SUY NIỆM TIN MỪNG TUẦN IV MÙA CHAY
THỨ HAI TUẦN 4 MÙA CHAY
Ga. 4, 43-54
GIỜ CỦA ĐỨC GIÊSU
Đức Giêsu bảo : "Ông cứ về đi, con ông sống." Ông tin vào lời Đức Giêsu nói với mình, và ra về. Ông còn đang đi xuống, thì gia nhân đã đón gặp và nói là con ông sống rồi. Ông hỏi họ con ông đã bắt đầu khá hơn vào giờ nào. Họ đáp : "Hôm qua, vào lúc một giờ trưa thì cậu hết sốt." (Ga. 4, 50-52)
Một quan chức nhà vua có đứa con đau nặng, ông nghe tin Đức Giêsu đang ở trong miền gần đó. Ông tự nhủ : "Đây là lúc Người có thể chữa con mình". Ông chỉ nghe theo niềm cậy trông của ông và ông tìm đến Người. Ông gặp Người, và khẩn khoản nài xin Người. Đức Giêsu kêu trách ông như mọi người chỉ muốn xin điềm lạ và những điều phi thường. Nhưng sự hất hủi đó không làm ông tủi hờn chút nào. Ông càng khẩn xin như không nghe thấy gì : "Lạy Ngài, xin xuống trước khi con tôi chết". Đức Kitô cảm động và nói với ông : "Được rồi, ông cứ về đi, con ông sống đấy".
Mừng như điên, lập tức ông tin lời Đức Giêsu, ông về như bay, và giữa đường ông gặp đầy tớ báo tin con ông đã khỏi. Ông hỏi : "Nó khỏi giờ nào ?". Họ đáp : "Lúc bảy giờ hôm qua". Ông tự nhủ : "Đúng vào giờ Đức Giêsu nói với mình". Đó là cú đánh ân huệ. Giờ ban ơn cứu chữa ông và cả gia đình ông. Giờ của Đức Giêsu. Giờ ban ơn trở lại. Giờ cứu độ.
Đối với người được đức tin, chính là giờ của Đức Giêsu. Người đến để cải tạo và làm cho họ trở thành dụng cụ bác ái đối với người lân cận. Biết đón nhận thánh ý Thiên Chúa và những đường lối quan phòng của Ngài trong mọi thứ thử thách như trong bệnh tật, đau khổ về gia đình như xé nát tâm can, trong xao xuyến lo âu về tương lai yêu quý, trong bấp bênh về đời sống kinh tế, đó là sống cái giờ của Đức Giêsu, và như Đức Giêsu đã chấp nhận với bao nỗi sầu khổ của thân phận làm người và chỉ mình Người mới có thể làm cho chúng ta cảm nghiệm sâu xa được mầu nhiệm khổ nạn khi vâng theo thánh ý Thiên Chúa như Người đã cảm nghiệm được suốt cuộc đời Người và nhất là lúc bị đóng đinh trên thập giá.
Giờ của Đức Giêsu, cũng chính là những cơ hội cho chúng ta được dịp an ủi, nâng đỡ, khuyến khích, soi sáng và đem bình an cho người khác. Vì mỗi lần chúng ta cho kẻ đói ăn, kẻ khát uống, kẻ đói rách ăn mặc, thăm hỏi kẻ tù đầy, an ủi kẻ tuyệt vọng, thì đó là chúng ta đã làm cho chính Chúa, Người đã nói trong Tin mừng như vậy.
