Suy niệm mỗi ngày Tuần 16 Thường niên - năm lẻ




SUY NIỆM TUẦN 16 THƯỜNG NIÊN - NĂM LẺ



THỨ HAI

Xh 14,5-18; Mt 12,38-42

Biến cố vĩ đại, để lại một ấn tượng sâu sắc nơi lịch sử và dân tộc Do Thái là biến cố vượt qua Biển đỏ được kể lại trong bài đọc I hôm nay. Biến cố đó đã được chuẩn bị trước bằng mười phép lạ Chúa đã dùng tay Môisen thực hiện để khuất phục Pharaon và dân Ai Cập. Và sau đó trên đường về Đất hứa, Thiên Chúa lại tiếp tục làm nhiều dấu lạ khác để minh chứng sự hiện của Ngài bên cạnh dân.

Một lịch sử được dệt bằng đầy dẫy những dấu lạ như vậy, nên dân Do Thái đâm ra "nghiền dấu lạ, đến nỗi thánh Phaolô đã xác nhận trong 1 Cr 1,22: "Dân Do Thái xưa kia thích đòi xem dấu lạ". Đây là một đặc tính của dân tộc này. Họ luôn thách thức những ai tự xưng là bậc thầy, nhất là những ai tự xưng là sứ giả của Thiên Chúa, làm những dấu lạ để minh chứng sứ điệp mình rao giảng.

Trong thời kỳ Đức Giêsu rao giảng Tin mừng về Nước Thiên Chúa, Người cũng không thoát khỏi thông lệ bị người Do Thái thách thức làm dấu lạ để minh chứng về những lời Người rao giảng, và nhất là minh chứng về con người của Người, như bài Tin mừng hôm nay thuật lại.

Thông thường người ta thích xem những biến cố lạ lùng, thích nghe những tin tức giật gân để thỏa mãn tính hiếu kỳ. Nhưng khi đòi xem dấu lạ, dân Do Thái còn đi xa hơn nữa, vì họ muốn nối kết những dấu lạ này với niềm tin và tôn giáo. Nhưng cũng trên bình diện tôn giáo và niềm tin này, sở thích đòi xem dấu lạ của họ bị xây dựng trên một cơ sở hoàn toàn sai lầm. Vì họ quan niệm và chỉ muốn thấy sự hiện của Thiên Chúa và các công việc của Người xuất hiện trong những hoàn cảnh xa lạ bất thường. Họ quên rằng Thiên Chúa vẫn luôn ở bên cạnh chúng ta và không ngừng tỏ mình ra trong những biến cố thông thường của cuộc sống hằng ngày.

Bởi thế trong Tin mừng hôm nay, mượn hình ảnh của tiên tri Giôna và sự kiện nữ hoàng phương nam đến để nghe lời khôn ngoan của vua Salômon, Chúa Giêsu tuyên bố: "Dấu lạ các ngươi muốn xem chính là Ta".

Thật vậy, kể từ khi Chúa Giêsu nhập thể và nhập thế, chính Ngài là dấu lạ của Thiên Chúa. Những dấu lạ khác Người làm cũng nhằm mục đích duy nhất là minh chứng về sự thật này: Đức Giêsu là dấu lạ của Thiên Chúa. Hay nói cách khác đi Đức Giêsu là dấu lạ của tình yêu Thiên Chúa đối với con người, một tình yêu thôi thúc Đức Giêsu kết thúc cuộc đời mình trên đồi Canvê, chết treo trên thập giá để mãi mãi thập giá Chúa Giêsu sẽ là dấu lạ nhắc nhở và minh chứng độ sâu và chiều dài của mối tình Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta. Thánh Phaolô đã hiểu được ý nghĩa đó khi ngài viết trong 1Cr 1,22-24: "Trong khi dân Do Thái đòi có dấu lạ và Hy lạp tìm sự khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một Kitô bị đóng đinh".

Xin Chúa củng cố đức tin để ta nhận ra những dấu lạ Chúa thực hiện hằng ngày, và xin dấu lạ thập giá Chúa Kitô luôn giúp chúng ta khám phá những dấu lạ to lớn của kho tàng tình yêu của Chúa đối với nhân loại.



