SUY NIỆM TIN MỪNG TUẦN THỨ NĂM MÙA CHAY
THỨ HAI TUẦN 5 MÙA CHAY
Ga. 8, 1-11
TÔI KHÔNG KẾT ÁN CHỊ
Vừa tảng sáng, Người trở lại Đền Thờ. Toàn dân đến với Người. Người ngồi xuống giảng dạy họ. Lúc đó, các kinh sư và người Pharisêu dẫn đến trước mặt Chúa Giêsu một phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình. Họ để chị ta đứng giữa, rồi nói với Người : "Thưa Thầy, người đàn bà này bị bắt quả tang đang ngoại tình. Trong sách luật, ông Mô-sê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao ?". (Ga. 8, 2-5)
Nếu chúng ta còn hồ nghi lòng thương xót của Thiên Chúa, thì hãy suy niệm cảnh chưa từng nghe về người phụ nữ ngoại tình này trong Tin mừng thánh Gioan để trừ khử mọi nỗi lo sợ của chúng ta.
Một phiên tòa tiểu hình diễn tả năm màn, đối kháng giữa lòng bao dung đại lượng của Đức Giêsu và sự bỉ ổi hẹp hòi của loài người.
Cảnh một : Màn tố cáo – Một phụ nữ bị chộp quả tang phạm tội ngoại tình bị điệu đến trước mặt Đức Kitô, giữa chốn công cộng. "Thưa Ngài Giêsu, Ngài nghĩ sao ? Cần phải làm gì đối với trọng tội này ? Theo luật Mô-sê tất nhiên phải ném đá. Còn Ngài thì sao …".
Cảnh hai : Màn cúi xuống đất – Đức Kitô, Vị quan tòa lặng thinh, thong thả vẽ những hình nguệch ngoạc nực cười, không nói một tiếng.
Cảnh ba : Những kẻ tố cáo bắt đầu khó chịu, bực bội, đứng trước vị ngôn sứ im lìm nặng nề – Đức Kitô đã biết rõ mục đích của họ đã sốt sắng nại đến việc giữ luật Môsê để thúc giục Người mắc vào cạm bẫy này : Nếu Người chống lại luật ném đá, họ tố cáo Người phá luật Môsê. Nếu Người ra lệnh ném đá, Người mất hết danh tiếng tốt lành và nhân từ thương xót. Đức Kitô ngước mắt nhìn hạng người mưu mô đáng ghét đó luôn luôn bới lông tìm vết bắt bẻ Người. Người nhìn họ với lòng thương hại, nhưng bình tĩnh trả lời họ : "Ai trong các ông không có tội, hãy ném đá chị này trước".
Cảnh bốn : Màn bối rối và kinh ngạc, bất lực trả lời trước lời đề nghị của vị quan tòa đang xét xử các ông - Các ông rất lúng túng, từng người bỏ đi, bắt đầu từ người già nhất, chứng tỏ họ quá khôn, lo tự vệ mình trước hay đúng hơn có thể họ lại bị kết án đồng phạm với chị.
Cảnh năm : Đức Giêsu còn lại một mình, thanh thản, trong sáng, trước người nữ bị hạ nhục, mắng nhiếc, bôi nhọ trước công chúng.
Không một lời than trách, không một cử chỉ khinh chê, không một vẻ làm cao hay thương hại. Nhã nhặn, lịch lãm biết bao, Giêsu ơi ! Đối nghịch lại với lối cư xử của chúng ta quen làm đến tàn nhẫn, chôn vùi lương tâm mình để buộc người khác phải xưng thú những sai lỗi nhỏ mọn đến từng chi tiết.
Còn Đức Giêsu, Người chỉ tuyên bố một câu ngắn gọn : "Không ai kết án chị ư ? Tôi cũng thế, Tôi không kết án chị". Đó là câu đầy tình thương yêu.