THỨ BA TUẦN 4 MÙA CHAY
Ga. 5, 1-16
NGƯỜI HAY CHỮA BỆNH NGÀY SABÁT
Đức Giêsu bảo : "Anh hãy chỗi dậy, vác chõng và bước đi !" Người ấy liền được khỏi bệnh, vác chõng và bước đi. Hôm đó lại là ngày Sabát. Người Dothái mới nói với kẻ được khỏi bệnh : "Hôm nay là ngày Sabát, anh không được phép vác chõng !" (Ga. 5, 8-10)
Một lần nữa chứng tỏ một điều chắc chắn này : Xưa kia luật lệ con người rất khó thay đổi, và hầu như không cải tiến được, vì nó ăn sâu vào bản tính nhân loại. Ngay cả ngày nay cũng vậy, người ta gắn bó với nhiều luật lệ từng chi tiết và trở thành một thứ hình thức cực đoan, đến nỗi bị tiêu diệt vì luật lệ. Chúng ta có dám phản đối lối giữ luật nô lệ đó không ? Chừng nào chúng ta mới được soi sáng, chừng nào chúng ta mới sống theo tinh thần của luật và không theo lối từ chương lệ cổ, ước chi lòng thành tâm làm cho chúng ta phải sống thế nào cho cân xứng. Sự gắn bó với những điều phụ thuộc làm cho chúng ta mù quáng về những điều cốt yếu. Những người Do thái giữ ngày Sabát thời Đức Kitô cũng vậy.
Đây trong một ngày Sabát, họ thấy người vác chõng. Mọi người đều biết anh là kẻ bị tê liệt lâu năm nằm ở hành lang hồ Bétsaiđa. Người ta không biết ngạc nhiên, trong chốc lát, anh đã đi được. Sự lạ lùng nào đã xảy ra cho anh, sao anh đã được khỏi ? Nhưng người ta chỉ chú ý đến việc anh vác chõng xúc phạm đến luật nghỉ lễ ngày Sabát : một gương mù quá tệ, bất trung chừng nào, ai dám xúc phạm lề luật ? Chính ông Giêsu đó, loại người Nazareth chẳng có gì tốt cả, nhưng dám làm nổ tung luật lệ, dám cho mình là Con Thiên Chúa, cho mình bằng Thiên Chúa, còn gọi Thiên Chúa là Cha riêng của mình.
Người Do thái không quan tâm tìm hiểu chân lý đó, mặc kệ chân lý ! Họ chỉ biết có luật và mù quáng trung thành giữ luật thôi.
Kêu gọi chúng ta đừng bỏ ngày Chúa nhật để đi tìm thú vui bỉ ổi, chúng ta phải thấy rõ sự cần thiết làm vinh danh Chúa. Còn một cách giữ ngày Sabát nữa là yêu thương người lân cận, tuy luật không nói tới, nhưng tình yêu tha nhân là bằng chứng lòng yêu mến Thiên Chúa, đức thờ phượng và lời cầu nguyện của chúng ta.
Đoạn Tin mừng này kêu gọi chúng ta về trách nhiệm đối với anh em mình, họ đang cần chúng ta. Thường người ta tự hỏi sao ngày Chúa nhật không được sống thoải mái ! Nhưng ta lại không tự hỏi : Tại sao không dùng ngày Chúa nhật để thực hiện tình bác ái, giúp đỡ bệnh nhân và kẻ nghèo khó, đi dâng lễ. Đó là những cách nhỏ bé chúng ta có thể để tôn vinh Thiên Chúa trong ngày của Ngài.
THỨ TƯ TUẦN 4 MÙA CHAY
Ga. 5, 17-30
LỜI HẰNG SỐNG
Thật, tôi bảo thật các ông : Ai nghe lời tôi Và tin vào Đấng đã sai tôi, thì có sự sống đời đời và khỏi bị xét xử, nhưng đã từ cõi chết bước vào cõi sống. Thật, tôi bảo thật các ông : Giờ đã đến - và chính là lúc này đây - Giờ các kẻ chết nghe tiếng Con Thiên Chúa. Ai nghe thì sẽ được sống. (Ga. 5, 24-25)
Người Do thái không tha thứ cho Đức Giêsu về sự vi phạm ngày Sabát khi Người chữa kẻ tê liệt. Người còn nói cho họ nghe Người làm như Cha Người hằng làm việc. Nên Người cũng không nghỉ làm việc dù là ngày Sabát.
