Trong tiểu sử thánh Louis 9, Vua nước Pháp, có kể rằng một Linh Mục đang khi dâng lễ trong nhà nguyện của hoàng gia, tự nhiên xuất thần vào lúc truyền phép. Những người tham dự thánh lễ ngạc nhiên khi nhìn thấy trong tay vị linh mục có hình một trẻ em đẹp tuyệt trần. Người ta chạy đi báo tin cho Vua thánh Louis về phép lạ và xin Vua đến chứng kiến. Ngài đáp: “Ta tin thật Chúa Giêsu hiện diện thực sự trong bí tích Thánh Thể đến nỗi Ta không cần đến xem phép lạ đó để xác tín. Ta tin Ngài hiện diện trong đó một cách vững vàng hơn là khi Ta nhìn thấy; do đó Ta không đi xem để khỏi mất công phúc đức tin của Ta” (Guillois).
Con không muốn nói rằng vì yếu đức tin nên chúng ta mới đi viếng Phép lạ thánh thể tại Bolsena này. Trái lại, vì tin nên chúng ta mới đi như thế.
I. Tại sao có các phép lạ Thánh Thể?
Thánh Thể là một mầu nhiệm, chỉ có con mắt đức tin mới nhận thấy. Dưới trần này, Chúa dấu ẩn dưới những hình dạng và dấu hiệu là các bí tích, nhất là Bí tích Cực thánh. Vì thế, thánh Phêrô tông đồ đã chúc mừng những người tin và gắn bó với Chúa Kitô: “Tuy không thấy Ngài, anh em vẫn yêu mến, tuy chưa được giáp mặt mà lòng vẫn kính tin. Vì vậy, anh em được chan chứa một niềm vui khôn tả, rực rỡ vinh quang” (1 Phêrô 1,8)
Nhưng ai có thể hãnh diện là mình có đức tin vững mạnh và không có lúc nghi ngờ, do dự?
Chính vì muốn trợ giúp phần nào đức tin của chúng ta, nên Chúa đã cho những phép lạ xảy ra. “Những công việc mà ta làm nhân danh Cha, làm chứng cho ta.. Hãy tín nhiệm nơi các công việc đó để biết rằng Cha ta ở trong Ta và Ta ở trong Cha” (Gioan 10,25.38). Vì thế, chúng ta không thể coi rẻ các phép lạ hoặc sự lạ Thánh Thể.
Các phép lạ đó cũng có mục đích làm vinh danh Chúa, như trước khi cho Lazaro sống lại, tức là vừa khi hay tin Lazaro bị bệnh, Chúa Giêsu giải thích cho các môn đệ: “Bệnh này không đến nỗi chết, nhưng để làm vinh danh Thiên Chúa, để Con Thiên Chúa cũng được vinh hiển” (Gioan 11,4). Cũng vậy, khi các tông đồ hỏi Chúa Giêsu về người mù bẩm sinh: “Lỗi tại anh ta hay cha mẹ anh ta mà anh ta sinh ra bị mù như thế?”, Chúa Giêsu đáp: Không phải anh ta cũng chẳng tại cha mẹ anh đã phạm tội, nhưng là để những công việc của Chúa được biểu lộ nơi anh ta” (Gioan 9,2-3)
Cũng vậy, khi Chúa cho phép một phép lạ Thánh Thể xảy ra, ngài cũng biểu lộ quyền năng để làm vinh danh Chúa và mưu phần rỗi cho loài người. Sau phép lạ thánh thể ở Faverney, Đức TGM Besancon, De Rye, viết ngày 10-7-1608: “Chúng tôi khuyên nhủ mỗi người hãy chúc tụng và ngợi khen Chúa trong mọi công trình của ngài, đặc biệt là công trình lạ lùng này”.
II. Có bao nhiêu phép lạ Thánh Thể?
Thật ra không ai trả lời hoàn toàn được câu hỏi này. Có hai cuốn sách tương đối đầy đủ hơn trình thuật về các phép lạ Thánh Thể:
- Jean LADAME et Richard DUVIN, Les prodiges eucharistiques, Ed. France-Empire, Paris 1981, pp.258)
- Joan Carroll Cruz, Eucharistic Miracles and Eucharistic Phenomena in the Lives of the Saints, Ed. Tan, Rockford, Il., 1987, pp.305).
