CHÚA NHẬT III MÙA CHAY
Bài I : Xh 17, 3 - 7
Sau khi vượt qua biển đỏ, dân Israel được dẫn đưa vào hoang địa Sinai. Thiên Chúa luôn luôn ở bên cạnh họ bằng những kỳ công và phép lạ. Người đã ban họ chim cút và mana làm của ăn, Người tự mạc khải cho họ như Đấng Cứu Độ và như Người Cha nhân ái. Thế nhưng họ không thỏa mãn và luôn kêu trách Môsê. Một hôm tại Rơphidim dân thiếu nước uống nên đã gây gổ với ông: “tại sao ông đem chúng tôi ra khỏi Ai cập để chúng tôi phải chết khát thế này?” họ còn dọa ném đá ông. Môsê đã kêu cầu Chúa và Người truyền dạy ông hãy dùng cây gậy đập vào tảng đá và từ tảng đá nước sẽ vọt ra cho dân chúng uống. Môsê đã thực hiện theo lời Thiên Chúa truyền và toàn dân được uống thỏa thuê. Do đó người ta đã gọi tên chỗ ấy là Massah và Mêribah, vì tại nơi đó dân Israel đã thử thách và phản kháng Giavê. Cuộc thử thách của họ là thử thách về lòng tin vào sự hiện diện của Giavê ở giữa họ: “Có Giavê ở giữa chúng ta hay không?” [1].
Thiên Chúa đã tỏ ra kiên nhẫn trước thái độ cứng đầu ngỗ nghịch của Israel. Người không phạt nhưng lại mạc khải cho họ biết thêm về tình yêu của Người đối với họ. Người cho họ thấy rằng Người luôn hiện diện giữa họ như nguồn mạch ân sủng vô cùng phong phú có sức làm vơi nỗi khát khao rát bỏng của con người trong cuộc viễn hành đi qua hoang địa khô cằn của cuộc đời trần thế, chỉ cần có đức tin con người có thể khám phá ra sự hiện diện ấy. Cho dù vì tội lỗi, con người đã tìm cách lẫn tránh Người, nhưng Người vẫn không ngớt mời gọi và theo đuổi họ theo suốt dòng lịch sử. Người hiện diện và đồng hành với Israel như một tảng đá, không phải một tảng đá khô cằn không sức sống, nhưng là một tảng đá từ đó vọt ra nguồn nước ban sự sống dồi dào, tuôn đổ bao hồng ân phong phú, nước vọt ra từ một tảng đá là một điều không thể quan niệm nổi, nếu không có can thiệp đặc biệt của Thiên Chúa. Đó là câu trả lời cho những tâm hồn cứng lòng tin. Tình yêu và sự ân cần của Thiên Chúa đối với chúng ta vượt ngoài sự tưởng tượng nhân loại. Hình ảnh nước vọt ra từ tảng đá trong hoang địa chính là hình bóng Đức Kitô, Đấng sẽ đến ban nước trường sinh cho nhân loại. Người chính là đá tảng mà khi đập vào thì từ cạnh sườn sẽ tuôn trào dòng nước đủ sức giảm khát toàn dân đang lữ hành tiến về hứa địa đích thực [2].
Bài II : Rm 5, 1-2. 5 - 8
Con người vốn là những tội nhân truyền kiếp, lịch sử Cựu Ước đã từng chứng tỏ điều đó: con người không ngừng gây gổ phản nghịch với Thiên Chúa. Thế nhưng theo Thánh Phaolô, Cựu Ước là thời kỳ Thiên Chúa chịu đựng lầm lỗi của dân Người và của chư dân nhằm bày tỏ sự công chính của Người trong thời hiện tại. Sự công chính hay đức công bình của Thiên Chúa không chỉ biểu lộ trong sự xét xử, nhưng trước tiên trong việc biểu lộ lòng trung thành đầy nhân từ và ý định cứu rỗi từ ngàn xưa. Vì thế, chính trong cuộc khổ nạn của Đức Kitô, Thiên Chúa đã bày tỏ sự công chính cứu độ của Người đối với nhân loại và bởi thế con người chỉ có thể được công chính hóa nhờ tin vào Đức Kitô mà thôi.