Lời quả quyết đó càng làm họ tức giận hơn. Làm sao Đức Giêsu dám tự cho mình là Thiên Chúa nếu như Thiên Chúa không phải là Cha mình. Họ càng không ngớt nổi giận vì Đức Kitô nói thêm rằng : "Cha Tôi và Tôi cũng nhất tâm làm tất cả, và ai không tôn vinh Con thì không tôn vinh Cha". Người còn chủ trương rằng lời Người có sức mạnh ban sự sống đời đời cho những ai nghe theo, như thế là tột bậc rồi.
Thật là một chủ trương đầy phấn khởi và hào hùng ! Tuy nhiên, lời Đức Giêsu không chỉ là lời Thiên Chúa, mà còn là lời nhập thể hoàn toàn. Lời Người nói với chúng ta như anh em, như bạn tri kỷ, như sư phụ hoàn toàn biết rõ thân phận con người xác thịt của chúng ta. Người còn phối hiệp toàn diện với xác thân này ngay từ khi xuống thế. Do đó lời Người nắm bắt được mọi tâm tư nguyện vọng của chúng ta và thấy được tiếng lòng rung động kỳ diệu của con tim, khối óc của những ai nghe lời Người. Người cũng biết rõ những hoàn cảnh của mọi người nam nữ chúng ta trở lại với cái gì.
Lời hằng sống đã được công bố trong bài giảng trên núi chứa đựng toàn bộ kế hoạch của Phúc âm về sự gắn bó của chúng ta vào Đức Kitô và được làm thành bản hiến chương nước Thiên Chúa. Lời hằng sống đầy thương xót tha thứ làm sáng lên niềm hy vọng và tình yêu cho mọi người và được thốt ra từ miệng lưỡi của Đức Giêsu trước người đàn bà ngoại tình làm cho Mađalêna thống hối, phụ nữ Samari bị chinh phục, ông Giakêu thấp bé hoán cải và người trộm lành ăn năn trở về. Cũng như Phêrô khóc lóc vì chối Thầy. Lời hằng sống chứa đựng trong những dụ ngôn đầy hình ảnh tiêu biểu giáo huấn soi sáng, dẫn dắt chúng ta đến với Thiên Chúa.
Lời hằng sống loan báo những đau khổ để chuẩn bị các môn đệ và mọi người biết can đảm mạnh mẽ theo Đức Kitô qua mọi thời đại, sẵn sàng chịu vác thập giá khổ nạn như là nguồn hy vọng được sống lại vinh quang. Lời hằng sống nhất là đã trở thành lời hứa hấp dẫn của tế lễ Thánh Thể đưa lại sự hiện diện và tình yêu của Đức Kitô tồn tại mãi mãi.
THỨ NĂM TUẦN 4 MÙA CHAY
Ga. 5, 31-47
TÔI BIẾT RÕ CÁC ÔNG
Chúa Cha, Đấng đã sai tôi, chính Người cũng đã làm chứng cho tôi. Các ông đã không bao giờ nghe tiếng Người, cũng chẳng bao giờ thấy tôn nhan Người. Các ông không giữ lời Người ở lại trong lòng, bởi vì chính các ông không tin vào Đấng Người đã sai đến. Các ông nghiên cứu kinh thánh, vì nghĩ rằng trong đó các ông sẽ tìm được sự sống đời đời mà chính Kinh thánh lại làm chứng về tôi !. (Ga. 5, 37-39)
Một lần nữa, Chúa còn làm cho chúng ta ý thức về sự thật tỏ tường mà chúng ta đã từ chối. Nếu chúng ta liệng bỏ đời sống do Thiên Chúa ban, thì chính chúng ta lên án chính mình. Đức Kitô sẵn lòng hiện diện và luôn hoạt động, dù Người không cần gì phải bảo vệ.
