Các bài suy niệm trong Tuần Thánh



THỨ HAI

Is 42,1-7; Ga 12,1-11

"Hãy để mặc cô ấy làm công việc chỉ về ngày táng xác Ta".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Sáu ngày trước Lễ Vượt Qua, Chúa Giêsu đến làng Bêtania, nơi Ladarô đã chết được Người cho sống lại. Tại đây người ta dọn bữa cho Người ăn. Martha hầu bàn. Còn Ladarô cũng là một trong những kẻ đồng bàn với Người. Bấy giờ Maria lấy một cân dầu thơm, dầu cam tùng hảo hạng, và xức chân Chúa Giêsu, rồi lấy tóc mình mà lau. Hương thơm toả đầy nhà. Một môn đệ là Giuđa Iscariô, kẻ sẽ phản nộp Người, liền nói: "Sao không bán dầu thơm đó lấy ba trăm đồng mà cho người nghèo khó ?" Hắn nói thế không phải vì lo lắng cho người nghèo khó đâu, mà vì hắn là tên trộm cắp, lại được giữ túi tiền, nên bớt xén các khoản tiền người ta bỏ vào đó. Vậy Chúa Giêsu nói: "Hãy để mặc cô ấy làm công việc chỉ về ngày táng xác Ta. Vì các ngươi sẽ có người nghèo luôn bên cạnh các ngươi, còn Ta, các ngươi sẽ không gặp Ta mãi đâu".

Có đám đông người Do-thái biết Người đang ở đó, nên tuôn đến, không những vì Chúa Giêsu, mà còn để thấy Ladarô, kẻ đã chết được Người cho sống lại. Thế là các Thượng tế quyết định giết luôn cả Ladarô, vì tại ông mà nhiều người Do-thái đã bỏ họ và tin theo Chúa Giêsu.


Suy niệm

Bìa Tin Mừng cho chúng ta thấy, ngày hôm nay Chúa Giêsu sống tại nhà mấy người bạn hữu. Dù vậy, ở đây Ngài vẫn không được yên. Giuđa đã gây rối. Y trách móc Maria đã phí của , khi đổ dầu quí hóa lau chân Chúa. Y nói theo khuynh hướng tham lam của y, chứ không để ý gì đến bầu khí chung hôm đó. Và nhất là y không nhìn gì đến Chúa. Chúa Giêsu vẫn bình thường, nghĩa là vẫn giữ nếp sống xưa nay, nếp sống bình dị khó nghèo, hiền từ và hiền hậu như hình ảnh người tôi tớ Giavê mà sách Isaia còn để lại. Nhất là Ngài vẫn chú ý thời điểm để nhận biết Thánh ý Thiên Chúa Cha, mà Ngài nói là lương thực hằng ngày của Ngài. Mọi khi Chúa Giêsu có bao giờ sống phí phạm đâu. Ngài sống nghèo là khác, sẵn sàng lấy đá gối đầu mà ngủ. Hôm nay, Chúa Giêsu thấy Maria đổ bình dầu thơm lau chân Ngài, Ngài không phản ứng cấm đoán. Ngài để cho gia đình bạn hữu tỏ lòng biết ơn Ngài đã làm cho Lazarô sống lại ư? Hay là bình dầu kia nhắc Ngài nhớ đến sự kiện có thể đã được mua vào dịp Lazarô chết? Lập tức Ngài nhớ đến sự chết đang chờ mình. Ngài muốn người ta điều này – Ngài để cho Maria làm theo ý bà ta. Ngài chờ cho Giuđa có phản ứng, rồi Ngài dùng ngay cơ hội ấy để nói việc Ngài sắp chết…

Chúng ta cảm phục thờ lạy thái độ bình tĩnh lạ thường của Đức Giêsu. Chúng ta hiểu Ngài thật chỉ muốn sống thân phận người tôi tớ. Chính vì vậy mà Ngài không được hiểu . người ta muốn Ngài làm vua, sống huy hoàng, mang lợi lộc vật chất đến cho người ta. Ở giữa mọi người, Đức Giêsu thật cô đơn. Đến lúc Ngài gần mất, bạn hữu của Ngài cũng chẳng biết và chẳng muốn hiểu. Nơi nương tựa duy nhất của Ngài vẫn chỉ là Thiên Chúa Cha.

Giờ đây, Ngài đến với chúng ta trong thánh lễ. Ngài có được chúng ta hiểu hơn những lúc khác không? Hay chúng ta vẫn sống xa lạ, chia trí lo ra. Chúng ta có ý thức cử hành mầu nhiệm Ngài chết không? Bình dầu thơm của chúng ta ở đâu, nếu lòng sốt sắng của chúng ta lúc này không tỏa ra. Và ngày hôm nay chúng ta có sẵn sàng nhìn vào Ngài để chia sẻ tâm tình của Ngài trong những ngày cuối cùng cuộc đời trần gian của Ngài không? Ấy là chưa kể, Ngài còn sống trong các người nghèo như Ngài tuyên bố hôm nay. Chúng ta có thái độ làm ngơ hay sẽ quan tâm săn sóc họ? Xin Chúa cho chúng ta biết sống đạo chân thật và cụ thể chứ đừng giả nhân giả nghĩa như Giuđa.


THỨ BA

Is 49,1-6; Ga 13,21-33.36-38

"Một người trong các con sẽ nộp Thầy... Trước khi gà gáy con đã chối Thầy ba lần".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, (Chúa Giêsu đang ngồi ăn với các môn đệ), tâm hồn Người bị xao xuyến, nên Người tuyên bố: "Thật, Thầy nói thật cho các con biết, một người trong các con sẽ nộp Thầy".Các môn đệ nhìn nhau phân vân không biết Người nói về ai. Có một môn đệ được Chúa Giêsu yêu quý, đang ở bàn ăn gần lòng Chúa Giêsu. 

Vậy Phêrô làm hiệu cho môn đệ ấy và nói: "Hỏi xem Thầy nói về ai đó". Môn đệ ấy nghiêng mình sát ngực Chúa Giêsu và hỏi Người: "Thưa Thầy, ai vậy ?" Chúa Giêsu trả lời: "Thầy chấm miếng bánh trao cho ai là người đó". Và Người chấm một miếng bánh trao cho Giuđa, con Simon Iscariô. Ăn miếng bánh rồi, Satan nhập vào hắn. Chúa Giêsu nói với hắn: "Con tính làm gì thì làm mau đi".

