Các bài suy niệm tuần V Mùa chay

SUY NIỆM TUẦN V MÙA CHAY




THỨ HAI

Đn 13,1-9.15-17.19-30.33-62; Ga 8,1-11

Lời Chúa

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu lên núi cây dầu. Và từ sáng sớm, Người lại vào trong đền thờ. Toàn dân đến cùng Người, nên Người ngồi xuống và bắt đầu giảng dạy. Lúc đó, luật sĩ và biệt phái dẫn đến Người một thiếu phụ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, và họ đặt nàng đứng trước mặt mọi người. Họ hỏi Chúa Giêsu: "Thưa Thầy, thiếu phụ này bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, mà theo luật Môsê, hạng phụ nữ này phải bị ném đá. Còn Thầy, Thầy dạy sao?" Họ nói thế có ý gài bẫy Người để có thể tố cáo Người. Nhưng Chúa Giêsu cúi xuống, bắt đầu lấy ngón tay viết trên đất. Vì họ cứ hỏi mãi, nên Người đứng lên và bảo họ: "Ai trong các ngươi sạch tội, hãy ném đá chị này trước đi". Và Người ngồi xuống và lại viết trên đất.

Nghe nói thế họ rút lui từng người một, bắt đầu là những người nhiều tuổi nhất, và còn lại một mình Chúa Giêsu với người thiếu phụ vẫn đứng đó. Bấy giờ Chúa Giêsu đứng thẳng dậy và bảo nàng: "Hỡi thiếu phụ, những người cáo chị đi đâu cả rồi? Không ai kết án chị ư?" Nàng đáp: "Thưa Thầy, không có ai". Chúa Giêsu bảo: "Ta cũng thế, Ta không kết tội chị. Vậy chị hãy đi, và từ nay đừng phạm tội nữa".


Suy niệm

Câu chuyện bà Susanna (bài đọc I) đã được soạn thảo khoảng một thế kỷ trước Đức Kitô. Thoạt nghe qua, chúng ta có cảm tưởng như lời lẽ của một quyển tiểu thuyết. Thực ra, đây là những lời mạc khải và chúng có tác dụng hữu hiệu trong việc giáo dục đức tin của chúng ta.

Cuộc đời của bà Susanna đã là một bài học cho chúng ta rồi. Bà là người xinh đẹp, nhưng lại biết kính sợ Chúa (câu 2). Chắc hẳn bà đã được ảnh hưởng bởi cha mẹ đạo hạnh, đã dạy dỗ con rập theo Lề Luật của Chúa (câu 3). Bà là hình ảnh của một người công chính của Cựu ước, trung tín với Thiên Chúa, thà chịu xỉ nhục và vu khống còn hơn là phạm tội làm mất lòng Chúa (câu 23).

Đối ảnh của bà Susanna là hai vị kỳ mục được chọn làm thẩm phán của dân chúng. Tuổi đời đã nhiêu nhưng lại có nếp sống vô đạo (câu 6) dâm ô, tà vạy (câu 9-10). Chính cõi lòng đen tối của họ đã là nguyên nhân gây tai họa cho người công chính vô tội là Susanna. Thật đúng như lời Chúa dạy: sự dữ không từ ngoài mà vào nhưng phát xuất từ bên trong. Chính lòng dạ của con người là nơi trú ẩn của tội. Cũng chính từ lòng dạ con người đã sản sinh ra những tư tưởng gian tham, ô uế, bất công, xảo trá, giết người… Tội bao giờ cũng sinh ra tội. Chúng ta không nên quên bài học này khi đọc câu chuyện bà Susanna.

Đến lượt Đaniel lại là đối ảnh của hai vị thẩm phán bất lương kia. Em bé này sống ngay thẳng chân thật, không đồng hóa với tội ác để lên án người vô tội. Đây cũng là tấm gương sáng ngời cho chúng ta khi sống ở đời, trong tương quan với những người khác. Chúa dạy chúng ta phải sống theo sự thật, theo lẽ công bình bởi chính Chúa là đường, là sự thật và là sự sống.

Những bài học của câu chuyện bà Susanna thật lớn lao. Thời gian qua đi nhưng dường như câu chuyện ấy không phai nhòa. Thật vậy, khi nghe bài Tin Mừng của thánh sử Gioan nói về người phụ nữ ngoại tình, chúng ta có cảm tưởng dường như Gioan đã liên tưởng đến câu chuyện kia. Quả thật, chúng ta sẽ nhận ra những điểm tương tự giữa hai câu chuyện, như việc tố cáo bắt gặp quả tang phạm tội ngoại tình, sự đảo ngược của hoàn cảnh, việc ám chỉ đến những ông già (câu 9), việc dẫn người phạm tội ra giữa đám đông quần chúng (câu 3), việc nại đến luật Môsê để ném đá (câu 5). Và nếu đúng như vậy thì Đức Giêsu được giới thiệu như Đaniel mới không những để biện chính cho kẻ vô tội, nhưng còn biện chính cho kẻ có tội (câu 11). Điều này làm nổi bật một chân lý sâu xa: sự thẩm phán của Chúa chính là ân sủng và tha thứ, một chân lý làm ngỡ ngàng mọi suy nghĩ của con người. Là bởi vì “Thiên Chúa không sai Con đến trong thế gian để xử án thế gian, nhưng để nhờ Ngài mà thế gian được cứu” (Ga 3,17).