THỨ BA TUẦN 5 MÙA CHAY
Ga. 8, 21-30
NẾU CÁC ÔNG KHÔNG TIN
Đức Giêsu lại nói với họ : "Tôi ra đi, các ông sẽ tìm tôi, và các ông sẽ mang tội mình mà chết. Nơi tôi đi các ông không thể đến được."Người Do-thái mới nói : "Ông ấy sẽ tự tử hay sao mà lại nói : (Nơi tôi đi các ông không thể đến được) ? Người bảo họ: "Các ông bởi hạ giới; Còn tôi, tôi bởi thượng giới. Các ông thuộc về thế gian này; Còn tôi, tôi không thuộc về thế gian này. (Ga. 8, 21-23)
Một Tin mừng đầy nghịch lý đối với bản chất loài người như trong đoạn văn của Thánh lễ hôm nay.
Một lần nữa, Đức Kitô thử giúp những người biệt phái cố chấp cứng lòng tin hiểu về Người.
Người là ai ? Người đang bị họ tìm cách loại trừ bằng bất cứ giá nào, nhưng Người sẽ ra đi theo ý Người, khi Người muốn. Người bị họ tố cáo là kẻ tội lỗi, nhưng Người không khó chịu gì về lời họ, còn họ sẽ bị chết vì lời họ. Người sẽ về trời, còn họ vẫn ở dưới đất. Người sẽ bị họ treo trên thập giá, họ tưởng thế là đã trừ diệt được Người mãi mãi, trái lại khi họ treo Người lên, Người lại vinh quang đời đời.
Đức Kitô nói : "Nếu các ông không tin, các ông sẽ chết trong tội của các ông". Họ không tin. Họ không tin Đấng không tự mình làm bất cứ điều gì, nhưng Chúa Cha đã dạy Người điều gì Người nói như vậy, vì Người là Thiên Chúa như Chúa Cha.
"Nếu các ông không tin …". Vậy chỉ cần tin vào Thiên Chúa này thì được cứu độ, dù có vẻ nghịch lý đối với các ông. Hoàn toàn là thế. Chỉ cần chúng ta biết tiếp nhận một chút ánh sáng, thì sẽ được Người soi sáng cho ta thấy tỏ tường về Người. Chỉ cần chúng ta biết tiếp nhận Người, dù không thể giải nghĩa và thực hiện được theo nhãn quan con người. Chỉ cần chúng ta đừng bỏ qua những lời yêu sách của sứ điệp Phúc âm, dù có trái nghịch với bản chất con người chúng ta. Chỉ cần chúng ta bắt lý trí con người bái phục chân lý đức tin. Chỉ cần chúng ta biết cảm nghiệm sâu xa mầu nhiệm Đức Kitô bằng con tim trong đau khổ thập giá cũng như vinh quang phục sinh.
Nói khác đi, nếu chúng ta không tin Người, thì cũng không còn tin vào Thiên Chúa. Người trở nên một hữu thể vô danh vô tích sự mà thế giới ngày nay cho rằng Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô đã chết rồi.
Nếu chúng ta không tin vào Đức Giêsu Kitô của Thiên Chúa thì chúng ta sẽ đúc ra thần tượng khác để thờ vì người ta không thể sống vô thần được, dù người ta nói mình sống không cần thần thánh nào cả. Chúng ta sẽ giống như nhiều dân tộc, qua lịch sử của loài người, chế tạo ra những thần tượng. Họ thờ nhân vật thay Thiên Chúa của mặc khải, thờ những minh tinh màn ảnh, bóng đá, ca sĩ thay Đức Giêsu Kitô. Thật quá trớn.
