Ađam mới và Ađam cuối cùng
Nôê thật khác biệt. Thế giới của ông cũng thật khác biệt. Dựa vào các con số được đưa ra bởi chương 5 sách Sáng thế, vào thời điểm Laméc, cha của Nôê được sinh ra, cụ tổ tám đời của ông vẫn còn sống, đó là Ađam khi được 874 tuổi. Ông Sét cũng vẫn còn sống. Và như thế chúng ta có thể tưởng tượng cả Enốt, Kênan, Mahalanên, Gierét, Khanốc, và Mơthuselác, tất cả họ đều ở đó để chào đón cậu Laméc bé nhỏ. Thế rồi, 56 năm sau, hung tin ập đến, Ađam qua đời. Bởi vậy, Nôê, con của Laméc là thành viên đầu tiên của dòng dõi Sét, được sinh ra sau cái chết của người mà bởi vì tội của người ấy “sự chết đã lan đến mọi người” (Rm 5,12).[1] Chúng ta đã từng chứng kiến việc Cain giết Abel (St 4,8) và sự khoe mẽ của Laméc (một người khác [thuộc dòng dõi Cain]) về việc báo thù bằng cách giết người (St 4,23), nhưng giờ đây đã có một người đã chết vì điều mà ngày nay chúng ta gọi là “những nguyên nhân tự nhiên”.[2]
Vì lẽ đó, Nôê thật khác biệt. Một kỷ nguyên đã tận, và một kỷ nguyên khác đã bắt đầu. Những độc giả chúng ta rồi sẽ thấy sự khác biệt của Nôê thể hiện phần nào đó qua sự công chính độc nhất vô nhị của ông (St 6,8-9). Nhưng Laméc đã biết Nôê thật khác biệt ngay khi Nôê được sinh ra. Và một đứa trẻ đặc biệt cần phải có một cái tên đặc biệt. Laméc giải thích việc ông chọn tên cho con mình bằng một dự báo: “Tự bởi đất mà Đức Chúa đã nguyền rủa, trẻ này sẽ mang lại niềm an ủi cho chúng ta từ lao công và từ vất vả cực nhọc của đôi tay chúng ta” (St 5,29). “Nôê” (Noah) có vẻ phát xuất bởi động từ có nghĩa là “nghỉ ngơi” hoặc “thanh thỏa” (nûaḥ), nhưng từ này cũng phát âm giống như động từ được dịch thành “đem lại niềm an ủi” (nāḥam) ở trên.[3]
Trước hết cần lưu ý rằng câu văn trên rõ ràng quy chiếu trở lại lời nguyền rủa đối với đất đai sau khi Ađam phạm tội ở Sáng thế 3,17. Có một sự đan xen theo từng chữ giữa hai câu, không chỉ ở các từ “nguyền rủa” và “đất đai", mà còn ở từ được dịch thành “đau khổ” trong 3,17 và “cực nhọc” trong 5,29 (‘iṣṣābōn). Trông có vẻ hứa hẹn. Nơi thế hệ đầu tiên sau cái chết của Ađam, người đã kéo lời nguyền rủa xuống trên mặt đất, chúng ta được giới thiệu về một “Ađam mới – một liều thuốc giải công chính cho thứ thuốc độc của ông tổ toàn thể nhân loại”, như Jewish Study Bible diễn đạt.[4] Điều này sẽ xảy ra như thế nào?