Nhưng những người đang ngồi ăn không một ai hiểu được vì sao Người lại nói với hắn như vậy. Có nhiều người tưởng tại Giuđa giữ túi tiền, nên Chúa Giêsu bảo hắn: Hãy mua những gì chúng ta cần dùng trong dịp lễ, hoặc Người bảo hắn bố thí cho người nghèo. Vậy sau khi nhận miếng bánh đó, Giuđa liền đi ra. Bấy giờ là đêm tối. Khi Giuđa đi rồi, Chúa Giêsu phán: "Bây giờ Con Người được vinh hiển, và Thiên Chúa đã được vinh hiển nơi Người. Nếu Thiên Chúa được vinh hiển nơi Người, thì Thiên Chúa lại cho Người được vinh hiển nơi chính Mình, và Thiên Chúa sẽ cho Người được vinh hiển ! Các con yêu quý, Thầy chỉ còn ở với các con một ít nữa. Các con sẽ tìm Thầy, và như Thầy đã nói với người Dothái: "Nơi Ta đi, các ngươi không thể đến được", nay Thầy cũng nói với các con như vậy". Simon Phêrô hỏi Người: "Thưa Thầy, Thầy đi đâu ?" Chúa Giêsu trả lời: "Nơi Thầy đi, nay con chưa thể theo tới đó được, nhưng sau này con sẽ theo Thầy". Phêrô thưa lại: "Tại sao con lại không theo Thầy ngay bây giờ được ! Con sẽ liều mạng sống con vì Thầy". Chúa Giêsu nói: "Con liều mạng sống vì Thầy ư ? Thật, Thầy nói thật cho con biết: trước khi gà gáy, con đã chối Thầy ba lần".


Suy niệm:

Sự chết mà hôm qua Đức Giêsu nhìn thấy đang chờ Ngài, hôm nay Ngài nhìn thấy nó đến một cách rõ ràng hơn, Ngài thấy Giuđa ra đi trong đêm tối để âm mưu hại Ngài. Lẽ ra Ngài phải có những phản ứng khác. Nhưng ngược lại, Ngài đón chào sự chết như là vinh quang muôn thuở mà Chúa Cha muốn trả lại cho Ngài. Ngài ý thức rất sâu sắc về tình yêu của Chúa Cha dành cho Ngài và cho loài người, cho dù cuộc đời trần gian này đầy nước mắt và đau khổ. Nhất là chính lúc này đây, Đức Giêsu nhìn thấy rõ con đường thánh giá đã bắt đầu ở dưới chân mình rồi. Nhưng như người tôi tớ của Đức Giavê không hề nao núng khi nghĩ về tình yêu của Chúa Cha. Thiên Chúa đã chọn Ngài trước khi lọt lòng mẹ… Thiên Chúa không những đặt Ngài lên cao trong dân Israel… nhưng Ngài còn là ánh sáng của muôn dân đem ơn cứu độ hạnh phúc đến cho mọi người. Chỉ có điều con đường dẫn đến vinh quang là con đường thập giá và Đức Giêsu sẵn sàng đi vào, để làm tròn Thánh ý Cha, để ý chí cứu thế của Chúa Cha được thực hiện.

Hội Thánh ngày nay nối tiếp sứ mạng của Đức Giêsu. Chúng ta được chọn tham gia sứ mạng này. Chúng ta được chọn giữa muôn muôn người và được Chúa quan tâm ngay trước khi lọt lòng mẹ, để chúng ta cũng mang Tin Mừng và ánh sáng của Chúa đến mút cùng trái đất. Nhưng chúng ta có chấp nhận đi vào con đường hẹp của thập giá không? Chúng ta có bằng lòng khi thấy Hội Thánh không được vinh quang ở đời này không? Những ngày này phụng vụ muốn chúng ta hiểu thái độ lựa chọn của Đức Giêsu qua con người tôi tớ trong sách Isaia. Ai sẵn sàng đi vào con đường ấy.

Có lẽ kinh nghiệm không cho phép chúng ta bồng bột như Phêrô ngày xưa nữa. Nhưng chúng ta đừng quên, lúc ấy Phêrô không đi vào con đường của Chúa được. Ông chưa được Thánh Thần – Đức Giêsu chưa kéo lên để tuôn đổ Thánh Thần xuống. Nhưng sau đó, sau mầu nhiệm Tử Nạn Phục Sinh và cụ thể sau mầu nhiệm lãnh nhận Thánh Thần, Phêrô cũng như các môn đệ đã đi vào đường lối của Đức Giêsu cứu thế, đường lối của người tôi tớ bị bách hại.

Chúng ta yếu đuối nhưng cũng có thể trở nên mạnh mẽ nếu nhận được Thánh Thần, Người không ngớt đến với chúng ta, đặc biệt qua bí tích Thánh Thể. Chúng ta cử hành bí tích này với một tâm hồn khiêm tốn, không dám mạnh miệng như Phêrô – Hơn nữa, có thể với tâm hồn thống hối nữa, vì có khi chúng ta cũng như Giuđa. Đức Giêsu đến giữa chúng ta như người tôi tớ sẵn sàng nộp mình cho vinh quang của chúng ta. Chúng ta hãy biết ơn, tin tưởng đến với Chúa và xin Chúa cho chúng ta được mạnh sức đi vào đường lối Chúa Cha đã vạch ra cho những người được ưu tuyển làm tôi tớ phục vụ muôn dân.

 

THỨ TƯ

Is 50,4-9a; Mt 26,14-25

"Con Người ra đi như đã được ghi chép sẵn từ trước, nhưng khốn thay cho kẻ sẽ làm cho Ngài bị phản nộp".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, một trong nhóm Mười Hai tên là Giuđa Iscariô, đi gặp các thượng tế và thưa với họ: "Các ông cho tôi bao nhiêu, tôi nộp Người cho các ông ?" Họ liền ấn định cho ba mươi đồng bạc. Và từ đó, hắn tìm dịp thuận tiện để nộp Người.

Ngày thứ nhất trong tuần lễ ăn Bánh không men, các môn đệ đến thưa Chúa Giêsu rằng: "Thầy muốn chúng con sửa soạn cho Thầy ăn Lễ Vượt Qua ở đâu ?" Chúa Giêsu đáp: "Các con hãy vào thành đến với một người kia, và nói rằng: Thầy bảo, giờ Ta đã gần, Ta sẽ mừng Lễ Vượt Qua với các môn đệ tại nhà ông". Các môn đệ làm như Chúa Giêsu đã truyền và sửa soạn Lễ Vượt Qua.

