Renata Sedmakova | Shutterstock |
Ngày 25 tháng 4, lễ kính thánh Marcô, đây cũng là thời điểm tuyệt hảo để có cái nhìn sâu sắc hơn về đời sống của ngài. Tên của ngài rất quen thuộc bởi vì ngài là tác giả một trong bốn sách Phúc âm, nhưng chúng ta vẫn chưa biết nhiều về vị thánh anh hùng này.
Thánh Marcô không phải là một trong 12 Tông đồ của Chúa Giêsu. Cho dù ngài viết Tin mừng, nhưng không được nhắc tên trong các trình thuật Tin mừng. Tuy vậy, truyền thống và sách Tông đồ Công vụ cung cấp cho chúng một vài thông tin về ngài.
Thánh Marcô là con của thánh Maria thành Giêrusalem (Cv 12,12). Nhà của ngài là nơi các tông đồ và các kitô hữu tiên khởi gặp gỡ. Thánh Marcô đã kết hợp với thánh Phaolô và Barnaba trong các cuộc hành trình truyền giáo của mình. Ngài cũng đi với thánh Phêrô, là người đã gắn bó với ngài bằng tình bạn thắm thiết.
Dù không phải là 1 trong 12 tông đồ, giống như Luca, nhưng truyền thống cho rằng, thánh Marcô đã kể về mình khi ngài mô tả một thanh niên bí ẩn hiện diện lúc Chúa Giêsu bị bắt:
“Trong khi đó có một cậu thanh niên đi theo Người, mình khoác vỏn vẹn một tấm vải gai. Họ túm lấy anh. Anh liền trút tấm vải lại, bỏ chạy trần truồng” (Mc 14, 51-52).
Thánh Máccô đã đến Alexandria, ngài đã sống ở đó nhiều năm để thuyết giảng và giảng dạy, rồi cuối cùng được phúc tử đạo ở đó.
Mặc dù chúng ta biết rất ít về cuộc đời của ngài, thánh Marcô đã tỏa sáng qua nhiều thế kỷ như một tấm gương về sự thánh thiện. Dưới đây là năm nhân đức của ngài mà tất cả chúng ta đều có thể noi theo:
Can đảm
Thánh Marcô đã chết theo cách rất khủng khiếp: Những người Alexandria đã cột một sợi dây thừng quanh cổ và lôi ngài lê lết qua các nẻo đường cho tới khi ngài trút hơi thở. Thánh nhân đã chịu sự tra tấn cho đến chết để loan báo Tin mừng và cứu rỗi các linh hồn. Sự quyết tâm chia sẻ Tin mừng của ngài là một mẫu gương về lòng can đảm đích thực.
Tận tâm với gia đình
Mẹ của ngài là một phụ nữ thánh thiện đã giúp đỡ các Kitô hữu thời đầu, và người ta tin rằng thánh Marcô và mẹ có mối quan hệ rất thân thiết. Truyền thống cho rằng ngài đã hoãn lại một trong những chuyến đi truyền giáo của mình vì nhớ gia đình. Lòng tận tâm với gia đình của ngài cả về mặt sinh học lẫn thiêng liêng thật là phi thường.
Nhân từ
Thánh Marcô đã noi gương Chúa Kitô trong tình thương tha thứ, ngay cả đối với những kẻ bắt bớ ngài. Thật chính đáng khi nghĩ rằng ngài đã tuân giữ những lời cầu nguyện của Chúa Kitô: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vị họ không biết việc họ làm” (Lc 23, 34).
Sự thật
Dù nguy hiểm nhưng Thánh Marcô đã rao giảng chân lý cho một xã hội thất vọng đang cần sứ điệp của Chúa Kitô, bằng cách thực hành lời khuyên của Chúa Kitô: “các ông sẽ biết sự thật, và sự thật sẽ giải phóng các ông” (Ga 8, 32).
Cần mẫn
Thánh Marcô đã dấn thân đến kinh ngạc cho những chuyến đi, thuyết giảng và giảng dạy. Cho dù bận rộn, nhưng ngài đã dành thời gian để viết Phúc âm, tường thuật lại những lời chứng mắt thấy tai nghe của các môn đệ khác. Những nỗ lực bền bỉ của ngài không có gì khác ngoài việc phục vụ Chúa Kitô.
G. Võ Tá Hoàng chuyển ngữ