Suy niệm Tin mừng Chúa nhật 4 Thường niên A

CHÚA NHẬT IV THƯỜNG NIÊN

Tin Mừng : Mt 5, 1 - 12a

Thấy đám đông, Đức Giê-su lên núi. Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần bên.2 Người mở miệng dạy họ rằng:

3 "Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó,
vì Nước Trời là của họ.

4 Phúc thay ai hiền lành,
vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp.

5 Phúc thay ai sầu khổ,
vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an.

6 Phúc thay ai khát khao nên người công chính,
vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thoả lòng.

7 Phúc thay ai xót thương người,
vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương.

8 Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch,
vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa.

9 Phúc thay ai xây dựng hoà bình,
vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.

10 Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính,
vì Nước Trời là của họ.

11 Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại
và vu khống đủ điều xấu xa.

12 Anh em hãy vui mừng hớn hở,
vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao.
Quả vậy, các ngôn sứ là những người đi trước anh em cũng bị người ta bách hại như thế.




Suy niệm

Khi nói đến nghèo, người ta nghĩ ngay đến không có tiền. Và vì không có tiền nên không có nhà để ở, không cơm ăn, không áo mặc và thường là không có địa vị trong xã hội. Nghèo như thế là“tứ không”: không tiền, không nhà, không cơm, không áo. Trong bài Tin Mừng hôm nay, qua mối phúc thật thứ nhất: “Phúc cho ai có tinh thần nghèo khó” đặt ra cho chúng ta câu hỏi: phải chăng bảo nghèo theo “tứ không” kia là một điều tốt, một cái phúc? Nói cách khác, phải chăng Thiên Chúa muốn con người nghèo, bần cùng như thế mãi?

Xin trả lời ngay: không, không bao giờ. Vì lý do đơn giản: hỏi rằng có cha mẹ nào, khi sinh con ra, lại muốn con mình đau khổ, rách rưới bần cùng? Thiên Chúa hơn cha mẹ chúng ta nữa: ngay từ đầu, Thiên Chúa đã cho con người no đủ, sung sướng ở vườn địa đàng. Con người chỉ bắt đầu làm lụng khổ sở để rồi phân chia giai cấp giàu nghèo sau khi nó dùng sai lệch tự do của nó. Nhưng ngay cả rơi vào tình trạng đó, Thiên Chúa vẫn luôn luôn chăm lo cho con người: “Giavê Thiên Chúa đã làm cho con người và vợ nó áo chùng bằng da thú và mặc cho chúng”[1]. Rồi chính Đức Giêsu cũng đã cụ thể tìm cách giúp con người được sung sướng, chẳng hạn như chữa lành bệnh tật, cho bánh ăn no…. Hơn nữa, qua sự kiện Ngài lên tiếng đã kích những người giàu tiền lắm của không chịu giúp đỡ, chia sẻ cho những người kém may mắn hơn. Ngài muốn tất cả mọi người đều không đói khổ. Vậy cái nghèo được Thiên Chúa chúc phúc trong bài Tin Mừng này là cái nghèo gì? : là tinh thần nghèo khó. Như thế nào là tinh thần nghèo khó?

“Một ông vua già xứ Ba Tư băn khoăn, không biết cho con mình món quà gì vào ngày sinh nhật của nó. Ông nhất định cho chiếc nhẫn. Khi ngày sinh nhật đến, người con trai vua, tức là hoàng tử, rất hiên ngang về chiếc nhẫn ấy, mãi cho đến khi đọc thấy những chữ viết trên ấy mới chột dạ. Chiếc nhẫn có viết: “cả cái này cũng sẽ qua đi”. Hoàng tử không hiểu câu ấy có ý nói gì, nhưng cũng đeo chiếc nhẫn ấy và thỉnh thoảng đọc lại hàng chữ trên. Hoàng tử đọc đi đọc lại cho đến thuộc lòng.

