng ta không nên có thái độ bi quan yếm thế, nhưng ngược lại, chúng ta cần giữ một thái độ vui mừng lạc quan, cho dù chúng ta đang ở trong một hoàn cảnh đầy thử thách. Quả thực giữa bối cảnh của một thế giới thường xảy ra những biến động, những cảnh tượng bi thảm, người tín hữu chúng ta cần phải luôn giữ một thái độ vui vẻ – không để cho mình bị đầu độc bởi bầu khí của sự thất bại, của chán chường, của buông xuôi. Bởi vì Nước Thiên Chúa đã đến giữa chúng ta. Bởi vì đây là thời của sự cứu độ. Chúng ta hãy nghe lời của Chúa Giêsu đã phán: “Giờ sẽ đến và là ngay bây giờ, các kẻ chết sẽ nghe tiếng Con Thiên Chúa và ai đã nghe thì sẽ sống” (Ga 5,25).
Do đó, chúng ta hãy cầu xin Chúa cho chúng ta biết góp phần vào việc làm cho đời sống xã hội loài người ngày càng bớt đau khổ, biết giúp cho những con người chúng ta gặp gỡ được cảm thấy lạc quan hơn, yêu đời hơn và hạnh phúc hơn trên con đường tiến về quê hương đích thực là Nước Trời, nơi họ sẽ không còn thấy khóc lóc, than van, đau khổ và sự chết nữa.
THỨ NĂM
Xh 35,7-14; Ga 5,31-47
Lời Chúa
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Gioan.
31 Khi ấy, Đức Giêsu nói với người Dothái rằng : “Nếu tôi làm chứng về chính mình, thì lời chứng của tôi không thật. 32 Có Đấng khác làm chứng về tôi, và tôi biết : lời Người làm chứng về tôi là lời chứng thật. 33 Chính các ông đã cử người đến gặp ông Gioan, và ông ấy đã làm chứng cho sự thật. 34 Phần tôi, tôi không cần lời chứng của một phàm nhân, nhưng tôi nói ra những điều này để các ông được cứu độ. 35 Ông Gioan là ngọn đèn cháy sáng, và các ông đã muốn vui hưởng ánh sáng của ông trong một thời gian. 36 Nhưng phần tôi, tôi có một lời chứng lớn hơn lời chứng của ông Gioan : đó là những việc Chúa Cha đã giao cho tôi để tôi hoàn thành ; chính những việc tôi làm đó làm chứng cho tôi rằng Chúa Cha đã sai tôi. 37 Chúa Cha, Đấng đã sai tôi, chính Người cũng đã làm chứng cho tôi. Các ông đã không bao giờ nghe tiếng Người, cũng chẳng bao giờ thấy tôn nhan Người. 38 Các ông đã không để cho lời Người ở mãi trong lòng, bởi vì chính các ông không tin vào Đấng Người đã sai đến. 39 Các ông nghiên cứu Kinh Thánh, vì nghĩ rằng trong đó các ông sẽ tìm được sự sống đời đời. Mà chính Kinh Thánh lại làm chứng về tôi. 40 Các ông không muốn đến cùng tôi để được sự sống.41 “Tôi không cần người đời tôn vinh. 42 Nhưng tôi biết : các ông không có lòng yêu mến Thiên Chúa. 43 Tôi đã đến nhân danh Cha tôi, nhưng các ông không đón nhận. Nếu có ai khác nhân danh mình mà đến, thì các ông lại đón nhận. 44 Các ông tôn vinh lẫn nhau và không tìm kiếm vinh quang phát xuất từ Thiên Chúa duy nhất, thì làm sao các ông có thể tin được ?45 “Các ông đừng tưởng là tôi sẽ tố cáo các ông với Chúa Cha. Kẻ tố cáo các ông chính là ông Môsê, người mà các ông tin cậy. 46 Vì nếu các ông tin ông Môsê, thì hẳn các ông cũng tin tôi, bởi lẽ ông ấy đã viết về tôi. 47 Nhưng nếu điều ông ấy viết mà các ông không tin, thì làm sao tin được lời tôi nói ?”