THỨ TƯ TUẦN 5 MÙA CHAY
Ga. 8, 31-42
THIÊN CHÚA HAY CÁC THẦN TƯỢNG
Vậy Đức Giêsu nói với những người Do-thái đã tin Người : "Nếu các ông ở lại trong lời của tôi, thì các ông thật là môn đệ của tôi; các ông sẽ biết sự thật và sự thật sẽ giải phóng các ông". Họ đáp : "Chúng tôi là dòng dõi ông Ápraham. Chúng tôi không hề làm nô lệ cho ai bao giờ. Làm sao ông lại nói : các ông sẽ được tự do ?" Đức Giêsu trả lời : "Thật, tôi bảo thật các ông : hễ ai phạm tội thì làm nô lệ cho tội". (Ga. 8, 31-34)
Nếu quả thật lập trường của chúng ta là phục vụ chỉ một Thiên Chúa và chỉ yêu mến Ngài thôi, thì lúc đó trái tim chúng ta có còn bị chia sẻ và gắn bó với nhiều thần tượng trần thế này không ? Phải thú nhận rằng, tất cả chúng ta nhiều hoặc ít vẫn còn thờ thần tượng khác, như kinh tế, tiền tài, quyền lực, danh vọng, tiện nghi, thú vui, chỉ kể ba thứ trong đó nhiều thứ khác nữa. Chắc chắn chúng chống lại Thiên Chúa và chống lại cả chúng ta, buộc chúng ta phải thú nhận rằng trong những sự kiện đó đã làm chúng ta xa phụng sự một mình Thiên Chúa rồi. Chúng ta đã là đầy tớ của nhiều thứ, song chúng ta vẫn bào chữa như người Do thái rằng : "Chúng tôi là dòng giống Ápraham không bao giờ chúng tôi là nô lệ của ai".
Như Sirác, Misác và Ápđênagô, chúng ta có bổn phận phải từ chối phục vụ bất cứ thần tượng nào, nếu đó không phải là Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô. Và này, Người là ai mà có thể dẫn dắt chúng ta ngày nay được như thế. "Vậy nếu Người Con có giải phóng các ông, các ông mới thực sự tự do". Chỉ mình Đức Giêsu Kitô mới chống lại các thần tượng các thời đại và có thể làm cho tâm thức trở lại và khám phá thấy sự khác biệt giữa hai lối sống : tự do hay nô lệ. Lời Chúa hôm nay kêu gọi chúng ta phải biết dùng của cải Thiên Chúa đã dựng nên, chứ đừng làm nô lệ cho của cải. Nếu không, chúng ta không được giải phóng.
Chúng ta biết rằng : Không ai có thể làm tôi hai chủ. Đó là chân lý làm cho chúng ta được tự do mà mỗi người phải tự trả lời trước mặt Thiên Chúa. Chỉ khi thực hiện được điều kiện này, trái tim chúng ta mới có thể gắn bó thực sự với việc phục vụ Thiên Chúa duy nhất mà thôi.
THỨ NĂM TUẦN 5 MÙA CHAY
Ga. 8, 51-59
TRÍ NHỚ HẠN HẸP
Đức Giêsu đáp : "Nếu tôi tôn vinh chính mình, vinh quang của tôi chẳng là gì cả. Đấng tôn vinh tôi chính là Chat tôi, Đấng mà các ông gọi là Thiên Chúa của các ông. Các ông không biết Người; Còn tôi, tôi biết Người. Nếu tôi nói là tôi không biết Người thì tôi cũng là kẻ nói dối như các ông. Nhưng tôi biết Người và giữ lời Người. (Ga. 8, 54-55)
Trong một xã hội có cơ cấu tổ chức như xã hội chúng ta, mọi thứ trôi theo cuộc sống buộc chúng ta phải giữ trọn nhiều giao kèo, khế ước, hợp đồng. Chúng có nhiều loại, nhiều kiểu khác nhau. Thứ này thì lâu dài như khế ước kết hôn. Thứ khác thì ngắn hạn, như giao kèo mua bán. Dù là thứ nào, hai bên hợp đồng phải tự ràng buộc mình giữ đúng lời nói hay ký kết và tôn trọng sự cam kết của mình. Được như thế, người ta gọi là trung tín. Rất đáng trách kẻ bê trễ hay quên tôn trọng những lời cam kết của mình đối với phía cho vay mượn. Sự quên lãng hay bê trễ luôn là một sức nặng đè lên đời sống cá nhân.