THỨ BA

Xh 14,21-15,1: Mt 12,46-50

Ôn lại lịch sử Do Thái, chúng ta phải ngạc nhiên về rất nhiều điểm. Có thể nói lịch sử của họ là cả một chuỗi dài những sự lạ lùng. Suy nghĩ theo bài đọc I hôm nay, ta thấy sự lạ lớn lao là Thiên Chúa đã đáp cứu họ bằng một cách vượt mọi ngờ tưởng của con người: chỉ bằng một lời phán truyền, Người đã chặn đứng sự đe dọa do phía binh đội Ai Cập và cứu thoát Do Thái giữa lúc họ kể như tuyệt vọng. Thiên Chúa đã ở với họ, đã đồng hành với họ, khiến họ trở thành một dân diễm phúc hơn mọi dân khác. Chẳng những Người ở với họ vào những lúc đầu mà còn ở với họ trong suốt dòng lịch sử. Bởi đó ta thấy một sự lạ thứ hai là nơi dân Do Thái, yếu tố khiến 12 chi tộc hợp nhất với nhau, đó là Thiên Chúa, là thần quyền, là nền độc thân, tức niềm tin vào một vị Thiên Chúa độc nhất, chứ không chỉ là yếu tố cùng dòng máu, cùng tiếng nói.

Thiên Chúa đã chọn họ thành một Dân báo trước về Giáo hội Đức Kitô sau này. Bởi vì như Đức Giêsu cho thấy trong đoạn Tin mừng, Dân Mới cũng là, Dân không căn cứ trên yếu tố máu mủ, dòng họ xác thịt cho bằng trên Thiên Chúa, trên việc sống theo ý Thiên Chúa. Người ta sẽ thuộc ve Dân Mới và nên anh em với những người khác khi "làm theo ý Cha trên trời". Đây chính là yếu tố hợp nhất Dân Mới, tức là Giáo hội và thâu họp không phải mười hai chi tộc mà hết mọi chi tộc trên trần gian.

Đời sống Giáo hội và thánh lễ mỗi ngày nhắc nhở cho ta về diễm phúc mình đã được. Giống như ngàn hạt lúa miến, ngàn trái nho chín từ nhiều nơi đã nên một tấm bánh và một ly rượu, chúng ta từ mọi nơi khác nhau đã trở thành Thân Mình Đức Kitô và nên anh chị em của nhau. Sự thật này là nguồn vui cho ta, nhưng cũng là lời thôi thúc ta nên nhớ rằng: cũng như dân Do Thái xưa không được ỷ vào liên hệ máu mủ và dân tộc, ngày nay ta cũng thể cậy vào việc mình thuộc về Giáo hội như yếu tố làm cho mình đương nhiên thuộc Dân Mới và được cứu rỗi. Bởi vì chỉ khi nào ta sống theo ý Cha trên trời ta mới đang là người thật sự ở trong Giáo Hội, thật sự là anh chị em của Đức Kitô và thật sự được cứu rỗi.




THỨ TƯ

Xh 16,1-15; Mt 13,1-9

Có thể nói hai bài Tin mừng hôm nay gói ghém cả một mạc khải sâu về vị Thiên Chúa mà chúng ta tin thờ: đó là Người vô cùng nhẫn nại và quảng đại đúng theo bản chất của Người là tình yêu.

Theo đoạn sách Xuất hành, Người đã quá nhẫn nại và quảng đại đối với dân Do Thái. Khi vừa ra sa mạc, gặp đói khổ một chút, dân Do Thái đã bướng bỉnh kêu trách Người và ông Môisen. Họ nhớ về đời sống ở trong Ai Cập, với một số lần được ăn ngon, có hành có tỏi làm gia vị. Đời sống đó dĩ nhiên chỉ là đời sống của những người phải làm thân trâu ngựa, ngày ngày phải cực nhọc, mạng sống bị bấp bênh, làm sao sánh nổi với cả một tương lai trước mắt họ. Lời ca thán của họ cho thấy một sự thật bi đát: họ là dân thiển cận, chỉ muốn bám lấy cái gì có vẻ có lợi trước mắt, chứ không bao giờ biết xa và thời gian dài lâu sống trong cảnh nô lệ đã làm họ quen chịu đựng với một nếp sống có đôi chút tiện nghi và tự do, khiến đầu óc họ không còn nghĩ xa, mơ xa được. Lẽ ra trước lời oán trách đó, Thiên Chúa đã phải nổi giận vì thấy họ vô ơn và thiếu tin tưởng. Thế nhưng, Thiên Chúa đã nhận lời họ ngay và ban chim cút với manna cho họ, nói lên tình thương và sự săn sóc ân cần của Người đối với họ.

Còn theo thí dụ "Người gieo giống" của Chúa Giêsu, Thiên Chúa quảng đại đến mức phung phí đối với con người. Người gieo giống không kể chi đến hạt giống, không lựa đất để gieo hạt, vì coi đất nào cũng tốt cả, Thiên Chúa cũng không phân biệt ai, không loại bỏ ai, Người yêu thương mọi người và mọi lúc với một cường độ như nhau, Người gieo lời của Người cho hết mọi người, dành lời hứa của Người cho mọi người.