Môsê ngày xưa rất vất vả với con cái Israel, Đức Giêsu cũng đã gặp nhiều khó khăn với người đồng thời với Ngài. Ngày nay đạo Chúa còn phải nỗ lực nhiều lắm với chúng ta. Chung quy vì bản tính con người xưa nay vẫn thế. Con người muốn có ngẫu tượng. Muốn có, muốn ăn những cái trước mắt chứ không dễ trung thành với Đấng Thiên Chúa vô hình và kiên nhẫn chờ đợi hạnh phúc chân thật.
Đôi khi người ta cười con cái Israel. Tại sao họ lại bỏ Thiên Chúa vô hình để thờ bò vàng? Thật ra nhân loài thời đó quá đa thần và hình dung thần thánh dưới đủ mọi hình thức nhiều khi rất quái đản. Con cái Israel không muốn bỏ Chúa đã đưa họ ra khỏi Aicập đâu. Nhưng xác thịt nặng nề của họ không thể nhịn mãi được trong thái độ không được hình dung, biểu thị Chúa ra dưới một hình thức nào đó. Bò tót, bò rừng, bò đực nơi thảo nguyên, hoang dã là những con vật rất mạnh. Con cái Israel chọn hình tượng bò để gợi lên Thiên Chúa uy dũng, hùng mạnh. Nhưng Thiên Chúa dứt khoát không chấp nhận, bởi vì chẳng có gì ở đời này diễn tả được Người. Mọi nét hữu hình đều bất xứng với Đấng vo hình. Môsê đã vất vả với con cái Israel về điều ấy. Ông phải chống lại khuynh hướng mãnh liệt của họ muốn thờ một Thiên Chúa hữu hình, hoặc muốn hữu hình hóa Thiên Chúa, tức là làm mất bản chất của Người và do đó xúc phạm sâu sắc đối với Người.
Đến thời Chúa Giêsu, cũng vẫn một khuynh hướng cố hữu ấy nhưng mặc một hình thức khác. Con cái Israel chỉ trông chờ một Đấng Thiên Sai quyền thế, cho họ có ngay những cái ở trần gian này. Và Đức Giêsu cũng phải vất vả như Môsê chống lại khuynh hướng thực tiễn đó. Ngài còn khó nhọc hơn cả Môsê vì cuối cũng Ngài đã bị chết vì không thỏa mãn được những yếu cầu của họ. Như lời Ngài nói hôm nay: một kẻ tầm thường khác đến hứa cho họ những cái giả dối, rẻ tiền trước mắt, ắt họ đã chạy theo không chút chần chừ; còn Ngài đến nói về Chúa Cha và ơn cứu độ, về hạnh phúc chân thật họ chẳng muốn nghe.
Thời nay tâm lý con người cũng vẫn thế. Đứa trẻ sinh ra muốn vồ, muốn ngoạm ngay những cái trước mắt và vừa tầm tay. Cha mẹ, thầy cô phải vất vả lắm trong việc dạy bảo con em nỗ lực tìm kiếm những giá trị cao quí mai ngày… Đối với tôn giáo, tất cả chúng ta không như các vị thành niên sao? Các cám dỗ đưa đến những mồi ngon trước mắt, chúng ta muốn đớp liền – Lời Chúa là lương tâm khó ngăn chặn lại lắm – Nhưng không hy sinh, hãm mình, làm sao trưởng thành và đạt được những giá trị cao quí?
Chúa Giêsu đến với chúng ta trong mầu nhiệm thánh giá để kêu gọi và ban sức cho chúng ta biết dè dặt đối với các cám dỗ xác thịt. Hôm nay chúng ta hãy cố gắng thêm để thật sự có tinh thần của Mùa Chay Thánh mà chúng ta đang cử hành.
THỨ SÁU
Kn 2,1a.12-22; Ga 7,1-2.10.25-30
Lời Chúa
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Gioan.
