Suy niệm mỗi ngày Tuần 13 Thường niên, năm lẻ





TUẦN XIII

THỨ HAI

St 18,16-33; Mt 8,18-22

Một người công chính có thể đóng góp gì vào sự an ủi của thế giới? Hai bài Lời Chúa hôm nay đã trả lời câu hỏi này.

Ông Abraham là người đã tin vô điều kiện vào Thiên Chúa (Kn 12). Do đó, Thiên Chúa đã coi ông như người bạn thân, Người ký thác cho ông hết tất cả những mối bận tâm của Người. Hôm nay, ta nhận biết: Người là một vị Thiên Chúa thánh thiện, không chấp nhận thỏa hiệp với sự dữ, không chấp nhận có sự gian ác, bất công, thối nát… Đứng trước hai thành Sôđôma và Gômôra trụy lạc, Người đã chia sẻ với ông Abraham, một người phàm, về mối ưu tư của Người là phải đấu tranh chống lại sự dữ, phải luôn luôn tìm cách phát triển sự thiện trong thế giới. Bằng cách ấy, Thiên Chúa đã đánh giá cao ông Abraham, Người đã bày tỏ sự tín nhiệm đối với ông. Qua đó, Thiên Chúa cũng muốn cho biết rằng Người tín nhiệm con người.

Khi đến trong thế gian, Đức Giêsu, Ngôi Lời nhập thể, vẫn trung thành với chọn lựa ấy của Chúa Cha: đề cao con người, tín nhiệm con người. Đức Giêsu đã kêu gọi các môn đệ, đã chọn các tông đồ, để cho các ngài được tham dự vào sứ mạng cứu thế của Người, trong khi chờ đợi ngày Người giao trọn sứ mạng ấy vào tay các ngài (Mt 28,18-20).

Là các tín hữu, chúng ta cũng đang được hưởng sự tín nhiệm ấy: Đức Giêsu đã chọn gọi và đang mời gọi chúng ta đi thực hiện chương trình mà Chúa Cha đã trao vào tay của Đức Giêsu, Con của Người. Do đó, chúng ta cần ý thức về phẩm giá của mình, để sống cho xứng đáng sự tín nhiệm của Thiên Chúa. Nếu chúng ta trân trọng tư cách của mình, là bằng hữu của Đức Giêsu, chúng ta cần nổ lực loại trù tất cả những gì gây trở ngại cho quan hệ thân tình giữa Người và chúng ta.

Qua Lời Chúa hôm nay, chúng ta cũng muốn nhận thức được phần nào giá trị của một cuộc sống công chính. Chúa Giêsu đã phán: "Vì mọi người, Ta sẽ tàn phá". Nhưng nay, chúng ta thấy "vì một người công chính duy nhất" là Đức Giêsu, mọi người tội lỗi đều được cứu độ. Điều này vén mở cho ta thấy lòng nhân hậu của Thiên Chúa thật nhiệm mầu, nhưng cũng thật bao la. Khi nhận lấy Mình Thánh Chúa, chúng ta nên một với Đức Giêsu. Vậy chúng ta hãy sống xứng đáng với ân huệ cao cả ấy, để cùng với Đức Giêsu, góp phần cứu độ thế giới, lôi kéo ơn tha thứ của Thiên Chúa trên toàn thể nhân loại.



THỨ BA

St 19,15-19; Mt 8,23-27

Lời Chúa hôm nay là một khẳng định chắc nịch về lòng nhân hậu vô biên và lòng trung thành kiên vững của Thiên Chúa đối với người luôn bền chí bước theo đường lối của Người.

Tại Sôđôma, nhờ lời chuyển cầu của ông Abraham, Thiên Chúa đã sẵn sàng tha thứ, nhưng toàn thể dân thành đã chọn một lối đi khác, một hướng đời quay lưng lại với Thiên Chúa: họ đã tự quyết định về số phận của họ. Sách Khởi Nguyên cho biết: Thiên Chúa không tìm ra được tới mười người trong số đông đảo để cứu được thành. Tuy nhiên, ông Lot đã được cứu cùng với gia đình, với điều kiện ông phải "ra khỏi thành".