Chúng ta dễ dàng nhận ra hai màn nơi câu chuyện này. Màn thứ nhất: người phụ nữ ngoại tình được đem ra giữa quảng đại quần chúng để nhờ Chúa Giêsu minh xét. Quần chúng xem ra hăm hở. Thái độ thường tình của con người là thế: dễ dàng kết án tha nhân trong khi lại nhẹ nhàng trong sự lên án chính mình. Tội nghiệp cho người phụ nữ này, cô thế cô thân trước đãm đông đằng đằng sát khí. Cô là hình ảnh của nhân loại tội lụy không có khả năng cứu rỗi chính mình.

Thái độ của Chúa như thế nào? Địch thủ của Ngài mở cờ trong bụng, bởi vì nếu Ngài không lên án là phạm tội chống lại luật Môsê (Đnl 22,22-24), còn trái lại, nếu Ngài lên án thì tự mâu thuẫn với Tin Mừng của Ngài rao giảng: sự tha thứ và tìm kiếm tội nhân (x. Lc 15). Đứng trước việc khó xử này, Đức Giêsu đã “cúi xuống lấy ngón tay viết trên đất” (câu 7.9) với ý nghĩa là Ngài từ chối đưa ra lời kết án. Ngài đã tạo ra một khoảnh khắc thinh lặng để cho mỗi người tự vấn chính mình. Một sự thinh lặng thật diệu kỳ. Thật vậy, khi Đức Giêsu ngẩng đầu lên và bảo họ: “Trong các ông, ai vô tội thì hãy ném đá trước hết người này đi” (câu 7) (một câu nói của sách Thứ Luật 13,9-10.17,7) thì “kẻ trước người sau rút hết các kẻ cao niên dẫn đầu” (câu 9). Khoảnh khắc thinh lặng ấy đã giúp họ tự vấn lương tâm và nhận ra điều mà thánh Phaolô sẽ nói sau này “không ai công chính, không một ai” (Rm 3,10).

Chỉ còn lại người phụ nữ ngoại tình và Đức Giêsu: “Relicti sunt duo, miseria et misericordia” (thánh Augustinô). Cao điểm của câu chuyện là đây. Đức Giêsu nói với người phụ nữ bằng lời lẽ của một vị “Thiên Chúa giàu lòng thương xót, chậm bất bình và tràn đầy yêu thương”: Ta cũng không xử ngươi đâu. Hãy đi và từ nay đừng phạm tội nữa (câu 11).

Đức Giêsu đã sống điều Ngài dạy: “Phần Ta, Ta không xét xử ai” (Ga 8,15). Dầu vậy Ngài không đồng lõa với kẻ tội lỗi nhưng đưa họ vào một chân trời mới, cho họ khả năng làm lại cuộc đời.

“Lòng thương xót đối diện đối diện với sự bất hạnh, đó là tất cả Tin Mừng”: lời của thánh Augustinô.

Đức Giêsu đến trần gian này như hiện thân của lòng thương xót của Thiên Chúa muốn tha thứ và cứu rỗi con người. Chúng ta hãy bắt chước Ngài để biết sống lòng thương xót ấy, bởi vì “ai thương xót thì sẽ được xót thương”.



THỨ BA

Ds 21,4-9; Ga 8,21-30

Lời Chúa

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu nói với những người biệt phái rằng: "Ta ra đi, các ông sẽ tìm kiếm Ta và sẽ chết trong tội của cácông. Nơi Ta đi các ông không thể tới được". Người Do Thái nói với nhau rằng: "Ông ta sắp tự vẫn hay sao mà lại nói "Nơi Ta đi các ông không thể tới được". Chúa Giêsu nói tiếp: "Các ông thuộc về hạ giới; còn Ta, Ta bởi trời cao. Các ông thuộc về thế gian này; còn Ta, Ta không thuộc về thế gian này. Ta đã nói: Các ông sẽ chết trong tội các ông. Vì, nếu các ông không tin Ta, các ông sẽ chết trong tội của các ông". Vậy họ liền hỏi: "Ông là ai ?" Chúa Giêsu trả lời: "Là Nguyên thuỷ đang nói với các ông đây ! Ta có nhiều điều phải nói và đoán xét về các ông, nhưng Ðấng đã sai Ta là Ðấng chân thật, và điều Ta nói ra trong thế gian đây, chính là điều Ta đã nghe biết ở Ngài". Nhưng họ không hiểu là Người nói về Chúa Cha, vì thế Chúa Giêsu nói: "Khi nào các ông đưa Con Người lên cao, các ông sẽ nhận biết Ta là ai. Ta không tự mình làm điều gì. Ðiều Ta nói, chính là điều Chúa Cha đã dạy Ta. Ðấng đã sai Ta đang ở với Ta; Ngài không để Ta một mình, bởi vì Ta luôn luôn làm điều đẹp lòng Ngài". Khi Người nói những điều ấy thì có nhiều kẻ tin vào Người.


Suy niệm

Đức Giêsu nói với người Do Thái : con đường Ngài đi, họ không đi được. Ngay với các môn đệ, cũng có lần Ngài nói: họ không đi ngay được con đường Ngài hiện đi. Con đường nào mà khó thế? Người Do Thái đã nghĩ gần đúng khi họ hỏi nhau: phải chăng là con đường đưa đến tự vẫn? Hôm ấy Đức Giêsu cũng không chối cũng không nhận. Cũng như khi môn đệ hỏi Ngài tại sao họ không đi ngay được con đường Ngài hiện đi, Ngài cũng chỉ đáp, sau này họ sẽ hiểu. Và bây giờ chúng ta hiểu rồi. Con đường Đức Giêsu đi là con đường thập giá. Không ai đi ngay vào con đường ấy được, khi chưa nhận được Thánh Thần, tức cũng là Thần Khí của Ngài.

