CHÚA NHẬT II PHỤC SINH
Bài I: Cv 5, 12- 16
Từ biến cố ngày lễ Ngũ tuần, với sức mạnh Thánh Thần do Đức Kitô Phục sinh ban xuống. Giáo Hội đã chính thức được khai sinh và phát triển mạnh mẽ bắt đầu từ Giêrusalem. Số người tin vào lời rao giảng của các tông đồ ngày càng gia tăng. Họ đã thực tâm sám hối và tin vào Đức Kitô Phục sinh. Bằng việc giảng dạy và giải thích Thánh Kinh. Các tông đồ đã làm cho dân chúng dần dần hiểu được cuộc Tử nạn của Đức Kitô. Ý thức được nhu cầu sám hối của mình và tin vào biến cố phục sinh của Đức Kitô như là khởi điểm của một cuộc sống mới.
Các Tông đồ được đầy tràn Thánh Linh đã mạnh dạn thi hành các mệnh lệnh của Đức Kitô Phục Sinh: “như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con.”[1] các ngài được sai đi vào ngay giữa những người mới cách đây ít lâu đã phần nào có can dự vào vụ án Đức Giêsu. Để tiếp tục những công trình mà Đức Giêsu đã làm cho họ: rao giảng Tin Mừng cứu độ và chữa lành các bệnh tật. Đức Kitô không còn là một, những đã được nhân lên gấp bội qua các Tông đồ và các thừa tác viên Tin Mừng. Các ngài tái diễn những phép lạ của lòng thương xót mà Đức Kitô đã làm thuở trước, và từng đoàn người đông đảo lại tuôn đến với các ngài từ khắp nơi. Biến cố Phục Sinh của Đức Kitô quả là một cuộc bùn nổ của năng lực cứu độ để trở thành làn chấn động càng ngày càng lan rộng. Hạt lúa mì gieo xuống đất bị thối mục và đang trở thành cây lúa và đơm bông kết trái.
Thiên Chúa không tỏ ra oán thù hay chất nhất những kẻ đã khước từ Người và cộng tác vào cái chết của Người. Trái lại Người tiếp tục thi ân nhiều hơn nữa qua các tông đồ của Người. Những kỳ công và phép lạ ấy có mục đích bày tỏ lòng từ bi cứu độ và đồng thời kêu gọi họ hoán cải trở về với Tin Mừng, với Đấng mà họ đã một phen khước từ. Tất cả những ai thực tâm hoán cải và đáp lại lời mời gọi của Người đều được chữa lành. Để thể hiện sự hoán cải và đáp lời ấy, các tín hữu đã quy tụ chung quanh các tông đồ thành một cộng đoàn đức tin. Bằng một cuộc sống đức ái cao độ và trong tâm tình ca tụng tri ân. Chúng ta hãy cùng nhau sống lại những tâm tình của Giáo Hội sơ khai và đồng thanh xướng lên: “Hãy cảm tạ Chúa vì Chúa hảo tâm, vì đức từ bi của Người muôn thuở, Allêluia”[2].
Bài II: Kh 1,9 -11; 12-13; 17-19
Từ đảo Pátmô lưu đày thánh Gioan tông đồ đã viết sách Khải huyền như một tin thư gởi các Giáo Hội đang bị bách hại tại Tiểu Á, nhằm kêu gọi họ kiên trì trong gian truân thử thách trong khi chờ đợi ơn cứu độ chung cuộc của Đức Kitô.
Quả thế, Giáo Hội Tiểu Á lúc ấy đang trải qua một cuộc khổ nạn gay gắt. Đặc biệt dưới triều hoàng đế Đômitianô: máu chảy, lưu đày, gian truân. Giữa lòng Giáo Hội có những chứng nhân anh hùng, nhưng đồng thời cũng không thiếu những cảnh bôi giáo đau lòng. Chính giữa cơn quẫn bách ấy, Đức Kitô phục sinh đã xuất hiện với thánh Gioan cùng với những lời có sức an ủi lạ lùng: “đừng sợ, Ta là Đấng trước hết và là Đấng sau cùng. Ta là Đấng hằng sống; Ta đã chết, nhưng đây Ta vẫn sống đến muôn đời. Ta giữ chìa khóa sự chết và địa ngục[3]. Điều ngươi thấy ngươi hãy viết vào sách và gởi cho 7 giáo đoàn” (Tiểu Á)[4].
