Suy niệm mỗi ngày Tuần 10 thường niên





THỨ HAI

2Cr 1,1-7; Mt 5,1-12

Theo ý nghĩ thông thường của thế gian, tám mối phúc mà Chúa Giêsu tuyên bố thật là ngược đời. Con người tự nhiên không sao có thể chấp nhận được, vì họ thường chỉ thấy giàu có mới là có phúc, no đủ, vui vẻ, thành công trong công ăn việc làm, vượt trội hơn kẻ khác, được mọi người nể sợ mới là có phúc.

Vì thấy các mối phúc khó chấp nhận, nhiều kẻ đã cố gò uốn sao cho Lời Chúa dễ hiểu và dễ chấp nhận hơn hơn. Người ta đã tranh luận xem điều Chúa nói có ý nghĩa gì, có nghĩa cụ thể vật chất hay có nghĩa tinh thần. Ví dụ về mối phúc nghèo khó, có người cho là Chúa dạy ta phải nghèo khó thật sự về vật chất, có kẻ lại bảo là Chúa chỉ dạy hãy có tinh thần nghèo khó. Những ai có tinh thần nghèo khó thì khi mình có của mà gặp người khốn đốn, đương nhiên mình cũng phải bố thí và do đó cũng trở nên nghèo giống như trường hợp những người nghèo thật về vật chất ở trên. Mà Thiên Chúa đâu có muốn con cái của Người nghèo cực, túng quẫn. Khi dựng nên con người, Thiên Chúa muốn họ giàu sang, làm chủ vũ trụ và muôn loài. Giáo Hội mọi thời cũng theo ý Thiên Chúa cũng luôn xúc động khi thấy kẻ nghèo cùng nghèo kiệt và Giáo Hội luôn tích cực chống lại cảnh nghèo đói. Thành ra Thiên Chúa không muốn ta nghèo và không coi sự nghèo là có phúc.

Vậy ý Chúa Giêsu ở đây như thế nào? Trước tiên ta cần nhớ Ngài không nói chuyện thế gian, Ngài không khen hay chê sự nghèo nàn cũng như sự giầu có theo nghĩa thế gian. Ngài chỉ muốn nói về sự nghèo khó và sự có phúc của nó theo nghĩa Nước Trời, theo nghĩa mà Kinh Thánh vẫn hiểu. Kẻ nghèo là kẻ coi Thiên Chúa đáng trọng hơn mọi sự ở đời. Họ không cậy dựa vào sự gì, mà chỉ cậy dựa vào một mình Thiên Chúa. Trong lòng họ, Thiên Chúa được đặt ở chỗ cao nhất. Họ là những kẻ mà Cựu ước gọi là "những người nghèo của Giavê". Họ có thể giàu về của, nhưng không cậy vào của, và không kiêu căng, không ích kỉ. Họ có thể nghèo về của, nhưng không ca thán mà trái lại, chính vì nghèo, lại thấy mình phải khiêm nhường và phải tin tưởng vào Chúa hơn. Và những người ấy có phúc, họ cảm thấy mình đầy đủ vì có Chúa làm gia nghiệp, và cảm thấy mình thật là hạnh phúc. Đó chính là cái nghĩa của các mối phúc mà Chúa muốn nhắm tới.

Mà hơn ai hết, nhất là khi chịu thương khó, Chúa Giêsu đã là kẻ nghèo, kẻ hiền lành, kẻ đau buồn, kẻ bị bách hại… Nhưng chính khi đó, Ngài cảm thấy mình có phúc vì Ngài ở trong tay Cha. Ngài đích thân cảm nghiệm cái phúc của kẻ mất mọi sự ở đời, vì lúc ấy Ngài đang được chính Cha là sự giàu sang hơn mọi sự khác.

Vậy khi tuyên bố các mối phúc, Chúa Giêsu muốn giới thiệu cái phúc mà chính Ngài được hưởng và muốn ta nên giống Ngài để cũng được hưởng với Ngài.

Ai kết hợp với Ngài, yêu mến Ngài trên hết mọi sự thì sẽ nếm biết được cái phúc lớn lao vào chính những lúc mình trở nên nghèo khó, những lúc mình không còn được ưu đãi ở thế gian.

Đó là điều mà thánh Phaolô đã cảm nếm trong đời của ngài. Theo bài đọc I, Ngài nói mình đã được an ủi giữa lúc gặp ưu phiền. Ngài đã hiểu rằng có Chúa là có tất cả. Ai có Chúa là có phúc, dù gặp nghịch cảnh đến đâu đi nữa. Bởi đó thánh Phaolô cũng có kinh nghiệm bản thân để mà an ủi các tín hữu Côrintô đang gặp thử thách.