Tất cả sứ điệp của Đức Kitô tóm lại trong hai thái độ nền tảng và bất khả phân ly này là : đức tin và tình yêu. Hoặc là chúng ta đón nhận cả hai hoặc là không. Đó là điều căn bản. Đừng lấy làm lạ khi người ta thấy khó theo Đức Kitô. Thật đáng buồn khi bị Ngài từ chối do những thái độ sống nửa vời, sống khô khan, hòa hoãn bủn xỉn, hẹp hòi.
Đức tin đặt nền tảng trên sự thật vào Đấng chúng ta tin, vào Đức Kitô của Chúa Cha : "Lời Ngài làm chứng về Tôi là lời chứng thật".
Đức tin đặt nền tảng trên công việc mà Đức Kitô đã hoàn tất nhân danh Chúa Cha : "Chính những việc Tôi làm đó làm chứng cho Tôi rằng Chúa Cha đã sai Tôi".
Đức tin đặt nền tảng trên Kinh thánh, chúng ta biết rằng Thánh kinh đã được linh ứng bởi Thiên Chúa : "Chính Kinh thánh lại làm chứng về Tôi".
Chúng ta có đức tin không ? Làm sao chúng ta có thể nói : "Tôi tin", nếu chúng ta không sống theo Đức Kitô, mà giáo huấn của Người từ Chúa Cha đến với chúng ta ? Chúng ta không tin Thiên Chúa nếu không tin Đức Giêsu Kitô. Tóm lại, Đức Giêsu đã nói với chúng ta rằng : "Các ông không tin Chúa Cha vì các ông không tin Đấng Chúa Cha sai đến".
Chúng ta nghe lời cảnh cáo của Đức Kitô, lời bày tỏ một lòng thương xót lớn lao đối với những người là anh em bạn hữu của Người. Và những lời này chắc chắn cũng nói với các bạn và tôi nữa. Chúng ta hãy nghe lời Đức Kitô sắp kêu lên một lời than thở dường như thất vọng : "Quả thật, Tôi biết rõ các anh, tình yêu Thiên Chúa không ở trong các anh".
Và Người nói tiếp : "Không, các anh không tin Tôi, nhưng lại tin kẻ lường gạt đến đầu tiên". Có phải Người đã chết vì điều đó chăng ? Đức Kitô đã nói với chúng ta rằng : "Phải, Tôi chết vì những trò dại dột của các bạn, vì những mê tín dị đoan của các bạn, để các bạn có ánh sáng. Thật khó khăn tin vào Tôi, Tôi rõ ràng hiển nhiên như thế đó. Tôi chết đi để cho các bạn có thể được gặp Cha chúng ta, ước mong các bạn là tín hữu trung thành".
THỨ SÁU TUẦN 4 MÙA CHAY
Ga. 7, 1-5. 25-30
CÁC ÔNG BIẾT TÔI Ư ?
Lúc giảng dạy trong đền thờ, Đức Giêsu nói lớn tiếng rằng : "Các ông biết tôi ư ? các ông biết tôi xuất thân từ đâu ư ? Tôi đâu có tự mình mà đến, Đấng đã sai tôi là Đấng chân thật. Các ông, các ông không biết Người. Phần tôi, tôi biết Người, bởi vì tôi từ nơi Người mà đến và chính Người đã sai tôi,"(Ga. 7, 28-29)
Đây là một trong những điều chúng ta khó tin Đức Kitô : Chúng ta biết Người. Chúng ta biết lý lịch của Người theo khía cạnh nhân loại. Chúng ta biết chỗ sinh ra, cha mẹ và những nơi Người đã sống. Đấy là cái khó mà những người đồng thời của Chúa gặp phải : "Ông này chúng ta biết xuất thân từ đâu rồi. Còn Đấng Kitô khi Ngài đến thì chẳng ai biết Ngài xuất thân từ đâu cả". Trước sự phản đối này, Đức Kitô đáp : "Tôi không tự mình mà đến : Đấng đã sai Tôi là Đấng chân thật. Các ông không biết Ngài !".
Và Đức Kitô đòi chúng ta phải tin vào Người. Người có quyền đòi chúng ta tin vì Người thuộc phạm vi Thiên Chúa mà chúng ta không biết, nếu không có đức tin, không có lời Người.
