Suy niệm Tin mừng Tuần VI Phục sinh



THỨ HAI TUẦN 6 PHỤC SINH

Ga. 15,26 – 16,4

TRÁCH NHIỆM VỚI ĐỨC KITÔ

Khi Đấng Bảo Trợ đến, Đấng mà Thầy sẽ sai đến với anh em từ nơi Chúa Cha, Người là Thần Khí sự thật phát xuất từ Chúa Cha, Người sẽ làm chứng về Thầy. Cả anh em nữa, anh em cũng làm chứng, vì anh em ở với Thầy ngay từ đầu. (Ga. 15, 26–27)

Toàn bộ Tin mừng thánh Gioan được coi như một vở kịch trình bày một phiên tòa với những ngôn từ : Chứng nhân, quan án, trạng sư, bảo trợ, bào chữa, tố cáo, chiến thắng … Đấng Bảo trợ đến tố cáo và xét xử thế gian vì họ tố cáo và xét xử sai lầm về Đức Giêsu. Thần chân lý đến với những dấu chỉ và công việc đầy nhân ái, nhưng người Do thái không biết đón nhận Ngài. Họ từ khước ánh sáng và họ bị kết án ở trong tối tăm. Chính họ đã kết án Đức Giêsu là sự sáng, nhưng Thánh Thần, Đấng bào chữa cho Đức Giêsu sẽ chỉ cho Giáo hội biết đến cùng Đấng có lý.

Nhờ Ngài làm chứng và soi sáng cho chúng ta, là những Kitô hữu, biết nhận ra trách nhiệm của mình đối với Đức Kitô, để trở nên giống hình ảnh Đức Kitô đi loan báo Tin mừng cho thế giới. Mỗi Kitô hữu phải là hình ảnh của Đức Kitô hiện diện trong thế giới, vì Đức Kitô sống lại không còn là Đức Giêsu đi lại cô độc ở Galilê và cầu nguyện cô đơn trong nơi thanh vắng của núi rừng hoang địa. Người chỉ hiện diện nơi các chứng nhân của Người. Đức Kitô cần nhờ các tín hữu để nói với thế gian như Người đã nói với Phaolô : "Sao ngươi bắt Ta ?". Đức Giêsu sẽ không làm được gì nếu Người chỉ ở trên trời ngự trên ngai tòa bên hữu Đức Chúa Cha. Vì thế, cần phải thêm rằng Người đang hoạt động trên trái đất cùng với những ai đi rao giảng lời Ngài (Mc. 16, 1920). Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế, Người cần có những kẻ được cứu chuộc. Đức Giêsu đã sai Thánh Thần đến như đã hứa ở bài này, cần có nhiều người đón nhận Ngài và với Ngài trở nên những chứng nhân làm chứng cho Đức Giêsu trước mặt loài người (Cv. 5, 32).

Như thế Tin mừng thánh Gioan thúc đẩy chúng ta hiện tại hóa lời luận chứng xưa thành lời chứng mãi mãi, để làm sống lại vở kịch đầy xung đột giữa ánh sáng và tối tăm, sự sống và sự chết, chân lý và giả dối, đồng thời không ngừng đặt chúng ta trước giờ Đức Kitô bị kết án, bị giết chết, này trở nên Đấng phán xét và sống lại, trở nên Đấng Kitô đang hiện diện trong các kẻ tin nhờ Thánh Thần.



THỨ BA TUẦN 6 PHỤC SINH

Ga. 16, 5-11

CÔNG VIỆC CỦA THÁNH THẦN

Song, Thầy nói thật với anh em: Thầy ra đi thì có lợi cho anh em. Thật vậy, nếu Thầy không ra đi, Đấng Bảo Trợ sẽ không đến với anh em; nhưng nếu Thầy đi, Thầy sẽ sai Đấng ấy đến với anh em. Khi Người đến, Người sẽ chứng minh rằng thế gian sai lầm về tội lỗi, về sự công chính và việc xét xử. (Ga. 16, 7-8)

Công việc của Thánh Thần, được Đức Kitô sai đến, khá khó hiểu : "Ngài đến chứng minh rằng thế gian sai lầm vềtội lỗi,về sự công chính và việc xét xử". Có nghĩa là Ngài chiến thắng gian tà, giả dối, còn làm cho nó phải chấp nhận và không thể chối cãi. Thánh Thần là Đấng tố cáo kẻ mà sức chúng ta không thể tố cáo nó, và nó cũng không thể tự biện hộ trước Thánh Thần.

Chứng minh rằng kẻ đó có tội vì xét xử nghĩa bất chính là gì ? Nghĩa là Thánh Thần sẽ tỏ cho biết ý nghĩa về tội, về sự công chính, về sự xét xử, lột mặt nạ những tri giác sai lầm của thế gian về ba điều đó.