Sách của Joan Carrol liệt kê 32 phép lạ, trong khi sách của Ladame và Duvin, liệt kê 59 phép lạ Thánh Thể, chia làm nhiều loại khác nhau:
1 - Chúa Kitô hiện ra trong Bánh Thánh, như ở Douai, Ulmes (1668), ở Bordeaux (1822)
2. Nhờ Mình Thánh Chúa, các bệnh nhân được khỏi bệnh lạ lùng: như người câm ở La Rochelle (1461); Anne La Fosse (1725), và Lộ Đức.
3. Nhờ Thánh Thể, xảy ra nhiều sự kiện lạ thường: dòng cuồng lưu bị chặn đứng (1630), lửa bị dập tắt ở Dronero (1631)
4. Nhờ Thánh Thể, tâm hồn hoán cải: vua Abu Zeyt ở Caravaca (1232), thánh Antôn, người rối đạo và con lừa, quận cọng Brunswick (1651)
5. Thánh Thể thoát những hành động phạm thánh (La Haye Hoa Lan 1412).
6. Bánh thánh trở thành Thịt và rượu trở thành máu: Bolsena (1263); Lanciano (thế kỷ 8).
III. Sự tích phép lạ Thánh Thể tại Lanciano
Phép lạ được biết đến nhiều nhất là tại Bolsena năm 1263, sau đó, ĐGH đã thiết lập lễ kính Mình Máu Thánh Chúa. Phép lạ này sẽ được các vị hữu trách trình bày cho chúng ta tại Ovieto và Bolsena trong cuộc hành hương này, nên bây giờ, con xin trình bày về Phép lạ tại Lanciano.
Đây là phép lạ cổ kính, lạ lùng, đầy đủ nhất và cũng là phép lạ duy nhất được cứu xét qua các vụ nghiên cứu phân tích khoa học một cách nghiêm ngặt nhất vào năm 1970-1971 và 1973-1974. Chưa bao giờ người ta thấy một truyền thống cách đây 12 thế kỷ được khoa học xác nhận tỏ tường như vậy.
Thực vậy, năm 1970, hai mẩu thịt và máu thánh Chúa được chứa đựng trong chén lễ và mặt nhật từ 12 thế kỷ trước đó và đặt tại Nhà thờ Phanxicô ở Lanciano, miền Abruzzo, gần Chieti về phía nam, đưa phân tích và thí nghiệm để xem thế nào. Giáo sư Odoardo Linoli, bác sĩ trưởng tại bệnh viện liên hiệp Arezzo, giáo sư môn cơ thể học (Anatomia), tế bào bệnh học (Istologia patologica) và môn hiển vi bệnh lý (microscopia clinica), được ủy thác nhiệm vụ phân tích. Kết quả làm cho ông hết sức ngạc nhiên và không chút nghi ngờ: thịt và máu thật, của loài người. Cả hai có cùng loại máu AB. Trong thịt có cơ tim, giây thần kinh, và thịt đó thuộc tâm thất trái. Trong máu có chất đạm (proteine) bình thường.
Kết quả đó lại bỏ giả thuyết cho rằng vì lòng tin nên người ta đã ngụy tạo ra phép lạ thịt và máu. Đàng khác, máu và thịt được ở trạng thái tự nhiên, không có chất bảo tồn hay ướp tẩm gì cả suốt trong 12 thế kỷ; có cùng đặc tính như thịt và máu mới lấy ngày hôm trước nơi một người còn sống!
Phúc trình của giáo sư Linoli được đăng trên tập Quaderni Sclavo trong cuốn Diagnostica, 1971, fasc. 3 (Grafiche Meini, Siena), làm cho giới khoa học quan tâm. Sự kiện này gây ngạc nhiên đến độ năm 1973, Hội đồng cấp cao của tổ chức Sức khỏe thế giới (OMS) đã thành lập một ủy ban đặc nhiệm để kiểm chứng những kết quả phân tích của giáo sư Linoli. Công cuộc kiểm chứng kéo dài 15 tháng với tổng cộng 500 cuộc nghiên cứu, và được công bố năm tháng 12 năm 1976 tại New York và Genève. Những phân tích lại được thực hiện vào năm 1980 và tái xác nhận đồng thời nới rộng những kết luận trước đây. Họ cũng xác nhận những mạnh lấy từ thánh tích ở Lanciano không thể đồng hóa với các tế bào của các xác ướp. Sự bảo trì các thánh tích này trong 12 thế kỷ ở trong bình bằng kính và không có chất ướp, không có chất sát trùng, chống lên men, hoặc chất ướp xác, không thể giải thích được về mặt khoa học. Thực vậy, các hộp chứa các thánh tích này không ngăn cản không khí và ánh sáng, cũng không cản ký sinh trùng thuộc loại thực vậy hoặc động vật. Về phần bản chất của mảnh thịt, Ủy ban tuyên bố không chút do dự rằng đó là một tế bào sống vì nó đáp đứng mau lẹ các phản ứng hóa học như các cơ thể sống.