Về sau hoàng tử ra trận, bên cạnh vua cha, hoàng tử bị trúng tên, phải nằm điều trị đau đớn mấy tuần lễ trên gường. Rất nhiều lần trong khi nằm đau như vậy hoàng tử thường nhìn lại chiếc nhẫn và tự nhủ: “cả cái này cả sự đau đớn này cũng sẽ qua đi”, và quả nhiên, hoàng tử bình phục. Hoàng tử càng ngày càng trưởng thành, và lập gia đình. Lúc ấy, hoàng tử rất sung sướng và hạnh phúc, nhưng vẫn tiếp tục nhìn chiếc nhẫn và nói: “cả cái này cả niềm vui này- cả nỗi đau xót này- cũng sẽ qua đi”, và đúng thế: hoàng tử được lên ngôi, sau khi vua cha băng hà. Trong ngày lên ngôi đó, ông soi gương và tự nhủ: “cả cái này nữa, cả tấm thân cường tráng khôi ngô của tôi- cũng sẽ qua đi” và đúng thế những lời cuối cùng của ông trước khi tắt thở là: “cả cái này cả cái vương quốc rộng lớn ta đang cai trị này rồi cũng sẽ qua đi”, và đúng thế.

Dùng câu chuyện trên để diễn tả điều then chốt của cái gọi là tinh thần nghèo khó. Tinh thần nghèo khó là không gắn bó keo sơn với bất cứ điều gì ở trần gian này, là sự từ bỏ. Chúng ta xác nhận rằng tất cả những gì Thiên Chúa dựng nên là tốt, đều có giá trị. Người công giáo không phải là người yếm thế, bi quan, trốn chạy các sự vật trần thế. Nhưng nói như Thánh Phaolô, có mà như không có, dùng mà như không dùng, nghĩa là lúc nào cần dứt khoát bỏ thì vui vẻ dứt bỏ. Vì cái quí nhất, quan trọng nhất là sự sống của chúng ta mà chúng ta không giữ nó lại không được thì huống lọ là những cái khác. Tuy nhiên, cần nói rõ thêm là khi nói đến nghèo, nói đến từ bỏ thì người ta chỉ nghĩ đến từ bỏ tiền bạc, của cải vật chất. Nếu hiểu chừng đó thì còn quá hạn hẹp. Thánh Phanxicô, khi nói về tinh thần nghèo khó, đã viết: “lắm kẻ chuyên lo đọc kinh cầu nguyện và hãm mình, nhưng chỉ một lời nói có vẻ động chạm đến mình, hay một chút gì của mình bị tước đi là lấy làm khó chịu ngay và sinh lòng nao núng. Những người đó không có tinh thần nghèo khó. Những ai có tinh thần nghèo khó thì tự ghét mình và yêu kẻ đánh mình. Như thế, những ai ích kỷ, tự ái, ham danh vọng, giữ ý riêng cũng là những con người chưa có tinh thần nghèo khó. Vậy từ nay, khi nói đến nghèo khó, chúng ta đừng nghĩ đến hạn hẹp là nghèo vật chất, vì một người giàu có của cải vẫn có thể là người có tinh thần nghèo khó, trong khi một người nghèo của cải lại có thể là một người không có tinh thần nghèo khó.

Khi đã có tinh thần không gắn bó trên, thì con người sẽ thanh thoát lắm. Người đó vui sống với thực tại, bằng lòng với những gì mình đang có và không đòi hỏi. Đó là một người tự do thực sự, không để lệ thuộc vào cái gì, tức là luôn thấy hạnh phúc.

Một khi không gắn bó với mọi sự trần thế thì con người dễ mở lòng mình ra đón nhận người khác. Một người sống thanh thoát như thế chắc chắn là hạnh phúc, và Nước Trời, thiên đàng đã khởi sự ngay từ bây giờ rồi. Đó là ý của câu chúc phúc: “Hạnh phúc cho ai có tinh thần nghèo khó, vì nước trời là của họ”.

--------------------
[1] Kn 3,20
Mới hơn Cũ hơn