Suy niệm Tin mừng Chúa nhật 5 thường niên A

CHÚA NHẬT V THƯỜNG NIÊN




Mt 5, 13-16

“Các con là sự Sáng thế gian”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Các con là muối đất. Nếu muối đã lạt, người ta biết lấy gì mà ướp cho mặn lại? Muối đó không còn sử dụng vào việc chi nữa, chỉ còn ném ra ngoài cho người ta chà đạp lên nó.

“Các con là sự sáng thế gian. Một thành phố xây dựng trên núi, không thể che giấu được. Và người ta cũng không thắp đèn rồi để dưới đáy thùng, nhưng đặt nó trên giá đèn, hầu soi sáng cho mọi người trong nhà. Sự sáng của các con cũng phải chiếu giãi ra trước mặt thiên hạ, để họ xem thấy những việc lành của các con mà ngợi khen Cha các con trên trời”.



Bài I : Is 58, 7 - 10

Đoạn sách Isaia hôm nay được rút ra từ những lời công kích của ngôn sứ nhắm vào lối phụng tự vụ hình thức, đặc biệt là các thực hành bên ngoài của việc ăn chay. Thay vào đó ngài đưa ra một hình thức mới mẻ và sâu sắc của việc khổ hạnh.

Người khổ hạnh đích thực không phải là người phô trương trước mặt thiên hạ với vẻ mặt ủ dột, với thân hình bỡ ngỡ với tấm bố quấn ngang lưng, để rồi tự cho mình được Thiên Chúa nhận lời ngay lập tức. Nhưng hình thức ấy thật là chướng, nếu người ta biết được bên trong tấm lòng ấy là một con tim ích kỷ lạnh lùng, tham lam, kiêu hãnh… vầng trán u ám trên gương mặt sầu não đầy giả tạo ấy không toát ra chúc ánh sáng nào khả dĩ sưởi ấm hoặc làm bừng dậy niềm vui nơi một ai.

Trái lại, người khổ hạnh đích thực là kẻ biết chia sẻ nỗi đau khổ sầu muộn của kẻ khác và đổi lại cho họ niềm vui hạnh phúc. Từ tấm gương bác ái vị tha của họ chiếu tỏa ra một luồng ánh sáng mà ai ai cũng muốn nhìn, vì nó tươi mát ấp áp như ánh hừng đông. Mắt người đói sẽ sáng rực lên và hết thẫn thờ vì đã được cho ăn. Mắt người trần truồng có thể mở ra vì thân xác họ đã được phủ che. Gương mặt người đau khổ sẽ tươi vui rạng ngời vì nỗi khổ của họ đã có kẻ xoa dịu. Tất cả những ánh sáng ấy chính là kết quả của đức ái nơi người khổ hạnh đích thực như vừa nói trên. Chính lúc đó lời nguyện mới đáng được Thiên Chúa đoái thương chấp nhận, bởi vì một khi chúng ta biết tìm gặp những người nghèo hèn trơ trụi thì việc khổ hạnh mới có thể giúp chúng ta gặp được Thiên Chúa đã tự đồng hóa với họ.

Việc khổ hạnh sẽ trở nên vô nghĩa và phi nhân nếu nó không đi liền với đức ái. Nhịn ăn một bữa không phải là để đỡ tốn một số gạo, nhưng để dùng gạo ấy giúp đỡ những người nghèo đói; từ chối mang một chiếc áo mới là để dùng số tiền ấy giúp đỡ người rách rưới. Đó là những hành vi phụng thờ đích thực mà Thiên Chúa muốn, vì chúng ta làm cho người được vinh quang hơn những lễ vật béo tốt được toàn thiêu trên bàn thờ với những lễ nghi cực kỳ trọng thể. Nhìn thấy những lễ nghi phô trương phù phiếm trong khi dân chúng xung quanh đói khổ rát rưới, người ta sẽ đâm ghét chúng ta nữa. Trái lại, họ sẽ ca tụng Thiên Chúa biết bao khi thấy chúng ta thực hành đức ái đối với mọi người không phân biệt.

Chính Đức Kitô sẽ nhắc lại những giáo huấn ấy một cách trang trọng đặc biệt để từ đây chúng ta trở thành tiêu chuẩn hành động bất biến cho mọi thời đại.