Nhờ đức tin, tức là sự đáp trả tình yêu của Thiên Chúa được biểu lộ qua Đức Kitô, hết thảy chúng ta được lãnh nhận ân sủng dồi dào. Ân sủng ấy chính là tình yêu của Người đối với chúng ta. Như thế, tin vào Đức Kitô có nghĩa là nhận biết tình yêu Thiên Chúa đối với chúng ta. tình yêu của Người bao hàm lòng nhân từ, trung thành, quảng đại, và âu yếm. Tình yêu ấy có khả năng làm thỏa mãn mọi khát vọng của con người như lời thánh vịnh đã chép: “Lạy Chúa, quý báu thay ân sủng của Ngài! Loài người ẩn náu dưới bóng cánh Ngài, họ no thỏa nhờ sự phong phú của Ngài và Ngài cho họ uống nước suối phước lạc của Ngài” [3]. Việc Đức Kitô đến chứng tỏ tình yêu quảng đại của Thiên Chúa có thể tiến xa tới đâu! đến độ ban cho chúng ta chính con một Người. Đức Kitô chính là ân huệ tột đỉnh mà Chúa Cha ban cho chúng ta. Người là nguồn mạch phong phú không hề cạn của tất cả mọi ơn mà chúng ta có thể nhận lãnh, mà căn bản là ơn tác sinh chúng ta trong cuộc sống mới. Ân sủng ấy mang tính chất hoàn toàn nhưng không, bởi vì ban cho chúng ta ngay khi còn là tội nhân, để biến đổi chúng ta trở nên công chính.
Được công chính hóa nhờ Đức Kitô và được bao bọc bằng ân sủng của Thiên Chúa, người Kitô hữu chúng ta đừng sống như người Do Thái ngày xưa đã tỏ ra vô ơn và cứng lòng tin đối với Thiên Chúa mặc dù đã chứng kiến bao kỳ công mà Người đã làm cho họ.
Tin Mừng : Ga 4, 5 - 42
Một ngày kia Chúa Giêsu và các môn đệ từ Giuđêa trở về Galilêa lộ trình đi ngang qua xứ Samaria, vì đó là con đường ngắn nhất và dễ dàng nhất. Tới thành Sychar các môn đệ vào thành mua thức ăn, chỉ còn một mình Chúa Giêsu ngồi nghỉ chân bên bờ giếng Giacob, lúc đó vào khoảng giữa trưa, có một người nữ Samaria từ thành đi ra múc nước, Chúa Giêsu liền gợi chuyện: “Xin chị cho tôi uống với”.
Thuật trình về cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và người phụ nữ xứ Samaria là một trong những trang đẹp và thơ mộng nhất trong Tin Mừng Thánh Gioan. Nó gợi nhớ bao kỷ niệm gặp gỡ xa xưa trong truyền thống văn chương Thánh Kinh giữa người lão bộc của Abraham và nàng Rêbecca, giữa Giacob và nàng Rakhel, giữa Môsê và ái nữ của Yêthrô, nhưng giếng nước hiếm hoi trong vùng hoang đã khô cằn, xứ Palestina từ xưa đến nay vốn là những mục tiêu, những trạm dừng chân, những nơi gặp gỡ giữa bao cuộc hành trình của các tổ phụ và của dân xuất hành. Nó là biểu tượng của sự sống, sự phong nhiêu êm dịu và những hồng ân chan chứa của thời Thiên Sai khi mà Thánh Thần Thiên Chúa cùng với các ân huệ kèm theo được tuôn đổ ào ạt xuống mặt địa cầu.
