Suy niệm mỗi ngày Tuần 11 Thường niên - năm lẻ



THỨ HAI

ĐỐI XỬ TRONG TÌNH YÊU

(Mt 5,38-42)

“Mắt thế mắt, răng đền răng”, đó là luật Talion, nghĩa là luật công bằng của người xưa. Câu đó đã thấy trong bộ luật của Hammourabi trước Chúa Giêsu khoảng 2000 năm và ở trong sách Xh 21,24 (Đl 19,21; Lev 24,20). Luật này của ông Môsê cho phép về việc báo thù. Thật ra luật này đã là luật đặt ra giới hạn cho việc báo thù rồi, vì xưa Cain được báo thù 7 lần hơn là Lamek được 70 lần 7 (St 4,15.4,17-24).

Có thể nói luật của người xưa là luật công bằng. Ta không hại người và người cũng không hại ta. Mình làm thiệt hại ai bao nhiêu thì phải trả lại cho họ bấy nhiêu. Tuy nhiên là con cái của Chúa, Chúa muốn con người sống siêu nhiên hơn, cao thượng hơn. Chứ đừng thấp lè tè vỏn vẹn với luật cũ là đức công bình. Thật ra sống công bằng ở trần gian đã là khó lắm rồi. Nhưng luật Chúa lại đòi hỏi phải thêm hơn thế nữa. Chúa nói: “Đừng chống cự với người làm ác”, “Hãy cho cả áo dài trong”, “Hãy đi thêm hai dặm”, “Hãy đưa thêm má trái”.

Trước khi tìm hiểu những câu nói trên, chúng ta cần nói ngay trước rằng có thể có người hiểu nghĩa đen lạm dụng câu nói này làm phiền khổ thêm cho người anh em mình. Hoặc có người chủ trương rằng với câu nói đó thôi, ta không cần phải nâng đỡ hay an ủi những người gặp bất trắc khó khăn.

Thật ra, chính Chúa muốn dạy nơi đây là việc trả thù hay ăn thua với người khác. thường bản tính của con người là không chịu nhịn. Một người hay gây thiệt hại cho ta, là ta cũng muốn cho họ thiệt hại như ta. Nhưng Chúa nói rõ : “Oán phạt thuộc về Ta, Ta sẽ báo ứng” (Rm 12,19). Chúa muốn nói rằng chính Ngài sẽ là người phán xử sau cùng và sau này. Còn chúng ta, cứ luỵ phục Chúa đi. Chính Chúa sẽ biện hộ cho chúng ta và chúng ta sẽ thấy sự công bình của Ngài được thực hiện. Đấy cũng là nguyên tắc Chúa đưa ra để chúng ta sử dụng trong cuộc sống cá nhân hàng ngày.

Luật của người xưa là “Mắt thế mắt, răng đền răng”. Không phải là bây giờ Chúa bỏ luật này đi để dạy một luật khác. cũng không phải là có mới nới cũ. Sự công bằng của Thiên Chúa vẫn còn đó. Điều Chúa muốn dạy ở đây là đừng đòi quyền lợi cho mình nhất là quyền trả thù hay hành hạ anh em. Nếu có thì phải đối xử trong tình yêu. Chính vì thế mà Chúa bảo “Đừng chống cự với ngưòi làm điều dữ”. Làm thế không phải là Chúa xoá bỏ luật pháp. Chúng ta thấy qua Kinh Thánh, Chúa kêu gọi vâng phục nhà cầm quyền vì họ được Chúa đặt ra để cai trị kẻ dữ. Nhưng còn việc Chúa bảo đừng chống cự với người làm điều dữ nghĩa là đừng đòi hỏi cho mình quyền trả thù. Cho nên khi bị người khác vả má, nghĩa là khi bị hạ nhục khinh bỉ, trường hợp ấy, Chúa muốn chúng ta đem tình bác ái ra mà đối xử hầu phản ánh là con Thiên Chúa.

Kinh Thánh dạy cho chúng ta thấy Chúa bị nguyền rủa mà Ngài không nguyền rủa lại, mà cứ phó mình cho Đấng phán xét chí công. Có quyền gây thiệt hại và trả thù là chính Chúa, mà Chúa đã không, huống chi chúng ta là con cái Ngài. Việc cho áo trong áo ngoài, việc đi thêm vài dặm... cũng vậy. Khi làm như vậy, không phải là để khuyến khích thêm tội ác đâu. Nhưng hãy đem tinh thần yêu thương bác ái ra mà xử sự. Chứ còn lối trả thù ăn thua đủ, cãi vã, kiện tụng chỉ là oán chồng lên oán mà thôi, bạn hoá thành thù nhân, thay vì một người thù lại thêm hai nữa.

Vậy ra tình yêu mới là căn bản của sự sống. Sống mà có tình yêu, đó mới là sống thật ở trong Chúa.




