Suy niệm mỗi ngày Tuần IX Thường niên



THỨ HAI

ĐẤNG CỨU THẾ ĐAU KHỔ

(Mc 12,1-12)


Kinh Thánh Cựu ước đã từng ví von dân Do thái là một vườn nho Chúa chọn (Is 5,1), bón tỉa, Ngài đã làm hết mức cho vườn nho của Ngài. Nhưng thay vì sinh hoa trái công chính như Ngài hằng mong ước, lại sinh ra những trái nho chua chát và Ngài sắp trao cho người khác chặt phá đi (Is 5,1-7). Tiên tri Giêrêmia còn nói Israel là cây nho được tuyển chọn, nhưng trở nên thái hoá và cằn cỗi (2,21;8,13), nên bị nhổ đi (Giê 5,10.12,10).

Trong Tân ước, vườn nho ám chỉ những đặc ân Thiên Chúa dành cho Israel. Nhưng họ không biết hưởng dùng nên Kinh Thánh nói “Nước Thiên Chúa sẽ cất khỏi các ông và đem trao cho dân khác phát sinh hoa quả” (Mt 21,43). Và đó là ý nghĩa của dụ ngôn hôm nay. Dụ ngôn có những diễn tiến như sau:

Lần đầu tiên ông chủ gửi đầy tớ đến xem xét thu hoa lợi, thì người đầy tớ đó lại bị đánh đuổi về tay không. Lần thứ hai, người được sai đến lại bị đánh đuổi và bị sỉ nhục và cũng ra về tay không. Cuối cùng, khi con trai ông chủ tới, thì bị túm cổ rồi đem giết đi và đem vứt ngoài đường. Cứ bình thường mà nói một người cha nào làm như vậy thì rất dại dột. Nhưng ở đây Chúa muốn minh chứng một chân lý, tình thương xót nhận nại của Chúa bao la tới cùng. Nhưng tội ác của con người càng lúc càng gia tăng. Một đàng là tình thương ngút ngàn, một đàng là tội lỗi đầy tràn. Thiên Chúa chỉ ra án phạt khi tội nhân quyết tâm từ chối tình yêu đó.

Sau nhưng diễn tiến Chúa ám chỉ về Ngài bằng hình ảnh viên đá bị thợ loại bỏ nhưng lại trở thành đã góc tường hữu dụng. Viên đã góc là hình ảnh lấy từ Thánh vịnh 118,22 mà dân Do thái hát lên khi viếng Đền Thánh Sion. Theo nghĩa bóng, viên đã góc tường chỉ về chính Đấng Cứu Thế, có thể hiểu được 4 cách:

1. Đá đây chỉ về góc căn nhà mà nhờ đó toàn thể ngôi nhà đứng vững (Ep 2,30).

2. Chỉ chính góc nhà hay chính viên đã góc tường hiện ra bên ngoài để nâng đỡ hai góc tường.

3. Đôi khi ám chỉ mốc ngôi nhà từ xa trông thấy được.

4. Theo Isaia 8,11. Chúa Kitô được gọi là viên đã góc tường làm người ta vấp phạn đúng như lời Tiên tri Simêon nói trong Đền thờ (Lc 2,34)

Thật ra cả 4 ý nghĩa đều ám chỉ về Đấng Cứu Thế .

Ý nghĩa chung của dụ ngôn này là dân Do thái bị loại ra khỏi Nước Chúa, còn dân ngoại được mời vào. Dụ ngôn này cũng nói lên lịch sử của dan Do thái mà Thiên Chúa từng can thiệp vào mỗi khi Ngài gửi các Tiên tri như lời Ngài đã nói “Xưa kia nhiều phen nhiều cách,Thiên Chúa đã dùng các Tiên tri mà phán tổ phụ và ngày sau hết, Ngài đã phán dạy qua Người con...” (Dt 1,1).

Dụ ngôn này cũng trình bày Đấng Cứu Thế :

Là con duy nhất của Thiên Chúa, cao vượt hơn mọi tiên tri.