Khi tiếp tục câu chuyện của Nôê, chúng ta nên lưu tâm đến một số lối chơi chữ đầy ý nghĩa trong tiếng Hípri. Trong Sáng thế 5,29, động từ “đem lại niềm an ủi” là một hình thức của từ nāḥam, và từ “làm lụng” (ma‘ăśeh) phát xuất từ động từ có nghĩa là “làm ra” (‘āśāh). Chỉ một vài câu sau đó, chúng ta đọc thấy “Ðức Chúa hối hận vì đã làm ra con người trên mặt đất” (St 6,6). “Hối hận” ở đây cũng là một hình thức của từ nāḥam, và “làm ra” là ‘āśāh. Như thể nhấn mạnh điều đó, chính hai động từ này được lặp lại trong câu tiếp theo, khi Đức Chúa nói, “Ta hối hận [nāḥam] vì đã làm ra [‘āśāh] chúng” (St 6,7). Cũng nên nói thêm, nhóm từ này chiếm ba cách sử dụng duy nhất của từ nāḥam trong sách Sáng thế cho đến câu cuối của chương 24. Như thế, điều chúng ta đang xem xét trong hai câu này xuất hiện như một sự nghịch đảo đầy mỉa mai lời tiên báo của Laméc. Quả thực Ađam mới có thể đem lại niềm an ủi, nhưng chỉ sau sự trừng phạt của trận Đại hồng thủy.
Thoạt tiên, trận Đại hồng thủy có vẻ như cho phép Nôê sống theo đúng tên gọi của mình. Chương 8 sách Sáng thế nổi bật với một vài hạn từ quan trọng được hình thành từ cùng một gốc từ là “Nôê” (nûaḥ).[5] Khi đã vượt qua 40 ngày giông tố và một vài tháng để chờ đợi nước rút, “tàu đậu lại [tānaḥ] trên vùng núi Ararát” (St 8,4). Trong khi ban đầu “con bồ câu” của Nôê “không tìm được chỗ đậu [hay “nghỉ ngơi”, mānōaḥ] chân” và bay trở về, những chuyến đi tiếp sau mang lại thành công ngày một tăng (St 8,10-12). Quan trọng nhất, chúng ta biết rằng Đức Chúa nhận thấy mùi hương của những lễ vật toàn thiêu Nôê dâng sau khi rời tàu là “ngát thơm” – nghĩa đen là “thư thái” hay “đem lại sự thanh thỏa” (nîḥoaḥ) – và quyết định không nguyền rủa đất đai thêm nữa như Người đã từng (St 8,21). Việc sản xuất lương thực từ nông nghiệp vẫn còn khó khăn, do bởi lời nguyền ban đầu trong Sáng thế 3,17-19, nhưng chu kỳ đều đặn của các mùa đảm bảo việc sản xuất vẫn tiếp tục có thể (St 8,22) – thêm vào đó, giờ đây lương thực còn được bổ sung bởi loài động vật ăn thịt (St 9,2-3).
Trong Sáng thế 9,1, Thiên Chúa lặp lại với Nôê và các con ông lời chúc lành và lệnh truyền Người đã trao cho Ađam và Evà trong Sáng thế 1,28: “Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất” (x. St 9,7). Sau giao ước của Thiên Chúa với Nôê, với dòng dõi ông cũng như với tất cả mọi sinh vật đã được làm ra, và dấu chỉ của giao ước này được thiết lập trên các tầng mây (St 9,8-17), tường thuật về việc “con người phân tán ra khắp mặt đất” từ con cái của Nôê là Sêm, Kham và Giaphét dường như là dấu hiệu triển vọng cho trọng trách của Nôê trong tư cách là Ađam mới (St 9,19).