Có thể chúng ta cũng có thứ trí nhớ hạn hẹp đó chăng ? Có thể lòng trung thành của chúng ta đối với Thiên Chúa cũng hạn hẹp như vậy ! Đã có lần trong lịch sử đời ta, Thiên Chúa đã can thiệp để ấn ký một giao ước đời đời giữa Ngài với chúng ta, như Thiên Chúa đã nói với Ápraham : "Và ngươi, ngươi sẽ giữ giao ước của Ta, ngươi và dòng dõi ngươi từ đời này tới đời kia". Mỗi người chúng ta nhờ bí tích Rửa tội, đã ký kết một bản giao kèo với Thiên Chúa, một giao ước được ấn ký long trọng tuyên thệ dứt khoát và đời đời trong máu thánh Đức Giêsu Kitô.
"Chúa đã luôn nhớ lời minh ước của Ngài". Thánh vịnh đã ca tụng Chúa như vậy. Vâng, Thiên Chúa luôn luôn trung thành và không bao giờ quên lời cam kết của Ngài đối với chúng ta. Còn chúng ta thì sao ?
Noi gương Thiên Chúa, chúng ta phải trung thành nhắc nhở chúng ta nhớ đến minh ước tình yêu đã nối kết chúng ta với Thiên Chúa. Bội ước, bất trung, nếu chúng ta không tôn trọng lời đã cam kết.
Đức Giêsu Kitô dạy chúng ta hôm nay : người nhận biết Thiên Chúa phải sống lời minh ước. "Tôi biết Ngài và giữ lời Ngài" (c. 55). Sống lời Chúa mỗi ngày, chúng ta sẽ được lời Chúa soi sáng, đó là dấu chỉ bảo đảm chắc chắn nhất về lòng trung thành của chúng ta đối với minh ước của Chúa. Lúc đó Thiên Chúa sẽ rất gần gũi với chúng ta. Chúng ta sẽ không còn sợ có một trí nhớ hạn hẹp chóng quên lời giao ước.
THỨ SÁU TUẦN 5 MÙA CHAY
Ga. 10, 31-41
BỊ DỒN VÀO CHÂN TƯỜNG
Người Do-thái lại lấy đá ném Đức Giêsu. Người bảo họ : "Tôi đã cho các ông thấy nhiều việc tốt đẹp Chúa Cha đã giao cho tôi làm; vì việc nào mà các ông ném đá tôi". Người Do-thái đáp : "Chúng tôi ném đá ông, không phải vì một việc tốt đẹp, nhưng vì một việc phạm thượng : Ông là người thường mà lại tự cho mình là Thiên Chúa." (Ga. 10, 31-33)
Một ông bạn nói, khi bị dồn vào chân tường thì chưa chắc đã xấu. Câu nói hóm hỉnh đó tiết lộ một kinh nghiệm nội tâm đặc biệt. Người ta có thể hiểu dễ dàng rằng toàn diện con người ông sẵn sàng sống với mọi biến cố.
Chính con người khi hoàn toàn bị dồn vào chân tường và thấy bất lực trước những biến cố, thì ý nghĩa của những biến cố đó giúp chúng ta thoát khỏi ngõ bí. Ai không sống trải qua cái cảm giác cùng cực và đối diện kinh khủng trước cái chế diễu của người thân yêu, của người tình tự tử hay một sự im lìm nặng nề, thì đó có phải là người của Thiên Chúa không ?
Chính trong những lúc đặc biệt đó, chúng ta cảm nghiệm được sự nghèo khó tột độ thực sự của con người chúng ta. Người ta có thể muốn từ chối sự yếu đuối của mình, điều đó thường dẫn đến thất vọng, trái lại, người ta có thể biến nó thành bàn nhảy nhảy vọt tới hy vọng như lời thánh Phaolô nói : "Chính lúc tôi yếu, là lúc tôi mạnh" (2Cor. 12, 10).
Hiểu câu nói trên theo kiểu loài người, thì người ta phải kêu lên là nghịch lý. Nhưng theo ngôn sứ Giêrêmia, thì người ta có thể nói : "Đấng thấu suốt tâm can tôi. Chính Ngài tôi phó trót mọi nỗi khúc mắc của tôi". Vì "cái điều điên dại trước mắt kẻ lý trí, lại trở nên khôn ngoan trước mắt Thiên Chúa".