Quyền lợi Chúa Cha và Chúa Con ngang nhau.

Việc Chúa chịu chết là việc tình nguyện vì Thiên Chúa yêu thương.

Như vậy, đặc biệt dụ ngôn trình bày vai trò đau khổ của Đấng Cứu Thế. nhưng là cái đau khổ sinh ơn cứu độ. Đó là lý do nhẫn nại của Thiên Chúa. Adong đã từ chối Chúa goi mình, nên đã đánh mất Địa đàng. Nhưng đồng thời lại được hứa ban Đấng Cứu Thế. Lỗi phạm nhờ có ân sủng biến thành hồng phúc. Đại hồng thuỷ đưa đến giao ước của Nôe. Babel sụp đổ đưa đến lòng tin của anh em ông.

Như vậy, Thiên Chúa có chương trình của Ngài (Is 55, 8) mà chúng ta không thể hiểu được gì. Cũng như xưa người ta không hiểu cái chết của Ngôi Hai để làm gì, thì nay chúng ta mới hiểu cái chết đó đem ơn cứu rỗi và sự sống cho mọi người. Đó là ý nghĩa của viên đá bị loại bỏ nhưng đượcThiên Chúa dự liệu cho một mùa xuân hoa trái mới. Hầm rượu đầy chan chứa. Tất cả là ơn thánh./.



THỨ BA

BỔN PHẬN LÀM CÔNG DÂN NƯỚC TRỜI.

(Mc 12, 13- 17)


Sau khi Chúa tỏ uy quyền làm cho kẻ mù được thấy, kẻ chết sống lại, thì những người biệt phái càng khó chịu, ganh tỵ, hiềm thù. Nhất là sau khi Chúa nói đến dụ ngôn cây vả (Mc 11,11- 14), dụ ngôn những người làm vườn nho hung ác (Mc 12, 1-12) thì họ tìm cách để bắt bẻ Chúa.

Bài Phúc âm hôm nay là câu hỏi thứ nhất hỏi rằng “Có được nộp thuế cho vua Cêsar không?” (c, 14) đây là một câu hỏi đầy hóc búa tinh khôn chắt lọc gài bẫy Chúa, dù Chúa có trả lời được hay không, đều bị kết án.

Nếu như Chúa trả lời “Phải nộp thuế” thì sẽ ra sao? Chúng ta biết lúc ấy nước Do Thái đang bị đế quốc Rôma cai trị. Đứng đầu một đế quốc rộng lớn là vua Cêsar lúc ấy đầy quyền danh vọng. Vậy Chúa bảo phải nộp thuế cho vị vua xứ ngoại lương dân này, thì tất nhiên họ sẽ khép tội Chúa là người phản quốc. Về phía dân thì từ lâu họ mong đợi một vị cứu tinh giải thoát họ khỏi ách nô lệ mà nay họ đang tin vào Chúa, thì nếu bảo phải nộp thuế thì chắc họ sẽ hết tin vào Chúa nữa.

Còn nếu như Chúa trả lời: “Không được nộp thuế” thì Ngài sẽ bị người Rôma bắt vì đó là tội gây rối loạn, là xúi dân chống Cêsar. Đứng trước thế nguy hiểm đó, Chúa Giêsu biết ngay và Chúa hỏi: “Sao các ngươi đánh bẫy Ta” (c,15) Rồi Chúa bảo họ đưa cho Ngài coi đồng tiền họ đang tiêu dùng. (c, 15), soi lên Chúa thấy đó là đồng tiền của Cêsar, đồng tiền đang lưu hành là của vua Cêsar. Cêsar cung cấp tiền của cho xứ sở này. Hình ảnh ghi trên đồng tiền đang dùng là dấu họ thuộc quyền của ông. Quyền lợi tương ứng với bổn phận. Dù sao thì lúc ấy họ cũng đang hưởng nhờ vua Cêsar từ đường xá, nhà thương, trường học, đến đời sống vật chất kinh tế, an ninh,..... lúc ây đều nhờ vào người Rôma cai trị. Cho nên việc thuế khoá hay những dịch vụ chung theo luật Rôma phải làm là đương nhiên. Quyền lợi đi đôi với nhiệm vụ là thế.