Chiều đến, Người ngồi bàn ăn với mười hai môn đệ. Và khi các ông đang ăn, Người nói: "Thầy nói thật với các con: có một người trong các con sẽ nộp Thầy". Môn đệ rất buồn rầu và từng người bắt đầu hỏi Người: "Thưa Thầy, có phải con không ?" Người trả lời: "Kẻ giơ tay cùng chấm vào đĩa với Thầy, đó chính là kẻ sẽ nộp Thầy. Thật ra, Con Người sẽ ra đi như đã chép về Người, nhưng khốn cho kẻ nộp Con Người, thà kẻ đó đừng sinh ra thì hơn !"Giuđa kẻ phản bội cũng thưa Người rằng: "Thưa Thầy, có phải con chăng ?" Chúa đáp: "Ðúng như con nói".


Suy niệm:

Ngày xưa vào ngày hôm nay Giuđa đến thương lượng với người Dothái về việc bán nộp Chúa để lấy 30 đồng bạc. Chúa biết mọi hành động lén lút của y; nhưng Ngài không để ý gì cả. Vì Ngài vẫn tiếp tục muốn sống đầy đủ mọi lời Thánh Kinh viết về người tôi tớ Đức Giavê. Từ sáng sớm, Đức Giêsu đã mở tai nghe lời giáo huấn của Thiên Chúa, nghĩa là lúc nào Ngài cũng suy niệm Thánh ý Thiên Chúa Cha. Lịch sử cứu độ, lịch sử dân Chúa, lịch sử các tiên tri và công chính, cho thấy Thiên Chúa muốn thấy sự trung thành của Ngài được đáp ứng bằng sự trung thành, tình yêu của Thiên Chúa được đáp trả bằng tình yêu. Chúa chẳng muốn thử thách ai, nhưng lòng con người có tật bất trung. Dân Dothái luôn nhìn ra lân quốc và bị cám dỗ bắt chước họ, bỏ Chúa để thờ ngẫu tượng và ăn ở theo thói của những không có đức tin. Lúc yên hàn còn vậy, huống nữa là khi gặp thử thách. Người Dothái sẵn sàng bội phản tình yêu Chúa để mong được an ủi hơn. Suốt lịch sử họ phản bội giao ước tình yêu – Dĩ nhiên trong dân cũng vẫn có những người trung thành hơn; và lòng trung thành ấy được diễn tả đặc biệt trong các thử thách. Gióp là một thí dụ, dù gặp đủ thứ tai ương đau khổ, ông vẫn trung thành với Chúa. Nhưng sự trung thành của ông cũng như của nhiều nhà tiên tri và người công chính vẫn không giá trị bù đắp được sự bất trung của toàn dân. Phải có một Ađam mới, một con người mới bao trùm toàn dân trong con người của mình và con người ấy lại có giá trị ngang hàng với Thiên Chúa để sự đền đáp được cân xứng. Đức Giêsu có bản tính Thiên Chúa và loài người, Ngài đến làm công việc này, công việc chứng tỏ tình yêu trung thành cho đến chết.

Và chúng ta phải cầu nguyện cho Hội Thánh trong dịp này ý thức hơn về sứ mạng của mình, cũng là làm chứng lòng trung thành với giao ước tình yêu qua con đường hẹp của thập giá. Ước gì đừng có những não trạng Giuđa trong Hội Thánh nữa, muốn được một nếp sống dễ dàng mà bỏ mất sự trung thành! Ai ý thức về sự yếu đuối của loài người cũng hãy luôn sợ bán rẻ tình yêu trung thành với Chúa để đổi lấy một vài khoái cảm chẳng đáng giá hơn 30 đồng bạc đâu.

Chúng ta cũng phải cầu xin cho bao triệu con người vô tội đang bị bán đứng hàng ngày cho bao lực của thế giá, bao dân tộc nhỏ bị bán cho các sức mạnh mù quáng của quyền lực. Đó là những hy tế to lớn có thể dâng trên bàn thờ thánh giá – Làm sao những con người vô tội ấy và những dân tộc ấy biết mang lấy tội lỗi của loài người như Đức Giêsu? Nói thế cũng không có nghĩa là chúng ta không muốn họ được, ý thức đấu tranh . Nhưng đấu tranh như thế nào để thiết lập chế độ tình yêu chân thật, bền vững?

Xin Đức Giêsu dạy chúng ta và ban sức mạnh cho chúng ta. Giờ đây, Ngài đến trong mầu nhiệm bàn thờ để chứng tỏ tình yêu bất lay chuyển đối với Chúa Cha và đối với loài người. Xin Ngài cho chúng ta được sự sống ấy để chúng ta luôn là tín hữu, có lòng trung tín kiên vững đối với Chúa và đối với mọi người.


THỨ NĂM

Xh 12,1-14; 1C 11,23-26; Ga 13,1-15

"Ngài yêu thương họ đến cùng".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Trước ngày Lễ Vượt Qua, Chúa Giêsu biết đã đến giờ Mình phải bỏ thế gian mà về cùng Chúa Cha, Người vốn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn đang ở thế gian, thì đã yêu thương họ đến cùng. Sau bữa ăn tối, ma quỷ gieo vào lòng Giuđa Iscariô, con Simon, ý định nộp Người. Người biết rằng Chúa Cha đã trao phó mọi sự trong tay mình, và vì Người bởi Thiên Chúa mà đến và sẽ trở về cùng Thiên Chúa.Người chỗi dậy, cởi áo, lấy khăn thắt lưng, rồi đổ nước vào chậu; Người liền rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau. Vậy Người đến chỗ Simon Phêrô, ông này thưa Người rằng: "Lạy Thầy, Thầy định rửa chân cho con ư ?" Chúa Giêsu đáp: "Việc Thầy làm bây giờ con chưa hiểu, nhưng sau sẽ hiểu". Phêrô thưa lại: "Không đời nào Thầy sẽ rửa chân cho con". Chúa Giêsu bảo: "Nếu Thầy không rửa chân cho con, con sẽ không được dự phần với Thầy". Phêrô liền thưa: "Vậy xin Thầy hãy rửa không những chân con, mà cả tay và đầu nữa". Chúa Giêsu nói: "Kẻ mới tắm rồi chỉ cần rửa chân, vì cả mình đã sạch. Tuy các con đã sạch, nhưng không phải hết thảy đâu". Vì Người biết ai sẽ nộp Người nên mới nói: "Không phải tất cả các con đều sạch đâu".