Thực vậy, con đường thập giá mà Đức Giêsu đi, ngược với cảm xúc và lựa chọn tự nhiên của con người. Con cái Israel ngày xưa mau chân lên đường ra khỏi Ai Cập là vì con đường giải phóng khỏi ách nô dịch. Nhưng khi đi trong sa mạc, họ đã ngã lên ngã xuống. Họ đã vật vã kêu trách Môsê. Họ không chịu được khi thiếu của ăn thức uống và khi dầm trên cát bỏng. Rồi có lúc cả rắn lửa. Bài Thánh Kinh hôm nay cho ta có cảm giác Chúa gởi rắn lửa đến để phạt họ. Có thể chỉ là một cách nói. Hôm ấy họ kêu trách Chúa thì gặp ngay một vùng nhiều rắn lửa như thường có ở Phi Châu. Nhưng cái hay là Chúa đã bảo Môsê làm ra con rắn đồng treo lên để ai bị rắn cắn mà nhìn vào đều được khỏi. Đức Giêsu nhìn thấy đó là hình ảnh nói về Ngài khi bị treo trên cây thập giá. Con đường Ngài đi là con đường sa mạc khô khan, không có gì là hấp dẫn cho xác thịt con người.

Đó là con đường gian khổ của cuộc đời trần gian qua mọi thế hệ loài người, mọi người khác luôn tìm an ủi trong tiền bạc, danh vọng và dục vọng, ít ra cũng luôn muốn được dễ chịu và cứ muốn kéo dài cuộc sống ở trần gian này. Đức Giêsu không nghĩ như vậy. Ngài luôn nhắm đến giờ được lại vinh quang mà Ngôi Hai vẫn có trước bên cạnh Thiên Chúa Cha. Ngài nhắc nhở chúng ta nhớ có đời sau, có sự sống hạnh phúc vĩnh hằng nơi Thiên Chúa. Và người ta phải sẵn sàng bán hết tất cả, hy sinh hết thảy để đi tới sự sống ấy. Tự nhiên chẳng có ai muốn chấp nhận như vậy. Do đó chẳng có ai đi ngay được con đường Đức Giêsu đã đi. Phải đợi Ngài ban Thánh Thần xuống đã, và điều này đã xảy ra – Trước kia các môn đệ bỏ Chúa một mình đi vào con đường khổ giá. Nhưng sau ngày Chúa Thánh Thần hiện xuống, họ đã dạn dĩ vác thập giá đi theo Thầy.

Đến lượt chúng ta ngày nay cũng vậy. Tự nhiên chúng ta không đi vào đường lối của Chúa được đâu. Chúng ta luôn có khuynh hướng tìm an ủi và thoải mải trên con đường trần gian và sẵn sàng kêu trách khi gặp khó khăn trắc trở. Con cái Israel xưa cũng vậy – Nhưng nay Chúa Giêsu đã ở trên thánh giá. Ngài đang kéo chúng ta lên nếp sống cao hơn. Ngài ban Thánh Thần là sức mạnh và an ủi chúng ta. Tham dự thánh lễ là rước Mình Máu Ngài, chúng ta tin tưởng có đủ ơn để đi theo Chúa để ngày hôm nay chúng ta không chiều theo đòi hỏi dễ dãi của xác thịt nhưng được Thánh Thần hỗ trợ chúng ta can đảm chấp nhận cố gắng để nâng cao nếp sống lên với Chúa.


THỨ TƯ

Đn 3,14-20.91-92.95; Ga 8, 31-42

Lời Chúa

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu nói với những người Do Thái đã tin nơi Ngài rằng: "Nếu các ngươi cứ ở trong lời Ta, các ngươi sẽ thật là môn đệ của Ta, và sẽ được biết sự thật, và sự thật giải thoát các ngươi". Họ thưa lại Người: "Chúng tôi là con cháu Abraham, và chưa bao giờ làm nô lệ ai cả. Tại sao ông lại nói "Các ngươi sẽ được tự do" ?". Chúa Giêsu trả lời rằng: "Quả thật, quả thật, Ta bảo các ngươi: Hễ ai phạm tội, thì làm nô lệ cho tội. Mà tên nô lệ không ở mãi trong nhà; người con mới ở vĩnh viễn trong nhà. Vậy nếu Chúa Con giải thoát các ngươi, thì các ngươi sẽ được tự do thực sự. Ta biết các ngươi là con cháu Abraham, thế mà các ngươi lại tìm giết Ta: vì lời Ta không thấm nhập vào lòng các ngươi. Ta nói những điều Ta đã thấy nơi Cha Ta. Còn các ngươi, các ngươi làm điều các ngươi đã thấy nơi cha các ngươi". Họ đáp lại: "Cha chúng tôi chính là Abraham !" Chúa Giêsu nói: "Nếu thực các ngươi là con cháu Abraham, thì các ngươi làm công việc của Abraham ! Nhưng các ngươi đang tìm giết Ta, là người đã nói cho các ngươi biết sự thật mà Ta nghe tự Thiên Chúa. Ðiều đó Abraham đã không làm ! Các ngươi đang làm việc của cha các ngươi !" Họ lại nói: "Chúng tôi không phải là những đứa con hoang ! Chúng tôi chỉ có một Cha là Thiên Chúa !" Chúa Giêsu nói: "Nếu Thiên Chúa là Cha các ngươi, thì các ngươi yêu mến Ta, vì Ta tự Thiên Chúa mà đến; vì Ta không tự mình mà đến, nhưng chính Ngài đã sai Ta đến".