Hơn nữa, Ađam đầu tiên được đặt trong Vườn địa đàng “để làm việc và canh giữ đất đai” (St 2,15). Có lẽ được khích lệ bởi lời cam kết của Thiên Chúa trong Sáng thế 8,22 về việc các điều kiện canh tác sẽ được đảm bảo, Nôê khai mở một tiến bộ lớn lao về kỹ nghệ trồng trọt: “Nôê, người của đất, là kẻ đầu tiên trồng một vườn nho” (St 9,20).[6] Diễn tả Nôê “trồng trọt” cũng ám chỉ về Vườn địa đàng. Xét cho cùng thì tự ban đầu Thiên Chúa đã “trồng” (wayyiṭṭa‘) một khu vườn để trao phó hoàn toàn cho con người triển nở (St 2,8). Giờ đây, trong Sáng thế 9,20 thì Nôê chính là người đã “trồng” (wayyiṭṭa‘) một vườn nho.[7]
Một vườn nho! Còn gì đem lại niềm an ủi từ lao nhọc cho bằng một vườn nho? Quả thực ở đây, chúng ta tìm thấy sự ứng nghiệm rõ ràng nhất lời tiên tri của Laméc trong việc đặt tên, dường như trùng khớp với sự trưởng thành của Nôê trong tư cách là Ađam mới. Nhận xét của Leon Kass thật phù hợp:
Khám phá tuyệt vời về sự lên men cho phép quả nho mang lại nhiều điều hơn là một thứ dưỡng chất thuần túy: rượu “làm vui thỏa lòng người” [Tv 104,15] nâng cao tinh thần và cho phép con người tìm được (cũng từ đất) phần nào niềm an ủi từ lời nguyền rủa trên mặt đất khiến hắn phải đổ mồ hôi để có bánh ăn.[8]
Hay như Ben Sira diễn tả:
Rượu đem lại cho con người sức sống,
nếu biết uống có chừng có mực.
Sống không có rượu thì sống làm chi?
Rượu đã được tạo thành cho người ta phấn khởi.
Tâm hồn sung sướng, lòng dạ hân hoan,
nếu uống rượu đúng thời đúng mức (Hc 31,27-28).
Quả thế, khó khăn là ở chỗ phải “có mực” và “đúng mức”. Ben Sira tiếp tục cảnh báo những tác hại của thói quen uống rượu quá độ (Hc 31,29-30), và chúng ta biết mọi việc xảy đến với Nôê ra làm sao. Ngay trong câu tiếp theo sau khi phát minh ra nghề trồng nho, mọi thứ đã chệch hướng. Nôê say rượu và nằm ngủ khỏa thân. Hãy xem đó là một bài học.
Và đó quả là một bài học. Văn chương khôn ngoan của Kinh thánh Hípri thường khuyên nhủ phải đề phòng việc uống rượu quá mức (chẳng hạn Cn 23,20-21.29-35). Tuy vậy, trong bối cảnh của chuyện kể về Nôê, người ta có lý để tự vấn rằng “liệu người đầu tiên trồng nho có phải thấy trước những hậu quả tai hại của việc uống rượu quá nhiều hay không”.[9] Có thể không. Nhưng tội trạng của Nôê không phải là mục đích, ít nhất không phải là mục đích chính. “Đừng say xỉn” có thể là một bài học của câu chuyện, nhưng mục đích sâu xa hơn là một lời nhắc nhớ đầy cay đắng: đất vẫn còn bị nguyền rủa. Phép rửa bằng nước lũ của Sáng thế 6-8 không xóa bỏ được lời nguyền rủa. Nó vẫn làm hỏng niềm an ủi có thật nhưng mong manh và bất toàn mà Laméc đã tiên báo cách chính xác rằng Nôê sẽ khai mở. Uống rượu chừng mực có thể khơi lên nửa ký ức buồn của Địa đàng đã mất, nhưng Nôê đã không đưa chúng ta trở lại qua cửa đông. Giống như sự trần truồng của Ađam và Evà sau khi sa ngã, sự lõa lồ của Nôê sau khi say rượu cũng vẫn là một mối hổ nhục.
Vì chưng, Nôê, Ađam mới, đã không thoát khỏi cái bóng của tội. Điều này làm sáng tỏ một lời giải thích gây hoang mang khác khi Thiên Chúa quyết định không nguyền rủa đất hay tiêu diệt mọi sinh vật một lần nữa. Không phải vì mọi sự đã được sửa chữa, nhưng chính xác là vì chưa được: “… vì ý định của lòng người xấu xa từ khi còn trẻ” (St 8,21). Như David L. Petersen lưu ý, “lý do được đưa ra cho việc không có sự hủy diệt hoàn toàn trong tương lai hầu như giống với lý do được đưa ra cho trận lụt”[10] – “Đức Chúa thấy… mọi ý định trong tâm tưởng lòng người chỉ toàn xấu xa luôn mãi” (St 6,5). Việc canh tác nông nghiệp khó khăn hơn sẽ không giải quyết được vấn đề, kể cả một trận lụt lội khác cũng thế.
