Suy niệm mỗi ngày, Tuần 17 Thường niên - năm lẻ


TUẦN 17 THƯỜNG NIÊN - NĂM LẺ

THỨ HAI

Xh 32, 15-24. 30-34; Mt 13, 31-35

Khi so sánh Nước Trời với hạt cải bé nhỏ mọc thành cây lớn và nấm men làm dậy cả khối bột, Chúa Giêsu muốn ám chỉ đến một đặc tính của Nước Trời là khởi sự trong khiêm tốn, nhỏ bé, âm thầm, nhưng sẽ thành tựu một cách lớn lao và tốt đẹp. Sự thành tựu này diễn tả từ từ theo thời gian, nhưng có tính cách chắc chắn, bởi vì đó là việc do quyền năng và sự can thiệp của Thiên Chúa, chắc chắn ảnh hưởng của Nước Trời sẽ ngày càng lan rộng đến cả nhân loại và thay đổi cuộc sống con người một cách triệt để, như khối bột dậy men và đổi khác. Giáo Hội ngày nay đã đúng là một cây lớn cho nhiều dân tộc đến núp bóng, nghĩa là nhận được ơn cứu rỗi.

Nhưng sở dĩ Nước Trời dần dần mới rộng lớn và mới tác động sâu xa, sở dĩ lúc khởi đầu của Nước Trời nhỏ bé âm thầm và sự hình thành của Nước Trời có vẻ dần dần và chậm chạp, chính vì Thiên Chúa hành động một cách khác với loài người chúng ta và chính vì Thiên Chúa luôn tôn trọng tự do của con người. Đa số chúng ta thường có khuynh hướng hấp tấp và tham lam, chúng ta thích trông thấy ngay lập tức sự chiến thắng và oai hùng của Nước Trời, thích thấy đời người thay đổi tức khắc. Như người Dothái thích tôn Chúa Giêsu làm vua, bởi vì thích thấy Ngài là một vị thiên sai lẫm liệt. Nhưng Thiên Chúa hành động khác hẳn. Người muốn tỏ mình bằng những hạnh động nói lên tình thương của Người. Người muốn Nước Trời là một lời mời gọi âu yếm để mỗi người tự do đáp lại, tự do đón nhận, từ đó đời mình được đổi hẳn dần dần. Thiên Chúa không phô trương về mình bằng những việc giật gân, cũng không ép buộc sự tự do của con người.

Trong quá khứ, khi dìu dắt dân Dothái, sau khi kén chọn họ làm dân riêng của Người. Thiên Chúa đã áp dụng đường lối hành động như thế. Tuy rằng sách thánh ghi lại nhiều lời có vẻ là thẳng thừng nghiêm khắc, nhưng trong thực tế, Thiên Chúa rất dịu dàng và nhẫn nại đối với dân ấy. Người dùng tình thương và các biến cố để dần dần minh chứng chỉ có một mình Người là Thiên Chúa chân thật và yêu thương họ thật. Nhờ đó, sự lây nhiễm thói thờ ngẫu tượng (như việc họ đúc và thờ tượng bò vàng mà bài đọc Cựu ước hôm nay nói đến) cũng như hướng chiều bám vào cuộc sống trần tục, dễ dãi, phù hợp với mong muốn của mình đã giảm bớt dần dần. Tuy có thất bại, đường lối của Thiên Chúa đã đi dần đến kết quả là làm cho đạo độc thần được chấp nhận và sự hiểu biết về tình thương và sự gần gũi của Thiên Chúa được gia tăng trong dân Dothái.

Đối với chúng ta ngày nay, Thiên Chúa cũng vẫn tiếp tục cách thức dìu dắt ấy. Theo ngày tháng dần trôi, Người đang dần làm cho ảnh hưởng của Nước Trời lan rộng trong cuộc sống cá nhân và cộng đồng của chúng ta. Điều cần thiết là phía mình chúng ta biết ngoan ngùy và vâng phục đi theo bàn tay hướng dẫn của Người, biết để cho Người tự do uốn nắn con người và cuộc sống của chúng ta. Điều cần thiết là chúng ta đừng như dân Dothái thời Môisen, trở thành trở ngại cho chương trình của Thiên Chúa do thái độ ngỗ nghịch của mình.

