Francisco Veneto
Chính Chúa Giêsu đã giải thích rằng không phải những gì đến từ bên ngoài đều khiến con người ra ô uế.
Tại sao người Công giáo ăn thịt heo trong khi người Do Thái và Hồi Giáo coi thịt heo là ô uế?
Những lý do về các loại thịt có thể ăn và không thể ăn được giữa các nền văn hóa khác nhau và cũng có nhiều nguyên tắc khác nhau giữa các tôn giáo. Ngoài ra còn có các phong trào kêu gọi nên kiêng ăn thịt hoàn toàn.
Chẳng hạn mới đây, có một nhóm bảo vệ động vật đã gây ra cuộc tranh cãi khi gửi thư cho Đức Giáo hoàng Phanxicô, đề nghị ra vạ tuyệt thông đối với những người công giáo ăn thịt dưới bất kỳ hình thức nào.
Theo hãng thông tấn ACI Prensa, nhóm này lập luận rằng “không nên ăn thịt khi sức khỏe của hành tinh và tương lai của cuộc sống đang bị đe dọa”.
Liên quan đến việc ăn thịt nói chung, hãng thông tấn này đã tham khảo ý kiến của cha Francisco José Delgado, thuộc Tổng Giáo phận Toledo, Tây Ban Nha, về những gì mà Giáo hội Công giáo khẳng định.
Ngài cho biết: “Trong truyền thống, đức tin công giáo chưa bao giờ cấm ăn thịt”. Ngài nói thêm, học thuyết này là phù hợp “với những gì Tân Ước nói”.
Rõ ràng Chúa Giêsu dạy rằng “Không có cái gì từ bên ngoài vào trong con người lại có thể làm cho con người ra ô uế được” (Mc 7, 15). Ngạc nhiên trước tập tục Do Thái của Chúa, các môn đệ thắc mắc về những gì Người đã nói, Người giải thích cho họ: “Cả anh em nữa, anh em cũng ngu tối như thế sao? Anh em không hiểu sao? Bất cứ cái gì từ bên ngoài vào trong con người, thì không thể làm cho con người ra ô uế, bởi vì nó không đi vào lòng, nhưng vào bụng người ta, rồi bị thải ra ngoài?” (Mc 7, 18-19). Thánh sử Marcô nhấn mạnh: “Như vậy là Người tuyên bố mọi thức ăn đều thanh sạch” (c.19).
Đây cũng chính là lý do cơ bản cho thấy tại sao không cấm người công giáo ăn thịt heo, cho dù truyền thống của người Do Thái và Hồi Giáo không cho phép ăn vì họ coi thịt heo là ô uế.
Cha Francisco José cũng nhắc lại rằng Thánh Phaolô tông đồ đã cho rằng không có vấn đề gì trong việc ăn thịt động vật được cúng tế cho các ngẫu thần, vì những hy lễ này không có chút giá trị tôn giáo nào. Tuy nhiên, các tín hữu có thể tự do kiêng các loại thịt này vì lương tâm cá nhân. Cha Francisco José cũng nhấn mạnh rằng, trong trường hợp này: "Việc kiêng thịt không phụ thuộc vào việc nó là thịt động vật, mà qua việc nó đã được hiến tế trong một nghi lễ ngoại giáo, như tập quán của dân ngoại”.
Ngài cũng nói về ý nghĩa của việc người công giáo kiêng thịt vì lý do sám hối, chẳng hạn như trong Mùa Chay.
“Luận lý của việc đền tội không phải là từ bỏ những điều bị cấm, bởi vì điều này luôn được thực hiện, nhưng là từ bỏ những điều được phép. Nếu Giáo hội kêu gọi kiêng thịt trong những ngày nhất định hoặc nếu một số dòng tu luôn được kêu gọi làm như vậy hoặc vào một số thời điểm nhất định thì đó chính là vì Giáo hội được phép ăn thịt”.
Cuối cùng Cha Francisco José nhắc lại rằng, Thánh Tôma Aquinô, một trong những nhà thần học vĩ đại nhất trong lịch sử Kitô giáo, đã khẳng định cách rõ ràng rằng được phép giết các động vật để nuôi sống mình, và tương tự như vậy cũng được phép dùng thực vật để nuôi sống.
G. Võ Tá Hoàng