Suy niệm mỗi ngày Tuần 4 Thường niên



Thứ Hai

Dt 11,31-40; Mc 5,1-20

Kinh Thánh vẫn nói tới ma quỉ như những thế lực chống lại Thiên Chúa và chuyên cám dỗ loài người. Đó là con rắn đã cám dỗ Evà và đã chiến thắng; là tên đã cám dỗ Chúa Giêsu và đã thất bại ê chề. Khi đã rơi vào vòng kìm kẹp của ma quỉ, loài người sẽ trở nên giống hệt như người bị quỉ ám hôm nay: trở nên hung bạo đến vô phương chữa trị: mất hẳn sự sống và môi trường sống, chỉ còn mồ mả làm chốn dung thân; mất hết mọi phẩm giá, trở nên trần truồng đến vô cùng.

Với đoạn Tin Mừng này, thánh Marcô muốn công bố cho ta những sự thật lớn lao này:

Thời của ma quỉ đã đến hồi khánh tận. Đã đến lúc dòng giống của người phụ nữ đạp dập đầu tên cám dỗ. Thời ấy chính là lúc này khi Chúa Giêsu xuất hiện trên trần gian này. Ngài đến để tước đi quyền thống trị của Satan trên con người mà xua chúng về lại nơi ở của chúng: như đàn heo đã nhào xuống biển để chết, Satan cũng chỉ còn một lối thoát duy nhất trước Chúa Giêsu là lao vào cõi chết, ở yên trong cõi chết.

Khi đã xua trừ Satan khỏi loài người, Chúa Giêsu đã thực sự giải thoát họ. Từ nay, con người không còn sinh ra để chết nữa, mà là để sống. Từ nay mồ mả không còn phải là nhà ở của con người nữa mà nơi ở của họ sẽ ở tận nơi Thiên Chúa hằng sống, như có lần Chúa Giêsu đã nói: "Trong nhà Cha Thầy còn nhiều chỗ, Thầy đi để dọn chỗ cho anh em, để Thầy ở đâu, anh em cũng được ở đó với Thầy".

Khi không còn làm nô lệ cho Satan nữa, con người sẽ được mang một phẩm giá mới, phẩm giá của con cái Thiên Chúa. thánh Marcô thuật lại: khi được những người chăn heo báo cho biết những việc Chúa Giêsu đã làm cho kẻ bị quỉ ám, dân chúng đến thì thấy kẻ bị quỉ ám đã tỉnh táo, ăn mặc chỉnh tề, ngồi bên Chúa Giêsu. Chuyện này làm ta nhớ lại khi xưa vừa sa ngã, Ađam Evà đã xấu hổ vì đã thấy mình trần truồng. Trần truồng ở đây không phải là thân xác không quần áo, mà trần truồng ở đây là mất mát không gì có thể bù đắp được, mất Thiên Chúa, mà đã mất Thiên Chúa thì cũng mất luôn sự sống, hạnh phúc và vinh quang. Khi đến trần gian, Chúa Giêsu là Thiên Chúa thật đã làm người thật như ta. Nơi Ngài, Thiên Chúa và con người trở nên một. Đó là một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên con người được vào tận trong Thiên Chúa, kỷ nguyên Emmanuel, Thiên Chúa ở cùng chúng ta, để ta cũng được ở cùng Thiên Chúa. đó là phẩm giá đích thực của loài người. Nếu ta không được ở cùng Thiên Chúa, không muốn ở cùng Thiên Chúa, không muốn vào tận trong Thiên Chúa là Đấng đã vào tận trong nhân loại chúng ta, ta vẫn chưa thực sự được giải thoát, vẫn chưa tỉnh táo, vẫn còn trần truồng, trơ trụi, nơi ở của ta vẫn là mồ là mả. Nếu ta không vào tận trong Thiên Chúa, thì ta vẫn chưa được vào trong sự sống đời đời hoàn hảo gấp ngàn lần sự sống hôm nay.

Chỉ vì muốn được hưởng sự sống lại hoàn hảo gấp ngàn lần sự sống hôm nay mà bao người trong Cựu ước đã phải lao đao vất vả, đã chịu đòn chịu vọt, chịu tra tấn dã man, chịu xiềng xích ngục tù, chịu ném đá, cưa xẻ, thiêu sống… chỉ vì muốn hưởng sự sống đời đời Chúa Giêsu đã đem lại cho ta, mà có người đã phải phiêu bạt tứ xứ, mình phủ da cừu, da dê, bị thiếu thốn hiếp đáp hành hạ. Dẫu hành vi đức tin ấy của họ đã được Thiên Chúa chứng giám nhưng họ vẫn không được lãnh lấy điều đã hứa. Họ vẫn phải chờ cho đến khi Chúa Giêsu phá vỡ mọi xiềng xích Satan và sự chết, để giải thoát họ và cả ta nữa.

