The Assumption of Virgin Mary by Guido Reni (1638-9) |
Trong buổi đọc kinh Truyền tin cùng với các tín hữu tại quảng trường thánh Phêrô, lễ Đức Maria Hồn Xác Lên Trời, Đức Thánh cha Phanxicô đã kêu gọi mọi người hãy nắm chắc hai bí quyết của Chúa Giêsu và Mẹ Maria : "Chúa Giêsu và Mẹ Maria cùng đi trên một con đường: hai cuộc đời đi lên, tôn vinh Thiên Chúa và phục vụ anh em". Dưới đây là nguyên văn bài chia sẻ của Đức Thánh Cha.
Anh chị em thân mến!
Hôm nay, mừng trọng thể Đức Trinh Nữ Maria Hồn Xác Lên Trời, chúng ta cùng chiêm ngắm Mẹ thăng thiên cả hồn lẫn xác trong vinh quang Thiên Quốc. Bài Tin Mừng hôm nay cũng giới thiệu Mẹ cho chúng ta khi Mẹ đi lên, lần này là “lên miền đồi núi” (Lc 1,39). Tại sao Mẹ lại đi lên đó? Để giúp đỡ người chị họ của mình là Elizabeth, và ở đó, Mẹ đã công bố bài ca hân hoan Magnificat. Mẹ Maria lên trời và Lời Chúa mặc khải cho chúng ta những nét đặc trưng của Mẹ khi đi lên cao: phục vụ tha nhân và ngợi khen Thiên Chúa. Cả hai điều này: Đức Maria là người nữ phục vụ tha nhân, và là người nữ ca ngợi Thiên Chúa. Ngoài ra, thánh sử Luca thuật lại chính cuộc đời của Chúa Giêsu như một cuộc đi lên, hướng tới Giêrusalem, nơi Người tự hiến trên thập giá; và thánh Luca cũng mô tả cuộc hành trình của Đức Maria theo cách tương tự. Tóm lại, Chúa Giêsu và Mẹ Maria cùng đi trên một con đường: hai cuộc đời đi lên, tôn vinh Thiên Chúa và phục vụ anh em. Chúa Giêsu là Đấng Cứu Chuộc, Đấng hiến mạng sống vì chúng ta, vì sự công chính của chúng ta. Mẹ Maria như người tôi tớ ra đi phục vụ: hai cuộc đời chiến thắng sự chết và sống lại; hai cuộc sống có bí quyết là phục vụ và ca ngợi. Chúng ta hãy xem xét kỹ hơn hai khía cạnh này: phục vụ và ngợi khen.
Phục vụ: Chính khi chúng ta cúi xuống phục vụ anh em của mình là chúng ta đang đi lên: chính tình yêu nâng cao cuộc sống. Chúng ta đi phục vụ anh em của chúng ta và qua việc phục vụ này, chúng ta “đi lên cao”. Nhưng phục vụ thì không hề dễ dàng: Đức Mẹ, người vừa mới thụ thai, đã đi gần 150 cây số từ Nazareth đến nhà của bà Elizabeth. Giúp đỡ thì có giá trị cho tất cả chúng ta! Chúng ta luôn trải nghiệm điều này trong sự mệt mỏi, kiên nhẫn và lo lắng khi chăm sóc người khác. Ví dụ, chúng ta hãy nghĩ về số kilômét mà nhiều người di chuyển hàng ngày đến và trở về từ công sở và rất nhiều trách vụ mà họ thực hiện cho người khác; chúng ta hãy nghĩ đến sự hy sinh thời gian và giấc ngủ cho việc chăm sóc trẻ sơ sinh hoặc người già; nỗ lực phục vụ những người không có gì để đền đáp, trong Giáo hội và trong công việc thiện nguyện. Tôi rất khâm phục hoạt động thiện nguyện. Nó khó nhọc, nhưng nó hướng lên cao, vươn tới Thiên đàng! Đây là sự phục vụ đích thực.
Nhưng sự phục vụ có nguy cơ trở nên cằn cỗi nếu không biết ngợi khen Chúa. Thật vậy, khi Đức Maria vào nhà người chị họ, Mẹ ngợi khen Chúa. Mẹ không kể lể về sự mệt mỏi của mình sau chuyến đi, mà là một bài hát hân hoan phát ra từ con tim mẹ. Vì ai yêu Chúa thì biết ngợi khen. Và bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy “dòng thác ca ngợi: hài nhi nhảy mừng trong lòng bà Êlisabét (x. Lc 1,44); bà Êlisabét thốt lên những lời chúc tụng và “mối phúc thứ nhất”: “Phúc thay người đã tin” (Lc 1,45); và mọi sự đạt tới tột đỉnh nơi Đức Maria, người đã hát bài ca Magnificat (x. Lc 1:46-55). Khen ngợi làm tăng niềm vui. Lời khen giống như một cái thang: nó đưa tâm hồn lên cao. Lời khen nâng cao tâm hồn và đánh bại cám dỗ của sự ngã lòng. Những người nhàm chán, những người sống bằng những câu chuyện tầm phào, không có khả năng khen ngợi phải không? Chúng ta hãy tự hỏi: tôi có khả năng khen ngợi không? Thật tốt biết bao khi khen ngợi Chúa mỗi ngày và khen ngợi người khác nữa! Thật tốt biết bao khi sống trong sự biết ơn và hạnh phúc thay vì hối tiếc và phàn nàn, ngước mắt nhìn lên thay vì mang cái mõm dài! Than phiền: có những người than thở mỗi ngày. Nhưng hãy thấy rằng Chúa ở gần bạn, hãy thấy rằng Ngài đã dựng nên bạn, hãy thấy những điều Ngài đã ban cho bạn. Ngợi khen, hãy ngợi khen! Và đây là sức khỏe tinh thần.
Phục vụ và khen ngợi. Chúng ta hãy tự hỏi: những công việc và nghề nghiệp tôi đang làm hàng ngày mang tinh thần phục vụ hay ích kỷ? Tôi có cống hiến hết mình cho ai đó mà không tìm kiếm lợi ích trước mắt không? Tóm lại, tôi có lấy việc phục vụ làm “bàn đạp” cho đời mình không? Và hãy nghĩ về lời ngợi khen: tôi có giống như Mẹ Maria, hân hoan trong Chúa không (x. Lc 1,47)? Tôi có cầu nguyện, chúc tụng Chúa không? Và sau khi khen ngợi Chúa, tôi có lan tỏa niềm vui của Ngài cho những người tôi gặp không? Mỗi người trong anh chị em hãy cố gắng trả lời những câu hỏi này.
Xin Mẹ của chúng ta, Mẹ Thăng Thiên, giúp chúng ta thăng tiến mỗi ngày qua việc phục vụ và ngợi khen.
G. Võ Tá Hoàng