Các bài suy niệm tuần II Phục sinh



THỨ HAI


Cv 4, 23-31- Ga3,1-8

Cộng đoàn tín hữu tại Giêrusalem là bước đầu của Hội Thánh do Chúa Giêsu phục sinh lập nên. Sách Công vụ tông đồ cho chúng ta biết nhiều nét về cộng đoàn này. Hôm nay chúng ta cảm phục họ trong thái độ dau khi các tông đồ bị bắt được thả ra. Dĩ nhiên họ biết các diễn biến và được chính các tông đồ thuật lại các sự việc. Nhưng lập tức, họ hiệp nhất trong một thái độ cầu nguyện. Phải nói rõ hơn, họ đã đem ánh sáng đức tin, và ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần để nhân ra ý nghĩa của những công việc đã xảy ra. Họ thấy ngay lịch sử ăn khớp với lịch sử cứu độ đã được mạc khải trong Thánh kinh. Do đó họ sung sướng tạ ơn Chúa và cho mình được diễm phúc tham gia vào lịch sử cứu độ ấy.

Đó là điều mà chúng ta và cộng đoàn chúng ta cần phải suy nghĩ. Phép rửa cứu độ mà chúng ta đa long trọng kỷ trong đêm phục sinh, không nhắc nhở chúng ta đã được kết nạp vào dân có sứ mạng cứu thế sao? Chúng ta đã trở thành người mới và những tư tưởng mới chưa? Hay chúng ta còn là những Nicôđêmô của bài Tin mừng hôm nay? Ong không phải là người xấu- ngược lại, có thể nói ông là người duy nhất trong hàng ngũ lãnh đạo dân cũ thời bấy giờ biết nhận ra sự mới mẽ bvà Đức Giêsu đem đến. Ông gặp Người ban đêm. Ông tỏ dấu thán phục Người. Người nói với ông ngay về nếp sống tái sinh.

Ai đến với Chúa, cũng được cho biết về sự này. Ai cũng phải bỏ nếp sống cũ của xác thịt để sống cuộc đời mới của Thánh Thần.

Các tín hữu đầu tiên tại Giêrusalem đã nhận được Thánh Thần và đã có nếp sống mới. Tập thể của họ hôm nay chứng tỏ là dân mới hoàn toàn, dân hiểu biết đường lối cứu độ của Thiên Chúa và nhận ra chỗ đứng của các diễn tiến trong đời mình nơi đường lối cứu độ này. Đặc biệt họ nhận ra vai trò chủ chốt của Đức Giêsu trong chương trình của Thiên Chúa. Người thật là vị Thiên Chúa hứa ban để cứu thế. Sự chết của Người nằm trong kế hoạch cứu độ vì rõ ràng nó đã đi đến mầu nhiệm phục sinh đang có sứ đổi mới các tâm hồn và nếp sống của con người. Có niềm tin mạnh mẽ như vậy, họ liền được thêm sức mạnh của Thánh Thần để càng dạn dĩ tuyên xưng các điều mình xác tín.

Chúng ta rõ ràng phải làm thêm nhiều bước mới để sánh được với cộng đoàn các tín hữu đầu tiên. Chúng ta phải ý thức hơn về lịch sử cứu độ phải biết đọc Thánh kinh và nhận ra ơn gọi, sứ mạng của mình trong công cuộc cứu thế, đặc biệt những khi gặp trắc trở. Chúng ta phải xác tín sứ mạng cứu thế của Chúa Giêsu, nhất là trong mầu nhiệm phục sinh. Chính mầu nhiệm này, chúng ta sắp cử hành, xin Người đến nói về ơn tái sinh cho tâm hồn chúng ta, để chúng ta biết gột bỏ dần dần các cảm nghĩ của con người xác thịt cũ kỹ. Và khi được Người ban thêm Thánh Thần, chúng ta mạnh mẽ hơn trong sự hiệp nhất đức tin, biết đánh giá mọi sự việc theo ý Chúa và nhiệt tình tuyên xưng nếp sống mới ở giữa mọi người.


