Suy niệm lễ hai thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô
Hai Thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô đứng trước chúng ta như những chứng nhân. Các ngài không khi nào mệt mỏi với việc rao giảng và rong ruổi trên đường như những nhà truyền giáo từ vùng đất của Chúa Giêsu đến ngay tại Rôma này. Tại đây, các ngài đã đưa ra các chứng tá tột cùng, hiến dâng cuộc đời mình như những vị tử vì đạo. Nếu chúng ta đi vào trung tâm của chứng tá này, chúng ta có thể thấy các ngài là các chứng nhân cho sự sống, cho sự tha thứ và cho Chúa Giêsu.
Chứng nhân cho cuộc sống. Cuộc sống của các ngài, mặc dù, không gọn gàng và thẳng tắp. Cả hai vị đều có một lòng đạo sâu sắc: Phêrô là một trong những môn đệ đầu tiên (x. Ga 1, 41) và Phaolô rất nhiệt tình đối với truyền thống của tổ tiên mình (Gal 1:14). Tuy nhiên, các ngài cũng đã phạm phải những sai lầm lớn: Phêrô chối Chúa, trong khi Phaolô bắt bớ Giáo hội của Chúa. Cả hai đều bị rúng động trước những câu hỏi của Chúa Giêsu: “Simon con ông Gioan, con có yêu mến thầy không? (Ga 21:15); và “Saolô, Saolô, sao ngươi lại bắt bớ Ta?” (Công vụ Tông đồ 9, 4). Phêrô cảm thấy đau buồn trước những câu hỏi của Chúa Giêsu, trong khi Phaolô bị mù lòa trước những lời trách móc của Chúa. Chúa Giêsu gọi đích danh các ngài và thay đổi cuộc sống của các ngài. Sau tất cả những gì đã xảy ra, Ngài đặt niềm tin vào họ, nghĩa là vào kẻ đã chối Ngài và vào kẻ đã từng ra tay bắt bớ những môn đệ Ngài. Chúa đã đặt sự tin tưởng của Ngài vào những người tội lỗi có lòng ăn năn. Chúng ta có thể tự hỏi tại sao Chúa đã quyết định không ban cho chúng ta hai chứng nhân hoàn toàn liêm chính, với hồ sơ trong sạch và cuộc sống không chút tì vết? Tại sao lại là Phêrô, sao không là Gioan? Tại sao lại là Phaolô, mà không phải là Barnaba?
Có một giáo huấn quan trọng ở đây: điểm khởi đầu của đời sống Kitô không phải là sự xứng đáng của chúng ta; thật ra, Chúa chẳng làm được bao nhiêu với những người cho rằng họ tốt lành và cao trọng. Bất cứ khi nào chúng ta coi mình thông minh hơn hoặc tốt lành hơn những người khác, đó là khởi đầu của một sự kết thúc. Chúa không làm phép lạ với những người tự coi mình là công chính, nhưng với những người biết mình cần đến Ngài. Ngài không bị thu hút bởi sự tốt lành của chúng ta; đó không phải là lý do tại sao Ngài yêu mến chúng ta. Ngài yêu thương chúng ta ngay trong tình trạng hiện nay của chúng ta; Ngài tìm kiếm những người không tự mãn, nhưng sẵn sàng mở lòng ra với Người, những người minh bạch trước mặt Chúa như Phêrô và Phaolô. Phêrô thưa ngay với Chúa Giêsu rằng: “Con là một kẻ tội lỗi” (Lc 5: 8). Còn Phaolô thì viết rằng ngài là “người rốt cùng trong số các Tông đồ, không đáng được gọi là một Tông đồ (1 Cr 15, 9)”. Trong suốt cuộc đời, các ngài giữ gìn sự khiêm nhường này đến tận cùng. Thánh Phêrô chết đóng đinh lộn ngược, vì thánh nhân cho rằng mình không xứng đáng được bắt chước Chúa của mình. Thánh Phaolô luôn thích cái tên của ngài, có nghĩa là “bé nhỏ”, và bỏ lại sau lưng tên khai sinh của mình, là Saolô, tên của vị vua đầu tiên của dân tộc Do Thái. Cả hai đều hiểu rằng sự thánh thiện không hệ tại nơi việc tôn mình lên nhưng trái lại là tự hạ mình xuống. Sự thánh thiện không phải là một cuộc thi đua, nhưng là vấn đề phó dâng sự nghèo khó của chính chúng ta mỗi ngày cho Chúa, Đấng làm những điều tuyệt vời cho những người thấp hèn. Bí quyết khiến họ bền đỗ giữa lúc yếu đuối là gì? Đó là sự tha thứ của Chúa.
Chúng ta cũng hãy nghĩ về các ngài như các chứng nhân cho sự tha thứ. Trong những thất bại của mình, các ngài đã gặp được lòng thương xót vô biên của Chúa, Đấng đã tái sinh các vị. Nơi sự tha thứ của Chúa, các ngài gặp được sự bình yên và niềm vui không thể kềm chế. Khi nghĩ lại những thất bại của mình, các ngài có lẽ bị giày vò bởi cảm thức tội lỗi. Đã bao lần Phêrô có thể trăn trở về hành động chối Chúa của mình! Biết bao lần Phaolô thao thức vì đã làm tổn thương bao nhiêu người vô tội! Về mặt con người mà nói, các ngài đã thất bại. Tuy nhiên, các ngài đã gặp thấy một tình yêu lớn hơn những thất bại của mình, một sự tha thứ đủ mạnh để chữa lành ngay cả cảm thức tội lỗi của các ngài. Chỉ khi chúng ta trải nghiệm sự tha thứ của Chúa, chúng ta mới thực sự trải nghiệm sự tái sinh. Từ đó, chúng ta bắt đầu lại, từ sự tha thứ chúng ta tái khám phá chúng ta thực sự là ai khi chúng ta thú nhận tội lỗi của mình.