Thánh Thần cho chúng ta thấy ý nghĩa của tội lỗi. Tội là từ chối tin, từ chối không nhận lời chứng của Đức Kitô, không liên kết với Người. Đời sống chúng ta không có gì đáng trách xét theo luật Chúa và luật tự nhiên, nhưng chúng ta còn có tội nếu chúng ta không đón nhận lời chứng của Đức Kitô. Thánh Phaolô đã cho thấy điều đó khi nói : "Nếu Đức Kitô không sống lại, thì anh em còn sống trong tội lỗi", "Luật không ích gì, chỉ có đức tin mới được cứu độ".

Thánh Thần cho chúng ta hiểu về sự công chính, sự công chính không chỉ có nghĩa là công bằng, nhưng ở đây có nghĩa là sự thánh thiện. Đức Giêsu là Đấng công chính vì Người chia sẻ và ban phát sự thánh thiện của Chúa Cha, làm cho ta được tới gần Ngài, trở về với Ngài. Công chính của loài người không đủ để được tham dự vào đời sống của Thiên Chúa, phải là thánh mới được.

Sau cùng, Thánh Thần cho chúng ta thấy ý nghĩa việc xét xử. Việc xét xử đã được loan báo, không phải ở tương lai, mà ngay hiện tại này, tùy theo sự từ chối của chúng ta. Tự chúng ta thấy chính mình tùy theo hành động và công việc của mình, thuộc về ánh sáng hay tối tăm. Ý nghĩa việc xét xử không phải là sự tuyên án tương lai và một lần đâu, nhưng là suốt cuộc đời và mọi lúc.

Công việc của Thánh Thần là tỏ cho chúng ta biết ý nghĩa thật của tội lỗi. Tội là từ chối đức tin, sự công chính mới là sự thánh thiện, việc xét xử mới là xét xử tại hiện trường, tùy theo sự trung thành hay bất trung hàng ngày.



THỨ TƯ TUẦN 6 PHỤC SINH

Ga. 16, 12-15

ĐẤNG MẶC KHẢI

Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em. Nhưng bây giờ, anh em không có sức chịu nổi. Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn. Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại, và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy đến. (Ga. 16, 12-13)

Đức Giêsu Kitô, khi tiếp xúc với các tông đồ đã biết rõ sự yếu đuối của con người và sự khó hiểu của loài người về mặc khải của Thiên Chúa. Vì thế, ngày hôm nay, Đức Giêsu loan báo cho chúng ta về Tin mừng này là "Thánh Thần sẽ đến dẫn đưa anh em đến sự thật toàn vẹn … Ngài sẽ lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em".

Đức Giêsu đã hứa với chúng ta rằng chúng ta sẽ được dẫn tới sự thật toàn vẹn có phải để chúng ta biết được mọi bí mật trong vũ trụ ? Có phải cho chúng ta một kiến thức bách khoa không ? Có phải không có chi vượt ra ngoài sự hiểu biết của chúng ta không ? Tôi không tưởng như vậy. Bài Tin mừng hôm nay giới thiệu cho chúng ta một chiều kích khác, đó là sự thật toàn vẹn về một người. Chân lý của giáo lý Công giáo chỉ cho chúng ta biết, người đó chính là Đức Giêsu, Đấng làm chứng về Thiên Chúa yêu thương và cứu độ. Đức Giêsu còn làm chứng rằng đời sống của chúng ta được mời gọi đến sự sống đời đời sau cái chết. Người lấy chính bản thân mình làm chứng rằng hiến mạng sống mình cho người khác là phương thế biến đổi đời sống diệt vong này ra đời sống trường sinh bất diệt. Theo giáo lý, tin là tin vào một người chân thật, lời chứng của họ mới chân thật. Người ta không tin những nguyên lý, những mầu nhiệm, những chân lý suông. Tin là tin vào một người. Mặc khải của Thiên Chúa chính là mặc khải về một người đã hành động đầy nhân ái đối với con người.

Điều quan trọng là chúng ta gắn bó liên kết nhiều với Đấng của công thức đức tin, chứ không phải công thức tín lý làm cho có đức tin như chúng ta tưởng. Chúng ta không bao giờ tới được Đấng mà các nhà thần học chôn vùi trong hàng ngàn từ ngữ.

Trong Thánh lễ, chúng ta hãy chúc tụng Thiên Chúa đã cho chúng ta được tới với Ngài trong đức tin, và hãy cảm tạ Ngài vì đã ban tặng Thần khí của Ngài mặc khải cho chúng ta Đấng lạ lùng này là Đức Giêsu Kitô. Người là chân lý, là sự thật. Trong người chúng ta có thể hãnh diện biết bao.