Vậy yêu thương con cái, vội vã đáp ứng những nhu cầu của con người, thương và tin hết mọi hạng người: đó chính là Thiên Chúa chúng ta tin thờ. Nơi Người đúng chỉ có yêu thương. Người là sự quảng đại bằng xương bằng thịt. Mọi điều xấu nếu có, chỉ là do phía con người: người ta kêu ca Thiên Chúa hoặc sống cằn cỗi giống như mảnh đất nhận giống mà chẳng làm nên hạt nào, khi người ta không hiểu Thiên Chúa, không rung cùng nhịp tim với Thiên Chúa.

Ta xin Chúa Giêsu Thánh Thể giúp ta hiểu về Cha chúng ta hơn và tin tưởng, ngoan ngoãn đối với Người hơn. Ta cũng xin thánh Giuse đấng đã chú tâm đối với mọi lời của Thiên Chúa và của Đức Giêsu, cho ta được nên giống Ngài, trở thành một mãnh đất tốt làm lời Chúa nảy sinh 30, 60, 100, như ý Chúa mong đợi.



THỨ NĂM

Xh 19, 1-20; Mt 15, 10-17

Đối với dân Do Thái, thời vàng son của họ về mặt tôn giáo là thời xuất hành. Các thế hệ về sau và các tiên tri hay nhắc lại giai đoạn ấy là một giai đoạn lý tưởng. Bởi vì trong giai đoạn dân Do Thái ra khỏi Ai cập, đi trên sa mạc tiến về Đất hứa, Thiên Chúa và dân chọn gần gũi nhau cách đặc biệt. Thiên Chúa yêu thương họ, tỏ rỏ quyền năng của Người bằng cách thực hiện nhiều sự lạ lùng nhãn tiền. Chẳng hạn Người phán với họ, hoặc có mặt ở giữa họ qua áng mây, cột lửa. Người đối thoại đích thân với Môisen trên núi cao. Người sánh bước bên dân ngày đêm và giúp đáp họ mọi lúc. Bài đọc I hôm nay kể lại diễm phúc họ là được chứng kiến cuộc ngự đến một cách uy nghi của Thiên Chúa để đàm đạo với Môisen, vị đại diện và lãnh tụ của họ, để khiến tòan dân vững tâm tin tưởng vào ông và đi theo sự chỉ đạo của ông.

Đúng ra thời vàng son của dân Do Thái phải là ở nơi Chúa Giêsu. Người mới là Đấng đến mạc khải hoàn toàn cho họ về Thiên Chúa, đến thực hiện những lời hứa của Thiên Chúa trong Cựu ước. Tất cả lịch sử Do Thái trước đó và các hiến cố, dù là vĩ đại nhất, chỉ đáng là hình bóng báo trước về Chúa Giêsu. Chính Ngài mới mang đến thời vàng son đáng mong đợi.

Trong bài Tin mừng hôm nay, Ngài tuyên bố là Ngài đã cho biết mầu nhiện Nước trời, đã đến nói và làm những điều mà bao nhiêu bậc vĩ nhân khao khát được trông thấy và nghe thấy mà không được. Nhưng tiếc thay, vì không tin Chúa Giêsu, vì tự mãn và khép kín trong những hiểu biết sai lầm của mình, người Do Thái sống thời Ngài đã để lỡ cơ hội. Chỉ một nhóm nhỏ môn đệ của Chúa hiểu ra, còn những người khác, giống như kẻ đau mắt không chịu được ánh sáng chói chang, chỉ được nghe các ví dụ: đây không phải là sự thiên vị của Chúa Giêsu, đây chính là dấu chỉ tình thương của Ngài, vì Ngài vẫn thương họ, vẫn ban ơn huệ cho họ, qua việc dành cho họ một ánh sáng mờ mờ như qua lớp mành mành, và ngầm mời họ đến xin thêm để lãnh nhiều hơn, mời gọi họ khiêm tốn để tai đón nhận bài dạy rồi suy nghĩ thêm để hiểu thêm.

Chúng ta là Kitô hữu đã được diễm phúc như các môn đệ ngày xưa. Chúng ta biết mình đang ở trong thời vàng son nhờ ở trong Chúa Giêsu, và đến ngày cánh chung, ta sẽ còn đạt hết mức thời vàng son này. Chúng ta xin Chúa giữ gìn chúng ta ở mãi trong Ngài, ở mãi trong lòng tin đối với Ngài và năng biết tiến lại gần Chúa, hỏi Ngài thêm, xin Ngài dạy dỗ thêm mãi, giống như các môn đệ đã làm, để chúng ta vừa không để mất diễm phúc đã có, vừa bắt đầu nếm hưởng ngay trong hiện tại những hồng ân lớn lao mà chúng ta sẽ có trên Nước Trời mai sau.



