Suy niệm mỗi ngày, Tuần 15 Thường niên - năm lẻ



TUẦN XV - NĂM LẺ

THỨ HAI

Xh 1,8-22; Mt 10, 34-11,1

Có thể xem bài đọc Tin Mừng hôm nay là hệ quả của bước đường theo Chúa Giêsu. Theo Ngài, người môn đệ phải chấp nhận nhiều thua thiệt, họ bị chống đối ngoài xã hội đến chính trong gia đình và người thân. Và một cách nào đó, Chúa Giêsu bị xem như là tác giả của những tranh chấp, chống đối.

Ngày xưa, Ngài đã một lần bị kết án sách động, xúi dục dân chúng làm loạn, thì hôm nay và mãi mãi, Ngài vẫn là một người gieo rắc bất hòa và tranh chấp. Vì chẳng thế nào mà không có sự đối nghịch giữa ánh sáng và bóng tối, giữa Đức Giêsu và thế gian, giữa quyền lực Thiên Chúa và quyền lực ma quỉ.

Không ai có thể làm tôi hai chủ. Bước theo Đức Giêsu, người môn đệ đã quyết định chọn lựa, và chỉ sự chọn lựa tình yêu Thiên Chúa mới cho phép họ xứng đáng được gọi là môn đệ của Ngài. Khi chọn lựa như vậy, người môn đệ sẽ không tránh được các mất mát. Tuy nhiên, Thiên Chúa không để cho họ thiệt thòi. Dù mạnh mẽ đến đâu, các quyền lực đối nghịch cũng không thể tiêu diệt được những kẻ sống theo chọn lựa của tình yêu Thiên Chúa. Xưa kia đã một lần vua quan Ai cập khôn khéo đàn áp dân Dothái, bắt làm lụng vất vả để khỏi gia tăng lên nhiều (bài đọc I), nhưng người ta đàn áp họ thì họ lại càng sinh sản và bành trướng nhiều hơn.

Ngày nay cũng thế, Thiên Chúa cũng không để những kẻ theo Chúa bị thiệt thòi, Ngài sẽ đền bù, một sự đền bù vượt qua ngoài chờ đợi. Đón tiếp một tiên tri sẽ lãnh phần thưởng tiên tri. Đón tiếp người công chính, thì sẽ lãnh phần thưởng người công chính. Trước mặt Thiên Chúa, sẽ không có gì bị bỏ quên. Dù một bát nước lã cũng được đền bù xứng đáng. vì thế người môn đệ đừng sợ mất phần thưởng, nhưng hãy sợ mình không trung thành trong bổn phận.

Với Thiên Chúa, bổn phận dù công khai hay âm thầm, chúng vẫn cần thiết. Thiên Chúa cần những con người ngày đêm nhiệt thành rao giảng, làm chứng cho Ngài, thì Ngài cũng cần những tiếp tay âm thầm hỗ trợ cho những con người này. Đây chính là niềm phấn khởi, hy vọng cho mỗi người Kitô hữu. Tài hèn sức kém, họ không thể làm tiên tri, làm người lãnh đạo hoặc làm kẻ gánh vác các trách nhiệm nặng nề. Nhưng họ có thể đóng góp một vài giúp đỡ cho những con người ấy. Có thể các việc đạo đức của Kitô hữu chưa đủ sáng chói để được gọi là người công chính, là thánh nhân. Tuy nhiên, nếu họ góp phần cho một người khác trở thành thánh nhân, thì họ vẫn được lãnh nhận triều thiên người công chính.

Xin Chúa cho chúng ta biết biểu lộ lòng trung thành với Chúa và với Giáo Hội bằng cách đóng góp nhỏ bé trong đời sống hằng ngày. Cho dù sự đóng góp đó không được người đời biết đến thì ta tin rằng chúng vẫn hiện diện và có giá trị trước mặt Chúa.