Tính cách lưỡng diện này của Đức Kitô : vừa là loài người, vừa là Thiên Chúa. Còn chúng ta, chúng ta biết thế, nhưng cái gì ngăn cản chúng ta tin vào Người, cậy trông Người ?
Nếu dừng lại một lát, chúng ta sẽ nhận ra rằng : Chúng ta biết rất ít về Đức Kitô, dù sau khi đã được Phúc âm mặc khải cho chúng ta. Điều chúng ta biết về Người là giáo huấn Người để lại cho chúng ta. Và giáo huấn đó thì quá giản dị, quá trong sáng, quá là là mặt đất đến nỗi làm chúng ta hơi thất vọng, nếu chúng ta đòi Người làm những điều phi thường ! Những điều mà như chúng ta nghĩ sẽ có thể thành công dễ dàng nếu có một chút can thiệp siêu việt, siêu phàm của Thiên Chúa. Đây chính là phạm vi Đức Kitô đòi hỏi chúng ta phải sống để khám phá và phát triển trong tâm hồn chúng ta, nhưng chúng ta lại từ chối.
Đức Kitô nhắc nhở chúng ta không phải chỉ biết Người theo phạm vi loài người mà chính là theo phạm vi Thiên Chúa, như chúng ta, không phải chỉ sống theo khía cạnh là người này phải làm lụng vất vả để kiếm bánh ăn mỗi ngày : bánh cho xác, bánh cho con tim, cho trí óc mà còn cần thứ khác siêu việt hơn. Thứ khác đó thuộc phạm vi đức tin mà chúng ta phải khám phá. Thứ khác đó chính là Đức Kitô, Người đang sống trong chúng ta. Chính là ơn thánh, chân lý mầu nhiệm mà chúng ta biết Người ở trong chúng ta, Người an ủi chúng ta, không vượt xa mà hoàn toàn ở trong chính chúng ta.
THỨ BẢY TUẦN 4 MÙA CHAY
Ga 7, 40-53
Chẳng hề có ai ăn nói như Người
"Trong dân chúng, có những người nghe các lời của Đức Giêsu thì nói : “Ông này thật là vị ngôn sứ.” Kẻ khác rằng : “Ông này là Đấng Kitô.” Nhưng có kẻ lại nói : “Đấng Kitô mà lại xuất thân từ Galilê sao ? Nào Kinh Thánh đã chẳng nói : Đấng Kitô xuất thân từ dòng dõi vua Đavít và từ Bêlem, làng của vua Đavít sao ?” Vậy, vì Người mà dân chúng đâm ra chia rẽ. Một số trong bọn họ muốn bắt Người, nhưng chẳng có ai tra tay bắt".
Người ta có những phản ứng khác nhau trước những lời giảng dạy và phép lạ Chúa Giêsu đã làm. Có ba phản ứng :
1. Nhóm thứ nhất là những người ngay lành có một lương tâm trung thực như thường thấy nơi giới bình dân, họ là những người được Thiên thần chúc phúc đêm Giáng sinh. Họ dễ dàng đón nhận và tin nhận sự thật, cho nên đứng trước Chúa Giêsu họ nói : “Chính Ngài là một tiên tri được Maisen báo trước” (c.40, 1-21).
2. Nhóm khác cho rằng Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế (c. 41).
3. Nhóm thứ ba cho rằng Ngài không phải là Đấng tiên tri, không là Đấng Cứu Thế, vì không hội đủ điều kiện về địa cư và dòng tộc (c.42). Họ nại vào Kinh Thánh cho rằng Đấng Cứu Thế phải sinh ra bởi dòng dõi vương đế David (2Sm 7,12. Tv 132, 11. Is 11,1. Gier 23,5), phải sinh ra ở Bethlem (Mic 5,2), ở ngôi làng của vua David (1Sm 18,15). Nay họ thấy Chúa Giêsu là con của bác thợ mộc (Mt 13,35).