Chứng nhân cho sự sống và chứng nhân cho sự tha thứ. Phêrô và Phaolô cuối cùng là nhân chứng cho Chúa Giêsu. Trong Tin mừng hôm nay, Chúa hỏi: “Người ta nói Con Người là ai?” Những câu trả lời gợi lên những nhân vật của quá khứ: “Gioan Tẩy giả, Êlia, Giêrêmia hay một trong các tiên tri”. Đó là những người rất đáng chú ý, nhưng tất cả các vị đều đã chết. Thay vào đó, Phêrô trả lời: “Thầy là Chúa Kitô” (Mt 16: 13-14.16). Chúa Kitô, nghĩa là Đấng Messia. Đó là một từ không chỉ về quá khứ, nhưng hướng đến là tương lai: Đấng Thiên Sai là người được chờ đợi, Người là sự mới mẻ, là người mang dầu của Chúa đến xức cho thế giới. Chúa Giêsu không phải là quá khứ, mà là hiện tại và tương lai. Ngài không phải là một nhân vật xa xôi để tưởng nhớ đến, nhưng là người mà Phêrô có thể nói chuyện một cách thân mật: “Thầy là Chúa Kitô”. Đối với những người là chứng nhân cho Ngài, Chúa Giêsu không chỉ là một nhân vật lịch sử; Ngài là một người đang sống: Ngài là sự mới mẻ, chứ không phải là những gì chúng ta đã từng thấy, Ngài là sự mới mẻ của tương lai chứ không phải một hoài niệm của quá khứ. Như thế, chứng nhân không phải là người biết câu chuyện về Chúa Giêsu, nhưng là người đã trải nghiệm một câu chuyện tình yêu với Chúa Giêsu. Chứng nhân ấy, cuối cùng, công bố chỉ một điều này: đó là Chúa Giêsu là Đấng hằng sống và Ngài là bí quyết của sự sống. Thật vậy, Phêrô, sau khi nói: “Thầy là Chúa Kitô”, liền nói: “Con Thiên Chúa hằng sống” (câu 16). Chứng tá được phát sinh từ một cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu hằng sống. Ở trung tâm của cuộc đời của Phaolô cũng vậy, chúng ta cũng tìm thấy cùng một từ phát sinh từ trái tim của Phêrô: Chúa Kitô. Thánh Phaolô lặp lại danh thánh này liên tục, gần bốn trăm lần trong các lá thư của mình! Đối với thánh nhân, Chúa Kitô không chỉ là một điển hình, một tấm gương, một điểm tham chiếu: Ngài là chính cuộc sống. Phaolô viết: “Đối với tôi, sống là Đức Kitô” (Phil 1,21). Chúa Giêsu là hiện tại và tương lai của Phaolô, đến nỗi thánh nhân coi quá khứ là một sự thiệt thòi so với mối lợi tuyệt vời là được biết Chúa Kitô (x. Phil 3, 7-8).
Anh chị em thân mến, trước các chứng nhân này, chúng ta hãy hỏi: “Tôi có làm mới hàng ngày cuộc gặp gỡ của chính mình với Chúa Giêsu không?” Chúng ta có thể tò mò về Chúa Giêsu, hoặc quan tâm đến các vấn đề của Giáo hội hoặc tin tức tôn giáo. Chúng ta có thể mở các trang web trên máy tính và các bài báo, và nói về những điều thánh thiêng. Nhưng điều này chỉ dừng lại ở mức độ “Người ta đang nói gì?” Chúa Giêsu không quan tâm đến các cuộc thăm dò, quá khứ lịch sử hoặc các con số thống kê. Ngài không tìm kiếm các chủ biên tôn giáo, càng không chú ý đến các “trang chủ” hay các Kitô hữu “chỉ có danh xưng trong các con số thống kê”. Ngài đang tìm kiếm những chứng nhân nói với Ngài mỗi ngày rằng: “Lạy Chúa, Chúa là cuộc sống của con”.
Khi đã gặp được Chúa Giêsu và trải nghiệm sự tha thứ của Người, các Tông đồ đã làm chứng cho Chúa bằng cách sống một cuộc sống mới: các ngài không còn giữ lại cho mình, nhưng đã tự hiến hoàn toàn. Các ngài không còn bằng lòng với các biện pháp nửa vời nữa, nhưng chấp nhận biện pháp khả thi duy nhất cho những người theo Chúa Giêsu: đó là tình yêu vô biên. Các ngài đã “đổ máu ra làm lễ tế” (xem 2 Tm 4, 6). Chúng ta hãy xin ân sủng để đừng trở thành những Kitô hữu thờ ơ sống nửa vời, và để cho tình yêu của chúng ta trở nên nguội lạnh. Trái lại, chúng ta hãy tái khám phá chúng ta thực sự là ai qua mối quan hệ hàng ngày với Chúa Giêsu và qua quyền năng tha thứ của Người. Như Chúa đã hỏi Phêrô, giờ đây Chúa Giêsu cũng đang hỏi chúng ta: “Các con nói Thầy là ai?”, “Con có yêu mến Thầy không?” Chúng ta hãy để những lời này thâm nhập vào trái tim của chúng ta và truyền cảm hứng cho chúng ta để chúng ta không hài lòng với mức tối thiểu, nhưng nhắm đến những đỉnh cao, để rồi chúng ta cũng có thể trở thành nhân chứng sống động cho Chúa Giêsu.
Giáo hoàng Phanxicô