Ta xin Chúa Giêsu Thánh Thể ban ơn cho ta cảm nếm cái phúc của kẻ biết coi thường mọi sự của cõi thế, để chỉ còn biết đề cao và nương nhờ Thiên Chúa. Có như thế, ta mới sung sướng sống ngược thế gian và tuy rơi vào những hoàn cảnh đớn đau, ta vẫn mang trong mình niềm an ủi sâu xa của kẻ biết mình đang ở trong vòng tay âu yếm của Cha trên trời và đang giàu có về mọi sự hơn bao giờ hết.


THỨ BA

2Cr 1,18-22; Mt 5,13-17

Bài giảng trên núi bắt đầu bằng những lời tuyên bố sự chúc phúc của Thiên Chúa. Với những lời đó, Chúa Giêsu muốn công bố một Tin Mừng lớn lao cho con người: đó là Thiên Chúa đã yêu thương một cách nhưng không, đã đi bước trong tình yêu, đã ban Nước Trời cho con người trước khi con người xứng đáng với Nước Trời ấy. Ngay những câu "các ngươi là muối cho đời, các ngươi là ánh sáng cho thế gian", tuy có vẻ thông thường, nhưng cũng hàm chứa cả Tin Mừng cho chúng ta. Các câu ấy có nghĩa là: mặc dầu chúng ta chỉ là những con người tầm thường, "lạt lẽo, không có độ mặn", Thiên Chúa đã vì yêu mà cho ta được diễm phúc trở nên muối có độ mặn, có đời sống mặn mà ý nghĩa, giống như phân muối không phải là đất lạt, mà đã là hóa chất có độ mặn. Mặc dầu chúng ta thuộc thân phận tối tăm, Thiên Chúa đã cho ta được diễm phúc thông phần vào sự sáng là Đức Kitô để ta nên ánh sáng cho thế gian. Mà đã là muối thì có nhiệm vụ muối các thứ khác cho mặn, đã là ánh sáng thì có nhiệm vụ soi sáng các thứ khác. Tuy vậy nhiệm vụ chỉ đến sau diễm phúc. Con người bằng cách sống đạo hạnh, làm các việc lành để chiếu tỏa diễm phúc mà ta đã nhận được ra môi trường xung quanh.

Việc ta chiếu tỏa để giúp ích cho đời có hai khía cạnh:

- Một là chúng ta tự nhiên chiếu tỏa do chính Chúa tác động trong ta, làm ta chiếu tỏa. Khi chọn ta làm tín hữu là Chúa làm cho từ con người chúng ta tỏa ra một ảnh hưởng tốt thu hút những người xung quanh. Giống như cái đèn, nó tự nhiên tỏa sáng do ánh sáng có ở trong nó.

- Hai là chúng ta làm cho mình chiếu tỏa bằng những việc lành, bằng một đời sống gương mẫu, bằng cách nhớ mình là người đã tin Chúa và trong mọi hoàn cảnh, ta luôn trung thành với đức tin. Đây là điều Chúa Giêsu đã nêu gương cho ta trước. Ngài đã luôn trung thành với sứ mạng cứu thế. Bà con họ hàng và những kẻ không hiểu đã nhiều lần muốn Ngài trở về làng, từ giã việc rao giảng Tin Mừng, nhưng Ngài không muốn đi ngược với sứ mạng mà Cha đã trao phó. Câu "người ta không thắp đèn rồi dưới đáy thùng" muốn ám chỉ về trường hợp của chính Ngài. Ngài là cái đèn đã được Cha thắp lên, nó phải cháy để soi sáng, chứ không thể để mình tắt đi được. Chúng ta cũng sẽ chiếu tỏa khi cố gắng trung thành với đức tin của mình, bất chấp hoàn cảnh bên ngoài.

Ta xin cho mình được nên giống Chúa Giêsu để chu toàn được sứ mạng của kẻ đã thuộc về Cha trên trời. Ta cũng cho mình được nên giống thánh Phaolô, đó là trong mọi lúc, luôn luôn qui về Chúa Giêsu, lấy Chúa Giêsu làm mẫu mực để theo, nhớ mình là môn đệ của Chúa và chỉ quyết sống một điều là nên giống Chúa Giêsu trong mọi nơi mọi lúc. Dưòng như sau một lần đến dàn xếp những lộn xộn về đức tin ở Côrintô, Ngài đã muốn sẽ trở lại thăm họ, nhưng vì hoàn cảnh bắt buộc, Ngài không giữ được lời hứa và bị trách không thật thà. Lập tức Ngài đã xác nhận mình không phải là hạng người như vậy, vì mình là môn đệ của Đức Giêsu, Đấng đã thể hiện mọi lời hứa của Thiên Chúa, đã nên "có" hoàn toàn, do đó người môn đệ cũng phải là người trung tín chứ không thể dối trá.