Những người trong Cựu ước tuy chưa được thấy sự sống lại hoàn hảo hơn sự sống hiện tại mà vẫn dám hy sinh cả tính mạng để đổi lấy sự sống ấy. Còn chúng ta, những người đã chứng kiến, đã cảm nghiệm được sự sống đời đời ấy một cách nào đó rồi, chẳng lẽ ta lại không dám đánh đổi sự mau qua này để đổi lấy sự sống đời đời ấy sao?

Thời của ma quỉ đã khánh tận, thời ở mồ mả của ta đã chấm dứt. Bây giờ là thời ta được đời đời ở với Đức Kitô trong Thiên Chúa. mỗi lần tham dự thánh lễ là mỗi lần ta được ở với Đức Kitô, mà đã được ở với Đức Kitô, ta cũng sẽ được giải thoát khỏi sự chết, được đưa vào tận trong Thiên Chúa là môi trường sống mới của ta. Ước gì hôm nay khi tham dự thánh lễ này, ta thực sự được hưởng những ân huệ cao quí đó, để sau thánh lễ này, ta trở về với bà con của ta, loan báo cho họ những gì Thiên Chúa đã làm cho ta, để họ cũng được hưởng ơn giải thoát như ta.



THỨ BA

Dt 12,1-4; Mc 5,21-43

Tin Mừng hôm nay thuật lại: Chúa Giêsu chữa cho người đàn bà loạn huyết đã mười hai năm và phục sinh con gái của ông Giairô. Nói đến phép lạ Chúa Giêsu làm, hôm nay sẽ có người bĩu môi coi thường như những chuyện nhảm nhí. Còn người công giáo thì lại ra sức bào chữa, chống chế, chứng minh đó là điều có thật. Rồi ta cứ mặc nhiên coi đó là những chuyện có thật khi Chúa Giêsu còn sống trên trần gian này, còn bây giờ thì hết rồi, vì Chúa Giêsu đã về trời rồi, nên bệnh thì lo thuốc uống, chết thì đem chôn chờ ngày sống lại. Bây giờ Chúa Giêsu chỉ lo chữa lành phần hồn thôi, còn "xác đất vật hèn" hơi đâu mà Chúa phải quan tâm. Chính bởi quan niệm sai lầm như thế mà Chúa với ta vẫn hoàn toàn tách biệt.

Tin Mừng hôm nay thuật lại, khi ông Giairô xin Chúa Giêsu đến chữa cho con gái ông đang hấp hối, dân chúng theo sau háo hức xem phép lạ đến nỗi phải chen lấn, dẫm cả lên nhau. Thánh Marcô tả rất tỉ mỉ: trong khi đó, một người đàn bà bị loạn huyết đã mười hai năm, tốn kém không biết bao nhiêu tiền của mà tiền mất, tật vẫn còn nguyên. Bà thầm nghĩ: chỉ cần sờ vào áo choàng của Ngài thôi, tôi cũng sẽ được lành, nghĩ sao bà đã làm như vậy. Chính khi ấy, Chúa Giêsu quay lại nghiêm nghị nói với đám đông: "Ai vừa động đến Ta". Người phụ nữ sợ run người lên, đến sấp mình trước mặt Ngài, thú nhận mọi sự. Chúa Giêsu bảo bà: "Lòng tin của con đã cứu con".

Đang lúc ấy, người nhà ông Giairô báo cho ông biết con ông chết rồi đừng phiền Ngài làm gì nữa, Chúa Giêsu bảo ông: "Đừng sợ, hãy cứ tin". Khi đến nơi thấy người ta khóc, Chúa Giêsu bảo: "Khóc lóc làm gì, em bé không chết đâu, nó ngủ đấy". Nghe vậy một số người cười ồ chế nhạo Ngài. Ngài vào nhà và đã phục sinh đứa bé mười hai tuổi.