THỨ BA


Cv 4,32-37 – Ga 3, 7-15

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu nói với Nicôđêmô rằng: "Thật, Tôi bảo cho ông biết: Ông đừng ngạc nhiên vì nghe Tôi nói rằng: Các ngươi phải tái sinh bởi trời. Gió muốn thổi đâu thì thổi, ông nghe tiếng gió, nhưng chẳng biết gió từ đâu đến và đi đâu: mọi kẻ sinh bởi Thần Linh cũng vậy".

Nicôđêmô hỏi lại rằng: "Việc ấy xảy ra thế nào được?" Chúa Giêsu đáp: "Ông là bậc thầy trong dân Israel mà ông không biết điều ấy sao? Thật, tôi bảo thật cho ông biết: Điều chúng tôi biết thì chúng tôi nói; điều chúng tôi thấy thì chúng tôi minh chứng. Nhưng các ông lại không nhận lời chứng của chúng tôi. Nếu khi Tôi nói về những sự dưới đất mà các ông không tin, khi Tôi nói những sự trên trời, các ông tin thế nào được? Không ai lên trời được, ngoài người đã từ trời xuống, tức là Con Người vốn ở trên trời. Cũng như Môsê treo con rắn nơi hoang địa thế nào, thì Con Người cũng phải bị treo lên như vậy, để những ai tin vào Người, thì không bị tiêu diệt muôn đời".


Trong cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và Nicôđêmô và chúng ta vừa nghe, Chúa Giêsu đã khẳng định: “các ngươi phải sinh lại bởi trời”. Qua phép rửa, người Kitô hữu thực sự sinh lại, nghĩa là họ nhận lãnh một sự sống mới, sự sống đó chính là sự sống thần linh của Thiên Chúa. Với sự sống đó, người Kitô hữu mặc lấy chính cái nhìn, lối suy nghĩ của Thiên Chúa, để rồi có thể nói như thánh Phaolô “không phải tôi sống, nhưng chính Đức Kitô sống trong tôi”.

Tin mừng hôm nay một lần nữa mời gọi chúng ta suy nghĩ về những cam kết của phép rửa mà chúng ta đã lãnh nhận. Qua phép rửa, chúng ta đã quyết tâm chết cho con người cũ để được sinh lại thành con người mới. Sinh lại thành con người mới cũng là một cố gắng không ngừng để nên một với Chúa Giêsu.

Cách đây không lâu, nhà văn Nguyễn Khải đã viết cuốn tiểu thuyết mang tựa đề: “nhân danh Cha và Con….”. Đó là câu chuyện giác ngộ của một linh mục trẻ được sai về một giáo xứ ở đồng quê, mang nhiều thành kiến đối với cách mạng. Trong những ngày đầu, khi mới về nhận chức tại giáo xứ, vị linh mục đã tỏ ra dửng dưng nếu không muốn nói là bất hợp tác với các tầng lớp trong giáo xứ đang tham gia hăng say xây dựng một xã hội mới. Nhưng dần sau một thời gian phấn đấu, đầu óc của vị linh mục đã được đổi mới hoàn toàn, từ tư duy đến hành động. Vị linh mục trẻ như một tái sinh đối với xã hội mới. Trong niềm hăng say đổi đời, vị linh mục đã thể hiện quyết tâm của mình bằng cách xin ông trùm của giáo xứ đứng ra rửa tội lại cho mình,. Và thay bằng công thức của Giáo Hội, ông trùm đã nhân danh toàn thể giáo xứ để rửa tội lại cho vị linh mục bằng công thức sau đây: “tôi rửa ngươi, nhân danh Cha và và toàn thể giáo xứ”

Vị linh mục trong câu chuyện trên đây coi như được tái sinh, như sự tái sinh của ông là công trình Đứcf con người, của chính ông không là một tái sinh bởi trời cao. Ông tái sinh lại với con người, nhưng lại chối bỏ Thánh Thần. Phép rửa không còn là một cuộc tái sinh bởi Thánh Thần, nhưng chỉ còn là một nghi thức xã hội.