"Ra khỏi thành", "trốn khỏi thành", đây là một đề tài quan trọng quen thuộc vì được nhắc đi nhắc lại theo dọc bộ Kinh Thánh. Trong bối cảnh nông thôn của đời sống dân Thiên Chúa, thì "thành phố" là nơi cư ngụ của sự gian ác và tội lỗi. "Trốn khỏi thành" là "hoán cải". Chúng ta thấy người Hipri được kêu gọi trốn khỏi các "thành phố quái gở của Aicập" (Xh 1,11), trốn khỏi thành Babylon (Is 48,20; St 18,4); sau này, các môn đệ sẽ phải trốn khỏi Giêrusalem (Mt 24,16.20).

Phải "ra khỏi thành", phải" hoán cải" thì mới có thể cùng lên thuyền với Đức Kitô. Tuy nhiên, theo ngôn ngữ của thánh Mathêu, con thuyền là hình ảnh của Giáo Hội; lên thuyền với Đức Kitô, là làm nên Giáo Hội giữa lòng đời. Con thuyền này sẽ đưa từng người và tất cả mọi người về bờ bến hạnh phúc. Khi chúng ta đón nhận Lời và Mình Thánh Chúa vào lòng là chúng ta đã sẵn chuyển bước theo hướng đi này.

Muốn vậy,

§ Về phương diện tiêu cực, chúng ta đừng nuối tiếc quá khứ, đừng ngoảnh lại đàng sau (Mc 13,16; Lc 9,62); đừng nản chí, vì như thế là tự đục phá thuyền mình!

§ Về phương diện tích cực, chúng ta được kêu gọi tuân giữ Lời Chúa (Ga 14,23) và sống hiệp thông với anh em (Mt 18,20).

Khi đó, đúng là Lời và Mình Thánh Chúa đang quy tụ chúng ta lại thành Giáo Hội, để rồi trong tư cách ấy, chúng ta lại chuyển Lời và bí tích Thánh Thể đi nuôi sống thế giới.



THỨ TƯ

St 21,5.8-20; Mt 8,28-34

Hơn cả những bài đọc trong hai ngày vừa qua, hai bài Lời Chúa hôm nay càng cho thấy rõ Thiên Chúa là Đấng trung thành, Người luôn giữ lời đã hứa. Khi đến thời đến buổi, Người sẽ thực hiện điều đã hứa. Bài Khởi Nguyên kể rằng, sau một thời gian chờ đợi, ông Abraham đã có được một người con trai làm kẻ thừa kế. Đã đến lúc Thiên Chúa thực hiện chương trình của Người về dòng tộc ông Abraham.

Từ bài học cụ thể này, chúng ta có thể chác chắn rằng, dù hoàn cảnh thế giới lúc nào, Thiên Chúa vẫn giữ lời đã hứa. Tuy nhiên, các lời hứa chung quy vẫn nhằm ban ơn cứu độ cho loài người, để cho loài người được hạnh phúc viên mãn. Chính Cựu ước cũng cống hiến cho chúng ta hình ảnh một vị Thiên Chúa chú ý đến con người, lắng nghe con người. Không một nỗi đau khổ nào của con người mà Thiên Chúa không nhận ra. Không một tiếng kêu la nào của con người mà Thiên Chúa không nghe thấy. Đã nhận ra nỗi đau, đã nghe thấy tiếng kêu của con người, Thiên Chúa ra tay cứu giúp. Người an ủi, Người đưa tay vực con người, nâng đỡ họ đứng thẳng, ban cho họ thêm can đảm, gởi đến cho họ niềm vui sống. Con người thấy cuộc đời của mình có một ý nghĩa, có một hướng đi.

