SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT 15 THƯỜNG NIÊN C
YÊU THƯƠNG, MỘT QUY LUẬT MUÔN ĐỜI
Cuộc sống của chúng ta có nhiều thứ để chọn lựa; có lúc chúng ta chọn điều xấu hoặc có khi là điều tốt. Có một điều mà chúng ta cần phải chọn lựa đó là “yêu thương”, một qui luật muôn đời. Luật đó ở không xa, "ở sát bên các ngươi, nơi miệng các ngươi, trong lòng các ngươi, để các ngươi thực thi". Luật ấy ở trong trái tim, nơi mà Thiên Chúa đặt để sự thiện giúp con người sống tốt hơn. Đây cũng chính là điều mà Thiên Chúa nói với dân Israel trong bài đọc I, sách Đệ nhị luật. Luật yêu thương được cụ thể hóa qua hình ảnh của người Samaritano trong bài Tin mừng hôm nay. Để hiểu rõ hơn điều đó chúng ta cùng tìm hiểu bài Tin mừng này.
Một người thông luật đã hỏi Chúa Giêsu: “Tôi phải làm gì để có được sự sống đời đời?”.
Thay vì trả lời, Chúa Giêsu hỏi anh ta, lề luật đã dạy điều này như thế nào. Người thông luật dựa vào Kinh thánh để trả lời: "Ngươi hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết sức và hết trí khôn ngươi, (Đnl 6,5) và hãy thương mến anh em như chính mình"(Lv 19,18).
Chúa Giêsu khích lệ ông ta và khuyên ông ta hãy cứ làm như vậy để được sự sống đời đời.
Với sự hãnh diện, tự hào mình là người thông luật, ông tiếp tục hỏi : “Vậy ai là anh em của tôi?”. Chúa Giêsu trả lời cho anh ta bằng một câu chuyện.
Trong câu chuyện này chúng ta thấy có ba nhân vật : Thầy tư tế, trợ tế (lêvi) và người Samari.
Nhưng có một điều khiến chúng ta thắc mắc: Tại sao thầy tư tế và trợ tế đã bỏ đi. Phải chăng họ là những người đã được học và thông hiểu những lề luật đã được dạy trong sách đệ nhị luật và lêvi, như người thông luật đã trả lời Chúa Giêsu trên kia. Đây là lý do.
Vào thời Chúa Giêsu, có khoảng 7.000 thầy tư tế thay phiên nhau tế lễ trong đền thờ. Mỗi người phục vụ đền thờ 5 tuần trong một năm. Để có thể thực hiện công việc này, vị tư tế phải có giữ mình không bị ô uế; hay nói cách khác họ cần phải có đầy đủ sức khỏe về tinh thần và thể chất.
Bởi vậy khi nhìn thấy một người bị nạn trên đường, họ không dám động tay vào người chết, vì sợ dính máu của người bị nạn, điều đó làm cho họ ra ô uế, khiến họ không còn trong sạch nữa. Nếu bị ô uế họ phải kiêng kỵ bảy ngày không thi hành chức vụ tư tế, và nếu trùng vào những ngày phải tế lễ trong đền thờ thì: Em sắp dâng lễ xin bác thông cảm chịu khó nằm đấy vậy, đợi người khác tới cứu. Tôi phải dâng lễ trong đền thờ bác ạ.
Cũng có khoảng 10.000 người trợ tế (lêvi) và họ cũng làm việc theo ca mỗi người 5 tuần một năm; họ không được trả tiền và làm công việc khiêm tốn nhất trong đền thờ: dọn dẹp, canh gác đền thờ không cho phép người ngoại giáo vào đền thờ. Tuy nhiên, những tư tế xem mình là dân tộc thuần chủng nên khó có thể giúp đỡ người khác, nếu không may người bị nạn lại là người không cùng dân tộc của mình.
Điều thứ hai khiến cho họ bỏ qua đó là, đoạn đường Từ Giêrusalem đến Giêricô dài khoảng 27 km và lên độ cao 1100 mét. Đó là một con đường rất tốt cho các cuộc phục kích của kẻ cướp, nên họ không thể nán lại để giúp đỡ vì nếu không sẽ bị trễ giờ.
Người Samaria không được coi thuần chủng, họ là kẻ thù của người phương Bắc là người Giuđêa, do hoàn cảnh lịch sử đem lại. Vì lý do này, người Samaria không được coi trọng - anh ta không trong sạch vì anh ta bị pha trộn với các chủng tộc và tôn giáo khác.