Họ cho rằng Đấng Cứu Thế phải sinh ra trong thành Bethlem, nơi cung thự nguy nga, trong oai hùng thần thánh chứ đâu dè sinh ra nơi máng cỏ (Lc 2,1tt). Họ cho rằng Đấng Cứu Thế phải đến trong oai hùng chinh chiến, oai phong lẫm liệt lưng ngựa, chứ đâu lại thấy Ngài rong ruổi miền Galilê. Cho nên đứng trước một con người mà họ cho là kỳ diệu thì họ đã ra lệnh cho lính canh tới bắt Chúa (c.440. Nhưng bọn họ phảiỉ trở về tay không vì chính họ gặp phải một con người mà chính họ cũng chưa dám làm gì hơn là cúi đầu bỏ đi thì tốt hơn (c.44). Vì như họ đã thú nhận “Chưa từng gựp một người nào nói năng như vậy” (c.46). Ít ra họ đã phải công nhận đó là một người khác biệt, siêu vượt.
Giới trưởng tế nghe thấy thế càng bực bội hơn nữa, không cần lý luận gì thêm nữa. Mối bận tâm duy nhất là kiếm cho ra nhiều lý lẽ để kết tội Chúa Giêsu. Giữa lúc ấy một nhân vật có tiếng tăm thế giá đến trình bày. Đó là ông Nicôđêmô (c.50). Ong là thành phần của hội đồng luật pháp, là một tiến sĩ luật có thế giá lúc ấy (Gio 3,2). Ong đề nghị muốn bắt Chúa Giêsu thì trước hết phải đối diện với thẩm vấn, phải có nhân chứng và xử theo luật lệ (c.51). Nicôđêmô đã dám đương đầu đề nghị như thế. Nhưng lời ông có ăn nhằm gì với số đông không cần luật gì hơn là luật rừng. Và họ quay hỏi Nicôđêmô : “Ông cũng bênh cho một phạm nhân như thế ư ?” hẳn “cùng quê Galilê chứ gì ?” (c.52). Họ nói thêm cho Nicôđêmô biết Kinh Thánh không nói tới một tiên tri nào xuất thân từ Galilê (c.52).
Câu nói này của họ đã lầm. Chúng biết tiên tri Giona (2V 14,25) xuất thân từ Galilê đó. Mà nếu như Kinh Thánh không nói tới, thì không có nghĩa nơi đó không có. Xưa không có nhưng tương lai có thể có lắm chứ ! Ngoài ra, tiên tri Isai đã chẳng nói bóng gió về nước Đấng Cứu Thế ở Galilê là gì (8,32). Mà rồi sự thật Ngôi Hai đã giáng sinh ở Bethlem, nhưng àm việc tại miền Galilê đó sao.
Bài Phúc âm hôm nay cho chúng ta thấy một vị Thiên Chúa đã bị hiểu lầm trước sự tự do của con người. Biết được Ngài, đón nhận Ngài là hai vấn đề khó khăn ! Chúa Giêsu là đá tảng. Ngài cũng có thể là đá vấp ngã nữa (Rm 9, 33 ; 1Pr 2,6). Cái đó tuỳ ở mỗi người, tuỳ ở thái độ chúng ta trước Thiên Chúa.
Xưa kia trong Cựu Ước, Thiên Chúa đã trao sứ mệnh cho Isaia : “Ngươi hãy đi bảo dân này : các ngươi có nghe cũng không hiểu, có nhìn cũng chẳng thấy. Hãy làm cho lòng dân này chai đá, hãy làm cho chúng nặng tai, bịt mắt chúng lại, kẻo mắt chúng thấy được, tai nghe được, lòng hiểu được mà chúng trở lại và được chữa lành chăng” (Is 6,9tt. Cf. Mt 13,13. Sđcv 28,35tt). Thật ra, đây là câu tiên báo sự cứng lòng hoàn toàn, mà Chúa cũng kính trọng sự tự do hoàn toàn và không cưỡng bách ai. Chúa muốn nói lên sự cứng lòng không hoán cải và đó là hình phạt. Dù sao, sự cứng lòng đó cũng nói lên sự kiên nhẫn của Thiên Chúa (Rm 10,20. Is 65,2. Os 11,1) và lòng từ bi cuối cùng của Ngài. Chúng ta cầu xin được hưởng lòng từ bi ấy trong mùa Chay này.