THỨ NĂM TUẦN 6 PHỤC SINH

Ga. 16, 16-20

KHÔNG THẤY RỒI LẠI THẤY

"Ít lâu nữa, anh em sẽ không còn trông thấy Thầy, rồi ít lâu nữa, anh em sẽ lại thấy Thầy." (Ga. 16, 16)

Nhiều mâu thuẫn nảy sinh trong đoạn Tin mừng này. Đức Giêsu nói : "Ít lâu nữa anh em sẽ không thấy Thầy, rồi ít lâu nữa anh em sẽ lại thấy Thầy. Thầy về cùng Chúa Cha". Phải nghĩ gì về ẩn ngữ này ? Đức Giêsu đi du lịch một thời gian ngắn ư ? Sự vắng mặt của Người giống như một cuộc hành trình đến miền nhiệt đới ư ? Hay lời Người như trò chơi hú tim của trẻ em, lúc ẩn, lúc hiện bất ngờ ư ? Những lời này tàng chứa một mặc khải phong phú. Hôm nay, chúng ta nghe biết sự mặc khải trọn vẹn về sinh lực của Đức Kitô : Thầy về cùng Cha. Đức Kitô đang chuẩn bị sẵn sàng khởi hành về Đấng là nguồn sự sống, nguồn sinh lực.

Cuộc sống của Đức Kitô không ngừng ra đi và trở về. Không đi bằng con đường đất đá, nhưng bằng con đường huyền diệu sâu thẳm và gắn bó mộ mến. Đức Giêsu càng ngày càng hiệp thông sâu xa vào kế hoạch của Cha Người. Đó là con đường hiệp thông thực hiện cứu độ để lật ngược lại sức nặng bất phục tùng của con người.

Tuy nhiên, trở về cùng Cha, Đức Giêsu vẫn không xa lìa chúng ta. Càng hiệp thông với Chúa Cha sâu thẳm bao nhiêu, Đức Giêsu càng ban tặng sự sống dồi dào. Vì Chúa Cha là nguồn sự sống, đã ban sự sống lại và sự sống vinh quang cho Chúa Con để Chúa Con làm cho mọi người được sống và sống lại với Người.

Chúng ta cũng được mời trở về cùng Chúa Cha để tham dự vào chính nguồn sống đó. Nhờ đó, chúng ta càng ngày càng thực hiện được sứ vụ từ Chúa Cha trao cho để trở nên người thông truyền sự sống của Chúa Cha và ra đi hiệp thông với người khác trong Chúa Con.

Thánh lễ lôi cuốn chúng ta vào dòng sống trở về này. Trong dòng sống này chúng ta được liên kết với Đức Kitô, để thấy được nguồn vui về cùng Chúa Cha đang chờ đợi chúng ta ở tột đỉnh con đường trở về của Chúa Con.

THỨ SÁU TUẦN 6 PHỤC SINH

Ga. 16, 20-23

CƯU MANG : CỨU ĐỘ

Thật, Thầy bảo thật anh em: anh em sẽ khóc lóc và than van, còn thế gian sẽ vui mừng. Anh em sẽ lo buồn, nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui. (Ga. 16, 20)

Để hiểu tầm mức lời này của Đức Giêsu, chúng ta cần tới kinh nghiệm của chúng ta về dự tính, về sinh trưởng và về khởi sự. Cái đà khởi đầu cuộc hành trình xuất phát từ miền phấn khởi, từ mơ ước, chúng ta xây dựng những phương trình đẹp, chỉ huy những giai đoạn thi công, kế hoạch. Chúng ta hình như làm chủ được vận mệnh.

Các tông đồ đã phân phối khi Chúa biến hình lúc đầu sứ vụ truyền giáo, lúc đầu đi chữa các bệnh nhân. Nước Thiên Chúa chẳng bao lâu nữa được thiết lập.

Nhưng sự khó khăn cũng bắt đầu khi bắt tay vào việc : Những vất vả khó nhọc, những bất lực, những hố sâu lòng người. Dù gặp đau khổ, chúng ta cảm thấy vẫn phải cố gắng hy sinh sức lực và mạng sống để đạt tới đích. Đức Giêsu đã biết phải trả giá thế nào để thực hiện kế hoạch cứu độ thế giới, và đến giờ phút treo trên thập giá, Người đã gục đầu xuống. Những kẻ chưa hiểu được công cuộc cứu độ, Đức Giêsu đã tiên báo cho chúng ta biết : Đó là một công việc rất khó khăn. Nhưng Tin mừng đã bảo đảm rằng : mặc dầu có cực khổ, khó khăn, kế hoạch cứu độ của Chúa vẫn được hoàn tất khi đã đặt kế hoạch ban sự sống, thì Người phải thực hiện cho đến cùng.

