Phêrô với Giuđa, chúng ta học được gì từ sự khác biệt của họ

Massimo Todaro | Shutterstock


Theresa Civantos Barber

Phêrô và Giuđa đều nổi bật trong câu chuyện Tin mừng vì cả hai đã phản bội Chúa Giêsu vào ngày Thứ Năm Tuần Thánh định mệnh. Sau đó, cả hai đã phải đối mặt với một lựa chọn quan trọng.

Có rất nhiều điều để yêu mến Thánh Phêrô, người ngư phủ khiêm tốn, người thường đi guốc trong miệng, nhưng nhanh chóng xin tha thứ và cố gắng lần nữa. Sự kiên trì đầy nhẫn nại của Phêrô khiến ngài rất phù hợp để trở thành giáo hoàng đầu tiên.

Một trong những phần hấp dẫn nhất trong câu chuyện của Phêrô là sự phản bội của ngài đối với Chúa Kitô trước khi bị đóng đinh, và quan trọng nhất là những gì ngài đã làm sau sự phản bội đó.

Phêrô và Giuđa đều nổi bật trong câu chuyện Tin mừng vì cả hai đã phản bội Chúa Giêsu trong ngày Thứ Năm Tuần Thánh định mệnh. Giuđa đã nộp Chúa Giêsu để lấy 30 đồng bạc (Mt 26,15), trong khi Phêrô đã chối Chúa ba lần ngay trong đêm đó (Lc 22, 54-62).

Bị rơi xuống lũng sâu, cả hai người đều phải đối mặt với lựa chọn quan trọng. Họ có thể ăn năn tội lỗi của mình và cầu xin Chúa tha thứ, một hành động đòi hỏi sự khiêm nhường rất lớn. Hoặc lòng họ chai đá hơn và nghĩ rằng tội lỗi của họ vượt quá khả năng tha thứ của Thiên Chúa, một hành động ngạo mạn và không tin cậy vào Chúa.

Dĩ nhiên, Thánh Phêrô chọn vế trước, trong khi dường như Giuđa đã chọn vế sau. Đó là lý do tại sao Phêrô là một vị thánh vĩ đại và tên của Giuđa có nghĩa là “kẻ phản bội”.

Sự phản bội của họ thì tương tự, nhưng kết quả trái ngược nhau mang lại rất nhiều điều đáng suy ngẫm. Thật vậy, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhiều lần nói về việc tỉnh thức đề phòng “Giuđa nhỏ” có thể ẩn náu trong tâm hồn chúng ta.

Một vài bài học quan trọng được rút ra từ câu chuyện của họ…

1. TRUNG THỰC TRONG NHỮNG ĐIỀU NHỎ NHẶT

Giuđa là một nhân vật khó hiểu: Làm sao một người rất gần gũi Chúa Giêsu lại có thể trở nên xấu xa đến như vậy? Từ điển Bách khoa toàn thư Công giáo giải thích điều này như sau:

Dù không có gì được phép làm cho tội phản bội to lớn bớt nghiêm trọng, nhưng nó có thể trở nên dễ hiểu hơn nếu chúng ta coi đó là kết quả của sự thất bại dần dần trong những điều nhỏ.

Chẳng có gì ngạc nhiên khi Chúa Giêsu thường xuyên cảnh báo các môn đệ phải “trung tín trong việc nhỏ” (Lc 16:10).

Những tội cỏn con, những hành động ti tiện của sự bất trung đối với ý muốn của Thiên Chúa, có thể chậm chạp nhưng chắc chắn sẽ vượt khỏi tầm kiểm soát để trở thành những tội nặng hơn nhiều.

2. KHIÊM TỐN KHI CẦU XIN LÒNG THƯƠNG XÓT

Có một loại kiêu ngạo đầy ngu xuẩn khi nghĩ rằng một tội là quá nhiều để Chúa tha thứ. Chúa Giêsu đã nói đi nói lại rõ ràng rằng không có hành động nào nằm ngoài lòng thương xót của Ngài. Như Sách Giáo Lý đã nói:

“Lòng Thiên Chúa thương xót không có giới hạn, nhưng ai cố tình không hối cải và khước từ lòng Thiên Chúa thương xót thì cũng khước từ sự tha tội và ơn cứu độ do Chúa Thánh Thần ban cho. Lòng chai dạ đá như thế có thể đưa tới chỗ không hối cải trong giờ sau hết và phải hư mất đời đời” (GLCG 1864).

Một con tim "dịu dàng" hướng về Chúa trông như thế nào nhỉ? Chúng ta có thể cầu xin sự tha thứ của Chúa vào nơi nào trong những góc khuất xấu xí của tâm hồn mà chúng ta muốn giả vờ như không hiện hữu?

Thánh Phêrô có thể cầu bầu cho chúng ta và ngài sẽ chỉ cho chúng ta con đường để phó mình cho lòng thương xót vô biên và vô tận của Chúa chúng ta.

G. Võ Tá Hoàng

Peter vs. Giuđa: What we can learn from their big difference
Mới hơn Cũ hơn