THỨ BA

Xh 2,1-15; Mt 11,20-24

Môisen được cứu lên khỏi nước là hình ảnh con người chúng ta luôn được Chúa yêu thương, muốn cứu vớt khỏi tội lỗi và sự chết.

Thiên Chúa nhân từ vô cùng nhưng Người cũng công minh vô cùng. Sẽ không tránh khỏi trừng phạt nếu con người cứ mãi cố chấp trong sự sai lầm. Bài Tin Mừng hôm nay nói đến sự trừng phạt đối với Corazin, Betsaiđa và Caphanaum. Điều gì đã khiến cho các thành phố này bị lên án như thế?

Thực tế thì chắc chắn đời sống của các thành Corazin, Betsaiđa và Caphanaum không sa đọa trụy lạc bằng hai thành Sôđôma và Gômôra. Thế nhưng, khi đem so sánh hai thành Sôđôma và Gômôra lại được xét xử nặng nề. Thiên Chúa không trách cứ về tội, nhưng phân xử dựa trên thái độ của con người đối với tội. Tội kéo ân sủng lại gần với con người, nhưng nếu con người quay lưng vói ân sủng, thì tội sẽ nặng nề hơn.

Chúa Giêsu đã không quản ngại mệt nhọc, Ngài rảo quanh các thành phố ven bờ hồ Zênêsaret để rao giảng và làm nhiều phép lạ. Tất cả đều nhằm mục đích kêu gọi hối cải. Có mời gọi là có mong muốn được đáp lời. Càng tha thiết mời gọi là càng hy vọng vào sự đáp trả. Lời mời gọi là càng hy vọng vào sự dấp trả. Lời mời gọi hoán cải của Chúa Giêsu không kém phần tha thiết. Ngài không chỉ rao giảng, nhưng Ngài còn kèm theo biết bao phép lạ. Không chỉ tai nghe mà luôn cả mắt thấy. Sự sai lầm có thể biện minh bằng sự không hiểu biết, nhưng chẳng thế nào biện minh một khi đã hiểu biết và nhìn thấy. Nghe và nhìn sẽ là bằng chứng tố cáo lỗi lầm. Án phạt của các thành Corazain, Betsaiđa và Capharnaum là ở đó. Có trao ban là có quyền được đáp trả. Đáp trả bằng tiếng không thì cũng chẳng mong gì lòng thương xót.

Thiên Chúa không đợi chờ để trừng phạt, nhưng mong muốn sự sám hối. Nếu tội của Ađam đã làm cho thế giới trở thành xấu xa thì sự thánh thiện của Chúa Giêsu đã giao hòa thế giới với Người, đã cứu thoát thế gian đang sa ngã, đang đón chờ sự trừng phạt.

Qua bài Tin Mừng hôm nay, mong rằng mỗi người chúng ta biết khám phá ra tiếng gọi tình yêu của Thiên Chúa. Một tiếng gọi được diễn tả qua muôn vàn sắc thái của cuộc sống, cá nhân hay xã hội. Và một khi nghe được, chúng ta sẵn sàng đáp lời, để rồi sự đáp lời sẽ mang lại phần thưởng cho chính bản thân cũng như môi trường chúng ta đang sống.



THỨ TƯ

Xh 3,1-12; Mt 11,25-27

Trong muôn vàn tiếng ồn ào của nền văn minh hiện đại, vẫn còn có tiếng nói của Thiên Chúa, một thứ ngôn ngữ chỉ lắng đọng trong chiều sâu của cõi lòng, và chỉ đến với những tâm hồn đơn sơ chân thành.

Thời Cựu ước, Chúa đã không gọi những người tài giỏi thông thái để cứu thoát dân của Người, nhưng đã kêu gọi Môisen, một người vô danh tiểu tốt, khiến Môisen phải ngỡ ngàng: "Tôi là ai mà dám ra trước mặt Pharaon?".

