TUẦN XIV THƯỜNG NIÊN
THỨ HAI
St 28,10-22a; Mt 9,18-26
Phải chăng Thiên Chúa chỉ là "thần linh" của một địa điểm nhất định, của Đất Hứa mà thôi? Và khi ra khỏi "lãnh địa" của Người ta mất sự hiện diện và che chở của Người? Biến cố đã xảy ra cho Giacóp vào một đêm kia chứng tỏ rằng quan niệm này hoàn toàn không đúng.
Giacóp vừa rời bỏ xứ sở của mình và đang ở một nơi xa lạ. Đêm đến, ông lấy một hòn đá kê đầu để ngủ. Đang ngủ, ông mơ thấy một cái thang bắc từ đất lên tới tận trời, và có thiên thần Chúa lên xuống trên đó. Giacóp đã khám phá ra rằng, Thiên Chúa của ông là một Thiên Chúa phổ quát, hiện diện ở mọi nơi. Tại mọi điểm trên mặt đất, ta đều có thể "thông giao" với Thiên Chúa: đó là ý nghĩa của chiếc thang, trên đó có thiên thần đi lên đi xuống. Đất trời được nối kết với nhau thường xuyên. Và đây chính là dự định thường xuyên của Thiên Chúa: thiết lập được những quan hệ liên vị giữa Thiên Chúa và nhân loại.
Hơn nữa, Giacóp còn được Thiên Chúa cho biết rằng Người sẽ ở với ông, sẽ đi với ông đến bất cứ nơi nào ông tới, và sẽ giữ gìn ông. Thiên Chúa phán: "Ta sẽ không bỏ ngươi, sao cho đến lúc Ta hoàn tất các điều Ta phán với ngươi" (St 28,15). Sự hiện diện của Thiên Chúa là một sự hiện diện thân tình, nhằm thi ân giáng phúc. Vậy, ngay những trang đầu của Cựu ước đã phủ nhận hình ảnh một vị Thiên Chúa không quan tâm, không màng tới con người.
Tất cả câu chuyện có tính biểu tượng trên đây đã được thực hiện cụ thể khi Ngôi Lời nhập thể làm người sống trên mặt đất. Theo Tin Mừng Gioan, Đức Giêsu chính là "cái thang Giacóp" (Ga 1,51). Ngài là trung gian nối trời với đất, cho đất có thể liên lạc được với trời. Nơi Ngài, vinh quang của Thiên Chúa được mạc khải cho chúng ta, và những lời cầu xin của chúng ta được Thiên Chúa chấp nhận. Đức Giêsu chính là Thiên Chúa hiện diện cách hữu hình, cụ thể, để thi ân giáng phúc cho con người.
Điều ấy được thể nghiệm qua hai phép lạ được bài Tin Mừng hôm nay tường thuật lại: Đức Giêsu chữa một người đàn bà bị băng huyết và cho con gái một kỳ mục sống lại. Rõ ràng, quyền năng cứu độ của Thiên Chúa lại được ban tặng dồi dào cho những người đang đau khổ mà biết quay về với Đức Giêsu, dù bằng một niềm tin không mấy thuần khiết.
Chúng ta sắp rước lấy Chúa Giêsu Thánh Thể vào lòng. Người lại trở thành "chiếc thang" cho chúng ta, những Giacóp hôm nay. Chúng ta hãy tỏ một niềm tin xứng hợp với ân ban ấy trong ngày sống hôm nay.
THỨ BA
St 32,22-32; Mt 9,32-38
Đã đến mùa gặt, nhưng lại thiếu thợ gặt! Không gì khổ tâm cho bằng phải chứng kiến lúa hư hại.
Có biết bao nhiêu người đang tìm kiếm Thiên Chúa. Đức Giêsu đã ra sức hoạt động. Tất cả hoạt động của Ngài có thể tóm vào mấy tiếng: Người "giảng dạy" và Người "chữa lành". Nhưng Đức Giêsu nói: "Thợ gặt ít quá!" thiếu thợ gặt. Thiếu các nhà truyền giáo. Đức Giêsu ý thức về điều này đến độ trở thành khắc khoải. Người chờ đợi những cộng sự viên, những người "giảng dạy" và "chữa lành". Đó là người Linh mục. Đó cũng là bất cứ người Kitô hữu nào ý thức về ơn gọi của mình.