Đức Kitô vẫn sống, vẫn hiện diện gần gũi và quan tâm đến các con cái của Người trong cơn thử thách. Đó là một niềm an ủi lớn lao cho Giáo Hội. Nhưng khi gặp nguy biến. Niềm an ủi ấy chắc chắn được xây dựng trên niềm tin vào một Đức Kitô Phục Sinh toàn thắng thế gian. Cuộc toàn thắng đã bắt đầu ngay trong ách của những kẻ thuộc về Ngài, trong bóng u huyền của Thập giá. Niềm xác tín ấy có sức củng cố và khích lệ các cộng đoàn đang quằn quại trong gian truân thử thách để họ có đủ can đảm tuyên xưng đức tin và nắm giữ niềm hy vọng. Giáo Hội tuyên xưng niềm tin vào Đấng đã chết và đã sống lại. Sự toàn thắng đã chắc chắn nhưng hiện nay vương quyền của Người còn bị che giấu trong Thập giá. Một ngày kia, ngày hiền thê tha thiết ước mong, Ngài sẽ đến trong vinh quang. Đó là niềm hy vọng bất diệt mà Giáo Hội không ngừng ôm ấp qua các giai đoạn thăng trầm trong lịch sử.
Ước gì sự mạc khải năng lực cứu độ tàng ẩn trong biến cố Vượt Qua của Đức Kitô được thể hiện trong lòng mỗi người, để mỗi người biết sẵn sàng chấp nhận mọi thử thách vì đức tin và cuối cùng được phục sinh với Người trong vinh quang.
Tin Mừng: Ga 20, 19- 31
Đó là buổi chiều ngày Phục Sinh, ngày thứ nhất trong tuần của người Do Thái. Nỗi sợ hãi vẫn còn đang xâm chiếm các môn đệ. Trên mỗi khuôn mặt để lộ nét ưu tư lẫn thất vọng. Tất cả tụ họp tại một nơi có cửa đóng then cài kỹ lưỡng. Có vài người thất vọng hàng ngũ trở về quê. Bầu khí căn phòng nơi tụ họp thật là nặng nề. Thời gian trôi qua rất chậm và nỗi tuyệt vọng càng lúc càng dâng cao. “Bình an cho các con” tất cả đều run bắn lên trước câu chúc bình an quen thuộc được thốt lên trong một hoàn cảnh thật bất ngờ. Cùng với giọng nói quen thuộc là hình ảnh một con người thân thương: Thầy Giêsu. Người mà họ vẫn tưởng rằng đã mãi mãi đi vào cõi xa xăm. Các môn đệ còn chưa tin ở mắt mình. Biết đâu nỗi nhớ da diết có thể tạo ra những ảo giác ? biết ý, Chúa Giêsu tiến lại gần và cho họ xem thấy tận mắt các vết thương và cạnh sườn Người. Niềm tin và sự vui mừng đã dần dần léo lên trên từng khuôn mặt đã mấy ngày nay bị khét sâu những vết hằn thất vọng. Một lần nữa Chúa Giêsu lại thốt lên những lời quen thuộc để củng cố niềm tin của họ. Cho họ biết rằng dù không hiện diện cách hữu hình như trước, nhưng Người vẫn luôn luôn ở kề bên họ cách vô hình bằng Thánh Thần của Người: “Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội cho ai thì tội người ấy được tha, các con cầm tội ai thì tội người ấy bị cầm lại”. Với tư cách là một Đấng Phục Sinh toàn thắng sự chết và các quyền lực sự ác, nắm trong tay mọi quyền hành trên trời dưới đất, Chúa Giêsu muốn trao ban cho các môn đệ chính các quyền năng của Người để họ tiếp tục sứ mạng cứu độ của Người trên trần gian: “bình an cho các con” các môn đệ đã thực sự hành xử các quyền ấy ngay ngày lễ Ngũ tuần bằng cách rao giảng và quy tụ các kẻ tin thành một cộng đoàn Kitô giáo tiên khởi tại Giêrusalem, thực hiện các phép lạ để chữa lành các bệnh tật như chính Chúa Giêsu đã làm.