Thế đó là một câu hỏi được trả lời. Thật ra ai trong chúng ta cũng hỏi nhiều hơn. Trước Chúa cũng đã có nhiều câu hỏi : chẳng hạn Thánh vịnh có nhiều câu hỏi tại sao hiền nhân lại gặp gian truân thử thách. Thánh Gióp hằng hỏi như thế. Ông muốn nổi loạn khi ông gặp đau khổ quá. Nhưng rồi ông cũng chẳng hiểu và chẳng tìm ra câu trả lời. Ông đành chịu trận. Các môn đệ cũng đã hỏi Chúa Giêsu nhiều lần. Đức Maria cũng hỏi “Điều đó làm sao được” (Lc 1,34). Tất cả câu hỏi chân thành trong đức tin đều được Chúa trả lời cách này hay cách khác. Cuộc đời chúng ta cũng có thể có những câu hỏi vì lòng thành, lòng tin. Nhưng cũng có thể có những câu hỏi thử thách Chúa. Trong hoang địa, Chúa đã trả lời: “Ngươi chớ thử thách Thiên Chúa là Chúa của nguơi” (Lc 4, 12).

Sau khi trả lời xong của “Cêsar trả cho Cêsar” (c,16). Chúa Giêsu đi xa hơn “Của Thiên Chúa trả cho Thiên Chúa” (c, 17). Ở đây, Chúa Giêsu phân biệt rõ hai bổn phận. Bổn phận làm công dân của một Nước và bổn phận làm công dân của Nước trời. Chúng ta được tạo dựng nên giống hình ảnh Chúa. Chúng ta được giá máu châu báu Chúa Kitô cứu chuộc. Chúng ta được Thiên Chúa quan phòng ban cho một đời sống tương đối đầy đủ mà có thể trông xuống còn hơn nhiều người. Nếu như hôm nay chúng ta nhận ra cái gánh hồng ân đó thì hãy như bổn phận đối với Ngài là “làm vinh danh Ngài”. Chúng ta có đôi vai, một vai gánh bổn phận trần gian, một vai gánh ách nhẹ nhàng của Chúa. Chúng ta có đôi mắt để thấy qua thực tại tự nhiên mà thấu được lời Chúa và đời sống vĩnh cửu. Chúng ta có đôi chân: một chân dính vào đất, một chân nhấc lên trời. Chúng ta có đôi tay, đang xây dựng và xây dựng sự nghiệp nước trời. Hãy tìm nước trời trước đã.


THỨ TƯ

HÔN NHÂN NƠI VĨNH CỬU

(Mc12, 18- 27)

Bài Tin mừng hôm nay là vấn nạn thứ hai mà người Biệt phái đặt ra hầu bắt bẻ Chúa : đó là vấn đề sự sống lại trên trời mai sau. Người đặt ra câu hỏi hôm nay thuộc nhóm Sađốc. Nhóm này khác hẳn nhóm Biệt phái. Họ nhận có Ngũ Kinh của Maisen, coi nhẹ tục truyền và không tin vào sự sống lại. Do đó họ đưa luật Lêvi ra để chất vấn Chúa (cf. Dnl 23,5). Họ phịa ra một câu chuyện giả tưởng là một thiếu phụ có bảy đời chồng. Vậy thì sau khi chết mà sống lại, thì thiếu phụ kia là vợ của ai trong 7 người đó. Câu chuuyện có vẻ mỉa mai khôi hài cho sự sống lại ngày sau.