Suy niệm

Hàng năm, người Do Thái tổ chức mừng lễ Lều trại đê nhắc nhở lại cuộc hành trình trong sa mạc cũng như thời gian đính hôn với Giavê (Lv 23,42tt; Gr 2,2). Lễ Lều là lễ của ánh sáng. Khu tiền đường dành cho các phụ nữ được thắp sáng. Cũng có những cuộc nhảy đuốc theo tiếng nhạc. Cảnh tượng này nhắc nhớ lại thời dân Israel đi trong sa mạc sau đám mây sáng chói tượng trưng cho sự hiện của Thiên Chúa.

Đức Giêsu cũng có mặt trong lễ Lều này. Giữa cảnh tưng bừng này của buổi lễ, Ngài tuyên bố với người Do Thái rằng: “Sự sáng thế gian chính là Ta” (Ga 8,12). Ngài là sự sáng đích thực của thế gian, bởi vì Ngài xuất thân từ Thiên Chúa, Đấng chân thật (8,26). Những gì Ngài nói ra đều đáng tin, bởi vì trước tiên Ngài đã nghe từ nơi Cha (8,26).

Khi nghe Đức Giêsu nói thế, nhiều người chống báng Ngài, nhưng cũng có “nhiều người đã tin vào Ngài” (8,30) nghĩa là muốn bước theo sau làm môn đệ của Ngài. Tuy nhiên, cũng như một con én không làm thành mùa xuân, người ta không thể làm môn đệ Đức Giêsu một hai ngày. Thật vậy, Đức Giêsu xác qyuết rằng muốn trở thành môn đệ của Ngài, trước tiên phải lắng nghe Lời Ngài và nhất là phải “giữ” và “lưu” lại trong Lời ấy (Ga 8,51.12,47.14,23-24). Đó là phương thế giúp họ “biết sự thật” và sự thật sẽ làm cho họ được tự do.

Hai chữ “tự do” này lập tức đã gây nên một ngộ nhận nơi người Do Thái và có thể nói đã làm thương tổn đến lòng kiêu hãnh của họ xét về phương diện quốc gia cũng như tôn giáo. Thật vậy, chữ “tự do” gợi lên sự giải thoát đã đạt được một lần cho tất cả vào lúc xuất hành, đồng thời tự do ấy đã được hứa cho tổ phụ Abraham (câu 32; x. Kn17,16.22,17-18). Người Do Thái quả thực chóng quên quá khứ 400 năm nô dịch tại Ai-cập. Không ai trong họ cho mình là nô lệ cả (Lv 25,42). Và nếu người Rôma có thống trị trên dân tộc của họ thì đó chỉ là một tình trạng nhất thời mà một ngày nào đó Đấng Thiên Sai sẽ đến và giải phóng cho họ. Nhưng lý do sâu xa nhất, theo như họ nghĩ, là vì họ thuộc “dòng giống Abraham”, điều bảo đảm sự tự do cơ bản của họ. Thuộc “dòng giống Abraham”, đó là một “tước hiệu danh dự” mà người Do Thái sẽ không bao giờ cảm thấy nhàm chán khi đề cập đến.

Đức Giêsu đã dựa trên “lý sự” của họ, trên niềm kiêu hãnh của họ mà trả lời. Ngài trả lời bằng cách mời gọi họ đừng sống quá hời hợt bì phu, nhưng hãy biết suy nghĩ sâu sắc hơn: “Quả thật, Ta bảo các ngươi, phàm ai phạm tội thì là nô lệ” (câu 34). Muốn biết mình là người tự do hay nô lệ thì vấn đề không phải là quay về với quá khứ cho dầu là một quá khứ huy hoàng đi nữa, nhưng phải biết phản tỉnh, phải biết nhìn vào chính nội tâm của cá nhân mình xem tội lỗi còn ngự trị ở đó hay không. Chính tội lỗi sẽ cướp đi nơi chúng ta mọi khả năng làm điều tốt và trói buộc chúng ta, hướng chúng ta về những gì xấu xa.

Sự ghe gớm của tội lỗi không dừng lại ở đó, Đức Giêsu nói tiếp: “Nô lệ thì không được lưu trong nhà mãi mãi. Con mới lưu lại mãi mãi” (câu 34). Nói khác đi, chính tội lỗi chẳng những làm cho họ trở thành nô lệ đích thực, nhưng còn tước đi tư cách làm con Abraham.

Một lần nữa, Đức Giêsu lại đụng chạm đến tước hiệu danh dự và làm thương tổn lòng kiêu hãnh của họ. Đức Giêsu là lương y của tâm hồn con người, Đấng đến để tìm kiếm và cứu chữa những gì đã hư đi cho nên Ngài phải chữa trị tận căn. Thánh Phaolô gọi Lời của Ngài như lưỡi dao phân tách xương cốt, tủy não. Muốn được tự do và làm con cái Thiên Chúa, chúng ta phải chấp nhận để cho Lời của Ngài thanh luyện.