1. Trình thuật phép lạ Lanciano
Giống như ở Bolsena, phép lạ tại Lanciano cũng xảy ra trong tay một vị linh mục, khi cử hành thánh lễ, đã nghi ngờ sự hiện diện thực sự của Chúa Giêsu Kitô trong bí tích Thánh Thể.
Trình thuật phép lạ này được ghi lại trong một tài liệu năm 1631, kể rằng: “Tại thành phố Lanciano này, vào khoảng năm 750, ở Đan viện thánh Legonziano (người ta đồng hóa với thánh Longino, người lính đã lấy đòng đâm cạnh sườn Chúa Kitô trên thánh giá), nơi có các đan sĩ dòng thánh Basilio (ngày nay được gọi là tu viện Thánh Phanxicô), một đan sĩ, không có đức tin vững chắc lắm, giỏi về các khoa học đời, nhưng lại dốt các khoa học về Thiên Chúa, càng ngày đan sĩ ấy càng nghi ngờ, không biết trong bánh được thánh hiến có Mình thực sự của Chúa Kitô hay không và trong rượu được thánh hiến có Máu thực của Chúa hay không. Tuy nhiên, ơn Chúa không bỏ rơi đan sĩ ấy. Cha tiếp tục cầu nguyện và liên tục xin Chúa cất tai ương nghi ngờ đó khỏi tâm hồn mình, vì nó làm cho tâm hồn như bị độc dược. Chúa rất từ nhân, là Cha từ bi và hằng an ủi, đoái thương cất bóng đêm dày đặc và ban cho đan sĩ ấy được ơn như đã ban cho thánh Tommaso Tông Đồ xưa kia”.
Tác giả vô danh thuật tiếp: “Một buổi sáng kia, trong lúc dâng Thánh Lễ, và sau khi đã đọc những lời truyền phép, đan sĩ ấy chìm đắm trong sự sai lầm cũ của mình, và bỗng cha thấy bánh trở thành thịt và rượu biến thành máu. Đan sĩ ngỡ ngàng, kinh hoàng và bối rối vì phép lạ tỏ tường đó; nhưng sau cùng, sự kinh hãi nhường bước cho sự hài lòng về tinh thần đang tràn đầy đôi mắt và tâm hồn, với nét mặt vui mừng đượm những giọt lệ, linh mục đan sĩ quay sang những người đứng xung quanh và nói: “Hỡi những người tham dự rất có phúc, là những người được Chúa Nhân Lành tỏ lộ trong Bí tích Cực Thánh này và trở nên hữu hình dưới mắt anh em, để phá đổ sự cứng lòng tin của tôi. Xin anh em hãy đến và ngắm nhìn Chúa chúng ta trở nên gần gũi với chúng ta. Đây là thịt và máu Chúa Giêsu rất yêu quý của chúng ta”.
Người ta không biết tên và lý lịch của đan sĩ ấy. Chúng ta chỉ biết rằng linh mục này thuộc một số nhỏ đan sĩ đông phương thuộc dòng thánh Basilio đến Lanciano tị nạn, trong làn sóng di dân của các đan sĩ Đông phương tới Italia vào thời Hoàng đế Leone III l’Isaurico. Dưới triều đại Hoàng đế này, từ năm 726 có phong trào mạnh mẽ đập phá các ảnh tượng, chống lại việc tôn kính các ảnh tượng đạo. Phong trào này buộc nhiều đan sĩ đông phương phải lưu vong ra nước ngoài. Dân chúng tại Lanciano dành cho một nhóm đan sĩ nhà thờ nhỏ Thánh Legonziano. Tại đây, trong lúc dâng lễ theo lễ nghi la tinh (các đan sĩ này, giống như các linh mục la tinh, dùng một bánh thánh lớn hình tròn, chứ không dùng bánh hình vuông như các đan sĩ Hy Lạp, và là bánh có lên men).