Chúa trả lời ra sao? Chúng ta biết là trước khi có câu chuyện hôm nay thì Chúa Giêsu đã rào đón bằng những phép lạ làm cho kẻ chết sống lại: con gái ông Giarô (Mc 5, 212-42) con trai goá phụ thành Naim (Lc 7,11- 17), Lazarô bạn Ngài (Ga 11). Kèm sau đó là phép lạ phục sinh của chính Ngài mà Ngài đã tiên báo 3 lần trước rồi (Mc 8,31). Theo Matthêo, dấu chỉ của đền thờ: ‘Cứ huỷ đền thờ, trong 3 ngày Ta sẽ xây lại.” (Mt 26,62), thánh Ga an cắt nghĩa ngay “Nhưng Người nói về đền thờ là thân thể của Người” (Ga 2,19). Cho nên Chúa có lý khi Ngài nói “Ta là sự sống lại và là sự sống. Ai tin Ta dù có chết cũng sẽ được sống lại” (Ga 6,40).

Trong cuộc tranh luận với nhóm Sađốc, Chúa Giêsu cho chúng ta thấy một chân lý chắc chắn là kẻ chết sống lại. Điều này nhóm Biệt phái cũng vẫn tin. Nhưng Chúa cho biết thêm là đời sống mới ấy khác hẳn đời sống hiện tại nơi dương thế. Chẳng hạn Chúa nói “Khi sống lại từ cõi chết, người ta sẽ không còn dựng vợ gả chồng nữa, mà sống như các thiên Thần trên trời” (c, 25).

Thật ra ngay trong Cựu ước, Maisen đã thoáng thấy chân lý sống lại này qua câu ông nói “Thiên Chúa Abraham, Isaac, Jacob.. Ngài không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên chúa của kẻ sống” (Xac 3,6). Vậy thì Abraham, Isaac, Jacob mà Ngài hiện còn đang là Thiên Chúa của họ. Nơi Chúa, quá khứ, hiện tại, tương lai chỉ là một. Ngài tạo dựng nên thời gian nhưng ở ngoài thời gian. Đối với chúng ta, thời gian sống hôm nay định đoạt vĩnh cửu.

Vậy coi vĩnh cửu này ra sao? Kinh Thánh cho thấy 3 ý này:

1. Khi con người sống lại thì hôn nhân sẽ không còn lý do tồn tại nữa. Sở dĩ hôn nhân trần gian cần vì lý do lưu tuyền nòi giống. Còn trên Trời mục đích ấy không còn nữa. Các thánh sẽ không chết nữa, và Thiên Chúa sẽ đền đáp mọi mong muốn khao khát của các bậc thánh nhân.

2. Trên Thên đàng, lứa đôi sẽ không còn tồn tại như trong những tương giao trần thế. Vậy thử hỏi tình yêu phu phụ có còn tồn tại trên thiên đàng chăng? Thưa còn, còn là cái chắc. Kinh Thánh đã mô tả thế giới vĩnh cửu bằng hình ảnh của phòng tiệc cưới. Sách Khải huyền nói là một tiệc cưới chiên con...Nhưng có là một kiểu nói, còn dây hôn nhan vẫn còn ở chỗ là tình yêu vẫn còn. Ở trên trời, đức tin, đức cậy sẽ hết, nhưng chỉ còn lại đức ái (1Cr 13,13). Vậy thì nếu như mai sau này dây hôn nhân bị đứt ba vì kẻ âm người dương, kẻ hoả ngục người Thiên đàng thì nhớ là không thể đổ lỗi cho Chúa làm tách biệt đâu. Nhưng vì chúng ta biết bác ái, thiếu tình yêu chân chính mà thôi.

3. Trên Thiên đàng, hôn nhân nhân loại sẽ lu mờ đi trước hôn phối của Chúa Giêsu và Giáo hội. lúc ấy mới là cuộc hôn nhân tuyệt tác mà tất cả những cuộc hôn phối ở trần gian này mới chỉ là hình bóng chuẩn bị cho ngày đó mà thôi. Sách Khải huyền hé mở cho thấy “Một cảnh trời mới đất mới”; “Một Giêrusalem mới” (21,1). Thánh Phao lô bảo hạnh phúc Nước trời chúng ta chưa từng nghĩ tới bao giờ (1Cr 2,9).


