Thánh Giacôbê dạy về việc chế ngự miệng lưỡi



Với miệng lưỡi của mình, chúng ta có thể nói sự thật hay nói dối. Chúng ta có thể khen ngợi hay hạ bệ người khác. Đôi khi chúng ta nói những lời sai trái. Hoặc là chúng ta không nói những lời đúng đắn.

Mọi người đều có kinh nghiệm về những lần họ nói điều gì đó mà họ không muốn. Đó là lúc lời được nói ra trước khi họ quyết định liệu có nên nói chúng hay không. Đôi khi chúng ta thậm chí cảm thấy môi miệng không thực sự nằm trong tầm kiểm soát, kiểu như miệng lưỡi tách biệt với cơ thể của mình.

Nhưng thực tế, lời nói trên miệng lưỡi lại đến từ sự tràn đầy nơi cõi lòng (Mt 12,34).

Thật dễ dàng bỏ qua những điều do lỡ lời. Chúng thuần túy là một phần gắn liền với thân phận con người. Nhưng trong tư cách là những Kitô hữu, chúng ta phải luôn lưu tâm đến những điều chúng ta nói – dù là vô tình đi nữa. Chúng ta là hiện thân của Đức Kitô và là những chiếc bình chứa sức mạnh có tính biến đổi của Ngài.

Thư Giacôbê là một trong những cuốn sách thiết thực nhất về đời sống Kitô hữu, và ở chương 3, bức thư dành ra 12 câu nói về việc chế ngự miệng lưỡi.

Dưới đây là điều thánh nhân đã dạy.

Điều ta nói ra thật quan trọng biết bao

“Nếu ta tra hàm thiếc vào miệng ngựa để bắt chúng vâng lời, thì ta điều khiển được toàn thân chúng. Anh em cũng hãy nhìn xem tàu bè: dù nó có to lớn, và có bị cuồng phong đẩy mạnh thế nào đi nữa, thì cũng chỉ cần một bánh lái rất nhỏ để điều khiển theo ý của người lái. Cái lưỡi cũng vậy: nó là một bộ phận nhỏ bé của thân thể, mà lại huênh hoang làm được những chuyện to lớn. Cứ xem tia lửa nhỏ bé dường nào, mà làm bốc cháy đám rừng to lớn biết bao! Cái lưỡi cũng là một ngọn lửa, là cả một thế giới của sự ác. Cái lưỡi có một vị trí giữa các bộ phận của thân thể chúng ta, nó làm cho toàn thân bị ô nhiễm, đốt cháy bánh xe cuộc đời, vì chính nó bị lửa hoả ngục đốt cháy” (Gc 3,3-6).

Chúng ta không thể vờ như những lời ta nói không hề quan trọng. Chúng có ảnh hưởng nghiêm trọng đến người khác. Chỉ một từ giản đơn như “ngu ngốc” có thể đeo đuổi ai đó cả đời, xuyên thấu tâm can và làm hư hoại ý thức của họ về chính mình. Mỗi nhân vị đều được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa với giá trị phi phàm, nhưng những lời nói gây tổn thương lại hạ giá người khác. Vả lại, trong tư cách là những Kitô hữu, điều chúng ta nói có thể ảnh hưởng đến niềm tin của ai đó liên quan đến vị thế của họ trước mặt Thiên Chúa.

Hãy lưu ý rằng hai hình ảnh đầu tiên thánh Giacôbê sử dụng không miêu tả chiếc lưỡi như một thứ vốn đã xấu. Một chiếc hàm thiếc có thể điều khiển con ngựa đi đúng hoặc sai đường. Bánh lái đối với con tàu cũng vậy. Nhưng tất cả đều phụ thuộc vào cách chúng ta sử dụng chiếc hàm thiếc và bánh lái ấy.

Hình ảnh thứ ba làm nổi bật khả năng hay thay đổi của miệng lưỡi. Những lời nói có thể nhanh chóng lan đi ngoài tầm kiểm soát và khiến chúng ta bất lực trong việc ngăn chặn những hậu quả hay khắc phục thiệt hại. Một tin đồn hoàn toàn vô căn cứ có thể lan xa và nhanh đến mức phá hủy thanh danh của một người, dù sau đó nó được chứng minh là không đúng. Và khi chúng ta nói điều xấu, chúng ta làm nhơ bẩn chính mình.

Thánh Giacôbê cho thấy rất rõ lời nói của chúng ta chứa đựng sức mạnh. Và đó là lý do việc học cách kiểm soát miệng lưỡi thật quan trọng đối với các Kitô hữu.

Không người nào có thể chế ngự miệng lưỡi

“Thật thế, mọi loài thú vật và chim chóc, loài bò sát và cá biển, thì loài người đều có thể chế ngự và đã chế ngự được. Nhưng cái lưỡi thì không ai chế ngự được: nó là một sự dữ không bao giờ ở yên, vì nó chứa đầy nọc độc giết người” (Gc 3,7-8).