Thế nhưng, một lần nữa người Do Thái lại tỏ ra rất lý sự va kiêu hãnh. Họ nghĩ rằng cha của họ là Abraham (8,39) và chính Thiên Chúa (8,42) chứ họ không phải là con đẻ hoang (8,42; x. Hs2,4) theo nghĩa họ không bất tín trong việc thờ ngẫu tượng, nhưng hoàn toàn trung tín với Lề Luật của Thiên Chúa.

Người Do Thái đã tỏ ra rất hời hợt bề ngoài. Chẳng có gì biện chứng cho lời nói của họ cả. Nếu họ tự thị là con cái Abraham thì sao họ đã không “làm các việc của Abraham” (8,39) và không “yêu mến Đức Giêsu” (8,42), Đấng nói những lời chân thật nghe được từ nơi Thiên Chúa? (8,40).

Câu chuyện của sách tiên tri Đaniel (bài đọc I) cũng hiến cho chúng ta những ý tưởng sâu sắc và rồi chúng ta cũng sẽ thấy sự gần gũi giữa hai bài sách thánh hôm nay.

Giữa cánh đồng Đura thuộc hạt Babylon, vua Nabukônôsor đã cho dựng một tượng vàng, tương tự như ngày xưa, trong một cánh đồng tương tự, người ta muốn xây một tháp Babel cao ngất trời. Trước tượng vàng này có một lò lửa luôn rực cháy để tiếp nhận các hiến sinh. Vua hạ lệnh, khi nghe tiếng dàn nhạc, mọi người phải phục mình bái lạy tượng vàng này. Ai không phục bái sẽ bị quăng vào lò lửa phừng phừng (câu 5-6.10-11.15). mọi người nghiêm chỉnh chấp hành, chỉ trừ Sadrak, Mêsad và Abed-Nơgô không chấp nhận bái thờ thần tượng. Hình phạt lập tức được ban hành.

Giữa lò lửa phừng phừng cháy, ba thiếu niên kêu gọi cả vũ hoàn ca ngợi Thiên Chúa, Đấng tạo nên đất trời.

Câu chuyện đại khái là thế. Nhưng bên trong đó hàm chứa một ý tưởng sâu sắc: một định nghĩa về sứ mạng dân được tuyển chọn đối với thế giới. Ba thiếu niên kia đủ khả năng phản kháng lại quyền bính của nhà vua, kẻ buộc họ phải bái thờ ngẫu tượng, bởi vì họ đã gặp được một (Đấng) “tuyệt đối còn cao cả hơn, quan trọng hơn chính bản thân và sự sống của họ nữa”. Người Kitô hữu đã khám phá ra “tuyệt đối” này mà họ gọi là “sự sống” và “tình yêu”. Thật là một bài học cho Kitô hữu mọi thời.

Những bài Sách Thánh hôm nay muốn dạy chúng ta rằng: người Kitô hữu không nên bắt chước dân Do Thái ngày xưa, không nên sống theo những “nhãn hiệu”, những “tước hiệu danh dự”, bởi vì chúng không có giá trị thật sự khi đối diện với Thiên Chúa.

Điều quan trọng hơn mà họ phải khám phá cho được, đó là Thiên Chúa là Đấng tuyệt đối của cuộc đời. Người là sự sống và tình yêu thật sự của họ. Và một khi đã khám phá ra “tuyệt đối” ấy thì họ lại muốn yêu mến Đức Giêsu (Ga 8,42) và lưu lại trong Lời của Ngài (8,31). Đó là phương thế giúp họ được giải thoát để được “tự do” đích thực và trở nên con cái của Thiên Chúa và thuộc dòng dõi Abraham, vị tổ phụ đã sống theo những yêu sách của Lời Thiên Chúa khiến ông, tuy sống trước Đức Kitô 13 thế kỷ, nhưng có thể nói “hân hoan được thấy Ngày của con Người” (8,56) Ngày cứu độ cánh chung.


THỨ NĂM

St 17,3-9; Ga 8,51-59

Lời Chúa

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu nói với người Do Thái rằng: "Quả thật, quả thật, Ta bảo các ngươi: Nếu ai giữ lời Ta, thì muôn đời sẽ không phải chết". Người Do Thái lại nói: "Bây giờ thì chúng tôi biết rõ ông bị quỷ ám. Abraham đã chết và các tiên tri cũng vậy, thế mà ông lại nói: "Ai giữ lời Ta, thì không bao giờ phải chết". Chẳng lẽ ông lại lớn hơn cha chúng tôi là Abraham sao? Ngài đã chết, các tiên tri cũng đã chết. Ông cho mình là ai?" Chúa Giêsu trả lời: "Nếu Ta tự tôn vinh chính mình, thì vinh quang của Ta sẽ không giá trị gì. Chính Cha Ta tôn vinh Ta. Người là chính Ðấng các ngươi xưng là Thiên Chúa của các ngươi. Vậy mà các ngươi không biết Người. Còn Ta, Ta biết Người. Nếu Ta nói Ta không biết Người, thì Ta cũng nói dối như các ngươi. Nhưng Ta biết Người, và Ta giữ lời Người. Cha các ngươi là Abraham đã hân hoan, vì nghĩ sẽ được thấy ngày của Ta. Ông đã thấy và đã vui mừng". Người Do Thái liền nói: "Ông chưa được năm mươi tuổi mà đã trông thấy Abraham rồi sao?" Chúa Giêsu trả lời: "Quả thật, quả thật, Ta nói với các ngươi: Khi Abraham chưa sinh ra, thì Ta đã có rồi". Bấy giờ họ lượm đá ném Ngài, nhưng Chúa Giêsu ẩn mình đi ra khỏi đền thờ.