THỨ BA
 
YÊU THƯƠNG KHÔNG ĐIỀU KIỆN

(Mt 5,43-48)

Trong Cựu ước, dân Do thái sống theo luật của Môsê ghi trong sách Lêvi 19,18 : “Hãy yêu mến tha nhân và ghét thù nhân”. Dân Do thái giáo vì không muốn sống gần gũi với dân ngoại thờ ngẫu tượng, và từ đó sinh ra thái độ khinh thường người ngoại bang. Chẳng những thế, mà họ còn có luật và bổn phận ghét người ngoại bang nữa. Người đó là dân Amalec (Xh 17,14; Dnl 25,28), dân Moab (Dnl 23,6). Quan niệm của người Do thái : kẻ mình phải yêu mến là kẻ thân cận thôi. Kẻ thân cận của họ là những người cùng xóm cùng làng, cùng làm việc ở một cánh đồng, xa hơn là cùng bộ lạc. Cùng lắm là cùng dòng máu Do thái, là con cháu một Abraham thôi. Còn ngoài ra là hết bổn phận thương yêu rồi. Cứ thường tình, con người chúng ta yêu thương những người gần gũi chúng ta, còn những kẻ xa lạ thì không yêu được. Nhưng như vậy mới là hợp lẽ phải công bằng và lẽ phải trong việc giao tế. Nhưng chúng ta nhớ Chúa Giêsu dạy chúng ta sống không những theo lẽ phải mà còn sống trên lẽ phải nữa. Bình thường chúng ta vẫn nghĩ rằng yêu bạn bớt thù. Nhưng Chúa dạy chúng ta “yêu bạn yêu thù nhân nữa”.

Điều này Chúa dạy chúng ta yêu thương người ta không điều kiện, dù người đó tốt hay xấu, là bạn hay thù thì hãy đối xử như nhau. Chúa lấy ví dụ mặt trời và mưa để làm sáng tỏ vấn đề này. Thật ra nếu như Chúa đối xử với chúng ta như chúng ta thường đối xử với anh em mình thì số là chúng ta đã chết từ khua rồi, vì trước mặt Chúa, đã nhiều lần chúng ta là kẻ thù của Chúa, đã nhiều lần chúng ta làm ô danh ngài, đã từng chống đối thử thách Ngài... Nhưng Chúa đã không làm như vậy, mà Ngài còn ban phước cho chúng ta nữa, dù chúng ta là người thế nào đi nữa. Cha nào con nấy, Thiên Chúa đã từng làm mưa thuận gió hoà trên kẻ lành người dữ, thì con người hãy lấy đó làm tiêu chuẩn để đối xử.

Nói được rằng tình yêu của mỗi người trên thế giới là tình yêu có điều kiện. Chúng ta yêu người bạn vì người đó tốt với chúng ta, che chở giúp dỡ chúng ta. Nhưng xét cho cùng thì đó chưa phải tình yêu mà Chúa muốn đâu. Nếu chúng ta chỉ yêu như vậy thì đâu còn cái gọi là “Tình yêu cho không biếu không”. Yêu mà đặt điều kiện, nếu thế này, nếu thế kia. Chữ yêu được nối lại nhờ chữ nếu. Chính vì vậy mà chúng ta chỉ yêu thương được một số rất ít người, vì họ thoả mãn được một số điều kiện chúng ta đặt ra.

Tình yêu của Thiên Chúa khác hẳn, Chúa yêu chúng ta dù chúng ta thế nào chăng nữa. Mà nếu chúng ta được Chúa yêu vì chúng ta tốt lành hay vì chúng ta tôn thờ Ngài thì có lẽ trong chúng ta không ai được Ngài yêu đâu. Xét mình như thế cho nên chúng ta yêu người là vì Chúa đã yêu thương chúng ta trước. Chúng ta yêu là để chúng ta phản ánh được tình yêu Thiên Chúa.

Bài Phúc Âm nói lý do yêu như vậy là để người khác nhận ra chúng ta là con cái Thiên Chúa .

Thiên Chúa yêu thương chúng ta cách không thiên vị, không thành kiến, thì chúng ta cũng cần có tình yêu phổ quát không thiếu vô tư như vậy. Nên khi yêu như vậy thì không còn là bạn hay thù mà chỉ còn có một đối tượng duy nhất là tình yêu. Kinh Thánh nói : “Thiên Chúa yêu thường thế gian đến nỗi ban Con Một mình” (Ga 3,16). Đó trần gian là đối tượng là người yêu của Thiên Chúa. Thiên Chúa yêu thương chúng ta vì chính Ngài là tình yêu (1Ga 4,8). Chúa vẫn yêu thương hết mọi người, vì Chúa thấy con người cần yêu và cần được yêu và cả đáng yêu nữa.

“Hãy yêu thương thù nhân” đó là một điều khó làm. Nhưng Chúa dạy, chúng ta phải làm. Chúng ta nhờ tình yêu tồn tại cho vĩnh cửu (1Cr 13,1)./.