THỨ SÁU

Xh 20,1-17; Mt 13,18-23

Sau khi nhờ sự trung gian của Môisen chuẩn bị dân được tuyển chọn và hiện ra một cách oai nghi trong sấm chớp và tiếng loa vang rền, Thiên Chúa đã đàm đạo với Môisen, với Aaron trên núi rồi đã ban bố Thập Giới, tức mười điều răn cho dân như ta vừa được nghe trong bài đọc I. Thập giới quy định lối sống đạo đức và luân lý cho dân. Thập giới gồm hai phần: phần đầu là những luật liên quan đến thái độ đối với Thiên Chúa, phần sau là những luật liên quan đến thái độ đối với kẻ khác. Nhận xét về mười điều răn này, người ta thấy có hai điểm độc đáo:

Một là Thập giới có sau ân huệ của Thiên Chúa: trước khi buộc dân thi hành điều này điều nọ, Thiên Chúa đã là Đấng ban ơn cho họ, yêu thương họ trước rồi mới đòi hỏi sau. Trước khi ban bố mười điều răn, Người phán: "Ta là Giavê, Thiên Chúa của ngươi, Đấng đã đem ngươi ra khỏi đất Ai Cập, khỏi nhà tôi mọi". Trong đạo Chúa, Chúa không như ông chủ đòi kẻ làm công làm việc rồi mới trả công. Trái lại, Chúa là người cha đã sinh thành ra con cái trước, rồi mới đến con cái đáp đền tình cha. Ta cần nhớ mình giữ luật là vì mình được Thiên Chúa thương trước, vì mình muốn đáp lại tình thương hải hà của Thiên Chúa là Cha, chứ không phải tại ta có công mà Thiên Chúa phải thương ta và ban thưởng. Bao giờ ân huệ của Thiên Chúa cũng có trước, các đòi buộc thì có sau.

Điểm độc đáo thứ hai là Thập giới gồm đa số là các luật cấm, luật tiêu cực (bắt đầu bằng chữ chớ, chữ đừng), bởi đó, Thập giới là bộ luật rất sư phạm, rất phù hợp cho một dân mới ra khỏi cảnh nô lệ và còn non trẻ trong đời sống đạo đức. Ban đầu, giống như đối với một trẻ nhỏ trong gia đình, Thiên Chúa chỉ cấm dân vi phạm một số điều, chứ chưa buộc họ làm thêm điều này, điều khác. Ngoài những điều tự nhiên cần thiết cho trật tự xã hội và hợp với tình người, như thảo kính cha mẹ, tôn trọng tiếng tốt, của cải, nhà cửa, vợ cồng của kẻ khác, Thiên Chúa chỉ cấm họ mấy điều: đừng thờ thần linh nào khác, đừng lạm dụng Danh Thiên Chúa, đừng giết người…

Giống như cha mẹ chỉ đòi con nhỏ "đừng ra khỏi cửa" thế là ngoan rồi, còn ở trong nhà làm gì cũng được. Lúc nhỏ thì ở trong nhà mà chưa biết làm những việc tốt để giúp cha mẹ, càng lớn càng biết hơn. Với thời gian, đứa trẻ sẽ biết phải làm thêm việc gì ngoài việc "đừng ra khỏi cửa", sẽ hiểu ý cha mẹ thêm và tự nguyện làm việc này, việc khác để tỏ ra mình ngoan ngoãn. Nói cách khác, Thập giới vạch ra một cái khung có giới hạn, dân chỉ cần giữ một điều là đừng ra ngoài giới hạn, còn ở trong khung, họ sẽ tiến dần theo thời gian và tình mến: càng hiểu Thiên Chúa và mến Thiên Chúa, họ càng sống ngoan hiếu hơn và hơn mãi, như đứa con lớn, sẽ ngày một hiểu cha mẹ mà chẳng cần sai bảo, nó sẽ tự giác làm nhiều việc tốt để tỏ tình con quí thương cha mẹ. Do đó, cũng một bộ Thập giới sẽ sinh ra vô vàn mức độ yêu mến và rất nhiều hạng người khác nhau, kẻ mến nhiều, người mến ít, trước mặt Thiên Chúa.