Trước tình trạng thiếu "thợ gặt " ấy, phản xạ đầu tiên của Đức Giêsu là: xin các môn đệ cầu nguyện với "chủ ruộng" sai "thợ gặt" đến.
Tuy nhiên bất cứ người thợ gặt nào, muốn chu toàn được sứ mạng, trong tư cách là cộng sự viên của Đức Giêsu đều cũng phải cầu nguyện. Nếu không, họ sẽ không có đủ năng lực để "giảng dạy" và "chữa lành".
Khi đó, người đó phải trải qua một kinh nghiệm như Giacóp.
Giacóp ở trong một tình thế nan giải: phải về lại Đất Hứa theo lệnh Thiên Chúa truyền, nhưng Esau lại đang chờ ông với cả một đạo quân. Giacóp phải tính toán. Ông chỉ còn một mình trước những lựa chọn quyết liệt nhất, trong đêm tối. "Một người lạ" đến gặp ông, tức là ông sống tình trạng mơ hồ, bất định. Ông đã phải chiến đấu suốt đêm với "người lạ" ấy. Đây không phải là một chiến đấu giả tạo, vì ông đã phải mang thương tật suốt đời. Nhưng sau một đêm chiến đấu với "người lạ", hôm sau tự giới thiệu là chính Thiên Chúa, Giacóp đã nên to lớn, mạnh mẽ.
Người thợ gặt cộng tác với Đức Giêsu sẽ phải thường xuyên sống kinh nghiệm Giacóp, tức là việc cầu nguyện, được diễn tả dưới dạng biểu tượng là "cuộc chiến đấu chống lại Thiên Chúa". Có những ngày, người ấy không còn chắc chắn nữa về phúc lành của Thiên Chúa trên mình. Mọi sự dường như đang nói với người ấy rằng Thiên Chúa đã bỏ rơi anh. Thế là người ấy phải thu hết can đảm, và trải qua đêm dài cầu nguyện với Thiên Chúa, anh đã chiến đấu: "Xin ban lại cho con phúc lành ngày xưa…Xin cứu con!", và thế là người ấy lại có thể dứng thẳng mà tiến đi, dù đã "bị thương", bởi vì từ nay anh đi vững được là nhờ có Chúa đỡ nâng.
Chúa Giêsu Thánh Thể mà chúng ta sắp rước vào lòng sẽ hỗ trợ cho chúng ta trong giờ cầu nguyện cũng như trong hoạt động truyền giáo. Bởi vì Người chính là Lời của vị Thiên Chúa đấu vật với Giacóp ngày xưa, Người chính là con của chủ ruộng.
THỨ TƯ
St 41,55-57; 42,5-7a.17-24a; Mt 10,1-7
Lời Chúa hôm nay là một lời mời chúng ta đặt hết tin tưởng vào sự quan phòng của Người, biết rằng từ chuyện xấu, Thiên Chúa vẫn có thể rút ra điều thiện; với những phương tiện tầm thường, Người vẫn có thể làm nên tuyệt tác.
Từ chuyện xấu, Thiên Chúa có thể rút ra điều tốt: câu chuyện ông Giuse là một minh họa. Ông đã là nạn nhân của sự ghen tị và của lòng hám lợi. Thế nhưng, Thiên Chúa đã dùng ông để cứu lấy dòng họ Giacóp, tức là để tiếp tục thực hiện lời đã hứa với Abraham. Với người tin tưởng vào Chúa, cho dù mọi sự tưởng như đều liên minh chống lại kẻ ấy, cuối cùng cũng sẽ trở thành thuận lợi cho họ. Vậy, đứng trước tương lai mù mịt khôn dò, chúng ta hãy tin tưởng vào sự khôn ngoan vô biên đầy lòng thương xót của Thiên Chúa. Và nếu Người có kêu gọi chúng ta dấn thân phục vụ trong chương trình của người, chúng ta hãy quảng đại đáp lại.