THỨ NĂM

GIỚI RĂN TRỌNG NHẤT

(Mc 12,28-36)


Cuộc tranh luận về giáo lý giữa nhóm Biệt phái và Chúa Giêsu trở nên quyết liệt hơn, khi họ nói xem điều răn nào trọng nhất. Họ hỏi như thế để xem Chúa thuộc về phái nào. Chúng ta biết là thời Chúa Giêsu, đã có nhiều khoản luật ra đời. Có những nhóm quan trọng hoá mọi thứ luật, bất cứ luật của Chúa hay luật của mình đặt ra. Có nhóm chỉ tôn trọng một số luật nào đó. Vì thế, muốn thử xem Chúa quan niệm thế nào. Ngoài ra, rất có thể họ muốn thử xem sự hiểu biết của Chúa về Kinh Thánh như thế nào, Chúa có biết về lề luật không hay cũng đại khái vậy thôi.

Chúng ta biết thời đó đã có 613 giới luật, theo truyền thống hội đường, chia ra 365 điều cấm và 248 điều phải làm. Những luật này trước đây đã có một số từ thời các vua, các tiên tri (Tv 15,2-5; Is 6,33,15; Mk 3,6-8; Am 4). Những luật này cứ đặt thêm mãi ra mà cuối cùng Chúa Giêsu gọi là gáng nặg (Mt 11,28t). Từ 10 điều răn ra tới 613 điều nữa. Và để trả lời, Chúa Giêsu đã trưng ngay chính Kinh Thánh Cựu ước : “Điều răn quan trọng nhất là mến Chúa yêu người” (Dnl 6,49.11,13.21; Lv 19,18). Khi ấy Chúa nói trúng tim như thế, từ đó họ không còn hỏi Chúa điều gì về giáo lý nữa.

Đúng như vậy, nếu chúng ta muốn dùng một chữ thôi để mô tả đạo Chúa qua Kinh Thánh, thì không chữ nào thích hợp hơn là chữ “Yêu”. Kinh Thánh chỉ cho chúng ta thấy Tình yêu tuyệt hảo của Thiên Chúa. Cũng chỉ vì Tình yêu ấy mà Ngài đã tạo dựng nên con người và quyết tâm cứu rỗi con người, giải thoát họ khỏi nô lệ tội lỗi và đem con người về hưởng tình yêu vĩnh cửu đời sau. Chỉ vì tình yêu mà Ngôi Hai Thiên Chúa lặn lội xuống trần gian tăm tối này. Và rồi cũng chỉ vì tình yêu mà chúng ta mới được Ngài đưa về cõi nguồn tình yêu. Trước khi về trời, chúng ta phải thật sự sống trong tình yêu ấy đã. Đó là “Mến Chúa và yêu người”. Tình yêu ấy phải khởi nguồn từ Thiên Chúa tràn đến anh em và trở lại nguồn là Thiên Chúa.

Bất cứ tình yêu nào không đi vào chiều hướng đó, là tình yêu giả hình vụ lợi không thực. Cho nên điều đáng lo nhất là không gì khác hơn là không muốn sống, không thực thi giới luật yêu thương, yêu Chúa, yêu người. Thiên Chúa dễ thương lắm! Ngài mặc khải tên Ngài, bản tính Ngài là tình yêu. Ngài nhận mình là người mẹ, là đầy tớ phục vụ, là chủ chiên chết đi cho bầy chiên sống... Và giờ đây, Ngài đòi hỏi tình yêu đáp đền tình yêu. Tình yêu đối với Chúa phải là tình yêu chân thật, bất vụ lợi. Tình yêu trọn vẹn và tình yêu chung thuỷ.

Khi tạo dựng nên con người, Thiên Chúa đã để một dấu vết của Ngài trong con tim mỗi người là tình yêu. Ngài cho con người “Linh ư vạn vật” qua trí khôn, ý chí, tình cảm... là để yêu, yêu mòn mỏi những gì là chân thiện mỹ. Thiên Chúa là nguồn tạo dựng nên những thứ đó, chúng ta có yêu được không?