Sự chọn lựa đó của Thiên Chúa cũng được Đức Giêsu xác quyết trong bài Tin Mừng hôm nay: "Con chúc tụng Cha là Chúa Tể trời đất, vì đã giấu không cho kẻ khôn ngoan biết điều ấy, mà lại mạc khải cho những kẻ bé mọn".

Phải chăng Thiên Chúa cũng thiên vị trong hành động mạc khải sự thật cứu rỗi của Người cho con người. Thực ra không phải vậy. Những kẻ khôn ngoan, những người hiền triết được nhắc đến ở đây là những kẻ khôn ngoan kiêu ngạo, đóng kín trong sự hiểu biết của mình, cậy vào tài năng riêng của trí khôn mà chối từ hay khinh rẻ Lời Chúa và ân sủng cứu rỗi của Người. những người khôn ngoan kiêu ngạo, chối từ mạc khải của Thiên Chúa, chúng ta có thể gặp thấy nơi những kẻ thông luật, phái Pharisiêu, những vị lãnh đạo Dothái chống lại Chúa.

Vào cuối chương 7, Tin Mừng thánh Gioan đã kể lại một trường hợp cụ thể: đó là khi họ sai quân lính di bắt Chúa Giêsu, những người này không dám đá động gì đến Chúa, họ ra về tay không. Theo thánh Gioan kể lại, những người biết phái đã bực tức chửi họ: "Cả chúng bay nữa, cũng bị phỉnh gạt hay sao? Thử hỏi có ai trong hàng đầu mục hay biệt phái đã tin vào ông ấy hay không? Mà chỉ có lũ dân quèn không biết lề luật ấy mới tin ông ta, thật là đồ đáng chúc dữ" (Ga 7,45-49).

Trong Cựu ước, tiên tri Isaia đã lên tiếng tố cáo những kẻ khôn ngoan kiêu ngạo, không thể nào chấp nhận Lời Chúa (Is 29,14).

Rồi sau thời Chúa Giêsu, thánh Phaolô cũng đã lên tiếng cảnh tỉnh những người khôn ngoan kiêu ngạo không thể chấp nhận sự điên rồ của thập giá của Đức Giêsu vì họ ỷ lại vào sự khôn ngoan của mình (1Cr 1,18-26).

Như vậy, lời nguyện cầu của Chúa Giêsu: "Con chúc tụng Cha vì đã dấu không cho những kẻ khôn ngoan và hiền triết biết những điều ấy mà lại mạc khải cho những kẻ bé mọn". Lời quả quyết này không nhằm nói đến những giới hạn, kỳ thị của tình thường cứu rỗi của Chúa, nhưng nói đến thái độ con người trước những mạc khải của Thiên Chúa. Thái độ khôn ngoan kiêu ngạo không thể đón nhận ơn cứu rỗi. Chỉ có những kẻ khiêm tốn, đơn sơ như con trẻ mới có thái độ cởi mở đón nhận Ngài.

Nguyện xin Chúa ban cho mỗi người chúng ta tâm hồn đơn sơ bé nhỏ để có thể tin nhận và sống lời Chúa.



THỨ NĂM

Xh 3, 13-20; Mt11, 28-30

Thường tình, khi gặp gian nan buồn phiền thử thách, con người hay tìm cách giải sầu tự nhiên nơi rượu chè, cà phê, hay tệ hại hơn nữa nơi xì ke ma túy. Có một cách thanh tao hơn để con người giải sầu, đó là tìm đến những bạn hữu chân thành để tâm sự cho vơi đi những nỗi buồn phiền.