Trong mọi lúc, với tư cách kẻ tin Chúa, ta cũng được mời gọi nhìn vào Chúa Giêsu để bắt chước, nếu mình là môn đệ của Ngài và biết nói năng hành động như Ngài. Đó là cách để ta mãi mãi là ánh sáng soi chiếu thế gian, là muối ướp mặn đời chứ không mắc phải số phận khủng khiếp mà Chúa cảnh cáo hôm nay là Thiên Chúa bị rẫy bỏ như phân muối hóa lạt, bị hất ra ngoài và bị kẻ qua người lại dẫm đạp dưới chân.


THỨ TƯ

2Cr 3,4-11; Mt 5, 17-19

Đối với dân Dothái, chẳng con người nào cao trọng và đáng kính phục cho bằng ông Môisen. Nhưng người Dothái thời xuất hành đã có một chứng kiến khuôn mặt chói lòa của ông khi lên gặp Giavê trên núi Sinai rồi trở xuống. Người Dothái mọi thế hệ về sau cũng luôn nhớ vị thế oai hùng và khuôn mặt uy nghiêm mỗi khi nói đến tên ông. Thế nhưng đối với thánh Phaolô, Môisen còn kém những thừa tác viên phục vụ giao ước mới, vì Môisen chỉ mới phục vụ luật được viết trên bia đá, còn các tông đồ thời Tân ước phục vụ luật được viết bởi Thần khí của Thiên Chúa.

Thánh Phaolô đã viết đoạn thư ta vừa nghe để trả lời những kẻ đã trách là Ngài đến mà chẳng có giấy giới thiệu gì cả. Ngài nói: thư giới thiệu về Ngài chính là các tín hữu mà Ngài đã đào tạo. Cứ xem, cứ đọc đời sống của họ, sẽ thấy lá thư ấy đã được viết như thế nào. Không phải bằng mực, nhưng bằng Thần khí của Thiên Chúa, không viết trên bia đá như luật Môisen, nhưng viết trong lòng các tín hữu. Viết được bức thư như vậy không phải là sức người, nhưng là do ơn Thiên Chúa đã trao phó cho Phaolô sứ mạng rao giảng Tin Mừng.

Nhưng sở dĩ Tân ước có giá trị hơn Cựu ước chính là do Đức Giêsu đã đến để kiện toàn Cựu ước. Ngài dùng chính đời sống và lòng mến của mình để làm trọn Cựu ước. Hôm nay Ngài nói: ta đến không phải để bãi bỏ lề luật và các ngôn sứ, mà là để làm trọn. Ngài làm trọn không phải bằng cách thêm một số luật còn thiếu, nhưng bằng cách đem đến một tinh thần mới trong việc giữ luật. Khi trước, người ta thường giữ luật một cách hình thức, hời hợt, giữ cho xong, cho qua chuyện, mà không hiểu, không có tình mến. Hoặc người ta giữ vì bị ép buộc, chứ không do tự phát tự nguyện vì yêu mến. Các luật sĩ và biệt phái đã không ngừng hô hào giữ luật, nhưng thật ra họ chẳng đặt để tình mến trong đó. Việc giữ luật trở nên nặng nề, vất vả, khiến người ta ngán sợ và héo hon, giống như nô lệ phải giữ luật do chủ áp đặt. Chúa Giêsu đã sửa chữa tình trạng đó, làm người ta ý thức diễm phúc được làm con và lấy tình mến chân thực đối đãi với cha hiền. Ngài giải phóng người ta khỏi sự nặng nề của lề luật, để người ta giữ luật vì ý thức, trong sự thích thú nhẹ nhõm bởi vì mến luật và muốn tỏ ra là người con hiếu với Cha trên trời.

Chúng ta có quyền tự hào mình hơn dân thuộc đạo cũ và các tín đồ thuộc các đạo khác. Nhưng để tỏ ra mình hơn, chúng ta đừng chỉ đem khoe về Chúa mình, về những điều hay trong đạo, mà nên lấy chính đời sống và tình mến của mình làm giấy giới thiệu về đạo. Đời sống đạo hạnh của giáo dân Côrintô ngày xưa đã là giấy giới thiệu cho thánh Phaolô, thì đời sống thấm nhuần Tin Mừng của ta hôm nay cũng là giới thiệu cho Chúa chúng ta, cho sự trổi vượt của đạo chúng ta.

Xin Chúa Giêsu Thánh Thể ban ơn Thánh Linh cho ta để ta nên những môn đệ xứng danh của Ngài, những cõi lòng đầy tình mến, những người con ngoan thảo lúc nào cũng chu toàn ý Cha, luật Cha bằng tất cả tình con nồng nàn và chân thực như chính Chúa Giêsu đã hằng chu toàn.