THỨ TƯ 

THIÊN CHÚA THẤU SUỐT NƠI KÍN NHIỆM

(Mt 6.1 6. 16-18)



Chúng ta có thấy không, trong bài Phúc Âm hôm nay, Chúa nhắc tới ba lần câu “Cha ngươi, Đấng thấu suốt mọi bí ẩn sẽ thưởng công cho ngươi”. Ý chính là “Chúa thấy”, đó mới là điều quan trọng. Thường thì chúng ta chỉ mong được người ta thấy, được người khác biết đến, được người khác đề cao. Nếu không, sẽ buồn nản. Nhưng ở đây, Chúa đưa ra một lời khuyên tích cực là Chúa bảo: “Đừng làm việc cho người ta thấy mà khen”, mà phải làm thế nào để Chúa thấy và chính Chúa sẽ là Đấng khen thưởng chúng ta.

Vấn đề ở đây là chính Chúa thấy nơi kín nhiệm. Loài người không thấy, không biết. Nhưng Chúa thấy và biết hết tất cả từng chi tiết.

Bài Phúc Âm nhấn mạnh tới chữ thưởng và phần thưởng. Trong việc này, Chúa cho chúng ta thấy quan niệm khen thưởng khác nhau giữa loài người và chính Chúa. Ai trong chúng ta làm việc cũng muốn được khen thưởng. Có thể nói bất cứ việc gì chúng ta làm ở đời này cũng mong một sự khen thưởng nào đó. Thái dộ khen thưởng của chúng ta có vẻ đầy quan trọng. Còn Chúa, Chúa đặt ra hai điều kiện : hoặc là được khen thưởng ngay ở hiện tại, từ nơi loài người ; hoặc là chúng ta chờ đợi phần thưởng đến từ đời sau nơi Thiên đàng. Trong đoạn Kinh Thánh hôm nay, Chúa nhắc chúng ta về ba việc: bố thí , cầu nguyện và ăn chay.

1.Làm phúc bố thí. Ngay từ Cựu ước đã có luật lệ giúp đỡ anh em túng thiếu bằng cách bỏ sót một phần hoa lợi cho việc mót lúa mót nho (Lv 19,9.23,22). Dành một phần mười cho người không có đất đai. Có luật nâng đỡ cô nhi quả phụ (Dnl 14,28). Sang Tân ước, tục lệ Do thái cứ mỗi chiều thứ bảy tại các hội đường có xin mọi người giúp đỡ những người khốn khó đồng thời rao tên ân nhân và có tiếng kèn rao rầm rộ vui vẻ. Nhưng dần dần, trở thành giả tạo giả hình. Và Chúa đòi hỏi khi làm phúc phải kín đáo, vô vị lợi, không đền đáp tính toán. Nhưng cho với lòng thương xót thông cảm. Chúa còn nhắn kỹ rằng khi làm như thế không phải để người ta thấy mà ca tụng mình, nhưng để ca tụng Thiên Chúa. Đấy là mục đích tối hậu.

Nếu như chúng ta làm phúc để cho người ta ca tụng mình, thì đó là chúng ta đã lãnh phần thưởng ở đời này rồi. Như thế nghĩa là ngày sau không còn được công lênh gì ở Thiên Chúa nữa. Vậy nếu như chúng ta tìm phần thưởng tại thế thì rồi mai đây chúng ta sẽ ân hận tại sao mình không kiên nhẫn chờ tới khi lãnh phần thưởng đời sau. Chúa nói, khi bố thí, ta phải làm đừng để tay trái biết. Tay phải là tay hành động chính, còn tay trái là chủ thể gần gũi nhất. Muốn nói là khi ta làm phúc như vậy kể cả người thân nhất cũng không cần biết đến việc chúng ta làm. Làm thế nào để họ ca tụng Thiên Chúa, chứ đừng để họ phải mang ơn hay ca tụng chúng ta.

2. Cầu nguyện. Các thầy Biệt phái và Luật sĩ thì luôn cầu nguyện ở hội đường để nhiều người biết đến. Làm như thế đã được phần thưởng, vì được người ta khâm phục. Nhưng là con cái Chúa, chúng ta phải có thái độ khác. Chúa bảo phải vào phòng đóng kín cửa lại. Đóng cửa lại có nghĩa : đừng phô trương, đừng phơi bày mình đạo đức như kiểu Biệt phái lên Đền thờ cầu nguyện (Lc 18,9-14). Đóng cửa lại, là để mở rộng tâm hồn ra, để tấm lòng thoát khỏi mọi âu lo vương vấn, khỏi chia trí luống cuống ảo ảnh vô ích. Dĩ nhiên, Chúa không cấm chúng ta cầu nguyện nơi đông người bao giờ. Chúa còn bảo : “Nơi đâu có hai ba người họp lại...” (Mt 18,20). Vấn đề Chúa nhắm ở đây là tấm lòng, dù là cầu nguyện chung hay riêng, bất cứ ở đâu, thì tấm lòng vẫn là chính yếu. Vậy chúng ta cần xét lại xem chúng ta cầu nguyện để làm gì, để phô trương ư ? Chúng ta cầu nguyện để Chúa nghe hay để người khác nghe. Nếu cầu nguyện để Chúa nghe thì không cần phô trương rậm lời.