Như thế đâu phải Chúa Giêsu chỉ chữa lành linh hồn người ta thôi. Người đâu có hờ hững trước đau khổ của một người cha tội nghiệp. Bởi vì ngay từ lúc khai mạc sứ vụ công khai của Ngài, Ngài đã tuyên bố: "Thần Khí Chúa ngự trên tôi, sai tôi đi loan báo Tin Mừng cho người nghèo khó, giải thoát cho kẻ bị giam cầm, cho người mù được thấy, kẻ điếc được nghe, kẻ què đi được và người chết sống lại…" Với cuộc mạc khải sứ vụ công khai ấy, Chúa Giêsu muốn cho ta thấy rằng từ nay Ngài sẽ với ta mọi ngày cho đến tận thế, để thông chia cho ta sự sống và quyền năng của chính Ngài. Điều kiện để hưởng quyền năng ấy là ta hãy tin vào Ngài.

Chung quanh Chúa Giêsu lúc ấy là cả một đám đông chen chúc nhau, lắm người đụng cả vào Ngài, thế mà sao chỉ một mình người đàn bà loạn huyết làm Ngài toát ra một sức mạnh quyền năng. Nơi con người, quyền năng của ai thì ở trong người ấy, khi nào người ấy muốn, quyền năng ấy mới xuất ra. Còn quyền năng của Chúa Giêsu thì lại khác hẳn. Quyền ấy Ngài không giữ riêng cho Ngài mà Ngài dành cho tất cả những ai tin vào Ngài. Ai tin vào Ngài sẽ được quyền năng như Ngài, sẽ muốn sao được vậy mà không cần hỏi ý kiến Ngài. Khi hỏi: "Ai vừa sờ vào Ta". Chúa Giêsu không có ý miệt thị, la mắng người đàn bà bị loạn huyết đâu mà Ngài muốn nói với tất cả chúng ta rằng: ai tin vào Ngài thì muốn gì được nấy, nhưng phải là một lòng tin vững mạnh như người đàn bà loạn huyết và như ông Giairô mới được.

Như thế, qua phần phụng vụ lời Chúa hôm nay, Chúa Giêsu muốn bảo ta rằng: Ngài vẫn đang có mặt bên ta, đang sẵn sàng trao cho ta mọi quyền năng của Ngài, chỉ cần có lòng tin như người đàn bà loạn huyết, ta có thể đòi Chúa Giêsu làm cho ta tất cả những gì ta đang cần; chỉ cần có lòng tin thôi, ta cũng đã được sống lại ngay từ hôm nay rồi.

Mỗi lần tham dự thánh lễ, ta đều thấy một đoàn đông đảo những người đạo đức lên rước Chúa. Họ không chỉ được "sờ vào gấu áo Chúa" mà còn đụng chạm vào Mình Chúa, được ăn lấy Chúa, được ở trong Chúa. Nhưng đã mấy ai được như người đàn bà loạn huyết, mấy ai được như ông Giairô? Ước gì hôm nay khi được ăn lấy Đấng là sự sống là hạnh phúc đời đời, ta cũng được hạnh phúc ngay từ hôm nay với Ngài. Có thế, Chúa Giêsu sẽ vui mừng nói với ta: "Lòng tin của con đã cứu chữa con".



THỨ TƯ

Dt 12,4-7; Mc 6,1-6

Thánh Marcô trong bài Tin Mừng hôm nay thuật lại thất bại thứ hai trong đời công khai của Chúa Giêsu. Lần đầu Ngài bị biệt phái vu cho là dùng quyền quỉ mà trừ quỉ, còn lần này thì những người đồng hương của Ngài đã vấp phạm vì Ngài, khiến Ngài không thể làm được một phép lạ nào ở đó cả. Những thất bại ngày một gia tăng trong cuộc đời Chúa Giêsu, đã đưa đến thất bại lớn nhất là Ngài phải kết thúc đời Ngài trên thập giá.

Khi nghe Chúa Giêsu giảng, người Do Thái hết sức thán phục đến phải thốt lên: "Bởi đâu ông được khôn ngoan đến thế?", và kinh ngạc trước các phép lạ của Ngài đến nỗi phải thốt lên: "Bởi đâu ông làm được những việc quyền năng đến thế?". Nhưng rồi những lời giảng dạy khôn ngoan và những việc quyền năng của Ngài đã hoàn toàn bị hạ bệ, khi họ kháo láo với nhau rằng: "Ông ấy không phải là thợ mộc, con bà Maria, anh em với Giacôbê, Giôsuê và Simon đó sao? Họ hàng ông không ở giữa chúng ta sao?". Chỉ cần chưng dẫn bản sơ yếu lý lịch ấy của Ngài, cũng đủ cho người Do Thái gạt phăng cả một kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa.