Khi chúng ta khiêm nhường nhận ra sự nghèo khó của chúng ta và dâng sự khổ đó lên Đấng toàn năng, thì đó là cách diễn tả chân thực về nhu cầu cần thiết của chúng ta phải trông cậy vào Thiên Chúa. Chính nhờ thế, Thiên Chúa có thể hành động giúp chúng ta. Chúng ta chẳng có thể cho mình giàu, nhưng ước mong nên giàu nhờ Thiên Chúa ban.
Mùa chay kêu mời chúng ta ăn năn trở về cùng Thiên Chúa, Đấng đợi chờ mỗi người chúng ta trở về với Ngài, với con tim khó nghèo. Muốn thực hiện được như vậy, có cần phải bị dồn vào chân tường không ?
THỨ BẢY TUẦN 5 MÙA CHAY
Ga. 11, 45-56
ĐỒNG THUYỀN ĐỒNG HỘI
Trong một số người Do-thái đến thăm Maria và được chứng kiến những việc Chúa Giêsu làm, có nhiều kẻ đã tin vào Người. Nhưng Caipha một người trong thượng hội đồng nói rằng : "Các ông không hiểu gì cả, và không chỉ thay cho dân mà thôi, nhưng còn qui tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi về một mối". (Ga. 11, 45-49b-52)
Lý do người ta quy định với nhau là giống nhau, như câu châm ngôn : "Đồng thuyền, đồng hội". Nhiều người Kitô không còn cảm nhận được hương vị tình thương của Thiên Chúa và cộng đồng dân Chúa đã làm cho họ nên giống nhau, và cần phải quy tụ lại với nhau, nhất là trong Thánh lễ ngày Chúa nhật. Nhưng hơn bao giờ hết, họ sống cô độc, chỉ vì họ khó chịu khi mang nhãn hiệu Kitô giáo. Nhiều kẻ bị thuyết phục theo chủ trương rằng : Tôn giáo là việc bản thân mỗi người, chỉ cần liên lạc chặt chẽ giữa Thiên Chúa với cá nhân thôi.
Chúng ta bỏ mất lãnh vực sống cộng đồng đức tin là chúng ta vi phạm nghiêm trọng đến kế hoạch cứu độ cộng đồng rất quý của Thiên Chúa : Ngài quy tụ chúng ta thành một gia đình trong an bình và tình yêu, để mọi người là anh em với nhau chung quanh một người Cha duy nhất của chúng ta là Thiên Chúa hằng sống.
Trước thời đại Tân ước của chúng ta, Thiên Chúa đã thực hiện kế hoạch này rồi. Qua miệng ngôn sứ Êdêkien, Thiên Chúa đã nói với con cái Israel rằng : "Ta sẽ quy tụ các ngươi khắp nơi vào một xứ sở. Ta sẽ làm nên một dân tộc độc nhất trong xứ sở đó … và chỉ có một vua là vua tất cả". Điều Thiên Chúa nói thì Ngài đã làm : "Đức Giêsu sắp phải chết thay cho dân, và không chỉ thay cho dân mà thôi, nhưng để quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi về một mối". Thánh Gioan đã nhắc nhở chúng ta như vậy.
Để đạt tới sự đồng hội này, chúng ta có nhiều tác nhân giúp đỡ : "Chỉ một Thiên Chúa, chỉ một đức tin, chỉ một phép Rửa, chỉ một Thiên Chúa là Cha tất cả chúng ta" (Eph. 4, 5).
Cho nên hơn bao giờ hết, những từ : tình huynh đệ, hòa bình và hợp nhất đang vắng vẻ bên tai những người đồng thời chúng ta. Nhưng cũng hơn bao giờ hết vẫn có sự hiểu lầm, chiến tranh và chia rẽ.
Có lẽ thời đại của chúng ta rất lo lắng thực hiện kế hoạch của Thiên Chúa. Nhưng niềm hy vọng thực hiện tình huynh đệ cũng khó khăn và xa lạ hơn mọi thời khác. Chúng ta mong hòa bình mà chỉ thấy tái võ trang, mong hợp nhất mà chỉ thấy chia rẽ trước mắt chúng ta. "Ai gieo giống nào thì gặt giống ấy" (Gal. 6, 7).