Việc ăn chay cũng thế. Vấn đề ăn chay để làm gì và ăn chay vì mục đích gì. Nếu chúng ta ăn chay mà ra bộ nhăn nhó cho người khác biết mình đang nhịn đói... thì như vậy là có công rồi. Chúa bảo khi ăn chay “Hãy xức dầu, mặt mũi tỉnh táo”. Đừng hiểu nghĩa đen, nghĩa là ăn chay cứ làm việc như thường, vì chúng ta ăn chay đã có Chúa biết rồi. Chúng ta nhớ nguyên tắc này “ Thiên Chúa là Đấng thấu suốt nơi kín nhiệm sẽ thưởng công cho mọi người”./.


THỨ NĂM 

TÂM TÌNH VỚI THIÊN CHÚA

LÀ CHA YÊU THƯƠNG

(Mt 6,7-15)

Trong các kinh chúng ta đọc, có kinh Lạy Cha là quan trọng và đủ ý nghĩa nhất của việc cầu nguyện. Trong kinh này, Chúa dạy chúng ta hai điểm:

Cầu nguyện là cầu nguyện với chính Chúa chứ không ai khác.

Cầu nguyện là tương giao với Chúa chứ không phải để thoả mãn những nhu cầu riêng tư.

Phân tích lời cầu nguyện mẫu này, chúng ta thấy có hai phần rõ rệt: Phần đầu là tôn thờ Chúa, Phần thứ hai là xin cho mọi người.

Về phần tôn thờ Thiên Chúa, chúng thấy có ba lời xin : Xin cho Chúa trị đến, Danh Cha cả sáng, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Còn về phần con người, cũng có ba lời xin : Xin cho hôm nay lương thực... xin tha nợ, Xin khỏi sa chước cám dỗ. Thường thường người ta bảo ba lời trên dành về Thiên Chúa ; còn ba lời sau là loài người. Thật không hẳn là thế mà hai lời nguyện đó bao hàm trong nhau, khi xin cho Danh Cha cả sáng, thì cũng là xin cho mỗi người biết làm vinh danh Chúa. Thiên Chúa được vinh danh qua việc cứu độ người ta. Thánh Irênê bảo “vinh danh Thiên Chúa, đó là con người được sống, sống vĩnh cửu hạnh phúc”. Cho nên kinh Lạy Cha cho chúng ta thấy hai chiều: chiều đọc thẳng lên là Thiên Chúa và chiều ngang là anh em cùng con một Thiên Chúa Cha .

Chúa Giêsu đã chỉ cho chúng ta thấy một vị Thiên Chúa đầy yêu thương bằng một tên gọi là Cha. Trong gia đình còn gì đoàn tụ thân tình, hạnh phúc, uy quyền hơn chữ Cha.

Chữ Cha gợi lên sự gần gũi, tin tưởng, âu yếu, bao che, thương mến. Trước hết Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta thấy đối tượng lời cầu xin là ai ? Thưa, là Thiên Chúa Cha, một người cha gồm mọi tình phụ tử của trần gian. Một người cha biết cả sợi tóc trên đầu, bông huệ ngoài đồng và chim trên trời (Mt 6,25tt) bay lượn nhởn nhơ. Một người cha biết trước cả nhu cầu con cái trước khi nó xin (Mt 6,32). Ngài đã dự bị sửa soạn tất cả, đến nỗi Ngài bảo chúng ta đừng lo gì cho ngày mai (Mt 6,34). Một người cha đã ban Ngôi con (Gio 3,16), ban Chúa Thánh Thần (Lc 11,13). Đó là một người cha thật tình vì con cái. Cho nên khi chúng ta cầu nguyện với một người cha tốt lành, luôn dọn phần tốt nhất cho con mình (lc 10,42). Cho nên Đấng mà chúng ta cầu xin, không phải là một vị hung thần sẵn sàng gieo tai giáng hoạ như cái kiểu : “Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen”. Ngài cũng không phải là vị phúc thần chuyên môn mở kho ban ơn khi ta biết nịnh hót. Vậy thì đối tượng của lời cầu nguyện là một người cha yêu thương. Có thể anh chị em đã được chứng kiến cảnh một người con tâm sự với cha mẹ chưa. Nhất là những trẻ lên ba, hầu như lúc nào chúng cũng có chuyện để hỏi, để nói. Đấy có lẽ là hình ảnh của chúng ta đứng trước Thiên Chúa Cha. Cho nên, cầu nguyện là thưa chuyện với người Cha đầy hiểu biết chứ không có gì phải lo âu sợ hãi, mà trái lại rất thân tình. Chúa Giêsu dạy chúng ta cầu nguyện với Thiên Chúa Cha ở trên trời là để cho chúng ta thấy rằng chúng ta thật là con cái Ngài và chúng ta có thể cầu nguyện với tất cả tin tưởng vui mừng, biết rằng cha chúng ta trên trời sẽ trả lời việc chúng ta cầu nguyện hôm nay.