1 Khi ấy, Đức Giêsu thường đi lại trong miền Galilê ; thật vậy, Người không muốn đi lại trong miền Giuđê, vì người Dothái tìm giết Người.2 Lễ Lều của người Dothái gần tới. 10 khi anh em Người đã lên dự lễ, thì chính Người cũng lên, nhưng không công khai và hầu như bí mật.25 Bấy giờ có những người ở Giêrusalem nói : “Ông này không phải là người họ đang tìm giết đó sao ? 26 Kìa, ông ta ăn nói công khai mà họ chẳng bảo gì cả. Phải chăng các nhà hữu trách đã thực sự nhìn nhận ông là Đấng Kitô ? 27 Ông ấy, chúng ta biết ông xuất thân từ đâu rồi ; còn Đấng Kitô, khi Người đến thì chẳng ai biết Người xuất thân từ đâu cả.” 28 Lúc giảng dạy trong Đền Thờ, Đức Giêsu nói lớn tiếng rằng : “Các ông biết tôi ư ? Các ông biết tôi xuất thân từ đâu ư ? Tôi đâu có tự mình mà đến. Đấng đã sai tôi là Đấng chân thật. Các ông, các ông không biết Người. 29 Phần tôi, tôi biết Người, bởi vì tôi từ nơi Người mà đến, và chính Người đã sai tôi.”30 Bấy giờ họ tìm cách bắt Người ; nhưng chẳng có ai tra tay bắt, vì giờ của Người chưa đến.
Sau khi Chúa Giêsu cứu chữa một người bị bệnh bất toại đã 38 năm được lành bệnh trong ngày hưu lễ, những người Do Thái không những căm ghét Chúa Giêsu vì Ngài đã vi phạm ngày hưu lễ, nhưng còn bởi vì Ngài đã tự cho mình ngang hàng với Thiên Chúa. Do đó, Chúa Giêsu đã phải rời bỏ xứ Giuđêa, để sang hoạt động tại Galiê. Và thánh Gioan đã không kể lại cho chúng ta biết những hoạt động của Chúa Giêsu tại Galilê; nhưng thánh Gioan đưa chúng ta thẳng đến giai đoạn của lễ Lều trại, được diễn ra vào giữa mùa thu. Vào dịp lễ này, Chúa Giêsu cũng đi lên Giêrusalem, mặc dù Ngài biết các vị lãnh đạo Do Thái giáo có ý định muốn giết Ngài. Cho nên dân chúng rất đỗi ngạc nhiên, khi họ thấy Chúa Giêsu dám ngang nhiên rao giảng một cách công khai trong dịp lễ, mà các vị lãnh đạo lại không có hành động gì chống lại Ngài. Dân chúng không hiểu lý do vì sao các vị lãnh đạo tôn giáo lại có một thái độ như vậy, họ nghĩ có thể là các vị đã thay đổi quan niệm của họ về Chúa Giêsu. Thật ra, trong khi đó, các vị ấy đã không dám ra tay bắt giam Chúa Giêsu, vì họ sợ dân chúng ủng hộ Chúa Giêsu và có thể nổi loạn chống lại họ.
Mặc dù dân chúng nghĩ là các vị lãnh đạo có thể có một quan niệm mới về Chúa Giêsu. Nhưng đối với họ ý kiến này không có gì vững chắc cả. Bởi vì họ biết là các vị tiến sĩ không thể nào nhìn nhận một người không có những đặc điểm phù hợp với những dữ kiện của Thánh Kinh lại là Đấng Thiên Sai được. Họ thấy Chúa Giêsu là người xuất thân từ Galilê và Ngài xuất hiện một cách quá tầm thường, thì làm sao có thể gọi Ngài là Đấng Thiên Sai. Trong khi đó, theo những lời tiên báo của tiên tri Mikê (Mi 5,2) Đấng Thiên Sai phải xuất thân từ làng Belem, Ngài có một nguồn gốc bí ẩn và Ngài xuất hiện trong sa mạc một cách tuyệt vời.
