Có phải chức năng của ca đoàn là nâng đỡ bài hát của cộng đoàn?

Giacinto Mancini



Đức Thánh Cha Phanxicô, vào thứ Bảy 21/11/2018, trong cuộc gặp gỡ các tham dự viên ngày Quốc Tế Các Ca Đoàn tại Vatican đã nói: “Anh chị em hãy trở thành những người linh hoạt thánh ca của toàn thể cộng đoàn và đừng thay thế họ, khiến cho dân Chúa không được hát với anh chị em và làm chứng cho kinh nguyện của Giáo Hội và cộng đoàn”.[1]

Nhưng có đúng là vai trò của ca đoàn là nâng đỡ bài hát của cộng đoàn không?

Khi còn học ở đại học Angelicum, một vị giáo sư đã trả lời các câu hỏi của giới sinh viên chúng tôi như thế này : còn tùy! Thậm chí ngay cả tôi cũng nói vậy: tùy! Thật ra một trong những nhiệm vụ của ca đoàn là nâng đỡ bài hát của cộng đoàn, nhưng không phải chỉ có vậy.

Chúng ta lấy ví dụ như nghi thức thánh lễ. Nghi thức qui định một số phần, chẳng hạn trong Thánh lễ đọc, bản chất của nó đòi hỏi sự đối đáp của các tín hữu bao gồm : Amen!; và ở cùng cha; xin Chúa thương xót chúng con; tạ ơn Chúa; Thánh vịnh đáp ca, Alleluia! Và những lời tung hô Tin mừng khác; chúng con đang hướng về Chúa; thật là chính đáng; Thánh, Thánh, Thánh... (tung hô sau Kinh Tiền Tụng); chúng con loan truyền Chúa chịu chết..... Nếu như các phần này thay vì được đọc thì chúng được hát, và dĩ nhiên cộng đoàn phải hát nó và rõ ràng ở đây chức năng của ca đoàn là hỗ trợ bài hát của cộng đoàn.

Tuy nhiên, có những phần khác của nghi thức không đòi buộc phải có sự tham gia ca hát của cộng đoàn. Bởi vì việc tham gia bằng lời nói do phụng vụ đòi hỏi còn nhiều hơn tham gia bằng ca hát khi cử hành một nghi thức. Chẳng hạn trong Kinh Nguyện Thánh Thể, đòi hỏi sự tham dự tích cực và có ý thức của cộng đoàn, ngay cả theo quan điểm thanh nhạc, phần lớn các bản văn lời nguyện chỉ được công bố từ vị chủ tế thánh lễ.

Chúng ta trở lại với các bài thánh ca. Bài Ca Nhập lễ, Ca Tiến lễ và Ca Hiệp lễ (đừng nhầm lẫn với bài ca sau hiệp lễ x. SLRM số 88) là những bài ca mà từ ban đầu được hát bởi ca đoàn (chẳng hạn như Ca Tiến cấp (Graduale) mà bây giờ là Thánh vịnh đáp ca, Tratto, Ca Tiếp liên và Allêluia).

Qui chế Tổng quát sách lễ Rôma hiện nay, trong khi tiếp tục công nhận đầy đủ tính hợp lý đối với thực hành dành riêng cho ca đoàn, cũng quy định rằng các bài thánh ca trong cuộc rước có thể “được hát luân phiên giữa ca đoàn và cộng đoàn, hoặc giữa một ca viên và cộng đoàn, hoặc tất cả do cộng đoàn hay ca đoàn hát[2]”. Sự cởi mở này liên quan đến các bài hát vừa kể trên, là kết quả của việc áp dụng ý muốn của các nghị phụ công đồng trong Hiến Chế Phụng Vụ Thánh, số 121, được diễn tả bằng những từ sau:

“Các nhạc sĩ [...] hãy soạn tác những bản có cung điệu thánh nhạc thực sự, để không những các ca đoàn lớn có thể hát được mà còn hợp với cả ca đoàn nhỏ và giúp cho toàn thể cộng đoàn tín hữu có thể tham dự một cánh linh động”.[3]