Không chỉ riêng người Do Thái mà con người mọi thời đại vẫn luôn luôn vấp phạm vì Thiên Chúa. Thay vì đến với Thiên Chúa Ngài có sao ta chấp nhận vậy, Ngài bảo sao ta làm thế, thì con người lại bắt Thiên Chúa phải theo ý mình. Vì yêu thương nhân loại, vì muốn là Emmanuel để ở với loài người, Thiên Chúa đã làm người. Vì muốn chia sẻ thân phận con người cách triệt để, Thiên Chúa đã trở nên bác thợ mộc. Vì muốn nên thân phận của mọi người, Thiên Chúa đã nên anh em với thế gian. Thế nhưng người Do Thái lại không chấp nhận tình yêu ấy. Theo họ, Thiên Chúa phải đầy quyền năng, đầy sự khôn ngoan nhưng phải tận trời cao, ở tận trong cung cực thánh của đền thờ mà chỉ một mình vị thượng tế mỗi năm mới được vào một lần mà thôi. Chính vì mang quan niệm như thế về Thiên Chúa mà người Do Thái đồng hương dù thấy được nơi Chúa Giêsu sự quyền năng và khôn ngoan không thuộc thế giới loài người, vẫn không nhận ra Ngài là Thiên Chúa. Thánh Marcô thêm: "Và ở đó Ngài không làm được một phép lạ nào". Nơi nào con người còn đòi Thiên Chúa phải thế này, phải thế kia, nơi Thiên Chúa như thể bất lực không làm được gì cả. Nơi nào con người chỉ chấp Thiên Chúa theo như suy nghĩ của họ, nơi đó con người sẽ bẻ gãy mọi kế hoạch tình yêu của Ngài.

Không ít người Công giáo, đứng trước những người làm khổ mình đã bực bội thưa với Thiên Chúa: "sao Chúa không phạt cho nó trắng mắt ra". Không thiếu những người Công giáo, khi gặp đau khổ, thử thách đã không nhận ra bàn tay yêu thương của Thiên Chúa vẫn đang ấp ủ mình. Không phải trời không có mắt đâu mà tại ta không có mắt. Vì tác giả thư Do Thái hôm nay nói cho ta biết rằng: "Chúa thương ai Người mới sửa dạy. Ai được nhận làm con và thực sự là con thì mới được ăn đòn, còn người dưng nước lã thì hơi đâu mà phạt cho mệt xác". Như thế, đau khổ ta đang phải chịu không phải là hình phạt, mà là bằng chứng rõ ràng rằng ta là con Thiên Chúa. Hơn nữa khi làm người như ta, Chúa Giêsu đã mang lấy tất cả mọi khổ đau, cơ cực của ta đến nỗi ta có thể nói rằng những đau khổ ta đang phải chịu không đáng gì so với đau khổ của Ngài. Ngài đã trải qua đau khổ như thế để những ai đang phải chịu đau khổ, có cơ hội hợp nhất với cuộc khổ nạn của Ngài để vừa thánh hóa mình vừa cứu độ anh em mình. Sau đau khổ Ngài đã phục sinh, nên bất cứ ai cùng chịu đau khổ với Ngài đều có thể nếm cảm được hạnh phúc nước trời ngay từ hôm nay.

Thánh lễ tái diễn mầu nhiệm khổ nạn của Chúa Giêsu. Nơi đây Thiên Chúa phó nộp mình cho ta, trở thành của ăn cho ta. Tham dự thánh lễ là tham sự vào chính lễ tế của Chúa Giêsu, để đến lượt ta, ta cũng nên của ăn của uống cho đồng loại ta, nghĩa là: ta không còn sống cho ta nữa mà là cho Thiên Chúa và cho đồng loại ta. Ước gì hôm nay khi được nên một với Chúa Giêsu, ta biết sẵn sàng đón nhận mọi đau khổ, mọi thử thách và sửa phạt của Thiên Chúa, có thể ta sẽ nên con Thiên Chúa và nên một mình khác của Chúa Giêsu. Hy vọng rằng hôm nay Chúa Giêsu sẽ không phải bó tay trước sự cứng tin của ta.