Với những phương tiện tầm thường, Thiên Chúa có thể làm nên những tuyệt tác: điều này được minh họa bởi nhóm Mười Hai. Các ngài chỉ là những con người bình thường, và phải nói là rất tầm thường nữa, về phương tiện xã hội. Đã thế, các ngài lại ấp ủ những cao vọng rất trần tục. Tuy nhiên, các ngài đều đã được Đức Giêsu gọi làm tông đồ. Ưu điểm nổi bật nơi các ngài, đó là sẵn sàng và luôn gắn bó với Đức Giêsu như là trung tâm của cuộc sống các ngài. Và với thời gian, Đức Giêsu đã chuyển được sứ mạng của Người sang cho các ngài. Các ngài đã trở thành nền móng trên đó Đức Giêsu xây dựng nền móng Giáo Hội của Người. Dù sao, tiếng gọi của Chúa đã trở thành một lời kêu mời hoán cải.
Chúng ta cũng được kêu gọi làm tông đồ. Muốn đáp trả được trọn vẹn lời kêu mời của Chúa, chúng ta cần ý thức những giới hạn của mình mà gắn bó tuyệt đối với Chúa Giêsu. Bài Tin Mừng hôm nay cũng nêu ra một bài học về sự giới hạn: Đức Giêsu rất ý thức về sự rộng lớn của công việc, nhưng Người vẫn truyền lệnh: phải làm những gì có thể làm trong ngày hôm nay đã, nhưng xác tín rằng Thiên Chúa sẽ kêu gọi mọi "người ngoại và người Samari", trong một giai đoạn khác của công việc truyền giáo. Khi còn tại thế, chính Đức Giêsu cũng đã tự giới hạn vào những gì có thể làm, đó là ngõ lời với "các con chiên lạc nhà Israel" thôi.
Với Chúa Giêsu Thánh Thể trong lòng, chúng ta sẽ được gởi đi cho đến tận cùng thế giới. Nhưng điều ấy đến hay không cũng tùy mỗi ngày chúng ta ra đi mang theo Tin Mừng đến cho những người ở gần kề.
THỨ NĂM
St 44,18-21.23-29; 45,1-5; Mt 10,7-15
Ông Giuse đã trở thành tể tướng tại đất nước Aicập. Ông đã nhờ đức tin mà hiểu rằng đó là một hồng ân Chúa ban cho riêng ông, nhưng thể theo một kế hoạch nhiệm mầu của Người, hầu bảo vệ dòng dõi Abraham. Ông đã rằng Thiên Chúa đã bố trí cho ông đi trước về Aicập để bảo vệ các anh và gia đình sau này, khi lâm hoạn nạn. Chính cái nhìn đức tin đã giúp cho ông thấy là Thiên Chúa vẫn ở gần kề và trợ giúp hữu hiệu Dân của Người. Cũng nhờ biết nhìn như thế mà ông có thể dễ dàng tha thứ cho các anh.
Bài Tin Mừng tiếp nối với chiều hướng của khẳng định này: "Nước Thiên Chúa đã gần kề!". Người ta đi tìm Thiên Chúa ở đâu đó "quá xa". Trong thực tế, Người đang có đó, Người vẫn ở gần bên chúng ta. Người là một vị Thiên Chúa gần gũi, một Thiên Chúa yêu thương, một Thiên Chúa là tình yêu. Tuy nhiên, để có thể bày tỏ cho người khác biết lòng nhân hậu, gần gũi, sự hiện diện của Thiên Chúa…, trước hết chúng ta đã phải có kinh nghiệm cá nhân về những điều ấy. Bởi vì làm sao chúng ta có thể nói với người khác: "Nước Trời và hạnh phúc Nước Trời đang có đó", "Thiên Chúa đang ở gần bên anh", nếu chúng ta không xác tín vào những điều ấy?