Khi nói rằng cần khích lệ sự tham gia tích cực của toàn thể cộng đoàn và nói rằng các tín hữu luôn phải hát tất cả những gì được tiên liệu để hát, cả hai hoàn toàn khác nhau, mệnh đề thứ hai không có trong Hiến chế Phụng vụ thánh. Ngay cả trong huấn thị Musicam Sacram, với ý muốn áp dụng Hiến chế Công đồng, đào sâu chủ đề về việc tham dự của cộng đoàn đối với bài ca phụng vụ, đòi hỏi “việc tham dự tích cực của giáo dân, được thể hiện qua việc ca hát, cần được khích lệ”, đồng thời “không chấp nhận thói quen ủy thác toàn bộ cho một mình ca đoàn hát phần Riêng lễ và phần Thường lễ, mà loại hẳn cộng đoàn khỏi việc ca hát”[4]. Tuy nhiên, liên quan đến những bài hát phần Riêng lễ[5], huấn thị nói rằng “Thật tuyệt vời khi cộng đoàn tham gia, càng nhiều càng tốt, vào các bài hát Riêng; cách đặc biệt với những điệp khúc dễ hát hay những hình thức âm nhạc thích hợp”.[6] Mục đích của huấn thị Musicam Sacram là khuyến khích việc tham gia của cộng đoàn vào các bài thánh ca có cuộc rước, nhưng không bắt buộc phải làm như vậy bằng cách dẫn ra nguyên tắc rằng tất cả các bài hát nhất thiết phải được hát bởi cộng đoàn.[7]

Tôi hy vọng rằng việc trích dẫn các tài liệu của Công đồng và hậu Công đồng có thể được các ca đoàn sử dụng, cách hợp pháp trong việc chọn lựa để thực hiện các bản nhạc vốn không dự liệu cho cộng đoàn tham gia, họ luôn phải tự bảo vệ mình khỏi những lời buộc tội từ những người chưa bao giờ thực sự đọc qua những gì mà các nghị phụ công đồng đã nói hay bởi những người đã thực hiện việc cải cách phụng vụ - không hiểu Công đồng và do đó được xem như là kẻ phản động.

G. Võ Tá Hoàng chuyển ngữ
----------------------------------


[2] Và do đó, những bài Ca Nhập Lễ, Ca Dâng Lễ, và Ca Hiệp Lễ, không nhất thiết phải được hát bởi cộng đoàn.
[3] Hiến chế Phụng vụ, số121
[4] Musicam Sacram số 16
[5] Nên nhớ rằng, các bài hát dành cho cuộc rước là một phần của các bài hát lễ Riêng
[6] Musicam Sacram số 33.
[7] Huấn thị nói về các bài hát thuộc về cộng đoàn ở số 16b và c. Rõ ràng chỉ có những bài dành riêng cho cộng đoàn và do đó có những bài khác không thuộc về họ, hay nói đúng hơn, chúng có thể không do cộng đoàn hát và trong đó chúng ta thấy có những bài thuộc cuộc rước.

--------------------------------------------------



II. CÁC NGƯỜI CỬ HÀNH PHỤNG VỤ

16. Thật không có gì tưng bừng và vui vẻ hơn trong một buổi cử hành phụng vụ mà toàn thể cộng đoàn biểu lộ đức tin và lòng đạo đức của mình ra bằng lời ca tiếng hát. Bởi vậy, sự tham gia linh động của toàn thể giáo dân bằng lời ca tiếng hát phải được triển khai kỹ lưỡng theo thứ tự sau đây:

a/ Việc tham gia này trước hết gồm có những lời tung hô, những câu đáp lại lời chào của linh mục hay thừa tác viên hoặc đáp lại lời kinh dưới hình thức đối đáp, ngoài ra lại có những câu đối ca và những thánh vịnh cũng như những câu xướng xen kẽ, hoặc những điệp ca, những thánh thi và thánh ca. (13)

b/ Nhờ một nền huấn giáo thich hợp và những buổi thực tập dần dần sẽ đưa giáo dân tới chỗ hát những bài dành cho họ, cho đến khi họ tham dự hoàn toàn.

c/ Tuy nhiên, nếu giáo dân chưa được tập luyện đủ, và nếu dùng những bài hát nhiều bè, thì có thể giao một số bài hát của cộng đoàn cho nguyên ca đoàn thôi, miễn là không loại họ ra, không cho hát những phần dành cho họ. Nhưng không được chấp nhận thói quen giao hết cho một mình ca đoàn hát Phần riêng và Phần thường lễ, mà loại hẳn không cho cộng đoàn hát.

III. HÁT KHI CỬ HÀNH THÁNH LỄ

27. Khi cử hành thánh lễ có giáo dân tham dự, nhất là những ngày Chúa nhật và ngày lễ, nên hết sức coi trọng hình thức lễ hát hơn, dù cử hành nhiều lần trong cùng một ngày.

28. Phải phân biệt lễ trọng, lễ hát và lễ đọc, như đã ấn định trong Huấn thị năm 1958 (số 3), chiếu theo các luật phụng vụ hiện hành.Tuy nhiên vì lý do lợi ích mục vụ, có thể đề ra những cấp bậc tham gia lễ hát, ngõ hầu từ nay về sau, mỗi cộng đoàn, tùy phương tiện sẵn có, dễ dàng cử hành thánh lễ trọng thể hơn nhờ ca hát.