Sự hiện diện của Chúa Giêsu Thánh Thể giữa trần gian- tuy kín ẩn, âm thầm- đang là chất men có sức thay đổi cả đời ta và cả trần gian. Bằng quyết tâm gắn bó với Ngài, theo bước Ngài, ta có thể mỗi ngày biến đời mình thành nơi cho Nước Trời lộ hiện và dần dần chiếu tỏa rực rỡ.



THỨ BA

Xh 33, 7,11,34,5b-9-28; Mt 13, 36-43

Chắc chắn đối với người Dothái thời Môisen, việc Yavê hiện đến ở nhà xếp Giao ước trong một cột mây rõ ràng và đàm đạo với Môisen là một việc lạ lùng. Lấn nào họ cũng đã phấn khởi, đã sốt sắng hẳn lên và sấp mình thờ lạy ở cửa lều trại mình.

Nhưng bên cạnh việc lạ lùng ấy, có một việc còn lạ lùng hơn mà có lẽ họ chưa nhận ra cho đủ, đó là lòng thương xót nhân hậu của Thiên Chúa. Tuy là Đấng cao cả, Thiên Chúa đã trở nên Thiên Chúa của họ, kén chọn họ, gần gũi họ, như cha gần con. Chẳng những Người đến đàm đạo thân mật với Môisen như với bạn hữu của Người, mà Người còn luôn luôn làm ngơ trước muôn ngàn tội lỗi của toàn dân. Chỉ có Môisen đã hiểu ra điều ấy và mỗi khi nhìn thấy Yavê đi qua trước mặt mình, ông chỉ biết sung sướng kêu lên: Lạy Chúa là Thiên Chúa từ bi, nhân hậu, nhẫn nại lân tuất: đúng là Chúa có phạt con cháu của kẻ gian ác đến ba bốn đời, nhưng Chúa lại xót thương đến ngàn đời. Chúa lại luôn tha thứ gian ác, độc giữ và tội lỗi. Khác với Môisen, dân Dothái chưa nhận ra tình thương đó của Thiên Chúa cho đủ, nên họ không ngừng phản loạn với Thiên Chúa. Môisen buộc phải gọi họ là "Dân cứng đầu".

Vào thời của Giáo Hội tiên khởi, nhiều kẻ đã tin Chúa Giêsu và thuộc về Giáo Hội cũng không nhận ra lòng lân tuất nhẫn nại của Thiên Chúa, nên thay vì đáp đền tình thương của Thiên Chúa, họ lại sa sút trong lòng đạo và trở nên gương mù gương xấu trong cộng đoàn. Đoạn Tin Mừng giải thích ví dụ cỏ lùng hôm nay dường như muốn đề cập đến tình trạng của môi trường tín hữu Dothái: một số tín hữu có nguội lạnh đi so với lúc ban đầu hoặc đã sa ngã. Đó là do tác động của ma quỷ, nhưng cũng do thay đổi bất nhất về phía con người. Điều khiến Lời Chúa phải cảnh cáo là chắc chắn thời phán xét và tiêu diệt, tuy chưa đến, nhưng thể nào cũng đến, và đó sẽ là lúc mọi kẻ làm gương xấu và làm điều ác sẽ bị loại ra khỏi Nước Trời.

Giống như dân Dothái, đa số chúng ta cũng dễ hứng khởi trước những việc lạ lùng mà mắt mình có thể chứng kiến. Thật ra, lòng nhẫn nại và rộng lòng tha thứ của Thiên Chúa mới là điều lạ lùng đáng ta nhận biết mỗi ngày và tận tình đáp lại.

Ta hãy coi mỗi ngày sống như một hồng ân lớn lao Chúa ban, và bằng thái độ chọn Chúa, sống theo hat giống Tin Mừng, bằng việc tận dụng giây phút hiện tại Chúa ban, ta xác định mình không là "con cái gian ác" nữa mà đang ngày càng sống nên con cái Nước Trời.