Trong khi đó, Chúa Giêsu đọc được những suy nghĩ của họ, nên Ngài đã mạnh mẽ chống lại kiểu phán đoán hời hợt và bì phu đó của các vị lãnh đạo Do Thái. Bởi vì họ chỉ biết nguồn gốc trần tục của Ngài, mà không cố gắng tìm hiểu xem, ngoài nguồn gốc trần thế đó, Ngài còn có một nguồn gốc bởi trời hay không. Bởi vì quả thực, mặc dù xuất thân từ Galilê, Chúa Giêsu cũng đến từ Thiên Chúa. Do đó, Chúa Giêsu là sứ giả của Thiên Chúa Cha, và Thiên Chúa Cha là Đấng sai Ngài đến với thế gian.
Khác với những người Do Thái, Chúa Giêsu biết rõ Thiên Chúa Cha bằng một tri thức chân thật. Sự hiểu biết này của Chúa Giêsu đối với Thiên Chúa Cha vượt lên trên mọi khái niệm tri thức của con người. Bởi vì sự hiểu biết này không nằm trên bình diện trí tuệ hay lý trí, nhưng hệ tại ở mối tương giao liên vị, ở một sự hiệp thông tình yêu giữa Ngài với Thiên Chúa Cha. Do đó, Chúa Giêsu dám lớn tiếng vạch rõ cho các vị lãnh đạo thấy là họ không biết Thiên Chúa. Bị Chúa Giêsu tố cáo một cách thẳng thừng như vậy, các vị ấy muốn tìm cách bắt giam Chúa Giêsu, nhưng họ không thể ra tay được, vì dân chúng vẫn còn ủng hộ Ngài.
Như vậy, qua bài Tin Mừng hôm nay, Hội Thánh muốn cho chúng ta thấy cuộc âm mưu giết hại Chúa Giêsu ngày càng siết chặt vòng vây xung quanh Ngài. Cuộc mưu hại này giờ đây đã rõ ràng và hiển nhiên. Nó sẽ đạt đến hồi kết thúc trong 15 ngày sau đó. Càng gần đến tuần thánh, Hội Thánh càng muốn tạo cho chúng ta cơ hội để nhìn ngắm Chúa Giêsu đau khổ. Chúa Giêsu hết sức giao động, bởi Ngài thấy trước mọi sự sẽ xảy ra cho Ngài. Ngài cảm thấy như bị o ép trong gọng kìm, càng ngày càng siết chặt lấy Ngài.
Thế nhưng trước những sự chống đối thù nghịch của những vị lãnh đạo Do Thái, trước những lời mỉa mai châm chọc của họ, Chúa Giêsu vẫn giữ một trạng thái thanh thản, một thái độ bình tâm. Ngay khi bị vây hãm, căm thù và bị loại trừ, Chúa Giêsu vẫn giữ được một thái độ bình an. Bởi vì Chúa Giêsu biết Cha vẫn yêu thương Ngài. Chính nhờ mối dây liên hệ thâm sâu với Cha mà Chúa Giêsu luôn tỏ ra là một con người bình an. Quả thật, giữa một bầu khí mà người ta chỉ muốn nói giết Chúa Giêsu, thế mà Chúa Giêsu lại phát biểu về tình yêu của Thiên Chúa Cha đang tràn ngập tâm hồn Ngài. Ngài biết Cha hiểu Ngài và yêu thương Ngài, thế là đủ cho Ngài.
Về phần chúng ta cũng vậy, ước chi giữa những đau khổ khó khăn, thử thách và chống đối, chúng ta cũng hãy bắt chước Chúa Giêsu mà giữ một tâm hồn bình an và hoàn toàn tin tưởng vào tình yêu của Cha trên trời. Xin cho chúng ta đừng đánh mất niềm tin vào Thiên Chúa, nhưng luôn biết kết hợp mật thiết với Cha và sống trong tình thân mật với Cha. Xin Chúa cũng ban cho những ai đang đau khổ được sự bình an của Chúa, để họ vẫn cảm thấy được Chúa yêu thương nâng đỡ. Xin cho những ai đang sống trong cảnh cô đơn, lẻ loi, được cảm nghiệm sự hiện diện đầy khích lệ ủi an của Chúa.