Suy niệm

Abraham tin và giữ Lời Chúa, nên được Chúa giao ước ban cho dòng dõi đông đảo, quê hương thanh tú. Đức Giêsu còn thi hành Lời Thiên Chúa hơn nữa đến nỗi đã bỏ mạng vì Thánh ý Cha. Và Ngài cũng đã được giao ước, có đoàn dân đông đảo và có quê hương Thiên Đàng.

Chúng ta là dân của Ngài, được hứa ban gia nghiệp vĩnh cửu. Nhưng thường khi chúng ta không giống như người Do Thái sao? Những người này là dòng dõi Abraham và được thừa tự lời hứa. Nhưng họ không bắt chước Abraham, họ không giữ Lời Thiên Chúa. Họ là tiền thân của chúng ta, vì chúng ta được gọi là dân Kitô hữu nhưng lại chẳng sống theo lời dạy của Chúa Giêsu Kitô. Hôm nay, chúng ta nên suy nghĩ về điều này, và dưới chỉ một khía cạnh mà thôi.

Chính Chúa Giêsu đã gợi lên một khía cạnh của việc giữ Lời Chúa, khi nói Abraham ngày trước đã nhìn về trước và trông thấy ngày của Đức Giêsu. Đó là điều đã làm cho ông hân hoan.

Chúng ta cũng tin, nhưng ít nhìn về phía trước quá. Chúng ta bị thu hút bởi những nhu cầu hiện tại. Và thấy chưa được như ý, chúng ta loay hoay xoay xở, nhiều khi như không còn cần đến Chúa và có khi còn không được hài lòng với Người. Chúng ta chỉ muốn có hiện tại, chỉ muốn có mặt đất này mà thôi. Thế mà chúng ta vẫn bảo mình có đức tin.

Không, đức tin là con mắt và tâm hồn nhìn về phía trước. Mọi Lời hứa ở đàng đó, ở trước mặt, chứ không ở tầm tay. Không phải những sự ở đời này không có giá trị. Nhưng phải nói, chúng ta không có giá trị vĩnh viễn. Chúng là phương tiện để đạt đến sự sống cao hơn và xa hơn, vĩnh hằng và vĩnh phúc không thay đổi. Thế mà những điều này ở ngoài tầm tay của chúng ta. Con người phải xin Chúa ban cho. Họ phải hướng về Người, chờ đợi ở lòng tốt của Người hơn là cậy vào sức riêng của mình. Sức chúng ta chỉ phù hợp cho những sự đời này mà thôi. Chúng ta phải dùng nó để đạt được những sự ở đời này, nhưng không được quên hạnh phúc và sự sống thật đang gọi chúng ta nhìn xa và đi xa hơn. Chúng ta phải có niềm tin – Chúng ta hãy tin vào Lời Thiên Chúa. Khi đó, tuy sống ở đời này, lòng chúng ta vẫn hướng về phía trước – Chúng ta sẽ như Abraham – Chúng ta sẽ được thừa tự Lời Hứa mà Chúa đã ban miêu duệ ông, là các thế hệ các tín hữu.

Hôm nay, Đức Giêsu đến với chúng ta trong giáo ước mới. Ngài ban Thịt Máu Mình cho chúng ta để bảo đảm sự trường cửu mai sau. Nhớ đến điều đó, không những chúng ta không sơ suất đối với những nghĩa vụ hiện nay; ngược lại, được thần lương Ngài bổ dưỡng, chúng ta chu các nghĩa vụ này cách tốt đẹp, xứng đáng với cuộc sống mai ngày. Người có niềm tin phải nhìn về phía trước. Nhưng chính nhờ vậy mà ngay từ bây giờ họ đã hân hoan tiến bước. Họ mới đích thực là miêu duệ của Abraham.




THỨ SÁU

Gr 20,10-13; Ga 10,31-42

Lời Chúa

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, người Do Thái lượm đá để ném Chúa Giêsu. Người lên tiếng hỏi rằng: "Ta đã cho các ngươi thấy nhiều việc tốt lành bởi Cha Ta. Vậy vì việc nào mà các ngươi muốn ném đá Ta ?" Người Do Thái trả lời: "Chúng tôi muốn ném đá ông không phải vì việc lành, nhưng vì một lời lộng ngôn, bởi vì ông chỉ là người mà lại tự cho mình là Thiên Chúa". Chúa Giêsu đáp lại: "Nào trong sách luật của các ngươi không có chép câu này: "Ta đã nói: các ngươi là thần" ? Vậy nếu sách luật gọi những kẻ được nghe lời Chúa là thần, mà Kinh Thánh không thể huỷ diệt được, thì tại sao các ngươi nói với Ðấng đã được Chúa Cha thánh hoá và sai đến trong trần gian rằng "Ông nói lộng ngôn", vì Ta đã nói Ta là Con Thiên Chúa ? Nếu Ta không làm những việc của Cha Ta, thì các ngươi đừng tin Ta. Nhưng nếu Ta làm những việc đó, thì dầu các ngươi không muốn tin Ta, cũng hãy tin vào các việc đó, để các ngươi biết và tin rằng: Cha ở trong Ta, và Ta ở trong Cha". Bởi đó họ tìm cách bắt Người, nhưng Người thoát khỏi tay họ. Người lại qua bên kia sông Giođan, nơi trước kia Gioan đã làm phép rửa. Và Người ở lại đó. Có nhiều kẻ đến cùng Người. Họ nói: "Gioan đã không làm một phép lạ nào. Nhưng mọi điều Gioan nói về người này đều đúng cả". Và có nhiều kẻ tin Người.