Chính tại bờ giếng đã có gần 2000 năm lịch sử ấy. Đấng Thiên Sai đã mạc khải cho con người biết Người là nguồn mạch phong phú có sức làm giảm khát con người mọi thời đại. Vì thế Người đã vào chủ đề ngay, với chủ đề nước: “Xin chị cho tôi uống với”. Người đã lợi dụng cơ hội thuận tiện này để mạc khải cho người phụ nữ Samaria mầu nhiệm nước hằng sống và cũng là mầu nhiệm thâm sâu của Người. Nhưng người phụ nữ chưa hiểu được ý Người nên chỉ dừng lại những mối tương quan hoàn toàn nhân loại: “Ô kìa! Ông là người Do Thái còn tôi là người Samari, mà ông dám xin tôi cho ông uống sao?”. Bởi vì người Do Thái không giao thiệp với người Samari. Thế nhưng trong câu trả lời tiếp đó Chúa Giêsu cho thấy rằng Người có ý nói đến một thực tại huyền nhiệm mà nước giếng kia chỉ là hình bóng: “Giá chị biết hồng ân Thiên Chúa! và biết ai vừa nói: Xin chị cho tôi uống với, thì ắt là chị đã xin với Người và Người sẽ cho chị nước hằng sống”.
Theo nghĩa đen, nước uống là nước chảy, đối nghịch với nước tù nước đọng [4]. Nơi các ngôn sứ, nước trở thành một trong những biểu tượng quan trọng nói lên hồng ân của thời Thiên Sai:“Trong những ngày ấy nước uống sẽ vọt ra từ Giêrusalem”[5]. Nước mà Êzêkiel thấy từ đền thờ chảy ra tượng trưng cho quyền năng ban phát sự sống mà chúng ta sẽ tuôn trào thời Thiên Sai và giúp con người mang lại hoa trái dồi dào[6]. Tóm lại, theo giáo huấn của các ngôn sứ, chính Thiên Chúa là nguồn mạch sự sống của con người và chính Người ban cho họ để phát triển trong tình yêu và trong sự trung tín. Xa Chúa con người chỉ là vùng đất khô cằn thiếu nước và đi lần vào cõi chết[7]. Do đó con người cần phải hướng về Chúa như nai khát tìm đến mạch nước trong. Và nếu Thiên Chúa hiện diện với họ và trong họ, thì họ sẽ là một khu vườn có dòng suối mang lại cho nó sự sống[8]. Điều ấy sẽ được biểu lộ rõ ràng qua câu nói của Chúa Giêsu: “Ai uống nước giếng này sẽ còn khát, nhưng kẻ nào uống nước Ta ban thì sẽ không còn khát bao giờ, vì chính nước Ta ban sẽ vọt lên thành nguồn sống muôn đời”.
Ở những đoạn sau đó[9], Thánh Gioan đã minh định rằng nguồn nước không hề cạn, ấy chính là Thánh Linh mà những kẻ tin vào Đức Kitô sẽ nhận được. Nhưng ở đây có lẽ nước nguồn hằng sống ấy chính là mầu nhiệm thâm sâu của Đức Kitô, Người là lời, là sự khôn ngoan vĩnh cửu của Thiên Chúa, là ân huệ tột đỉnh của Thiên Chúa ban xuống cho con người, là nguồn mạch mọi hồng ân phong phú mà con người sẽ nhận được nhờ sự hiệp thông với Người, là nơi gặp gỡ thân tình giữa con người với Thiên Chúa và với nhau, là đền thờ sống động mà con người có thể dâng lên Thiên Chúa những việc phụng thờ xứng đáng hơn đền thờ ở Giêrusalem hay trên núi Garizim, bởi vì Người là chân lý và là con đường dẫn đến sự sống muôn đời.
Mầu nhiệm thâm sâu của Người được mạc khải dần dần qua cuộc gặp gỡ và đối thoại với người phụ nữ Samaria. Thoạt tiên, Người xuất hiện trước mặt chị ta như một khách lạ. Sau đó chị ta căn cứ vào y phục đã nhận ra Người là một người Do Thái. Rồi qua cái nhìn thấu suốt tâm tư thầm kín lẫn cuộc đời riêng mà Đức Kitô đã tỏ bày cho chị về chính chị thì chị đã xác tín Người là một ngôn sứ. Cuối cùng đẩy mạnh niềm tin và nhận thức của chị đến mức tối đa, Người đã tự mạc khải cho chị biết Người chính là Đấng Mêsia.