THỨ BẢY
Gr 11,18-20; Ga 7,40-53
Lời Chúa
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Gioan.
40 Khi ấy, Đức Giêsu giảng dạy tại đền thờ Giêrusalem. Trong dân chúng, có những người nghe các lời của Đức Giêsu thì nói : “Ông này thật là vị ngôn sứ.” 41 Kẻ khác rằng : “Ông này là Đấng Kitô.” Nhưng có kẻ lại nói : “Đấng Kitô mà lại xuất thân từ Galilê sao ? 42 Nào Kinh Thánh đã chẳng nói : Đấng Kitô xuất thân từ dòng dõi vua Đavít và từ Bêlem, làng của vua Đavít sao ?” 43 Vậy, vì Người mà dân chúng đâm ra chia rẽ. 44 Một số trong bọn họ muốn bắt Người, nhưng chẳng có ai tra tay bắt.45 Các vệ binh trở về với các thượng tế và người Pharisêu. Họ liền hỏi chúng : “Tại sao các anh không điệu ông ấy về đây ?” 46 Các vệ binh trả lời : “Xưa nay chưa hề đã có ai nói năng như người ấy !” 47 Người Pharisêu liền nói với chúng : “Cả các anh nữa, các anh cũng bị mê hoặc rồi sao ? 48 Trong hàng thủ lãnh hay trong giới Pharisêu, đã có một ai tin vào tên ấy đâu ? 49 Còn bọn dân đen này, thứ người không biết Lề Luật, đúng là quân bị nguyền rủa !” 50 Trong nhóm Pharisêu, có một người tên là Nicôđêmô, trước đây đã đến gặp Đức Giêsu ; ông nói với họ : 51 “Lề Luật của chúng ta có cho phép kết án ai, trước khi nghe người ấy và biết người ấy làm gì không ?” 52 Họ đáp : “Cả ông nữa, ông cũng là người Galilê sao ? Ông cứ nghiên cứu, rồi sẽ thấy : không một ngôn sứ nào xuất thân từ Galilê cả.”53 Sau đó, ai nấy trở về nhà mình.
Sau những cuộc tranh luận giữa Chúa Giêsu và các vị lãnh đạo Do Thái, hậu quả là có sự chia rẽ giữa những người Do Thái. Bởi vì trong đám đông dân chúng có nhiều người đã hiểu được nội dung những lời tuyên bố của Chúa Giêsu. Có những người cho rằng nếu Chúa Giêsu có những quyền năng kỳ diệu như Môsê, là có thể ban cho dân chúng một thứ nước kỳ diệu, thì quả thật Ngài là vị tiên tri giống như Môsê mà sách Thứ Luật đã tiên báo (Tl 18,15). Còn đối với những người khác, họ cho rằng nếu Chúa Giêsu có thể tuôn tràn trên dân chúng thứ nước huyền diệu mà tiên tri Ezêkel đã từng báo trước, thì quả thật Ngài là Đấng Thiên Sai. Đó là những hạng người xem ra ủng hộ Chúa Giêsu.
Ngược lại, những kẻ chống đối đã xét đoán về Chúa Giêsu dựa trên những dữ kiện của Thánh Kinh nói về nguồn gốc của Đấng Thiên Sai. Họ cho rằng Chúa Giêsu chỉ là một người thuần túy thuộc xứ Galilê thôi, trong khi ai cũng biết Đấng Thiên Sai sẽ là con vua Đavid và phải được
Sinh ra ở Belem theo như lời tuyên sấm của tiên tri Mica (Mi 5,1). Trong khi đó lại có những người khác đồng quan điểm và lập trường với các vị lãnh đạo Do Thái. Họ là những người sẵn sàng ra tay bắt giữ Chúa Giêsu, nếu đám đông dân chúng không có ở đó. Như vậy thật đúng như lời ông già Simêon đã báo trước: “Ngài có mệnh cớ cho nhiều người bổ nhào và chỗi dậy trong Israel, và làm dấu gợi lên chống đối” (Lc 2,34). Và cũng như lời tiên báo này, Chúa Giêsu đến để thiết lập hòa bình, nhưng là gieo sự chia rẽ ngay giữa dân chúng và trong các gia đình (Lc 12,51-53).
