"Tất cả chúng ta đều bị chìm ngập trong nhiều vấn đề của của sống và nhiều tình huống rối rắm, chúng ta được mời gọi đối diện với những khoảnh khắc và chọn lựa đầy khó khăn vốn lôi kéo chúng ta xuống. Nhưng nếu chúng ta không muốn bị đè bẹp chúng ta cần phải nâng mọi thứ lên cao. Và đây chính là điều mà lời cầu nguyện làm. Nó không phải là một lối thoát, cầu nguyện không phải là một nghi lễ ma thuật hay lặp lại những câu kinh đã học thuộc lòng. Không! Cầu nguyện là cách để Thiên Chúa hành động trong chúng ta, để đón nhận những gì Chúa muốn truyền đạt cho chúng ta ngay trong những hoàn cảnh khó khăn nhất. Cầu nguyện để có thêm sức mạnh mà tiến bước. Nhiều người cảm thấy mình không làm được và họ cầu nguyện: “Lạy Chúa xin ban cho con sức mạnh để con tiếp tục”. Nhiều lần chúng ta cũng đã làm như vậy. Cầu nguyện giúp kết hiệp chúng ta với Thiên Chúa, mở ra cho chúng ta cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa. Cầu nguyện là chìa khóa để mở lòng ra cho Thiên Chúa. Đó là cuộc đối thoại với Chúa, lắng nghe Lời Chúa, thờ phượng Chúa: trong thinh lặng, phó thác cho Chúa những gì chúng ta đang trải qua. Và đôi khi cũng cần kêu lên Chúa như ông Gióp, thổ lộ với Chúa. Hãy kêu lên như ông Gióp. Thiên Chúa là Cha, Ngài biết rõ chúng ta. Thiên Chúa không bao giờ nổi giận với chúng ta. Và Chúa Giêsu cầu nguyện" (ĐTC Phanxicô).
CHÚA NHẬT II MÙA CHAY
St 15,5-12.17-18; Tv 26; Fil 3,17-4,1; Lc 9,28b-36
... Lời Chúa
Khi ấy, Đức Giêsu lên núi cầu nguyện đem theo các ông Phêrô, Gioan và Giacôbê. Đang lúc Người cầu nguyện, dung mạo Người bỗng đổi khác, y phục Người trở nên trắng tinh chói loà. Và kìa, có hai nhân vật đàm đạo với Người, đó là ông Môsê và ông Êlia. Hai vị hiện ra, rạng ngời vinh hiển, và nói về cuộc xuất hành Người sắp hoàn thành tại Giêrusalem. Còn ông Phêrô và đồng bạn thì ngủ mê mệt, nhưng khi tỉnh hẳn, các ông nhìn thấy vinh quang của Đức Giêsu, và hai nhân vật đứng bên Người. Đang lúc hai vị này từ biệt Đức Giêsu, ông Phêrô thưa với Người rằng : “Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật là hay! Chúng con xin dựng ba cái lều, một cho Thầy, một cho ông Môsê, và một cho ông Êlia.” Ông không biết mình đang nói gì. Ông còn đang nói, thì bỗng có một đám mây bao phủ các ông. Khi thấy mình vào trong đám mây, các ông hoảng sợ. Và từ đám mây có tiếng phán rằng : “Đây là Con Ta, người đã được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người !” Tiếng phán vừa dứt, thì chỉ còn thấy một mình Đức Giêsu. Còn các môn đệ thì nín thinh, và trong những ngày ấy, các ông không kể lại cho ai biết gì cả về những điều mình đã thấy.
... Suy niệm
Tin mừng Chúa nhật II Mùa chay mời gọi chúng ta suy gẫm về cuộc biến hình của Chúa Giêsu trên núi Tabor, sự việc xảy ra sáu ngày sau khi Chúa tiên báo về cuộc khổ nạn của Ngài. Trong ngày đó Chúa Giêsu mạc khải rõ ràng mình là người tôi tớ đau khổ, là Đấng đến thế gian để chết và cứu chuộc nhân loại. Mạc khải đó không đáp ứng được những suy nghĩ và kỳ vọng của người Do thái về Đấng Cứu thế vinh quang. Các môn đệ của Chúa Giêsu cũng thất vọng, dường như họ mất tinh thần và chán nản. Để khích lệ họ, Chúa Giêsu đã đưa Phêrô, Gioan và Giacôbê lên núi, và ở đó Ngài đã biến hình trước mặt họ: “Đang lúc Người cầu nguyện, dung mạo Người bỗng đổi khác, y phục Người trở nên trắng tinh chói loà”. Chúa Giêsu đã cho các tông đồ thấy được vẽ huy hoàng rực rỡ của thần tính Chúa. Đó là kinh nghiệm tuyệt vời khiến cho Phêrô, thay mặt các tông đồ, thổ lộ ước muốn được ở lại trên núi này mãi để chiêm ngưỡng Thiên Chúa. Sự kiện này nhắc nhở chúng ta về ý nghĩa của mùa chay: thời gian cầu nguyện và sám hối.