Để kiểm chứng cho Tình yêu Thiên Chúa, có tình yêu tha nhân là anh em mình. Anh em đây là tất cả mọi người không trừ ai như dụ ngôn người Samaria đã định nghĩa thế nào là tình yêu anh em (Lc 10,29). Yêu nhau, yêu cả đường đi lối về. Thiên Chúa đã yêu thương đến chết vì yêu. Chết để bảo vệ tình yêu. Không lẽ chúng ta đòi quay ra khỏi vòng tình yêu đó sao? Chúng ta sinh ra ở đời không ai là một hòn đảo đâu. Chúng ta sinh ra có làng trên xóm dưới, có gia đình cha mẹ bà con. Nếu những thứ đó mà chúng ta ghét bỏ, thì chúng ta chưa yêu thật Tình yêu của Thiên Chúa đâu. Chúng ta hãy lấy một điểm tích cực của tình yêu để nói chuyện với nhau đây: Yêu thương là nâng đỡ nhau .

Chúng ta hãy nghĩ đến Chúa Giêsu là thân phận con người, dù được siêu thoát nơi Ngôi Hai Thiên Chúa, nhưng vẫn là thân phận cần yêu và được yêu. Phương chi thân phận dòn ải của chúng ta nơi dương thế đầy yếu đuối. Chính cái yếu đuối đó đòi hỏi sự nâng đỡ của người khác. Trước hết là gia đình mình. Ai ai cũng cần sự nâng đỡ: Nâng đỡ nhau khi vui lúc buồn, lúc khoẻ, lúc yếu, lúc thành công khi thất bại. Trước những thành công của người khác, liệu chúng ta có biết tạ ơn Thiên Chúa cùng với họ, hay chúng ta để cho lòng ghen tương thổi phồng lên làm đổ hết niềm vui của người khác. Rồi khi người khác thất bại, chúng ta đạp họ tới bùn cho bèo hết nước. “Biết bao nhiêu tâm hồn cao thượng đã ngã quỵ dưới sức nặng đau phiền vì thiếu nâng đỡ. Bao nhiêu chương trình tốt đẹp cho vinh danh Thiên Chúa không hề được thực hiện chỉ vì thiếu một nụ cười khích lệ” (Faber). Yêu nhau là lá lành đùm lá rách!.


THỨ SÁU

LÀ CON VÀ CHÚA CỦA ĐAVÍT

(Mc 12,35-37)

Chúa Giêsu muốn dùng thánh vịnh 110 để minh chứng nguồn gốc nhân loại của Ngài đã từng được Kinh Thánh loan báo trước. Thánh vịnh này loan báo rằng có một Đấng Cứu Thế sẽ đến bởi dòng tộc Đavít. Nhưng qua niệm Do thái lại nghĩ rằng nếu một người cha sinh ra con, mà lại gọi con mình là Chúa thì không được. Như vậy là lục đục, cá đối bằng đầu, đâu có ổn! Nhưng Thiên Chúa thường thấy ở đời khi gia đình có người con ở địa vị nào trong xã hội, thì cha mẹ bà con vẫn gọi bằng địa vị đó chứ.

Cái khó đối với người Do thái và Biệt phái là họ chưa chấp nhận Chúa Giêsu là một vị Thiên Chúa nhập thể có hai bản tính. Dưới bản tính loài người, Chúa thuộc dòng họ Đavít. Chúng ta có thể tìm về hai bản gia phả của Matthêu (1,1-17), Luca (3,23-38) đều xác nhận thánh Giuse thuộc về dòng họ Vua Đavít. Người Do thái theo chế độ phụ hệ, xét về ngành của Đức Maria, Ngài thuộc về dòng tộc Đavít.

Các Tiên tri cũng đều loan báo trước Đấng Cứu Thế đến bởi dòng tộc Đavít.