Đoạn Tin Mừng hôm nay nhắc mọi người Kitô hữu một phương thế siêu nhiên để vượt qua những thử thách, buồn phiền, để được sự bình an tươi vui trong tâm hồn, đó là đến với Chúa, đến học lấy cách sống của Ngài, sống như Ngài đã giảng dạy.Ngài là niềm an ủi, bởi vì trong lịch sử, Ngài đã từng là Thiên Chúa cứu thoát dân Người khỏi lầm than. "Ta đã thấy tất cả những sự ngược đãi đối với ngươi trong đất Ai cập… Nên Ta sẽ dẫn đưa các ngươi ra khỏi cảnh khốn khổ ở Ai cập mà đem vào vùng đất chảy đầy sửa và mật".

Thiên Chúa là Đấng yêu thương như vậy, cho nên Chúa Giêsu đã mạnh dạng kêu gọi: hãy học cùng Ta. Trường học của Chúa Giêsu là nơi dạy con người sống theo sự thật và tình thương. Nó không giống trường học của giới kinh sư Dothái thời đó với mọi thứ lề luật tỉ mỉ cấm đoán…

Trong trường học của Chúa Giêsu, người theo học được mời gọi sống theo sát mẫu gương của Ngài: khiêm tốn, bất bạo động, tràn đầy thương xót, nhân từ; tha thứ và liên đới với mọi Ngài, đặc biệt là những kẻ bé mọn, bị bỏ rơi, khinh miệt, kỳ thị và bị đàn áp. Khi học biết cách sống tình yêu thương đại đồng và phát huy tình yêu thương không biên giới đó, không thù hận, không bạo lực, con người sẽ đạt được bình an nội tâm và thể hiện nói ra ngoài trong đời sống cá nhân, gia đình và xã hội.

Theo trường học sự thật và tình yêu thương của Chúa Giêsu, con người sẽ thay đổi được bộ mặt thế giới và tạo được một xã hội mới, nhân bản, yêu thương và hạnh phúc đích thực. Vì chỉ có tình yêu thương nhân từ mới có sức mạnh thật sự hoán cải trái tim co người.



THỨ SÁU

Xh 11, 10-12, 14; Mt 12, 1-8

Ròng rã mười mấy thế kỷ của lịch sử dân Dothái,Thiên Chúa đã tận tình và nhẫn nại đào luyện một dân tộc để họ ngày càng trở nên những người con hiểu lòng Cha họ và sống giống Cha họ là Thiên Chúa. Thế nhưng Người đã thất bại hơn là thành công. Đến cuối thời Cựu ước, tuy được hưởng cả một công lao uốn nắn dài lâu của Thiên Chúa, nhiều người Dothái vẫn chẳng là những người con ngoan hiếu thực sự. Điều đáng buồn nhất chính là thành phần lãnh đạo trong Dân - tức là nhóm biệt phái, luật sĩ - lại sống quá hình thức, vụ luật và trục lợi. Họ làm ra vẻ đạo đức hơn người. Họ tự đặt thêm nhiều khoản luật chi ly, bắt người dưới tuân giữ, trong khi chính họ lại vi phạm hoặc chỉ tuân giữ một cách giả hình. Đó là lý do khiến họ trách cứ việc các môn đệ của Chúa Giêsu bức gié lúa vào ngày hưu lễ. Chỉ là luật do mình bịa đặt, họ đã cấm cả những hành vi được phép làm và coi thường con người cụ thể hơn một số luật vớ vẩn và thứ yếu.

Họ thật đã đi ngược lại kỳ vọng của Thiên Chúa khi gầy tạo và gìn giữ dân tộc Dothái. Trong cuộc xuất hành xưa kia, như bài đọc I cho thấy, Thiên Chúa đã biểu lộ tất cả tình thương ân cần tế nhị của Người đối với Dân được tuyển chọn: chính Người đã tiến hành cuộc giải phóng họ, ấn định ngày giờ lên đường, chỉ dẫn những điều cần làm trong ngày đó, nhất là chỉ dẫn về việc ăn chiên vượt qua, chính Người tỏ ra thiên vị đối với Israel và vì thương họ, đã giáng tài hoa cho Aicập. Thiên Chúa đã làm đã làm một người cha yêu thương và Người chẳng mong gì hơn là sinh ra được những người con mà cõi lòng cũng đầy tình mến và sự tế nhị như Người. Một lòng dạ yêu thương như thế không muốn sinh ra những người con sống ngỗ nghịch, cứng lòng.