Chúng ta phải sinh lại bởi Thánh Thần và trở nên giống Đức Kitô. Tiếc thay trong đời sống thực tế, tuy đã chịu phép rửa lâu năm, nhiều khi ta vẫn chưa sinh lại bởi trời, ta vẫn khất lần việc thay đổi lối sống mình để nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô. Thậm chí, có khi ta chỉ háo hức với những đổi thay về mặt nhân loại hoặc theo lối nhân loại nhiều hơn.

Xin Chúa ban cho chúng ta quả tim mới, xin Người đổ tràn vào lòng chúng ta Thánh Thần của Ngài để chúng ta được sinh lại từ trời cao, để chúng ta không còn sống cho chính mình, nhưng sống bằng chính sự sống của Chúa.



THỨ TƯ


Cv 5,17-26 – Ga 3,16-21

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu nói với Nicôđêmô rằng: "Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một Người để tất cả những ai tin ở Con của Người, thì không phải hư mất, nhưng được sống đời đời, vì Thiên Chúa không sai Con của Người giáng trần để luận phạt thế gian, nhưng để thế gian nhờ Con của Người mà được cứu độ. Ai tin Người Con ấy, thì không bị luận phạt. Ai không tin thì đã bị luận phạt rồi, vì không tin vào danh Con Một Thiên Chúa và đây là án luận phạt: là sự sáng đã đến thế gian và người đời đã yêu sự tối tăm hơn sự sáng, vì hành động của họ xấu xa. Thật vậy, ai hành động xấu xa thì ghét sự sáng, và không đến cùng sự sáng, sợ những việc làm của mình bị khiển trách, nhưng ai hành động trong sự thật, thì đến cùng sự sáng, để hành động của họ được sáng tỏ, là họ đã hành động trong Thiên Chúa.

Chính thái độ của hội đồng Dothái hôm nay làm chứng cho Lời Đức Giêsu nói trong bài Tin mừng.họ không cần đợi ngày xét xử nữa. Họ đã bị xét xử rồi, ai đọc sách công vụ tông đồ mà không thấy họ làm không đúng. Họ cố chấp thật sự trước các công việc, họ thích tối tăm hơn ánh sáng, họ thấy việc tỏ tường của Chúa mà cứ muốn nhắm mắt không muốn nhìn, họ tự xét xử mình, không cần đến ngày phát xét nữa. Lẽ ra họ đã nhìn nhận Đức Giêsu là con người Thiên Chúa sai đến, nếu không làm sao có thể giảng dạy và làm việc được những công việc Người đã làm. Nữa đóng Người xong rồi nghe biết việc Người sống lại, họ phải nhận ra lỗi lầm mà đấm ngực thống hối, đàng này thấy rõ hiệu quả Đức Giêsu phục sinh nơi đời sống đổi mới của các tông đồ, họ vẫn một mực muốn đi cho hết con đường đã lựa chọn. Họ đã tự kết án mình, đang khi ơn cứu độ của Thiên Chúa vẫn được đưa ra để mời gọi họ.