THỨ TƯ

Xh 34, 29-35; Mt 13, 44-45

Khi mô tả vẻ mặt sáng láng rực rỡ của ông Môisen, đoạn sách xuất hành vừa muốn kể lại diễm phúc lạ lùng mà ông Môisen đã nhận được, vừa muốn cho thấy sự thay đổi kỳ diệu đã xảy ra cho một kẻ được diện đối diện với Thiên Chúa. Vẻ mặt sáng láng của ông diễn tả ông không còn là con người trần tục, mà đã thuộc về một thế giới khác và đứng trước thế gian, ông trở nên chói lòa, đối chọi hẳn với sự tối tăm và tầm thường của thế giới.

Trong bài Tin Mừng, Chúa Giêsu cũng muốn nói đến sự thay đổi triệt để trong đời những kẻ có diễm phúc gặp được Nước Trời. Ngài ví Nước Trời ấy với kho tàng được chôn dấu trong ruộng, với viên ngọc quí vì Ngài muốn cho thấy Nước Trời là một thực tại lớn lao quá đỗi, một sự thực mang lại sự vui sướng tột bậc cho đời người, một sự thực quá quí giá khiến người ta phải "hoa mắt" đến đỗi mọi thứ khác đều lu mờ đi, mọi giá trị mình từng đeo đuổi từ trước đều biến đi như không. Dụ ngôn của Ngài muốn mời gọi người ta từ bỏ mọi sự để được vào Nước Trời, nhưng nhất là muốn giới thiệu với người ta về giá trị vô cùng lớn lao của Nước Trời, khiến ai đến với Nước Trời, thì đời sống hoàn toàn đổi khác và chỉ đầy niềm vui như người lái buôn gặp được kho báu hay ngọc quí.

Thật sự, theo mong muốn của Thiên Chúa, diễm phúc của Môisen và của kẻ vui mừng vì gặp được Nước Trời không là diễm phúc chỉ thuộc riêng về Môisen hay một số người, mà phải là diễm phúc của mọi người. Thiên Chúa ao ước cho mọi người Dothái đều có vẻ mặt sáng láng rực rỡ như Môisen, nghĩa là được phản chiếu sự thánh thiện của Người và trở nên đối chọi hẳn với những gì có tính cách trần tục. Chúa Giêsu cũng muốn đời sống của mọi người thay đổi triệt để bởi đó là đời của những kẻ đã gặp niềm hạnh phúc và niềm vui sướng vô song. Tiếc rằng, trong thực tế đời sống chúng ta chưa ý thức về Nước Trời cho đủ, chưa tiếp xúc đàm đạo thân mật với Chúa cho đủ, chưa liều từ bỏ mọi sự và quyết tìm Nước Trời cao quí cho đủ.

Xin Chúa Giêsu, Đấng đã hoàn toàn từ bỏ thế gian mà về cùng Cha, Đấng đang sống hết mình cho Cha đến nỗi nhìn Ngài là người ta trông thấy Cha, xin Ngài làm cho chúng ta ngày càng kết hợp với Ngài trong sự từ bỏ để đời sống ta được ảnh hưởng của Nước Trời biến đổi và khi tiếp xúc với chúng ta, người đời nhìn ra được nét phản ánh Thiên Chúa trên khuôn mặt và trong lối sống chúng ta, để đến lượt họ, họ cũng bỏ mọi sự thế gian mà đến với Nước Trời.