Khi chúng ta cầu nguyện với Thiên Chúa Cha, “Lạy cha chúng con ở trên trời”. Trời là nơi Chúa ngự. Trời diễn tả tính siêu việt, huyền nhiệm khôn tả khôn dò, ở ngoài tầm tay của chúng ta. Trời là hạnh phúc, nơi Chúa ngự trị. Điều này hàm ý Chúa điều khiển muôn loài muôn vật. Vậy thì chúng ta gọi Thiên Chúa Cha ở trên trời mà quên đi Ngài có quyền trên muôn loài muôn vật và trên chúng ta, thì chúng ta trở thành nao núng buồn phiền. Giả sử chúng ta có một người cha có địa vị trong xã hội, chúng ta có hạnh diện không ? Ở đây, chúng ta cómột người Cha ở trên trời thì sao? Hãy nhớ rằng Ngài đang điều khiển mọi sự dù nhỏ nhặt đến đâu, nếu Ngài không muốn thì không thể nào xảy ra được đâu.

Phần thứ hai của kinh Lạy Cha dạy chúng ta cầu nguyện là cầu cho phần hồn trước, phần xác sau. Cho phần hồn, là cầu cho mình sống xứng đáng là Con trời, là biết tha thứ, là biết thắng vượt chước cám dỗ về trời.

Hãy ý thức rằng chúng ta đang cầu xin với một Thiên Chúa Cha tốt lành đang dành phần cho con cái./.



THỨ SÁU

 CỦA PHÙ VÂN MAU QUA CHÓNG HẾT.

(Mt 6,19-23)

Có lẽ ai trong chúng ta cũng mắc tật hay lo lắng, xin phân biệt : tính toán lo liệu khác với lo lắng! Nhưng khổ nỗi ai cũng hay lo lắng. Chẳng những thế mà có khi còn quá chú ý hoặc là hoàn toàn chú ý vào cuộc sống hiện tại mà quên đi có một cuộc sống vĩnh cửu Nước trời ở tương lai chính vì vậy mà Chúa căn dặn : “Đừng tích trữ của cải dưới đất, mà hãy tích luỹ của cải trên trời”. Chữ của cải ở đây hiểu trên cả phạm vi tinh thần và vật chất.

Vậy, tìm kiếm của cải hay ít ra có một cái gì đảm bảo cho cuộc sống là điều mà mọi người rất muốn. Khi chúng ta chi dùng tiền của cho gạo chợ nước sông, cho gia đình mà còn dành dụm được một ít thì thấy yên tâm hơn. Đó là tâm trạng của con người chúng ta muốn “ăn dắt để dành” và chúng ta an tâm nơi mà mình thu cất đó. Nhưng cũng như dụ ngôn người phú hộ khờ dại (lc 12,16tt). Biết bao kinh nghiệm đã nói cho chúng ta hay, những gì thu cất không hợp ý Chúa quan phòng đều đã bay xa trở thành hương khó cùng với tài sản của phú ông trên. Chúng ta ăn nghỉ trên của cải để rồi khi mất mát thì chưng hửng ra như bước vào vùng đất lở hết an nghỉ.

Là con cái Chúa, có lẽ chúng ta thuộc lòng “Đừng tích trữ cho mình kho tàng dưới đất, là nơi có mối mọt trộm cắp. Nhưng hãy tích luỹ của cải trên trời...” ; “Các ngươi hãy tìm của Nước trời trước hết” (Mt 6,33). Chúng ta đã nghe câu nói đó nhiều lần và chúng ta hiểu rõ ý nghĩa chứ? Nhưng rồi ta lại nhủ “Mình lo cho mình vẫn hơn”. Tự an ủi mình “Hãy tự giúp mình, rồi trời sẽ giúp cho”. Và rồi lại thu tích cất giấu. Và câu nói : “Hãy tự giúp mình, rồi mình sẽ giúp cả trời nữa”. Thế nhưng sự thật vẫn bẽ bàng như giấc mơ Hồ Điệp “Bừng con mắt dậy thấy mình tay không”. Có khi chúng ta cũng đã làm như vậy với cả của tinh thần nữa như danh vọng địa vị tiếng tăm. Chúng ta cố làm sao tạo cho nhiều địa vị lẫy lừng danh mình để được đề cao tôn trọng. Nhưng rồi trong nháy mắt, tất cả thành mây khói như đã có lần xảy ra.

Trước một sự thật như thế, có người cho rằng đời này phù vân quá. Và cho rằng nếu như Chúa sinh ra ở đời này mà chỉ dành cho đời sau thì cuộc sống này không cần thiết và cuộc sống bất công quá vì có người được cả hai đời, mà có người chẳng được gì. Nghĩ như vậy là lầm, lầm to nữa. Hãy nhớ rằng cuộc sống đời này và đời sau cũng là một. Chúa sinh ra ta đời này để làm rạng danh Chúa và cuộc sống vĩnh cửu cũng chỉ là để làm sáng danh Ngài. Khi nào chúng ta sống sai mục đích đó, chúng ta cảm thấy cuộc đời không còn ý nghĩa nữa. Và lúc đó chúng ta thu về mình, sống cho mình, hơn là cho Chúa.

