Bên cạnh nguồn thu nhập, công việc của bạn cũng là nguồn gốc của những rắc rối và bệnh tật?
Cuộc sống hằng ngày vốn sôi nổi. Rất nhiều cuộc hẹn, áp lực về những thành quả, việc quản trị thời gian, lên lịch trình cho những hoạt động khác nhau.... Cuộc sống nghề nghiệp không phải lúc nào cũng dễ dàng, thị trường cạnh tranh khốc liệt, sức khỏe có thể cho thấy dấu hiệu không ổn.
Mệt mỏi về thể chất và tinh thần quá mức, thiếu ngủ, gặp các vấn đề về tiêu hóa, không thấy thèm ăn uống, khó tập trung, cảm giác thất bại và vô vọng đó là một số triệu chứng của rối loạn cảm xúc, còn được gọi là hội chứng Burnout – hội chứng kiệt sức.
Các triệu chứng có thể là nhẹ, nhưng chúng có thể trở nên trầm trọng nếu không quan tâm đến nó. Các bác sĩ tâm thần hoặc tâm lý có thể nhận ra được những dấu hiệu này, chẩn đoán phù hợp và đưa ra phương pháp điều trị tốt nhất, có thể bằng tâm lý trị liệu hoặc dùng thuốc.
Thay đổi điều kiện làm việc và tập thể dục cũng được đề nghị để đạt được kết quả tốt hơn.
Phòng ngừa căn bệnh này có thể được thực hiện bằng cách đặt ra những mục tiêu nhỏ cho đời sống cá nhân và nghề nghiệp cũng như những khoảnh khắc vui vẻ bên gia đình và bạn bè.
Người ta không bảo rằng những người mắc hội chứng này phải rời công việc hiện tại của mình, nhưng điều quan trọng là phải biết phân tích lợi ích và cái giá phải trả. Bên cạnh nguồn thu nhập, nó còn là nguồn gốc của các vấn đề và bệnh tật?
Cách chúng ta nhìn cuộc sống cũng phải thay đổi. Chúng ta chỉ tập trung vào những khía cạnh tiêu cực hay cũng có thể nhìn thấy được những khía cạnh tích cực và từ đó rút ra những bài học từ mỗi hoàn cảnh mà bạn phải đối mặt? Vì vậy, điều quan trọng là đề cao giá trị của những điều tích cực mà chúng ta đã trải nghiệm.
Nếu chẩn đoán y học cho thấy cần phải dùng thuốc thì hãy nhớ đến sách Huấn ca 38, 1:
“Hãy tôn trọng thầy thuốc vì mọi người đều cần đến ông, và vì thiên chức lương y là do Đức Chúa thiết lập”. Thêm nữa, trong câu 4 chúng ta đọc thấy: “Thiên Chúa làm cho đất trổ sinh dược liệu; những thứ đó, người khôn chẳng dám coi thường”.
Các bạn hãy gia tăng giờ cầu nguyện và suy gẫm Lời Chúa. Thánh Phaolô dạy: “Hãy cầu nguyện không ngừng” (Eph 6, 18).
Và cuối cùng, hãy tin tưởng vào Chúa Kitô, vì Ngài đã nói: “Hãy can đảm lên! Thầy đã thắng thế gian” (Ga 16, 33).
G. Võ Tá Hoàng