THỨ NĂM

Dt 12, 18-19.21-24; Mc 6,7-13

Phụng vụ lời Chúa hôm nay cho thấy về ơn gọi, địa vị, sứ mạng của Kitô hữu. Kitô hữu không chỉ là người chỉ biết làm dấu đọc kinh, cũng không phải là người bám lấy thế gian này làm đất sống, mà Kitô hữu như tác giả thư Do Thái trong bài đọc 1 hôm nay nói rõ là những người đang tiến lại gần núi Sion thành của Thiên Chúa hằng sống là chính Đức Kitô. Như thế Kitô hữu là người đang trên đường đi tới, là một lữ khách đang trên đường đi về quê hương đích thực là chính Đức Kitô. Đức Kitô trở nên lý tưởng, lẽ sống và cùng đích của đời ta. Đi về với Đức Kitô là không ngừng cố gắng để Ngài ngày một lớn lên trong ta, như Gioan tiền hô tuyên bố: "Ngài phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ bé đi". Càng quên mình để sống cho Thiên Chúa và cho đồng loại bao nhiêu, thì Đức Kitô càng lớn lên nơi mình bấy nhiêu. Đến khi ta sống mà không phải là ta nữa mà chính Ngài sống trong ta, ta mới hoàn tất ơn gọi là Kitô hữu của mình. Nếu đã được gọi để nên một với Đức Kitô như thế, ta cũng sẽ được mang lấy địa vị và sứ mạng của Ngài. Địa vị tối hảo của Kitô hữu là được nên thân mình của Đức Kitô, được nên con Thiên Chúa hằng sống và quyền lợi của họ là được phục sinh với Ngài, được hưởng sự sống đời đời với Ngài ngay từ hôm nay. Chính vì thế mà thánh Augustinô bảo ta: "hãy vui mừng và tạ ơn vì ta không chỉ là Kitô hữu mà đã trở thành Đức Kitô". Hãy ngạc nhiên và vui mừng vì ta đã thành Đức Kitô.

Vì được hưởng quyền lợi và địa vị của Đức Kitô, ta cũng phải mang lấy sứ mạng của Ngài, sứ mạng mà thánh Marcô mô tả trong Tin Mừng hôm nay: Kêu nhóm 12 lại, Chúa Giêsu sai họ từng hai người một và cho họ quyền năng trên các thần ô uế. Họ ra đi và đã làm cho nhiều người hối cải, đã xua trừ nhiều mà quỉ, và chữa lành được nhiều kẻ ốm đau. Làm cho nhiều người hối cải, xua trừ và chữa lành nhiều bệnh tật là sứ mạng của Chúa Giêsu, là dấu chỉ để con người nhận ra Chúa Giêsu là Chúa. khi ở trong hỏa ngục, nghe biết những việc Chúa Giêsu làm, Gioan đã sai người đến hỏi Chúa Giêsu xem Ngài có phải là đấng phải đến chăng. Ngài nói với sứ giả của thánh Gioan là: các ông hãy về thuật lại cho Gioan những gì mắt thấy tai nghe, kẻ điếc được nghe, người què được đi, kẻ mù được thấy, người chết được sống lại và kẻ nghèo khó được nghe loan báo Tin Mừng. Như thế, khi trao cho các môn đệ quyền trên các thần ô uế, Chúa Giêsu đã trao cho họ quyền năng của chính Ngài, đến nỗi ai không đón nhận họ, không nghe họ, sẽ bị tố cáo trước Thiên Chúa. Ta có thể nói rằng Thiên Chúa đã có ý trao cho loài người chúng ta tất cả địa vị, danh dự, vinh quang quyền năng của Ngài ngay từ thủa đời đời. Nhã ý hôm nay đã thành sự nơi Chúa Giêsu nhập thể. Trong Ngài loài người và Thiên Chúa nên một, nên một cho đến độ không ai có thể phân biệt được hành động nào nơi Ngài là hành động của Thiên Chúa, hành động nào là của con người. Nơi Ngài, loài người được mang chung với Thiên Chúa một địa vị, một quyền năng, một sứ mạng, một danh dự. Đó quả là điều ta chưa hề dám mơ tưởng nhưng đó lại là sự thật. Cho đến muôn đời ta vẫn không sao hiểu được tình yêu Thiên Chúa.