Có ba yếu tố khiến chúng ta không được tích trữ của cải cho đời này : mối mọt, rỉ sét, và trộm cắp. Cả ba yêu tố cho thấy sự hư hại mất mát có thể đến từ mọi phía. Khó có gia sản nào lại không bị ba thứ đó quấy rầy. Cuộc đời đến từ mọi phía. Cuộc đời chúng ta không hoàn cảnh này thì hoàn cảnh khác, hay thiên tai làm hư hỏng của cải. Tất cả chúng ta thấy đời người thật là mong manh. Thánh vịnh 38 nói:

“Đứng ở đời, thật con người như hơi thở
Thấp thoáng trên đường tựa bóng câu

Công vất vả và ngược xuôi làn gió thoảng

Ki cóp mà chẳng hay ai sẽ hưởng dùng”

Đúng, vậy hãy coi chừng kẻo biết đâu những gì chúng ta đang thu góp hôm nay, ngày sau sẽ đứng lên tố cáo phán xét chúng ta đó! Chính vì vậy mà Chúa dạy chúng ta, “Hãy tìm của cải Nước trời trước hết”, hãy đặt của cải Nước trời trước, trong tay Thiên Chúa vào đó là nơi an toàn nhất. Thánh Phaolô cũng dạy “Anh em đừng chủ ý vào những gì mắt thấy được mà là những gì không thấy được. Những gì mắt thấy được là tạm bợ, còn những gì không thấy được là vĩnh cửu, là đời đời, là vô tận”.

Sau khi họ cho thấy giá trị thực. Chúa nói “Của đâu lòng đó”. Điều này dễ hiểu. Cũng như khi thích vật gì nhất, thường lòng ta hướng về đó. Hãy tự hỏi lòng chúng ta ở đâu...?./.



THỨ BẢY

CHỌN THIÊN CHÚA HAY TIỀN BẠC

(Mt 6,24-34)

Một lần nữa, Chúa cho chúng ta thấy giá trị của cải đích thực Nước trời. Tiền bạc theo thánh Luca là “Tên bất lương” (Lc 16,9-11). Chúa Giêsu gọi là Mammon, là một chủ xấu. Từ Mammon gặp thấy một lần duy nhất trong Kinh Thánh Cựu ước (Gs 31,8) và một lần trong Tân ước ( Mt 6,24; Lc 16,9.11.13). Chữ Mammon là từ Do thái , để ám chỉ về của cải và tài sản Mammon Chúa nói đây là tiền bạc và những lợi lộc trần thế bất chính. Trước một thực tại như vậy, Chúa đòi hỏi thái độ dứt khoát “Hoặc chúng ta tôn thờ Chúa, hoặc chúng ta tôn thờ tiền tài danh vọng”. Và Chúa cảnh cáo chúng ta “Ở đời này không ai làm tôi hai chủ”, không bắt cá hai tay được.

Trong quá khứ, chúng ta đã có những lần không biết ai là chủ của mình. Trong trường hợp đó, chúng ta khó mà làm vừa lòng hai người cùng một lúc. Cũng thế trong lĩnh vực siêu nhiên, nếu chúng ta muốn phục vụ Chúa thì chúng ta không thể vừa sống đẹp lòng Chúa lại vừa phục vụ riêng tư cho mình. Chúa cảnh cáo “Không ai làm tôi hai chủ”. Hoặc chọn Chúa, hoặc chọn tiền tài. Vậy chúng ta đã quyết định lựa chọn chưa.

Sở dĩ chúng ta chưa dám lựa chọn vì mình đứng núi này trông núi kia cao mà rồi ham mà rồi sợ. Mình sẽ không còn gì nữa. Nhưng chính lúc đó chúng ta chỉ còn có lo âu vật lộn với của cải vật chất. Chúa Giêsu thấu hiểu nỗi lo lắng. Cho nên Ngài khuyến cáo chúng ta đừng có đi hàng hai, vừa sống cho Chúa lại vừa sống cho mình, chân trong chân ngoài, chân co chân duỗi, ương ương dỡ dỡ. Chúa bảo đừng lo đò ăn uống, đừng vì thân thể mà lo đồ mặc. Sự sống dù sao cũng hơn đồ ăn. Thân thể dù sao cũng hơn áo mặc chứ.

Chúa không bao giơ để con cái Ngài đói khát, lạnh lẽo đến không áo mặc. Chính chúa đã dựng nên sự sống thân thể con người, há Chúa lại đem con bỏ chợ sao. Chúng ta tự lý luận theo Chúa lợi đâu chả thấy, chỉ thấy hại. Hay “Lợi thì có lợi nhưng răng chẳng còn”. Về phần Chúa thì Ngài nhất định nói “Hãy tìm kiếm Nước trời trước hết” đó, Chúa cho chúng ta thấy nếu chúng ta bằng lòng để Ngài giải quyết vấn đề siêu nhiên trước, thì tự nhiên các vấn đề sẽ được giải quyết theo.