Trong lần xuất hiện này không có mặt Tôma. Lúc ông trở về, các bạn hữu thuật lại cho ông câu chuyện vừa xảy ra nhưng ông không tin. Tin làm sao được một câu chuyện có vẻ hoang đường như thế ! “nếu tôi không nhìn thấy vết thương ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh, nếu tôi không thọc bàn tay vào cạnh sườn Người thì tôi không tin”.
Thái độ của Tôma không phải là xa lạ với thái độ của con người thời nay. Người ta chỉ chấp nhận những gì có thể cân đo, sờ mó, kiểm chứng được. Họ muốn lấy lý trí làm thước đo mọi thực tại. Do đó, tất cả những gì vượt ra ngoài giới hạn của lý trí đều bị coi là hoang đường không đáng tin. Thế mà đức tin luôn luôn phải là một cuộc mạo hiểm vì nó không dựa vào kinh nghiệm hay lý luận. Đó là một khó khăn đối với Tôma, mà cũng là đối với chúng ta nữa. Đức tin luôn luôn giả thiết một sự vượt qua chính mình không ngừng, bởi vì nó là một sự lớn lên và tiến về với Đấng hoàn toàn khác, hoàn toàn vượt ra ngoài khả năng suy tư của chúng ta.
Ngoài ra, đức tin không những là một cuộc mạo hiểm mà còn là một cuộc chiến đấu. Đức tin không bao giờ thoải mái, không bao giờ dễ dãi. Nó xây dựng và tái tạo con người chúng ta bằng cách đòi chúng ta tự hủy: tự hủy những lập luận thường tình của lý trí, những cố chấp của tư tưởng, những dục vọng, những âu lo, sợ hãi. Tức là tất cả những cái tạo thành bản ngã của mỗi người. Mà không có cuộc chiến đấu nào gay go cho bằng chiến đấu với chính mình.
Tám ngày sau, cũng chính ngày thứ nhất trong tuần, các môn đệ lại họp nhau và lần này có cả Tôma, Chúa Giêsu lại hiện đến chúc bình an và liền sau đó Người đã nhìn thẳng vào Tôma với cái nhìn thấu suốt tâm tư thầm kín của ông và bảo : “hãy xỏ ngón tay con vào đây và hãy xem tay Thầy, hãy đưa bàn tay con ra và xỏ vào cạnh suờn Thầy, chớ cứng lòng nhưng hãy tin”. Đức Giêsu đã bằng lòng đáp ứng nguyện vọng đòi kiểm chứng của Tôma. Và như thánh Phaolô bị quật ngã trước sự hiện diện của Đức Kitô Phục Sinh trên đuờng đi Đamát. Thánh Tôma đã ngỡ ngàng và thốt lên một lời tuyên tín được coi như chóp đỉnh cao nhất trong toàn bộ sách Tin Mừng thứ tư: “lạy Chúa tôi, lạy Thiên Chúa của tôi!” từ một kẻ cứng lòng tự phụ, với lý trí Tôma đã nhìn nhận ngay lập tức Đức Giêsu là Chúa và là Thiên Chúa, điều mà trước đó chưa có một ai dám tuyên xưng.
Chính nhờ sự cứng lòng của Tôma mà chúng ta mới có hoạt cảnh hiện nay. Chính nhờ ông chúng ta mới được nghe câu nói bất hủ của Đức Giêsu : “phúc cho những ai không thấy mà tin” tất cả chúng ta ngày hôm nay đều không thấy Chúa Kitô Phục Sinh nhưng chúng ta tin dựa vào lời chứng của Giáo Hội.
Đức tin của chúng ta vì thế có giá trị cao nhưng đồng thời gặp nhiều cám dỗ thách đố trước những khiếm khuyết, mờ tối nơi một số chứng từ. Có người thực sự bị lung lạc đức tin khi thấy một chứng nhân mà lời nói không đi đôi với việc làm, khi thấy ngay giữa lòng Giáo Hội vẫn còn có những vết đen, những tồn tại phản chứng. Trong những lúc bị khủng hoảng đức tin như thế, chúng ta khiêm tốn lặp lại lời Tin Mừng : lạy Chúa, con tin, nhưng xin ban thêm đức tin cho con.
[1] Ga 20,21
[2] Tv 117,1-29
[3] Kh 1,17-18
[4] Kh 1,11