Vatican - Trong buổi đọc Kinh Truyền tin sáng Chúa Nhật tôn vinh Lòng Chúa Thương Xót, Đức Thánh cha Phanxicô khuyến khích chúng ta biết nhìn vào lòng can đảm của Tôma, người đã xin Chúa Giêsu một dấu chỉ; một dấu chỉ đến trong cộng đoàn, trong Giáo hội và trong gia đình.
Anh chị em thân mến!
Hôm nay, Chúa Nhật Lòng Chúa Thương Xót, Tin Mừng cho chúng ta thấy hai lần Chúa Giêsu Phục Sinh hiện ra cho các môn đệ, nhất là với Tôma, vị “tông đồ vô tín” (x. Ga 20,24-29).
Thực ra, Tôma không phải là người duy nhất cảm thấy khó tin, mà ở mức độ nào đó, ngài đại diện cho tất cả chúng ta. Thật vậy, không phải lúc nào cũng dễ tin, như trong trường hợp của Tôma, người đã phải chịu một sự thất vọng nặng nề. Sau cú thất vọng nặng nề như vậy thì tin đâu dễ nữa. Tôma đã theo Chúa nhiều năm, đương đầu với nguy hiểm và chịu đựng gian khổ, nhưng rồi Thầy bị đóng đinh như một tên tội phạm và không ai giải thoát Thầy, không ai làm gì cả! Thầy đã chết và mọi người đều sợ hãi. Làm thế nào để tin thêm lần nữa? Làm thế nào để tin rằng Thầy còn sống? Sự nghi ngờ đọng lại trong Tôma.
Tuy nhiên, Tôma cho thấy mình can đảm: trong khi những người khác sợ hãi đóng cửa phòng thì ngài đi ra ngoài, với mối nguy lỡ có ai đó nhận diện được ngài, tố giác và truy bắt ngài. Thậm chí chúng ta có thể nghĩ rằng, với lòng can đảm của mình, Tôma xứng đáng hơn những người gặp gỡ Chúa Kitô Phục sinh. Chính vì ở xa, nên khi Chúa Giêsu hiện ra với các môn đệ lần đầu tiên vào chiều Phục sinh, Tôma không có ở đó, và đã vuột mất cơ hội. Ngài đã rút lui khỏi cộng đoàn. Làm thế nào Tôma có thể phục hồi nó? Chỉ bằng cách trở lại với người anh em, trở lại đó, trong gia đình vốn đã để lại nỗi khiếp sợ và buồn đau. Khi thực hiện điều đó, khi trở lại, họ nói với ngài rằng Chúa Giêsu đã xuất hiện, nhưng Tôma khó mà tin được, ngài muốn nhìn thấy những vết thương của Chúa. Và Chúa Giêsu làm vui lòng Tôma. Tám ngày sau, Chúa hiện ra lần nữa ở giữa các môn đệ và Người cho các ông thấy những vết thương của mình, bàn tay, bàn chân những vết thương là những thử thách của tình yêu Người, chúng là những con kênh rộng mở của lòng thương xót của Chúa.
Chúng ta hãy suy tư về những sự kiện này. Để tin được, Tôma cần một dấu hiệu khác thường: chạm vào vết thương. Chúa Giêsu cho các môn đệ thấy vết thương, nhưng theo cách thông thường, bằng cách đến trước mặt mọi người, trong cộng đoàn, không phải ở ngoài cộng đoàn. Như muốn nói với các ông: nếu anh muốn gặp Ta thì đừng tìm đâu xa, hãy ở lại trong cộng đoàn, với người khác; đừng đi đâu cả, hãy cầu nguyện cùng với họ, cùng bẻ bánh với họ. Và Chúa cũng nói đều đó cho chúng ta. Ở đó con có thể tìm thấy Ta, và ở đó Ta sẽ cho con thấy, dấu vết của những vết thương hằn dấu trên thân thể Ta: Những dấu chỉ của Tình Yêu, chiến thắng sự ghen ghét; dấu chỉ của sự Tha Thứ, tước đoạt sự báo thù; dấu chỉ của Sự Sống, đánh bại cái chết. Chính ở đó, trong cộng đoàn, con sẽ khám phá gương mặt của Ta, trong khi cùng với anh em con chia sẻ những khoảnh khắc ngờ vực và sợ hãi, thậm chí nó còn thắt chặt con với họ nhiều hơn. Không có cộng đoàn thì khó mà tìm thấy Chúa Giêsu.
Anh chị em thân mến, lời mời dành cho Tôma cũng có giá trị đối với chúng ta. Chúng ta tìm Đấng Phục Sinh ở đâu? Trong một sự kiện đặc biệt nào đó, trong một vài biểu hiện tôn giáo ấn tượng hoặc nổi bật nào đó, trong những cảm xúc và cảm giác duy nhất của chúng ta? Hay trong cộng đoàn, trong Giáo hội, bằng cách chấp nhận thử thách ở lại đó, cho dù chưa hoàn hảo? Bất chấp tất cả những giới hạn và sa ngã của nó, chúng là những giới hạn và sa ngã của chúng ta, Giáo hội Mẹ của chúng ta là Thân thể của Chúa Kitô; và chính ở đó, trong Nhiệm thể Chúa Kitô, những dấu chỉ vĩ đại nhất của tình yêu của Người vẫn còn và mãi mãi. Tuy nhiên, chúng ta hãy tự vấn xem nhân danh tình yêu này, nhân danh những vết thương của Chúa Giêsu, chúng ta có sẵn sàng mở rộng vòng tay đón nhận những người mang vết thương của cuộc đời, không loại trừ ai khỏi lòng thương xót của Thiên Chúa, nhưng đón nhận tất cả mọi người; mỗi người như anh, chị như em. Thiên Chúa đón nhận tất cả chúng ta, Thiên Chúa đón nhận tất cả mọi người.
Lạy Mẹ Maria, Mẹ của Lòng Thương Xót, xin giúp chúng con yêu mến Giáo hội và biến Giáo hội thành ngôi nhà chào đón tất cả mọi người.
G. Võ Tá Hoàng