Phép lạ đó được ghi trên một tài liệu viết trên giấy da rất cổ, nhưng trong tiền bán thế kỷ thứ 15, thì bị hai đan sĩ dòng thánh Basilio đánh cắp của các tu sĩ Phanxicô. Hiện nay người ta chỉ còn tài liệu năm 1631 gợi lại phép lạ Lanciano và là tài liệu cổ kính nhất về sự kiện này. Đó là một tài liệu viết trên giấy da bằng tiếng hy lạp và la tinh, và chứa đựng tất cả các chi tiết về phép lạ.
2. Việc bảo tồn thánh tích
Các đan sĩ Basilio gìn giữ các thánh tích quý giá đó cho tới năm 1176, rồi họ được các Đan sĩ Biển Đức thay thế. Năm 1252, cũng như nhiều đan viện khác ở Italia, các tu sĩ Phanxicô Viện Tu thay thế các đan sĩ Biển Đức, và ngày nay, thánh tích này vẫn còn được các tu sĩ Phanxicô Viện Tu bảo quản. Năm 1258, họ xây một nhà thờ lớn bao trùm nhà thờ nhỏ thánh Legonziano ngày xưa và biến thành một Đền Thánh, và đặt thánh tích tại đây. Các tu sĩ này phải rời tu viện vào năm 1809 khi Hoàng đế Napoléon I bãi bỏ các dòng tu. Họ chỉ trở lại đây vào tháng 6 năm 1953.
Thánh tích lạ trước hết được đặt trong một hòm bằng ngà voi và được đặt nguyện đường cạnh bàn thờ chính và từ năm 1902 được giữ đằng sau nhà thờ của bàn thờ thiết lập ở giữa cung nguyện. Bánh thánh trở thành thịt, như ngày nay người ta có thể quan sát thấy, được giữ trong một mặt nhật bằng bạc, có kích thước giống như Mình Thánh lớn vẫn được các linh mục dùng trong thánh lễ. Thịt đó màu hơi nâu và trở thành màu hồng nếu được quan sát dưới ánh sáng trong. Rượu hóa thành máu được giữ trong một chén lễ bằng pha lê, họp thánh 5 hột to nhỏ khác nhau.
Từ năm 1923, “Thịt” được trưng bày trong một mặt nhật, trong khi những hột máu khô được đựng trong một chén lễ pha lê ở dưới chân mặt nhật.
3. Kiểm chứng
Qua dòng thời gian, các thánh tích ấy rất được các tín hữu tôn kính. Vào những dịp đặc biệt, các thánh tích này được rước qua các đường phố trong thị trấn. Các thánh tích đã chịu 4 cuộc khảo nghiệm và điều tra của giáo quyền: năm 1574, năm 1637, năm 1770 và năm 1886. Trong lần đầu tiên, vào năm 1574, đã xảy ra một hiện tượng lạ lùng. Chứng từ được ghi lại hiện nay vẫn còn đọc được rõ ràng trong nhà nguyện ở bên phải gian chính nhà thờ. Tại đây, trong 3 thế kỷ, thánh tích đã được giữ trong hòm sắt: “Thịt vẫn còn nguyên vẹn và máu phân thành 5 phần không đều nhau, khi thì 5 phần hiệp nhất với nhau, khi thì tách rời”. Điều gì đã xảy ra? Một cuộc điều tra đã được thực hiện ngay sau Công đồng chung Trento. Khác với Công đồng Laterano IV năm 1215, Công đồng Trento này tỏ ra nhân nhượng hơn đối với những người đã phổ biến các thánh tích cổ kính. Đức TGM Rodriguez muốn cân thử máu đã đông lại, trước mặt các giới hữu trách hiện diện, và mọi người đều ngỡ ngàng nhận thấy rằng trọng lượng tổng cộng của 5 cục máu cộng lại cũng bằng trọng lượng của mỗi cục. Hiện tượng đó chỉ xảy ra một lần. Trọng lượng tổng cộng 5 cục máu là 16,505 gram; và nếu cân riêng thì trọng lượng mỗi cục là: 8 gr, 2,45 gr; 2,85 gr, 2,05; và 1,15 gr. Cần phải thêm 5 mgr bụi máu.
Một lần khác, 11 năm sau khi bế mạc Công Đồng chung Trento, trong đó có cuộc tranh luận lớn về vấn đề biến thể (transustanziazione), qua trọng lượng đều nhau của 5 cục máu ở Lanciano, Chúa Giêsu muốn ban một dấu hiệu mới về sự hiện diện thực sự của Ngài trong mầu nhiệm Thánh Thể: trong mỗi giọt rượu và trong mỗi mảnh bánh thánh được thánh hiến có sự hiện hiện của toàn thể Mình và Máu Ngài.