Để có thể mang chung với Ngài một địa vị, một sứ mạng, Chúa Giêsu đòi ta: "đừng đem gì đi đàng trừ cây gậy; không bánh không bị, không tiền bạc, được đi dép nhưng không được mặc hai áo". Tiền bạc, cơm áo, bao bị chỉ là phương tiện giúp ta hoàn thành cuộc hành trình của ta. Nên bất cứ khi nào ta bám vào những thứ ấy, cái tôi ích kỷ của ta sẽ lớn dần lên, mà cái tôi của ta đã lớn lên, thì Thiên Chúa sẽ không còn chổ đứng trong ta nữa. Lúc ấy, ta sẽ mất luôn địa vị, quyền lợi, hạnh phúc Ngài đã đem đến cho ta. Người Do Thái mà đã thắt lưng, cần gậy thì hoặc họ đang đi hoặc sắp sửa ra đi. Vào thời Chúa Giêsu, chỉ có nô lệ mới phải đi chân đất. Chính vì thế mà khi Chúa Giêsu cho phép ta được mang dép và gậy, Ngài muốn bảo ta rằng: ta đã được giải thoát khỏi mọi thứ nô lệ cho thế gian rồi, ta chỉ còn một việc duy nhất phải làm là đến với Đức Kitô, là nên một mình khác cho Ngài. Khi đã nên một mình khác cho Ngài rồi, thì hữu xạ tự nhiên hương, những người khác sẽ đến, sẽ nghe và sống như ta để cùng được cùng ta mang chung với Thiên Chúa một địa vị, một quyền năng, một hạnh phúc đời đời.

Mỗi lần tham dự thánh lễ là mỗi lần ta đón Chúa Giêsu vào trong đời ta, là mỗi lần ta để Ngài lớn lên trong đời ta. Ước gì hôm nay khi đã đón Chúa Giêsu vào trong lòng ta, ta sẽ không còn sống cho mình nữa, mà hoàn toàn sống cho Thiên Chúa và cho đồng loại ta. Có thế ta sẽ nên một mình khác và còn làm cho nhiều người nên một mình khác của Đức Kitô. Khi ấy thế gian này sẽ được nên trời mới, đất mới đích thực của Thiên Chúa.



THỨ SÁU

Dt 13, 1-8; Mc 6, 14-19

Thánh Marcô trong Tin Mừng hôm nay thuật lại cái chết của vị tiền hô của Đức Kitô.

Gioan đã được hiến thánh ngay khi còn trong lòng mẹ. Lớn lên để khỏi dính vào cõi gian trần giả dối, ông đã lui vào sống trong hoang địa, ăn châu chấu với mật ong rừng. Đến thời đã định ông đã đi khắp vùng quanh sông Giođan, rao giảng thanh tẩy hối cải chuẩn bị cho người ta đón nhận ơn tha thứ.

Với tư cách là vị tiền hô dọn đường cho Đấng Cứu Thế, ông đã chỉ đường cho tội nhân hối cải; đã vạch trần bộ mặt gian manh của biệt phái và sa đốc; tiếng tăm ông nổi như cồn đến độ nhiều người lầm tưởng ông là đấng thiên sai phải đến. Ông rất thẳng thắn, ông luôn nhận thật về mình: "tôi chỉ là tiếng hô trong sa mạc; hãy dọn đường cho Chúa, hãy mở lối cho Ngài". Là tiền hô của Đấng Cứu Thế, ông luôn ý thức mình phải nhỏ đi, để Ngài ngày một lớn lên trong nhân loại này. Là tiền hô của Đấng Cứu Thế, ông sẵn sàng hy sinh danh dự, để bảo vệ sự thật; sẵn sàng hy sinh tính mạng để chống lại tội lỗi, bất kể tội ấy do bởi ai. Chính vì thế, ông đã thành đối thủ của dâm phụ Hêrôđê và nạn nhân của một người hèn nhát là Hêrôđê. Nếu như chỉ vì lòng ghen tức của người Do Thái và sự hèn nhát của chính quyền thời ấy là Philatô đã không dám bảo vệ công lý mà Chúa Giêsu đã phải chết thế nào thì Gioan cũng thế, ông đã phải mất đầu chỉ vì sự ghen tức của người đàn bà và sự hèn nhát của một người lãnh đạo quốc gia nhu nhược đến không dám bảo vệ sự thật. Nguyên nhân dẫn Gioan đến cái chết, giống hệt như cái chết của Đấng Cứu Thế. Gioan quả xứng đáng là vị tiền hô của Đấng Cứu Thế, vì Gioan không chỉ dọn lối cho Ngài mà đã dọn đường cho cái chết cứu độ của Ngài. Gioan là người duy nhất đã được Chúa Giêsu khen "trong số những người do người nữ sinh ra, không ai được như Gioan", thế nhưng Chúa Giêsu lại thêm: "người nhỏ nhất trong nước Thiên Chúa vẫn còn lớn hơn ông".