Không ý tứ chúng ta cũng giống như họ, chúng ta không muốn điều này tí nào, vì khách quan chúng ta thấy họ sai lầm. Nhưng cụ thể trong đời sống, chúng ta có hơn họ gì không? Chúng ta cũng đã biết giáo lý của Chúa, còn rõ hơn họ nữa. Chúng ta đã thấy Chúa chết oan uổng và dã sống lại. Cây thánh giá luôn luôn ở trước mặt chúng ta để thấy lại những lời Tin mừng nói hôm nay: Thiên Chúa yêu thương loài người đến nổi ban con một người xuống thế, không phải để luận phạt nhưng để ban sự sống. Chúng ta còn biết cả hoạt động của Chúa Thánh Thần nơi Giáo Hội… thế mà chúng ta có luôn luôn đi theo đường lối Chúa không? Mỗi lần đi xưng tội, là một dịp để ta ý thức, chính thái độ của mình đã lên án mình rồi chứ đâu chờ ngày phán xét nữa. Nhưng nếu thánh giá của Đức Giêsu phục sinh nói với chúng ta những điều ấy, thì chúng ta đừng quên từ cạnh sườn Chúa trên thánh giá đã có máu và nước chảy ra. Các tông đồ đã biết đón nhận ơn cứu độ các mầu nhiệm tử nạn phục sinh của Chúa. Các ngài được Thánh Thần đổi mới thực sự và như lời sách công vụ nói hôm nay, các ngài luôn được thêm ơn Chúa củng cố để tuyên xưng khiến không ai có thể lường được.

Chúa vẫn tiếp tục gọi và chọn các tông đồ như thế, vì công việc của Chúa chưa xong. Thế giới này còn cần ơn cứu độ. Thái độ khiêm tốn chân thật là đến với mầu nhiệm Chúa Kitô nơi bàn thánh. Chúng ta xưng thú tội lỗi và sự bất xứng của mình. Sức mạnh phục sinh của Chúa đã đổi mới được các tông đồ, cũng làm cho chúng ta nên mới được, miễn là chúng ta muốn đón nhận ơn Chúa. Xin Chúa ban cho chúng ta nhờ thánh lễ này được ý chí thánh thiện đó.


THỨ NĂM


Cv 5, 37-33 – Ga 3,31-36

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, ông Gioan nói để làm chứng về Chúa Giêsu rằng: "Đấng từ trên cao mà đến thì vượt trên hết mọi người. Kẻ bởi đất mà ra, thì thuộc về đất và nói những sự thuộc về đất. Đấng từ trời mà đến thì vượt trên hết mọi người. Điều gì Người thấy và nghe, thì Người làm chứng về điều đó. Nhưng lời chứng của Người không ai chấp nhận. Ai chấp nhận lời chứng của Người, thì quả quyết Thiên Chúa là Đấng chân thật. Đấng được Thiên Chúa sai đến thì nói lời của Thiên Chúa, vì được Chúa ban cho thần linh khôn lường. Cha yêu mến Con, nên đã ban mọi sự trong tay Con. Ai tin vào Con thì có sự sống đời đời. Còn ai không tin vào Con, thì sẽ không được thấy sự sống, nhưng cơn thịnh nộ của Thiên Chúa đè nặng trên người ấy".


Những lời Đức Giêsu nói với Nicôđêmô áp dụng, trước hết là cho Người. Người bởi trời mà đến, nên Người về những sự trên trời, là tình yêu của Chúa Cha, sự vâng phục của Chúa Con và sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Người cũng nói về các ơn trên trời và sẽ được ban cho loài người như ơn tha thứ tội lỗi và sự sống mới dẫn đến sự sống đời đời… chắc chắn không ai kể ra hết được những điều Chúa mang từ trời xuống để nói với chúng ta và cứu độ chúng ta, và cũng chắc chắn không ít là Đức Giêsu không nói đến những chuyện trần gian, vì nước Người không thuộc về thế gian này.

Sau Người các tông đồ cũng chỉ nói những chuyện về nước trời và họ tỏ ra rất có khả năng làm công việc này, đến nỗi người Dothái phải ngỡ ngàng và bực tức. Họ thấy những con người kia, có thể nói là thất học, thế mà hơn hẳn họ về những điều thâm sâu. Trước đây các ông đâu có như vậy, khi chưa có việc Đức Kitô sống lại và ban Thánh Thần cho, các ông cũng chỉ biết nói chuyện loài người. Ngay ở bàn Tiệc ly, các ông cũng không nói chuyện gì khác hơn vấn đề xin ai hơn cả và ngồi chỗ cao hơn. Nhưng mọi sự đã thay đổi rồi. Hôm nay ông Phêrô và các tông đồ khẳng định mạnh mẽ: chúng ta và Thánh Thần ở trong chúng ta làm chứng rằng Đức Giêsu đã phục sinh. Các ông đổi mới vì đã được Chúa sống lại thổi hơi Thánh Thần cho.