Theo ý nghĩa đó, hôm nay chúng ta hiểu được sứ điệp đầy hy vọng này là mọi đau khổ được tận hiến đều dẫn đến vui mừng như đau khổ của người mẹ sinh đứa con ra chào đời, cũng thế, mọi kế hoạch được tận tâm thực hiện đều mang lại thành công tốt đẹp, đem lại sự sống.

Muốn thúc đẩy con người tiến đến một đời sống phát triển tươi đẹp, phải mở cho họ thấy chân trời vô tận, nhưng đừng quên rằng hiện tại phải gian lao cùng khổ. Tóm lại hoạt động đem ơn cứu độ đến cho con người sẽ phải cưu mang nhiều giai đoạn đau khổ nhọc nhằn.

Đức Giêsu mời gọi chúng ta sống kinh nghiệm những giai đoạn đó để tham gia vào công việc cứu độ, dù vì thế mỗi người chúng ta phải thiệt thòi đến mạng sống.


THỨ BẢY TUẦN 6 PHỤC SINH

Ga. 16, 22b-28

NÓI RÕ SỰ THỰC

Ngày ấy, anh em sẽ nhân danh Thầy mà xin, và Thầy không nói với anh em là Thầy sẽ cầu xin Chúa Cha cho anh em. Thật vậy, chính Chúa Cha yêu mến anh em, vì anh em đã yêu mến Thầy, và tin rằng Thầy từ Thiên Chúa mà đến. Thầy từ Chúa Cha mà đến và Thầy đã đến thế gian. Thầy lại bỏ thế gian mà đến cùng Chúa Cha." (Ga. 16, 26-28)

Hôm nay, tôi thấy lời của Đức Giêsu có vài điều nói thẳng, nói rõ ràng : "Bây giờ Thầy bỏ thế gian mà về cùng Chúa Cha", "Thầy không dùng dụ ngôn mà nói với anh em nữa".

"Bây giờ Thầy bỏ thế gian mà đến cùng Chúa Cha". Một lời nói như của người bạn từ giã chúng ta, như của đứa con từ giã cha mẹ. Như cô dâu từ giã tổ ấm : Bây giờ con xin từ giã tất cả mọi người thân yêu trong nhà mà đi lập gia đình riêng. Hay như đứa con lớn từ bỏ nhà mà đi ở chỗ khác cũng nói : Con đi mua căn hộ khác để ở. Những người ở lại sẽ ngậm ngùi xúc động trước sự ra đi đó. Họ cảm thấy đời sống chua xót làm sao : "Ra đi là chết đi một tý". Lúc này chúng ta cảm thấy rõ rệt nhu cầu con người cần sống hiệp thông với nhau và cần có mặt của người khác. Chia ly, chia rẽ khổ cực chừng nào !

Ngay cả lúc Đức Giêsu tỏ bày cho chúng ta biết Người ra đi có lợi cho chúng ta, chúng ta cần cảm thấy một sức nặng vắng mặt đè nặng trên chúng ta. Đức Giêsu sẽ không bao giờ có mặt như khi Người sống bằng xương bằng thịt nữa.

Câu nói thẳng thừng thứ hai là : "Thầy không còn dùng dụ ngôn mà nói với anh em nữa". Thầy nói dụ ngôn đã trọn vẹn rồi. Dụ ngôn của Đức Kitô bây giờ là đi thẳng vào sự thực, trực tiếp chỉ biến cố.

Ngôn từ này rất rõ nét, rất chính xác, rất đích đáng và dễ hiểu. Trong một xã hội độc tài, những bất công, những bóc lột, nếu được phơi bày thực sự, được đưa ra ánh sáng, thì chúng ta thấy trong xã hội văn minh họ xử đối với con chó, con hải cẩu còn hơn con người trong xã hội tàn ác. Đó là điều thật dễ hiểu.

Khi Đức Kitô nói với chúng ta sự thật về biến cố : Người trở về đời sống hiệp thông với Chúa Cha, và cho chúng ta cảm thấy rõ ràng rằng nếu giữa chúng ta còn xảy ra những bất công, kiện cáo, tố cáo, cãi cọ và lãnh đạm, thì không thể nào tha thứ, không thể nào khoan dung được. Người tha thiết mời gọi chúng ta sống hiệp thông với Chúa Cha, hiệp thông với mọi anh em mình là con Chúa. Như vậy, chúng ta mới hiểu rõ được sự thực việc Đức Giêsu về cùng Cha.
Mới hơn Cũ hơn