Một khi đã cảm nghiệm được sự hiện diện đầy nhân hậu, hiện diện để thi ân giáng phúc của Thiên Chúa, chúng ta hãy bắt chước Người, sống giữa lòng thế giới để cống hiến cách nhưng không. Cuộc sống vô vị lợi phát xuất từ ý thức chúng ta đang hoàn toàn sống nhờ và sống trong muôn vàn ân sủng của Thiên Chúa. Sống để cống hiến cách nhưng không là một cách bày tỏ lòng biết ơn đối với Thiên Chúa.
Nhưng lời dạy ấy của Đức Giêsu còn có một ý hướng sư phạm nữa. Người biết rõ rằng chúng ta càng có thì càng muốn có, chẳng bao giờ bằng lòng với những gì đã có. Cuối cùng càng tìm kiếm thủ đắc, chúng ta càng co quắp lại. Khi bảo chúng ta "đã nhận nhưng không thì hãy cho nhưng không", Đức Giêsu dạy chúng ta một cách sống khiến càng ngày chúng ta càng triển nở, vì thường xuyên cảm nghiệm được niềm vui và tự do trong chọn lựa.
Chúa Giêsu Thánh Thể đã sống điều này trước khi dạy chúng ta sống. Do đó, khi đã rước Người vào lòng, chúng ta hãy để Người giúp mở rộng tâm hồn ra với Chúa Cha và với tha nhân.
THỨ SÁU
St 46,1-7.28-30; Mt 10,16-33
Nhà Giacóp được lệnh Chúa lên đường sang Aicập và các tông đồ được Chúa phái vào trần gian có sứ mạng là "trở thành men ở giữa khối bột".. Thiên Chúa muốn dùng những kẻ Người chọn riêng để thay đổi cả nhân loại, để khơi lên giữa lòng nhân loại một lớp người mới. Việc ông Giacóp và con cái, cháu chắt lên đường vào Aicập là một biến cố lịch sử tự nhiên. Nhưng bên trong, phải nói đây là một sự can thiệp, một sự lèo lái của Thiên Chúa với ý định là tạo ra một nhóm người tác động trên nhân loại. Nhà Giacóp sẽ có mặt giữa lòng dân Aicập với tư cách một dân tộc cá biệt, có lối sống riêng, có những nếp suy nghĩ riêng, bởi vì họ có niềm tin vào Giavê và Thần Linh độc nhất. Sự có mặt của họ sẽ khiến người Aicập để ý và đi đến chỗ làm khó dễ, bách hại. Nhưng chính khi đó, nhà Giacóp đang được đào luyện để nên men làm dậy men cả khối bột là nhân loại chưa nhận biết Thiên Chúa chân thật. Giữa cảnh khổ - như sau này, giữa lúc bị đi lưu đầy - họ sẽ nên dân tộc trung gian mang ánh sáng và ơn cứu rỗi cho nhân loại.
Các tông đồ được Chúa Giêsu sai đi truyền giáo cũng có sứ mạng như thế: làm men ở giữa khối bột. Chúa nói rõ là họ sẽ bị bắt bớ: bởi vì sự có mặt của họ khiến thế gian khó chịu - lối sống của họ đối chọi với lề thói thế gian - và bởi vì thế gian không chấp nhận kẻ nào sống khác nó. Tuy thế họ không thua thiệt, vì đây là lúc Nước Trời đang đến và đau khổ gian lao của họ đang góp phần làm cho Nước Trời sớm hiển trị.
Do đó, nhóm người được Thiên Chúa kén chọn luôn là yếu tố "làm dậy men cả khối bột nhân loại". Họ là "Dân tộc" được Thiên Chúa làm cho nên vĩ đại: vĩ đại không do số đông, mà do sứ mạng của họ, do lối sống khác thế gian của họ.