Sau khi đã rửa chân cho các ông, Người mặc áo lại, và khi đã trở về chỗ cũ, Người nói: "Các con có hiểu biết việc Thầy vừa làm cho các con chăng ? Các con gọi Ta là Thầy và là Chúa thì phải lắm, vì đúng thật Thầy như vậy. Vậy nếu Ta là Chúa và là Thầy mà còn rửa chân cho các con, thì các con cũng phải rửa chân cho nhau. Vì Thầy đã làm gương cho các con để các con cũng bắt chước mà làm như Thầy đã làm cho các con".


Gợi ý 1:

Buổi chiều hôm nay chúng ta hội họp nơi đây để cử hành Giờ của Đức Giêsu Kitô. Chúng ta thấy Ngài những giờ cuối cùng của Ngài ở trần gian này. Ngài sẽ làm cho chúng ta những việc mà từ ngày sinh ra, Ngài đã để dành cho đến ngày hôm nay. Như vậy, đây là những việc thâm thúy và quan trọng nhất trong đời sống của Ngài. Và theo như lịch sử của Đức Giêsu Kitô cho biết qua các bài Thánh Kinh vừa nghe đọc, chỉ có hai việc thôi và biểu lộ cùng một ý nghĩa. Chính trong bữa ăn cuối cùng, cũng gọi là Tiệc Ly, đến lúc từ giã các môn đệ để trở về cùng Chúa Cha, Đức Giêsu đã rửa chân cho các ông và đã ban Thịt Máu Ngài cho các ông. Và cả hai việc chỉ nhằm mục đích biểu thị tình yêu loài người cho đến tận cùng để cứu rỗi và ban hạnh phúc cho họ.

Thật vậy, chỉ vì yêu thương loài người mà Con Thiên Chúa đã xuống thế. Đức Giêsu Kitô đã đến trần gian để mang tình yêu của Chúa Cha đến cho loài người. Suốt đời, Đức Giêsu đã tỏ nhiều thái độ, làm nhiều hành vi, nói nhiều lời êm ái để kêu gọi sự gắn bó yêu thương. Hôm nay, Đức Giêsu Kitô làm hai hành động cuối cùng để nói hết tình hết nghĩa với loài người.

Trước hết, đang chủ sự bàn ăn, Đức Giêsu đã làm cho các môn đệ sửng sốt khi họ thấy Ngài đứng lên cởi áo ngoài ra, thắt lưng lại, đi cầm thau lấy nước rửa chân cho các môn đệ. Việc kỳ dị, lạ lùng làm sao! Ngài tự do, tự lập không bao giờ làm như vậy. Chỉ có kẻ nô lệ khi chủ bảo mới chịu làm công việc ấy. Nay Đức Giêsu là Thầy, là Chủ, là Chúa của các môn đệ mà lại làm như vậy. Phêrô phản kháng thay cho anh em. Nhưng Chúa nói: con cứ để Thầy làm, sau này con sẽ hiểu… Và bây giờ Hội Thánh hiểu, chúng ta hiểu. Chúng ta biết Chúa yêu thương loài người. Chúa muốn nhắc loài người lên đồng phận chia sẻ sự sống và hạnh phúc đời đời với Chúa. Loài người theo đường tội lỗi đi xa Chúa, thì tình yêu buộc Chúa phải đi tìm loài người. Gặp người muốn yêu thương rồi, Chúa phải bỏ cương vị cao trọng đi, cở áo cao trọng hơn đó ra để đồng phận với loài người. Hơn nữa để chứng tỏ tình yêu của Chúa chân thật, không có một ẩn ý lợi dụng nào cả, Đức Giêsu còn thắt lưng lại như tôi tớ, nói lên rằng tình yêu của Chúa chỉ muốn phục vụ nâng cao loài người lên mà thôi. Chưa hết, tình yêu của Chúa còn muốn chấp nhận cả những cái ít giá trị, nếu không muốn nói là xấu xa nữa nơi con người, mà biểu tượng là đôi chân đi đất của con người. Chúa đến, Chúa rửa, Chúa lau, Chúa như muốn bảo không những Chúa yêu mặt, yêu thân con người, mà Chúa yêu cả đến đôi chân của họ nữa. Chúa yêu họ cho đến cùng để họ cùng được ngồi ngang hàng với Chúa và được nghe lời Chúa âu yếm: “Chúng con gọi Thầy và Chúa, là Chủ thật rất đáng, nhưng từ nay chúng con là bạn hữu của Thầy, Thầy san sẻ cho chúng con hết những gì Thầy có”.

Và tiếp theo đó là việc Chúa Giêsu lập phép Thánh Thể để ban Thịt Máu Mình cho các môn đệ, để chia sẻ sự sống mình cho nhân loại, để ở trong con người, gắn bó với nhân loại thành một thân thể.

Ôi tình yêu lạ lùng! Diễn tả như vậy đã quá sức là chân thật và cảm động. Nhưng nếu còn hiểu việc Đức Giêsu cởi áo ra, thắt lưng lại, đi rửa chân cho các môn đệ như là hành động báo trước việc tử nạn, nếu còn hiểu việc trao ban Mình Máu hôm nay là việc hiến dâng mạng sống ngày mai trên thập giá, thì chúng ta còn hiểu thế nào về tình Chúa yêu thương chúng ta. Chúng ta còn có thể làm ngơ, lạnh lùng với một tình yêu như vậy không? Trái tim chúng ta là đã mãi sao? Buổi chiều hôm nay là buổi chiều yêu đương. Thánh lễ này là bàn tiệc yêu thương. Có khả năng yêu bao nhiêu, chúng ta hãy đem ra đáp trả hết đi. Đáp trả tình yêu của Chúa, nên phải bùi ngùi than khóc sự vô ân bội nghĩa của chúng ta khi tham dự lễ nghi rửa chân này. Phải đem cam kết khả năng yêu lại Chúa khi thấy Chúa đem Thịt Máu Mình hy sinh cho chúng ta. Và đừng quên Chúa vẫn sống, vẫn ở gần chúng ta, không những trong bí tích Thánh Thể nên từ nay chúng ta năng đến với bí tích này hơn, mà Chúa còn ở trong cả Hội Thánh nữa, nên chúng ta hãy nghe Lời Chúa: “Chúng con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương chúng con”.

Đức Giêsu Kitô đã yêu thương chúng ta cho đến cùng trong hai hành vi mà chúng ta vừa nói và sắp cử hành lại. Ước gì khi tham dự việc rửa chân và việc lập phép Thánh Thể hôm nay, chúng ta thấy rõ hơn tình yêu của Chúa và chúng ta muốn đáp trả lại tình yêu ấy cho đến cùng, đối với Chúa và đồng thời đối với anh em xung quanh ta. Lúc tham dự việc rửa chân chúng ta ân hận vì đã không yêu Chúa và yêu thương anh em cho đủ. Và khi nhận lấy Mình Máu Thánh Chúa, chúng ta cũng muốn trao ban thân xác chúng ta cho Chúa và cho phần rỗi anh em. Mời quí ông bà anh chị em tham dự các cử hành với những tâm tình đó.