Thái độ sống của luật sĩ và biệt phái nhắc chúng ta nhìn lại thái độ sống của chính mình. Chúng ta xin Chúa Giêsu Thánh Thể giúp ta luôn là những người coi trọng tình mến chân thành hơn là việc giữ luật, những người chỉ cố gắng làm con ngoan hiếu trước mặt Thiên Chúa và dù giữ luật hay làm việc gì, cũng chỉ mhắm một điều là thể hiện tình con đối với Cha trên trời, chứ không phải là để đề cao cái tôi và lên mặt hoặc ngang bướng đối với Thiên Chúa.



THỨ BẢY

Xh 12,37-42; Mt 12,14-21

Trong cuộc sống, lời nói tạo được rất nhiều ảnh hưởng trên tâm lý con người. Ý thức như vậy nên người ta luôn chú trọng đến khía cạnh quảng cáo cho một mặt hàng, hô hào cho một chủ trương, xách động cho một cuộc tranh đấu… gọi vắn tắt, đó là kế hoạch tuyên truyền.

Chúa Giêsu cũng xuất hiện dùng lời nói để rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa. Nhưng hôm nay, nhóm biệt phái âm mưu hãm hại Chúa và an tâm vui mừng khi thấy Chúa Giêsu rút lui. Không chỉ là rút lui mà Ngài còn rút êm. Ngài ngăn cấm không cho ai nói về Ngài.

Tuy nhiên có một điều vượt ra ngoài tiên liệu của hội đường Dothái, là Chúa Giêsu không rao truyền bằng lời nói nữa thì lại rao giảng bằng hành động. "Người không cãi cọ hay dức lác, và không ai nghe tiếng Người ngoài đường phố". Người không lớn tiếng nhưng mọi bước chân của Người lại vang lên tiếng nói của tình thương: "Ai có bệnh đều được Người chữa lành".

Sự an tâm của người biệt phái có lý, vì rao giảng mà chẳng có tiếng nói thì chẳng khác gì kẻ bơi ngược dòng nước mà trong tay không có mái chèo. Tuy nhiên tiếng nói không đơn thuần chỉ là những lời trên môi miệng, nhưng còn có thứ tiếng nói bằng hành động, bằng con tim. Có thể khóa miệng nhưng chẳng thể nào khóa được quả tim. Tiếng nói của lòng nhân từ chẳng những không điều gì có thể dập tắt, mà sức mạnh của nó có khả năng xuyên qua mọi rào cản, mọi bức tường ngăn cách.

"Không bẻ gãy cây sậy đã dập, không dập tắt tim đèn còn khói" là lời rao giảng mà bất kỳ trình độ kiến thức hay một thứ ngôn ngữ nào cũng đều am hiểu. Nó diễn tả trọn vẹn sứ mạng của Đấng Cứu Thế là giới thiệu lòng nhân từ thương xót của Thiên Chúa. Một lòng thương xót tạo cho con người biết bao tin tưởng và hy vọng. Vì dù tâm hồn đã đau thương dập nát, sức sống đã lụi tàn như chút khói đèn trên bức đèn, thì Thiên Chúa vẫn không chê bỏ từ chối.

Bổn phận của người Kitô hữu là phải giới thiệu Chúa cho người anh em. Nếu cuộc sống có những giới hạn, những cấm đoán, bắt bớ không cho phép rao giảng công khai, thì vẫn còn nhiều cách thế âm thầm nhưng chẳng kém phần hữu hiệu. Xin cho mỗi người biết lấy chính cuộc sống làm lời rao giảng để giới thiệu về lòng nhân từ thương xót của Chúa.

Mới hơn Cũ hơn