THỨ NĂM

2Cr 3,15-4,1.3-6; Mt 5,20-26

Như ta đã thấy, bài giảng trên núi trước hết là lời công bố về diễm phúc quá lớn lao mà Chúa Giêsu đã mang đến cho ta. Diễm phúc đó là ta được Thiên Chúa Cha ban nước trời cho ta, ban địa vị làm con cái cho ta. Đoạn thư của thánh Phaolô hôm nay cũng đề cập đến diễm phúc mà ta được hưởng. Theo Ngài, chúng ta không còn sống trong sự tối tăm, "bị tấm màn che lòng" như dân cũ nữa, trái lại chúng ta được hiểu rõ về Thiên Chúa, chúng ta phản ảnh vinh quang của Chúa và được biến hóa giống với hình ảnh Chúa.

Chỉ sau khi được hưởng diễm phúc như thế, chúng ta mới được mời gọi có một lối sống mới phù hợp với địa vị mới của mình. Lối sống đó, như Chúa Giêsu nói, phải vượt hơn sự công chính của biệt phái và luật sĩ. Khi nói như thế, Chúa Giêsu không muốn ta so sánh với đời sống của biệt phái luật sĩ rồi sống hơn thế một mức, nhưng Chúa muốn ta sống hoàn toàn khác với họ, vì Chúa mở ra một con đường hoàn toàn khác. biệt phái và luật sĩ thì có óc hẹp hòi, họ luôn luôn tính toán hơn thiệt khi sử sự với người khác và cả với Thiên Chúa nữa. Họ không có lòng mến thật. Còn Chúa Giêsu mở ra con đường yêu mến và Ngài muốn người ta đi đến mức tuyệt đối tình mến. Từ nay, không phải sự khôn ngoan hay hơn thiệt là tiêu chuẩn cho hành động của người ta nữa, mà chính Chúa mới là tiêu chuẩn cho người ta.

Vì Chúa, người ta sẽ yêu tuyệt đối. Ngày xưa, ai giết người mới bị tòa án luận phạt, còn nay, nguyên phẫn nộ tức giận anh em đã bị tòa án luận phạt. Chúa mời người ta thể hiện lòng yêu người ngay từ trong cõi lòng, trong tư tưởng, và không phải chỉ xa tránh hành động giết người, mà xa tránh ngay cả tư tưởng giận ghét anh em.

Vì Chúa, người ta sẽ chịu thiệt thòi cũng được. Đó là không phải khi mình có lỗi với anh em mình mới lo xin lỗi họ, ngay cả trong trường hợp họ có điều bất bình với mình, họ có lỗi với mình, mình cũng lo đi bước trước đến làm hòa với họ, coi việc làm hòa ấy là chính yếu hơn cả việc tế lễ cho Thiên Chúa. Như thế, người ta không còn cư xử theo lý thông thường, theo sự so đo tính toán theo kiểu người đời nữa. Khi đó, như thánh Phaolô nói, người ta góp phần làm bật sáng vinh quang Thiên Chúa trên khuôn mặt mình như Đức Kitô làm bật sáng.

Nhưng muốn sống được theo mức tuyệt đối của tình mến, cần thỉnh thoảng nhớ lại diễm phúc quá lớn lao mình đã nhận, cần nhớ rằng mình đang là môn đệ của Đấng Cứu Thế, một địa vị mà không gì trên cõi thế này sánh nổi, để chúng ta chỉ còn lấy một điều làm sung sướng, đó là được sống như Chúa của mình, dù phải thiệt thòi, phải trái ý đến đâu đi nữa.


LỄ THÁNH TÂM CHÚA GIÊSU

Mt 11, 25-30


Từ nguyên thủy, trước khi có thời gian và thế giới tạo thành, Thiên Chúa đã hiện hữu, và duy nhất chỉ có mình Ngài. Tình yêu Thiên Chúa cũng đã có từ đời đời, ngày hôm nay và cho đến mãi mãi, và cũng chỉ duy có tình yêu của Ngài hiện hữu mà thôi. Chúng ta là tạo vật, là người thụ lãnh và truyền tải tình yêu Chúa cho tha nhân. Nhưng chúng ta chỉ có thể thông truyền, bao lâu chúng ta biết đón nhận tình yêu đến từ Thiên Chúa. Để diễn bày tình yêu, Thiên Chúa đã sai Con một Ngài đến trần gian. “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta (Ga 1,14). Đức Giêsu chính là hiện thân của tình yêu Thiên Chúa dành cho con người. Chỉ nhờ Người, và trong Người, chúng ta mới có thể đáp trả tình yêu linh thánh ấy.