THỨ NĂM

Xh 40,14-19.32-36; Mt 13,47-53

Tùy dụ ngôn chúng ta vừa nghe có nói đến việc lựa chọn cá tốt, cá xấu tức là ám chỉ đến tính cách chọn lựa phân minh của Nước Trời. Nhưng trong thực tế, Nước Trời trước tiên là Nước dành cho hết mọi người, là lời mời được ngỏ cho mọi hạng người bất kể tốt, xấu "giống như lưới thả dưới biển, bắt được mọi thứ cá". Bởi vì Thiên Chúa là Đấng yêu thương, vòng tay của Người chỉ muốn ôm choàng lấy hết mọi người. Trong hiện tại là lúc chúng ta đang sống, Người không ngừng mời gọi và sẵn sàng chờ đón kẻ tốt cũng như người xấu. Thời hiện tại cũng là thời Người thi thố lòng nhân nhượng và kiên nhẫn chịu đựng của Người. Chính vì thế, nhiều khi bản thân chúng ta tội lỗi mà vẫn sống an lành, nhiều người có đời sống xấu xa mà vẫn không bị trừng phạt. Rõ ràng Thiên Chúa tôn trọng sự tự do của con người và để mỗi người tự định đoạt lấy số phận của mình. Đến ngày phán xét, người ta sẽ thuộc số cá tốt được kén chọn hay thuộc số cá xấu bị vất bỏ, điều đó hoàn toàn tùy thuộc mỗi người. Thiên Chúa thì luôn nhân từ và nhân nhượng, chỉ có con người tự mình làm cho mình nên kẻ được chọn, hay nên kẻ bị hất bỏ.

Lịch sử dân Dothái đã chứng minh cho chúng ta về sự thật ấy. Theo bài đọc thứ nhất ta vừa nghe, hồi mới được Thiên Chúa cứu khỏi cảnh lầm than ở Aicập, họ là một đoàn dân được gần gũi với Thiên Chúa và được Thiên Chúa ân cần dìu dắt. Để nâng đỡ họ trong buổi đầu theo Người, Thiên Chúa thực hiện nhiều dấu lạ như tỏ mình qua đám mây hữu hình, như dùng đám mây dẫn đường cho họ suốt thời gian xuất hành của họ. Khi họ chiếm đất hứa và cư ngụ trong đất hứa, Thiên Chúa sẽ còn tiếp tục nuông chiều họ bằng việc ban cho họ muôn ngàn hồng ân. Thế nhưng, với thời gian, tinh thần sốt sắng của họ lúc ban đầu đã sa sút. Họ phản bội giao ước, họ hùa theo lối sống của dân ngoại, đến nỗi Thiên Chúa buộc lòng phải thanh lọc họ. Và cuối cùng chỉ còn một số sót sống đúng với tư cách Dân được tuyển chọn. Lịch sử dân Dothái rất gần với hình ảnh chọn cá tốt loại bỏ cá xấu.

Bởi đó, qua dụ ngôn hôm nay, Chúa Giêsu cũng muốn cảnh giác chúng ta về thời phán xét và về nguy cơ bị loại bỏ khỏi Nước Trời. Không ai được quá vui mừng vì đã tìm được Nước Trời mà quên viễn tượng phán xét. Để khỏi bị loại, ta cần biết lợi dụng lúc hiện tại, là lúc Thiên Chúa còn kiên nhẫn chờ đợi, và lo thực thi mọi lệnh truyền của Chúa trong Cựu ước và trong Tân ước, như chủ nhà biết lợi dụng những cái mới, cái cũ trong kho của mình.

Hằng ngày, qua bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu là Nước Trời ở giữa trần gian. Ta xin Ngài cho ta luôn còn là người sống trong Nước Trời, thuộc về Nước Trời và xin Ngài ngày càng biến đổi đời ta nên tốt, để mãi mãi ta xa khỏi nguy có bị loại khỏi Nước Trời.


