Philip Kosloski
Trong một nền văn hóa ích kỷ, điều chúng ta cần nhất là cầu nguyện hàng ngày.
Trong thế giới ngày nay, việc tự coi mình là trung tâm khá dễ dàng. Nền văn hóa không ngừng thúc giục chúng ta “hưởng thụ”, bằng cách chiều theo mọi mong muốn mà chúng ta có vào lúc này.
Thuốc giải độc cho một cuộc sống tự cho mình là trung tâm đó là kết hợp chặt chẽ việc cầu nguyện vào lịch trình hàng ngày của chúng ta.
Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã giải thích ý tưởng này trong bài giảng của ngài vào Thứ Tư Lễ Tro năm 2008:
“Nếu không có chiều kích kinh nguyện thì cái tôi phàm trần của chúng ta sẽ co cụm vào mình, và lương tâm có nguy cơ biến thành cái gương phản ánh cái tôi của mình thay vì vọng lại của tiếng nói của Thiên Chúa, để rồi cuộc đối thoại nội tâm trở thành một cuộc độc thoại tự biện minh đủ loại cho mình. Vì thế, kinh nguyện bảo đảm sự cởi mở đối với tha nhân. Ai tự do đón nhận Thiên Chúa và các đòi hỏi của ngài, thì đồng thời cũng cởi mở đối với tha nhân, đối với người anh em đến gõ cửa tâm hồn mình, xin được lắng nghe, quan tâm, tha thứ, và đôi khi xin được sửa chữa trong tình bác ái huynh đệ”.
Mặc dù sự thật là chúng ta có thể bị cám dỗ biến lời cầu nguyện thành một thứ quy ngã (lấy mình làm trung tâm), nhưng lời cầu nguyện đích thực không bao giờ ích kỷ.
“Lời cầu nguyện đích thực không bao giờ tự hướng về chính mình, nó luôn luôn tập trung vào người khác. Như vậy, nó mở ra cho người đang cầu nguyện sự “xuất thần” về đức bác ái, khả năng ra khỏi chính mình để đến gần người khác trong sự khiêm nhường phục vụ tha nhân. Lời cầu nguyện đích thực là động lực cho thế giới vì nó giúp thế giới mở ra với Thiên Chúa. Vì vậy, nếu không cầu nguyện thì không có hy vọng mà chỉ có ảo tưởng”.
Nếu chúng ta muốn chiến đấu chống lại cám dỗ coi mình là trung tâm, tất cả những gì chúng ta cần làm đó là cầu nguyện và mở lòng ra với Chúa.
G. Võ Tá Hoàng