Đức Giêsu là con Thiên Chúa, là ngôi vị thần linh trong Ba Ngôi. Đồng thời, Ngài đã mang thân phận con người, sinh ra làm con Đức Maria, sống kiếp người như chúng ta ngoại trừ tội lỗi. Ngài chính là ‘Lời’ mà Thiên Chúa ngỏ trao cho chúng ta. Ngài nói như một Thiên Chúa quyền năng, nhưng lại sử dụng ngôn ngữ của loài người. Ngài đã ngỏ lời bằng những ngôn từ giản đơn của những cư dân bình thường giống chúng ta. Ngài sử dụng những hình ảnh đời thường rất dung dị để diễn bày những chân lý cao siêu về mầu nhiệm nước trời. Từ những cánh chim trên bầu trời cao xanh, những bông hoa ngoài đồng nội, những hạt giống được gieo vãi, những cây nho xum xuê trĩu quả.. Khi muốn truyền đạt những sứ điệp quan trọng cho các học trò và đám đông, Ngài vay mươn những hình ảnh rất mộc mạc và bình dân, ví dụ: “Anh em là muối ướp mặn cho đời, anh em là đèn sáng đặt trên đế cao...” Đặc biệt, khi muốn khải thị về mầu nhiệm tình yêu Thiên Chúa dành cho con người, Ngài dùng hình tượng một trái tim nhân loại như một hình mẫu. Ngài nói: “Hãy học nơi ta, vì ta có một con tim hiền dịu và khiêm hạ. Anh em sẽ tìm được sự nghỉ ngơi và an bình”.

Những người đương thời của Đức Giêsu hiểu được những gì Ngài nói, đặc biệt nơi hình ảnh một trái tim yêu thương, một trái tim hiền dịu và khiêm tốn. Đó là một con tim nhân loại đã từng rung động trước cái chết của một thanh niên, con trai bà góa thành Naim, đã từng thổn thức và rơi lệ trước ngôi mộ của một người bạn thân, nhưng đồng thời cũng là một trái tim mang chở cả một bầu trời yêu thương cho đến vô tận. Hiểu được điều ấy, những chàng ngư phủ Galilê cho dù dốt nát và quê mùa nhưng đã dám bỏ lại tất cả, thuyền và lưới, cha mẹ và vợ con, để đi theo chúa. Các tiến sĩ luật thông thái đã ngồi lặng yên chăm chú để lắng nghe. Ngay cả một anh thu thuế oai vệ trước một núi tiền, đã dám quẳng lại tất cả để bước theo Ngài. Đám đông sau khi lắng nghe Ngài giảng đã quên đi tất cả mệt nhọc, gác lại những cơn đói cồn cào ruột gan, và bù lại, Đức Giêsu đã hóa bánh và cá ra nhiều để cho họ ăn. Những người đau yếu cố sức chen lấn để được sờ chạm đến Ngài, bởi vì tất cả những ai đến với Ngài đều có thể trải nghiệm sự bình an trong tâm hồn.

Ngày nay hơn bao giờ hết, chúng ta rất cần phải hướng về tình yêu cao cả và tuyệt vời ấy. Chúng ta đang sống trong một thế giới quá ồn ào, ồn ào vì những thông tin hổ lốn tràn ngập trên mạng của thời đại kỹ thuật số, ồn ào vì quá nhiều những tiếng động ầm ĩ của giết chóc và bạo lực, và nhất là ồn ào vì những tiếng xào xạc của tiền bạc kéo lôi con người vào một lối sống ích kỷ và hưởng thụ. Chúng ta cần sự tĩnh lặng và nghỉ ngơi. “Hãy học với Ta, vì Ta có một con tim hiền dịu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi an bình.” Trái tim Đức Giêsu chính là chân trời rộng mở của tình yêu, một tình yêu sâu xa và cao cả nhất mà Thiên Chúa đã hiến trao cho nhân loại.

Hơn hai ngàn năm trước, Đức Giêsu đã đến trần gian không phải để sáng lập một tôn giáo như nhiều người vẫn nghĩ tưởng. Ngài cũng không đến nhằm quảng bá một học thuyết hay cổ súy một chủ nghĩa. Ngài đến chỉ với một mục đích và một sứ mạng duy nhất mà Chúa Cha đã trao phó, đó là công bố cho nhân loại một Tin mừng : Thiên Chúa yêu thương loài người chúng ta. Cái chết của Đức Giêsu trên Thập giá là cách diễn bày tình yêu Thiên Chúa một cách tròn đầy và hoàn hảo nhất. Trong cuộc sống tại thế, Đức Giêsu đã thiết lập một ngôi trường, có tên gọi là ‘Mái trường tình yêu’. Ngài đã quy tập những người học trò để truyền thụ một môn học duy nhất, cũng chính là môn học về tình yêu. Ngài nhắc đi nhắc lại “ Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy yêu thương anh em. Cứ dấu này mọi người nhận biết anh em là môn sinh của Thầy, là anh em hãy yêu thương nhau”. Tình yêu ấy được phác vẽ nơi Trái tim của Ngài, một trái tim bị đâm thâu trên Thập giá, tuôn chảy cho đến giọt nước và giọt máu cuối cùng để trao ban đến vô tận. Trong bữa tiệc ly, môn đệ Gioan đã tựa đầu vào ngực Chúa để lắng nghe từng nhịp đập nơi trái tim yêu thương của vị tôn sư khả kính. Cũng dưới chân Thập giá khi đứng bên Đức Maria, Gioan đã chứng kiến trái tim Chúa mở toang khi bị người lính đâm thủng, để ông có thể chiêm ngắm một dòng suối yêu thương tuôn chảy cho đến bất tận. Vì thế, trong sách Tin Mừng thứ tư và trong cả ba lá thơ Gioan để lại, hầu như Ngài chỉ nói về một chủ đề duy nhất : Tình yêu.