Tất cả những điều đó được ứng nghiệm nơi câu chuyện được thánh Matthêu kể lại trong bài Tin Mừng hôm nay. Đức Giêsu đã đến tiếp cận với con người trong tình cảnh bị ma quỉ khống chế. Ngài đã dễ dàng chiến thắng mãnh lực của tà thần, để khôi phục con người lại trong tư cách tự do của con cái Thiên Chúa. Đây chỉ là một hình ảnh báo trước sự chiến thắng toàn diện và vĩnh viễn cuối cùng, nhưng cũng là một hình ảnh hào hùng, có sức nuôi dưỡng niềm hy vọng của chúng ta. Nghe bài tường thuật hôm nay, không một ai còn được phép hoài nghi tình thương đầy quyền lực của Thiên Chúa, không một ai còn được phép chán nản khi cảm thấy đang còn có những mãnh lực tà thần đè nén mình, đang còn có những khuynh hướng xấu lôi kéo mình. Khi nhận lấy Mình Thánh Chúa, chúng ta rước vào trong mình một Chúa Giêsu đầy quyền lực, không phải chỉ như một điềm báo trước, mà là một Chúa Giêsu phục sinh đang ngự bên hữu Chúa Cha.

Điều bi đát câu chuyện Tin Mừng cho thấy, đó là, vì một chút lợi lộc vật chất, con người đã yêu cầu Chúa Giêsu ra khỏi địa phương của họ, ra khỏi cuộc sống của họ; còn chúng ta hôm nay thì sao?



THỨ NĂM

St 22,1-19; Mt 9,1-8

Dường như bài sách khởi nguyên hôm nay đã phủ nhận những hình ảnh đẹp ta có về Thiên Chúa nhờ những bài đọc của các ngày vừa qua. Thiên Chúa là Đấng trung thành? Thế thì vì sao Người ban cho ông Abraham có một người con trai được ít lâu, rồi lại yêu cầu ông sát tế cậu bé ấy làm lễ vật? Chúng ta bảo là: Thiên Chúa đâu có để cho Isaac phải chết? Nếu vậy, Thiên Chúa là Đấng sử sự tùy hứng, Người hành hạ người cha già đáng thương ấy: đâu là vị Thiên Chúa nhân hậu?

Không phải thế! Thiên Chúa vẫn là Đấng nâng con người chỗi dậy. Người vẫn nghe ra tiếng kêu la nhiều khi tắc nghẽn của con người đau khổ. Người vẫn là vị Thiên Chúa trung thành và hết sức nhân hậu. Người vẫn là Đấng chỉ thực hiện những điều tốt lành cho con người, trong khi con người vẫn cứ nghĩ xấu về Người và cho Người. đứng trước mầu nhiệm của Thiên Chúa, con người vẫn thường mang tâm địa của những người biệt phái. Những người này đã bắt bẻ Chúa Giêsu chỉ vì Ngài không xử sự theo khuôn khổ họ đã qui định cho Dân Chúa. Thiên Chúa vẫn là Thiên Chúa tốt lành, trung tín, nhưng theo cách của Người, và cách thức ấy luôn phát xuất từ tình yêu cứu độ. Câu chuyện của sách khởi nguyên muốn nói lên điều ấy.

Loài người chúng ta dễ lầm lẫn ân huệ Thiên Chúa ban với chính Thiên Chúa! Chúng ta dễ "thần tượng hóa" những ân huệ của Thiên Chúa. chúng ta dễ lầm lẫn lời hứa đang được thực hiện với chính vị Thiên Chúa đang thực hiện lời hứa. Do đó, với tình yêu mang tính cách sư phạm, giáo dục, Thiên Chúa tạo những cơ hội để con người điều chỉnh hướng nhìn, giúp con người sống đức tin thuần khiết hơn.