Để đảm bảo hơn, Chúa bảo: “Hãy xem chim trời...”. Chữ xem ở đây có nghĩa là quan sát là nghiên cứu rồi rút ra bài học. Hãy nhìn bầy chim sẻ nhởn nhơ mọi ngày, thấy niềm vô tư của chúng mà bắt chước. Chúng ta còn quý giá hơn bầy chim nhiều. Linh ư vạn vật mà. Do đó chúng ta chắc chắn rằng Thiên Chúa không bỏ chúng ta. Chúa còn nói thêm giả như chúng ta có lo lắng cho mình đi nữa thì cũng chẳng làm cái gì. Một sợi tóc cũng chẳng làm đen ra trắng, từ ngắn ra dài. Chúa còn bảo hãy ngắm xem laòi hoa huệ...Ở Palestin có nhiều loại hoa huệ đỏ trắng... Người ta cũng dùng nó chưng ít giờ. Còn các bà nội trợ thì thường lấy đem phơi khô mà thôi...thân phận của loài hoa mong manh thế mà cũng có hoa đẹp.

Anh chị em chẳng cần nhìn đâu xa, hãy nhìn hoa súng hoa sen, hoa dâm bụt mà anh chị em chẳng mất công tưới bón trồng tỉa gì mà hoa cứ đẹp. Chúa còn nói kể cả Salômon cũng không bằng. Thế thì chúng ta là hình ảnh của Thiên Chúa lại không đáng giá trị hơn chúng sao.

Cho nên bài học hôm nay là Thiên Chúa quan phòng. Chúng ta có tin vào Thiên Chúa quan phòng, chúng ta mới đọc câu “Xin cho chúng con hôm nay lương thực hàng ngày dùng đủ”. Thiên Chúa quả quyết Ngài biết tất cả những gì họ cần và những gì sẽ xẩy ra với họ (Mt 6,25-34;10,28-31) Thánh Phaolô bảo “Chúa an bài mọi sự để làm ích cho họ”. Ngay cả những thử thách nặng nề nhất cũng không tách rời họ ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa (Rm 8,28:31-49). Chính sự quan phòng đã không miễn trừ cho Chúa Giêsu khỏi bị thử thách, và chính Ngài cảm thấy như bị Thiên Chúa Cha từ bỏ, nhưng Ngài vẫn cứ phó thác linh hồn.

Xin cho chúng ta được bước theo ý Chúa quan phòng.


LỄ SINH NHẬT THÁNH GIOAN TẨY GIẢ

(Is 49,1-6 ; Cv 12, 22-26 ; Lc 1, 57- 66,80)

Từ thế kỷ thứ IV, Giáo hội đã mừng lễ sinh nhật thánh Gioan Tẩy Giả. Đây là một lễ rất lâu đời xét về mặt thời gian. Nếu như câu hỏi mà những người đương thời để bụng suy nghĩ “con trẻ này rồi sẽ nên thế nào? ” Thì ngày nay người ta vẫn không ngừng đặt ra những câu hỏi, chẳng hạn như : Tại sao lại lấy ngày 24 tháng 6 ? Và lý do gì mà Giáo hội lại mừng lễ sinh nhật Thánh Gioan cách trọng thể như thế ?

Tại sao lại lấy ngày 24 tháng 6 ?

Lý do lấy ngày 24 tháng 6 thay vì ngày 25 tháng 6 là vì theo cách tính ngày xưa, tức là theo calends( ngày mùng 1), ides(ngày 15) và nones(ngày thứ chín). Dĩ nhiên, những niên hiệu này có một giá trị phụng vụ và biểu trưng hơn là một giá trị lịch sử. Chúng ta không biết chính xác ngày và năm Chúa Giêsu sinh ra, nên khi nào Gioan sinh ra chúng ta cũng không hay.

Dựa vào trang Tin Mừng, thánh Luca cho biết, khi loan báo sự sinh hạ của Chúa Kitô cho Đức Maria, thiên thần cho ngài biết bà Isave chị họ của ngài đang có thai trong tháng thứ sáu. Cho nên, Gioan Tẩy Giả phải được sinh ra sáu tháng trước Chúa Giêsu và như vậy bảng niên đại được tôn trọng cho đến ngày nay.

Giáo hội mừng lễ sinh nhật Thánh Gioan

Thánh Augustinô nói : “ Giáo hội có thói quen lấy ngày qua đời của các vị thánh để mừng kính, vì đó là ngày sinh nhật của các thánh trên Trời. Riêng thánh Gioan Baotixita được miễn trừ khỏi qui luật bình thường đó, vì ngài đã được thánh hiến ngày từ trong lòng mẹ trước khi sinh ra, nhờ sự hiện diện của Đức Giêsu Kitô trong lòng Đức Maria Trinh Nữ Rất Thánh khi thăm Bà Thánh Isave, từ đó Giáo hội tin rằng Gioan Tẩy Giả đã được thánh hoá trong dạ mẹ nhờ sự hiện diện của Chúa Kitô. Đó là lý do Giáo hội cử hành lễ sinh nhật của ngài ”.