Thiên Chúa yêu thương từng mỗi con người chúng ta không loại trừ ai, cho dù người đó hiện như thế nào. Một đứa con đi hoang vẫn được vòng tay yêu thương của cha nó ôm đón khi trở về. Một cô gái điếm vẫn có thể bình lặng ngồi bên chân Chúa để được Ngài đưa dẫn vào thế giới ngập tràn yêu thương. Thậm chí một tên cướp khét tiếng với quá khứ đan kín tội ác, vẫn có thể là một vị đại thánh, được Đức Giêsu mở cửa Thiên đàng trực tiếp đưa đón vào. Tình yêu Thiên Chúa luôn là một mầu nhiệm khó hiểu, và dường như không thể hiểu nổi đối với đầu óc con người.

Con người ngày hôm nay dễ bị chết vì đột quỵ gây nên bởi suy tim. Con tim bị suy yếu do căng thẳng, do sợ hãi, do chán chường hay tuyệt vọng. Nơi mỗi người chúng ta đều có một quả tim dễ mang những mầm bệnh chết người này. Đây là những căn bệnh thể lý, nhưng có những căn bệnh của tâm hồn còn nguy hiểm hơn rất nhiều. Nếu chúng ta sống với một trái tim bế tắc trong cô đơn hay tuyệt vọng, nếu chúng ta mang chở nơi mình một trái tim nhét đầy dao găm và lưu đạn của oán thù, một trái tim rỗng tuếch sự cảm thương nhưng lại nhét đầy tiền bạc của tham lam và ích kỷ, chúng ta sẽ chết với một quả tim như thế. Chúng ta sẽ ngã xuống không phải vì heart-attack, vì đột quỵ hay suy tim, nhưng sẽ chết trong vũng bùn nhớp nhúa của tội lỗi.

Để tinh luyện con tim mình, chúng ta hãy nhìn lên Thập giá Đức Giêsu, chiêm ngắm trái tim của Đấng bị đâm thâu để học nơi Ngài bài học căn bản nhất như Ngài đã nói : “Anh em hãy học nơi tôi, vì tôi có một trái tim hiền dịu và khiêm hạ”. Chúng ta phải học, học mãi, và ngồi học nơi ngôi trường này, chúng ta sẽ chẳng bao giờ có thể tốt nghiệp (Lm Gioan B. Trần Văn Hào SDB)


THỨ SÁU

2Cr 4,7-15; Mt 5,27-32

Cả hai điều Chúa Giêsu đã xác định lại hôm nay đều liên quan đến vương quyền của Thiên Chúa, Nước Thiên Chúa: người ta không được nhìn người nữ mà ước ao phạm tội, vì đây hiểu người nữ đã có chồng, tức là người nữ sống trong dây hôn phối đã được Thiên Chúa xác nhận. Muốn phạm tội với người như thế, là xâm phạm đến quyền của Thiên Chúa. Người ta cũng được ly dị (trừ nố dâm bôn, tức hôn nhân bất hợp pháp, do đó giải tán được) bởi vì ở dây hôn phối cũng đã được Thiên Chúa chứng thực, không có ai có quyền tháo cởi. Chúa Giêsu có ý công bố rằng thời đại Nước Trời đã bắt đầu, Thiên Chúa đã làm vua và quyền vua của Người phải được đặt bên trên mọi sự: sự yếu hèn của con người, lòng dạ lì lợm bóp méo luật Thiên Chúa… Người ta đã được diễm phúc vĩ đại là hưởng lấy Nước Trời, bởi đó cũng được mời gọi sống hết mình cho Nước Trời. Bất cứ yếu tố gì cản trở người ta yêu mến Thiên Chúa thì phải dẹp bỏ đi: dù là phải móc mắt, chặt tay quăng đi. Những biện pháp như thế được đặt trước ân huệ vĩ đại là Nước Trời, sẽ chẳng đáng bị coi là quá nghiêm ngặt.

Thánh Phaolô nêu gương cho về việc sống hết mình cho Thiên Chúa: tuy yếu mệt trong thể xác, tuy bị khó khăn bắt bớ, ngài vẫn trung kiên sống cho Thiên Chúa, cho Tin Mừng, cho các linh hồn.

Ta xin Chúa Giêsu (trong tháng Thánh Tâm) ban cho ta trái tim nồng nàn mến Chúa, xa trámh tội lỗi, sống hết mình cho Thiên Chúa và mọi người.