Hôm nay, chúng ta phải xin Chúa giúp chúng ta thoát khỏi cám dỗ muốn lượng định đường lối của Chúa Cha theo những khuôn mẫu của mình, và xin Người giúp gánh vác những thử thách trong cuộc đời, với cái nhìn đức tin, với xác tín rằng khi đến cuối chặng đường, kết quả sẽ luôn luôn là niềm vui chiến thắng, là hạnh phúc tràn đầy. Vả lại, biết chấp nhận như thế cũng là một cách bày tỏ tình yêu đối với Chúa: "Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người hy sinh tính mạng vì bạn hữu" (Ga 15,13). Bởi vì, khi ấy chúng ta đang biến các thử thách được chấp nhận thành những chứng cứ của tình yêu.

Chúa Giêsu Thánh Thể mà chúng ta sắp đón rước vào lòng sẽ dạy chúng ta những điều ấy. Chúng ta sẽ hiểu, mọi tình cảnh đen tối nhất của cuộc đời, trong ý định của Thiên Chúa, đều đưa chúng ta đến vinh quang phục sinh. Nếu không có phục sinh, thì cuộc đời không có ý nghĩa, và sự chết sẽ là một phi lý đáng ghê tởm!



THỨ SÁU

St 23,1-4.19;24,1-8.62-67; Mt 9,9-13

Trong cuộc đời chúng ta, có những biến cố xảy ra được gọi là tình cờ, hoặc được xác nhận là do sự sắp đặt của bàn tay con người. Tuy nhiên, Lời Chúa hôm nay dạy chúng ta rằng bên trên và đằng sau điều chúng ta gọi là "tình cờ" hoặc " sự sắp đặt của bàn tay con người", có Thiên Chúa. Chính Thiên Chúa muốn, Người để và tạo cơ hội cho các biến cố lớn và nhỏ xảy ra, hầu mưu ích cho con cái của Người. Thiên Chúa sẽ dẫn dắt chúng ta qua những biến cố thăng trầm như thế.

Câu chuyện của bài khởi nguyên hôm nay là một minh họa. Chính ông Abraham đã lên kế hoạch, đã dùng người lão bộc thân tín, để cưới cho cậu Isaac một người vợ. Bên trên và đằng sau sự bố trí của người cha già, chính Thiên Chúa đang làm việc để thực hiện lời hứa của Người, làm cho dòng dõi Abraham được tiếp nối và phát triển phong phú. Ông Abraham đã xác tín như thế, và đã diễn tả niềm tin ấy ra khi bảo người lão bộc: "Chính Thiên Chúa sẽ sai thần sứ của Người đi trước mặt ngươi để người cưới vợ cho con ta ở đó" (St 24,7). Người lão bộc sẽ ra đi, và đó là cách ông bày tỏ niềm tin vào Thiên Chúa, dựa vào niềm tin của ông Abraham.

Một ngày nào đó, một sự việc tương tự sẽ xảy ra với ông Matthêu, nhân viên thu thuế. Hôm ấy, Đức Giêsu đi ngang qua văn phòng của ông. Phải chăng chỉ là chuyện tình cờ? Đức Giêsu đã nhìn thấy ông, đã quyết định chon ông làm tông đồ" "Hãy theo Ta!". Không hề có sự thương thảo, không hề có việc xác định lộ trình, không hề có chuyện mặc cả về lương bổng. Matthêu chỉ biết rằng theo vị Thầy Giêsu, ông sẽ không bao giờ phải hối tiếc. Ông đã bỏ công việc, đứng dậy bước theo Ngài. Khi làm như thế, Matthêu đã hoàn toàn tin tưởng vào sự hướng dẫn của Đức Giêsu, vì chấp nhận tiến đi mà không có lộ trình vạch sẵn, vì chấp nhận những điều đang nắm được trong tay mà dấn thân vào vô định. Nhất là, ông chấp nhận có Đức Giêsu đi trước mình, trở nên gương mẫu cho ông bắt chước. Bước theo Đức Giêsu cũng còn có nghĩa là phải thường xuyên ra khỏi mình, khỏi những tập quán của mình, khỏi những định kiến của mình… để gặp gỡ người khác, hầu làm chứng về tình thương của Thiên Chúa mà chính chúng ta đang được hưởng nhờ.