Suy niệm

Chúng ta mến phục Giêrêmia. Nhà tiên tri bình thản tin tưởng vào Chúa, đang lúc gặp phải hoàn cảnh khó khăn nhất. Người ta chống đối, hội họp, gài bẫy, chờ đợi nhà tiên tri sơ hở sẽ nắm lấy mạng sống của ông. Nhưng ông trông cậy, sống phó thác cho sự công minh xét xử của Chúa. Ông là tấm gương cho chúng ta trong những hoàn cảnh trắc trở, để chúng ta biết sống bình tĩnh, phó thác và cậy trông.

Nhưng Đức Giêsu còn dạy chúng ta những mầu nhiệm cao siêu hơn nữa – Người ta đã lấy đá ném Ngài – Họ cho Ngài là phạm thượng. Ngài trang trọng giải thích: Sao các ngươi lại không hài lòng về Ta? Ta đã chẳng làm biết bao việc lành là dấu bởi trời sao? Họ đáp: Chúng tôi quí những việc ấy, nhưng chúng tôi không thể chấp nhận lời ông phạm thượng dám tuyên bố mình là Con Thiên Chúa. Thế ra họ không biết chính vì vậy mà Ngài xuống thế ư? Ngài đến đâu phải để làm một số phép lạ, nhưng cốt yếu để tỏ ra là con Thiên Chúa, biểu lộ Thiên Chúa yêu thương người ta như thế nào và nhất là cố gắng để họ cũng trở nên con Thiên Chúa. Đức Giêsu không thể nhượng bộ người ta về những điều này. Sứ mạng của Ngài là như vậy. Ngài phải giữ, phải nói, phải làm, cho người ta hiểu Ngài là con Thiên Chúa, Ngài mạc khải Thiên Chúa, Ngài đưa người ta về làm con Thiên Chúa. Dù phải chết, Ngài cũng cam chịu, để hoàn thành sứ mạng, sứ mạng cứu độ hết thảy mọi người.

Do đó, nếu bắt chước Giêrêmia là tốt, là nhân đức, vì bình thản tin tưởng vào Chúa khi gặp khó khăn đau phiền, thì việc bắt chước Đức Giêsu còn cần thiết hơn. Chúng ta thường gặp khó khăn, bất hòa với người khác, có giống như Đức Giêsu không? Có phải vì chúng ta muốn xác định chân tính Con Thiên Chúa, sứ mạng Thiên Chúa trao cho chúng ta, hay chẳng qua vì chúng ta có những tranh chấp với những người khác ở bình diện phàm trần. Chúng ta muốn có ý kiến, quan điểm, thái độ của mình nổi hơn. Chúng ta muốn hơn người, khiến người ghét chúng ta chứ chẳng phải vì chúng ta muốn bênh vực quyền lợi gì của Chúa. Trong những xung đột, bất hòa như vậy mà nói mình chịu khổ vì Chúa chẳng phải là phạm thượng và lầm lạc sao?

Giờ đây, Chúa Giêsu đến nơi mầu nhiệm bàn thờ. Ngài đến trong mầu nhiệm đau thương chỉ vì Ngài muốn mạc khải Thiên Chúa và kêu gọi con người vươn lên vinh dự làm con Thiên Chúa. Ngài kêu gọi chúng ta bỏ mình để Ngài kéo chúng ta lên. Ước gì đáp lại, chúng ta ngày hôm nay sẽ không sống theo con người cũ, con người tự nhiên xác thịt, nhiều tham vọng và gây mâu thuẫn với nhiều người. Hôm nay, chúng ta để Đức Giêsu kéo lên sống ơn gọi con Thiên Chúa. Chúng ta chia sẻ nếp sống nhân hậu của Thiên Chúa. Và như vậy, thay vì an ủi mình một cách giả dối, tưởng là mình bị ghét một cách oan uổng, chúng ta khiêm tốn muốn phục vụ mọi người để biểu lộ tình thương cứu thế của Chúa và chúng ta sẽ thay đổi đời sống an vui hơn trong tinh thần ngheo khó phúc âm.



THỨ BẢY

Ed 37,21-28; Ga 11,45-46

Lời Chúa

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, trong những người đến thăm Maria và đã chứng kiến việc Ngài làm, có nhiều kẻ đã tin vào Chúa Giê-su. Nhưng trong nhóm có kẻ đi gặp người biệt phái và thuật lại các việc Chúa Giêsu đã làm. Do đó, các thượng tế và biệt phái họp công nghị, và nói: "Chúng ta phải xử trí sao đây ? Vì người này làm nhiều phép lạ. Nếu chúng ta để mặc người ấy làm như thế, thì mọi người sẽ tin theo và quân Rôma sẽ kéo đến