Chúng ta hiện giờ được mời gọi tiếp nối các tông đồ. Đây là ta nhìn lại lối sống của mình và chúng ta hãy vui mừng nếu mình đang sống ngược với lề thói thế gian và đang không được thế gian ưu đãi. Thân phận của men là thế. Và men chỉ có tác dụng khi còn giữ chất men, khi không hóa lạt lẽo như bột.
Hằng ngày ta đến gặp Chúa Giêsu phục sinh trong Thánh Thể là để lại được sai đi. Xin Chúa Giêsu giúp ta bình tâm trước những gian khó của một đời làm chứng tá, nhất là giúp ta luôn có can đảm và kiên vững duy trì một lối sống khác biệt giữa lòng thế gian để lối sống của ta thu hút người khác và dần dần tác động trên đời sống những người chung quanh, đúng theo sứ mạng của những kẻ được Chúa sai vào thế gian.
THỨ BẢY
St 49, 29-33;50, 15-24; Mt 10,24-33
Do sự can thiệp của Chúa vào trần gian, một lớp người mới, có một tinh thần sống mới đã dần dần xuất hiện. Theo bài đọc I, ta thấy điều đó được thể hiện nơi Giacóp và Giuse. Khi kết liễu cuộc đời, ngồi nhìn lại quá khứ, Giacóp đã nảy lên tâm tình tạ ơn Thiên Chúa, nhận thức rằng mọi biến cố trong đời mình đều do vị Thiên Chúa trung tín an bài. Khi đối diện với cái chết trước mặt, ông thanh thản như kẻ biết chắc rằng ra đi chỉ là về xum họp với những người thân yêu đã đi trước. Về phần Giuse, nhờ Chúa, ông cũng có thái độ hiền lành, bao dung, ân cần khi đối sử với những người anh đã làm hại mình. Ông chỉ nhìn vào thành ý Thiên Chúa mà sống theo, cư xử theo Chúa.
Con người mới với tinh thần sống mới còn lộ rõ hơn nơi Đức Giêsu. Ngài là con người sống cho Thiên Chúa một cách tận tình và do đó, hằng luôn thanh thản, vững tin, phó thác mọi lúc. Trong bài Tin Mừng hôm nay, ta thấy Ngài chuyển thông cho các môn đệ của mình tinh thần sống tin tưởng vào Cha. Ngài căn dặn các môn đệ - những kẻ chắc chắn sẽ gặp gian khổ trong công cuộc truyền giáo và làm chứng nhân - là hãy luôn xác tín về sức mạnh của Nước Trời (Nước ấy chắc chắn sẽ tỏ hiện, sẽ lộ ra nơi ánh sáng, sẽ được rao báo trên mái nhà) - hãy luôn tin vào tình cha ân cần của Thiên Chúa, hãy mạnh dạn trước các gian truân, không sợ những nguy hại cho sự sống phần xác.
Sau khi phục sinh, các môn đệ sẽ minh chứng là họ đã sống được tinh thần mới mà Chúa Giêsu mang đến.
Vì thế, nhờ sự can thiệp của Thiên Chúa, như men được vùi giữa khối bột nhân loại, một lớp người mới đã dần dần được "dậy men": họ trở thành những kẻ coi Thiên Chúa là trung tâm đời sống, coi việc sống cho Nước Trời là mục đích mọi lúc. Chính điều đó thay đổi dời họ một cách sâu xa: khi được sống suông sẻ và an bình như nhà Giacóp thời Giuse làm quan Ai cập, họ chuyên cần phụng thờ Thiên Chúa và tạ ơn lòng từ ái của Thiên Chúa. Khi gặp nguy khó như các môn đệ sống đạo giữa thế gian, họ vẫn kiên trung với Thiên Chúa và bình thảm chấp nhận thử thách để làm cho Nước Trời mau hiển trị. Nối tiếp Chúa Giêsu, lớp người ấy trở nên men, nên ánh sáng giữa nhân loại. Nhờ họ, tác động của Thiên Chúa ngày càng thay đổi lòng người và đời sông xã hội.
Xin Chúa Giêsu Thánh Thể ban cho ta trở nên những con người có tinh thần sống mới như chính tinh thần của Ngài.