Bài II : 1Cr 2, 1 - 5

Sống tại một xứ và trong một thời đại mà các luồng tư tưởng triết lý đang thịnh hành, người tín hữu Côrintô cứ ngỡ rằng giáo thuyết Kitô cũng là một chủ nghĩa triết lý như bao chủ nghĩa khác. Bởi vậy họ nghĩ rằng giáo thuyết này cũng cần vận dụng những nguyên tắc của khôn ngoan nhân loại. Thế nhưng Thánh Phaolô cho họ thấy rằng lối hoạt động của Thiên Chúa hoàn toàn khác và sự khôn ngoan của Thiên Chúa hoàn toàn vượt trên tầm hiểu biết của con người, muốn đến với Thiên Chúa con người không phải ngồi lý luận dông dài để rồi cuối cùng đi tới một kết luận chung, như thế sự hiện hữu của Thiên Chúa là sản phẩm thuần túy của suy tư nhân loại. Trái lại, muốn hiểu biết Thiên Chúa, trước hết con người cần phải biết chấp nhận Người theo cách Người bày tỏ cho chúng ta. Thế mà Người tự bày tỏ cho chúng ta ở đâu? Qua thiên nhiên, qua trí hiểu nhân loại một phần, nhưng đặc biệt qua Đức Kitô chịu đóng đinh. Nếu chỉ ngừng lại trên hai ngưỡng cửa kia thì con người chỉ có thể gặp Thiên Chúa như một sức mạnh vô ngã hay một ý tưởng trừu tượng, chứ không phải một ngã vị đầy tình yêu.

Đức Kitô chịu đóng đinh: Đó là bằng chứng tuyệt vời về tình yêu của Thiên Chúa đối với nhân loại. Bằng chứng ấy hùng hồn hơn bất cứ một thứ dư luận nào khác. Vì thế, theo Đức Kitô là chấp nhận thập giá của Người như sức mạnh cứu độ duy nhất. Bởi vì chính qua thập giá Thiên Chúa đã thực sự chia sẻ với con người thân phận khốn khổ của họ: Thập giá chứa đựng mọi nỗi bất hạnh nhân loại như đau đớn nơi thân xác, đau khổ trong tâm hồn, trần truồng, bị khinh bỉ, và cuối cùng là cái chết. Nhưng cũng chính từ thập giá một luồng ánh sáng đã bùng lên và người ta nhận ra tình yêu của Người.

Mỗi người Kitô hữu chúng ta cũng đã được đóng đinh thập giá với Đức Kitô, chúng ta phải làm cho mọi người nhận ra tư cách Kitô hữu của mình bằng cuộc đời hy sinh xả kỷ, sẵn sàng chia sẻ nỗi đau khổ của anh em. Đó là một lối truyền giáo tốt nhất mà ai ai ở bất cứ hoàn cảnh nào cũng có thể thực hiện được.

Tin Mừng : Mt 5, 13 - 16

Sau bài giảng tám Mối Phúc Thật vạch ra con đường hạnh phúc trường cửu mà mỗi người cần phải thực hiện để chiếm lĩnh ơn cứu độ cho bản thân mình, Chúa Giêsu tiếp tục khẳng định chỗ đứng và sứ mạng của các tín hữu đối với cộng đoàn nhân loại.

Trước khi được vĩnh viễn bước vào Nước Trời, người Kitô hữu cần phải đi qua thế giới không phải như một kẻ đào tẩu lén lút nhưng với tư cách một chứng nhân công khai.

“Các con là muối cho đời”. Muối là chất làm cho thức ăn lâu hư và thêm hương vị. Do tội tổ tông thế giới đã trở thành mồi cho sự hủy hoại, bản tính con người càng ngày càng trở nên sa đọa. Sứ mạng của Chúa Giêsu là cứu vớt vũ trụ khỏi tình trạng hư hoại ấy và mọi người tín hữu đều được kêu gọi để tham dự vào công trình cứu độ của Người. Muối còn là một trong những thứ cần thiết nhất cho sự sống (Hc 39,26). Cũng thế người tín hữu có vai trò hết sức cần thiết trong cộng đồng nhân loại. Một khi đã được đưa vào giữa thế giới, người tín hữu nhất thiết phải thâm nhập vào từng sớ thịt của môi trường sống. Đó là sứ mạng của người Kitô hữu.