Gioan vĩ đại thật nhưng ông vẫn là người của thời Cựu ước. Ông là vị tiền hô của Đấng Cứu Thế thật nhưng ông vẫn chưa được phúc nên một với Ngài. Ông cao cả thật, nhưng Kitô hữu còn cao cả hơn ông, cao cả cho đến độ được nên hiện thân của Đức Kitô, nên một hình khác của Ngài; như chính Ngài đã khẳng định: "Những gì các con làm cho một trong những kẻ bé mọn này, là các con làm cho chính Ta". Vì được Chúa Giêsu yêu mến như thế, nên những gì đụng chạm tới họ, cũng đụng chạm tới Chúa Giêsu, ai yêu thương họ cũng là yêu mến Ngài; ai bắt bớ họ cũng là bắt bớ Ngài. Thánh Luca trong sách Tông Đồ Công Vụ đã nói lên sự thật này khi mô tả biến cố ngã ngựa của Phaolô trên đường Đamas. Lúc ấy Chúa Giêsu không hỏi: "Saolô sao ngươi bắt bớ các tín hữu của Ta", mà Ngài đã hỏi: "Sao ngươi bắt Ta!". Ta với Chúa là một, con người tội lỗi yếu hèn, phản bội như thế này mà lại được nên một với Thiên Chúa thánh thiện, quyền năng, vinh quang; lại còn được hưởng hạnh phúc tình yêu và sự sống của chính Ngài nữa. Đó thật là điều lớn lao đến độ ta phải kêu lên như thánh Phaolô: "Ôi thẳm sâu thay, thẳm sâu cho đến vô cùng tình yêu của Thiên Chúa chúng ta".

Ta phải làm gì để đáp lại tình yêu ấy, để thực sự được nên một với Thiên Chúa. cũng như Gioan, ta phải sẵn sàng hy sinh danh dự để bảo vệ sự thật; hy sinh tính mạng để chống lại tội lỗi gian ác, bất công, phải ngày mỗi ngày nhỏ đi để Thiên Chúa ngày một lớn lên trong ta. Ngoài ra tác giả thơ Do Thái còn thêm: "Vì được nên một với Thiên Chúa, ta phải tuyệt đối tránh dâm dật, ngoại tình; phải gạt bỏ hẳn lòng tham lam tiền của, phải biết giữ mãi tình huynh đệ, có lòng hiếu khách, biết quan tâm tới người tù tội, những kẻ bị hành hạ và bằng lòng với những gì mình đang có".

Chúa Giêsu hôm qua, hôm nay và mãi mãi vẫn đang thực sự hiện diện trong thánh lễ này để nên một với ta. Ước gì hôm nay khi được nên một với Ngài, ta sẽ có Ngài sống thật trong ta. Có thế, Chúa Giêsu sẽ âu yếm nói với ta: "Kẻ nhỏ nhất trong Nước Thiên Chúa còn lớn hơn Gioan". Xin thánh Gioan chuyển cầu cho chúng ta, để chúng ta giữ được phẩm giá mà Thiên Chúa đã trao ban cho chúng ta, để chúng ta cũng được hưởng sự sống đời đời với Ngài ngay từ hôm nay.


THỨ BẢY

Dt 13,15-17; Mc 6,30-34

Thánh Marcô trong Tin Mừng hôm nay mô tả: "Thấy dân chúng đông đảo, Chúa Giêsu chạnh lòng thương xót họ vì bơ vơ như chiên không người chăn giữ". Chi tiết nhỏ này chính là chìa khóa thánh Marcô cung cấp, để dẫn ta vào tận trong cõi lòng của chính Đức Kitô, và cũng chính là cõi lòng của Thiên Chúa. Vì là dân du mục, nên người Do Thái không có nhà lầu, xe hơi, cũng chẳng có của chìm của nổi. Của cải duy nhất của họ là đàn súc vật: đàn chiên, đàn bò của họ. Ai càng có nhiều chiên, bò người ấy càng giàu có. Như thế, chiên đối với người Do Thái, cũng như tiền bạc đối với ta ngày nay. Người Việt Nam ta thường nói: "Đồng tiền dính liền khúc ruột", cũng cùng tư tưởng ấy, Chúa Giêsu bảo: "Tiền của các ngươi ở đâu thì lòng dạ các ngươi ở đấy". Khi gọi những người đến với Ngài là những con chiên không người chăn giữ, tức là những con chiên đáng thương nhất, tội nghiệp nhất, Chúa Giêsu đã đương nhiên coi mình là mục tử của họ và muốn từ nay luôn nghĩ tới họ như ta nghĩ đến tiền của.