Gợi ý 2:

Buổi chiều hôm nay, chúng ta muốn chiêm ngắm Đức Giêsu trong việc Ngài rửa chân cho các môn đệ cũng như trong việc Ngài thiết lập bí tích Thánh Thể. Những bài đọc Thánh Kinh hôm nay quả thật muốn hướng lòng chúng ta về hai hành vi trọng đại của Chúa.

Trước hết là việc Đức Giêsu rửa chân cho các môn đệ. Điều chúng ta cần ghi nhận trước tiên là: trong khi Tin Mừng Nhất Lãm tường thuật bữa Tiệc Ly và việc Đức Giêsu lập bí tích Thánh Thể mà không hể nói về việc Ngài rửa chân cho các môn đệ, thì trái lại Tin Mừng Gioan lại chỉ tường thuật việc Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ mà thôi. Cho nên chúng ta có thể nghĩ rằng: Gioan xem việc rửa chân như đã có khả năng diễn tả con người của Đức Giêsu hôm trước lễ Vượt Qua.

Gioan đã đưa chúng ta vào khung cảnh nghiêm trọng của câu chuyện: “Trước lễ Vượt Qua, Đức Giêsu biết rằng đã đến Giờ Ngài ra khỏi thế gian này để đến cùng Cha… thì Ngài đã yêu mến họ đến cùng”. Câu này rất súc tích vì hàm chứa những nét rất thiết yếu: Đức Giêsu biết rõ “Giờ của Ngài” đã điểm và Ngài đi vào giờ định mệnh ấy với tất cả ý thức và quả cảm, nghĩa là Ngài biết là mình sẽ chết, nhưng đây là cái chết cứu độ: cái chết của Ngài sẽ là sự hoàn thành những lời hứa cho cha ông (chữ “qua khỏi” ám chỉ đến lễ vượt qua nơi Xuất Hành 12,11.23.27) và đặc biệt là tình yêu của Đức Giêsu đối với các môn đệ. Đây là chủ đề mới: lần đầu tiên Tin Mừng Gioan đề cập đến tình yêu của Đức Giêsu và từ nay các diễn từ của Ngài sẽ nhiều lần lập lại (13,34; 14,24; 15,9.12-13.15; 17,23-26).

Để diễn tả “tình yêu cho đến cùng” của Ngài, Đức Giêsu đã “chỗi dậy, bỏ áo xuống và lấy khăn thắt lưng mình… rửa chân cho các môn đệ, cũng lấy khăn thắt lưng mình mà lau”. Gioan cho thấy nét tương phản giữa sự cao cả siêu việt của Đấng xuất từ Cha và sắp về cùng Cha với một Đức Giêsu tự hạ trong cử chỉ quì xuống rửa chân cho các môn đệ. Nói cách khác, Đấng cao cả siêu việt giờ đây đang quì dưới chân các môn đệ. Đức Giêsu rõ ràng đã muốn đóng vai tôi tớ (x. 1S 26,41; Lc 12,37; 17,7-10) như có lần Ngài đã nói: “Ta ở giữa các ngươi như người tôi tớ”.

Và bởi vì việc rửa chân đã diễn ra “trong bữa ăn” chữ không phải “đầu bữa ăn, cho nên chúng ta phải hiểu cử chỉ lạ lùng này của Đức Giêsu mang tính cách tiên tri (theo cách thế của Êzêkiel và Giêrêmia). Vào ngày Lễ Lá, khi ngồi trên lưng lừa tiến vào thành Giêrusalem, Đức Giêsu đã thực hiện sấm ngôn của Giacaria (9,9-10) tự giới thiệu mình là Đấng Thiên Sai khiêm nhu và hòa bình. Giờ đây, qua việc rửa chân, Ngài lại đóng vai trò Người Tôi Tớ của Isaia (52,13-53,12) mà sứ mạng là phục vụ và chết vì người mình yêu mến.

Nếu chúng ta để ý đến từ ngữ mà Gioan sử dụng, chúng ta đã thấy ông đã chọn lựa rất kỹ càng và những từ ngữ này mang ý nghĩa mầu nhiệm. Thật vậy, thái độ Đức Giêsu “chỗi dậy” ra khỏi bàn ăn khi biết Giờ phải về cùng Chúa Cha rõ ràng là để làm một hành vi vượt qua khác nào dân Dothái ở tư thế sẵn sàng để từ bỏ vùng đất nô lệ để đi vào sa mạc. Nhưng vượt qua, đối với Đức Giêsu không chỉ có nghĩa là về cùng Cha nhưng còn là trao ban Mình và Máu, là thí bỏ mạng sống, cho nên Gioan thuật tiếp: Đức Giêsu chỗi dậy, cởi áo ra. Đó là một cử chỉ diễn tả một sự lột xác, xóa bỏ thân mình để trở nên người tôi tớ, khom lưng và làm công việc của một người nô lệ ngoại quốc, bởi vì người nô lệ Dothái cũng không bó buộc phải rửa chân cho chủ mình.

Hành vi rửa chân của Đức Giêsu, như vậy, là biểu tượng việc Ngài sắp hư vô hóa bản thân mình trên thập giá. Hình ảnh Đức Giêsu cầm chậu nước quì dưới chân các môn đệ là một hình ảnh một Thiên Chúa cao sang nhưng “không nghĩ phải dành cho được địa vị ngang hàng cùng Thiên Chúa… song đã hủy mình ra không tức là lãnh lấy phận tôi đòi… (Pl 2,5-7). Hình ảnh này làm ta nhớ tới một tư tưởng của thánh Phaolô: “…Chúa chúng ta, Đức Giêsu Kitô, làm sao giàu có như Ngài, mà vì anh em, Ngài đã nên nghèo khó, ngõ hầu anh em được giàu có nhờ sự nghèo khó của Ngài” (2Cr 8,9).

Việc rửa chân diễn tả “tình yêu cho đến cùng” của Đức Giêsu. Tình yêu nào mà lại chẳng mang đặc tính của sự nghèo khó, khiêm hạ và lệ thuộc. Ba nét này cùng hiện diện trong một cử chỉ rửa chân của Đức Giêsu mà với tư cách là “Thầy và Chúa”, Ngài đã “nêu gương” và dạy các môn đệ chúng ta cũng “làm như vậy”.