Chúng ta hết thảy cũng đã được ơn này. Phép rửa, phép thêm sức, là bao dịp Thánh Thần đến một cách đặc biệt, ngay việc rước lễ hàng ngày cũng vẫn còn ban thêm Thánh Thần của Chúa phục sinh. Vậy tại sao chúng ta còn vẫn quanh quẩn suy nghĩ, nói năng, so sánh và phán đoán theo khuôn mẫu thế gian và loài người? Há chẳng chúng ta đã quên ơn tái sinh, và không để Thánh Thần hoạt động? Chúng ta sống theo con người cũ, chứ không theo con người mới đã được tái sinh bởi nước và Thánh Thần. Chúng ta không hơn gì thế gian và kém hơn họ nữa. Giá trị của chúng ta là ở tính đổi mới mà chúng ta đã nhận được do ơn Chúa phục sinh. Vì thế, dự thánh lễ hôm nay, chúng ta xin Người đến, đem thần trí của Người lại, đê Thánh Thần xuống trong chúng ta, giúp chúng ta sống đích thực là chứng nhân của các mầu nhiệm bởi trời, đặc biệt của ơn đổi mới do mm phục sinh.


THỨ SÁU


Cv 5,33-42 – Ga6,1-15

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu đi sang bên kia biển Galilêa, cũng gọi là Tibêria. Có đám đông dân chúng theo Người, vì họ đã thấy những phép lạ Người làm cho những kẻ bệnh tật. Chúa Giêsu lên núi và ngồi đó với các môn đệ. Lễ Vượt Qua là đại lễ của người Do-thái đã gần tới. Chúa Giêsu ngước mắt lên và thấy đám rất đông dân chúng đến với Người. Người hỏi Philipphê: "Ta mua đâu được bánh cho những người này ăn?" Người hỏi như vậy có ý thử ông, vì chính Người đã biết việc Người sắp làm. Philipphê thưa: "Hai trăm bạc bánh cũng không đủ để mỗi người được một chút".

Một trong những môn đệ, tên là Anrê, em ông Simon Phêrô, thưa cùng Người rằng: "Ở đây có một bé trai có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá, nhưng bấy nhiêu thì thấm vào đâu cho từng ấy người". Chúa Giêsu nói: "Cứ bảo người ta ngồi xuống". Nơi đó có nhiều cỏ, người ta ngồi xuống, số đàn ông độ năm ngàn. Bấy giờ Chúa Giêsu cầm lấy bánh và khi đã tạ ơn, Người phân phát cho các kẻ ngồi ăn, và cá cũng phân phát như thế, ai muốn bao nhiêu tuỳ thích. Khi họ đã no nê, Người bảo các môn đệ: "Hãy thu lấy những miếng còn lại, kẻo phí đi". Họ thu lại mười hai thúng đầy bánh vụn do năm chiếc bánh lúa mạch người ta đã ăn mà còn dư.

Thấy phép lạ Chúa Giêsu đã làm, người ta đều nói rằng: "Thật ông này là Đấng Tiên tri phải đến trong thế gian". Vì Chúa Giêsu biết rằng người ta sẽ đến bắt Người để tôn làm vua, nên Người lại trốn lên núi một mình.

 

Không mấy người được như ông Gamaliel. Ông biết nhìn sự thật, dám nói sự thật và biết sự thật. Trong cả hội đồng Dothái bây giờ, chỉ có một mình ông giữ được sự bình thản trước các diễn biết của thời cuộc. Ông biết nhờ lịch sử mà đánh giá, ông tin lịch sử năm trong tay Chúa. Chỉ những sự việc có giá trị địch thực mới tồn tại, nên người ta không nên nóng vội với những sự kiện tức thời. Nhất nữa, đứng trước những vấn đề có liên hệ đến đời sống tinh thần và tôn giáo, con người phải cân nhắc kẻo đi ngược với đường lối của Thiên Chúa.