Hội Thánh coi sinh nhật của thánh Gio-an như một ngày thiêng thánh. Không có vị nào trong các bậc cha ông được chúng ta mừng sinh nhật trọng thể như thế. Chúng ta mừng sinh nhật thánh Gio-an và mừng sinh nhật Đức Ki-tô : đó là điều không thể bỏ qua.

Thánh Gio-an sinh ra bởi một cụ bà son sẻ, còn Đức Ki-tô sinh ra bởi một thiếu nữ đồng trinh. Vì không tin Gio-an sẽ chào đời, nên người cha đã hoá câm ; vì tin Đức Ki-tô sẽ chào đời, nên Đức Ma-ri-a đã thụ thai bởi lòng tin. Vậy Gio-an xuất hiện như ranh giới giữa hai giao ước, Cựu Ước và Tân Ước. Chính Chúa Giêsu chứng thực: Cho đến thời ông Gio-an thì có luật và các ngôn sứ. Vì là đại diện cho thời đại cũ, ông đã được sinh ra bởi hai ông bà già ; vì là đại diện cho thời đại mới, ông đã được gọi là ngôn sứ ngay từ trong lòng mẹ.

Ông Da-ca-ri-a bị câm, hay im lặng của ông Da-ca-ri-a có nghĩa gì nếu không phải là lời ngôn sứ tạm ngưng, và đóng lại cho tới khi Đức Ki-tô đến rao giảng ? Khi ông Gio-an đến thì lời ngôn sứ được mở ra và khi Đấng được tiên báo đến thì lời ngôn sứ trở nên rõ ràng. Lưỡi được mở vì tiếng ra đời. Khi ông Gio-an tiên báo về Chúa thì người ta hỏi ông rằng : Ông là ai ? Và ông trả lời : Tôi là tiếng, còn Chúa, ngay từ nguyên thuỷ đã là Lời. Ông Gio-an là tiếng trong thời gian, còn Đức Ki-tô, ngay từ khởi đầu, đã là Lời vĩnh cửu.

Lời mời gọi bảo vệ sự sống các thai nhi

Theo Kinh Thánh, con người là kẻ được Thiên Chúa nhận biết, gọi tên; và Thiên Chúa biết chắc chúng ta từ khi còn trong lòng mẹ. Mắt Ngài thấy chúng ta : “Con mới là bao thai, mắt Ngài đã thấy ” (Tv 138,16).

Chúng ta có một ý niệm rất hẹp hòi và có tính pháp lý về con người, gây nhiều hoang mang trong sự bàn cãi về nạn phá thai. Xem ra một đứa bé chỉ được sở hữu phẩm giá con người khi nó được các thẩm quyền con người thừa nhận.

Khoa học nói với chúng ta rằng trong phôi thai, toàn diện hữu thể nhân bản đang thành hình, được phản chiếu trong mỗi chi tiết rất nhỏ; đàng khác, đức tin chúng ta thêm rằng, điều chúng ta có không phải là công trình vô danh của tạo vật, nhưng một công trình tình yêu của đấng Sáng tạo. Sứ vụ của Gioan Tẩy Giả hoàn toàn được phác họa trước lúc sinh ra: “Hài nhi hỡi, con sẽ mang tước hiệu là ngôn sứ của Đấng Tối Cao, con sẽ đi trước Chúa mở lối cho Người” (Lc 1, 76).

Vấn đề nghiêm trọng ngày nay là hàng triệu trẻ em chết vì phá thai mà không được rửa tội. Chúng ta phải nói gì về chúng? Chúng có được thánh hoá cách nào đó trong bụng mẹ chúng không? Chúng có được cứu rỗi không?

Câu trả lời không do dự: Chắc chắn chúng được cứu rỗi. Thiên Chúa có thể cứu rỗi bằng những phương tiện bất thường, khi con người, không do lỗi mình, không được lãnh bí tích rửa tội. Chúa làm như vậy đối với các thánh Anh Hài, những em bé đã chết không được rửa tội.

Giáo hội đã luôn luôn công nhận khả năng của một phép rửa tội bằng ý muốn và một phép rửa tội bằng máu, và nhiều em bé chắc chắn đã biết một phép rửa tội bằng máu, dầu thuộc về một bản tính khác.

Khi làm sáng tỏ vấn đề trên sẽ mang lại một sự thoải mái cho những kẻ tin, những kẻ mất bình thản trước số phận khủng khiếp của rất nhiều em bé trong thế giới ngày nay.

Xin Chúa cho tất cả những người cha và bà mẹ, như bà Isave và ông Giacaria, đang chờ đợi hay kinh nghiệm sự sinh con, có được niềm vui và hớn hở trong đứa con Chúa đã trao ban, và niềm vui sinh con, vì sự sống đã bừng lên nơi con cái. Xin cho mọi người tôn trọng các thai nhi ngay từ trong lòng mẹ. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ



Mới hơn Cũ hơn