Cách sử dụng các cấp bậc tham gia được qui định như sau: Bậc nhất có thể dùng riêng một mình, bậc hai và ba chỉ được dùng tất cả hay một phần chung với bậc nhất. Như vậy, các tín hữu sẽ luôn luôn được khuyến khích dự phần ca hát một cách đầy đủ.

29. Bậc nhất gồm có:

a/ Trong nghi thức nhập lễ:

- Lời chào của linh mục và lời đáp của giáo dân.

- Lời nguyện.

b/ Trong phần phụng vụ Lời Chúa:

- Các câu tung hô Tin Mừng.

c/ Trong phần phụng vụ Thánh Thể:

- Lời nguyện tiến lễ.

- Kinh tiền tụng với những câu đối đáp và Kinh ”Thánh, Thánh, Thánh”

- Lời tụng ca kết thúc Kinh tạ ơn.

- Kinh Lạy Cha, với lời nhắn nhủ và lời cầu nghuyện tiếp,

- Lời chúc bình an.

- Lời nguyện hiệp lễ.

- Những công thức kết lễ.

30. Bậc hai gồm:

- Kinh Xin Chúa thương xót, Vinh Danh và Lạy Chiên Thiên Chúa.

- Kinh Tin Kính

- Lời nguyện giáo dân.

31.Bậc ba gồm:

- Những bài hát lúc nhập lễ và rước lễ

- Bài hát sau bài đọc hoặc thánh thư.

- Ha-lê-lu-a trước khi đọc Tin Mừng.

- Bài hát tiến lễ.

- Các bài đọc sách thánh, trừ khi thấy nên đọc hơn hát.

32. Tại một vài nơi được đặc quyền, người ta thường dùng những bài hát khác thay thế các bài ca nhập lễ, tiến lễ và hiệp lễ trong sách ”Graduale”. Có thể giữ như thế tùy phán quyết của đấng Bản quyền địa phương, miễn là những bài hát đó hợp với các phần trong thánh lễ, và ngày lễ, cũng như mùa phụng vụ. Thẩm quyền địa phương phải phê chuẩn lời ca những bài hát đó.

33. Cộng đoàn tín hữu nên tham gia hết phần riêng lễ. Điều ấy có thể thực hiện được, nhất là khi có điệp khúc dễ hát, và những hình thức âm nhạc thích hợp.

Trong những bài hát phần riêng lễ, thì bài hát sau các bài đọc, dưới hình thức đáp ca (thánh vịnh xướng đáp), có tầm quan trọng đặc biệt. Tự bản chất, bài ca này là thành phần của phụng vụ Lời Chúa, nên phải được hát lên, đang khi mọi người ngồi nghe và nên hết sức cùng hát để tham gia.

34. Những bài hát gọi là ”phần thường lễ”, nếu là những bài tạ ơn, có thể giao cho ca đoàn hát theo những tiêu chuẩn thông thường, có hay không có nhạc khí phụ họa, miễn là giáo dân không bị hoàn toàn loại ra ngoài, không được ca hát gì.

Trong các trường hợp khác, những bài trong phần thường lễ có thể chia cho ca đoàn và giáo dân, có thể hát luân phiên từng câu thích hợp, hoặc từng khúc trong toàn thể bản văn đã thành những khúc quan trọng hơn.

Trong những trường hợp đó, vẫn nên nhớ các điều sau đây:

- Đức tin: Mọi người nên hát Kinh tin Kính vì đó là công thức tuyên xưng đức tin, hay làm cách nào khác để tham dự cách thích hợp.

- Kính ”Thánh, Thánh, Thánh”, vì đó là kinh tung hô kết thúc lời tiền tụng. Toàn thể cộng đoàn thường nên hát kinh ”Thánh, Thánh, Thánh” với linh mục.

- Kinh ”Chiên Thiên Chúa”, có thể hát đi hát lại nhiều lần đang lúc chủ tế bẻ bánh, đặc biệt trong thánh lễ đồng tế; nên để cho giáo dân cùng hát, ít là lời cầu khẩn cuối cùng.

35. Thường thường giáo dân cùng đọc Kinh Lạy Cha với linh mục (20). Nếu hát bằng La ngữ thì nên dùng những cung điệu chính thức đã có sẵn. Nếu hát bằng tiếng bản xứ, thì cung điệu phải được thẩm quyền địa phương phê chuẩn.

36. Trong các lễ đọc, có thể hát một vài phần thường lễ hay lễ riêng. Hơn nữa, đôi khi có thể hát một bài khác lúc nhập lễ, tiến lễ và hiệp lễ, cũng như kết lễ; tuy nhiên, nếu chỉ có tính cách hợp thánh lễ thì chưa đủ, mà còn phải hợp với các phần lễ, ngày lễ hoặc mùa phụng vụ.

Mới hơn Cũ hơn