Chúa Giêsu rời làng mạc thị thành để lên núi, ở đó trong cô độc, trong cầu nguyện. Ngọn núi được nói trong Kinh Thánh (Sinai, Camelô) là nơi hiện diện đầy phi thường của Thiên Chúa. Việc lên núi cho thấy sự cần thiết của việc sám hối, tách rời với thế giới vật chất để dành những giây phút thật quí giá cho việc cầu nguyện, gặp gỡ và nhận biết Thiên Chúa. Gặp gỡ Thiên Chúa đòi hỏi con người cần phải dứt khoát với mọi thứ, để mở ra một mối tương quan thân mật với Chúa, riêng chúng ta đối diện với Thiên Chúa.
Thật đáng tiếc, điều này đối với nhiều người không hề dễ tí nào. Ngày nay hầu như ai cũng có điện thoại di động bên mình, có internet, mạng xã hội. Nó xem như một vật bất khả ly thân. Nhiều người cảm thấy không có nó sẽ mất đi một cái gì đó rất cần thiết. Một khi dành hầu hết thời gian cho facebook, mạng xã hội, những lễ hội bên ngoài đến độ quên ăn quên ngủ thì làm gì có thời gian dành cho Chúa. Tách khỏi tâm hồn nhiều lợi ích vật chất, nhiều đam mê trần tục là điều khó khăn trong thế giới hôm nay. Và vì thế, việc đến nhà thờ với một tâm tình cầu nguyện thật quá khó đối với nhiều người. Thật vậy, không ít người tín hữu hôm nay quên mất ngày Chúa nhật, họ dành ngày này cho các sự kiện như thể thao, bóng đá, dã ngoại, du lịch và lễ hội…
Trong sứ điệp dành cho Ngày Giới Trẻ thế giới, Mùa chay năm 2020, Đức Thánh cha Phanxicô đã nói đến khía cạnh tiêu cực của một xã hội mà nơi đó những mọi người, đặc biệt những người trẻ đang gặp phải : "Có những người sống hời hợt, họ tin rằng mình vẫn sống trong khi trong lòng đã chết (Cv 3,1). Ở tuổi đôi mươi, họ có thể để cuộc sống mình bị kéo đổ, không xứng tầm với phẩm giá của mình. Tất cả bị kéo xuống chỉ còn “cho phép mình sống” bằng cách tìm kiếm sự hài lòng: một chút vui vẻ, một vài mảnh chú ý và tình cảm từ người khác. Ngoài ra còn tràn lan kiểu sùng bái bản thân thời kỹ thuật số, ảnh hưởng đến người trẻ và cả người lớn. Rất nhiều người đang sống như vậy! Một vài người trong số họ có lẽ đang hít thở quanh mình bầu khí của thứ chủ nghĩa duy vật chỉ nghĩ đến việc kiếm tiền và hưởng thụ, như thể chúng là mục đích duy nhất của cuộc sống. Càng về sau sẽ lộ ra sự bất ổn, vô cảm và buồn chán trong cuộc sống ngày càng làm thêm lo lắng".
Rõ ràng những gì chúng ta xem như không thể thiếu chắc chắn không đem lại tự do và hạnh phúc. Trái lại nó nhấn chìm chúng ta trong thất vọng và biến chúng ta thành trò đùa của ma quỉ trước ân sủng của Thiên Chúa. Hôm nay Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy một lần lên núi với Ngài. Một khi chúng ta đã cố gắng leo lên và ở lại trên núi, một khi chúng ta bắt đầu cầu nguyện, một khi chúng ta tận hưởng lời cầu nguyện, điều tuyệt vời cũng có thể xảy ra với chúng ta như đã từng xảy ra cho các môn đệ trên núi Tabor.
... Cầu nguyện
Lạy Chúa Giêsu, mỗi Chúa nhật chúng con đều được nghe Lời Chúa và gặp gỡ Chúa trong Bí tích Thánh Thể. Xin biến đổi cuộc đời chúng con dưới ánh sáng của Chúa. Xin cho chúng con luôn biết quý trọng thời gian, biết hướng về Chúa trong những khoảnh khắc của cuộc sống. Xin ban cho chúng con sức mạnh và can đảm để chúng con bước đi với niềm vui trên con đường hướng đến vinh quang của niềm vui phục sinh.
... Quyết tâm
Hôm nay tôi cố gắng dành nhiều thời gian hơn cho việc cầu nguyện và chia sẻ cho người khác hoa trái của sự bình an và thanh thản sau kinh nghiệm mà tôi có được hôm nay, bằng những hành động cụ thể.
G. Võ Tá Hoàng