GỢI Ý 2:

Bài Tin Mừng hôm nay đưa ra ví dụ thứ hai về sự "kiện toàn" lề luật. Và lần này cũng như vậy, Chúa Giêsu đảo lộn luân lý cách hoàn toàn… Cái đáng kể đối với Ngài không phải là cái xuất hiện trước mắt người đời, nhưng là cái nằm tận đáy con tim. Cái làm cho con người dơ bẩn, không phải là thân xác của nó, nhưng là tinh thần khát vọng, là ý hướng nó. Chúa Giêsu đưa vào trong nhân loại một giá trị mới, đó là sự tôn trọng chính mình, tôn trọng người khác phái, sự cao quí của tình yêu… Tại Israel, thời Chúa Giêsu, ly dị là hợp pháp, nhưng Chúa Giêsu nói: điều chính yếu không nằm ở mức độ "bên ngoài" đó. Luân lý hôn nhân, luân lý tình dục, trước mắt không phải một danh sách cụ thể các hành vi được làm và các hành vi bị cấm, có thể kiểm soát tự bên ngoài. Đây là một thái độ bên trong, yêu sách hơn nhiều, đòi hỏi một sự thắng mình liên tục.

"Nếu mắt con làm cho con vấp phạm…". Thật là những lời nói cứng cỏi lạ lùng. Người ta đôi khi nói và viết rằng Chúa Giêsu đã không bày tỏ lập trường về tính dục, về lãnh vực phong hóa. Thế mà Matthêu đặt câu này, câu nói về "đôi mắt" cám dỗ con người, ngay sau câu Chúa Giêsu bảo đừng "nhìn" một người nữ cách tội lỗi.

Thân xác không xấu xa. Thái độ khinh bỉ, ngờ vực thân xác, không phải là của Kitô giáo. Hiển nhiên thân xác có thể trở thành tên cám dỗ: "Nếu mắt con làm con vấp phạm…". Phản ứng thế nào"? một quyết định thô bạo: "Móc mà quăng đi". Vào lúc mà ngẫu tượng giáo hiện thời có đặc tính là tấn công ngày càng rõ rệt hơn vào lãnh vực tính dục, thì nghe lại lập trường của Chúa Giêsu chẳng phải là vô bổ. Không có chút màu mè nào trong sự trong sạch Chúa Giêsu cổ võ. Đúng hơn Ngài đứng về phía sức mạnh, nghị lực.

Về vấn đề ly dị vợ được nói ở Mt 5,31-32; ít ra đây là một điểm trong luật Môisen bị Chúa Giêsu thay đổi rõ ràng. Sách Đệ nhị luật cho phép ly dị. Chúa Giêsu như vậy phản kháng một đạo luật minh bạch của nước mình (và là một đạo luật của Kinh Thánh nữa chứ), thành thử lề luật bất toàn của Cựu ước được một lề luật mới thay thế. Nhưng thực ra, sự mới mẻ bên ngoài này chỉ lấy lại một ý định nguyên thủy của Thiên Chúa, diễn tả trong trình thuật sáng tạo (St 1,26): trong một đoạn khác, Chúa Giêsu sẽ nói: "Từ ban đầu thì không phải như vậy" (Mt 19,1-9). Trong thực tế, theo những nhà giải thích có thẩm quyền nhất, Chúa Giêsu không chấp nhận một cớ ly dị nào. Ngoại lệ nêu lên - "Nố dâm bôn" là trường hợp của những kẻ không thành hôn với nhau.

Vượt lên trên mọi tranh luận của các giáo sĩ Dothái, Chúa Giêsu rõ ràng phát ra lời kêu gọi mang tính ngôn sứ nhằm ủng hộ sự bất khả phân ly của hôn nhân, đó chẳng phải là chính ước vọng của tình yêu hay sao? Sự không nhân nhượng thường bị hiểu lầm trong các lập trường của Giáo Hội về vấn đề này, phát xuất từ nguồn Tin Mừng vừa nói: không một quyền lực nào của trần gian, của Giáo Hội, cũng như của chính Đức Giáo Hoàng, có thể tháo cởi những gì mà Thiên Chúa đã liên kết một cách rõ ràng như thế. Có lẽ một ngày kia, người ta sẽ hiểu được rằng đòi hỏi đó đã "cứu tình yêu" khỏi tất cả những gì dễ dàng phá hủy nó.

Kinh nghiệm cho ta hay việc giữ con mắt cho trong sạch, giữ thân xác khỏi dịp tội, giữ tình yêu luôn chung thủy là một vấn đề khó khăn tựa như chứa kho tàng trong bình sành, vỡ lúc nào không biết (thư Phaolô). Thái độ chiến đấu không ngừng để trung thành với tình yêu Thiên Chúa được thánh Phaolô gọi là "mang trong mình cuộc tử nạn của Chúa Giêsu", là "luôn nộp mình chịu chết". Nhưng với quyền lực siêu vời của Thiên Chúa, Đấng đã làm cho Đức Kitô sống lại, chúng ta cũng làm cho sự sống của Đức Kitô, sự sống mới mẻ, hoàn thiện - được tỏ hiện nơi thân xác chết dở, nghĩa là dễ sa vào tội lỗi của chúng ta.