Lưỡi bạn có tám cơ quyết định cách nó vận động và âm thanh mà nó giúp bạn hình thành. Nhưng dù bạn có cố gắng điều khiển tám cơ này thế nào đi nữa, bạn cũng sẽ không bao giờ kiểm soát hoàn toàn những lời mà chúng tạo ra.

Đức Giêsu dạy cách để chúng ta tránh việc lỗi phạm Lề luật, đó là chúng ta cần giữ một thái độ nghiêm chính cả trong suy nghĩ lẫn hành vi (Mt 5,21-22). Ngài không có ý đặt thêm thêm luật lệ cho chúng ta tuân giữ. Nhưng Ngài chỉ ra rằng chúng ta không thể thắng vượt tội lỗi tự sức mình. Chúng ta cần đến Ngài. Và cũng đúng như thế nếu chúng ta trông mong kiềm chế được miệng lưỡi.

Nhân loại đã không cần đến sự can thiệp thần linh để kiểm soát các loài thụ tạo khác. Nhưng Thiên Chúa lại là Đấng duy nhất có thể giữ miệng lưỡi chúng ta trong tầm kiểm soát. Chúng ta cần không ngừng đặt bản thân suy phục Thiên Chúa và trao cho Ngài quyền chủ tể.

Chúng cần dùng miệng lưỡi mình vào việc tốt

“Ta dùng lưỡi mà chúc tụng Chúa là Cha chúng ta, ta cũng dùng lưỡi mà nguyền rủa những con người đã được làm ra theo hình ảnh Thiên Chúa. Từ cùng một cái miệng, phát xuất lời chúc tụng và lời nguyền rủa. Thưa anh em, như vậy thì không được. Chẳng lẽ một mạch nước lại có thể phun ra, từ một nguồn, cả nước ngọt lẫn nước chua sao? Thưa anh em, làm sao cây vả lại có thể sinh ra trái ôliu, hoặc cây nho sinh trái vả? Nước mặn cũng không thể sinh ra nước ngọt” (Gc 3,9-12).

Là những Kitô hữu, chúng ta không hề muốn để cho tội lỗi dễ dàng thống trị cõi lòng mình. Nhưng nếu chúng ta bỏ mặc tội lỗi đến từ môi miệng – thù ghét, điêu ngoa, mách lẻo và vu khống – cũng như ngộ nhận rằng việc này chỉ đơn thuần là kết quả tự nhiên của nhân tính, chúng ta đang để tội lỗi, chứ không phải Đức Kitô chi phối mình. Chúng ta đang để sự tội tràn ra tự bên trong chúng ta, khi mà lời ăn tiếng nói của chúng ta lẽ ra phải chan chứa tình yêu của Đức Kitô.

Các lãnh đạo Kitô giáo bị đòi buộc tiêu chuẩn cao hơn

“Thưa anh em, đừng có nhiều người trong anh em ham làm thầy thiên hạ, vì anh em biết rằng chúng ta sẽ bị xét xử nghiêm khắc hơn. Thật vậy, tất cả chúng ta thường hay vấp ngã” (Gc 3,1-2).

Vai trò lãnh đạo đi cùng với một trách nhiệm nặng nề: sự đánh giá tập thể của những người bạn lãnh đạo. Mọi người đều mắc sai lầm và thi thoảng cũng nói sai gì đó. Nhưng khi một người có tầm ảnh hưởng phạm phải, những sai lỗi ấy sẽ ảnh hưởng đến nhiều người hơn.

Trong khi mỗi tín hữu đều là đại diện của Đức Kitô, những người lãnh đạo Kitô giáo được kêu gọi hướng dẫn, dạy dỗ và dẫn dắt dân Thiên Chúa bước theo Đức Kitô ngày thêm khăng khít. Mọi hành động họ làm, mọi lời họ nói đều được soi xét dưới ánh sáng của trách nhiệm kể trên.

Thánh Giacôbê vẽ nên một bức tranh đáng lo ngại về việc miệng lưỡi chúng ta thực quá đỗi nguy hiểm. Sau khi đọc chương 3 thư Giacôbê, có lẽ bạn cảm thấy tốt hơn là chưa từng đọc nó. Mặc dù thánh Giacôbê không đi xa đến mức như thế, nhưng ngài cảnh tỉnh chúng ta để hướng đến việc nói ít hơn. “Anh em thân mến của tôi, anh em nên biết rằng: mỗi người phải mau nghe, đừng vội nói, và khoan giận…” (Gc 1,19).

Quan điểm của thánh Giacôbê không phải là chúng ta đừng bao giờ mở miệng. Ngài muốn chúng ta hiểu rằng chúng ta cần cẩn trọng về thời điểm, lý do và cách thức mà chúng ta sử dụng lời ăn tiếng nói. Bởi vì càng nói nhiều trong khi đáng lẽ cần lắng nghe, chúng ta càng có khả năng nói ra những điều vô ích – hay thậm chí những điều có tính phá hủy.

Grêgôriô Võ Trần Nhựt chuyển ngữ

Mới hơn Cũ hơn