Sự trần truồng trong cơn say xỉn của Nôê, dấu chỉ của tội lỗi còn sót lại sau Đại hồng thủy, cung cấp một hình ảnh sống động về sự đồi bại và hình phạt ở những nơi khác trong Kinh thánh Hípri. Nahum Sarna nhận xét rằng, mối liên kết giữa việc say rượu với “sự phơi bày của tình trạng trần truồng” trong Sáng thế 9,21 xuất hiện trở lại trong Khabacúc 2,15 và Ai ca 4,21.[11] Nhưng điều đáng quan tâm hơn nữa về các câu do Sarna chỉ ra, đó là chúng đều sử dụng hình ảnh say sưa và trần truồng này để đề cập về các tai họa do tội lỗi mang đến. Bằng sự châm biếm đầy chua chát, Ai ca 4,21 dành thứ ngôn ngữ thường dùng nhằm tiên báo tin mừng cứu chuộc (Hãy hoan hỉ và nhảy mừng, hỡi thiếu nữ…”; x. Xp 3,14; Dcr 9,9) để mời gọi dân Êđôm cứ tiếp tục ăn mừng việc Giêrusalem thất thủ vào tay người Babylon.[12] Câu này kết thúc với lời cảnh báo về một viễn cảnh tăm tối: “chén lôi đình rồi cũng đến lượt ngươi phải uống, say ngất say ngư, ngươi sẽ tự lột trần”. Nói cách khác, say xỉn và trần truồng ở đây có chức năng như hình ảnh về sự hủy diệt của Giêrusalem và sự lưu đày của Giuđa, một vận mạng mà sau cùng dân Êđôm có thể cũng sẽ gánh chịu trong khi nhà Israel được phục hồi (xem câu tiếp sau – Ac 4,22).
Tương tự, Khabacúc 2,15-16 tiên báo rằng, bước sang thế kỷ thứ VI TCN, khi những người Canđê đang bày ra bản án cho sự say xỉn và trần truồng, thì rồi có một ngày điều ấy “sẽ xảy đến” cho họ. Khabacúc 2,16 cũng xem chén say xỉn dẫn tới sự lõa thể như là chén “Đức Chúa cầm nơi tay hữu”. Sự trần truồng vì say xỉn của Nôê trở thành hình ảnh về sự trừng phạt khủng khiếp mà các ngôn sứ thường xuyên và dứt khoát quy về, không phải cho sức mạnh quân sự, nhưng cho chính Thiên Chúa. Việc Giêrusalem bị tàn phá chính là uống “cho cạn” “chén thịnh nộ của Người” (Is 51,17).[13] Nhìn từ quan điểm của sách Sáng thế, điều này chẳng có gì đáng ngạc nhiên. Vì xét cho cùng, chính Thiên Chúa là Đấng đã nguyền rủa mặt đất trước tiên (St 3,17).