Ngày 25-3
LỄ TRUYỀN TIN
(Lc 1,26-38)
Trong biến cố Ngôi Hai Thiên Chúa làm Người, có hai nhân vật quan trọng nhất mà thiết nghĩ chúng ta phải biết và biết rõ, là Chúa Kitô Ngôi Hai nhập thể làm Người và Đức Maria, Đấng trực tiếp cộng tác vào mầu nhiệm đó. Mừng lễ Truyền tin hôm nay, Giáo Hội muốn cho chúng ta nhớ lại việc Thiên Chúa đã dùng Thiên sứ Gáprien để báo tin cho Đức Maria biết là Mẹ đã được chọn làm Mẹ Thiên Chúa và Ngôi Hai Con Thiên Chúa sẽ đầu thai làm người trong cung lòng Đức Maria.
Thật là một vinh dự lớn lao, một hồng ân cao cả có một không hai trong lịch sử nhân loại. Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa, và để hoàn thành sứ mạng cao trọng đó một cách xứng hợp, Mẹ đã được tiền định từ đời đời. Để hiểu rõ hơn vai trò quan trọng của Đức Maria trong biến cố Con Thiên Chúa làm người, chúng ta thử cùng nhau tìm hiểu bài Tin Mừng mà Thánh Luca thuật lại : "Bà Êlisabét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáprien đến một thành miền Galilê, gọi là Nadarét, gặp một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse, thuộc nhà Đavít, Trinh nữ ấy tên là Maria".
Đoạn mở đầu trình thuật này, mới nghe có vẻ đơn sơ ; nhưng thật là sâu sắc. Trước hết, có hai câu giới thiệu cuộc gặp gỡ của Thiên sứ Gáprien và Đức Maria. Gáprien là Thiên thần đã được Chúa sai đến với ông Dacaria cách đây sáu tháng để loan báo việc Gioan Tẩy Giả sẽ ra đời. Tác giả Luca thấy không cần phải nói thế, nhưng về Đức Maria thì người đã phải nói tỉ mỉ hơn. Đó là một trinh nữ ở Nadarét, thuộc Galilê và đã đính hôn với Giuse thuộc nhà Đavít, Luca đã nhắc đến chữ trinh nữ hai lần để lưu ý độc giả, điều này khiến chúng ta có thể thắc mắc, vì sao muốn lưu ý tới tư cách trinh nữ mà còn nhắc đến việc đính hôn với Giuse ? Thưa, vì cả hai điều đều cần thiết và đều là sự thật ! Phải nhắc đến việc đính hôn với Giuse để trước pháp luật Đức Giêsu được gọi là con vua Đavít. Nhưng đính hôn vẫn chưa phải là hợp hôn. Maria bấy giờ vẫn là trinh nữ, như người sẽ nói mấy câu sau đây : ”Tôi không biết đến người nam” tức không biết theo lẽ xác thịt. Và lúc Luca viết bài tường thuật này Đức Maria vẫn là trinh nữ và được Hội Thánh bấy giờ tôn kính là mẹ đồng trinh.
Tuy nhiên, chúng ta cứ đứng lại trong thời gian của lịch sử và biết rằng : lúc Thiên thần Gáp-ri-en đến với Đức Maria, Người đang là một trinh nữ. Và Thiên thần nói : “Vui lên ! Hỡi Người đầy ơn phúc, Chúa ở cùng Người”. Lời chào này, thật khác thường, nó làm cho Maria bở ngỡ vì nó chứa đựng nhiều ẩn ý sâu xa. Thật vậy, khi gặp một ai đó, và nói với người ấy rằng : hãy vui lên, tức là báo hiệu cho người đó chuẩn bị đón nhận một Tin Mừng. Ở trong Cựu Ước các Tiên tri nói như vậy khi bảo Giê-ru-sa-lem vui lên vì này Thiên Chúa đến viếng thăm cứu độ. Nơi Đức Maria, Mẹ đã giật mình khi nghe hai chữ này, Người nghĩ là Thiên thần muốn báo tin cho Người biết ơn cứu độ đã đến. Hơn nữa, Người đâm ra suy nghĩ và kính sợ, vì Thiên thần đã gọi Người là kẻ đầy ơn phúc, Chúa ở cùng Người, Người đã phải tự hạ mình như : làm sao ơn cứu độ mà Thiên Chúa đã hứa ban từ ngàn đời sẽ thực hiện nơi tôi sao ? Ơn phúc của Người đã đổ đầy xuống thân tôi ư ? Tác giả Luca nói đúng Maria bấy giờ đã xao xuyến và suy tính lời chào đó có ý nghĩa gì ? Đức Maria còn đang bàng hoàng chưa hiểu được ý nghĩa thì thiên thần đã mạnh dạn lớn tiếng cam đoan : “Thưa bà Maria, xin đừng sợ, vì Bà đẹp lòng Thiên Chúa“. Rồi thiên thần trình bày việc trọng đại có một không hai trong lịch sử nhân loại : “Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu, Người sẽ nên cao cả và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao, Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đavít, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Giacóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận". Thiên thần dứt lời mà Đức Maria vẫn lặng thinh suy nghĩ, Người lặng thinh không phải vì không tin và không muốn làm Mẹ Đấng Cứu Thế, nhưng Đức Maria muốn hiểu rõ hơn về việc đó, Người đã xin Thiên sứ giải thích : "Việc đó xẩy ra cách nào vì tôi đã khấn giữ đồng trinh”. Và thiên sứ đã giải thích ngay cho Đức Maria hiểu : ”Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối cao sẽ rợp bóng trên bà. Vì thế, Đấng Thánh sắp được sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa. .. Vì đối với Thiên Chúa, không có gì mà không có thể làm được". Lời giải thích của thiên thần vừa dứt, với đức khiêm nhường và trí khôn sắc sảo, Đức Maria đã trả lời một cách đơn sơ gọn gàng "Vâng, tôi đây là nữ tì của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói".
Mừng lễ Truyền Tin hôm nay, chúng ta sẽ ghi nhớ lời giải thích của sứ thần Gáprien cho Đức Maria : “Đối với Thiên Chúa không có gì mà không làm được“. Bài Tin mừng này chắc hẳn phần nào đã củng cố niềm tin của mỗi chúng ta vào quyền năng tuyệt đối của Thiên Chúa. Biến cố truyền tin đã đánh dấu một bước ngoặt lớn trong lịch sử nhân loại. Ngôi hai Thiên Chúa làm người, Người đến và ngụ trong chúng ta vì yêu thương. Người đã chấp nhận thân phận làm người để con người trở thành Chúa (Thánh Irênê). Phải chăng đó là bài học cho tất cả chúng ta hôm nay. Thiên Chúa yêu thương chúng ta như vậy, bổn phận của chúng ta là phải đáp trả lại tình yêu đó. Hơn thế nữa, trong hành trình đức tin của mình, chúng ta hãy nhìn lên Đức Maria, mẫu gương tuyệt vời cho chúng ta học tập. Với tiếng "xin vâng" của Mẹ đã thực sự trao ban cho nhân loại Đức Giê-su Kitô, Đấng cứu độ duy nhất. Noi gương Mẹ Maria, chúng ta hãy xin vâng theo Thánh ý Thiên Chúa trong công việc thường nhật của chúng ta. Đó là cách thức tốt nhất đáp trả lại tình yêu mà Thiên Chúa giành cho chúng ta.