Gamaliel không những đã biết bình thản nhìn xem các sự việc. Ông nhờ lịch sử soi sáng. Ông tìm ý Thiên Chúa trên hết. Rồi dù thấy mình lẽ loi trong hội đồng, ông vẫn dám bình thản và khiêm tốn nói lên các suy nghĩ của mình một cách đơn giản và ôn tồn. Không ngờ tiếng ông đã được nghe, vì chẳng bao giờ nên thất vọng về lương tri của loài người.

Nhà luật sĩ Dothái ấy đáng cảm phục và noi gương. Chúng ta đừng bao giờ nóng vội nhất là khi phải phán đoán về cách cư xử của người khác. Hơn nữa, trong hoàn cảnh nào, chúng ta phải cố gắn nhận ra thời điểm, để biết hướng của lịch sử và của ý Chúa. Gamaliel không nhìn sự việc với thành kiến hoặc quan điểm riêng của mình. Thái độ của các tông đồ, phản ứng của quần chúng kiến ông tự hỏi và nêu lên vấn đề: nếu những việc ấy là do bởi Thiên Chúa thì sao? Không thể hấp tấp võ đoán. Không được coi thường lịch sử, thời gian chậm rãi nhưng khôn ngoan.

Chính cuộc đời của Đức Giêsu là gương mẫu. Người có sứ mạng cứu thế, Người yêu thương mọi người. Người có quyền năng… Nhưng Người hành động không vội vã. Muốn đưa người ta vào mầu nhiệm Thánh Thể, Người đã làm cho bánh hoá nhiều, và Người phải xa lánh khi người ta muốn tôn Người làm vua. Nhất là Người biết trước con đường thập giá của Người khiến ngay người môn đệ đáng yêu nhất cũng không chấp nhận nổi… Nhưng Người vẫn đi, đi con đường Chúa Cha vạch và không sự cô đơn, không sợ gian khổ. Người đi gieo giống chỉ cần cuối cùng có hạt gặp được đất tốt. Cuộc đời của Người chỉ cần đi đến sự phục sinh, chứng tỏ Chúa Cha chấp nhận lễ hy sinh của Người để ban ơn đổi mới và sống lại cho nhân loại để cứu rỗi.

Chúng ta không thể nghĩ có thể có con đường thênh thang dẫn đến hạnh phúc và sự sống đích thực được. Chính Chúa đã nói như vậy. Chính Người đã đi trước làm gương cho chúng ta. Hơn nữa, chính Người đã dọn đường cho chúng ta, không phải để dẹp mọi trở ngại, miễn cho chúng ta và cùng với chúng ta cố gắng, nhưng để ban Thánh Thần làm sưc mạnh giúp chúng ta và cùng với chúng ta lướt thắng mọi trở lực. Do đó, nhìn vào gương Gamaliel cũng không bằng chạy đến bí tích Thánh Thể mà Chúa Giêsu đã thiết lập trong mầu nhiệm tử nạn phục sinh. Bánh này mới thật là bánh Người muốn ban cho chúng ta khi làm phép lạ kể trong Tin mừng hôm nay. Chúng ta cảm ơn Người và xin Người cho chúng ta biết đón nhận ơn cao cả Người ban.


THỨ BẢY


Cv 6,1-7 – Ga 6, 16 –21

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Chiều đến, các môn đệ Chúa Giêsu xuống bờ biển. Rồi lên thuyền, sang bên kia, trẩy về hướng Capharnaum. Trời đã tối, mà Chúa Giêsu vẫn chưa đến với họ. Bỗng cuồng phong thổi lên, biển động mạnh. Khi chèo đi được chừng hai mươi lăm hay ba mươi dặm, thì họ thấy Chúa Giêsu đi trên mặt biển, tiến lại gần thuyền, họ hoảng sợ. Nhưng Người nói với họ: "Chính Thầy đây, đừng sợ". Họ định rước Người lên thuyền, nhưng ngay lúc ấy, thuyền đã đến nơi họ định tới.