Dĩ nhiên, rượu cũng đồng thời vẫn là biểu tượng then chốt cho sự hoàn tất cánh chung trong Kinh thánh Israel, từ những trái nho to lớn lạ lùng của Đất hứa (Ds 13,23) cho đến thứ rượu tràn trào của bữa tiệc khải huyền khi cuối cùng sự chết bị tiêu diệt (Is 25,6-8). Việc dùng rượu làm phương tiện ẩn dụ cho cả sự kết án lẫn ơn cứu độ xem ra thật nghịch lý. Nhưng chính vì rượu là chất liệu cho niềm vui, lễ lạc, và sự hiệp thông mà sự say xỉn lại là một biểu tượng thuyết phục cho sự chệch hướng nơi nhân loại, một nhân loại có tâm hồn bị hư hoại ngay từ khi còn trẻ (St 8,21). Một lần nữa trích dẫn lời của Kass, bất chấp những ngất ngây rượu đem lại, nó cũng là “nguyên nhân gây say xỉn, gây xói mòn khả năng phân biệt, gây hỗn loạn”.[14] Nói cách khác, nó là mối đe dọa làm hư hỏng sự khôn ngoan giúp xếp đặt công trình tạo dựng được vạch ra ở khởi đầu sách Sáng thế, mà cao điểm là “niềm an ủi” tột cùng của việc nghỉ ngơi ngày Sabát.
Trận Đại hồng thủy đem lại một thế giới được tái tạo dựng, đúng thế, nhưng thế giới vẫn còn bị tiêm nhiễm bởi khuynh hướng hủy tạo dựng, vốn là trái đắng của tội lỗi. Nôê là một Ađam mới, người đem đến phần nào niềm an ủi từ lời nguyền rủa, đúng thế, nhưng ông không phải là Ađam cuối cùng, Đấng mang lại sự nghỉ ngơi chung cục cho ngày Sabát.
Và đây là lúc tôi tỏ rõ quan điểm của mình. Dẫu cho Nôê chỉ là một Ađam mới chứ không phải là Ađam mới đích thực, thì ông vẫn là tiên trưng của Đức Kitô. Bất ngờ thay, chẳng có vẻ gì là quá mức điên rồ khi thánh Augustinô gợi ra rằng sự trần truồng của Nôê là tiên trưng cho sự trần truồng của Đức Kitô trong cuộc khổ nạn (Thành đô Thiên Chúa 16.2). Nôê đã uống rượu, khỏa thân, và thiếp đi. Đức Giêsu đã uống một chén khác (Mt 20,22; 26,39), đã bị lột áo, và đã ngủ giấc ngủ của sự chết trên thập giá.[15]
Chúng ta thậm chí có thể làm tốt hơn thánh Augustinô. Trong Sáng thế 9,20 Nôê được gọi là “người của đất” (’îš hā’ădāmâ). Cách diễn đạt này đầy ắp những vang vọng từ chương 2-3 sách Sáng thế. Không chỉ hạn từ “đất” một lần nữa chứng tỏ căn tính của Nôê là một Ađam mới, hạn từ “người” được sử dụng ở đây đặc biệt gợi lên mối tương quan của Ađam với Evà (x. St 2,23-24). Quả vậy, từ này có thể được dịch thành “chồng” (St 3,6.16; 4,1). Trong truyền thống Kitô giáo, chiều kích cốt yếu của điển hình luận Ađam-Giêsu đó là, cũng như Evà, vợ Ađam được rút ra từ cạnh sườn của ông khi ông ngủ (St 2,21-22), thì cũng thế, Giáo hội, hiền thê Đức Kitô đã nảy sinh từ cạnh sườn bị đâm thâu của Ngài khi Ngài ngủ giấc ngủ của sự chết trên thập giá” (Sacrosanctum Concilium số 5; x. Ga 19,34; Ep 5,31-32).[16]
Ở đây Nôê cũng phù hợp cả với tư cách là một Ađam mới lẫn hình bóng tiên trưng của Ađam cuối cùng. Hơn nữa, chúng ta cũng thấy thích hợp để giải thích việc con của Nôê là Kham đã gây ra xúc phạm, bằng cách này hay cách khác, rõ ràng chứng tỏ sự sinh sản và thế hệ con cháu đã mắc sai lầm (St 9,22). Như thế, cách này hay cách khác, điều này cũng phục vụ như một tấm phim âm bản cho việc Đức Kitô thiết lập Giáo hội từ cạnh sườn của Ngài, cho việc Giáo hội sẽ là Mẹ của một đoàn con đông đảo. Bí tích tái sinh họ, theo Tân ước, nhắc lại trận Đại hồng thủy (1Pr 3,20-21) nhưng giờ đây gột sạch “tâm hồn chúng ta” (Dt 10,22) – vốn là nơi gai góc và cỏ dại của thứ đất đai bị nguyền rủa phát triển (St 3,17-18; 6,5; 8,21).