Điểm sau cùng chúng ta không nên bỏ qua khi đọc câu chuyện rửa chân này, đó là thái độ của Đức Giêsu trước Giuđa Iscariôt, một kẻ phản bội mà hai lần bài Tin Mừng nói đến (câu 2 & 10). Vả lại đây cũng là điểm quan trọng giúp hiểu bản văn. Cũng như nơi Tin Mừng Nhất Lãm và còn hơn thế nữa, Đức Giêsu bị ám ảnh bởi sự phản bội của Giuđa ngay trong bữa Tiệc Ly. Ngài đã nói về ông khi Ngài loan báo thiết lập phép Thánh Thể (6,64-70-71; x. 13,10-11; 17,12). Hai nét nổi bật của Đức Giêsu khi đối diện với con người này là: lòng nhân đạo và sự tự chủ của Ngài. Đức Giêsu đã không khai trừ Giuđa khỏi hồng ân của nghi lễ rửa chân, tuy nhiên Giuđa là người “dơ bẩn” nên việc rửa chân không mang lại một lợi ích nào cho cá nhân ông. Dầu vậy, việc nhắc đến Giuđa trong việc rửa chân của Đức Giêsu làm phát hiện một ý nghĩa rất sâu xa, đó là Đức Giêsu hạ mình ngay cả trước kẻ sẽ phản bội Ngài. Cử chỉ của Đức Giêsu đã minh họa tình yêu mà Gioan gọi là “cho đến cùng” của Ngài.

Có hiểu được ý nghĩa của việc rửa chân như thế, chúng ta mới thấm thía khi đọc bản văn của thánh Phaolô nói về việc Đức Giêsu thiết lập bí tích Thánh Thể. Việc rửa chân đã diễn tả chính sự tự hiến, chết đi của Đức Giêsu trong Thánh Thể.

Phụng vụ chiều nay muốn cho chúng ta nhìn vào Thánh Thể như nhìn vào lễ Vượt Qua của Chúa Kitô. Mà quả thật, Đức Giêsu đã diễn tả sự Vươt Qua của Ngài mà khi “chỗi dạy”, cởi áo và cầm chậu nước rửa chân cho các môn đệ như chúng ta đã nói trên. Đức Giêsu đã chọn khung cảnh lễ Vượt Qua của người Dothái để thiết lập bí tích Thánh Thể và như thế là Ngài đã làm tăng giá trị cho lễ ấy khi biến nó thành hình ảnh báo trước cuộc Vượt Qua của mình.

Trong lễ Vượt Qua của người Dothái, chẳng những người ta ăn bánh không men, rau diếp đắng, nhưng còn sát tế chiên con, lấy máu bôi lên cửa làm dấu cho Thiên Chúa bỏ qua không giết hại các trưởng nam Dothái, rồi người ta còn nướng con chiên ấy mà ăn.

Con chiên mà người Dothái ăn trong khi chuẩn bị “Vượt Qua” chính là hình bóng của Đức Giêsu, chiên Vượt Qua của chúng ta. Tin Mừng Gioan rất sâu sắc khi tường thuật rằng: Đức Giêsu chết trên thập giá khi người Dothái sát tế con chiên trong đền thờ.

Là Chiên Vượt Qua, Đức Giêsu mang lấy tội lỗi chúng ta, không những thế Ngài còn trở nên của ăn của uống cho chúng ta. Đó là điều Ngài đã thực hiện “trong đêm Ngài bị nôpk” (1Cr 11,23).

Đức Giêsu là “bánh”, nhưng thân mình Đức Giêsu chỉ trở nên của ăn thiêng liêng khi đã bị đập nát và bẻ gãy trên thập giá, bị chôn vùi dưới lòng đất, để phục sinh với sức sống mới của Thần Khí. Ăn Bánh Thánh Thể là đón nhận lấy Thần Khí tác sinh của Đức Kitô phục sinh.

Đức Giêsu là “rượu” , là “máu giao ước” (Mc 14,24; Mt 26,28). Khi chia sẻ máu thánh ấy chúng ta được lôi kéo vào trong giao ước mới, nghĩa là được giao hòa với Chúa Cha qua sự môi giới của Đức Giêsu, giống như dân Dothái ngày xưa, khi được Môsê rảy máu chiên sát tế, đã được giao hòa với Giavê qua sự môi giới của Môsê trong giao ước Sinai (Xh 24,8). Máu giao ước mới là máu của Con Thiên Chúa nên có giá trị cứu độ muôn đời, vì thế thư Hipri đã gọi đó là “giao ước vĩnh viễn” (Dt 13,20).

Thế là những bài Thánh Kinh chiều nay đã dạy chúng ta nhiều bài học thâm thúy xuyên qua những cử chỉ của Đức Giêsu.

Trong việc rửa chân cho các môn đệ, Đức Giêsu dạy ta biết sống tự hạ để phục vụ và yêu thương. Là Thầy và là Chúa, Ngài đã không ngần ngại trở nên tôi tớ của môn đệ và của thế gian. Ngài cũng sẵn sàng hạ mình trước kẻ phản bội là Giuđa Iscariôt. Khi lập phép Thánh Thể, Đức Giêsu đã chết đi để trở nên sự sống vĩnh cửu và làm cho nhân loại được giao hòa cùng Chúa Cha.

Sống tự hạ và chết đi từ đây trở thành qui luật của sự phục vụ và tác sinh. Đó là những bài học lớn Đức Giêsu đã để lại cho chúng ta.


