Dưới chân thập giá có Mẹ Maria, Mẹ của Chúa Giêsu và của mọi tín hữu



Tôi để ý thấy rằng chỉ có Tin mừng Gioan nói về sự hiện diện của Đức Maria, Mẹ của Chúa Giêsu, dưới chân thập giá. Tại sao? Liệu chi tiết y hệt vậy có thể bị các thánh sử khác bỏ qua, nhưng lại nói về những người phụ nữ khác?

Fra Luca Maria De Felice, giáo sư Thánh kinh, trả lời.

Đúng rồi! Chỉ có Tin mừng Gioan (19,25-27) nói về tình tiết đầy ý nghĩa này, còn các thánh sử khác không mô tả câu chuyện này và chỉ nói về một nhóm nhỏ những người phụ nữ (xem Mt 27,55-56; Mc 15 ,40-41; Lc 23,49). Về vấn đề này, tài liệu về Lời Chúa của Công đồng Vatican II, Hiến chế Dei Verbum nói: 

“Các thánh sử đã viết bốn sách Tin Mừng bằng cách chọn một số trong những điều được truyền khẩu hay đã được ghi chép, tóm tắt hoặc giải thích một số điều tùy theo tình trạng của các giáo đoàn, và sau cùng vẫn giữ lại hình thức lời giảng, để luôn truyền đạt cho chúng ta những điều chính xác và trung thực về Chúa Giêsu. Quả thế, dựa trên ký ức hay kỷ niệm riêng, hoặc dựa trên lời chứng của những người “từ đầu đã tận mắt chứng kiến và đã trở thành những người phục vụ cho Lời”, các ngài đã viết ra với chủ ý giúp chúng ta nhận thức được “tính xác thực” của những lời các ngài nói để dạy dỗ chúng ta” (x. Lc 1,2-4).

Chắc chắn không cần phải phân bì, bởi vì Kinh thánh không trực tiếp nhắm đến tiểu sử và biến cố cụ thể của Mẹ Chúa Giêsu, nhưng chú trọng đến vai trò và ý nghĩa của Mẹ đối với toàn bộ chương trình cứu độ. Xuất phát từ hình ảnh Đức Maria trong Tin mừng Nhất Lãm, Tin Mừng Gioan có 2 cách diễn tả về Mẹ: “Mẹ Chúa Giêsu” hoặc “Người Phụ Nữ”. Trong tiệc cưới Cana, bà là mẹ của Chúa Giêsu, người quan tâm đến các vấn đề của con người; là người đã nói “Người bảo gì các con hãy làm theo” (Ga 2,5) để giúp họ bước vào trong Giao ước mới, ngay cả khi Mẹ biết rằng giờ Phục sinh của ơn cứu độ chưa đến. Nhưng Mẹ cũng biết rằng Chúa Giêsu là Chàng Rể, là người mang đến rượu ngon của Tin Mừng và Ân Sủng. Chúa Giêsu của Tin mừng Gioan biết rằng sẽ tới giờ mà cả hai sẽ tham gia vào sự cứu rỗi của nhân loại.

Một tài liệu khác về Giáo hội của Công đồng Vatican II, Lumen Gentium, nói rằng: 

“Đức Trinh Nữ đã tiến bước trong cuộc lữ hành đức tin, trung thành hợp nhất với Con cho đến tận bên chân Thập Giá, Mẹ đã đứng đó theo như ý định của Thiên Chúa (x. Ga 19,25), sẵn sàng cùng chịu đau khổ với người Con một và dự phần vào hy lễ của Con với cả tấm lòng hiền mẫu, dùng trọn tình yêu chấp nhận hiến tế lễ vật do chính lòng mình sinh ra; và cuối cùng, Mẹ đã nhận làm Mẹ của người môn đệ qua lời trăng trối của Đức Giêsu Kitô đang hấp hối trên Thập Giá: “Thưa Bà, này là con Bà” (x. Ga 19,26-27) (LG 58).

Vì thế, trong Tin Mừng Gioan, sự hiện diện của Đức Maria làm ta liên tưởng đến Mẹ của Chúa Giêsu hay như một "Người Phụ Nữ" để phân biệt Mẹ với những người phụ nữ khác được mô tả trong Tin mừng Nhất lãm: và trong đoạn thập giá, Mẹ là Mẹ của tất cả các tín hữu, của đền thờ mới (nơi Chúa tìm kiếm những người thờ phượng trong tinh thần và sự thật). Nhưng trong sách Khải huyền của thánh Gioan, Mẹ được trình bày như Người Phụ Nữ khoác áo mặt trời (Kh 12,1 và tiếp theo), nghĩa là được tô điểm bằng những ân sủng trên trời. Được như vậy bởi vì Mẹ là Mẹ của Giáo Hội, là người tổng hợp toàn bộ Dân Chúa, Mẹ của Giao ước đầu tiên được chuẩn nhận trên núi Sinai và Giao ước thứ hai phát sinh từ mầu nhiệm vượt qua của Chúa Kitô, một dân tộc được Đức Maria đại diện một cách xuất sắc, là mối dây liên kết của cả hai dân tộc với Chúa Giêsu và với công trình của Người.

Tôi cảm ơn độc giả đã quan sát và đặt câu hỏi do Tin mừng thứ tư nêu ra, dù sao nó cũng cho chúng ta cơ hội nhìn thấy Mẹ Chúa Giêsu, tầm quan trọng của Mẹ đối với ơn cứu rỗi. Chúng ta cùng xin Mẹ bảo vệ, soi sáng và chăm sóc để chúng ta tiếp tục hành trình kitô giáo, đang khi chờ đợi sự trở lại của Chúa Giêsu, Con của Mẹ.

G. Võ Tá Hoàng

Mới hơn Cũ hơn