“Từ gốc Giêsê sẽ nảy lộc nảy mầm, từ rễ sẽ nở hoa mà trên đó là Thần linh Thiên Chúa, là Thần khôn ngoan duệ trí, mưu lược can trường” (Is 11.1-3)

“Này sẽ đến ngày Ta sẽ làm chỗi dậy cho Đavít chồi lộc đức hậu. Ngài sẽ là vua trị vì khôn ngoan, công minh chính trực” (Gr 23,5).

“Trong ngày ấy, Ta sẽ dựng lại lều cho Đavít, Ta sẽ bít lại chỗ tường sụp dổ, trùng Tân ước lại cảnh điêu tàn” (Am 9,11).

Chúng ta biết Vua Đavít là vị vua rất nổi tiếng mà dân Do thái kính phục và hạnh diện, Vua Đavít là Vua đại lượng đã không chinh phạt Saolê dù ông có thể (1Sm 24,26). Ong hoàn toàn vâng thánh ý Thiên Chúa (2Sm 15,25). Ông viết các thánh vịnh. Là một nhạc sĩ, võ sư nữa, là kiến trúc vẽ đồ án Đền thánh (2Sm 22,28). Dĩ nhiên đời ông có một số lầm lỗi. Nhưng nhìn chung ông là bậc vua sáng giá. Người Do thái quan niệm rằng làm vua theo dòng họ Đavít là cao trọng nhất. Cho nên nói rằng Đấng Cứu Thế xuất thân từ nhà Đavít, là chấp nhận giá trị cao nhất của Ngài. Hơn thế nữa Ngài còn là Chúa của Đavít.

Kinh Thánh đã nhiều lần minh chứng và gọi Chúa Giêsu là con vua Đavít (Mt 1,1). Phía dân chúng đã từng xưng tụng Chúa là con vua Đavít trong ngày lễ lá, Chúa vào Đền thánh (Mt21,9). Marcô ghi lại “Vạn tuế Đấng nhân danh Thiên Chúa mà đến! Hạnh phúc thay nước Đavít sẽ đến” (11,9). Thánh Gioan ghi lại rằng các thầy Biệt phái được hỏi ý kiến đã trả lời “Đức Kitô thuộc dòng tộc Đavít và đến từ Bêlem là quê của Đavít” (Ga 7,12). Người mù thành Giêricô cũng đã kêu lên “Lạy Con Vua Đavít, xin thương xót tôi” (Mc10,48).

Đức Kitô được gọi là con vua Đavít (Mt 1,1). Ngài không bao giờ từ chối tước hiệu này, nhưng tước hiệu đó không diễn tả dù mầu nhiệm về chính Ngài. Vì thế, để kiện toàn những lời đã hứa với Đavít, Chúa Giêsu tuyên bố mình còn lớn hơn Đavít. Ngài là Chúa của Đavít (Mt 22,42-45). Đavít chỉ là một chủ chiên của dân Chúa (Ez 34,23t). Nhưng Chúa Giêsu mới là chủ chiên thật, hiền lành thí mạng sống cho cả Đavít nữa. Chúng ta sẽ thấy Đấng là con Vua Đavít trở lại ngày phán xét (Xh 22,16).



THỨ BẢY

HAI ĐỒNG XU NHỎ

(Mc 12,38-44)


Phần thứ hai của đoạn Tin mừng hôm nay là lời Chúa ca tụng bà goá kia bỏ hai đồng xu vào đền thờ Giêrusalem. Chúa thấy việc đó và chỉ cho các môn đệ cùng thấy. Không phải là thấy hai đồng xu rơi vào thùng tiền, nhưng là thấy tấm lòng quí giá trước mặt Thiên Chúa và nhân loại. Bà không nhiều tiền, nhưng nhiều tình yêu độ lượng. Bà tuy nghèo tiền nhưng giàu lòng bác ái.