Nhưng sự ngạc nhiên về phép lạ Thánh Thể ở Lanciano không chấm dứt ở đây. Sau Công đồng chung Vatican 2, các tu sĩ Phanxicô Viện Tu, để đánh tan vĩnh viễn mọi hồ nghi, nên đã quyết định rằng nay đã đến lúc để cho khoa học hiện đại nghiên cứu về thánh tích. Và thế là vào tháng 11 năm 1970, theo lời yêu cầu của Đức Cha Perantoni, TGM Lanciano, và cha bề trên tỉnh dòng Phanxicô Viện tu ở Abruzzo, cùng với phép của Tòa Thánh, các tu sĩ Phanxicô tại đây quyết định các vị ủy thác cho giáo sư bác ái Odoardo Linoli và toán cộng sự viên của ông, trong đó có giáo sư Ruggero Bertelli, thuộc đại học Siena, việc phân tích các thánh tích, bắt đầu từ tháng 11-1970. Giáo sư Linoli lấy một phần thánh tích ngày 18-11-1970, rồi phân tích trong phòng thí nghiệm. Phúc trình nghiên cứu được hoàn thành vào tháng 3-1971. Kết quả thật lạ lùng:
Những mảnh nâu lấy từ mặt nhật Mình Thánh thực sự là thịt người, thịt cơ tim, với đầy đủ các yếu tố như một trái tim thực. Người ta cũng thấy rằng thánh tích bánh hóa thịt đó có hình dáng như một hốc ở giữa. Các nhà nghiên cứu đồng ý rằng hốc đó là do sự co rút của cơ tim. Chung quanh thánh tích này người ta thấy có những lỗ nhỏ như có vết đinh thâu qua. Sự kiện này chứng tỏ rằng quả tim, vì là một bắp cơ, nên bị co lại như thường thấy trong quả tim người chết (rigor mortis). “Rigor mortis” làm cho tim co lại. Vì thế, các đan sĩ xưa kia, khi chứng kiến phép lạ, đã căng lại và đóng bằng những đinh vào miếng gỗ. Như thế, tim sẽ phải co lại theo mọi hướng, vì không thể co lại vào trung tâm, nên tản ra chu vi. Từ tất cả những sự kiện đó, người ta thấy quả tim xuất hiện lạ lùng trong phép lạ hồi thế kỷ thứ 8 trên bàn thờ của nhà nguyện nhỏ, lúc ấy đang ở trạng thái sống, và chịu sự cứng lại của thi người chết.
Những nghiên cứu trên những mảnh màu vàng nâu chứa trong một chén lễ không được đóng kín chứng tỏ bản chất máu và máu này thuộc nhóm AB, cùng với cơ tim. Chúng cũng cho thấy sự hiện diện của các khoáng chất thường có trong máu người. Không những thế, máu và thịt ấy như còn sống.
Giáo sư Linoli nói rằng: “Tôi không thể ngờ được trong những điều tôi phân tích đó có những chất hữu cơ cách đây 12 thế kỷ. Khoa học đứng trước một sự kiện lạ lùng không thể giải thích nổi và phải đầu hàng.”
Ngay sau khi kết thúc nghiên cứu, ông gửi một điện văn rất ngắn cho các cha Phanxicô Viện Tu với hàng chữ: “In principio erat Verbum et Verbum Caro factum est” (Stefania Falasca, 30 Giorni, 2-1997; pp. 72-75)
Tóm lại, Thịt và Máu phép lạ ở Lanciano giống như người ta mới lấy hôm trước trên một người sống, vậy mà trong phép Thánh Thể, một người sống là Chúa Giêsu hiến thân cho chúng ta, người đã sống lại ngày phục sinh và tuyên bố: Ta là bánh hằng sống bởi trời xuống, và bánh ta ban chính là thịt ta để cho thế gian được sống.
Khi chúng ta rước lễ, chúng ta ăn thịt thực sự, và uống máu Chúa. Đàng khác, thịt ở Lanciano là thịt cơ tim, hơn các phần khác của Mình Chúa, nói lên tình yêu của Ngài đối với chúng ta. Dĩ nhiên là khi rước lễ toàn mình Chúa chúng ta rước lấy dưới hình bánh. Nhưng tim ngài được ban cho chúng ta như Bí Tích tình yêu.
Trần Đức Anh, O.P