Tác giả thơ Do Thái hôm nay cũng gọi Ngài là vị chăn chiên lớn nhất, đã đổ máu, đã hy sinh tính mạng vì đàn chiên. Khi đón nhận những người ấy là chiên của mình, Chúa Giêsu cũng đương nhiên gắn liền họ với lòng của Ngài, nghĩa họ ở đâu thì lòng Ngài cũng ở đó: Ngài với họ bỗng vui chung một niềm vui, chia chung một nỗi buồn, mang chung một gánh lo. Ngài với họ hai bên cách biệt bỗng nhiên trở nên một, như Ngài đã nói: "Tiền của ở đâu lòng dạ ở đấy". Như thế, ta được nên nỗi lòng của Chúa Giêsu, nên ta có thể nói rằng: ta ở đâu thì lòng Ngài ở đó, ta vui Ngài cũng vui, ta buồn Ngài cũng buồn. Ta ở với Ngài, Ngài sẽ săn sóc vỗ về ta, ta ốm o gầy còm, Ngài sẽ vỗ béo cho ta. Ta mang thương tích Ngài sẽ chũa cho lành. Nếu ta bỏ Ngài ra đi, Ngài sẽ như người có con chiên lạc trong Tin Mừng, sẽ ngược xuôi đôn đáo tìm ta cho bằng được mới thôi.

Như thế, lại một lần nữa, Tin Mừng cho thấy, ý định đời đời của Thiên Chúa đối với loài người của chúng ta là yêu thương ta, là chia cho ta sự sống và tình yêu của Ngài, để khi kết thúc kế hoạch tình yêu ấy là đưa ta vào tận trong cung lòng của Thiên Chúa. Nên bao lâu ta chưa vào được tận trong cung lòng của Chúa Giêsu thì bấy lâu Ngài vẫn cứ phải đôn đáo ngược xuôi tìm kiếm ta. Bao lâu ta chưa vào tận trong cung lòng Thiên Chúa thì bấy lâu cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu vẫn cứ còn tái diễn. Vì có chi thể nào đau mà toàn thân không phải đau đớn, có chi thể nào thối rữa mà toàn thân không phải chảy máu? Ta có thể nói rằng: Chúa Giêsu đến trần gian chỉ để thực hiện kế hoạch yêu thương vô cùng ấy của Thiên Chúa. Có thế ta mới hiểu được bối cảnh của bài Tin Mừng hôm nay: Dân chúng lúc nào cũng vây quanh Chúa Giêsu và các môn đệ của Ngài, khiến Ngài không còn giờ ăn uống nghỉ ngơi. Ngài phải lên đò, đến nơi vắng vẻ mà nghỉ. Thế mà dân chúng vẫn không buông tha Ngài. Họ đã đến nơi trước Ngài. Thấy họ, Chúa Giêsu đã không lẩn tránh, không trách móc, không nói nặng, nói nhẹ mà lại còn đón nhận họ như chiên, như tim lòng Ngài.

Đức Giêsu hôm qua, hôm nay và cho đến muôn đời vẫn là một Thiên Chúa tình yêu như thế. Thế mà ba phần tư nhân loại hôm nay vẫn còn xa cách Ngài; trong số đó, một số đông vẫn cứ khăng khăng chối bỏ Ngài. Vết thương đã một in trên xác thân Ngài vẫn muôn đời rỉ máu bởi bao nhiêu phần thân thể Ngài vẫn đang thối rữa trong đam mê nhục dục, trong gian tham đố kỵ. Đau đớn hơn cả vẫn là những người đã cùng ăn cùng uống với Ngài mà vẫn cứ không muốn trở thành tim lòng của Ngài.

Mỗi lần tham dự thánh lễ là mỗi lần Chúa Giêsu trao cho ta tất cả mọi danh dự, quyền năng, sức mạnh và chính thân mình Ngài để ta được nên cõi lòng của Ngài. Ước gì hôm nay ta biết dùng thời giờ, công của để phục vụ tha nhân như chính Ngài hôm nay. Có thế, chắc chắn ta sẽ nếm cảm được hạnh phúc bất diệt với Ngài ngay từ hôm nay.
Mới hơn Cũ hơn