Trong khi đó những người đơn sơ chất phát, không thành kiến như là những người vệ binh được lệnh ra đi bắt Chúa Giêsu. Họ rất đỗi ngạc nhiên và thán phục về con người cũng như về những lời giảng của Chúa Giêsu. Chính họ phát biểu những cảm nghĩ đó cho các vị lãnh đạo của họ. Trong khi đó các vị lãnh đạo này tức bực la mắng họ một cách thậm tệ. Họ tự hào về sự không tin của họ vào Chúa Giêsu: đó là nhờ họ có được một sự hiểu biết sâu rộng về Thánh Kinh, họ không thể bị Chúa Giêsu mê hoặc, và với một thái độ khinh khi, họ liệt các tôi tớ thuộc quyền của họ vào hàng đám đông dân chúng, tức là những người dốt nát, không hiểu biết gì về Lề Luật, cho nên mới dễ tin vào Chúa Giêsu như vậy.
Họ còn tự hào là không có một người biệt phái nào lại tin vào Chúa Giêsu. Giữa lúc đó, có một người đứng lên bênh vực Chúa Giêsu. Đó là ông Nicôđêmô. Ông là người biệt phái và là một vị tiến sĩ lỗi lạc, là một thành viên của hội đồng công tọa của mình là đã hành động một cách sai trái, khi họ xét xử và kết án Chúa Giêsu mà không mang vụ kiện ra xét xử trong một phiên tòa chính thức ở cấp tòa án tối cao. Và để bào chữa cho sự sai trái của mình, các vị lãnh đạo Do Thái đã mỉa mai là phải chăng ông Nicônimô này cũng là người thuộc xứ Galilê, nên ông đã bị người cùng quê hương là Chúa Giêsu dụ dỗ.
Sự kiện Chúa Giêsu bị các lãnh đạo Do Thái âm mưu ngấm ngầm ám hại, tuy Ngài là một người công chính, cũng giống như tiên tri Giêrêmia đã từng bị bách hại trước đó, như chúng ta được thấy qua bài đọc I hôm nay. Do đó, chúng ta nhận thấy sự hiểu biết về Thánh Kinh giống các vị lãnh đạo Do Thái không phải là yếu tố quan trọng để người ta có thật sự khám phá ra Chúa Giêsu là ai. Họ thuộc Thánh Kinh nằm lòng, họ có thể trích dẫn những câu Thánh Kinh để chứng minh Chúa Giêsu không phải là Đấng Thiên Sai.
Như thế điều kiện để con người có thể nhận ra Chúa Giêsu là Đấng Thiên Sai là sự khiêm nhường. Khiêm nhường nghĩa là từ bỏ chính mình, là khước từ những quan niệm riêng tư của mình, và để cho Thiên Chúa hướng dẫn mình. Những vị lãnh đạo Do Thái đã tự mãn về những hiểu biết Thánh Kinh của họ, và ra mặt khinh khi những hạng dân chúng dốt nát, không biết gì về đạo lý của Thiên Chúa. Vì tự mãn, họ như những kẻ khép cửa lòng mình lại, không để cho Thiên Chúa bước vào tâm hồn họ, soi sáng và hướng dẫn họ. Do đó muốn nhận ra Chúa Giêsu cứu thế, chúng ta cần phải có thái độ khiêm nhường, trở nên bé nhỏ, trống rỗng. Khi đó Thiên Chúa mới có thể trao ban cho chúng ta những mạc khải cao siêu của Người. Vì vậy, chúng ta hãy xin Chúa cho chúng ta được nhận biết Người, cho dù chúng ta đang lâm vào tình trạng nghi ngờ, hay có những vấn nạn chồng chất mà không được ai giải gỡ cho. Xin cho chúng ta biết khiêm tốn nhìn nhận sự hiểu biết của mình có giới hạn, không thể nào nắm bắt tất cả giáo lý của Chúa, cũng như hiểu biết mọi mạc khải của Chúa.