Cuộc mạc khải ấy mở đầu có vẻ như một sự tình cờ, một cuộc gặp gỡ và đối thoại như vẫn thường xảy ra hàng ngày, nhưng nhờ biết sẵn sàng đi vào cuộc đối thoại với Người, người phụ nữ Samari đã được phúc đón nhận một mạc khải vô cùng cao cả có sức biến đổi trọn vẹn cuộc đời của chị. Ngày nay Người cũng thường tìm gặp để mạc khải mầu nhiệm thâm sâu của Người cho chúng ta bằng cách ấy. Chúng ta có thể gặp thấy Người trong những thực tại thường ngày trong chuỗi bổn phận buồn tẻ cũng như trong những hình thức mưu sinh, để từ đó Người cho chúng ta biết rằng ngoài cơm ăn nước uống còn cái gì cần thiết hơn cho cuộc sống, rằng con người không thể thỏa mãn cơn khát của mình bằng duy những thực tại trần thế. Chúng ta có chấp nhận đối thoại với Người hay không, hay vẫn cứ coi thường như những kẻ xa lạ? chúng ta có dám để cho Người vạch trần mọi hư đốn của mình để sửa chữa như một bác sĩ giải phẫu một vết thương của bệnh nhân, hay chúng ta cứ coi Người như một kẻ quấy rầy đáng ghét để tìm cách trốn tránh Người, hoặc khép kín cõi lòng trước mặt Người? chúng ta có chấp nhận vươn lên khỏi nhu cầu vật chất để tiến dần về phía tinh thần và sống theo sự hướng dẫn của Thánh Kinh không? chúng ta có coi Người là nguồn mạch mọi hồng ân phong phú để đừng tìm thỏa mãn nơi vật chất không?
Sáu đời chồng lần lượt đi qua, người phụ nữ Samari đã không thỏa mãn được khát vọng tình yêu của chị, trái lại càng để chị lún sâu hơn vào nỗi khát vọng rát bỏng. Vật chất là những gì hữu hạn, mà khát vọng của con người thì vô biên. Vật chất chỉ có sức giải khát trong giây lát nhưng sau đó là khiến cho nỗi khát vọng của con người càng thêm da diết. Trong con người có cả một dòng thác bất tận, những nhu cầu càng ngày càng đòi hỏi, càng uống càng thêm thèm khát. Chỉ có nước hằng sống của Thiên Chúa mới có sức giải khát con người cách vĩnh viễn, bởi vì nó trở thành mạch nước vọt lên liên tục nơi mỗi người. Muốn được như thế chúng ta cần phải uống thứ nước ấy. Điều đó có nghĩa là phải đón nhận và nội tâm hóa những giáo huấn của Đức Kitô. Phải để cho ân sủng của Thiên Chúa hoạt động trong chúng ta và đừng đánh đổi ơn Chúa với những thỏa mãn vật chất.
Trong tinh thần mùa chay chúng ta đang sống, bài Tin Mừng hôm nay đề nghị chúng ta một thái độ: vứt bỏ tất cả những gì tạm bợ để tìm kiếm Thiên Chúa là nguồn mạch mọi thiện hảo, Đức Kitô hôm nay cũng có thể nói với chúng ta như người phụ nữ xứ Samari xưa. Ôi! Giá mà các con biết hồng ân Thiên Chúa là dường nào! Phải, giá mà chúng ta biết được như thế thì chúng ta sẽ thiết tha kêu xin với Người và sẵn sàng đánh đổi mọi thứ trên đời này để lấp nó. Giá mà chúng ta biết được tình yêu của Người đối với chúng ta lớn lao dường nào thì chắc chắn chúng ta sẽ không dám chối từ tình yêu ấy để sống mãi trong tình trạng tội lỗi! Hằng ngày không những chúng ta gặp gỡ Người trong thánh lễ, được nghe lời Người qua các bài Thánh Kinh, được thưa chuyện với Người qua các lời nguyện, mà hơn nữa chúng ta còn được kết hiệp mật thiết với Người qua việc rước lễ, giá mà chúng ta ý thức điều đó là một hồng ân cao cả biết bao thì có lẽ cuộc đời chúng ta đã đổi khác từ lâu.
[1] Xh 17,7
[2] 1Cr 10,4; Ga 7,38
[3] Tv 36, 8t
[4] Kn 26,19; Lv 2,13
[5] Za 14, 8
[6] Ez 4,12
[7] Tv 143,6
[8] Ys 58,11
[9] Ga 7, 38-39