Thường thì những người giàu có thường bỏ những đồng tiền cắc bằng đồng kêu lẻng xẻng. Nhưng Chúa đã không ca tụng họ, vì họ cho là cho của dư thừa, hay đem cho của người khác chứ không phải cho của mình. Còn đây, bà goá này dâng cả tài sản nhỏ bé, nhưng là của mồ hôi nước mắt của riêng bà. Bà đem dâng tất cả để đặt mình dưới sự quan phòng của Thiên Chúa. Điều này cho thấy bà đặt tất cả niềm hy vọng vào Chúa : cơm ăn, áo mặc, cuộc sống hôm nay cũng như ngày mai. Bà biết rằng Thiên Chúa có dư khả năng để lo lắng cho đời bà, vì chính đời goá bụa của bà đã là một chứng tích đó. Bà dâng của và dâng cả tấm lòng.

Cách cho quí hơn của cho. Của cho kèm theo tấm lòng là của cho quí hoá nhất. Ở đây không những bà dâng cho đền thờ mà còn cho chính Thiên Chúa. Bà đâu có ngờ chính lúc bà bỏ tiền vào đó, lại là chính lúc Chúa Giêsu và các môn đệ đều biết và thấy rõ. Chúa biết bà nghèo và cô đơn, nhưng bà giàu lòng thương. Bà biết chia sẻ ngay cả phần túng thiếu của mình. Bà thương người và được Chúa thương lại.

Nhân câu chuyện này, chúng ta học hỏi về sự giúp dỡ, về sự bố thí chân thực. Nói đến làm phúc bố thí, chúng ta có những kiểu sau đây:

Có người giúp đỡ người khác chỉ được coi là bổn phận công bằng mà cứ tưởng mình rộng lòng bác ái như trường hợp giúp đỡ bà con thân thuộc.

Có người giúp đỡ người khác chỉ để thoả mãn cho mình, cho đi để được nhẹ gánh. Như trường hợp có người cho kẹo trẻ con, có thể không phải vì yêu thương chúng đâu mà để mua vui cho mình khi xem những bộ mặt gây thơ về kẹo. Đó là thứ ích kỷ tâm lý.

Có người giúp đỡ người khác chỉ để được khen lao biết đến. Trường hợp này lý do giúp đỡ làm phúc không còn là tình yêu nữa. Nhưng là tự cao để tìm vinh danh cho mình.

Cho nên làm phúc bố thí cũng có những luật lệ mà Tin mừng đề ra:

1.Trước hết, Tin mừng nói làm phúc bố thí là một cách biểu lộ lòng tin (Lc 7,5). Chúa Giêsu đã coi chay tịnh, làm phúc bố thí, cầu nguyện là một trong ba cột trụ của đời sống tín hữu (Mt 6,1-18).

2. Chúa Giêsu đòi hỏi phải làm phúc với tinh thần vô vị lợi, không chút khoe khoang (Mt 6,1-4), không mong đền đáp điều gì (Lc 6,35), không tính toán (Lc 6,30). Giakêu đã làm như thế (Lc 19,8)

3. Không được làm ngơ trước bất cứ một lời kêu xin nào (Mt 5,42), vì kẻ nghèo hằng có ở bên chúng ta luôn (Mt 26,11t). Thánh Phaolô: “Nếu không còn vật chất để cho, thì vẫn còn bổn phận thông ban ân hụê của Đức Kitô” (Cv 2,44.3,6).

4. Làm phúc phải có tình yêu. Chúng ta giúp đỡ ai là thực sự yêu thương người đó, vì người đó thực sự cần chúng ta giúp đỡ. Chúng ta cho người khác vì tình yêu thúc đẩy. Ngoài động cơ tình yêu ra, thì mọi hình thức giúp đỡ hay dâng hiến sẽ mất hết ý nghĩa. Thiên Chúa là tình yêu. Ngài giúp đỡ chúng ta vì tình yêu. Chúng ta không có quyền sống ích kỷ nữa đâu.

5. Phải làm phúc với tấm lòng vui vẻ, “Thiên Chúa yêu thương kẻ biết cho với lòng vui vẻ” (2Cr 9,6t).

6. Cho một trong anh em hèn mọn là cho chính Chúa (Mt 25,31).

7. Đấu Chúa đong lại là đấu vun tràn đã dằn đã lắc (Lc 6,38).
Mới hơn Cũ hơn