Sự nguyền rủa mà Ađam đã mang xuống trên mặt đất tấn công con ông là Cain – “người canh tác đất đai” (St 4,2.10-12). Bất hòa, bạo lực, và sự phục lụy giữa anh chị em hầu như trở thành mặc nhiên trong sách Sáng thế. Sau khi mang lại niềm an ủi tạm thời từ lời nguyền rủa trên mặt đất, giờ đây Nôê lại nguyền rủa Canaan, con trai của Kham. Tuy nhiên, điều được trình bày như là lời nguyền rủa dành cho Canaan – “nó sẽ là tôi tớ của các tôi tớ [‘ebed ‘ăbādîm] cho các anh em nó” (St 9,25) – sẽ là danh hiệu đặc trưng cao cả nhất dành cho những kẻ Đức Giêsu “không hổ thẹn mà gọi họ là anh em” (Dt 2,11). “Nhưng ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em, và ai muốn làm đầu giữa anh em thì phải làm tôi tớ mọi người” (Mc 10,43-44). Nhiều thế kỷ sau, Giáo hoàng Rôma sẽ không nhận một tước hiệu nào vinh dự hơn tước hiệu tôi tớ các tôi tớ Thiên Chúa [servus servorum Dei].[17]
Vâng, Laméc đã biết rằng Nôê thật khác biệt, và ông đã đặt cho cậu một cái tên gợi lên niềm an ủi (nāḥam). Sau sự trừng phạt của trận Đại hồng thủy, Nôê đã mang lại niềm an ủi. Nhưng niềm an ủi mà thành quả cây nho mang lại đã cho thấy sự bất toàn và có khả năng kéo chúng ta trở lại với tội lỗi và hư nát nếu chúng ta không cẩn trọng. Sự nguyền rủa mặt đất trong Sáng thế 3,17 cho thấy ảnh hưởng của nó một lần nữa. Tuy nhiên mảnh đất ấy chờ đợi vị “hôn phu” vĩ đại hơn, Đấng một mình đạp bồn ép rượu (Is 63,3), Đấng mang lấy lời nguyền rủa (Gl 3,13) và loại bỏ nó mãi mãi, khi dọn đường cho thứ “rượu mới” (Mt 9,17), thứ “rượu ngon” (Ga 2,10), thứ rượu mang lại cơn say thức tỉnh của Thần Khí (Ep 5,18). Vì chưng, Nôe là tiên trưng cho Đấng mà cuộc quang lâm của Ngài sẽ được loan báo bởi chính động từ an ủi [nāḥam], động từ mà Laméc, một cách tiên tri, đã nối kết với tên gọi của con ông: “Hãy an ủi, hãy an ủi [naḥmû naḥmû] dân ta, Thiên Chúa anh em phán” (Is 40,1).
Tác giả: John Sehorn
Grêgôriô Võ Trần Nhựt chuyển ngữ
[1] Bài viết sử dụng bản dịch Anh ngữ ESV-CE (The English Standard Version, Catholic Edition), trừ khi được nói rõ cách khác.
[2] Đoạn này dựa theo Leon R. Kass, The Beginning of Wisdom: Reading Genesis (Chicago: University of Chicago, 2003), 154.
[3] X. Nahum M. Sarna, The JPS Torah Commentary: Genesis (Philadelphia: The Jewish Publication Society, 1989), 44.
[4] The Jewish Study Bible, Adele Berlin và Marc Zvi Brettler biên tập (New York: Oxford, 2004), 20.
[5] X. Sarna, 44.