“Thế nhưng nếu muối đã nhạt đi thì lấy gì mà ướp cho mặn lại được”, muối ra nhạt? Thực là một việc không thể quan niệm được. Bản chất của muối là mặn cho dù nó bị hòa tan vào bất cứ thứ gì. Muối mà trở nên nhạt có nghĩa là một tình trạng vô phương cứu chữa, một sự phủ nhận chính mình, một người Kitô hữu mà không tạo được một ảnh hưởng tốt nào trong môi trường sống, không làm cho kẻ khác nhận ra được một chút xíu nào ánh sáng Tin Mừng, thì quả thực hết còn là một Kitô hữu. Cũng thế, một Giáo Hội giữa thế gian mà không có sức biến đổi thế giới một chút nào thì không còn là Giáo Hội của Chúa Kitô. Bởi vậy, Công Đồng Vaticanô II đã có lý khẳng định rằng bản chất của Giáo Hội là truyền giáo. Ở đây chúng ta đừng quan niệm việc truyền giáo theo một nghĩa hẹp và nông cạn. Truyền giáo không có nghĩa là tìm cách rửa tội thật nhiều người trong một thời gian càng ngắn càng tốt, nhưng đúng ra là phải làm sao cho chân lý Tin Mừng được thấm nhuầm sâu xa vào đời sống con người để mọi tư tưởng và hành động của họ phù hợp với giá trị đạo đức chân chính và như thế họ dễ đón nhận ơn cứu độ của Thiên Chúa. Giáo Hội không bao giờ vội vàng ban phép rửa tội cho ai khi chưa nhận thấy nơi người ấy dấu hiệu chắc chắn của sự biến đổi bản thân dưới tác động của ánh sáng Tin Mừng.

Ngoài ra hình ảnh muối trong Thánh Kinh còn có liên hệ với Giao Ước, chỉ dùng để chỉ giá trị lâu bền của kết ước. Sách Dân số 18, 19 dùng từ ngữ “Giao ước mới” để chỉ một Giao Ước trường cửu. Theo lối giải thích của Thánh Matthêu thì người tín hữu phải là muối thế gian, nghĩa là phải giữ gìn và làm cho thế gian được luôn mặn nồng trong Giao Ước với Thiên Chúa, nếu không muối ấy trở nên vô dụng và đáng bị loại ra ngoài.

“Các con là ánh sáng thế gian”. Một lần nữa Chúa Giêsu muốn chia sẻ với các người tín hữu chính sứ mạng của Người. Chính Người là ánh sáng muôn dân đích thực và Người muốn rằng ánh sáng ấy phải được truyền đi trong thế giới qua các tín hữu. Sứ mạng của mỗi người tín hữu cũng chính là sứ mạng của Đức Kitô. Một đóm lửa trong đêm tối là cái có sức thu hút của mọi người, nó gợi lên một niềm hy vọng, một sự định hướng, một bến bờ nào đó. Con người không còn chơi vơi như trong khoảng không vô định, nhưng sẽ tập trung nỗ lực tiến về ánh sáng ấy. Đầu tiên có thể vì tò mò, nhưng một khi đã đến gần chắc hẳn sẽ được chiếu soi và sưởi ấm.

Là ánh sáng thế gian, người tín hữu có sứ mạng đem chân lý Tin Mừng hướng dẫn bước đi của thế giới bằng con đường nghiệp vụ hay qua các mối tương quan xã hội. Người tín hữu phải đem chân lý Tin Mừng chiếu soi vào mọi lãnh vực triết lý, khoa học, chính trị, kinh tế... Giống như một thành trì được xây dựng trên đỉnh núi, người tín hữu cũng phải sống làm sao để lôi kéo sự chú ý của những người xung quanh và ảnh hưởng đến thái độ sống của họ. Nói cách khác, mỗi người tín hữu đều đã được nhen nhúm trong lòng một ngọn lửa sáng, ngọn lửa ấy thể bị che giấu nhưng cần phải được đặt vào một vị trí thích hợp khả dĩ chiếu tỏa ánh sáng ra xung quanh. Muốn được như thế họ cần phải nhập cuộc vào thế giới chứ không được sống bên lề xã hội. Đời sống tôn giáo không phải chỉ có trong gia đình hoặc trong đời sống riêng tư cá nhân, nhưng cần phải được thể hiện trong đời sống xã hội nữa. Người tín hữu phải sống giữa thế gian như một chứng nhân Tin Mừng, nghĩa là nhìn vào họ người ta có thể nhận ra những giá trị đạo đức tích cực của Kitô giáo.

Mong rằng mỗi người trong chúng ta biết luôn gìn giữ ngọn lửa đức tin của mình được luôn cháy sáng bất chấp mọi cơn gió chướng, bằng cách trung thành và luôn thể hiện niềm tin của mình qua mọi hành vi cử chỉ, để qua chúng ta nhân loại có thể nhận ra và tôn vinh Cha chúng ta trên trời.
Mới hơn Cũ hơn