Đó cũng là điều bài Tin mừng gợi đến. Các nhà giải thích kinh thánh cho rằng đoạn hôm nay không do chính Chúa Giêsu nói mà có thể đã do thánh Matthêu thêm vào, vì sau khi thấy lòng Chúa quảng đại (gieo giống cho mọi mảnh đất) các giáo hữu thời Ngài có thể có ý tưởng ỷ lại: vì hồng ân Thiên Chúa đã nhưng không như vậy, thì còn phải lo lắng làm chi nữa, Chúa đã thương như thế, cần gì phải cố gắng nữa? thánh Matthêu có ý trả lời: tuy Chúa thương thật, nhưng coi chừng, người ta có thể đón nhận Lời Chúa cách khác nhau, kẻ mộ mến, kẻ ơ hờ và do đó sẽ có kết quả khác nhau. Sẽ có người làm cho hạt giống này sinh gấp trăm mà có người lại làm cho hạt giống thối mục.

Chúng ta hôm nay cũng là những mảnh đất để Chúa gieo Lời Ngài xuống. Có điều, ta không là những mảnh đất cố định về chất lượng, mà có thể thay đổi, để từ mức xấu lên mức tốt, tùy cố gắng của ta. Xin Chúa giúp ta đừng phụ bạc hồng ân Chúa, cũng đừng chỉ là những người con chỉ lo "làm vừa đủ bộn phận", mà trái lại trở nên những người con đầy tình mến, ngày một phát huy tình mến đối với Cha và tự nguyện sáng tạo thêm mãi trong việc đáp đền tình thương quá hải hà của Cha trên trời.



THỨ BẢY

Xh 24, 3-8; Mt 13, 24-30

Trái đất tròn, xoay quanh nguồn sáng mặt trời, luôn bị che hai phần, phần sáng và phần tối. Cuộc sống trong xã hội và cuộc đời con người cũng thế, luôn bị giằng co giữa sự lành và sự dữ.

Có những sức mạnh xây dựng thì cũng có những sức mạnh tàn phá. Có những bàn tay chữa lành những vết thương thì cũng có những bàn tay đả thương. Có những tâm hồn yêu chuộng hòa bình thì cũng có những đầu óc luôn nghĩ đến chiến tranh. Sự lành và sự dữ luôn hiện diện trên thế gian, cùng xuất hiện trong đời người, đó là cả một mầu nhiệm.

Để giải đáp vấn đề khó hiểu này, tâm thức bình dân đã nghĩ ra thuyết ông thiện ông ác. Ông thiện cố gắng gieo những việc lành để làm cho cuộc sống con người được hạnh phúc. Ngược lại, người ta qui trách nhiệm về những điều bất hạnh cho ông ác.

Bài Tin mừng hôm nay cũng nêu bật sự hiện diện của sự lành và sự dữ trong xã hội và trong lòng người qua hình ảnh của cây lúa và cỏ lùng cùng mọc lên trong một thửa vườn.

Công việc của Thiên Chúa là gieo giống tốt trên trần gian, và Ngài có đủ kiên nhẫn để chờ cho đến mùa gặt.

Còn trách nhiệm của con người không nằm ở chỗ xét đoán và phá hủy cỏ lùng, nhưng được xác định trong dụ ngôn "người gieo giống", trách nhiệm của con người là phải trở nên những vùng đất tốt để tạo điều kiện cho hạt giống đâm rễ sâu và cho cây lúa lớn mạnh, đâm bông kết hạt.

Đào sâu ý nghĩa của bài dụ ngôn, chúng ta có thể tìm thấy những lý do tại sao chúng ta không nên xét đoán và càng không nên kết án kẻ khác.

Trước tiên, vì như mạ non và cỏ lùng, trước khi chúng trổ bông, người ta khó có thể phân biệt được. Cũng thế, trước khi cuộc sống của một người chấm dứt, khó có thể dán nhãn hiệu cho họ là kẻ lành hay kẻ dữ, nhất là nếu đặt cuộc sống con người trong thực tại của Nước Trời, trong thực tại của ơn Chúa.

Bài dụ ngôn khuyên chúng ta không nên chụp mũ và kết án chung thân cho ai, bởi lẽ chúng ta không có được tất cả mọi dữ kiện, chúng ta không hiểu được tất cả mọi uẩn khúc của lòng người. Vì thế không nên kết án hoặc xét đoán ai.

Cuối cùng, bài dụ ngôn nêu rõ là chỉ có một mình Thiên Chúa mới có đầy đủ quyền uy để xét sử. Và Thiên Chúa chỉ xét sử vào giai đoạn chót, khi mùa gặt đã đến, khi con người đã nhắm mắt xuôi tay.



Mới hơn Cũ hơn