THỨ BẢY

2Cr 5,14-21; Mt 5,33-37

"Các con đã nghe bảo người xưa… còn Ta, Ta bảo các con…". Tất cả sức mạnh của sự đổi mới theo Tin Mừng, tất cả quyền uy tối thượng, và có thể nói: tham vọng của Chúa Giêsu, nằm trong điệp khúc lập đi lập lại này. Lề luật truyền thống (Lv 19,12) cấm thề dối và như đã quan tâm giúp đỡ con người nói lên sự thật: luật cấm thề dối nghĩa là cấm lấy Thiên Chúa làm chứng cho những điều giả tạo. Nhưng Chúa Giêsu, một lần nữa, chỉ giữ lấy tinh thần của lề luật và hoàn thiện nó bằng cách nội tâm hóa nó: phải luôn nói lên sự thật, thành thử vô ích khi đưa ra bất lời thề nào. Lời nói con người có một giá trị tự tại, nhờ sự chân thật nó bày tỏ: vô ích khi đi tìm một bảo đảm bên ngoài trong một lời thề nào đó. Trong thực tế, nếu Thiên Chúa hiện diện nơi lời nói của con người, thì không phải nhờ cầu khẩn danh Ngài từ bên ngoài, nhưng nhờ sự khách quan và sự thật bên trong mà lời đó chất chứa. Khi khuyên bảo hãy tránh thề, Chúa Giêsu trả lại giá trị cho lời nói con người vậy.

Nhưng để khỏi dùng tên Thiên Chúa, kẻ đương thời của Chúa Giêsu sử dụng đủ mọi kiểu nói quanh mà họ nghĩ rằng có thể bảo toàn được luân lý. Chúa Giêsu tố cáo não trạng sai lạc này, não trạng muốn cứu vãn cái bề ngoài và tỏ ra phải phép với lề luật một cách hình thức. "Tôi đâu có lấy Thiên Chúa mà thề, tôi chỉ lấy trời mà thề thôi". Vậy thì Ta bảo các ngươi: trời là ngai Thiên Chúa, đất là bệ chân Ngài. Chúa Giêsu muốn giải thoát ta khỏi mọi thứ câu nệ pháp lý, muốn dạy ta phải hết sức trung thực, khách quan giữa một thế giới có tài phát minh những lối tránh né và che đậy. "Người ta có thể đi tới đâu mà không thực sự phạm tội?" đây là loại câu hỏi Chúa Giêsu muốn tố cáo. Ngài muốn ta nhớ rằng tên địch thủ, tên dối trá đứng đằng sau mọi kiểu trá hình và bất chính của chúng ta. Satan là dối trá, chỉ có Thiên Chúa là sự thật.

Chúng ta phải sống theo sự thật, vì chúng ta là một thụ tạo mới trong Đức Kitô, đã được Đức Kitô chết thay cho mình. Sống theo sự thật là không còn sống cho chính mình nữa, nhưng là sống cho Thiên Chúa, cho Đức Kitô, cho anh em như blời thánh Phaolô trong bài đọc I. Vì sống trong sự gian trá, theo tính ích kỉ của lòng mình, dưới sự thúc đẩy của ác tà, chúng ta đã tranh chấp với Thiên Chúa. Nay Đức Kitô đến mời gọi chúng ta sống theo sự thật và tình yêu để hòa giải với Ngài.

Phép Thánh Thể chúng ta cử hành hôm nay và mỗi ngày ban cho chúng ta sự sống của Thiên Chúa, gắn kết chúng ta với Người, với Chúa Kitô và với mọi chi thể anh em. Điều đó đòi buộc chúng ta "sống trong sự thật và trong lòng mến". Chẳng lẽ nên một với Chúa Kitô và với mọi anh em nên một thân thể mầu nhiệm, duy nhất, sống động, chúng ta vẫn tiếp tục sống trong sự dối trá. Như thế là tự hủy mình cũng như hại cho toàn thân. Ngay trong xã hội bình thường, mọi phần tử đều liên kết với nhau, có ảnh hưởng trên nhau, chịu trách nhiệm về nhau. Huống chi trong Giáo Hội thân thể Chúa Kitô, sự liên đới và tầm ảnh hưởng cũng như tình tương ái còn lớn lao, sâu đậm hơn biết mấy. Rước Mình Thánh Chúa vào lòng là tự đòi buộc phải sống trong tình yêu và sự chân thật vậy.





Mới hơn Cũ hơn