THỨ SÁU

Lv 23,1,4-11.15-16.27.34b-37; Mt 13,54-58

Việc dân Dothái có nhiều ngày lễ lớn, nhỏ, không phải là chuyện lạ lùng. Hầu như dân tộc nào trên thế giới cũng đều có ngày lễ như vậy. Dân Dothái - ngay từ khi trở thành một cộng đồng, một đại gia đình - đã giống các dân khác là có những ngày kỷ niệm lịch sử, những ngày lễ gắn liền với đời sống du mục và nông nghiệp của mình. Chính vì thế mà họ có lễ đầu mùa gặt, đánh dấu lúc khởi sự gặt hái, lễ ngũ tuần đánh dấu lúc gặt hái xong, cách năm mươi ngày sau đó… Điều đáng nói là sau khi có sự can thiệp của Thiên Chúa vào lịch sử của họ, tất cả các ngày lễ sẵn có của họ đều thay đổi ý nghĩa và mang lấy ý nghĩa mới. Dân Dothái khác với mọi dân tộc ở chỗ là Thiên Chúa đã đến với họ, đã trở nên gần gũi với họ, đã dấn mình vào lịch sử của họ. Từ đó, lịch sử của họ được đánh dấu bằng những lần Thiên Chúa ra tay can thiệp để giải thoát họ ra khỏi Aicập, để giao ước với họ và chọn họ làm dân riêng, hay để tha tội cho họ. Cũng từ đó, các ngày lễ họ cử hành hằng năm đều mang tính cách tôn giáo, đều là những dịp toàn dân ôn nhớ lại cuộc giải phóng và tình thương hải hà của Thiên Chúa. Lễ lớn nào cũng đều là kỷ niệm của một biến cố lớn trong quá khứ và là cơ hội nhắc nhở dân nhớ đến tình thương trong hiện tại của Thiên Chúa và mong chờ một biến cố yêu thương vĩ đại hơn nữa trong tương lai. Thật sự các ngày lễ lớn của dân tộc ấy rất súc tích về ý nghĩa, như bài đọc thứ nhất cũng vừa gợi ra cho chúng ta thấy.

Các yếu tố quyết định đã thay đổi lịch sử dân Dothái và mang lại ý nghĩa sâu sắc cho các ngày lễ của họ, đó là việc Thiên Chúa đã đi vào lịch sử của dân ấy, đã nên vị thần linh quá gần gũi với họ, hoạt động giữa lòng cuộc sống của họ, để làm cho dân ấy thành dân thánh, làm cho cuộc sống bình thường của dân ấy thành một cái gì thánh thiêng. Lịch sử dân Dothái là lịch sử về một vị Thiên Chúa đến gần với con người, sống kề bên con người một cách thân thiết, đến nỗi cuối cùng, Người đã làm người, đã nên một con người ở giữa loài người. Đó là lúc Người cho chính Con Một của Người nhập thể, sống một cuộc sống bình dị, khiêm hèn, không còn vẻ sáng láng rực rỡ khiến con người phải lóa mắt. Theo dòng lịch sử Dothái, Thiên Chúa thật đã miệt mài sống cho con người, đã dấn thân và yêu thương ngày một hơn, cho đến mức từ bỏ địa vị cao sang, mặc lấy thân phận con người. Tiếc thay, dân Dothái đã chẳng hiểu ra tình thương ấy của Người. Biết bao lần, họ đã quay lưng lại với Thiên Chúa, đã khước từ và giết hại các ngôn sứ đại diện cho Người; và theo đoạn Tin Mừng, chính người đồng hương Nazareth đã khước từ Con Một của Người bằng thái độ coi thường và cứng tin.

Diễm phúc ấy của dân Dothái ngày nay đã trở thành diễm phúc của người Kitô hữu chúng ta. Cuộc sống hằng ngày của ta - về mặt thiêng liêng - chẳng còn là cuộc sống trần tục và tăm tối nữa, bởi vì mọi lúc Thiên Chúa đang hiện diện trong đó. Giữa mọi ngày sống và mọi lúc lao nhọc của ta, có Chúa Giêsu Thánh Thể đang sống kề bên ta, dù ta nhớ đến hay không nhớ đến Ngài. Nhờ Ngài, cõi thế đang trở thành thánh thiêng, đời ta đang trở thành thánh thiêng. Ước gì ta luôn có ý thức sống động về điều đó để không để mất diễm phúc vĩ đại của mình, nhưng để đời sống tầm thường của mình mỗi ngày được thánh hóa và chiếu tỏa sự hiện diện của Thiên Chúa và của Đức Kitô.



