Cách nuôi dưỡng tinh thần truyền giáo nơi trẻ em

Monkey Business Images I Shutterstock


Mathilde De Robien

Nhân Ngày Thiếu nhi Truyền giáo, chúng tôi gợi lên đây một số phương cách để các em có thể tham gia vào sứ vụ rao giảng Tin mừng và trở nên người môn đệ truyền giáo.

Mọi Kitô hữu đều được mời gọi trở thành “môn đệ truyền giáo”, một thành ngữ được Đức Thánh cha Phanxicô dùng, là trọng tâm của triều đại giáo hoàng cũng như trong Tông Huấn Niềm Vui Tin mừng, mời tất cả những ai đã được rửa tội làm chứng cho tình yêu của Chúa Kitô. Một cách rao giảng Tin mừng, giống như các môn đệ đầu tiên, người phụ nữ Samaria và thánh Phaolô.

Đức Thánh Cha nói: Nếu mỗi Kitô hữu “đã thực sự trải nghiệm tình thương cứu độ của Thiên Chúa thì không cần nhiều thời gian hay một sự đào tạo lâu để đi rao giảng tình thương ấy” (số 120). Các em thiếu nhi cũng được mời gọi truyền giáo hay ít là chuẩn bị tâm hồn của chúng cho công việc này. “Người được rửa tội, bất kể chức năng và trình độ giáo dục đức tin của họ trong Giáo hội, là tác nhân tích cực của việc rao giảng Tin mừng”.

Các em thiếu nhi có vị trí của chúng trong việc rao giảng Phúc âm. Không nhất thiết phải dành trọn thời gian để nói về Chúa Giêsu, nhưng cần học cách mở rộng con tim cho tha nhân, đặc biệt là những người yêu đuối nhất.

Trong buổi đọc Kinh Truyền Tin ngày 6 tháng 1 năm 2015, khi nói về Ngày Thế giới Thiếu nhi Truyền giáo, Đức Thánh Cha Phanxicô đã trình bày: “Đây là ngày lễ của các trẻ em, đang sống với niềm vui hồng ân đức tin và cầu nguyện để ánh sáng của Chúa Kitô đến với tất cả các trẻ em trên thế giới. Tôi khuyến khích các nhà giáo dục hãy vun trồng nơi các em nhỏ tinh thần truyền giáo. Xin cho các em không là những đứa trẻ hoặc thiếu niên khép kín nhưng mở lòng; xin cho các em thấy được chân trời rộng mở, để con tim của các em hướng đến chân trời đó, nhờ thế có thể nảy sinh giữa các em những chứng nhân về lòng nhân hậu của Thiên Chúa và những con người loan báo Tin mừng.

Vậy làm thế nào để nuôi dưỡng tinh thần truyền giáo ở trẻ em?

1. DẠY CHO CÁC EM NHẬN RA CÁC ÂN HUỆ CỦA THIÊN CHÚA

Để làm chứng cho tình yêu của Chúa Kitô, trước tiên cần phải cảm nghiệm được tình yêu ấy. Tuy nhiên, thật khó để một em bé có thể học được tình yêu của Thiên Chúa, Đấng luôn vô hình trong cuộc sống hằng ngày của nó. Để khích lệ em nhận biết tình yêu của Thiên Chúa, chỉ cần hỏi em rằng : “Con thấy Chúa yêu con như thế nào?” Một vài ý tưởng để giúp em trả lời, đó là: Thiên Chúa là Đấng đã tạo ra cây cối và chúng đem lại cảnh quan tuyệt đẹp; các loại rau củ quả để chúng ta ăn, nước để làm dịu cơn khát. Thiên Chúa là nguồn cội của cuộc sống, của tình thương mến trong gia đình… Thiên Chúa đã sai Chúa Giêsu, Con của Ngài, xuống thế để cứu rỗi mọi người chúng ta… Một khi các ơn sủng đã được nhận ra, hãy khích lệ các em cám ơn Chúa. Một hành động biết ơn làm rộng mở tâm hồn.