Chúng ta hãy thâm tín việc Chúa Giêsu phục sinh, Người đã sống lại và hằng sống. Người luôn ở gần chúng ta, đặc biệt những khi gặp khó khăn, chúng ta có thể cảm thấy sự nâng đỡ của Người một cách rõ ràng hơn.

Bài Tin mừng hôm nay cho chúng ta thấy điều đó. Đang khi các môn đệ gặp nhiều sóng gió và chẳng nghĩ gì đến Thầy. Thì Chúa Giêsu đã tỏ hiện để an ủi và giúp đỡ các ông. Ước gì chúng ta luôn nhớ Chúa chúng ta là Đấng nhân ái. Người đã dựng nên con người giống như Người, để bá chủ vạn vật. Người muốn chia sẻ cho họ chính sự sống vĩnh hằng và hạnh phúc của Người. Adong – Evà đã đưa con cái loài người đi xa Chúa. Nhưng Người có tình yêu trung kiên, bề vững. Người đi tìm con người, đặc biệt khi sai con người của Người xuống thế, và Chúa Con đã khẳng định ở với chúng ta mọi ngày cho đến thận thế. Do đó không một lúc nào tình yêu của Thiên Chúa ở xa chúng ta. Người không thể nỡ tâm ngồi yên khi chúng ta gặp sóng gió: huống là khi thấy cả loài người, cả Hội Thánh, cả Giáo Phận, cả giáo xứ, cả gia đình chúng ta lâm nguy. Tình yêu chân thật không thể bỏ rơi người bạn trong hoàn cảnh khó khăn. Chúng ta hãy tin như vậy và hãy biết ơn lòng nhân ái vô biên của Chúa.

Nhưng chúng ta cũng phải có sự khiêm nhường như Phêrô và các tông đồ trong bài đọc I hôm nay. Hồi đó các ngài cũng gặp khó khăn. Các ngài không chỉ trông chờ ơn Chúa trợ giúp. Các ngài khiêm tốn kiểm điểm nếp sống và lề lối làm việc của mình. Tuy được Chúa đặt lên lãnh đạo Hội Thánh, các tông đồ vẫn thấy rõ không thể ôm đồm tất cả mọi công việc. Phải chia sẻ với người khác, phải nhận ra giới hạn của mình để dành thời giờ cho việc ưu tiên cho công việc quan trọng hơn trong chức vụ. Nhờ đó những khó khăn trong Hội Thánh bấy giờ đã được giải quyết đẹp đẽ và ổn thoả.

Đó là bài học cho chúng ta. Có người cần phải chia sẻ công việc với người khác, có người phải có lòng đầy Thánh Thần nhận lấy công việc được trao phó cho mình, để một Thánh Thần hoạt động nơi mọi người và công việc của mọi người đều quy về xây dựng cơ thể của Đức Kitô phục sinh đang sống để tiếp tục cứu thế.

Chúng ta đang sung sướng được chính Người đến với chúng ta trong mầu nhiệm bàn thờ để hôm nay chúng ta ý thức hơn Người vẫn ở gần chúng ta. Nhưng khi ngự trong lòng chúng ta, Người cũng muốn mỗi người biết chia sẻ công việc với anh em và ai cũng có nhiệt tình chu toàn trách vụ của mình trong tinh thần khiêm tốn và liên đới. Chính những thái độ như vậy sẽ làm cho cuộc sống chung của loài người chúng ta thêm đằm thắm và tốt đẹp. Xin Chúa đến giúp đỡ chúng ta.
Mới hơn Cũ hơn