Marco Sete | Shutterstock |
Thánh Faustina đã dâng ngày sống của mình cho nước Nga, vào năm 1936, khi Chúa Giêsu đang đau khổ về những gì đang xảy ra ở một quốc gia vô thần.
Trong những năm 1930, một nữ tu người Ba Lan tên là Faustina Kowalska đã có những mạc khải tư từ Chúa Giêsu Kitô.
Những thị kiến mà Thánh Faustina có sau này được xác nhận là lòng sùng kính “Lòng Chúa Thương Xót”, và đã gợi hứng cho Thánh Gioan Phaolô II thiết lập “Chúa nhật Lòng Chúa Thương Xót”, được cử hành hằng năm vào ngày Chúa nhật thứ 2 sau Phục sinh.
Vào ngày 16 tháng 12 năm 1936, Thánh Faustina đã viết trong nhật ký của mình về việc ngài đã dâng hiến một ngày sống của mình cho nước Nga.
“Tôi đã dâng ngày này cho nước Nga. Tôi đã dâng tất cả những đau khổ và những lời cầu nguyện của tôi cho đất nước nghèo nàn đó. Sau khi Rước Lễ, Chúa Giêsu nói với tôi: ‘Cha không thể chịu đựng đất nước này thêm nữa. Đừng trói tay Cha nữa, hỡi con gái của Ta’. Tôi đã hiểu rằng nếu không nhờ những lời cầu nguyện của các linh hồn làm vui lòng Chúa, thì cả quốc gia đó đã trở nên diệt vong. Ôi, tôi đau khổ vì quốc gia đã trục xuất Thiên Chúa ra khỏi biên giới của nó !” (Nhật ký, 818)
Ghi chép này xuất hiện chỉ vài ngày sau khi Joseph Stalin đặt bút ký Hiến pháp Liên bang Xô Viết - còn được gọi là Hiến pháp Stalin - vào ngày 5 tháng 12 năm 1936. Trong cùng năm đó, Stalin bắt đầu điều mà sau này gọi là “cuộc thanh trừng vĩ đại”, khiến cho 750.000 người thuộc phe đối lập với chính phủ bị giết chết.
Tin vui đó là Lòng Thương xót của Chúa Giêsu đã chiến thắng tất cả mọi sự và “những lời cầu nguyện của linh hồn làm vui lòng Chúa” có thể giúp đảo ngược tình thế trong bất kỳ cuộc chiến nào và thậm chí còn hoán cải được tâm hồn của những nhà lãnh đạo ở Nga.
Hơn hết, cùng với thánh nữ Faustina chúng ta cầu nguyện: “Lạy Chúa Giêsu con tin cậy vào Chúa!”.
G. Võ Tá Hoàng chuyển ngữ
aleteia
Đọc thêm: