Bài giảng lễ làm phép dầu của Đức Thánh cha Phanxicô


Hôm nay, ngày khai sinh chức linh mục, thật tuyệt vời để nhận ra rằng có Chúa Thánh Thần là nguồn gốc sứ mạng, cuộc đời và sức sống của chúng ta” của tất cả các linh mục, những người được mời gọi trở thành “ngôn sứ cho sự xức dầu của Thánh Thần và trở thành những tông đồ của sự hòa hợp”. Đức Thánh cha nhấn mạnh điều này vào ngày 6 tháng 4 trong thánh lễ làm phép dầu tại Vatican.



“Thánh Thần Chúa ngự trên tôi” (Lc 4, 18), từ câu Tin mừng này Chúa Giêsu bắt đầu sứ mạng rao giảng và cũng từ câu này bắt đầu Lời mà chúng ta nghe hôm nay (x. Is 61,1). Như thế, từ ban đầu, Thánh Thần của Chúa đã hiện diện.

Và từ đây, hôm nay tôi muốn cùng anh em suy tư về Thánh Thần của Thiên Chúa. Vì không có Thánh Thần của Chúa thì không có đời sống kitô giáo, và không có việc xức dầu của Ngài thì không có sự thánh thiện. Ngài là nhân vật chính và hôm nay, ngày sinh ra chức linh mục, thật tuyệt vời để nhận ra rằng Ngài là nguồn gốc thừa tác vụ của chúng ta, của đời sống và sức sống của người mục tử. Vì vậy, Mẹ Giáo hội dạy chúng ta tuyên xưng Chúa Thánh Thần là “Đấng ban sự sống”[1], như Chúa Giêsu đã khẳng định, lời Ngài nói “là Thánh Thần Ban sự sống” (Ga 6, 63); giáo huấn được tông đồ Phaolô lấy lại, và viết rằng “văn tự thì giết chết, còn Thần Khí mới ban sự sống” (2Cor 3,6) và nói về “luật của Thần Khí ban sự sống trong Đức Kitô Giêsu, đã giải thoát tôi khỏi luật của tội và sự chết” ( Rm 8,2). Nếu không có Ngài thì ngay cả Giáo hội cũng không thể là Hiền thê sống động của Chúa Kitô, mà cùng lắm là một tổ chức tôn giáo – ít nhiều gì cũng tốt; không phải là Thân thể của Chúa Kitô mà là một đền thờ do bàn tay con người làm nên. Vậy làm sao xây dựng Giáo hội nếu không bắt đầu từ việc chúng ta là “đền thờ của Chúa Thánh Thần”, Đấng “ngự trong chúng ta” (x. 1 Cr 6, 19; 3, 16)? Chúng ta không thể nhốt Ngài ngoài cửa nhà mình hoặc cho Ngài ở một khu vực sùng đạo nào đó mà không ở trung tâm! Mỗi ngày chúng ta cần nói rằng: Lạy Chúa Thánh Thần xin hãy đến, vì không nhờ sức mạnh của Ngài thì con người chẳng là gì cả”.[2]

Thánh Thần Chúa ngự trên tôi. Mỗi người chúng ta có thể nói với Ngài; không phải là giả định mà là thực tế, vì mọi Kitô hữu, đặc biệt là các linh mục, có thể coi những lời sau đây là của mình: “vì Chúa đã xức dầu thánh hiến tôi” (Is 61,1). Anh em thân mến, không phải do công trạng của chúng ta, nhưng hoàn toàn do ân sủng, chúng ta đã lãnh nhận việc xức dầu khiến chúng ta thành những người cha, mục tử trong Dân thánh của Thiên Chúa.

Sau lần “xức dầu” đầu tiên diễn ra nơi cung lòng Đức Maria, Thánh Thần ngự xuống trên Chúa Giêsu tại sông Giođan. Theo đó, như Thánh Basiliô giải thích, "mọi hành động [của Chúa Kitô] đều được hoàn thành đồng thời với sự hiện diện của Chúa Thánh Thần"[3]. Thực vậy, với quyền năng của việc xức dầu đó, Người đã rao giảng và đã làm các dấu lạ, nhờ đó “từ nơi Người phát ra sức mạnh chữa lành mọi người” ( Lc 6,19). Chúa Giêsu và Chúa Thánh Thần luôn luôn hoạt động cùng nhau, giống như đôi bàn tay của Chúa Cha[4] dang ra hướng phía chúng ta, ôm lấy chúng ta và nâng chúng ta lên - Thánh Irênê nói thế. Và nhờ đôi tay ấy, đôi tay chúng ta đã được ghi dấu, được xức dầu bởi Thánh Thần của Chúa Kitô. Vâng, thưa anh em, Thiên Chúa không chỉ chọn và gọi chúng ta chỗ này, chỗ kia: Người đã đổ tràn trên chúng ta dầu Thần Khí của Người, chính là Đấng đã ngự xuống trên các Tông đồ. Anh em chúng ta là "những người được xức dầu".

Vì vậy, chúng ta hãy nhìn vào vào các Tông đồ. Chúa Giêsu đã chọn họ và họ đã bỏ thuyền, lưới, nhà cửa để theo tiếng gọi của Người, v.v... Sự xức dầu của Lời Chúa đã thay đổi cuộc đời họ. Họ bước theo Thầy và bắt đầu rao giảng với lòng nhiệt thành, với xác tín rằng sau này họ sẽ hoàn thành những điều vĩ đại hơn thế nữa; cho đến lễ Phục sinh, ở đó mọi sự dường như dừng lại: họ từ chối và bỏ rơi Thầy. Chúng ta không nên sợ hãi. Chúng ta hãy can đảm phân tích cuộc sống và những vấp ngã của mình. Người đầu tiên đi đến chỗ chối bỏ và từ chối Thầy là Phêrô. Trước sự yếu đuối các ngài đã hiểu rõ về thất bại của chính mình; các ngài nhận ra rằng các ngài đã không hiểu Chúa Giêsu. Những lời mà Phêrô đã thốt ra trong sân của vị thượng tế sau Bữa Tiệc Ly – “Tôi không biết người này” (Mc 14:71) – không chỉ là một nỗ lực bốc đồng để tự vệ, mà còn là một sự thú nhận về sự thiếu hiểu biết thiêng liêng. Có lẽ Phêrô và những người khác mong đợi một cuộc sống huy hoàng đằng sau một Đấng Mêsia làm đám đông say mê, làm nên các phép lạ, nhưng lại không nhận ra sự ô nhục của thập giá, là điều đã làm những xác tín của họ sụp đổ. Chúa Giêsu biết rằng họ không thể làm điều đó một mình, và vì lý do này, Người đã hứa ban Đấng Bảo Trợ cho họ. Và chính “việc xức dầu lần thứ hai”, trong Lễ Hiện Xuống, đã biến đổi các môn đệ, khiến họ thành những người chăn dắt đoàn chiên của Chúa chứ không còn là chính mình nữa. Và đây là điều trái ngược cần được giải quyết: Tôi là mục tử của dân Chúa hay của chính tôi? Và có Thánh Thần hướng dẫn tôi trên đường. Chính sự xức dầu bằng lửa đã dập tắt tinh thần tập trung vào bản thân và khả năng của chính họ. Sau khi nhận được Thánh Thần, nỗi sợ hãi và dao động của Phêrô tiêu tan; Giacôbê và Gioan, với khát khao hiến dâng mạng sống cháy bỏng, đã không còn tìm kiếm những nơi danh giá (x. Mc 10,35-45); những người khác không còn sợ hãi và rúc mình trong Nhà Tiệc Ly nữa, nhưng họ ra đi và trở thành những tông đồ giữa thế gian. Chính tinh thần thay đổi tâm hồn của chúng ta, đặt nó lên một bình diện khác, rất khác.

Thưa anh em, một hành trình đơn sơ như thế bao trùm đời sống linh mục và tông đồ của chúng ta. Cả chúng ta nữa, đã từng có một cuộc xức dầu đầu tiên cho chúng ta, bắt đầu bằng tiếng gọi yêu thương làm cho tâm hồn chúng ta say mê. Vì điều này, chúng ta đã thả neo, từ đây sức mạnh của Thánh Thần tuôn đổ trên lòng nhiệt thành chân thật đó và đã thánh hiến chúng ta. Rồi theo thời gian của Chúa, thời điểm Phục sinh đến với mỗi người, đánh dấu giây phút của sự thật. Và đó là một thời điểm khủng hoảng, diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau. Tất cả mọi người sớm muộn gì cũng trải qua những thất vọng, gian khổ, yếu đuối, với một lý tưởng dường như đã lụi tàn trước những đòi hỏi của thực tế, trong khi một thói quen và một số thử thách nào đó thay thế, trước đây rất khó hình dung, khiến cho lòng chung thủy có vẻ không thoải mái hơn lúc ban đầu.

Đối với những người được xức dầu, giai đoạn này - giai đoạn của cám dỗ, thử thách mà tất cả chúng ta đã trải qua, đang và sẽ trải qua - là một bước ngoặt. Chúng ta có thể trở nên tồi tệ, trôi dạt về cái xoàng xỉnh nào đó, bản thân lê lết mệt mỏi vào cái "tầm thường" nơi ba cám dỗ nguy hiểm len lỏi vào: Đó là sự cám dỗ của thỏa hiệp, khi chúng ta hài lòng chỉ làm những gì phải làm. Đó là cám dỗ của những điều thay thế, qua đó chúng ta tự “nạp lại” một thứ gì đó khác hơn là sự xức dầu của chúng ta. Đó là cám dỗ của sự chán nãn - là thứ phổ biến nhất – vì bất mãn, chúng ta tiếp tục chạy theo quán tính. Và đây là mối nguy rất lớn: trong khi vẻ bề ngoài vẫn còn nguyên vẹn – vẫn là linh mục -, nhưng chúng ta lại thu mình và sống buông thả; hương thơm của sự xức dầu không còn tỏa hương cho cuộc sống và tâm hồn nữa và con tim không mở rộng mà lại thu vào, ôm lấy sự chán chường. Anh em có biết đó là một thứ chưng cất? Khi hàng ngũ linh mục rơi vào chủ nghĩa giáo quyền và linh mục quên mình là mục tử của dân vì lúc đó linh mục trở thành giáo sĩ nhà nước.

Nhưng cuộc khủng hoảng này cũng có thể trở thành bước ngoặt cho chức linh mục, “giai đoạn quyết định của đời sống thiêng liêng, trong đó phải đưa ra lựa chọn cuối cùng giữa Chúa Giêsu và thế gian, giữa đức ái anh hùng và sự tầm thường, giữa thập giá và hạnh phúc nào đó, giữa sự thánh thiện và lòng trung tín thật thà với cam kết tu trì”.[5] Vào cuối thánh lễ, anh em sẽ nhận được một cuốn sách kinh điển, như một món quà, nói về vấn đề này: “lời kêu mời thứ hai”, là một tác phẩm kinh điển của Cha Voillaume đề cập đến chuyện này, hãy đọc nó. Rồi sau đó, tất cả chúng ta cần phải suy nghĩ về giây phút này của chức linh mục của mình. Giống như các môn đệ trong Lễ Phục Sinh, đó là thời điểm hồng phúc mà chúng ta được mời gọi “đủ khiêm nhường để tuyên xưng mình đã bị Chúa Kitô chịu khổ hình và chịu đóng đinh thuyết phục, và chấp nhận bắt đầu một hành trình mới, lộ trình của Thần Khí, của niềm tin và của một tình yêu mạnh mẽ không ảo tưởng”[6]. Đó là kairos mà anh khám phá ra rằng “mọi sự không bị giản lược vào việc bỏ thuyền, bỏ lưới để theo Chúa Giêsu trong một thời điểm nhất định, nhưng nó đòi hỏi phải đi đến đồi Canvê, chấp nhận lời dạy bảo và kết quả của nó, đi với sự giúp đỡ của Chúa Thánh Thần cho đến khi kết thúc cuộc đời vốn phải được hoàn thành trong sự hoàn hảo của đức ái thần linh”[7].

Với sự giúp đỡ của Chúa Thánh Thần: đối với chúng ta cũng như các Tông đồ, đây là thời điểm của việc “xức dầu lần thứ hai”, thời điểm mà chúng ta phải lắng nghe tiếng gọi lần thứ hai, vì cuộc xức dầu lần thứ hai này chúng ta chào đón Thần Khí không phải do sự hăng say từ những giấc mơ, mà là vì sự mong manh của thực tại của chúng ta. Đó là cuộc xức dầu làm nên sự thật trong sâu thẳm, để Thần Khí xức dầu cho những yếu đuối, những gian truân, sự nghèo nàn nội tâm của chúng ta. Sau đó, sự xức dầu lại mang hương vị mới: của Chúa chứ không phải của chúng ta. Trong lúc này, trong tâm hồn tôi nhớ đến một số linh mục đang gặp khủng hoảng, nói cách khác là những người mất phương hướng và không biết làm thế nào để chọn lối đi, để quay trở lại trong lần xức dầu Thánh Thần lần thứ hai này. Với những anh em này, tôi chỉ nói rằng: hãy can đảm lên, Thiên Chúa vĩ đại hơn những yếu đuối và tội lỗi của anh em. Hãy tin cậy Chúa và để cho mình được kêu gọi lần nữa với sự xức dầu của Thánh Thần. Cuộc sống hai mặt sẽ không giúp ích gì cho anh em. Hãy ném mọi thứ ra ngoài cửa sổ. Hãy nhìn về phía trước, để cho mình được dầu của Chúa Thánh Thần nâng niu.

Và con đường đến bước trưởng thành này là chân nhận điểm yếu của mình. “Thần Khí Sự Thật” (Ga 16, 13) khích lệ chúng ta, Ngài thúc đẩy chúng ta nhìn vào tận trong sâu thẳm của mình, để tự vấn: thành công tùy thuộc vào tài khéo của tôi, vào vai trò tôi nhận được, vào những lời khen ngợi mà tôi nhận được, từ nghề nghiệp tôi làm, từ cấp trên hoặc cộng tác viên, hoặc từ những tiện nghi mà tôi có thể đảm bảo, hay do sự xức dầu làm tỏa hương đời tôi?

Anh em thân mến, sự trưởng thành của linh mục đến từ Chúa Thánh Thần, nó được thực hiện khi Ngài trở thành nhân vật chính trong cuộc đời chúng ta. Từ đó tất cả mọi sự đều thay đổi, kể cả những thất vọng và cay đắng – ngay cả tội lỗi -, vì không còn là chuyện cố gắng trở nên tốt hơn bằng cách sửa chữa một điều gì đó mà là hiến dâng chính mình, không giữ lại bất cứ điều gì cho Đấng đã bổ sức cho chúng ta trong sự xức dầu của Ngài và muốn đổ xuống trên chúng ta cho đến tận cùng.

Thưa anh em, chúng ta hãy tái khám phá để hiểu rằng đời sống thiêng liêng trở nên tự do và vui tươi không phải khi các thể thức được cứu vãn và khâu lại bằng một miếng vá, nhưng là để cho Chúa Thánh Thần khởi xướng và để cho các kế hoạch của Ngài sắp đặt chúng ta phục vụ ở nơi và theo cách mà chúng ta được kêu mời: chức linh mục của chúng ta không phát triển bằng cách vá víu, nhưng bằng sự tràn đầy!

Nếu chúng ta để cho Thánh Thần chân lý hành động nơi chúng ta, chúng ta sẽ giữ được sự xức dầu. Bởi vì sự giả dối - thói đạo đức giả của hàng giáo sĩ - sự giả dối mà chúng ta bị cám dỗ sống cùng lập tức bị phơi bày ra ánh sáng. Và Thánh Thần, Đấng “rửa sạch mọi ô uế” sẽ liên tục nhắc nhở chúng ta đừng “làm vấy bẩn dầu thánh” dù chỉ một chút thôi. Tôi nghĩ đến cụm từ mà Qohelet nói: « Một con ruồi chết làm thối cả bình dầu thơm” (Gv 10, 1). Đúng là, mọi gian dối - gian dối của hàng giáo sĩ - len lỏi vào đều nguy hiểm: đừng dung thứ cho nó, nhưng hãy đưa nó ra ánh sáng của Chúa Thánh Thần. Bởi vì nếu “không gì nham hiểm và bất trị như lòng người” (Gr 17,9) thì Chúa Thánh Thần, chỉ một mình Người, chữa lành chúng ta khỏi những điều bất trung (x. Hs 14, 5). Đối với chúng ta, đó là một cuộc chiến không khoan nhượng: thực ra, như Thánh Grêgôriô Cả đã viết rằng “bất cứ ai công bố lời Chúa trước tiên phải chú tâm vào lối sống của mình, để sau đó, khi kín múc từ cuộc sống của chính mình, người đó có thể học được phải nó gì và nói nó như thế nào. [...] Đừng ai cả gan nói ra điều mà bên trong mình chưa từng nghe thấy”[8]. Và Chúa Thánh Thần là người thầy nội tâm để chúng ta lắng nghe, và hãy nhận ra rằng không có điều gì trong chúng ta mà Ngài không muốn xức dầu.

Thưa anh em, chúng ta hãy canh giữ việc xức dầu: khẩn cầu Thánh Thần không phải là việc lâu lâu mới làm mà là hơi thở của mỗi ngày. Xin Ngài hãy đến gìn giữ sự xức dầu. Được Thánh Linh thánh hiến, tôi được kêu gọi đắm mình trong Ngài, để ánh sáng của Ngài chiếu rọi những chỗ mờ mịt trong tôi, để khám phá lại sự thật về con người của tôi. Chúng ta hãy để cho Ngài thúc đẩy chúng ta chiến đấu với những điều giả dối đang khuấy động bên trong chúng ta; và hãy để cho Ngài tái sinh chúng ta trong sự tôn thờ, vì khi chúng ta thờ phượng Thiên Chúa, Ngài sẽ tuôn đổ trong chúng ta Thần Khí của Ngài. Và lời tiên tri tiếp tục: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi; Người đã sai tôi đi công bố tin mừng, giải phóng, chữa lành và hồng ân” (x. Is 61, 1-2; Lc 4, 18-19): tóm lại là đem sự hòa hợp đến những nơi không có. Vì như thánh Basiliô đã nói: “Thần Khí là sự hài hòa” chính Ngài tạo nên sự hài hòa.

Sau khi đã nói với anh em về sự xức dầu, tôi muốn nói với anh em đôi điều về sự hài hòa này. Thật vậy, Chúa Thánh Thần là sự hài hòa. Trước hết là ở trên trời: Thánh Basiliô giải thích rằng “tất cả mọi siêu thiên thể và sự hài hòa không thể diễn tả bằng lời trong việc phụng sự Thiên Chúa và trong bản giao hưởng hỗ tương giữa các sức mạnh siêu vũ trụ, không thể bảo tồn được nếu không nhờ quyền năng của Thánh Thần”[9]. Và sau là trên trần gian: trong Giáo hội, Ngài là “sự hòa hợp tuyệt diệu”[10] ràng buộc mọi thứ lại với nhau. Nhưng anh em hãy nghĩ đến linh mục đoàn không có sự hòa hợp, không có Chúa Thánh Thần: nó không hoạt động. Ngài đánh thức sự đa dạng của các đoàn sủng và đưa chúng vào sự hiệp nhất; Ngài tạo ra sự hòa hợp không dựa trên sự đồng nhất, mà dựa trên sự sáng tạo của lòng bác ái. Bằng cách này, Ngài tạo ra sự hài hòa từ sự đa dạng. Vào thời Công Đồng Vatican II, vốn là hồng ân của Chúa Thánh Thần, một nhà thần học đã công bố một nghiên cứu trong đó Ngài nói về Chúa Thánh Thần không phải với tư cách cá thể, mà như một số nhiều. Ngài đề nghị nghĩ về Chúa Thánh Thần như một ngôi vị thần linh không chỉ là số ít mà còn là “số nhiều”, như “Chúng ta của Thiên Chúa”, “Chúng ta” của Chúa Cha và Chúa Con, vì Ngài là mối dây liên kết. Chúa Thánh Thần chính Ngài là sự hòa hợp, hiệp thông và hài hòa[11]. Tôi nhớ rằng khi tôi đọc khảo luận thần học này tôi bị mang tiếng: vì nó có vẻ dị giáo, bởi vì trong quá trình đào tạo của chúng tôi, chúng tôi đã không hiểu rõ Chúa Thánh Thần là như thế nào.

Tạo ra sự hòa hợp là điều mà Thần Khí mong muốn, trên hết là thông qua những người mà Ngài đã xức dầu cho họ. Thưa anh em, việc xây dựng sự hòa hợp giữa chúng ta không chỉ đơn giản là một cách tốt để cải thiện hoạt động của các cơ cấu giáo hội, hay một vấn đề về chiến lược hay phép lịch sự: đó là một đòi hỏi nội tại của đời sống trong Thần Khí. Chúng ta phạm tội chống lại Thần Khí là Đấng hiệp thông bất cứ khi nào chúng ta trở thành công cụ chia rẽ, dù vô tình; và bất cứ khi nào chúng ta chơi trò chơi của kẻ thù, là kẻ không bao giờ công khai, thích ngồi lê đôi mách và nói bóng gió, xúi giục bè phái, khơi dậy hoài niệm về quá khứ, ngờ vực, bi quan và sợ hãi. Xin chúng ta hãy cẩn thận để không làm ô uế sự xức dầu của Chúa Thánh Thần và áo choàng của Mẹ Giáo hội bằng sự chia rẽ, phân cực hoặc thiếu bác ái và hiệp thông. Chúng ta hãy nhớ rằng Thần Khí, với tư cách là “Chúng ta của Thiên Chúa”, thích “hình thức” của cộng đồng hơn: sẵn sàng coi nhẹ các nhu cầu của chính mình, vâng phục bất kể thị hiếu của chính mình, và khiêm tốn đối với yêu sách của chính mình.

Hòa hợp không phải là một đức tính giữa những đức tính khác; nó là một cái gì đó nhiều hơn nữa. Như Thánh Grêgôriô Cả đã viết: “giá trị của nhân đức hòa thuận thể hiện ở chỗ nếu không có nó, các nhân đức khác chẳng có giá trị gì cả”[12].

Hỡi anh em, chúng ta hãy giúp nhau gìn giữ sự hòa hợp, không bắt đầu từ người khác mà bắt đầu từ chính mỗi người chúng ta. Chúng ta hãy tự hỏi: Trong lời nói của tôi, trong nhận xét của tôi, trong điều tôi nói và viết, có dấu ấn của Thần Khí hay dấu ấn của thế gian? Tôi có nghĩ đến lòng tốt của linh mục không: nếu người ta cũng thấy nơi chúng ta những người bất bình và bất mãn, những người chỉ trích và chỉ trỏ lên án, thì họ còn tìm thấy sự hài hòa ở đâu nữa? Có bao nhiêu người không đến gần chúng ta, hoặc giữ khoảng cách, bởi vì trong Giáo hội, họ cảm thấy không được chào đón và không được yêu thương, bị nghi ngờ và bị phán xét? Nhân danh Chúa, chúng ta hãy luôn chào đón và tha thứ! Và chúng ta hãy nhớ rằng cáu kỉnh và đầy phàn nàn không mang lại kết quả tốt mà còn làm hỏng việc giảng dạy của chúng ta, vì đó là một dấu chỉ phản chứng chống lại Thiên Chúa, Đấng là sự hiệp thông trong sự hòa hợp. Trên hết, điều đó làm mất lòng Chúa Thánh Thần, Đấng mà thánh Phaolô khuyên chúng ta đừng làm buồn lòng (x. Eph 4,30).

Anh em thân mến, tôi để lại cho anh em những suy nghĩ sâu đậm trong tim tôi, và tôi kết luận bằng hai từ đơn giản và quan trọng: Cảm ơn anh em. Cảm ơn vì chứng tá và sự phục vụ của anh em. Cảm ơn anh em vì những điều tốt đẹp thầm kín mà anh em làm, cũng như sự tha thứ và an ủi mà anh em mang lại nhân danh Chúa. Cảm ơn vì chức vụ của anh em, thường được thực hiện với nhiều nỗ lực và ít được công nhận. Xin Thần Khí Thiên Chúa, Đấng không làm thất vọng những ai trông cậy vào Người, ban bình an cho anh em và hoàn thành công việc tốt lành Người đã bắt đầu nơi anh em, để anh em trở thành chứng nhân ngôn sứ về việc Người xức dầu, và làm tông đồ của sự hòa hợp.


G. Võ Tá Hoàng chuyển ngữ

[1] Kinh Tin Kính Công Đồng Nicê - Constantinople.

[2] Ca Tiếp Liên Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống.

[3] De Spiritu Santo, 16, 39.

[4] x. IRENAUS, Adv. haer., IV, 20, 1

[5] R. VOILLAUME, “La seconda chiamata”, in S. STEVEN, ed. La seconda chiama. Il coraggio della fragilità, Bologna. 2018, 15.

[6] Sđd., 24.

[7] Sđd., 16.

[8] Bài giảng về tiên tri Êzêkien, I, X, 13-14.

[9] De Spiritu Sancto, XVI, 38.

[10] Trong Ps. 29, 1.

[11] Cf. H. MÜHLEN, Der Heilige Gest al Person. Ich-Du-Wir, Münster in W., 1963.

[12] Bài giảng về tiên tri Êzêkien, I, VIII, 8.
Mới hơn Cũ hơn