“Các mục tử bên trong đời sống con người, cộng đoàn, Quốc gia, trong cái nhìn của những người bị tổn thương và loại trừ, của những người không ngừng nhìn về tương lai để sống với người khác và vì người khác”. Đây là hình ảnh của người mục tử được chính Đức Giáo hoàng Phanxicô viết lời giới thiệu cho cuốn sách “Những mục tử trong lòng Giáo hội, xã hội và con người” (NXB San Paolo trang 272), trong đó Đức Hồng y Angelo Bagnasco đã góp nhặt các bài viết trong nhiệm kỳ thứ hai của ngài với tư cách là chủ tịch Hội đồng Giám mục Italy.
“Tôi rất vui khi có thể giới thiệu cuốn sách những người Mục tử trong lòng Giáo hội, xã hội và con người của Đức Hồng y Angelo Bagnasco, tuyển tập những bài viết trong nhiệm kỳ thứ hai với tư cách là Chủ tịch HĐGM Italy, bằng cách xác định nghiêm túc một số đề tài như giáo dục, gia đình, nạn nghèo đói và chính trị nhằm đưa chúng ta trở lại với những nguyên tắc ban đầu, đó là lời loan báo của Chúa Giêsu. Đối mặt với những chuyển biến nhân học đang diễn ra, điều này không chỉ liên quan đến bối cảnh của Châu âu, mà cách chung, nó liên quan đến toàn thế giới, con đường đang và vẫn là giáo dục về đức tin để tái khám phá một số ý tưởng chính xác về con người bắt đầu từ mầu nhiệm Chúa Kitô.
Việc đọc lại những trang này không chỉ là để tôn vinh lịch sử, mà ngược lại, nó là một trợ giúp để đọc lại thời đại này ngõ hầu thấy được những vấn đề được nêu lên cách sống động. Tất cả đều nằm trong cái nhìn của người mục tử.
Thật vậy, mục tử trước hết là người phải vụ phục anh chị em mình trong Thiên Chúa, bằng cách nhận ra rằng cuộc đời của ngài không thuộc về mình mà do Thiên Chúa, người Cha trìu mến, quảng đại và xót thương tặng ban.
Người mục tử phải biểu lộ lòng xót thương của Thiên Chúa để sao cho chân lý tỏa sáng như thể điều thiện nơi mỗi người: sự thật, giải thoát và lòng thương xót chữa lành.
Người Mục tử phải công bố Lời Chúa và làm cho Lời ấy nhập thể trong cuộc sống Giáo hội và con người. Hành trình làm cho Tin mừng thành của mình mang lại niềm vui trong tâm hồn, niềm vui đào sâu mầu nhiệm của Thiên Chúa giống như tiếng thưa “vâng” vĩ đại đối với cuộc sống.
Bên trong lời loan báo này, và lộ trình tiếp sau đó, là niềm vui thực sự của những Mục tử - như có lần tôi đã nói – “mang mùi chiên” : các mục tử sống giữa đoàn chiên của họ và là những kẻ chài lưới người.
Tóm lại, như tựa đề của tập sách đã cho thấy, các mục tử trong cuộc sống con người, cộng đoàn, Quốc gia, trong cái nhìn của những người bị tổn thương và loại trừ, của những người không ngừng nhìn về tương lai để sống với người khác và vì người khác, hay nói cách khác : trong lòng một dân tộc, trong lòng Giáo hội.
Đức Hồng Y Bagnasco đã cố gắng cho thấy - và chúng ta có thể dễ dàng đọc được điều đó trong những trang này - rằng Giáo Hội là một cơ thể sống, sống động, nó không phải là một bộ máy tổ chức hành chính mà đôi khi có người muốn giảm thiểu nó. Tất nhiên, chúng ta đang sống trong một thời đại đầy khó khăn, nhưng cũng có niềm vui vốn không bao giờ lịm tắt, vì nó bắt nguồn từ Tin mừng. Các mục tử “được đặt ra để chăn dắt Giáo hội của Thiên Chúa” (CV 20, 28), họ tham gia vào sứ mạng của người Mục tử Tốt lành. Nhưng chúng ta sống sứ vụ ấy như thế nào? Tôi nghĩ rằng, những trang này sẽ giúp trả lời cho câu hỏi đó và chúng nói với tất cả các mục tử : trong đôi mắt của các mục tử không có ai là vô hình hay ở bên lề. Các mục tử hãy ra đi để gặp gỡ từng người bằng sự ân cần và lòng nhân từ của người cha đầy thương xót, với một tinh thần mạnh mẽ và quảng đại. Các mục tử hãy sẵn sàng nhận ra được điều tốt của anh em và điều xấu của người khác, có khả năng trao hiến cuộc sống của mình cách nhưng không và mềm dịu. Đó vừa là ơn gọi của anh em; bởi vì như thánh Têrêxa hài đồng Giêsu đã viết, “chỉ có tình yêu mới làm cho các chi thể của Giáo hội hoạt động: nếu tình yêu bị dập tắt, các tông đồ không thể loan báo Tin mừng được nữa, các thánh tử đạo sẽ từ chối đổ máu của mình...”.
Tuy nhiên, cuốn sách này không chỉ khuyến nghị các giám mục và các cộng tác viên của họ đọc, mà còn cho các giáo dân của các cộng đoàn kitô giáo và những ai cảm thấy “xa cách” đọc lấy, để khám phá những suy nghĩ có thể khích lệ chúng ta suy tư và giúp chúng ta sống trong thời đại này.
Dưới ánh sáng này, tôi cám ơn ĐHY Angelo Bagnasco vì nhiệm vụ khiêm tốn và chia sẻ của ngài, không thiếu những hy sinh cá nhân, trong một thời điểm chuyển tiếp không mấy dễ dàng. Tôi cảm ơn ĐHY về những lời dịu dàng và mạnh mẽ mà ĐHY đã công bố trong những năm làm chủ tịch của ngài. Và tôi cũng cám ơn ngài vì lòng trung thành và tận tụy của ngài khi đi bên cạnh tôi, luôn nhìn về phía trước để phục vụ cho Giáo hội Italia và Quốc gia.
G. Võ Tá Hoàng