Đức tin như một hành trình

ANDREA TORNIELLI



Bênêđictô XVI chứng nhân và thầy dạy đối thoại với mọi người

Nếu có một thần học gia và một vị Giáo hoàng mà suốt đời mình suy tư và giảng dạy về tính hợp lý của đức tin, người đó chính là Joseph Ratzinger. Không phải tình cờ mà ngài đã nói về điều này trong những dòng cuối cùng của di chúc thiêng liêng được công bố vào ngày được Chúa gọi về: “Tôi đã thấy, và đang thấy, từ mớ giả thuyết rối rắm, tính hợp lý của đức tin đã xuất hiện và đang xuất hiện trở lại như thế nào. Chúa Giêsu Kitô thực sự là Đường, Sự Thật và Sự Sống - và Giáo Hội, trong mọi khuyết điểm của mình, thực sự là Thân Thể của Người”.

Tuy nhiên, việc lặp đi lặp lại nhấn mạnh này không có nghĩa là làm suy giảm đức tin thành một “hệ thống” triết học, thành một khoa kiến trúc các ý tưởng, thành một danh sách các chuẩn mực luân lý để rồi quên đi rằng đức tin kitô giáo là một cuộc gặp gỡ với một Ngôi Vị, như chúng ta đã đọc trong phần mở đầu của thông điệp Deus caritas est.

Trong cuộc phỏng vấn hàng tháng với phóng viên người Đức, Herder Korrespondenz, được đăng tải vào tháng 7 năm 2021, Đức Giáo hoàng danh dự đã nhận định: “Người tín hữu là một người biết tự vấn chính mình... Theo nghĩa này, ý tưởng về một cuộc “nấp mình vào một học thuyết thuần túy” đối với tôi xem ra hoàn toàn phi thực tế. Một học thuyết chỉ tồn tại như một trữ lượng tự nhiên, tách biệt khỏi thế giới niềm tin và những đòi hỏi của nó hằng ngày, thì cách nào đó nó tượng trưng cho sự từ bỏ đức tin. Giáo lý phải được phát triển trong đức tin và bắt đầu từ đức tin chứ không phải bên cạnh đức tin".

Khi đã là hồng y, vào năm 2001, Ratzinger đã có những lời phát biểu rất rõ ràng để không rơi vào chủ nghĩa giản lược này, điều mà ngày nay vẫn cần nhắc lại lần nữa: “Bản chất của đức tin không phải là lúc nào đó mà người ta có thể nói: Tôi đang có nó, còn người khác thì không. Đức tin luôn là một lộ trình. Trong suốt cuộc đời của chúng ta, vẫn còn đó một con đường, và do đó đức tin luôn bị đe dọa và nguy hiểm. Và đó cũng là điều tốt vì theo cách này, nó tránh được nguy cơ biến mình thành một hệ tư tưởng có thể thao túng được. Nó có nguy cơ làm cho chúng ta cứng lòng và khiến chúng ta không còn khả năng chia sẻ suy tư và đau khổ với anh chị em, những người đang nghi ngờ và tự vấn. Đức tin chỉ có thể trưởng thành theo mức độ mà ta phải chịu đựng và chịu trách nhiệm ở mọi giai đoạn cuộc sống, của đau thương và sức mạnh của sự hoài nghi để rồi cuối cùng vượt qua được nó cho đến khi nó trở nên khả thi trong một thời đại mới.

Như Đức Bênêđictô XVI, Đức Thánh cha Phanxicô cũng muốn nhắc lại rằng, đức tin được thông truyền là nhờ sức lôi cuốn chứ không phải bằng cải giáo hay áp đặt. Người tín hữu không phải là người “sở hữu” một điều gì đó mà họ có thể “quản lý” được. Kitô giáo không phân phát câu trả lời có sẵn để giải thích mọi điều cho mọi người. Kitô hữu là người có thể làm phản chiếu một tia sáng nào đó của ân sủng mà họ nhận được cách bất xứng, và một khi điều đó xảy ra là do ân sủng thuần túy. Do đó, họ được mời gọi tìm kiếm Thiên Chúa bằng cách đối thoại với bất kỳ ai, đảm nhận mọi nghi ngờ và mọi vết thương hiện sinh của những người không tin, đồng hành với mọi người, mà không bao giờ tự coi mình là “đã đến nơi”. Joseph Ratzinger cũng là một nhân chứng và một người thầy trong việc này.

G. Võ Tá Hoàng



Mới hơn Cũ hơn