Cuộc đời của một Abraham, một Matthêu, của những người tín thác vào sự hướng dẫn của Thiên Chúa, đã cho thấy là không bao giờ con người phải thất vọng. Đấng luôn luôn là những cuộc đời thành tựu. Chúng ta sắp rước lấy Chúa Giêsu vào lòng, Ngài sẽ dẫn chúng ta đi qua các nẻo đường có khi khiến chúng ta phải băn khoăn khắc khoải. Tuy nhiên, cứ vững tin mà bước theo Ngài, chúng ta sẽ dần dần cảm nghiệm được sự tự do chân chính.



THỨ BẢY

St 27,1-5.15-29; Mt 9,14-16

Thánh lễ là một "tiệc cưới", thánh lễ là một "điểm hẹn của tình yêu". Bằng những hình ảnh để ví bản thân Người là chàng rể, các môn đệ là những phụ rể, Đức Giêsu cho phép chúng ta hiểu như thế. Nhưng như thế, thánh lễ cũng là một nơi đặc trưng để gặp gỡ, đối thoại và lắng nghe.

Qua thánh lễ hôm nay, chúng ta lại được gặp Đức Giêsu, được nghe Người dạy bảo. Người nhắn nhủ chúng ta rằng chúng ta đang sống trong một khoảng thời gian nhiệm mầu, vừa thấm nhuần niềm vui hôn lễ vì chúng ta vẫn được gặp gỡ và kết hiệp với Người, vừa bàn bạc sắc thái chay tịnh, vì việc gặp gỡ và kết hiệp với Người chưa được trọn vẹn. Trong tình thế này, chúng ta hãy biết nhận ra cách thức Thiên Chúa làm việc trong thế giới để cộng tác mà chuẩn bị cho ngày Chúa trở lại.

Nhờ bài sách Khởi Nguyên soi sáng, chúng ta hiểu rằng, trong thế giới hôm nay, ngay giữa lòng những chuyện hàm hồ, Thiên Chúa vẫn đang thực hiện chương trình của Người từng bước một. Người sẽ đặt được mục tiêu mà Người nhắm tới mặc dù các phương tiện Người dùng có yếu kém. Tất cả sự dữ trong thế giới vẫn không ngăn cản được Chúa thực hiện kế hoạch của Người.

Bài sách cũng dạy chúng ta một điểm thứ hai: Thiên Chúa hoàn toàn chủ động trong việc chọn lựa của Người. Người muốn gọi ai tùy ý, để thực hiện công việc của người. Đấy là điều được diễn tả qua đề tài "Người em thấy thế người anh", một vấn đề thường được Kinh Thánh nhắc tới (Giuse, Đavít, Salomon). Như vậy, không một ai có thể "độc quyền về Thiên Chúa, để thủ lợi cho riêng mình, không một ai có quyền gì trên Thiên Chúa cả!"

Cuối cùng, qua lời chúc phúc của ông Isaac, chúng ta còn hiểu là Lời Thiên Chúa cho ông Abraham vẫn đang được tiếp nối. Abraham đến Isaac sang ông Giacóp, từ mắt xích này sang mắt xích kia, lịch sử đang tiến dần tới Đức Giêsu Kitô, và phúc lành của Thiên Chúa sẽ nhờ Giáo Hội mà tỏa lan ra cho tất cả mọi người.

Chúng ta hãy đón nhận giáo huấn của Chúa với lòng trân trọng và biết ơn. Đồng thời, chúng ta cũng phải tiếp tục gắn bó với Người để có thể được phục vụ hạnh phúc của mọi người.



Mới hơn Cũ hơn