Tin mừng không cho biết người Samaria đi đâu, nhưng có vẻ không có thời gian để lưu lại lâu. Bản văn cho biết: Ông trông thấy và động lòng thương. Trong tiếng Hy lạp từ này có nghĩa sâu hơn: ông quặn lòng. Nó diễn tả một nỗi đau cả về tinh thần lẫn thể xác, tựa như người mẹ quặn đau khi sinh con.
Dù ông không có liên hệ máu mủ đến nạn nhân này nhưng ông đến gần, băng bó vết thương, xức dầu, rượu và đỡ nạn nhân lên lừa của mình.
Dầu được dùng để xoa dịu cơn đau và rượu để khử trùng. Dầu biểu tượng phục hồi phẩm giá bị đánh cắp và rượu vang để khôi phục hạnh phúc đã mất.
Bài Tin mừng hôm nay cho chúng ta thấy nhiều điều phải suy nghĩ, nó liên quan đến cuộc sống của chúng ta.
Chúng ta thường hành động theo một tương quan mà không hành động bởi sự kiện. Giúp đỡ những người thuộc máu mủ họ hàng, bạn hữu quả rất dễ dàng, vì trong nhà giúp đỡ nhau là chuyện thường tình. Nhưng hành động bởi sự kiện quả quá khó. Chẳng hạn như trong gia đình họ hàng ruột thịt, thậm chí là cha mẹ tôi, nhưng tôi không ưa, khi gặp chuyện khổ chúng ta vẫn phớt lờ. Chúng ta quyết định hành động bởi cái tương quan mà chúng ta muốn hay không muốn, trong khi sự kiện đòi chúng ta phải ra tay. Có những lúc ra tay bởi sự kiện nó quan trọng hơn và cần phải làm hơn là cái tương quan.
Trong thế giới này, chúng ta dễ rơi vào tình trạng dững dưng bởi nó không có liên quan gì đến mình. Những chuyện xảy ra trước mắt nhưng nó không chạm vào quả tim chúng ta không hề đá động tới. Mà giả như chúng ta có làm gì đi nữa thì chúng ta xem mình là kẻ ban phát.
Vào thập niên 70 của thế kỷ trước (năm 1978), đã xuất hiện cuốn tiểu thuyết của nhà văn Nodar Dumbadze người Georgia được dịch sang tiếng Việt với tựa đề “QUY LUẬT CỦA MUÔN ĐỜI”, đã trở thành một “hiện tượng văn hoá” khá hi hữu, một “best-seller” thu hút rất đông số độc giả, nhất là giới trí thức trẻ của hệ thống xã hội chủ nghĩa. Bởi chưng, cái kết luận và cũng là “luận đề cơ bản” của cuốn tiểu thuyết nầy đó là : cuộc nhân sinh của kiếp người bị chi phối bởi cái “QUY LUẬT CỦA MUÔN ĐỜI” mà cốt yếu đó là “YÊU THƯƠNG GIÚP ĐỠ LẪN NHAU”.
Người Samaria là hình ảnh của lòng thương xót vô điều kiện của Thiên Chúa. Thiên Chúa thương chúng ta như người cha thương lo cho con cái. Chúng ta cũng phải yêu mến Người với tình con thảo, và thương mến anh em như chính mình. Chúa Giêsu đã hiện thực hóa tình yêu dành cho Thiên Chúa và cho con người cách trọn hảo qua cuộc nhập thể làm người và nhất là qua cuộc tự hiến trên thập giá.
Hôm nay trên muôn nẻo đường thế giới, đang có mặt đầy dẫy những thân phận người “bị cướp” và cũng đầy dẫy những hạng người vô cảm, “sợ bị lấm tay”, sợ phải phiền luỵ…. Là Kitô hữu, chúng ta hãy để Lời Chúa biến chúng ta thành khí cụ của tình yêu và biến chúng ta thành anh em của mọi người, nhất là của những ai đau khổ, bất hạnh.
Bài học “trở thành người Samari nhân hậu”, hay bài học “nhận ra người anh em” quả thật, không có điểm dừng. Xin Thánh Thể Chúa Giêsu mà chúng ta sẽ mang theo sau khi tham dự “Bàn Tiệc Thánh” sẽ đồng hành với chúng ta trên mọi nẻo đường và đốt nóng trái tim chúng ta để luôn biết sẵn sàng thực thi “quy luật của muôn đời” : “cúi xuống, rửa chân và yêu thương phục vụ”.
G. Võ Tá Hoàng