THỨ SÁU

Is 52,13-53,12; Dt 4,14-16; 5,7-9; Ga 18,1-19,42

Suốt Mùa Chay và trong cả tuần này chúng ta đã suy nghĩ nhiều về mầu nhiệm Chúa chịu chết. Ngay từ sáng sớm hôm nay, chúng ta cũng đã đi đàng thánh giá và chắc chắn trong ngày giữ chay kiêng thịt này chúng ta đã mật thiết kết hợp với Chúa trong mầu nhiệm tử nạn. Giờ đây còn là cao điểm để chúng ta chiêm ngưỡng mầu nhiệm này, để có thể nói, hằng chúng ta sẽ không được quên và mọi hành vi đạo đức của chúng ta, từ việc làm dấu thánh giá đến việc dâng lễ phải tham chiếu về mầu nhiệm thánh giá mới có ơn cứu độ. Do đó thật là lầm khi nghĩ rằng hy lễ hôm nay kém thánh lễ mọi ngày. Nếu không có nghi lễ hôm nay, cử hành thánh lễ mọi ngày không trở thành những hành động duy tâm sao? Chính việc Chúa chết trên thập giá trong ngày thứ Sáu hôm nay làm cho thánh lễ hằng ngày mới là hy tế đem ơn cứu độ đến cho chúng ta. Và chỉ cần suy nghĩ một chút, để thấy ngay cấu trúc hy lễ hôm nay cũng y như phụng vụ thánh lễ. Lúc đầu chủ tế ra bàn thờ phủ phục biểu lộ lòng thống hối ăn năn… rồi cũng có lời nguyện, có các bài đọc Thánh Kinh, có việc rao giảng bây giờ, rồi sẽ đọc nhiều lời nguyện giáo dân, trước khi đến phần nhận lấy Thánh Giá là lễ hy sinh cao quí nhất để dâng lên cho chúng ta thờ lạy. Sau đó chúng ta cũng sẽ rước lễ và ra về bình an. Như vậy, thánh lễ hôm qua, ngày mai và mọi ngày vẫn tưởng niệm mầu nhiệm Chúa chịu chết hôm nay, khiến chúng ta phải tự hỏi vì sao thánh giá lại quan trọng đến thế trong đời sống đạo của chúng ta.

Câu trả lời vắn gọn nhất mà ai ai cũng biết, đó là vì nhờ cây Thánh Giá mà chúng ta được cứu độ. Thánh Gioan trong bài tường thuật cuộc thương khó đã làm nổi bật chân lý mầu nhiệm ấy khi người cho chúng ta thấy, một đàng ở dưới chân Thánh Giá loài người nói chung đều có tội và cần ơn cứu độ, và đàng khác trên cây Thánh Giá Đức Giêsu đang đổ tràn ơn tha thứ và cứu độ cho tất cả những ai có niềm tin. Chúng ta cứ về nhà đọc lại bài tường thuật hôm nay mà xem: có phải cuộc xử án này bất công và tội lỗi không? Chính những người lên án lại là những người có tội, còn tội nhân bị xét xử lại là Đấng ban ơn cứu độ cho mọi người. Chẳng cần phải điểm mặt hết kẻo mất giờ. Nhưng có ai trong câu chuyện xử án Chúa mà không phạm tội đâu? Các thượng tế và cả hội đồng Dothái, các biệt phái và luật sĩ, các người theo phái Hêrôđê và Sađucêô, cho đến tên lính canh, người tớ gái, và nhất là tổng trấn Philatô, ai có lương tâm bình yên, chân thật trong vụ án này. Giuđa mắc tội dĩ nhiên rồi, nhưng ông Phêrô và các môn đệ có dám ngửng mặt lên không? Trước mặt Chúa Giêsu trên Thánh Giá, mọi người đều có tội, và chúng ta dễ thấy mình trong khuôn mặt và chức năng của người này người kia.

Trong khi đó Gioan thấy gì trên Thánh Giá? Một Đức Giêsu đã chết vì tội lỗi của mọi người. Nhưng kìa, nhìn kỹ những gì đang xảy ra. Người ta đi qua không đánh dập ống chân Chúa vì họ thấy Ngài đã chết. Nhưng chẳng biết vì sao một người lính lại cầm đòng đâm vào cạnh sườn Chúa. Một hành động bất nhân ư? Một hành vi đùa dỡn hay vô tình. Nhưng cái không ngờ, lại thi hành ý Chúa nhiệm mầu, thể hiện lời tiên tri vô giá. Vào giờ ấy trong đền thờ, các tư tế giết các con chiên vượt qua để người ta đem về ăn trong gia đình, nhắc nhở Chúa cứu dân ra khỏi đất nô lệ Ai-cập.

Người ta phải cẩn thận không được để con chiên bị giết gãy một cái xương nào. Thế mà đang lúc ấy, người ta đã không đánh dập ống chân Đức Giêsu trên Thập Giá. Ngài là con chiên vượt qua rồi. Ngài mới thật là Chiên Vượt Qua. Gioan Tẩy Giả nói đúng. Cách đây ba năm ông đã nói với hai môn đệ đứng bên ông khi nhìn thấy Đức Giêsu đi qua: đây là con chiên Thiên Chúa gánh tội thiên hạ. Gioan là một trong hai môn đệ hôm ấy. Hai người đã bỏ Gioan Tẩy Giả đi theo Đức Giêsu mà Gioan Tẩy Giả nói là chiên Con Thiên Chúa. Nay Gioan thấy ứng nghiệm lời đó một cách quá tuyệt vời. Rồi sách Giacaria đã chẳng viết sao: Đấng cứu dân bị đâm thủng cạnh sườn. Người ta nhìn lên. Và ơn cứu độ chảy xuống. Giờ này ơn đó đang chảy theo máu và nước. Máu nói lên lễ hy sinh đền tội, nước gợi lên sự sống Thánh Thần mới làm tái sinh mọi loài. Đức Giêsu trên Thánh Giá là Chiên Vượt Qua, là lễ đền tội, là nguồn sống mới cho những ai có niềm tin mà nhìn lên, mà Đức Maria và thánh Gioan là biểu tượng… Chúng ta tiếc vì số người tin hôm đó ít quá. Thế nhưng giờ phút này chúng ta sắp sửa cầu xin cho mọi hạng người được nhờ ơn Chúa chịu chết. Nhưng quan trọng hơn là chính bản thân chúng ta phải thấy mình tội lỗi, chúng ta không những đến dưới chân Thánh Giá, chúng ta phải có niềm tin vào Đức Mẹ, chúng ta phải lấy hết tình yêu mến xót xa hôn tượng Chúa, để ơn cứu độ của Chúa đi vào lòng chúng ta, rửa sạch tâm hồn và ban đời sống mới cho chúng ta.

Đó là những việc chúng ta được kêu gọi làm bây giờ. Chúng ta hãy lấy lòng tin và sốt sắng, xin niềm tin cho mọi người, thờ lạy Thánh Giá và hôn kính, cũng như rước lây Mình Thánh Chúa bị nộp và chết vì chúng ta, để xin ơn tha thứ tội lỗi nhờ hy sinh của Chúa trên Thập Giá.