phá huỷ nơi này và dân tộc ta". Một người trong nhóm là Caipha làm thượng tế năm đó, nói với họ rằng: "Quý vị không hiểu gì cả ! Quý vị không nghĩ rằng thà một người chết thay cho dân, còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt". Không phải tự ông nói điều đó, nhưng với danh nghĩa là thượng tế năm ấy, ông đã nói tiên tri rằng Chúa Giêsu phải chết thay cho dân, và không phải cho dân mà thôi, nhưng còn để quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mát về một mối. Bởi vậy, từ ngày đó, họ quyết định giết Người. Vì thế Chúa Giêsu không còn công khai đi lại giữa người Do Thái nữa. Người đi về miền gần hoang địa, đến thành phố tên là Ephrem, và ở lại đó với các môn đệ. Khi đó đã gần đến Lễ Vượt Qua của người Do-thái. Có nhiều người từ các miền lên Giêrusalem trước lễ, để được thanh tẩy. Họ tìm Chúa Giêsu; họ đứng trong đền thờ và bàn tán với nhau: "Anh em nghĩ sao ? Người có đến hay không ?" Còn các thượng tế và biệt phái đã ra lệnh rằng nếu ai biết Người ở đâu, thì phải tố cáo để họ bắt Người.

Suy niệm

Qua bài đọc I hôm nay, Ezêkiel đã khai triển đề tai thu họp những người Do Thái bị phân tán. Ngay lúc ông đang sống lưu đày ở Babylon, Ezêkiel đã viết lên những lời an ủi đầy khích lệ đối với dân Do Thái đang buồn sâu trong lúc bị lưu đầy. Ông nói cho dân Do Thái biết rằng: Thiên Chúa luôn trung thành theo ý định của Người, cho dù Người có đánh phạt dân, Người không từ bỏ họ, bởi vì họ là dân riêng của Người. Do đó, ông báo hiệu sự tái thiết lại đất nước Do Thái , một kẻ lưu đày sẽ được thu tập về, làm thành một dân tộc duy nhất, chứ không còn bị phân chia thành hai vương quốc như trước nữa. Thiên Chúa sẽ tẩy sạch họ, và sẽ biến họ lại thành dân riêng của Người.

Và điều tiên tri Ezêkiel đã tiên báo, lại được Chúa Giêsu thực hiện như Ngài đã nói trong bài Tin Mừng hôm nay. Quả thật như vậy, bài Tin Mừng hôm nay đã trình bày Chúa Giêsu như kẻ hy sinh mạng sống mình để tụ họp tất cả con cái Thiên Chúa bị lưu lạc về một mối duy nhất. Chúng ta có thể nói: đối với Gioan, đây là lý do sâu kín nhất cái chết của Chúa Giêsu. Chính vì lý do này, mà Chúa Giêsu đã hiến dâng mạng sống của Ngài trên cây thập giá. Bởi vì mục đích mà Ngài muốn tìm kiếm là thâu họp con cái Thiên Chúa về lại làm một. Chính qua cái chết của mình, Chúa Giêsu đã muốn làm cho những người chia rẽ nhau biết thương yêu nhau, làm cho tất cả những ai chống đối nhau, biết xích lại gần nhau. Và không phải chỉ những người thuộc dòng giống Do Thái như Ngài, nhưng tất cả mọi người trên khắp thế giới. Bởi vì xét cho cùng, tất cả mọi người đều là con một Cha trên trời.

Chúng ta có thể tất cả mọi người đều ước ao được sống hiệp nhất với nhau, được hòa hợp với nhau, được yêu thương nhau. Tuy nhiên, nhìn qua lịch sử nhân loại, chúng ta thấy không được mấy thời, nhân loại chúng ta được sống trong sự hòa bình hoàn toàn. Nhân loại luôn luôn bị xâu xé. Và chúng ta còn có thể nói là ngày nay, những cuộc tranh chấp nhau lại còn sâu xa hơn bao giờ hết. Nhưng dù vậy, ước vọng sâu xa nơi thâm tâm của con người là muốn có sự hiệp nhất. Giữa khi đó, Thiên Chúa lại tự nhận mình là kẻ thu thập tất cả mọi người về một mối, bởi vì chính nơi Ngài đã có mầu nhiệm sự hiệp nhất: tuy là ba nhưng chỉ là một. Cho nên Thiên Chúa đã muốn uốn nắn trở nên theo hình ảnh Người. Do đó, ước vọng của Chúa Giêsu qua cái chết của Ngài, là muốn thâu họp con cái Thiên Chúa về lại làm một. Đây không phải là một ước vọng có tính cách chính trị, đây cũng không phải là một ước vọng hoàn toàn có tính cách nhân loại. Ước vọng này của Chúa Giêsu có tính cách sâu sắc hơn tất cả mọi khái niệm của chủ nghĩa nhân ái, hay tính liê người đới tự nhiên. Đó là ý nghĩa sâu xa của mỗi một thánh lễ.

Quả thật, “Đây là Mình Ta sẽ bị nộp vì các con”; “Đây là Máu Ta sẽ đổ ra cho các con và nhiều người được tha tội”. Chúa Giêsu đã hy sinh chịu chết để lôi kéo toàn thể nhân loại vào tình yêu thương của Ngài. Do đó, khi chúng ta cùng nhau chia sẻ Mình và Máu Chúa Giêsu, chúng ta hãy xin Chúa liên kết chúng ta vào trong thân mình của Ngài, và cũng xin cho chúng ta biết cộng tác với Chúa trong việc liên kết và giúp mọi người biết xích lại gần nhau hơn.

Mới hơn Cũ hơn