Những thời điểm cần thinh lặng trong thánh lễ



Philip Kosloski

Giáo hội đề nghị vài thời điểm cần giữ thinh lặng trong thánh lễ

Trong một thế giới ồn ào như hôm nay chúng ta khó có thể tìm được thời gian thinh lặng để tập trung lắng nghe tiếng Chúa.

Trong sự khôn ngoan của mình, Giáo hội đã nhiều lần đề nghị cần phải giữ những khoảnh khắc thinh lặng trong thánh lễ.

Những gợi ý dưới đây trích từ Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma (QCSL) và đây cũng là lời mời gọi tất cả chúng ta mở lòng ra cho Chúa.

Hành vi sám hối

Mở đầu Thánh Lễ, linh mục mời gọi các tín hữu dừng lại xét mình trước khi cùng nhau đọc Kinh Thú nhận.

“Linh mục mời mọi người thống hối. Sau giây lát thinh lặng, tất cả cộng đoàn đọc công thức thú tội chung và linh mục đọc lời xá giải để kết thúc, tuy nhiên lời xá giải này không có hiệu lực của bí tích Sám hối”. (QCSL 51)

Giây phút thinh lặng ngắn ngủi này nhằm giúp chúng ta nhận ra rằng chúng ta là những tội nhân và nghĩ về những lời sắp nói ra.

Lời nguyện Nhập lễ

Im lặng trước khi đọc lời nguyện Nhập lễ

“Tiếp đến, linh mục mời cộng đoàn cầu nguyện; và mọi người cùng linh mục thinh lặng trong giây lát, để ý thức mình đang ở trước thánh nhan Thiên Chúa và có thể nói lên trong lòng những nguyện ước của mình”[1] (QCSL 54)

Phụng vụ Lời Chúa

“Phụng vụ lời Chúa phải được cử hành thế nào để giúp cho cộng đoàn suy niệm, nên phải tránh mọi hình thức vội vã khiến người ta khó hồi tâm. Trong phụng vụ lời Chúa, nên có những lúc thinh lặng ngắn, phù hợp với cộng đoàn đang hiện diện, nhờ đó, dưới tác động của Chúa Thánh Thần, lời Chúa thấm nhập lòng người và chuẩn bị họ đáp lại bằng lời cầu nguyện. Tùy hoàn cảnh, có thể giữ thinh lặng sau bài đọc thứ nhất và thứ hai, cũng như sau bài giảng” (QCSL 56)

Hiệp lễ

Thời điểm thinh lặng sâu nhất nên diễn ra sau khi rước lễ.

“Sau đó, linh mục có thể trở về ghế chủ tọa. Có thể giữ thinh lặng thánh một lát, hoặc có thể hát thánh vịnh hay một thánh ca ngợi khen hoặc một thánh thi (164); còn sau khi rước lễ thì để ca ngợi và cầu xin Thiên Chúa trong lòng[2]. (QCSL 145).

Có lẽ đây là thời điểm thinh lặng quan trọng nhất trong Thánh lễ, vì nó cho phép những người đã Rước Chúa tập trung vào sự hiện diện của Ngài và lắng nghe tiếng Ngài.

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã khuyến khích thời gian thinh lặng và lưu ý đến tầm quan trọng của nó trong Thánh Lễ.

Trong thánh lễ, bất cứ khi nào chúng ta giữ thinh lặng thì xin cho chúng ta biết tận dụng nó và hãy để cho sự hiện diện của Chúa tràn ngập tâm hồn chúng ta.

----------------------

[1] Tiếp đến, linh mục mời cộng đoàn cầu nguyện; và mọi người cùng linh mục thinh lặng trong giây lát, để ý thức mình đang ở trước thánh nhan Thiên Chúa và có thể nói lên trong lòng những nguyện ước của mình. Rồi linh mục đọc lời nguyện, quen gọi là "lời nguyện nhập lễ", lời nguyện này nói lên đặc tính của việc cử hành [số 54]

[2] Thinh lặng thánh là một thành phần của việc cử hành; vì thế phải được giữ vào đúng lúc của nó. Tính chất của sự thinh lặng tùy thuộc vào lúc phải giữ trong mỗi cử hành. Thật vậy, trong hành động thống hối và sau lời mời cầu nguyện, là để mọi người hồi tâm lại; sau bài đọc hoặc bài giảng là để mọi người suy gẫm vắn tắt về những gì đã nghe; còn sau khi rước lễ thì để ca ngợi và cầu xin Thiên Chúa trong lòng [số 45].

Ngay trước khi cử hành Thánh lễ, rất nên giữ thinh lặng trong nhà thờ, trong phòng thánh và trong những nơi gần cận, để mọi người dọn lòng cử hành các mầu nhiệm thánh cách sốt sắng và đúng phép.

G. Võ Tá Hoàng



Mới hơn Cũ hơn