VỌNG PHỤC SINH

Tất cả chúng ta đang hân hoan trong bầu khí cử hành mầu nhiệm Chúa Giêsu phục sinh. Ánh sáng chan hòa, hoa nến rực rỡ, thánh ca vui tươi, lễ nghi trang trọng, tất cả hòa nhịp phát huy và nuôi dưỡng lòng sốt sắng êm ái trong tâm hồn chúng ta. Nhưng đó mới chỉ là bước đầu. Chúng ta phải đưa sâu mầu nhiệm Chúa sống lại vao trong tâm hồn, để khi tan lễ, đèn tắt, nhạc im, mọi sự lại trở về im lặng, ánh sáng mầu nhiệm Chúa phục sinh vẫn cháy tỏ trong tâmhồn và đời sống chúng ta. Và cho được như vậy, chúng ta đừng vội bằng lòng và dừng lại ở bầu khí chúng ta đang cảm thấy. Chúng ta phải đưa mầu nhiệm Chúa sống lại vào trong tâm hồn, để từ nay có thể nói chúng ta không còn biết tới những đau thương và lúc nào cũng dường như được sung sướng với mầu nhiệm phục sinh.

Làm như vậy không dễ đâu… không phải cần cố gắng người ta vẫn dễ nhớ mầu nhiệm Chúa Giêsu chịu chết. Người ta giết giữa ban ngày, có bao nhiêu người chứng kiến, và cây Thánh Giá kia không ai chối bỏ được và bảo rằng không có. Còn đối với việc Chúa phục sinh thì khác. Việc ấy xảy ra khoảng tờ mờ sáng như lời Sách Thánh kể. Và có ai xem thấy đâu. Thoạt đầu chỉ một vài người phụ nữ được Thiên Thần hiện ra cho biết, rồi được Chúa Sống lại gặp trong giây lát, và mãi sau dần dần các môn đệ mới được xem thấy vào một vài lúc đặc biệt thôi.

Tại sao có một sự khác biệt quá lớn lao như thế? Tai sao việc Chúa Giêsu chịu chết thì rõ ràng, không che đậy, còn việc Đức Giêsu sống lại như luôn bị bao trùm trong một làn sương mà chỉ con mắt đức tin mới xuyên qua và nhìn thấy được? câu trả lời không khó. Nó nằm ngay trong lòng chúng ta. Nó có sẵn trong nếp sống xã hội. Tội lỗi không tràn lan phơi bày trong và ngoài chúng ta sao? Còn sự đổi mới, sự thánh thiện lại luôn luôn như lúc ẩn lúc hiện. Mầu nhiệm phục sinh luôn phải tìm gặp, có tìm mới gặp, nhưng nếu tìm sẽ thấy.

Chúng ta hãy xem gương các người phụ nữ hôm nay. Họ đã gặp Chúa phục sinh đầu tiên, vì họ đã tìm. Dĩ nhiên họ đã không đi tìm Chúa đã sống lại. Họ đi tìm Chúa chịu chết, vì thương nhớ Chúa. Họ đã đi tìm sự chết và đã gặp sự sống. Chúa đã thưởng công tình yêu của họ. Họ là những con người yêu Chúa nhất. Họ muốn làm hết bổn phận đối với Chúa. Và họ đã được thưởng công một cách quá bất ngờ. Chúng ta có thể coi họ là những tinh hoa, kết quả, tiêu biểu cho toàn thể Dân Chúa trong thời Cựu ước. Lịch sử dân ấy đã được tóm lược trong các bài đọc hôm nay. Qua bao nhiêu giai đoạn thử thách, những người tin yêu Chúa vẫn được hưởng sản nghiệp mà Chúa đã hứa. Các người phụ nữ hôm nay do đó cũng trở thành gương mẫu cho tất cả chúng ta.

Cuộc đời của chúng ta ngày mai đây cũng như ngày hôm qua và mãi mãi như vậy. Quá nhiều thử thách và chông gai, quá nhiều đau đớn và tang thương. Thập Giá là thực tại không che đậy. Những người muốn tránh muốn quên không tìm thấy ánh sáng phục sinh. Không có ơn phục sinh cho những người chỉ biết hưởng thụ. Chỉ những người nhớ Chúa chịu nạn, thương Chúa chịu chết, đi tìm Chúa ngay trong lúc đau khổ để làm những phận sự cuối cùng cho Chúa, sẽ được gặp Chúa sống lại, và nhờ đó nhìn lại những khó khăn của cuộc đời nữa. Họ có Chúa phục sinh luôn ở với mình và trở thành tông đồ của mầu nhiệm phục sinh như các người phụ nữ kíãe đi đem Tin Mừng ngay cho cả các môn đệ của Chúa. Những người này nghe được tin ấy, họ chạy ra mồ và cũng gặp được niềm tin Chúa phục sinh. Ngày nay chúng ta cũng có thể nhờ những người bạn tốt khuyên đến với Chúa trong lúc đau khổ mà gặp được sự sống lại (đó là cách II). Những cách thông thường là như Lời Chúa phục sinh nói hãy về Galilê, đi lại từ đầu con đường gặp Chúa lần đầu tiên đọc lại Thánh Kinh và cả Thánh Kinh nói đến ơn phục sinh cứu độ.

Chúng ta hãy bắt chước các người phụ nữ kia và các môn đệ của Chúa. Chúng ta là những tông đồ của Chúa sống lại vào giữa lòng đời. Đó là ơn gọi và sứ mạng của chúng ta. Chúng ta hãy yêu mến Chúa, tìm Chúa trong mọi thử thách, mọi đau khổ của muôn người, làm cho Chúa những nghĩa vụ cuối cùng cả trong các hoàn cảnh bi ai nhất của con người, muốn làm cho Chúa những nghĩa vụ cuối cùng cả trong các hoàn cảnh bi ai nhất của người anh em. Chúa phục sinh sẽ ban tinh thần cho ta, khi ta gặp đau khổ mà đến với Chúa và Thánh Kinh. Và chúng ta sẽ loan truyền được niềm tin phục sinh.

Chính giờ phút này Hội Thánh đưa chúng ta vào con đường ấy. Hội Thánh bảo chúng ta hãy thắp nến của lòng sốt sắng lên, nhìn thẳng vào bộ mặt đầy các cám dỗ ở đời. Chúng ta hãy từ bỏ. Chúng ta tuyên xưng đi tìm Chúa. Chúng ta được nước Thánh từ cạnh sườn Chúa chịu chết rảy trên. Thần Khí phục sinh của Chúa đến với chúng ta. Chúng ta kết hiệp với Chúa sống lại. Sức mạnh của Chúa phục sinh sống trong chúng ta để chúng ta ra đi loan báo bằng hành động và nếp sống Tin Mừng hôm nay lớn lao là: có sự phục sinh vinh hiển cho mọi người chấp nhận phấn đấu chống mọi hình thức tội lỗi và tiêu cực. Xin mọi người tham dự lễ nghi ôn lại phép rửa để nhận ơn đổi mới của Chúa phục sinh.


Mới hơn Cũ hơn