[6] Một ứng viên khác có thể được tìm thấy ở chương 8 sách Sáng thế. Sau khi “đất” bị nguyền rủa xóa xổ cư dân của nó, được nước bao phủ và khô ráo trở lại, Nôê đã dâng của lễ toàn thiêu (St 8,20). Thế rồi, “khi Đức Chúa ngửi thấy mùi thơm, Đức Chúa nhủ lòng rằng, ‘Ta sẽ không bao giờ vì con người mà nguyền rủa mặt đất một lần nữa’” (St 8,21). Thiên Chúa tiếp tục đảm bảo chu kỳ liên tục của điều kiện môi trường cho hoạt động nông nghiệp (St 8,22). Trong khi điều này là một lời hứa đáng mừng vì việc vất vả kiếm sống từ mặt đất sẽ không tồi tệ hơn, nhưng xem ra nó không đạt đến mức độ của “niềm an ủi” như Laméc tiên báo.
[Câu Sáng thế 9,20 thường được dịch trong tiếng Việt là: “Ông Nôê làm nghề nông, ông là người thứ nhất trồng nho” (CGKPV). Đây cũng là cách hiểu của nhiều bản dịch Kinh thánh, tức gọi Nôê là một người nông dân - γεωργός (Hylạp) hay agricola (Latin). Tuy nhiên, sát nghĩa tiếng Hípri, câu này khắc họa Nôê như là người của đất ( אִ֣ישׁ הָֽאֲדָמָ֑ה[’îš hā’ădāmâ]- tự nguyên giống với tên gọi của Ađam) – ND.]
[7] Chỉ có duy nhất hai lần động từ nāṭa‘ được sử dụng trong 12 chương đầu sách Sáng thế.
[8] Beginning of Wisdom, 203.
[9] Jewish Study Bible, 25.
[10] David L. Petersen, “The Yahwist on the Flood,” Vetus Testamentum 26 (1976), 443.
[11] Sarna, 65.
[12] Vì dân Êđôm hân hoan trước sự sụp đổ của Giêrusalem, xem Tv 137,7; Ed 35,15.
[13] Xin xem thêm: Tv 60,3; 75,8; Gr 25,15; 49,12; 51,7; Kh 14,10.
[14] Beginning of Wisdom, 203.
[15] Về cách thánh Augustinô sử dụng điển hình luận này, xem John C. Cavadini, “Exegesis and Ecclesiology in Augustine’s City of God,” Letter & Spirit 12 (2017), 182.
[16] Xem Giáo lý Hội thánh Công giáo số 766, với các trích dẫn trong số này, phần nhiều được thêm vào, bao gồm lời của thánh Augustinô trong Thành đô Thiên Chúa 22.17: “Giờ đây, khi tạo dựng người nữ từ buổi khai nguyên của nhân loại, bằng cách rút một chiếc xương từ cạnh sườn của người nam đang ngủ, Đấng Tạo hóa, qua hành động này, hẳn có ý muốn tiên báo về Đức Kitô và Giáo hội của Ngài. Giấc ngủ này của người nam rõ ràng tượng trưng cho cái chết của Đức Kitô; và cạnh sườn của Đức Kitô, khi Ngài chết treo trên thập giá, đã bị một ngọn giáo đâm thâu. Và từ vết thương ấy mà máu và nước đã chảy ra, là điều mà chúng ta thừa nhận như các bí tích nhờ đó Giáo hội được thiết lập” (bản dịch Anh ngữ của Henry Bettenson [New York: Penguin, 2003], 1057).
[17] Đối với câu chuyện nổi tiếng về việc thánh Grêgôriô Cả sử dụng tước hiệu này như một sự khiển trách dành cho Thượng phụ John the Faster, xem John the Deacon, Life of Saint Gregory the Great 2.1 (PL 75:81). Tuy nhiên thánh Grêgôriô không (hẳn) là vị giáo hoàng đầu tiên tuyên bố tước hiệu ấy.