2. KHUYẾN KHÍCH CÁC EM QUAN TÂM ĐẾN NGƯỜI KHÁC

Người môn đệ - nhà truyền giáo là người mở lòng để gặp gỡ. Trong lĩnh vực này, mẫu gương của cha mẹ đóng vai trò quan trọng. Căn nhà của các bạn có phải là nơi ấm cúng không? Ý kiến của các bạn về những điểm yếu nhất là gì? Một đứa trẻ, từ khi còn rất nhỏ, thiên về sự đồng cảm. Trau dồi phẩm chất này sẽ giúp cho các em “hướng về những vùng ngoại ô” và chăm sóc những người xung quanh.

3. DẠY CÁC EM BIẾT CHIA SẺ

“Xin giúp con biết chia sẻ thời gian, tình bạn và tiền bạc của con”, kinh nguyện của các em thiếu nhi và người trẻ truyền giáo của Hội đồng Giáo hoàng Truyền Giáo (POM). Sống tình huynh đệ với tha nhân, hy sinh thời gian bằng cách thăm viếng người già cả, yếu đau, quyên góp tiền bạc cho một hiệp hội… Đó là các cách để học biết chia sẻ, một phẩm chất thiết yếu của người môn đệ - nhà truyền giáo tương lai!

4. DUY TRÌ NIỀM VUI CỦA CÁC EM

Trong Tông huấn Niềm vui Tin mừng, Đức Thánh cha phàn nàn: “Có những Kitô hữu sống đời mình giống như chỉ có mùa Chay mà không có mùa Phục Sinh” (số 6). Người môn đệ - nhà truyền giáo không nên có thái độ u buồn, nhưng tỏa sáng niềm vui mà tình yêu của Chúa Kitô mang lại. Một đứa trẻ thường có tính vui vẻ đơn sơ này. Chúng ta hãy vun trồng nó bằng cách cùng vui với nó, vì “niềm vui diễn ra nơi những người được Chúa Kitô và Thánh Thần của Người lôi cuốn là điều có thể làm cho mọi sáng kiến truyền giáo sinh hoa kết trái”.

5. DẠY CÁC EM BIẾT CẦU NGUYỆN

Để có thể nói về Thiên Chúa, Đấng yêu thương và cứu độ, cần phải biết Ngài, thường xuyên nói về Ngài, coi Ngài như một con người gần gũi và không xa cách mình. Chính qua việc cầu nguyện mà sự thân mật này phát triển. Vì vậy cần dạy cho các em biết cầu nguyện, cho chúng thấy rằng, chúng có thể tạo ra và phát triển tình bạn chân thật với Thiên Chúa.

Kinh ngợi khen, cầu xin và hành động tạ ơn… hãy khởi xướng cho các em lời kinh chuyển cầu: để trở thành người môn đệ - nhà truyền giáo, điều quan trọng là mời chúng cầu nguyện cho người khác, áp dụng một hình thức cầu nguyện không đặt mình làm trung tâm. Đây không phải chỉ là cầu nguyện cho chính mình, nhưng mang những ý định liên quan đến thế giới và tha nhân. Lời nguyện này được nới rộng cho toàn thể Giáo hội, mở rộng tâm hồn các em và cho phép các em có được một chỗ đứng trong đại gia đình những người đã chịu phép rửa. Với tư cách là người được rửa tội, là chi thể của Giáo hội, các em có thể cầu nguyện cho các chi thể khác kém may mắn hoặc đau khổ hơn mình.

Kinh nguyện của các em thiếu nhi và người trẻ truyền giáo.

Lạy Chúa, nhờ phép rửa

Chúa đã đưa con vào đại gia đình con cái Chúa là Giáo hội.

Chúa biết tên con và kêu gọi con trở thành nhà truyền giáo.

Xin giúp con biết quan tâm đến người khác

yêu thương và gặp gỡ họ.

Xin cho con biết chia sẻ thời giờ, tình bạn và tiền bạc của con

với tất cả anh chị em của con trên thế giới.

Xin dạy con biết cầu nguyện với Chúa mỗi ngày

và tín thác vào Chúa trong mọi sự.

Lạy Chúa, xin đoái xem và chúc phúc cho tất cả các trẻ em trên thế giới.

Xin dạy cho con biết đặt mình phục vụ tha nhân

để trở thành chứng nhân niềm vui Tin mừng

Amen.

G. Võ Tá Hoàng
Mới hơn Cũ hơn