Trong thập giá có sự tha thứ, khiêm nhường, hiền lành, khoan dung và bình an

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT 14 THƯỜNG NIÊN C

Is 66, 10-14c; Gal 6, 14-18; Lc 10, 1-9 hoặc 1-12. 17-20



Trong bài đọc I, tiên tri Isaia loan tin vui cho những người lưu đày ở Babylon biết rằng Giêrusalem hoang tàn đổ nát sẽ trở thành nơi để chăm sóc họ. Isaia bảo đảm với người Do Thái rằng họ sẽ được Thiên Chúa chăm sóc : “Các ngươi sẽ được bú sữa, được ẵm vào lòng và được nâng niu trên đầu gối. Ta sẽ vỗ về các ngươi như người mẹ nâng niu con, và tại Giêrusalem, các ngươi sẽ được an ủi. Các ngươi sẽ xem thấy, lòng các ngươi sẽ hân hoan, và các ngươi sẽ nẩy nở như hoa cỏ, và tôi tớ Chúa sẽ nhìn biết bàn tay của Chúa”.

Bài đọc thứ II, thánh Phaolô cho thấy ngài rất hãnh hiện về một điều và muốn khoe điều đó cho tất cả mọi người, đó chính là thập giá của Chúa Kitô. Ngài nói: “Nhờ cây thập giá mà thế gian đã chịu đóng đinh cho tôi, và tôi cho thế gian”. Đối với thánh Phaolô thập giá là vinh dự và có một giá trị rất cao, vượt trên tất cả mọi sự vì nó mang lại ơn cứu rỗi cho mọi người.

Phải chăng giữa Isaia và thánh Phaolô có cái gì đó trái ngược; một bên cho chúng ta thấy rõ ràng về một niềm vui mà dân Israel sẽ có khi trở về Giêrusalem, một lời hứa không gì vui hơn; một bên lại nói về cây thập giá biểu tượng của sự đau khổ, chết chóc và hoang tàn.

Thập giá có gì hay, có gì quyến rũ khiến thánh Phaolô phải hãnh diện như thế?

Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu sai 72 môn đệ ra đi để chuẩn bị cho cuộc viếng thăm của Ngài với lời khuyên: “Các con đừng mang theo túi tiền, bao bị, giầy dép, và đừng chào hỏi ai dọc đường”. Một lời khuyên thật khó chịu. Không mang theo bất cứ thứ gì kể cả đôi dép cũng không, làm sao tôi có thể nói gì với người khác. Hóa ra tôi trở thành kẻ điên dại trước mặt mọi người.

Thế nhưng chưa có cái điên dại nào bằng điên dại của Chúa Kitô, Đấng bởi trời mà đến giữa chúng ta. Đấng ấy là Ngôi Hai, là Thiên Chúa, Đấng hiện hữu từ đời đời, Đấng hóa không thành có, Đấng chữa lành, thứ tha; Đấng chấp nhận từ bỏ sự giàu sang để thành người nghèo khó cho đến tận cùng bằng một cái chết bi thương trên thập giá.

“Trong khi người Do thái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hy lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một Đấng Kitô bị đóng đinh, điều mà người Do thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ. Nhưng đối với những ai được Thiên Chúa kêu gọi, dù là Do thái hay Hy lạp, Đấng ấy chính là Đức Kitô, sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa” (1 Cr 1,22-24).

Vâng thập giá điều mà thế gian cho là điên rồ và sỉ nhục lại chính là sức mạnh Thiên Chúa dùng để biến đổi con người. Cây thập giá chết chóc đã biến thành cây sự sống, đem lại sự sống đời đời cho chúng ta. Không có thập giá không có ơn cứu rỗi.

Cho nên, thánh Phaolô thật có lý khi hãnh diện về thập giá, vì ngài cảm nhận được sức mạnh của thập giá đã biến đổi cuộc đời mình như thế nào. Thập giá nơi treo một tử tội, trần trụi đã biến thành dấu chỉ của sự sống và bình an. Thập giá là lời hứa quê hương vĩnh cửu cho những ai tín thác vào đó.

Rao giảng Lời Chúa, không hệ tại ở những thứ lỉnh kỉnh mà người môn đệ mang trên mình, đôi khi nó trở thành thứ ngăn cản; rao giảng là đem đến cho người khác sự bình an.

Hôm nay Chúa Giêsu sai các môn đệ ra đi với một thông điệp rõ ràng “vào nhà nào, trước tiên các con hãy nói: 'Bình an cho nhà này”. Bình an đó không đâu xa mà chính là Chúa Kitô, xuất phát từ thập giá. Đó là kho tàng độc nhất vô nhị mà chúng ta cần phải chia sẻ cho tha nhân. Vì trong thập giá có sự tha thứ, khiêm nhường, hiền lành, khoan dung và bình an.

Khi gắn kết với Chúa Kitô, với thập giá của ngài, chúng ta được mời gọi rao truyền tất cả những gì chứa đựng trong đó, và chúng ta cũng sẽ hãnh diện về thập giá giống như thánh Phaolô.

Chúng ta đang trong đỉnh điểm của mùa hè, học sinh nghỉ học, nhiều gia đình đi nghỉ hè đây đó nhưng đừng quên bổn phận của mình. Mỗi người chúng ta đã được rửa tội, mang trên mình sứ mạng rao giảng tin mừng của Chúa Giêsu Kitô, và bổn phận phải rao giảng Chúa cho mọi người là của chính chúng ta.

Đừng sợ và cũng đừng lo lắng rằng tôi phải nói gì và làm gì. Xin nhắc lại “trong thập giá có sự tha thứ, khiêm nhường, hiền lành, khoan dung và bình an”. Đó là điều chúng ta phải sống và làm chứng cho Chúa Kitô trong cuộc sống mỗi ngày của chúng ta.

G. Võ Tá Hoàng

Mới hơn Cũ hơn