THỨ BẢY

Lv 25,1.8-17; Mt 14,1-12

Khi suy nghĩ về lịch sử dân Dothái, người ta có lý mà kinh ngạc và thốt lên rằng: Quả thật chẳng có dân tộc nào đã có Thần Linh của mình đi gần gũi với mình đến thế và quả thật, chẳng có dân tộc nào có một bộ luật đầy tính nhân đạo cho bằng bộ luật của dân ấy. Ta phải nhận rằng những điều luật mà sách Lêvi vừa mô tả phải phát xuất từ Thiên Chúa, Đấng được định nghĩa là tình yêu.

Thật vậy, khi kén chọn dân Dothái, ý định đầu tiên của Thiên Chúa là muốn biến dân ấy thành đoàn con nghĩa thiết của mình và biến mọi người trong dân ấy thành anh em ruột thịt của nhau. Người là tình yêu nên Người chỉ nhắm một mục tiêu là mở ra giữa trần gian một "nền văn minh của tình yêu", một kỷ nguyên mà tình yêu là nồng cốt trong mọi cư xử giữa người với người. Hết mọi điều luật Người ra cho Dân được tuyển chọn chẳng có mục đích nào khác là làm cho họ thành những con người tự do và yêu thương: tự do khỏi mọi thần linh giả tạo áp chế họ, để họ làm con cái thong dong trước mặt Thiên Chúa chân thật - tự do khỏi mọi thói hẹp hòi ích kỷ độc ác, để họ sống nên huynh đệ ruột thịt với nhau.

Khi ban hành luật toàn xá được áp dụng năm mươi năm một lần, như ta vừa nghe trong bài đọc I, Thiên Chúa muốn tuyệt trừ mầm mống tạo ra sự bất công và bất bình đẳng trong xã hội Dothái. Cứ năm mươi năm một lần, các chủ ruộng đã vì sa cơ lỡ vận phải bán ruộng, cầm ruộng, lại được nhận lại ruộng mình và tài sản trong xã hội lại được phân chia đồng đều. Đó là một trong những luật cho thấy tính nhân đạo sâu xa của bộ luật Dothái. Đó phải là luật do vị Thiên Chúa tình yêu nghĩ ra, như cũng xác nhận: "Sở dĩ có các luật đó và các người phải giữ, vì Ta là Thiên Chúa của các ngươi".

Bởi vì Thiên Chúa quá biết rằng: khi không có biện pháp để kìm hãm lòng tham của con người, tất nhiên người ta sẽ tha hồ thu góp của cải cho mình, tha hồ gian xảo với đồng loại để có lợi cho bản thân, tha hồ đè bẹp bóc lột nhau. Từ đó có sự bất bình đẳng xã hội, có tình trạng kẻ giàu lạm quyền ức hiếm kẻ nghèo, bởi vì quyền vẫn thường đi đôi với tiền. Câu chuyện về Hêrôđê trong bài Tin Mừng hôm nay chứng minh điều đó. Khi luật Chúa bị khinh màng thì ngay giữa lòng Dân được tuyển chọn, vẫn nổi lên những mẫu người phi nhân, dùng quyền lực áp chế cả anh ruột của mình để chiếm đoạt vợ của anh, nhưng lại nhu nhược trước tiếng nói của lương tâm và của người công chính.

Giáo Hội mà Chúa Giêsu thiết lập là Israel mới. Giáo Hội cũng được mời gọi trừ tuyệt khỏi mình mọi hình thức bất công, gian ác, áp lực đối với nhau, để giới thiệu mình như là cộng đồng yêu thương trước mặt thế gian. Để Giáo Hội được như vậy, mỗi người chúng ta cần thực thi lòng mến trong đời sống, cần sống sao để mọi người thấy rằng chúng ta luôn có lòng yêu thương, và chúng ta luôn cư xử với nhau theo sự dịu dàng, quên mình, khiêm tốn chứ không theo sự độc ác và áp bức đối nhau.

Nhưng để có thể thực thi lòng mến, chúng ta cần nhớ tới ơn thiêng của Thiên Chúa mà hằng ngày Chúa ban cho ta qua các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể, nhờ đó lòng ta bớt ích kỷ, tham lam, và hằng ngày thêm quảng đại, thêm tinh thần từ bỏ để nên giống Đức Giêsu nghèo khó và dạt dào tình thương.



Mới hơn Cũ hơn